Sách bài tập Ngữ Văn 10 Bài 6: Nâng niu kỉ niệm | Chân trời sáng tạo

13.9 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 6: Nâng niu kỉ niệm sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 6: Nâng niu kỉ niệm

A. Bài tập trong SGK Ngữ Văn lớp 10 Tập 2

 

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Đọc văn bảnChiếc lá đầu tiên(Hoàng Nhuận Cầm) trong SGK Ngữ văn 10, tập hai và trả lời các câu hỏi sau:

a. Nhận xét về điểm chung và tác dụng của những hình ảnh được tác giả sử dụng trong ba khổ đầu của bài thơ.

b. Xác định cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Dựa vào đâu mà bạn có thể xác định được như vậy?

c. Trình bày một thông điệp mà bạn tâm đắc nhất được rút ra từ việc đọc bài thơ. Lí giải vì sao bạn chọn thông điệp ấy.

Trả lời:

a. Hệ thống hình ảnh xuất hiện trong ba khổ thơ đầu của bài thơ: hoa súng, chùm phượng hồng, tiếng ve trong veo, lớp học bâng khuâng màu xanh rue, sân trường đêm, trái bàng đêm. Điểm chung là những hình ảnh ấy đều gợi liên tưởng đến thế giới học trò vô tư, hồn nhiên. Tác dụng của việc sử dụng hệ thống hình ảnh ấy là:

- Tạo nên thế giới hình ảnh thơ vừa thực (thế giới kí ức của tác giả) vừa mang tính biểu trưng (tiêu biểu cho trường lớp; tuổi hoa niên vừa rực rỡ, vừa ngây thơ, trong sáng).

- Góp phần thể hiện sự nhớ thương, tiếc nuối khi phải rời xa mái trường, phải chia tay tuổi hoa niên, sự trong trẻo của những rung động tình yêu đầu đời.

b. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: ngợi ca pha lẫn tiếc nuối những kỉ niệm tuyệt đẹp của tuổi hoa niên, của tình yêu đầu đời. Căn cứ để xác định:

- Những từ ngữ thể hiện cảm xuacs của tác giả trong bài thơ: xa rồi, yêu dấu, nhớ, biết mấy, các bạn ơi, ta ơi, ôi.

- Những âm thanh, hình ảnh đặc biệt được dùng để thể hiện gián tiếp hình ảnh của tác giả: tiếng ve, tiếng cười, lớp học, cây bàng, hoa phượng, trò nghịch ngợm của tuổi học sinh, mái tóc bạc của thầy, màu tím của hoa súng, màu đỏ của hoa phượng, màu vàng của hoa mướp, …

c. Đây là câu hỏi mở. Học sinh có thể trình bày những thông điệp khác nhau miễn là được rút ra dựa trên cơ sở đọc hiểu văn bản Chiếc lá đầu tiên; qua đó thể hiện được sự suy ngẫm và phản hồi của học sinh với những nội dung của văn bản.

 

Câu 2 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Đọc văn bảnTây Tiến(Quang Dũng) trong SGKNgữ văn 10, tập hai và trả lời các câu hỏi sau:

a. Nhận xét về tác dụng của cách gieo vần trong hai dòng thơ sau:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

b. Hình ảnh thiên nhiên và con người được gợi nhớ qua kỉ niệm về đoàn quân Tây Tiến ở đoạn 2 có điểm gì tương đồng và khác biệt so với đoạn 1?

c. Chọn một nét đặc sắc trong cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh của tác giả ở đoạn 3 và lí giải về sự lựa chọn ấy.

d. Việc khắc họa hình ảnh người lính ở đoạn 3 đã được chuẩn bị từ các đoạn thơ trước như thế nào?

