Giải SGK Lịch Sử 7 Bài 15 (Chân trời sáng tạo): Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý (1009-1226)

9.8 K

Lời giải bài tập Lịch Sử lớp 7 Bài 15: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý (1009-1226) sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Lịch Sử 7 Bài 15 từ đó học tốt môn Sử 7.

Giải bài tập Lịch sử lớp 7 Bài 15: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý (1009-1226)

Video giải Lịch sử 7 Bài 15: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý (1009-1226) - Chân trời sáng tạo

1. Sự thành lập nhà Lý

Giải Lịch sử 7 trang 57 Chân trời sáng tạo

Câu hỏi trang 57 Lịch sử 7: Dựa vào thông tin trong bài và tư liệu 15.2, em hãy:

- Cho biết nhà Lý được thành lập trong hoàn cảnh nào?

- Giải thích vì sao Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La? Đánh giá ý nghĩa của sự kiện này

Phương pháp giải:

B1: Đọc lại nội dung mục 1 trang 57

B2: Đọc nội dung chiếu dời đô để biết lí do Lí Thái Tổ rời đô về Đại La. 

Trả lời:

- Nhà Lý được thành lập trong hoàn cảnh:  Năm 1009, Lê Long Đĩnh mất. Các nhà sư và đại thần trong triều tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Nhà Lý được thành lập

- Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La vì:

- Kinh đô Hoa Lư không còn phù hợp với tình hình đất nước. 

- Muốn chọn một nơi có địa thế thuận lợi (Đại La nằm trung tâm đồng bằng Bắc Bộ), để ổn định về chính trị làm cơ sở để phát triển kinh tế, đưa đất nước đi lên.

- “xem khắp đất Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội trọng yếu của bốn phương. Đúng là nơi thượng đô, kinh sư mãi muôn đời”.

2. Tình hình chính trị

Giải Lịch sử 7 trang 58 Chân trời sáng tạo

Câu hỏi trang 58 Lịch sử 7: Nhà Lý đã làm gì để củng cố chế độ quân chủ?

Phương pháp giải:

Đọc lại nội dung mục 2 trang 58 SGK

Trả lời:

Để củng cố chế độ quân chủ, nhà Lý đã:

- Đổi tên nước là Đại Việt (1054)

- Tổ chức bộ máy nhà nước gồm:

+ Trung ương: Vua đứng đầu, các chức vụ quan trọng cử người thân cận nắm giữ. Giúp việc vua có quan đại thần. 

+ Địa phương: Cả nước có 24 lộ, phủ (châu), huyện, hương, xã. 

- Ban hành bộ luật Hình thư (1042)

- Quân đội gồm: cấm quân và quân địa phương, thi hành chính sách “ngụ binh ư nông”.

- Ban chức tước, gả con gái cho tù trưởng miền núi.

- Giữ hòa hiếu với nhà Tống và Chăm -pa nhưng kiên quyết chống lại quân xâm lược.

3. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (1075-1077)

Giải Lịch sử 7 trang 59 Chân trời sáng tạo

Câu hỏi trang 59 Lịch sử 7: - Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075-1077) có những nét độc đáo gì?

- Lý Thường Kiệt có vai trò như thế nào trong kháng chiến chống Tống?

Phương pháp giải:

B1: Đọc lại nội dung mục 3.a trang 59 SGK 

B2: Khi xem xét vai trò của Lý Thường Kiệt cần chú ý đến chức vụ, cách đối phó với quân Tống xâm lược của ông. 

Trả lời:

* Những nét độc đáo của cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075-1077)

- Chủ động tiến công địch, đẩy địch vào thế bị động.

- Lựa chọn và xây dựng phòng tuyến phòng ngự vững chắc trên sông Như Nguyệt.

- Đánh vào tâm lí của địch bằng bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”

- Chủ động tấn công quy mô lớn vào trận tuyến của địch khi thấy địch yếu.

- Chủ động kết thúc chiến sự, đề nghị “giảng hòa” để hạn chế tổn thất.

* Vai trò của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077):

+ Tiêu diệt thủy quân của địch, không cho thủy quân tiến sâu vào hỗ trợ cánh quân đường bộ. 

+ Nhận thấy quân địch đã suy yếu, hoang mang Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công quy mô lớn vào trận tuyến của địch.

