Đọc văn bản Tình ca ban mai và trả lời các câu hỏi bên dưới

12.1 K

Với giải Câu 1 trang 6, 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Chân trời sáng tạo chi tiết trong Bài 6: Nâng niu kỉ niệm giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 6: Nâng niu kỉ niệm

Câu 1 trang 6, 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc văn bản Tình ca ban mai và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Tình ca ban mai

Chế Lan Viên

Em đi như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết

Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc

Em ở trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh che

Tình em như sao khuya
Rãi hạt vàng chi chít

Sợ gì chim bay đi
Mang bóng chiều đi hết

Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về

Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya

Hạnh phúc trên đầu ta
Mọc sao vàng chi chít

Mai, hoa em lại về…

(In trong Thơ Việt Nam 1954 – 1964 (Mã Giang Lân sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu), NXB Giáo dục, 1997)

a. Xác định các biện pháp nghệ thuật nổi bật được sử dụng trong ba khổ thơ đầu và nhận xét về sự độc đáo của chúng.

b. Quan hệ nhân quả giữa tình yêu và hạnh phúc được thể hiện như thế nào trong năm khổ thơ tiếp theo?

c. Bạn có nhận xét gì về cách sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số ít “em”, “tình em” đến cách sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số nhiều “ta”, “tình ta” và các động từ chỉ hành động trong các khổ thơ?

d. Tìm những hình ảnh biểu tượng cho tình yêu, hạnh phúc được sử dụng trong bài thơ. Bạn có nhận xét gì về những biểu tượng đó?

đ. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ này là gì? Cảm hứng đó gợi cho bạn suy nghĩ gì về tình yêu được thể hiện trong bài thơ?

e. Bài thơ có cấu tạo khá đặc biệt, mỗi khổ thơ gồm hai dòng thơ, riêng khổ cuối chỉ có một dòng. Cách cấu tạo ấy có tác dụng gì trong việc thể hiện cảm hứng chủ đạo của bài thơ?

f. Theo bạn, nhan đề bài thơ Tình ca ban mai có phù hợp với nội dung bài thơ không? Giải thích ý kiến của bạn?

g. Bài thơ gợi cho bạn suy nghĩ gì về tình yêu?

Trả lời:

a. Biện pháp: so sánh và xây dựng hình tượng thơ/ hình ảnh theo lối cấu trúc song hành

So sánh: em đi như chiều đi, em về tựa mai về  em ở, trời trưa ở.

Cấu trúc song hành: Em đi, em về, em ở: gắn với ba thời điểm: chiều, mai, trưa, gắn với nỗi buồn, sự sống, ánh sáng: Em đi như mang theo chút ánh sáng buổi chiều, chỉ còn lại đêm đen, mang tất cả âm thanh của sự sống (gọi chim vườn bay hết), chỉ còn sự im lặng; em về đem theo bình minh, sự sống (rừng non xanh lộc biếc); em ở đem tới sự ấm áp, sự che chở (nắng sáng màu xanh che)

          Nhận xét: Độc đáo ở hình ảnh so sánh đồng thời mang tính ẩn dụ: việc em đi, về, ở được so sánh với bước đi của thời gian: chiều đi, mai về, trưa ở. Các hình ảnh: chim vườn bay hết, rừng non xanh lộc biếc, nắng sáng màu xanh che tượng trưng cho nỗi buồn, bóng tối, niềm vui, ánh sáng mà em – tình yêu đem đến cho nhân vật trữ tình.

b. Tình em như thảm sao vàng lấp lánh trên trời sẽ xua tan bóng tối, tình ta như lộc biếc tươi xanh sẽ đem đến ánh bình minh. Vì thế, cho dù vạn vật biến thiên thế nào thì ta vẫn còn những hạt vàng tình yêu như sao trên trời và hạnh phúc của đôi ta nhiều như sao trên trời. Qua đó, tác giả khẳng định sức mạnh của tình yêu. Mọi hi vọng tốt đẹp nhất của hai nhân vật trữ tình được tập trung thể hiện trong hai câu thơ

Hạnh phúc trên đầu ta

Mọc sao vàng chi chít

c. “Em”, “tình em” đem đến cho nhân vật trữ tình ánh sáng của sự sống và niềm hạnh phúc; sự sống và niềm hạnh phúc đó được nhân đôi bởi “ta”, “tình ta”. Nhân vật trữ tình trong bốn khổ thơ đầu thể hiện tình cảm đối với khách thể “em”, đến những khổ thơ sau thì khách thể và chủ thể trữ tình hòa nhập, trở thành “ta”. Bài thơ sử dụng rất nhiều đọng từ “gọi, rải, mang, mọc”. Qua các động từ đó, nhân vật trữ tình muốn khẳng định sức mạnh và vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu, tình yêu đem lại ánh sáng, sự sống, niềm tin, niềm hạnh phúc.

d. Có rất nhiều hình ảnh tượng trưng cho tình yêu, hạnh phúc được sử dụng trong bài thơ: tình em như chiều đi, trưa ở, mai về, lộc biếc, hạt vàng, ban mai, hoa em. Việc sử dụng những hình ảnh biểu tượng giúp tăng tính hàm súc và thẩm mĩ cho ý thơ.

đ. Cảm hứng chủ đạo của bài này là cảm hứng về một tình yêu trong sáng, đầy sức sống, niềm tin và hi vọng. Tình yêu trong bài thơ mang đến cho con người ánh sáng của sự sống, niềm tin và hi vọng.

e. Bài thơ gồm chín khổ thơ, tám khổ có 2 dòng thơ, riêng khổ cuối có 1 dòng. Mỗi khổ 2 dòng thơ là một cặp hình ảnh đối sánh các thời điểm trong ngày với những hình ảnh biểu tượng cho các cung bậc cảm xúc và nhận thức về tình yêu của tác giả: chiều, mai, trưa, khuya, đối sánh với chim vườn bay hết, rừng non, lộc biếc, nắng sáng màu xanh, sao khuya, hạt vàng. Dòng thơ ở khổ cuối khẳng định niềm tin, niềm hi vọng ở tình yêu

f. Nhan đề rất hay, thể hiện được nội dung bài thơ, quan niệm, cách nhìn của tác giả về tình yêu. Tình ca: khúc hát về tình yêu. Ban mai: gợi lên hình ảnh rực rỡ, long lanh của nắng mai, của màu xanh, của sự sống.

g. Câu hỏi mở, không áp đặt câu trả lời.

Đánh giá

0

0 đánh giá