Giải Sinh Học 9 Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật

3.6 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Sinh Học lớp 9 Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật lớp 9.

Giải bài tập Sinh Học lớp 9 Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 131 SGK Sinh học 9: Quan sát hình trên và trả lời các câu hỏi sau:

Giải Sinh Học 9 Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật (ảnh 1)

- Khi có gió bão, thực vật sống thành nhóm có lợi gì so với thực vật sống riêng rẽ?

- Trong điều kiện tự nhiên, động vật sống thành bày đàn có lợi gì?

Trả lời:

Khi có gió bão, thực vật sống thành nhóm có tác dụng giảm bớt sức thổi của gió, làm cây không bị đổ, bị gãy.

Động vật sống thành bầy đàn có lợi trong việc tìm kiếm được nhiều thức ăn hơn, phát hiện kẻ thù nhanh hơn và tự vệ tốt hơn.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 131 SGK Sinh học 9: Hãy tìm câu trả lời đúng trong các câu sau:

- Hiện tượng cá thể tách ra khỏi nhóm làm tăng khả năng cạnh tranh giữa các cá thể.

- Hiện tượng cá thể tách ra khỏi nhóm làm cho nguồn thức ăn cạn kiệt nhanh chóng.

- Hiện tượng cá thể tách ra khỏi nhóm làm giảm khả năng cạnh tranh giữa các cá thể, hạn chế sự cạn kiệt thức ăn trong rừng.

Trả lời:

Câu trả lời đúng là: Hiện tượng cá thể tách ra khỏi nhóm làm giảm khả năng cạnh tranh giữa các cá thể, hạn chế sự cạn kiệt thức ăn trong rừng.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 3 trang 132 SGK Sinh học 9: Trong các ví dụ sau đây, quan hệ nào là hỗ trợ hoặc đối địch?

- Ở địa y, các sợi nấm hút nước và muối khoáng từ môi trường cung cấp cho tảo, tảo hấp thu nước và muối khoáng, năng lượng ánh sáng mặt trời để tổng hợp lên các chất hữu cơ, nấm và tảo đều sử dụng chất hữu cơ do tảo tổng hợp

- Trên một cánh đồng lúa, khi cỏ dại phát triển thì năng suất lúa giảm

- Hươu, nai và hổ cùng sống trong một cánh rừng. Số lượng hươu, nai bị khống chế bởi số lượng hổ

- Rận và bét sống bám trên da trâu bò. Chúng sống được là nhờ hút máu của trâu bò

- Địa y sống bám trên cành cây

- Cá ép bám vào mai rùa biển, nhờ đó cá được đưa đi xa

- Dê và bò cùng ăn cỏ trên một cánh đồng

- Giun đũa sống trong ruột người

- Vi khuẩn sống trong nốt sần của rễ cây họ Đậu

- Cây nắp ấm bắt côn trùng

Trả lời:

Quan hệ hỗ trợ gồm: 

- Cộng sinh: tảo và nấm trong địa y; vi khuẩn trong nốt sần của rễ cây đậu.

- Hội sinh: cá ép và rùa; địa y bám trên cành cây.

Quan hệ đối kháng gồm 

- Cạnh tranh: lúa và cỏ dại; dê và bò.

- Kí sinh: rận, bét kí sinh trên trâu, bò; giun đũa kí sinh trong cơ thể người.

- Sinh vật ăn sinh vật ăn sinh vật khác: hươu, nai và hổ; cây nắp ấm và côn trùng.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 4 trang 133 SGK Sinh học 9: Sự khác nhau chủ yếu giữa quan hệ hỗ trợ và quan hệ đối địch của các sinh vật khác loài là gì?

Trả lời:

Quan hệ hỗ trợ là mối quan hệ giữa các loài sinh vật mà trong đó các loài sinh vật tham gia đều có lợi hoặc ít nhất không có hại.

Quan hệ đối địch là mối quan hệ giữa các loài sinh vật mà trong đó một bên sinh vật được lợi còn bên kia bị hại hoặc cả hai bên cùng bị hại.

Câu hỏi và bài tập (trang 134 SGK Sinh học lớp 9)

Câu 1 trang 134 SGK Sinh học 9: Các sinh vật cùng loài hỗ trợ và cạnh tranh lẫn nhau trong những điều kiện nào?

Trả lời:

+ Hỗ trợ khi sinh vật sống với nhau thành nhóm tại nơi có diện tích (hoặc thể tích) hợp lí và có nguồn sống môi trường cung cấp đầy đủ cho sinh vật. Chúng hỗ trợ nhau để cùng tồn tại, phát triển như kiếm mồi, chống lại kẻ thù, báo hiệu nhau nơi trú ẩn tốt…

+ Cạnh tranh xảy ra khi số lượng cá thể tăng lên quá cao dẫn tới thiếu thức ăn, nơi ở, con đực tranh giành con cái... các cá thể trong nhóm cạnh tranh nhau gay gắt, dẫn tới một số cá thể phải tách ra khỏi nhóm.

