Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 7.
Khoa học tự nhiên 7 Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật
A. Lý thuyết KHTN 7 Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật
1. Ảnh hưởng của một số nhân tố chủ yếu đến sinh trưởng và phát triền của sinh vật
- Một số nhân tố môi trường bên ngoài cơ thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật: nhiệt độ, ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng,…
- Một số nhân tố môi trường bên trong cơ thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật: hormone, yếu tố di truyền, giới tính,…
1.1. Ảnh hưởng của nhiệt độ
- Mỗi loài sinh vật thích hợp với một điều kiện nhiệt độ nhất định gọi là giới hạn sinh thái về nhiệt độ, nếu nằm ngoài giới hạn sinh thái đó thì quá trình sinh trưởng của chúng sẽ bị ảnh hưởng.
- Ví dụ:
+ Đối với ruồi giấm: Chu kì sống của chúng là 10 ngày nếu nhiệt độ ở 25oC. Nếu nhiệt độ ở 18oC thì chu kì sống là 17 ngày.
Ảnh hưởng của nhiệt độ tới chu kì sống của ruồi giấm
+ Đối với cá rô phi: Nhiệt độ dưới 5,6oC hoặc trên 42oC thì cá chết.
Sơ đồ mô tả ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự sinh trưởng và phát triển
của cá rô phi ở Việt Nam
+ Đối với cây lan hồ điệp: Khoảng nhiệt độ từ 25 oC – 31 oC là khoảng nhiệt độ mà lan hồ điệp có tỉ lệ sống cao nhất, cây có số lá nhiều nhất, chiều dài lá dài nhất, độ rộng của lá lớn nhất. Trên 31 oC và dưới 25 oC, các chỉ số này sẽ giảm dần.
Ảnh hưởng của nhiệt độ đến sinh trưởng của lan hồ điệp
1.2. Ảnh hưởng của ánh sáng
- Ánh sáng là nhân tố cơ bản, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật.
- Ví dụ:
+ Sự phân tầng của thực vật ở rừng mưa nhiệt đới do nhu cầu sử dụng ánh sáng khác nhau của các loài sinh vật: thực vật ưa sáng sẽ ở tầng cao còn thực vật ưa bóng sẽ ở tầng sàn rừng.
Sơ đồ sự phân tầng của thực vật ở rừng mưa nhiệt đới
+ Mùa đông, thời gian chiếu sáng trong ngày ngắn, các loài sâu ăn lá ngừng sinh sản.
Ánh sáng ảnh hưởng tới sinh sản của sâu ăn lá
+ Việc sưởi nắng vào ban ngày giúp chó, mèo tận dụng ánh sáng mặt trời để tăng cường sản sinh ra vitamin D giúp phát triển xương. Đồng thời, việc phơi nắng cũng giúp các động vật này thu thêm nhiệt từ môi trường và giảm mất nhiệt trong những ngày trời rét, tập trung các chất để xây dựng cơ thể, thúc đẩy sinh trưởng, phát triển.
Mèo phơi nắng
1.3. Ảnh hưởng của nước
- Nước là nhân tố đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mọi sinh vật. Nước tham gia vào các quá trình sống trong cơ thể nên thiếu nước sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.
- Ví dụ:
+ Cây bị héo vì thiếu nước.
Cây bị héo do khô hạn
+ Người bị thiếu nước có biểu hiện sốt, da khô, môi nứt nẻ,…
Biểu hiện của người bị thiếu nước
1.4. Ảnh hưởng của dinh dưỡng
- Dinh dưỡng (thức ăn) là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của sinh vật.Thiếu hay thừa dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.
- Ví dụ:
+ Cây lúa nếu thiếu đạm thì sinh trưởng chậm, còn nếu thừa đạm thì sẽ có thể sinh trưởng nhanh nhưng phát triển chậm.
Biểu hiện của lúa khi thiếu đạm, thừa đạm
+ Trẻ em thiếu dinh dưỡng dẫn tới bệnh suy dinh dưỡng, thừa chất dinh dưỡng dẫn tới bệnh béo phì.
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến thể trạng của trẻ
2. Ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong thực tiễn
2.1. Ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong trồng trọt
- Vận dụng sinh trưởng và phát triển trong trồng trọt để điều khiển sinh trưởng và phát triển của cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
- Ví dụ:
+ Sử dụng các chất kích thích làm cho cây ra rễ, tăng chiều cao, rút ngắn thời gian sinh trưởng, nhằm tăng năng suất. Khi sử dụng chất kích trong trồng trọt, cần thận trọng và tuyệt đối tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Khoai tây được tiêm hormone kích thích mọc mầm sớm
+ Điều khiển yếu tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng,… để tận dụng nguồn ánh sáng, nguồn dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp với đặc tính sinh trưởng và phát triển của mỗi loài cây trồng khác nhau.