Trả lời:

a. Vần “ơi" là một âm tiết hơi mở cùng với các thanh bằng trong hai dòng thơ đã tạo nên một âm hưởng kéo dài, lan rộng, gợi mở một tâm trạng, cảm xúc mênh mang, bâng khuâng, da diết đến vô cùng, vô tận.

b. Điểm tương đồng:

- Hình ảnh con người: mang vẻ đẹp lãng mạn.

- Hình ảnh thiên nhiên: mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình

Điểm khác biệt:

- Hình ảnh con người: Vẻ đẹp của hình ảnh con người ở đoạn 2 là sự kết hợp giữa vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa, lạc quan, yêu đời của người lính với vẻ đẹp đầy quyến rũ, tình tứ của những cô gái dân tộc miền Tây Bắc qua cái nhìn của những anh lính Tây Tiến.

- Hình ảnh thiên nhiên: Thiên nhiên miền Tây được tái hiện qua đoạn 2 là hình ảnh của một vùng sông nước thơ mộng, mờ nhòe, hư ảo với sự tương hợp, hài hòa giữa cảnh và người. Nét vẽ thiên nhiên ở đoạn 2 tinh tế, mềm mại hơn những đường nét ở đoạn 1.

c. Đây là câu hỏi mở. Học sinh có thể chọn một nét đặc sắc bất kifveef cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh trong đoạn 3 và lí giải hợp lí nét đặc sắc của từ ngữ, hình ảnh đã chọn.

d. Sự chuẩn bị cho việc khắc họa hình ảnh người lính từ những đoạn thơ trước đó: hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và huyền ảo là cái nền để tô đậm vẻ đẹp, khí phách hào hùng của người lính Tây Tiến; cái nhìn đậm chất lãng mạn của người lính đối với thiên nhiên miền Tây, với những kỉ niệm tuyệt đẹp thắm tình quân dân → Tất cả góp phần tạo nên vẻ đẹp lãng mạn, bi tráng của hình ảnh người lính Tây Tiến.

 

B. Bài tập mở rộng Ngữ Văn lớp 10 Tập 2

 

Câu 1 trang 6, 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc văn bản Tình ca ban mai và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Tình ca ban mai

Chế Lan Viên

Em đi như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết

Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc

Em ở trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh che

Tình em như sao khuya
Rãi hạt vàng chi chít

Sợ gì chim bay đi
Mang bóng chiều đi hết

Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về

Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya

Hạnh phúc trên đầu ta
Mọc sao vàng chi chít

Mai, hoa em lại về…

(In trong Thơ Việt Nam 1954 – 1964 (Mã Giang Lân sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu), NXB Giáo dục, 1997)

a. Xác định các biện pháp nghệ thuật nổi bật được sử dụng trong ba khổ thơ đầu và nhận xét về sự độc đáo của chúng.

b. Quan hệ nhân quả giữa tình yêu và hạnh phúc được thể hiện như thế nào trong năm khổ thơ tiếp theo?

c. Bạn có nhận xét gì về cách sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số ít “em”, “tình em” đến cách sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số nhiều “ta”, “tình ta” và các động từ chỉ hành động trong các khổ thơ?

d. Tìm những hình ảnh biểu tượng cho tình yêu, hạnh phúc được sử dụng trong bài thơ. Bạn có nhận xét gì về những biểu tượng đó?

đ. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ này là gì? Cảm hứng đó gợi cho bạn suy nghĩ gì về tình yêu được thể hiện trong bài thơ?

e. Bài thơ có cấu tạo khá đặc biệt, mỗi khổ thơ gồm hai dòng thơ, riêng khổ cuối chỉ có một dòng. Cách cấu tạo ấy có tác dụng gì trong việc thể hiện cảm hứng chủ đạo của bài thơ?

f. Theo bạn, nhan đề bài thơ Tình ca ban mai có phù hợp với nội dung bài thơ không? Giải thích ý kiến của bạn?

g. Bài thơ gợi cho bạn suy nghĩ gì về tình yêu?

Trả lời:

a. Biện pháp: so sánh và xây dựng hình tượng thơ/ hình ảnh theo lối cấu trúc song hành

So sánh: em đi như chiều đi, em về tựa mai về  em ở, trời trưa ở.

Cấu trúc song hành: Em đi, em về, em ở: gắn với ba thời điểm: chiều, mai, trưa, gắn với nỗi buồn, sự sống, ánh sáng: Em đi như mang theo chút ánh sáng buổi chiều, chỉ còn lại đêm đen, mang tất cả âm thanh của sự sống (gọi chim vườn bay hết), chỉ còn sự im lặng; em về đem theo bình minh, sự sống (rừng non xanh lộc biếc); em ở đem tới sự ấm áp, sự che chở (nắng sáng màu xanh che)

          Nhận xét: Độc đáo ở hình ảnh so sánh đồng thời mang tính ẩn dụ: việc em đi, về, ở được so sánh với bước đi của thời gian: chiều đi, mai về, trưa ở. Các hình ảnh: chim vườn bay hết, rừng non xanh lộc biếc, nắng sáng màu xanh che tượng trưng cho nỗi buồn, bóng tối, niềm vui, ánh sáng mà em – tình yêu đem đến cho nhân vật trữ tình.

b. Tình em như thảm sao vàng lấp lánh trên trời sẽ xua tan bóng tối, tình ta như lộc biếc tươi xanh sẽ đem đến ánh bình minh. Vì thế, cho dù vạn vật biến thiên thế nào thì ta vẫn còn những hạt vàng tình yêu như sao trên trời và hạnh phúc của đôi ta nhiều như sao trên trời. Qua đó, tác giả khẳng định sức mạnh của tình yêu. Mọi hi vọng tốt đẹp nhất của hai nhân vật trữ tình được tập trung thể hiện trong hai câu thơ

Hạnh phúc trên đầu ta

Mọc sao vàng chi chít

c. “Em”, “tình em” đem đến cho nhân vật trữ tình ánh sáng của sự sống và niềm hạnh phúc; sự sống và niềm hạnh phúc đó được nhân đôi bởi “ta”, “tình ta”. Nhân vật trữ tình trong bốn khổ thơ đầu thể hiện tình cảm đối với khách thể “em”, đến những khổ thơ sau thì khách thể và chủ thể trữ tình hòa nhập, trở thành “ta”. Bài thơ sử dụng rất nhiều đọng từ “gọi, rải, mang, mọc”. Qua các động từ đó, nhân vật trữ tình muốn khẳng định sức mạnh và vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu, tình yêu đem lại ánh sáng, sự sống, niềm tin, niềm hạnh phúc.

d. Có rất nhiều hình ảnh tượng trưng cho tình yêu, hạnh phúc được sử dụng trong bài thơ: tình em như chiều đi, trưa ở, mai về, lộc biếc, hạt vàng, ban mai, hoa em. Việc sử dụng những hình ảnh biểu tượng giúp tăng tính hàm súc và thẩm mĩ cho ý thơ.

đ. Cảm hứng chủ đạo của bài này là cảm hứng về một tình yêu trong sáng, đầy sức sống, niềm tin và hi vọng. Tình yêu trong bài thơ mang đến cho con người ánh sáng của sự sống, niềm tin và hi vọng.

e. Bài thơ gồm chín khổ thơ, tám khổ có 2 dòng thơ, riêng khổ cuối có 1 dòng. Mỗi khổ 2 dòng thơ là một cặp hình ảnh đối sánh các thời điểm trong ngày với những hình ảnh biểu tượng cho các cung bậc cảm xúc và nhận thức về tình yêu của tác giả: chiều, mai, trưa, khuya, đối sánh với chim vườn bay hết, rừng non, lộc biếc, nắng sáng màu xanh, sao khuya, hạt vàng. Dòng thơ ở khổ cuối khẳng định niềm tin, niềm hi vọng ở tình yêu

f. Nhan đề rất hay, thể hiện được nội dung bài thơ, quan niệm, cách nhìn của tác giả về tình yêu. Tình ca: khúc hát về tình yêu. Ban mai: gợi lên hình ảnh rực rỡ, long lanh của nắng mai, của màu xanh, của sự sống.

g. Câu hỏi mở, không áp đặt câu trả lời.

 

Câu 2 trang 8, 9, 10, 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc văn bản Hà nội – phố và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Hà nội – phố

Gửi những người Hà Nội đi xa

Phan Vũ

1.

Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan.
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen.
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ.
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ

[…]

Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa...
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.


Ta còn em chút vang động lặng im,
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố...

2.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn.
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang
Xoã xoã bờ vai

Khung trời gió.
Con đường như bỏ ngỏ...

Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ
Thoáng qua...
Khuôn mặt chưa quen.
Bỗng xôn xao nỗi khổ.
Mỗi góc phố một trang tình sử
3.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em rì rào hạt nhỏ,
Cơn mưa chợt đến trong chùm lá
Vòm trên cao chuông hồi đổ,
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...

Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Trên hè phố
Gã Trương Chi ôm ghi ta.
Ngước lên cửa sổ,
Có một ngày...
Trống không ô cửa.
Tiếng hát Trương Chi.
Ngợi một số nhà
Ta con em chuyến tàu khuya
Về muộn
Vào ga...
4.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em quả bóng lăn,
Một mình,
Trên sân cỏ.

Cơn mưa đầy
Chiếc thuyền giấy

Lang thang không bến đỗ
Thằng bé qua tuổi thơ

Bâng khuâng

Vội vã


Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai?
Qua đó

Nao nao nhớ tuổi học trò...

Ta còn em dàn thiên lý chết khô!
Những chùm hoa năm xưa
Thơm hò hẹn.
Cuộc tình đầu ngọt lịm.
Nụ hôn còn xanh mãi trên môi...

5.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Chút nắng vàng le lói vườn hoang,
Vàng vàng cỏ.
Cô gái khẽ buông rèm cửa,
Anh chàng lệch diễu qua
Lời tỏ tình đêm qua dang dở
Ta còn em ngày vui cũ
Tàn theo mùa hạ.
Tiếng ghi ta

Bập bùng tự sự,
Đêm kinh kỳ

Thủa ấy

Xanh lơ...

[…]

Hà Nội, tháng chạp 1972 (In trong tập Phan Vũ – Thơ, NXB Văn học 2008)

a. Theo bạn, “em” và “ta” trong văn abnr trên nên được hiểu là ai? Hãy lí giải việc sử dụng từ “em” cho thấy điều gì trong cách bộc lộ tình cảm, cảm xúc của tác giả?

b. Năm đoạn thơ trong văn bản trên, nếu không đánh số từ 1 đến 5, bạn có nhận ra ranh giới của chúng hay không? Vì sao?

c. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, mang sức sống, vẻ đẹp của tâm hồn. Cảnh vật, con nhười, sự việc, … khi được đưa vào thơ, luôn mang một vẻ đẹp khác, một sức sóng khác, gắn với tâm hồn nhà thơ. “Hà Nội – phố” cũng vậy khi vào thơ Phan Vũ?

d. Trong văn bản, hình ảnh Hà Nội xưa và nay (thời điểm tháng Chạp năm 1072, khi máy bay B52 của Mỹ bắn phá thủ đô) được miêu tả đan xen. Việc sắp xếp hình ảnh như vậy đã đem lại hiệu quả thẩm mĩ gì?

đ. Văn bản trên thuộc thể thơ tự do. Từ việc xác định các yếu tố nhịp và vần (nếu có) trong các đoạn thơ, hãy rút ra một vài điểm đáng chú ý về đặc điểm, vai trò của nhịp và vần trong thể thơ này.

e. Cảm hứng chủ đạo mà tác giả thể hiện qua văn bản trên là gì? Bạn có nhận xét gì về cảm hứng ấy?

f. Bạn hãy nghe ca khúc Em ơi, Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang để hiểu thêm một cách cảm nhận bài thơ của Phan Vũ bằng âm nhạc. Giai điệu của bài hát đã góp phần mang đến cho bạn cảm nhận như thế nào về bài thơ?

g. Từ những hình ảnh của Hà Nội được gợi lên trong đoạn thơ, bạn hiểu thêm điều gì về Hà Nội, về cảnh vật, con người và đất nước Việt Nam? Văn bản gợi cho bạn suy nghĩ gì về ý nghiã của những giá trị văn hóa, lịch sử đối với cuộc sống của chúng ta hôm nay?

Trả lời:

a. Em: không phải là hình ảnh một người cụ thể mà là tất cả những giá trị của Hà Nội, Ta: là chủ thể trữ tình xuất hiện với đại từ nhân xưng, “ta” ở đây cũng có thể được hiểu là tất cả những ai yêu Hà Nội. Trong thơ ca, “em” vốn dĩ là từ thường được dùng xưng hô trong mối quan hệ của tình yêu đôi lứa; vậy nên cách tác giả sử dụng từ “em” trong văn bản này cho thấy trong cảm nhận của nhà thơ, Hà Nội tựa như người tình, người bạn tri kỉ. Đó là thứ tình cảm yêu thương đầy da diết, lưu luyến, ..

b. Năm đoạn thơ trong văn bản trên nếu khong đánh số từ số 1 đến 5 thì người đọc vẫn có thể nhận ra ranh giới của chúng vì mỗi đoạn thơ đều có cùng một kiểu mở đầu là dòng thơ “Em ơi! Hà Nội – Phố!” và điện ngữ “Ta còn em …”. Mỗi một đoạn thơ mở ra một hình ảnh khác nhau về Hà Nội.

c. Hình ảnh Hà Nội hiện lên qua cảm nhận của nhà thơ thật bình yên, lãng mạn, đầy thân thuộc, gắn bó và cũng có cả hoài niệm, tiếc nuối, xót xa, …

d. Hình ảnh xưa là hình ảnh Hà Nội của ngàn năm văn hiến, của cảnh vật thiên nhiên, của phố cổ thanh bình, ví dụ:

Ta còn em mùi hoàng lan.
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen.
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ.
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ

[…]
Ta còn em rì rào cơn mưa trong chùm lá

Những hạt nhỏ đọng trên mái tóc ai
Vòm trên cao chuông hồi đổ xuống
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...

Hình ảnh nay là hình ảnh Hà Nội đau thương, mất mát, đôi lứa chia xa trong chiến tranh, ví dụ:

Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa...
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.

[…]
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.

[…]
Ta còn em dàn thiên lý chết khô!

[…]
Cô gái nhẹ buông rèm cửa,
Chàng mũ lệch diễu qua
Lời tỏ tình hôm qua dang dở

Sự sắp xếp đan xen giữa hình ảnh Hà Nội xưa và nay đem đến cho người đọc cảm nhận về sự tiếc nuối, nhớ thương da diết những gì đã mất nhưng đồng thời thể hiện niềm tin, sự khẳng định những nét đẹp, giá trị làm nên linh hồn của Hà Nội thì mãi bất tử trong lòng những ai yêu Hà Nội. Chút biến động của Hà Nội nay (thời điểm năm 1972) là do thời cuộc (chiến tranh) nên chắc hẳn sẽ không thể làm mất đi những gì đã thuộc về Hà Nội.

đ. Đoạn trích được viết theo thể thơ tự do, dòng dài, dòng ngắn, cách ngắt nhịp rất phong phú, linh hoạt; sử dụng chủ yếu hai loại vần thông và vần cách. Nhận xét: góp phần thể hiện giọng điệu tự sự, tha thiết, trầm lắng → