Thủ tục đăng ký lại kết hôn mới nhất

240

          Trường hợp Giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng bị mất phải làm thủ tục gì để được cấp lại? Thời gian đăng ký lại kết hôn là bao lâu? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chính xác về thủ tục đăng ký lại kết hôn!

Thủ tục đăng ký lại kết hôn mới nhất

1. Đăng ký lại kết hôn là gì? Phân biệt tái hôn và đăng ký lại kết hôn

          Căn cứ theo quy định tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì việc đăng ký lại kết hôn được hiểu như sau:

- Trường hợp vợ, chồng đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền trước ngày 01/01/2016 nhưng bản chính giấy đăng ký kết hôn bị mất thì có thể đăng ký lại.

- Người yêu cầu đăng ký lại kết hôn có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.

- Việc đăng ký lại kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Như vậy, có thể thấy rằng chỉ trong trường hợp Giấy đăng ký kết hôn của vợ, chồng trước ngày 01/01/2016 bị mất thì mới có thể thực hiện đăng ký lại kết hôn.

Lưu ý: Cần phân biệt đăng ký lại kết hôntái hôn:

- Tái hôn được hiểu là vợ chồng đã ly hôn nhưng quay lại chung sống, hàn gắn và xác lập lại mối quan hệ hôn nhân với nhau. Sau khi ly hôn, nếu nam nữ muốn tái hôn thì thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.

- Đăng ký lại kết hôn là việc Giấy đăng ký kết hôn của vợ, chồng trước ngày 01/01/2016 bị mất thì thực hiện thủ tục đăng ký lại kết hôn.

2. Thẩm quyền cấp đăng ký lại kết hôn

Căn cứ Điều 17 và Điều 37 Luật Hộ tịch 2014, khi đăng ký lại kết hôn, hai bên nam nữ đến UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã cụ thể:

- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ khi thực hiện đăng ký kết hôn không có yếu tố nước ngoài.

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam khi thực hiện đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được hiểu là việc đăng ký kết hôn:

+ Giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;

+ Giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau;

+ Giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

3. Thủ tục đăng ký lại kết hôn

          Thủ tục đăng ký lại kết hôn không có yếu tố nước ngoài và có yếu tố nước ngoài là giống nhau.

3.1. Thành phần hồ sơ (Số lượng: 01 bộ)

Thành phần hồ sơ

Ghi chú

1. Tờ khai đăng ký lại kết hôn theo mẫu (đối với hình thức trực tiếp); Mẫu hộ tịch điện tử tương tác đăng ký lại kết hôn (đối với hình thức trực tuyến).

Bản chính

2. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây. Nếu không có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn.

Bản sao

3. Hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của cả hai bên có yêu cầu đăng ký lại kết hôn. Trường hợp các thông tin cá nhân trong các giấy tờ này đã có trong CSDLQGVDC, CSDLHTĐT, được hệ thống điền tự động thì không phải tải lên (theo hình thức trực tuyến).

Bản chính

4. Giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú (trường hợp cơ quan đăng ký hộ tịch không thể khai thác được thông tin về nơi cư trú của công dân).

Bản chính

3.2. Trình tự, thủ tục

Bước

Trực tiếp

Trực tuyến

Bước 1

Chuẩn bị hồ sơ

Chuẩn bị hồ sơ

Bước 2

Nộp hồ sơ tại UBND có thẩm quyền.

- Truy cập trang Cổng dịch vụ công cấp tỉnh -> Đăng ký, đăng nhập tài khoản -> Tìm kiếm thủ tục hành chính “Đăng ký lại kết hôn”.

- Cung cấp thông tin theo biểu mẫu hộ tịch điện tử tương tác đăng ký lại kết hôn, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định.

Bước 3

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu hẹn, trả kết quả cho người có yêu cầu và chuyển hồ sơ cho Công chức tư pháp – hộ tịch.

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu hẹn, trả kết quả qua thư điện tử hoặc gửi tin nhắn hẹn trả kết quả qua điện thoại di động cho người có yêu cầu  và chuyển hồ sơ cho Công chức tư pháp – hộ tịch.