Trồng xen canh ngô và lạc
Ủ rơm chống rét cho cây trồng
2.2. Ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong chăn nuôi
- Vận dụng sinh trưởng và phát triển trong chăn nuôi để điều khiển sinh trưởng và phát triển của vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
- Ví dụ:
+ Điều hoà sinh trưởng và phát triển ở vật nuôi bằng sử dụng các loại vitamin, khoáng chất kích thích sự trao đổi chất, thúc đẩy sinh trưởng, phát triển của vật nuôi như bổ sung vitamin A, C, D, E... cho lợn, trâu, bò;…
+ Điều khiển yếu tố môi trường để làm thay đổi tốc độ sinh trưởng và phát triển của vật nuôi như đảm bảo cân đối chất lượng, số lượng thức ăn; cải tạo chuồng trại đủ ánh sáng, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè; tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi;…
Điều chỉnh nhiệt độ trong buồng nuôi tằm
2.3. Vận dụng sinh trưởng và phát triển trong phòng trừ côn trùng, sâu hại
- Hiểu biết về vòng đời của một số động vật gây hại giúp chúng ta có biện pháp tiêu diệt và phòng trừ hợp lí bằng cách cắt đứt một giai đoạn nào đó trong vòng đời của chúng.
- Ví dụ: Để diệt muỗi, người ta thường loại bỏ các vũng nước đọng để tránh muỗi đẻ trứng, hoặc tiêu diệt ấu trùng vì đây là giai đoạn dễ tác động nhất trong vòng đời của chúng.
Vòng đời của muỗi
B. Trắc nghiệm KHTN 7 Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật
Câu 1. Biểu hiện của cây khi thừa chất dinh dưỡng là
A. cây sinh trưởng và phát triển kém, thân còi cọc, lá ít và nhạt màu.
B. cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, đầy đủ lá, lá xanh mượt.
C. cây sinh trưởng và phát triển quá mạnh nhưng lá ít, nhạt màu, dễ gãy rụng.
D. cây sinh trưởng và phát triển quá mạnh nhưng thân bị yếu, dễ gãy, lá dễ gãy rụng.
Đáp án đúng là: D
- Cây thừa dinh dưỡng: cây sinh trưởng và phát triển quá mạnh, vượt trội về chiều cao, số lá nhưng thân bị yếu, dễ gãy, lá dễ gãy rụng.
- Cây thiếu dinh dưỡng: cây sinh trưởng và phát triển kém, thân còi cọc, lá ít và nhạt màu.
- Cây đủ chất dinh dưỡng: cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, đầy đủ lá, lá xanh mượt.
Câu 2. Khi sử dụng chất kích thích để điều hòa sinh trưởng và phát triển của cây trồng cần
A. sử dụng vào thời điểm ngay sau khi hạt nảy mầm hoặc trước khi cây ra hoa để đảm bảo an toàn thực phẩm.
B. tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của các nhà sản xuất và các chuyên gia để đảm bảo an toàn thực phẩm.
C. sử dụng cùng một loại chất kích thích cho tất cả các loại cây trồng để đảm bảo an toàn thực phẩm.
D. sử dụng cùng một liều lượng chất kích thích cho tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đáp án đúng là: B
Tồn dư của chất kích thích sinh trưởng trong nông phẩm có thể gây hại cho người sử dụng → Khi sử dụng chất kích thích để điều hòa sinh trưởng và phát triển của cây trồng cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của các nhà sản xuất và các chuyên gia để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Câu 3. Cho các biện pháp sau:
(1) Tạo giống lai giữa mướp đắng với mướp cho năng suất cao
(2) Điều chỉnh nhiệt độ buồng nuôi tằm để tạo điều kiện tốt nhất cho tằm phát triển
(3) Trồng xen canh mía và bắp cải để thu được hiệu quả kinh tế cao cho người trồng
(4) Xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín có máng ăn, uống tự động, quạt thông khí làm cho hiệu quả chăn nuôi được tăng rõ rệt
Số biện pháp là ứng dụng các nhân tố môi trường bên ngoài để điều hòa sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Đáp án đúng là: C
Biện pháp là ứng dụng các nhân tố môi trường bên ngoài để điều hòa sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi là: (2), (3), (4).
(1) là ứng dụng của nhân tố bên trong do việc lai giữa mướp đắng với mướp sẽ giúp thay đổi yếu tố di truyền của cây tạo ra.
Câu 4. Việc trồng xen canh giữa cây mía và cây bắp cải đem đến lợi ích nào sau đây?
A. Mía tạo bóng râm cho bắp cải phát triển; bắp cải giúp giữ ẩm cho đất trồng mía, ngăn cản sự phát triển của cỏ dại.
B. Bắp cải tạo bóng râm cho mía phát triển; mía giúp giữ ẩm cho đất trồng bắp cải, ngăn cản sự phát triển của cỏ dại.
C. Mía tạo ra chất khoáng cho bắp cải phát triển; bắp cải giúp giữ ẩm cho đất trồng mía, ngăn cản sự phát triển của cỏ dại.
