SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 35 (Chân trời sáng tạo): Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật

3.2 K

Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Khoa học tự nhiên 7. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật

Bài 35.1 trang 86 SBT Khoa học tự nhiên 7Các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của thực vật bao gồm

A. nhiệt độ, ánh sáng, nước.

B. ánh sáng, nước, vật chất di truyền từ bố mẹ.

C. nước, vật chất di truyền từ bố mẹ, nhiệt độ.

D. nhiệt độ, ánh sáng, nước, vật chất di truyền từ bố mẹ.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

- Các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của thực vật bao gồm nhiệt độ, ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng,…

- Vật chất di truyền từ bố mẹ, hormone,… là những nhân tố môi trường bên trong ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của thực vật.

Bài 35.2 trang 86 SBT Khoa học tự nhiên 7Nhân tố bên trong điều khiển sinh trưởng và phát triển của động vật là

A. vật chất di truyền.

B. thức ăn.

C. ánh sáng.

D. nước.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

- Vật chất di truyền, hormone, giới tính,… là những nhân tố môi trường bên trong ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật.

- Thức ăn, ánh sáng, nước,… là những nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật.

Bài 35.3 trang 86 SBT Khoa học tự nhiên 7Trong các cây sau, cây nào không thích hợp với điều kiện khí hậu nóng?

A. Cây xương rồng.

B. Cây vạn tuế.

C. Cây lưỡi hổ.

D. Cây bắp cải.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Về điều kiện sinh trưởng, hạt cải bắp nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 18 – 20oC, cây phát triển thuận lợi nhất ở 15 – 18oC, độ ẩm đất thích hợp 75 - 85% và ẩm độ không khí 80 - 90%. Nhiệt độ trên 25oC, cải bắp vẫn sinh trưởng nhưng khả năng cuốn bắp hạn chế.

Bài 35.4 trang 86 SBT Khoa học tự nhiên 7: Ở chim, việc ấp trứng có tác dụng

A. bảo vệ trứng không bị kẻ thù lấy đi.

B. tăng mối quan hệ giữa bố, mẹ và con.

C. tạo nhiệt độ thích hợp trong thời gian nhất định giúp hợp tử phát triển.

D. tăng tỉ lệ sống của trứng đã thụ tinh.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Nhiều loài chim có tập tính ấp trứng. Việc ấp trứng có tác dụng tạo nhiệt độ thích hợp trong thời gian nhất định giúp hợp tử phát triển làm tăng tỉ lệ trứng nở.

Bài 35.5 trang 86 SBT Khoa học tự nhiên 7Điều nào dưới đây không đúng với vai trò của thức ăn đối với sự sinh trưởng của động vật?

A. Thức ăn làm tăng khả năng thích ứng với điều kiện sống bất lợi của môi trường.

B. Thức ăn cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cơ thể.

C. Thức ăn cung cấp nguyên liệu để tổng hợp các chất cần thiết cho tế bào.

D. Thức ăn cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Đối với sinh trưởng của động vật, thức ăn cung cấp nguồn chất dinh dưỡng, nguyên liệu để tổng hợp các chất cần thiết cho tế bào và cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể.

Bài 35.6 trang 86 SBT Khoa học tự nhiên 7: Trong các giai đoạn của vòng đời sâu hại, hãy cho biết giai đoạn nào có hại cho mùa màng? Giải thích.

- Giai đoạn 1: trứng.

- Giai đoạn 2: sâu non.

- Giai đoạn 3: kén.

- Giai đoạn 4: ngài (bướm).

Lời giải:

Giai đoạn 2 có hại cho mùa màng nhất vì sâu non ăn lá với tốc độ rất nhanh, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Bài 35.7 trang 87 SBT Khoa học tự nhiên 7: Quan sát hình dưới đây và cho biết sự khác nhau về hình thái giữa cây sinh trưởng trong tối và cây sinh trưởng ngoài sáng.

SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Lời giải:

- Cây non sinh trưởng trong tối có thân cao, mọc vống, hệ rễ và lá vàng úa.

- Cây sinh trưởng ngoài sáng có lá màu xanh đậm, cây phát triển bình thường, hệ rễ phát triển.

Bài 35.8 trang 87 SBT Khoa học tự nhiên 7Hãy giải thích cụm từ “Tốt quá cũng dở” đối với việc tưới nước và bón phân.

Lời giải:

- Tưới nước quá mức sẽ khiến cây bị úng thuỷ mà không hấp thụ được nước và muối khoáng.

- Bón nhiều phân gây lãng phí, ô nhiễm và có thể gây độc cho cây.

Bài 35.9 trang 87 SBT Khoa học tự nhiên 7: Ngắt một ngọn cây hoa mõm chó làm cho cây ra nhiều hoa đơn là giữ lại đơn độc một ngọn chỉ có một hoa. Hãy giải thích tại sao khi cắt bỏ đỉnh ngọn thì cây lại có nhiều hoa đơn.

Lời giải:

Khi ngắt bỏ ngọn cây, mô phân sinh đỉnh bị loại bỏ làm xuất hiện nhiều cành mới, do đó giúp hoa ra nhiều hơn.

Bài 35.10 trang 87 SBT Khoa học tự nhiên 7: Tại sao vào những ngày mùa đông cần cho gia súc non ăn nhiều hơn để chúng có thể sinh trưởng và phát triển bình thường?

Lời giải:

Vào những ngày mùa đông cần cho gia súc non ăn nhiều hơn để chúng có thể sinh trưởng và phát triển bình thường vì: Vào những ngày mùa đông có nhiệt độ thấp, thân nhiệt của gia súc cao hơn rất nhiều so với nhiệt độ của môi trường nên cơ thể của chúng mất nhiều năng lượng để làm ấm cơ thể. Do đó, gia súc non cần nhiều thức ăn hơn để vừa cung cấp năng lượng và vật chất cho hoạt động sinh trưởng và phát triển vừa cung cấp năng lượng làm ấm cơ thể.

Xem thêm các bài giải SBT Khoa học tự nhiên lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 34: Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật

Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật

Bài 36: Thực hành: Chứng minh sinh trưởng và phát triển ở thực vật

Bài 37: Sinh sản ở sinh vật

Bài 38: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều hòa, điều khiển sinh sản ở sinh vật

Lý thuyết KHTN 7 Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật

1. Ảnh hưởng của một số nhân tố chủ yếu đến sinh trưởng và phát triền của sinh vật

- Một số nhân tố môi trường bên ngoài cơ thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật: nhiệt độ, ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng,…

- Một số nhân tố môi trường bên trong cơ thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật: hormone, yếu tố di truyền, giới tính,…

1.1. Ảnh hưởng của nhiệt độ

- Mỗi loài sinh vật thích hợp với một điều kiện nhiệt độ nhất định gọi là giới hạn sinh thái về nhiệt độ, nếu nằm ngoài giới hạn sinh thái đó thì quá trình sinh trưởng của chúng sẽ bị ảnh hưởng.

- Ví dụ:

+ Đối với ruồi giấm: Chu kì sống của chúng là 10 ngày nếu nhiệt độ ở 25oC. Nếu nhiệt độ ở 18oC thì chu kì sống là 17 ngày.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Ảnh hưởng của nhiệt độ tới chu kì sống của ruồi giấm

+ Đối với cá rô phi: Nhiệt độ dưới 5,6oC hoặc trên 42oC thì cá chết.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Sơ đồ mô tả ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự sinh trưởng và phát triển

của cá rô phi ở Việt Nam

+ Đối với cây lan hồ điệp: Khoảng nhiệt độ từ 25 oC – 31 oC là khoảng nhiệt độ mà lan hồ điệp có tỉ lệ sống cao nhất, cây có số lá nhiều nhất, chiều dài lá dài nhất, độ rộng của lá lớn nhất. Trên 31 oC và dưới 25 oC, các chỉ số này sẽ giảm dần.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Ảnh hưởng của nhiệt độ đến sinh trưởng của lan hồ điệp

1.2. Ảnh hưởng của ánh sáng

- Ánh sáng là nhân tố cơ bản, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật.

- Ví dụ:

+ Sự phân tầng của thực vật ở rừng mưa nhiệt đới do nhu cầu sử dụng ánh sáng khác nhau của các loài sinh vật: thực vật ưa sáng sẽ ở tầng cao còn thực vật ưa bóng sẽ ở tầng sàn rừng.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Sơ đồ sự phân tầng của thực vật ở rừng mưa nhiệt đới

+ Mùa đông, thời gian chiếu sáng trong ngày ngắn, các loài sâu ăn lá ngừng sinh sản.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Ánh sáng ảnh hưởng tới sinh sản của sâu ăn lá

+ Việc sưởi nắng vào ban ngày giúp chó, mèo tận dụng ánh sáng mặt trời để tăng cường sản sinh ra vitamin D giúp phát triển xương. Đồng thời, việc phơi nắng cũng giúp các động vật này thu thêm nhiệt từ môi trường và giảm mất nhiệt trong những ngày trời rét, tập trung các chất để xây dựng cơ thể, thúc đẩy sinh trưởng, phát triển.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Mèo phơi nắng

1.3. Ảnh hưởng của nước

- Nước là nhân tố đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mọi sinh vật. Nước tham gia vào các quá trình sống trong cơ thể nên thiếu nước sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.

- Ví dụ:

+ Cây bị héo vì thiếu nước.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Cây bị héo do khô hạn

+ Người bị thiếu nước có biểu hiện sốt, da khô, môi nứt nẻ,…

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Biểu hiện của người bị thiếu nước

1.4. Ảnh hưởng của dinh dưỡng

- Dinh dưỡng (thức ăn) là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của sinh vật.Thiếu hay thừa dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.

- Ví dụ:

+ Cây lúa nếu thiếu đạm thì sinh trưởng chậm, còn nếu thừa đạm thì sẽ có thể sinh trưởng nhanh nhưng phát triển chậm.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Biểu hiện của lúa khi thiếu đạm, thừa đạm

+ Trẻ em thiếu dinh dưỡng dẫn tới bệnh suy dinh dưỡng, thừa chất dinh dưỡng dẫn tới bệnh béo phì.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến thể trạng của trẻ

2. Ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong thực tiễn

2.1. Ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong trồng trọt

- Vận dụng sinh trưởng và phát triển trong trồng trọt để điều khiển sinh trưởng và phát triển của cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Ví dụ:

+ Sử dụng các chất kích thích làm cho cây ra rễ, tăng chiều cao, rút ngắn thời gian sinh trưởng, nhằm tăng năng suất. Khi sử dụng chất kích trong trồng trọt, cần thận trọng và tuyệt đối tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Khoai tây được tiêm hormone kích thích mọc mầm sớm

+ Điều khiển yếu tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng,… để tận dụng nguồn ánh sáng, nguồn dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp với đặc tính sinh trưởng và phát triển của mỗi loài cây trồng khác nhau.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Trồng xen canh ngô và lạc

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Ủ rơm chống rét cho cây trồng

2.2. Ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong chăn nuôi

- Vận dụng sinh trưởng và phát triển trong chăn nuôi để điều khiển sinh trưởng và phát triển của vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Ví dụ:

+ Điều hoà sinh trưởng và phát triển ở vật nuôi bằng sử dụng các loại vitamin, khoáng chất kích thích sự trao đổi chất, thúc đẩy sinh trưởng, phát triển của vật nuôi như bổ sung vitamin A, C, D, E... cho lợn, trâu, bò;…

+ Điều khiển yếu tố môi trường để làm thay đổi tốc độ sinh trưởng và phát triển của vật nuôi như đảm bảo cân đối chất lượng, số lượng thức ăn; cải tạo chuồng trại đủ ánh sáng, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè; tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi;…

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Điều chỉnh nhiệt độ trong buồng nuôi tằm

2.3. Vận dụng sinh trưởng và phát triển trong phòng trừ côn trùng, sâu hại

- Hiểu biết về vòng đời của một số động vật gây hại giúp chúng ta có biện pháp tiêu diệt và phòng trừ hợp lí bằng cách cắt đứt một giai đoạn nào đó trong vòng đời của chúng.

- Ví dụ: Để diệt muỗi, người ta thường loại bỏ các vũng nước đọng để tránh muỗi đẻ trứng, hoặc tiêu diệt ấu trùng vì đây là giai đoạn dễ tác động nhất trong vòng đời của chúng.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Vòng đời của muỗi

Đánh giá

0

0 đánh giá