+ Là người chỉ huy cuộc kháng chiến, giữ chức vụ chủ chốt trong quân đội 

+ Đưa ra đường lối kháng chiến đúng đắn, dẹp tan quân Tống

4. Tình hình kinh tế, xã hội

Giải Lịch sử 7 trang 61 Chân trời sáng tạo

Câu hỏi trang 61 Lịch sử 7: - Nhà Lý đã có những biện pháp gì để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp?

- Trình bày những nét chính về tình hình phát triển thủ công nghiệp và thương nghiệp thời Lý? Kể tên một số địa danh nổi tiếng về nghề thủ công và buôn bán thời kì này?

- Mô tả vài nét về đời sống xã hội thời Lý.

Phương pháp giải:

Đọc lại nội dung mục 4 SGK

Trả lời:

* Những biện pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp thời Lý:

- Định ra luật bảo vệ sản xuất và sức kéo cho nông nghiệp. 

- Nông dân nhận ruộng đất công cày cấy và nộp thuế cho nhà nước

- Chính sách “ngụ binh ư nông” để đảm bảo sức lao động trong nông nghiệp.

- Tổ chức làm thủy lợi và đắp đê. Khuyến khích khai khẩn đất hoang. 

* Thủ công nghiệp và buôn bán thời Lý:

Nội dung

Thủ công nghiệp

Thương nghiệp

Nét chính

- Phát triển

- Thủ công nghiệp nhà nước: đúc tiền, chế tạo vũ khí…

- Thủ công nghiệp nhân dân: chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, gạch ngói, đúc đồng, rèn sắt…)

- Phát triển

- Trao đổi trong và ngoài nước được mở rộng

Địa danh nổi tiếng

Bát Tràng, Nhược Công, Nghi Tàm, Đại Yên,…

Chợ Cửa Đông, chợ Tây Nhai, chợ Cửa Nam, chợ biên giới Tống-Việt, cảng Vân Đồn

* Đời sống xã hội thời Lý:

- Xã hội ngày càng phân hóa. 

- Tầng lớp thống trị: Vua, quý tộc, quan lại, địa chủ. Có nhiều đặc quyền, thế lực lớn. 

- Tầng lớp bị trị: nông dân, thợ thủ công, thương nhân, nô tì.

5. Những thành tựu tiêu biểu về văn hóa - giáo dục

Giải Lịch sử 7 trang 63 Chân trời sáng tạo

Câu hỏi trang 63 Lịch sử 7: - Trình bày những thành tựu văn hóa-giáo dục tiêu biểu thời Lý.

- Việc xây dựng Văn Miếu- QUốc Tử Giám và mở khoa thi đầu tiên có ý nghĩa như thế nào?

Phương pháp giải:

Đọc lại nội dung mục 5 SGK Lịch sử 7

Trả lời:

Lĩnh vực

Nội dung

Giáo dục

- Năm 1070: xây dựng Văn Miếu ở Thăng Long

- Năm 1075: tổ chức khoa thi đầu tiên

- Năm 1076 mở Quốc Tử Giám để dạy học cho con em qúy tộc, quan lại

- Văn học chữ Hán bước đầu phát triển

Văn hóa

- Tôn sùng đạo Phật

- Nho giáo bước đầu có vai trò trong xã hội

- Đạo giáo thịnh hành, gắn kết với tín ngưỡng dân gian

- Công trình kiến trúc: chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, chùa Một Cột…

- Điêu khắc: tượng Phật, bệ đá hoa sen, rồng mình trơn…

* Việc xây dựng Văn Miếu- Quốc Tử Giám và mở khoa thi đầu tiên có ý nghĩa:

-  minh chứng ghi nhận quyết sách về đường hướng của nền giáo dục 

- Thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với giáo dục

Luyện tập - vận dụng

Giải Lịch sử 7 trang 64 Chân trời sáng tạo

Luyện tập 1 trang 64 Lịch sử 7: Từ thông tin bài học, hãy vẽ sơ đồ tư duy thể hiện những nét chính về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, giáo dục thời Lý. 

Phương pháp giải:

B1: Đọc thông tin mục 2, 4 và tổng hợp dữ liệu

B4: vẽ sơ đồ tư duy gồm 4 ý chính về chính trị, kinh tế, xã hội và 

Trả lời:

 (ảnh 2)

Vận dụng 2 trang 64 Lịch sử 7: Hãy sưu tập tư liệu và chọn giới thiệu một di sản lịch sử - văn hóa thời Lý mà em thích nhất. Giải thích vì sao?

Phương pháp giải:

B1: Tìm kiếm, thông tin tư liệu qua sách báo, internet.