D. Bắp cải tạo ra chất khoáng cho mía phát triển; mía giúp giữ ẩm cho đất trồng bắp cải, ngăn cản sự phát triển của cỏ dại.
Đáp án đúng là: A
Trong hình thức trồng xen canh giữa cây mía và cây bắp cải, mía tạo bóng râm cho bắp cải phát triển; bắp cải giúp giữ ẩm cho đất trồng mía, ngăn cản sự phát triển của cỏ dại.
Câu 5. Quan sát vòng đời của muỗi sau đây:
Để tiêu diệt muỗi hiệu quả, nên tác động vào các giai đoạn nào sau đây?
A. Giai đoạn trứng và giai đoạn ấu trùng.
B. Giai đoạn trứng và giai đoạn muỗi trưởng thành.
C. Giai đoạn nhộng và giai đoạn muỗi trưởng thành.
D. Giai đoạn muỗi tiền trưởng thành và giai đoạn muỗi trưởng thành.
Đáp án đúng là: A
Để tiêu diệt hiệu quả, người ta thường loại bỏ các vũng nước đọng để tránh muỗi đẻ trứng vào đó hay tiêu diệt ấu trùng vì đây là các giai đoạn dễ tác động nhất trong vòng đời của chúng.
Câu 6. Quan sát sơ đồ mô tả ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi ở Việt Nam sau:
Khoảng nhiệt độ thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi ở Việt Nam là
A. 0oC đến 23oC.
B. 23oC đến 37oC.
C. 37oC trở lên.
D. 23oC trở lên.
Đáp án đúng là: B
Khoảng nhiệt độ thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi ở Việt Nam là 23oC đến 37oC.
Câu 7. Trẻ em không được tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng dễ mắc phải bệnh nào sau đây?
A. Bệnh quáng gà.
B. Bệnh bướu cổ.
C. Bệnh suy tim.
D. Bệnh còi xương.
Đáp án đúng là: D
Dưới tác động quang hóa của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời, tiền vitamin D ở dưới da sẽ chuyển thành vitamin D. Nhiều trẻ vì cha mẹ giữ gìn quá kĩ hoặc không có điều kiện cho tắm nắng dẫn đến việc thiếu hụt vitamin D dẫn đến bệnh còi xương.
Câu 8. Cho các biểu hiện sau:
(1) Môi khô nứt nẻ
(2) Mệt mỏi
(3) Sốt
(4) Chóng mặt
Số biểu hiện của người bị thiếu nước là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Đáp án đúng là: D
Biểu hiện của người bị thiếu nước là: môi khô nứt nẻ, mệt mỏi, sốt, chóng mặt.
Câu 9. Cho bảng thông tin sau:
Cột A |
Cột B |
(1) Nhân tố môi trường bên trong (2) Nhân tố môi trường bên ngoài |
(a) Hormone (b) Nhiệt độ (c) Ánh sáng (d) Yếu tố di truyền (e) Nước (f) Chất dinh dưỡng (g) Giới tính |
Cách ghép nối cột A với cột B phù hợp là
A. 1-a,b,c,d; 2-e,f,g.
B. 1-a,d,g; 2-b,c,e,f.
C. 1-a,b,c; 2-d,e,f,g.
D. 1-a,d,f,g; 2-b,c,e.
Đáp án đúng là: B
- Nhân tố bên trong cơ thể ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển như hormone, yếu tố di truyền, giới tính,…
- Yếu tố bên ngoài cơ thể ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển như nhiệt độ, ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng,…
Câu 10. Phát biểu nào sau đây là không đúng khi nói về ảnh hưởng của dinh dưỡng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật?
A. Dinh dưỡng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.
B. Thiếu hay thừa dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.
C. Nhu cầu dinh dưỡng cho sự sinh trưởng và phát triển của một cá thể là như nhau trong mọi giai đoạn.
D. Để sinh vật sinh trưởng và phát triển bình thường cần thiết lập chế độ ăn uống hợp lí, cân đối.
Đáp án đúng là: C
C. Sai. Nhu cầu dinh dưỡng cho sự sinh trưởng và phát triển của một cá thể có thể khác nhau trong từng giai đoạn.
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết KHTN lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 34: Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
Lý thuyết Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật
Lý thuyết Bài 36: Thực hành chứng minh sinh trưởng và phá triển ở thực vật, động vật
Lý thuyết Bài 37: Sinh sản ở sinh vật
Lý thuyết Bài 38: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều hoà, điều khiển sinh sản ở sinh vật
Lý thuyết Bài 39: Chứng minh cơ thể sinh vật là một thể thống nhất