SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 42 (Kết nối tri thức): Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất

2.5 K

Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 42: Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Khoa học tự nhiên 7. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 42: Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất

Bài 42.1 trang 91 SBT Khoa học tự nhiên 7: Nêu vai trò của tế bào trong cơ thể và mô tả mối quan hệ giữa tế bào và cơ thể.

Lời giải:

- Vai trò của tế bào trong cơ thể: Tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể.

+ Cơ thể đa bào được hình thành từ nhiều tế bào, các tế bào liên kết với nhau tạo nên các cấp tổ chức của cơ thể sống (mô, cơ quan, hệ cơ quan, cơ thể).

+ Tế bào thực hiện các hoạt động như trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản và cảm ứng với môi trường. Hoạt động của tế bào là cơ sở cho hoạt động của cơ quan và hệ cơ quan do chúng cấu tạo nên, đảm bảo cho cơ thể tồn tại và phát triển.

- Mối quan hệ giữa tế bào và cơ thể: Tế bào và cơ thể có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau.

+ Tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể sống: Mọi cơ thể sống từ đơn bào đến đa bào đều được cấu tạo từ tế bào. Phần lớn hoạt động sống của cơ thể diễn ra ở tế bào, giúp cơ thể thực hiện các hoạt động sống nhịp nhàng.

+ Cơ thể là môi trường tồn tại và hoạt động của tế bào: Cơ thể trao đổi các chất với môi trường, sau đó chuyển đến tế bào để thực hiện trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, giúp tế bào lớn lên, sinh sản, cảm ứng.

Bài 42.2 trang 91 SBT Khoa học tự nhiên 7: Thế giới sinh vật có nhiều cấp tổ chức khác nhau, trong đó, tế bào là cấu trúc nhỏ nhất có biểu hiện đầy đủ tính chất của sự sống. Nếu như tách rời tế bào khỏi cơ thể thì điều gì sẽ xảy ra?

Lời giải:

Cơ thể thực hiện được các hoạt động cơ bản của một sinh vật nhờ đơn vị thực hiện các chức năng của cơ thể là tế bào. Tế bào nằm sâu trong cơ thể nên việc thực hiện các hoạt động sống lại được thực hiện qua các cơ quan chuyên trách. Tế bào chỉ thực hiện được chức năng của mình khi ở trong một cơ thể toàn vẹn, nếu tách rời tế bào ra khỏi cơ thể, tế bào ngừng hoạt động, điều này sẽ ảnh hưởng đến cơ quan do các tế bào cấu tạo nên, do đó ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể.

Bài 42.3 trang 91 SBT Khoa học tự nhiên 7: Chọn các từ/cụm từ phù hợp để hoàn thành đoạn thông tin sau:

Cơ thể sinh vật lấy …(1)…, nước và chất khí (O2 hoặc CO2) từ môi trường cung cấp cho …(2)… thực hiện được quá trình trao đổi chất để lớn lên, sinh sản và cảm ứng, từ đó giúp …(3)… thực hiện được các hoạt động sống. Như vậy, …(4)… ở cấp độ tế bào là cơ sở cho các hoạt động sống của cơ thể và các hoạt động sống của cơ thể lại điều khiển các hoạt động sống của tế bào, đảm bảo cơ thể sinh vật là …(5)…

Lời giải:

Các từ/cụm từ phù hợp để hoàn thành đoạn thông tin:

(1) chất dinh dưỡng

(2) tế bào

(3) cơ thể

(4) hoạt động sống

(5) một thể thống nhất

Bài 42.4 trang 91 SBT Khoa học tự nhiên 7Em hãy lấy một ví dụ để chứng minh cho khẳng định “Khi một cơ quan bị tổn thương hoặc ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể”.

Lời giải:

Ví dụ để chứng minh cho khẳng định “Khi một cơ quan bị tổn thương hoặc ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể”: Khi một cơ quan trong hệ hô hấp bị tổn thương (ví dụ: bị viêm phổi) thì việc lấy O2 và thải CO2 của tế bào sẽ bị ảnh hưởng. Tế bào của các cơ quan sẽ không có đủ O2 cho hoạt động trao đổi chất và năng lượng, tế bào sẽ không đủ năng lượng để hoạt động gây tổn thương tế bào và tế bào có thể chết. Đồng thời, CO2 là sản phẩm trao đổi chất của tế bào không được đưa ra khỏi cơ thể sẽ gây độc đối với tế bào và cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, khi bị viêm phổi nặng có thể dẫn tới ngừng thở, gây tổn thương tim, não và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bài 42.5 trang 91 SBT Khoa học tự nhiên 7: Khi xây dựng và sửa chữa sân trường hoặc vỉa hè, người ta thường xén rễ của những cây cổ thụ để đổ bê tông xung quanh gốc cây. Em hãy dự đoán điều gì có thể xảy ra đối với cây cổ thụ này và giải thích tại sao.

Lời giải:

Hiện tượng có thể xảy ra đối với những cây cổ thụ khi bị xén rễ để đổ bê tông xung quanh gốc cây: Khi cây cổ thụ bị xén rễ và đổ bê tông xung quanh, nếu mất phần lớn rễ, quá trình cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cây sẽ bị ảnh hưởng, cây có thể bị chết vì thiếu nước và chất dinh dưỡng. Mặt khác, khi đổ bê tông xung quanh, rễ không mọc dài ra được để bám vào đất sẽ dẫn đến nguy cơ đổ cây vào mùa mưa bão.

Xem thêm các bài giải SBT Khoa học tự nhiên 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 38: Thực hành: Quan sát, mô tả sự sinh trưởng và phát triển ở một số sinh vật

Bài 39: Sinh sản vô tính ở sinh vật

Bài 40: Sinh sản hữu tính ở sinh vật

Bài 41: Một số yếu tố ảnh hưởng và điều hòa, điều khiển sinh sản ở sinh vật

Lý thuyết KHTN 7 Bài 42: Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất

I. MỐI QUAN HỆ GIỮA TẾ BÀO, CƠ THỂ SINH VẬT VÀ MÔI TRƯỜNG

- Mối quan hệ giữa tế bào và cơ thể:

+ Về cấu trúc: Tế bào là đơn vị cấu trúc của cơ thể vì mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ tế bào. Trong đó, cơ thể đơn bào được cấu tạo từ 1 tế bào; còn cơ thể gồm nhiều tế bào phân hóa thành mô, cơ quan, hệ cơ quan khác nhau cùng phối hợp thực hiện các hoạt động sống của cơ thể.

+ Về chức năng: Các hoạt động sống ở cấp độ tế bào là cơ sở cho các hoạt động sống ở cấp độ cơ thể. Ngược lại, các hoạt động sống ở cấp độ cơ thể điều khiển các hoạt động sống ở cấp độ tế bào, đảm bảo cơ thể là một thể thống nhất.

Lý thuyết KHTN 7 Kết nối tri thức Bài 42: Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất

Một số loại tế bào trong cơ thể người

- Mối quan hệ giữa tế bào, cơ thể sinh vật và môi trường: Nhờ cơ thể lấy chất dinh dưỡng, nước, chất khoáng và O2 từ môi trường mà tế bào thực hiện được quá trình trao đổi chất để lớn lên, sinh sản và cảm ứng, từ đó giúp cơ thể thực hiện được các hoạt động sống.

Lý thuyết KHTN 7 Kết nối tri thức Bài 42: Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất

Sơ đồ mối quan hệ giữa tế bào, cơ thể và môi trường

II. MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC HOẠT ĐỘNG SỐNG TRONG CƠ THỂ SINH VẬT

- Cơ thể có các hoạt động sống là: trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản.

- Mối quan hệ giữa các hoạt động sống: Các hoạt động sống trong cơ thể có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau.

+ Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp vật chất và năng lượng đảm bảo cho cơ thể sinh trưởng và phát triển, sinh sản và cảm ứng.

+ Ngược lại, các quá trình sinh trưởng, phát triển, sinh sản và cảm ứng có tác động trở lại đối với quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể sinh vật.

Lý thuyết KHTN 7 Kết nối tri thức Bài 42: Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất

Mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể

Đánh giá

0

0 đánh giá