Bước 4

Công chức tư pháp – hộ tịch thẩm tra hồ sơ, xác minh việc lưu giữ sổ Hộ tịch tại địa phương. Nếu không còn lưu giữ được Sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện việc ghi vào Sổ đăng ký kết hôn.

Công chức tư pháp - hộ tịch gửi lại biểu mẫu Giấy chứng nhận kết hôn điện tử với thông tin đầy đủ cho người yêu cầu qua thư điện tử hoặc thiết bị số. Người yêu cầu kiểm tra biểu mẫu, nếu thông tin chính xác, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn.

Bước 5

Hai bên nam, nữ cùng ký vào Sổ đăng ký kết hôn, Giấy chứng nhận kết hôn và nhận bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại UBND có thẩm quyền.

Hai bên nam, nữ cùng ký vào Sổ đăng ký kết hôn, Giấy chứng nhận kết hôn và nhận bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại UBND có thẩm quyền.

Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc; trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 25 ngày.

Lưu ý:

  • Bản chụp các giấy tờ gửi kèm theo hồ sơ Đăng ký lại kết hôn phải bảo đảm rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung, là bản chụp bằng máy ảnh, điện thoại hoặc được chụp, được quét bằng thiết bị điện tử, từ giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng; nếu là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.       
  • Trường hợp giấy tờ, tài liệu phải gửi kèm trong hồ sơ Đăng ký lại kết hôn trực tuyến đã có bản sao điện tử hoặc đã có bản điện tử giấy tờ hộ tịch thì người yêu cầu được sử dụng bản điện tử này.
  • Khi đến cơ quan đăng ký hộ tịch nhận kết quả, người có yêu cầu Đăng ký lại kết hôn xuất trình giấy tờ tuỳ thân. Trường hợp đăng ký bằng hình thức trực tuyến phải nộp/xuất trình lại bản chính các giấy tờ là thành phần hồ sơ Đăng ký lại kết hôn.

3.3. Lệ phí: Mức lệ phí cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Miễn lệ phí cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.

4. Các câu hỏi thường gặp

4.1. Thực hiện thủ tục tái hôn như thế nào?

          Trường hợp muốn tái hôn thì phải thực hiện đăng ký kết hôn để được xác lập lại quan hệ vợ chồng. Do đó, hai người nam nữ muốn tái hôn cần phải cùng có mặt tại UBND cấp xã nơi một trong hai người đăng ký kết hôn (UBND cấp huyện nếu việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài) để thực hiện những thủ tục đăng ký kết hôn như sau:

  • Giấy tờ:

+ Tờ khai đăng ký kết hôn (theo Mẫu được ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP)

+ CMND/CCCD/Hộ chiếu của hai bên nam nữ

+ Hộ khẩu, sổ tạm trú hai bên nam nữ

+ Giấy xác nhận tình trạng độc thân (Nếu kết hôn ở nơi bên nào cư trú bên đó không cần giấy xác nhận tình trạng độc thân)

  • Trình tự giải quyết:

+ Hai bên nam nữ nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã nơi một trong hai bên cư trú (thường trú hoặc tạm trú). 

+ Sau khi nhận đủ hồ sơ, giấy tờ nếu xét thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Sau đó, hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.

+ Công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ. 

  • Thời hạn giải quyết: không quá 05 ngày làm việc.

4.2. Cấp sai thẩm quyền Giấy đăng ký kết hôn, có phải đăng ký lại?

          Căn cứ theo Điều 13 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền như sau:

“Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước.”

Như vậy, theo quy định này, khi giấy đăng ký kết hôn bị hủy do cấp sai thẩm quyền thì hai bên phải thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Việc đăng ký kết hôn lại này không làm thay đổi thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân của hai bên. Ngoài ra, việc đăng ký kết hôn lại giúp đảm bảo tính pháp lý của quan hệ hôn nhân giữa hai bên, đồng thời giúp hai bên thuận tiện trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng.

Đánh giá

0

0 đánh giá