B2.: Một số si sản lịch sử- văn hóa thời Lý: chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám. 

Trả lời:

Chùa Một Cột nằm trên phần đất thôn Phụ Bảo, tổng Yên Thành cũ. Chùa này xây vào khoảng tháng 10 năm Kỷ Sửu, tức vào tháng 9 năm 1049. Chùa hình vuông, mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đá hình trụ có đường kính 1,2m, cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất) gồm 2 trụ đá chồng lên nhau, gắn rất khéo, thoạt nhìn cứ tưởng là một khối đá liền. Tầng trên đỡ một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên, nhìn chẳng khác nào một đoá hoa sen vươn thẳng lên từ một hồ nhỏ hình vuông có xây lan can bằng gạch chung quanh. Một cầu thang xây xinh xắn dẫn lên chùa. Trên cửa chùa có tấm biển đề "Liên hoa đài" (đài hoa sen).

Vận dụng 3 trang 64 Lịch Sử lớp 7: Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý để lại những bài học gì cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay?

Trả lời:

* Bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Tống

- Đề ra chiến thuật đúng đắn phù hợp với hoàn cảnh lịch sử

- Biết chớp thời cơ

- Sử dụng đòn đánh tâm lý, gây hoang mang, dao động cho kẻ thù

- Sự lãnh đạo tài tình đúng đắn

- Sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc

Lý thuyết Lịch sử 7 Bài 15: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý (1009-1226)

1. Sự thành lập nhà Lý

- Năm 1009 vua Lê Long Đĩnh mất, các nhà sư và đại thần đã suy tôn Lý Công Uẩn lên làm vua. Nhà Lý thành lập.

- Năm 1010 Lý Thái Tổ đặt niên hiệu là Thuận Thiên, quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên Thăng Long => sự kiện dời đô mở ra thời kì phát triển cho đất nước.

Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long (minh họa)

2. Tình hình chính trị

- Tổ chức chính quyền:

+ 1054 Lý Thánh Tông đổi tên nước Đại Việt. Tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương.

+ Trung ương: Vua đứng đầu, cha truyền con nối, cử người thân giữ các chức vụ quan trọng dưới có quan Đại thần và các Quan văn, võ giúp vua lo việc nước.

+ Địa phương : cả nước chia 24 Lộ, dưới có phủ 9owr miền núi gọi là châu) ; dưới lộ là huyện, hương. Đơn vị cấp cơ sở là xã.

- Luật Pháp:

+ Năm 1042 ban hành bộ Hình thư (bộ luật thành văn đầu tiên Việt Nam)

+ Vua Lý còn cho đặt chuông trước điện Long Trì, người dân có điều gì oan ức sẽ đánh chuông tâu vua.

- Quân đội:

+ Gồm 2 bộ phận: Cấm quân (bảo vệ vua, triều đình) và quân địa phương.

+ Thực hiện chính sách “ Ngụ binh ư nông” – quân sĩ luân phiên vừa luyện tập, vừa cày ruộng, sẵn sàng chiến đấu khi được huy động.

Minh họa chính sách “ngụ binh ư nông”

- Về đối nội: Nhà Lý thi hành chính sách đoàn kết dân tộc, ban chức tước, gả công chúa cho các tù trưởng miền núi.

Về đối ngoại: Triều đình chủ trương giữ mối quan hệ hòa hiếu nhà Tống, Cham-pa, nhưng kiên quyết đáp trả mọi âm mưu xâm lược.

3. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống

a. Chủ động tiến công để phòng vệ (1075)

- Giữa thế kỉ XI, nhà Tống gặp nhiều khó khăn, ngân khố cạn kiệt, dân tình đói khổ, chiến tranh với các bộ tộc phía bắc. Vua Tống muốn gây chiến Đại Việt để giải quyết khủng hoảng.

- Biết được âm mưu, nhà Lý chuẩn bị đối phó và cử Thái úy Lý Thường Kiệt làm chỉ huy cuộc kháng chiến.

- Lý Thường Kiệt nhận định “Ngồi yên đợi giặc, không bằng đem quân đánh trước để chặn thế mạnh của giặc”

- Tháng 10/1075, Lý Thường Kiệt chỉ huy hơn 10 vạn quân thuỷ, bộ chia làm 2 đạo tiến vào đất Tống. Phá hủy kho lương thực của chúng. Ông chủ động rút quân về nước.

Lý Thường Kiệt chỉ huy quân sĩ tấn công nhà Tống (minh họa)

b. Phòng vệ tích cực để tấn công: Trận chiến trên phòng tuyến sông Như Nguyệt

- Sau khi rút quân về nước, Lý Thường Kiệt gấp rút chuẩn bị phòng tuyến bên bờ Nam sông Như Nguyệt.

- Tháng 1/1077 khoảng 10 vạn quân Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy vượt ải Nam Quan tiến vào Thăng Long, nhưng bị chặn đánh ở bờ Bắc sông Như Nguyệt.

- Quách Quỳ nhiều lần cho quân vượt sông đánh phòng tuyến nhưng thất bạ

- Cuối 1077 Lý Thường Kiệt cho quân vượt sông bất ngờ đánh vào các doanh trại giặc khiến quân Tống thua to ” Mười phần chết đến năm, sáu”.

- Lý Thường Kiệt đề nghị giảng hòa. Quân Tống rút về nước.

4. Tình hình kinh tế, xã hội

a. Tình hình kinh tế

- Nông nghiệp: được chú trọng phát triển.

+ Hằng năm Vua tổ chức lễ cày tịch điền để khuyến khích nhân dân sản xuất.

+ Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, nên mùa màng bội thu.

Lễ cày tịch điền được phục dựng lại

Thủ công nghiệp: khá phát triển. Bao gồm hai bộ phận.

+ Thủ công nghiệp nhà nước: đúc tiền, chế tạo vũ khí,…

+ Thủ công nghiệp nhân dân: Chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, gạch ngói, rèn sắt,… nhiều làng nghề ra đời: làng gốm Bát Tràng, làng dệt Nhược Công… Kinh thành Thăng Long bấy giờ đã có làng trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa Nghi Tàm, làng trồng cây thuốc nam, chế biến thảo dược Đại Yên.

- Thương nghiệp: Sự thịnh vượng kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp thúc đẩy thương nghiệp phát triển.

+ Tiền đồng được sử dụng rộng rãi, việc buôn bán và trao đổi trong và ngoài nước mở rộng.

+ Thăng Long có chợ Cửa Đông, Tây Nhai, Cửa Nam, nhiều chợ dọc biên giới Việt - Tống được thành lập.

+ Vân Đồn là cảng biển có vị trí thuận lợi, thuyền bè qua lại buôn bán tấp nập.

b. Tình hình xã hội

Thời Lý xã hội ngày càng phân hóa.

Vua, quý tộc, quan lại là bộ phận chính trong giai cấp thống trị. Địa chủ ngày càng tăng có thế lực lớn.

- Nông dân chiếm đa số, là lực lượng sản xuất chủ yếu, phải nộp thuế, phục vụ nhà nước.

- Thợ thủ công, thương nhân khá đông. Nô tì phục vụ trong triều đình, các gia đình quan lại.

5. Những thành tựu tiêu biểu về văn hóa, giáo dục

a. Giáo dục

- Nhà Lý chú trọng phát triển giáo dục để đào tạo người tài và tuyển chọn quan lại.

- Năm 1070: Lý Thánh Tông xây dựng Văn Miếu ở Thăng Long

- Năm 1075: mở khoa thi đầu tiên.

- Năm 1076: thành lập Quốc Tử Giám

Khuê Văn Các, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội

b. Văn hóa

Văn học chữ Hán bước đầu phát triển, một số tác phẩm có giá trị như : Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn), Nam Quốc Sơn Hà (Khuyết danh), Cáo tật thị chúng (Mãn Giác Thiền Sư).

- Đạo phật được coi trọng. Nho giáo bước đầu có vai trò trong xã hội. Đạo giáo thịnh hành.

- Công trình kiến trúc nổi tiếng như : Chùa Một Cột, Chuông Quy Điền, Hoàng Thành Thăng Long,..

 - Nghệ thuật điêu khắc: đa dạng, độc đáo thể hiên trên các tượng Phật, bệ đá hình hoa sen hay trên đồ gốm, hình rồng thời Lý uốn khúc, mềm mại, uyển chuyển.

Chùa Một Cột (Hà Nội)

Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết:

Bài 14: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Ngô-Đinh-Tiền Lê (938-1009)

Bài 16: Công cuộc xây dựng đất nước thời Trần (1226-1400)

Bài 17: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên

Bài 18 : Nhà Hồ và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh (1400-1407)

Đánh giá

0

0 đánh giá