Câu 2 trang 134 SGK Sinh học 9: Quan hệ giữa các cá thể trong hiện tượng tự tỉa ở thực vật là mối quan hệ gì? Trong điều kiện nào hiện tượng tự tỉa diễn ra mạnh mẽ?

Phương pháp giải:

Tự tỉa là hiện tượng các cá thể hoặc các cành mọc quá dầy dẫn đến các cá thể yếu hơn, các cành phía dưới bị chết

Trả lời:

Tự tỉa ở thực vật là kết quả của cạnh tranh cùng loài và cả khác loài, cạnh tranh về ánh sáng và dinh dưỡng, dẫn đến những cá thể yếu không có khả năng cạnh tranh sẽ bị chết và bị tỉa.

Hiện tượng tự tỉa thưa diễn ra mạnh mẽ khi cây mọc dày thiếu ánh sáng.

Câu 3 trang 134 SGK Sinh học 9: Hãy tìm thêm các ví dụ minh họa quan hệ hỗ trợ đối địch của các sinh vật khác loài. Trong các ví dụ đó, những sinh vật nào là sinh vật được lợi hoặc bị hại?

Trả lời:

Quan hệ đối địch:

- Trên một cánh đồng lúa, khi cỏ dại phát triển thì năng suất lúa giảm (lúa là loài bị hại, cỏ dại là loài được lợi)

- Hươu, nai và hổ cùng sống trong một cánh rừng. Số lượng hươu, nai bị khống chế bởi số lượng hổ (hươu là loài bị hại, hổ là loài được lợi)

- Bọ dừa phá hoại cây dừa làm chết cây, năng suất vườn dừa giảm.

- Cây tầm gửi kí sinh trên cây thân gỗ, hút chất dinh dưỡng của cây.

- Tảo giáp nở hoa gây độc cho cá, tôm và chim ăn cá, tôm sẽ bị độc đó.

Quan hệ hỗ trợ:

- Địa y sống bám trên cành cây (địa y được lợi, cành cây không bị hại cũng không có lợi)

- Vi khuẩn sống trong nốt sần của rễ cây họ Đậu (cả vi khuẩn và cây họ đậu đều được lợi)

- Chim sáo ăn thức ăn thừa mắc trên răng của trâu rừng.

- Trùng roi sống trong ruột mối, giúp mối tiêu hóa thức ăn.

Câu 4 trang 134 SGK Sinh học 9: Trong thực tiễn sản xuất, cần phải làm gì để tránh sự cạnh tranh gay gắt giữa các cá thể sinh vật, làm giảm năng suất vật nuôi, cây trồng?

Phương pháp giải:

Cạnh tranh xảy ra do cạn kiệt về nguồn sống không đáp ứng được mật độ cao các cá thể sinh vật.

Trả lời:

Cần trồng cây và nuôi động vật với mật độ hợp lí, áp dụng các kĩ thuật tỉa thưa đối với thực vật hoặc tách đàn đối với động vật khi cần thiết, cung cấp thức ăn đầy đủ và vệ sinh môi trường sạch sẽ.

Lý thuyết  Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật

I. Quan hệ cùng loài

- Các sinh vật cùng loài sống gần nhau, liên hệ với nhau, hình thành nên nhóm cá thể.

- Trong một nhóm cá thể, chúng có mối quan hệ hỗ trợ hoặc cạnh tranh nhau.

+ Chúng hỗ trợ nhau trong việc trống lại kẻ thù, di cư, tìm kiếm thức ăn, chống chọi với môi trường…

Giải Sinh Học 9 Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật (ảnh 2)

+ Tuy nhiên, khi gặp điều kiện bất lợi (thiếu thức ăn, nơi ở, số lượng cá thể tăng quá cao…) các cá thể trong nhóm sẽ cạnh tranh lẫn nhau.

Giải Sinh Học 9 Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật (ảnh 3)

Khi đó dẫn tới hiện tượng các cá thể tách ra khỏi nhóm làm giảm nhẹ cạnh tranh giữa các cá thể, hạn chế sự cạn kiệt nguồn thức ăn trong vùng.

II. Quan hệ khác loài

- Các sinh vật khác loài có mối quan hệ hỗ trợ hoặc đối địch nhau

Giải Sinh Học 9 Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật (ảnh 4)
 
Đánh giá

0

0 đánh giá