Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Dàn ý Thuyết minh về một tác phẩm văn học lớp 11 hay nhất, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:
Dàn ý Thuyết minh về một tác phẩm văn học lớp 11
Đề bài: Lập dàn ý cho bài thuyết minh về một tác phẩm văn học
Dàn ý Thuyết minh về một tác phẩm văn học lớp 11
1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác phẩm thuyết minh.
2. Thân bài:
a. Giới thiệu đôi nét về tác giả.
b. Giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, thể loại của tác phẩm.
c. Bố cục và nội dung chính của từng phần.
- Chú ý đi sâu vào nội dung chính của từng phần
d. Giá trị của tác phẩm
- Giá trị nội dung
- Giá trị nghệ thuật
3. Kết bài: Khẳng định lại vị trí của tác phẩm trong nền văn học dân tộc.
Dàn ý Thuyết minh về một tác phẩm văn học lớp 11 - "Truyện Kiều"
1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều
2. Thân bài
a. Giới thiệu về Truyện Kiều:
- Được đại thi hào Nguyễn Du sáng tác dựa trên tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc.
- Được viết bằng chữ Nôm và thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc.
- Nội dung: Phản ánh sâu sắc xã hội phong kiến đương thời với giai cấp thống trị tàn bạo và số phận những con người trong xã hội ấy, đặc biệt là người phụ nữ.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng sinh động, mỗi nhân vật có sắc thái, tình cảm, tâm trạng, tính cách khác nhau.
Ngôn từ được trau chuốt với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật điêu luyện, sâu sắc.
b. Đoạn trích Trao duyên:
- Vị trí đoạn trích: Từ câu 723 đến câu 756, thuộc phần hai Gia biến và lưu lạc của Truyện Kiều
- Bố cục của đoạn trích: Được chia làm ba phần.
c. Phân tích:
- Đoạn trích có tên "trao duyên": Không phải trao duyên như thông thường trai gái trao nhau mà ở đây là trao gửi tình yêu, duyên phận của người này cho người khác.
- 12 câu đầu: Thúy Kiều cậy nhờ em và lý lẽ của nàng:
=> 12 câu thơ là diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của Kiều, đồng thời là sự khéo léo, thông minh của nàng. Mỗi lời nàng nói ra đều rất chân thành, thấu tình đạt lý, thể hiện đức hy sinh cao cả của một người con gái và tấm lòng hiếu thảo với mẹ cha.
- 14 câu tiếp: Kiều trao lại cho Vân kỷ vật tình yêu và dặn dò Vân:
- 8 câu cuối: Nỗi lòng đau đớn của Kiều khi nhớ về Kim Trọng:
d. Kết luận chung:
- Đoạn trích thể hiện tâm trạng đau đớn, giằng xé của Kiều khi phải trao lại tình yêu của mình cho em.
- Nghệ thuật: Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua đối thoại và độc thoại nội tâm sâu sắc.
3. Kết bài:
Đánh giá vị trí của tác phẩm trong nền văn học dân tộc.
Dàn ý Thuyết minh về một tác phẩm văn học lớp 11 - "Đại cao bình ngô"
1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Đại cáo bình Ngô”.
2. Thân bài:
a. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi
- Nguyễn Trãi là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao lỗi lạc, bậc anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đồng thời ông còn là một nhà văn kiệt xuất, nhà thơ trữ tình sâu sắc.
- Nguyễn Trãi để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ: gồm nhiều thể loại khác nhau bằng chữ Hán và chữ Nôm.
- Tác phẩm chính luận tiêu biểu nhất là “Đại cáo bình Ngô”
b. Hoàn cảnh ra đời, thể loại của tác phẩm “Đại cáo bình Ngô”
* Hoàn cảnh sáng tác
- Sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của giặc, Vương Thông buộc phải giảng hòa, rút quân về nước, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết “Đại cáo Bình Ngô”.
- “Đại cáo bình Ngô” có ý nghĩa trọng đại như một bản tuyên ngôn độc lập, được công bố vào thánh Chạp, năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1428)
* Thể loại: “Đại cáo bình Ngô” được viết theo thể loại cáo.
- Cáo là thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương, một sự nghiệp, tuyên ngôn một sự kiện để mọi người cùng biết.
- Cáo có thể viết bằng văn xuôi hay văn vần nhưng phần lớn được viết bằng văn biền ngẫu, có vần hoặc không có vần, thường có đối, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau.
- Lời lẽ đanh thép, lí luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.
c. Bố cục và nội dung chính từng phần
Bài cáo chia làm bốn phần:
* Phần 1: Nêu luận đề chính nghĩa làm cơ sở triển khai cho toàn bộ nội dung bài cáo. Cốt lõi nhân nghĩa chính là yên dân và trừ bạo. Bên cạnh đó, tác giả khẳng định chân lí về nền độc lập dân tộc dựa trên các yếu tố: Nền văn hiến lâu đời; cương vực lãnh thổ riêng; có phong tục tập quán và lịch sử, chế độ riêng
* Phần 2: Bản cáo trạng hùng hồn, đẫm máu về tội ác của kẻ thù
- Tố cáo âm mưu cướp nước ta của giặc Minh.
- Tố cáo chủ trương, chính sách cai trị vô nhân đạo của giặc Minh.
- Tội ác của chúng không sao kể hết:
“Độc ác thay trúc Lam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa hết mùi”
* Phần 3: Bản hùng ca về cuộc khỏi nghĩa Lam Sơn:
- Giai đoạn đầu: Tác giả tập trung khắc họa hình tượng người anh hùng áo vải Lê Lợi xuất thân từ “chốn hoan dã nương mình” nhưng có lòng yêu nước thương dân và căm thù giặc sâu sắc, có lí tưởng cao cả:
“Ngẫm thù lớn há đội trời chung - Căm giặc nước thề không cùng sống”
- Giai đoạn sau: Bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
+ Lúc đầu, nghĩa quân ta gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn:
“ Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần
Khi Khôi Huyện quân không một đội”
+ Nhưng nhờ có tấm lòng yêu nước, có chiến lược phù hợp nghĩa quân ta đã chuyển sang giai đoạn phản công và giành chiến thắng vang dội, giặc Minh thất bại thảm hại.
“Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, Trận Mã An, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong
Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn.”
* Phần 4: Lời tuyên bố độc lập: Tuyên bố, khẳng định với toàn dân về nền độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước đã được lập lại.
d. Giá trị của tác phẩm
- Giá trị nội dung: Bản cáo trạng về tội ác của giặc Minh cũng là bản anh hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, bản tuyên ngôn độc lập lần thứ 2 của dân tộc.
- Giá trị nghệ thuật:
- Sử dụng kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật: liệt kê, phóng đại, so sánh, đối lập…
→ “Áng thiên cổ hùng văn”
3. Kết luận: Đánh giá vị trí của tác phẩm trong nền văn học dân tộc.
Bài văn Thuyết minh về một tác phẩm văn học lớp 11 - mẫu 1
Hàn Mặc Tử (1912-1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, và ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Ông từng học trung học ở Huế sau đó ra làm công chức ở Sở Đạc điền Bình Định rồi vào Sài Gòn làm báo. Năm 1936, ông phải quay trở lại Quy Nhơn để chữa bệnh và 4 năm sau đó ông mất tại bệnh viện do bệnh phong.
Bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử được rút ra từ tập Đau thương sáng tác năm 1938, được coi là tiếng thơ trong trẻo nhất trong cuộc đời làm thơ của Hàn Mặc Tử. Bài thơ là một bức tranh thôn dã, tất cả đều mang đậm vẻ xuân từ cảnh vật cho đến tấm lòng của con người.
Ngày từ tên của tác phẩm đã khiến cho người đọc có một cảm giác gì đó vui tươi chứa đựng sự huyền ảo về một mùa xuân tuyệt đẹp.
Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ hiện lên với vẻ đẹp của sắc xuân tràn ngập
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”.
Đó là sắc vàng của ánh nắng sớm, là đôi mái hiên lấm tấm vàng của nước và ánh nắng, khung cảnh ấy tạo nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân giản dị nhưng rất đỗi gần gũi. Đặc biệt là hình ảnh “sột soạt” của tiếng gió thổi vào tà áo, đây được cho là một cách miêu tả âm thanh rất đỗi đẹp và hay. Qua con mắt trữ tình của tác giả, chỉ là gió thổi tà áo, nhưng tác giả đã thổi hồn vào sự vật, nhân cách hóa nó, để tưởng chừng như gió đang trêu tà áo, điều đó tạo nên một cảm giác vui tươi khó tả, sự hứng khởi của một mùa xuân đến. Giàn thiên lý lấp ló sau bóng xuân tạo nên một khung cảnh mãn nhãn, khiến người đọc không khỏi trầm trồ mà tưởng tượng ra được một khung cảnh thiên nhiên đẹp và mê người đến thế.
Từ gần, tác giả phóng tầm mắt ra xa mà ngắm nhìn thiên nhiên đất trời mới thấm hết sự tươi đẹp của nó “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”. Nó gợi cho ta nhớ đến câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, cảnh vật dường như cũng đẹp như vậy “Cỏ non xanh tận chân trời”. Sức sống đang tràn ngập muôn nơi, con người cũng vậy, cũng hòa mình vào sức sống mãnh liệt đó của đất trời.
“Bao cô thôn nữ hát trên đồi
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”
Mọi người đang hòa mình vào khung cảnh ngày xuân, cũng chính là đang đắm mình trong hạnh phúc của cuộc đời. Đó là hình ảnh những cô thôn nữ còn “xuân xanh”, họ đều trẻ trung, xinh đẹp như mùa xuân, đang đắm mình trong hạnh phúc, có cả hạnh phúc lứa đôi (theo chồng). Tiếng hát của họ vang vọng vào không gian, mang theo cả khát vọng của chính họ đến cuộc đời.
“Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây”
Trong cái sắc xuân tuyệt đẹp ấy của lứa tuổi đẹp nhất, họ đang trò chuyện, tâm tình với người mình thương, giãi bày nỗi lòng của mình. Đó cũng là mong muốn, niềm tiếc nuối của tác giả, phải chăng anh cũng đang đợi người thương của mình, cũng muốn một lần được đắm mình vào mùa xuân ấy, được yêu thương và hạnh phúc. Để rồi, tác giả buồn rầu mà bày tỏ nỗi nhớ nhung của mình trước khí xuân vui tươi ấy:
“Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.
Người khách ấy, trong khung cảnh tuyệt đẹp này dường như bóng dáng quê hương hiện ra trước mắt anh. Anh nhớ họ, nhỡ những sự vật nhỏ bé nhưng gần gũi, thân thương, mong muốn được một lần trở về, thăm người con gái thân quen ấy. Tất cả đều hiện ra trước mắt tác giả nhưng đó chỉ còn là những kỉ niệm về những ngày tháng bình yên, êm ấm khiến tác giả không thể nào quên được.
Dù sử dụng thể thơ dựa trên thất ngôn Đường luật, nhưng bằng tài năng của mình, tác giả khiến ý thơ, lời thơ trở lên gần gũi, không khô cứng, khó hiểu mà ngược lại khiến người đọc cảm thấy hay, dễ hiểu. Với nhịp thơ 4/3 được sử dụng nhịp nhàng, tác giả không chỉ làm nổi bật được khung cảnh mùa xuân mà còn làm nổi bật được nỗi lòng của chính mình cùng với những câu thơ trừu tượng, hình ảnh sinh động, gần gũi, mang theo sức sống mãnh liệt của mùa xuân. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên độc đáo nhưng ẩn sâu trong đó là tình cảm của một người xa quê với nỗi nhớ da diết, khôn nguôi.
Như vậy, có thể nói bài thơ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của hồn thơ Hàn Mặc Tử, thể hiện rõ chất thi sĩ, tâm hồn bay bổng của một người luôn khao khát được sống, được tận hưởng một cuộc đời đẹp đẽ, vui tươi, tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
Bài văn Thuyết minh về một tác phẩm văn học lớp 11 - mẫu 2
Nằm trong số những tác phẩm văn học được viết nên để ca ngợi truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi được xem là một tác phẩm bất hủ cùng thời gian. Tác phẩm được đánh giá là áng “thiên cổ hùng văn”, là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai có giá trị trường tồn.
Nguyễn Trãi (sinh năm 1380 – mất năm 1442) hiệu là Ức Trai, quê ông ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Gia đình Nguyễn Trãi là một gia đình nhà nho nghèo nhưng lại giàu truyền thống yêu nước và có sự quan tâm đặc biệt với văn hóa, văn học nước nhà. Nguyễn Trãi có cha và ông ngoại đều là những người học rộng tài cao và có nhiều đóng góp cho triều đình. Cha ông là Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh còn ông ngoại của ông là Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Noi gương thế hệ đi trước, Nguyễn Trãi cũng ra sức dùi mài kinh sử và năm 1400, ông cũng đỗ Thái học sinh và ra làm quan cho triều nhà Hồ. Đến năm 1407, giặc Minh sang xâm lược nước ta nhưng nhà Hồ không có đủ khả năng chống trả, thế nên đất nước rơi vào tay giặc, cha ông bị bắt sang Trung Quốc còn ông thì quyết định tham gia vào nghĩa quân Lam Sơn để cứu nước báo thù nhà.
Với sự lãnh đạo tài tình và sự giúp sức từ những người cộng sự nhiệt thành, tài năng như Nguyễn Trãi, Lê Lợi cùng với nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi to lớn trước quân Minh. Nguyễn Trãi nhận được sự tin tưởng rất lớn từ Lê Lợi – lúc này đã trở thành vị vua đứng đầu của Đại Việt. Tuy nhiên sau đó triều đình lại lục đục, gian thần nhiễu nhương, Nguyễn Trãi quyết định về quê lánh đục tìm trong.
Thế nhưng, mong muốn ở ẩn rời xa thế sự của Nguyễn Trãi lại không trở thành hiện thực vì ông lại bị vướng vào vụ án oan giết vua tại Lệ Chi Viên vào năm 1442, kết quả nhận án tru di tam tộc. Nỗi oan thiên cổ của ông kéo dài đến tận năm 1464 thì mới được vua Lê Thánh Tông minh oan.
Khi thuyết minh về Bình ngô đại cáo, ta thấy tác phẩm “Đại cáo bình Ngô” ra đời gắn với hoàn cảnh đất nước ta vừa hoàn thành cuộc chiến đấu nhiều năm gian khổ chống giặc Minh xâm lược. Sau chiến thắng đó, Nguyễn Trãi chính là người thay mặt cho Lê Lợi viết nên tác phẩm nhằm mục đích tuyên bố với nhân dân cả nước về quyền độc lập dân tộc. “Đại cáo bình Ngô” được công bố vào năm 1428, đây là một bản báo cáo đã tổng kết quá trình kháng chiến giành thắng lợi và đồng thời cũng là một bản tuyên cáo trong việc thành lập triều đại mới của đất nước – triều nhà Lê.
Tác phẩm được viết bằng một thể loại đặc biệt – thể cáo. Đây vốn là thể văn nghị luận từ thời cổ ở Trung Quốc và thường được vua chúa, những người thủ lĩnh sử dụng để trình bày một chủ trương, sự nghiệp hay tuyên ngôn những sự kiện trọng đại để mọi người cùng biết. Thể loại cáo thường được trình bày dưới hình thức của văn vần, văn xuôi nhưng phổ biến là văn biền ngẫu – thể văn lấy sự đối ý làm nguyên tắc cơ bản, tạo cho lời văn sự nhịp nhàng cân đối. Cáo sử dụng lời lẽ đanh thép, lý luận sắc bén và đặc điểm quan trọng nhất là có kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.
Để khẳng định nền độc lập, mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trãi đã nêu lên luận đề chính nghĩa có ý nghĩa tất yếu:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Luận đề được nêu lên cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa dân, nước và sự nhân nghĩa. Nhân nghĩa vốn là một quan niệm trong đạo Nho nói lên cách đối nhân xử thế tốt đẹp dựa trên tình thương và đạo giữa người với người trong cuộc sống. Thế nhưng trong thời buổi có giặc xâm lược, tác giả đã cụ thể hóa biểu hiện của một người biết sống nhân nghĩa là hành động “trừ bạo” để “yên dân”. Đó chính là chân lí khách quan phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Con dân đất Việt xông pha ra chiến trường diệt giặc là điều tất yếu vì nước Việt là của người Việt, có chủ quyền độc lập riêng. Điều này đã được khẳng định chắc chắn qua lịch sử, phong tục:
“Như nước Đại Việt ta từ trước.
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia.
Phong tục Bắc Nam cũng khác.”
Qua các triều đại và cả sự hiện diện của những anh hùng hào kiệt mỗi thời:
“Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập.
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau.
Song hào kiệt đời nào cũng có.”
Khi thuyết minh về Bình ngô đại cáo, ta nhận thấy bên cạnh việc khẳng định nền chủ quyền, độc lập dân tộc, “Đại cáo bình Ngô” còn là một bản cáo trạng đanh thép đối với những tội ác mà kẻ thù đã gây ra cho nhân dân ta suốt hai mươi năm dài xâm lược. Trong những ngày đầu đặt chân lên đất nước vì muốn đô hộ ta, chúng đã tỏ rõ là những kẻ xảo trá, bịp bợm:
“Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa.”
Chúng ra sức bóc lột, đẩy nhân dân ta vào chỗ hiểm nguy:
“Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.”
Tàn ác hơn, thâm độc hơn, chúng còn sẵn sàng hủy diệt sinh mệnh của con người bằng những cách hung bạo:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.”
Giặc hiện lên quá với những hình ảnh ghê rợn:
“Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán”
Thật sự những tội ác chất chồng mà chúng gây ra không thể nào đếm hết:
“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.”
Khi nói về tội ác của giặc, tác giả đã chọn cái vô hạn, khôn cùng của “trúc Nam Sơn”, của “nước Đông Hải” cũng để nói về cái vô hạn, khôn cùng là tội ác và sự nhơ bẩn của kẻ thù. Trong bản cáo trạng ấy, ta có thể thấy tác giả gửi gắm vào đó lúc là sự sục sôi, căm phẫn, khi lại uất hận, nghẹn ngào. Tác giả đau đớn, cất tiếng kêu oán thán: “Lẽ nào trười đất dung tha” – “Ai bảo thần nhân chịu được?” và điều đó cũng chính là biểu hiện của tấm lòng luôn hướng đến quyền sống của người dân, luôn lo cùng nỗi lo và đau cùng nỗi đau với nhân dân.
Với tội ác của giặc, quân dân ta đã nhất tề đồng lòng đứng lên chống lại giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập. Những người anh hùng cứu nước, và đặc biệt là vị minh soái tài ba Lê Lợi dù có xuất thân bình thường:
“Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa,
Chốn hoang dã nương mình”
Khi chiến đấu với kẻ thù lại trải qua muôn vàn khó khăn:
“Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
Nhân tài như lá mùa thu.”
Có lúc phải đối diện với rất nhiều sự thiếu thốn về lương thực và cả lực lượng:
“Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Khi Khôi Huyện quân không một đội.”
Nhưng với tinh thần “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn”, với niềm tin “Trời thử lòng trao cho mệnh lớn”, quân ta đã đồng lòng “gắng chí khắc phục gian nan”. Cuối cùng sau nhiều năm tháng người chủ tướng phải“đau lòng nhức óc”, “quên ăn vì giận”, “trằn trọc trong cơn mộng mị”, “băn khoăn một nỗi đồ hồi”…, quân dân ta đã đánh kẻ thù đến nỗi “sạch không kình ngạc”, “tan tác chim muông”. Ta giành được độc lập, giặc thất bại ê chề là kết cục không thể khác hơn cho cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa mà chúng gây ra. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là mặc dù giặc độc ác, tàn nhẫn như thế vậy mà sau biết bao đau đớn, căm hờn, ta vẫn lấy tấm lòng hiếu sinh để mở đường sống cho chúng. Như vậy, đến cuối cùng ta đã dùng tấm lòng nhân đạo để hóa giải hận thù. Thế mới thấy lúc này cách hành xử với tội ác của giặc đã khiến cho tinh thần nhân nghĩa của ta vươn lên một tầm cao mới.
Cuối cùng nền độc lập, tự do được xác lập lại cho đất nước sau rất nhiều đau thương chính là kết quả tốt đẹp cho một dân tộc chiến đấu anh hùng và biết sống nhân nghĩa. Thuyết minh về Bình ngô đại cáo không thể quên khi Nguyễn Trãi thay Lê Lợi bố cáo rộng rãi cho quần chúng nhân dân:
“Xã tắc từ đây vững bền,
Giang sơn từ đây đổi mới.
Kiền khôn bĩ rồi lại thái,
Nhật nguyệt hối rồi lại minh.
Muôn thuở nền thái bình vững chắc,
Ngàn thu vết nhục sạch làu.”
Lời tuyên bố cho thấy một niềm tin mãnh liệt của tác giả về nền thái bình vững chắc, lâu bền của dân tộc. Sau những ngày tháng sống cảnh áp bức, bóc lột tối tăm, mờ mịt, quân dân ta đã tìm lại được ánh sáng cho sự sống của chính đất nước mình. Hai câu kết của bài cáo vang lên cũng chính là sự khép lại của thời kì chiến đấu oanh liệt và sự mở ra của một giai đoạn tươi sáng, phát triển:
“Một cố nhung y chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm;
Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn.”
Viết tác phẩm, Nguyễn Trãi đã sử dụng lối viết có sự kết hợp uyển chuyển giữa văn chương và chính luận. Ngoài ra, khi viết tác phẩm, Nguyễn Trãi còn sử dụng giọng văn có sự biến đổi linh hoạt vô cùng, hình ảnh sử dụng trong bài cáo lại sinh động và vô cùng hoành tráng.
Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi còn sử dụng lối liệt kê hình tượng phong phú, đa dạng, thể hiện sự tương phản trong kháng chiến giữa ta và địch. Đoạn viết về cuộc khởi nghĩa của ta có thể xem là một trong những đoạn thơ đặc sắc về nghệ thuật của “Đại cáo bình Ngô”. Nói như vậy là vì nhà thơ đã rất thành công trong việc thể hiện những phương thức nghệ thuật về liệt kê hình ảnh và thủ pháp tương phản đối lập. Ta thì “điều binh thủ hiểm”, “chặt mũi tiên phong”, “sai tướng chẹn đường”, “tuyệt nguồn lương thực”, “bốn mặt vây thành”; địch thì “động binh không ngừng”, “đem dầu chữa cháy”. Lực lượng của ta thì “sĩ tốt kén người hùng hổ, bề tôi chọn kẻ vuốt nanh” còn nhìn quân giặc thì chúng lại xuất hiện trong hình ảnh “thất thế”, “cụt đầu”, “đại bại tử vong”, “cùng kế tự vẫn”…
Có thể thấy, với những giá trị trên đây, “Đại cáo bình Ngô” xứng đáng là một tác phẩm lưu danh sử sách đến muôn đời. Bài cáo không chỉ khẳng định hùng hồn nền độc lập, chủ quyền của đất nước mà còn góp phần thể hiện cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất và tấm lòng nhân đạo, tinh thần nhân nghĩa của dân tộc ta…
Xem thêm lời giải Sách bài tập Ngữ văn 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Câu 2 trang 3 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Kẻ bảng vào vở theo gợi ý dưới đây và điền thông tin phù hợp:...
Câu 3 trang 4 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Điều gì thôi thúc Thuý Kiều trao duyên cho Thuý Vân?...
Câu 6 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Hãy khái quát nội dung của bốn câu thơ đầu....
Câu 1 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đoạn trích nằm ở phần nào của Truyện Kiều?...
Câu 6 trang 7 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nêu cảm nhận về hình ảnh Từ Hải trong hai câu thơ cuối....
Bài tập 3 trang 9 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Quan điểm của bạn về lòng khoan dung....
Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 4: Tự sự trong truyện thơ dân gian và trong thơ trữ tình
Bài 5: Nhân vật và xung đột trong bi kịch
Bài 6: Nguyễn Du – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Bài 7: Ghi chép và tưởng tượng trong kí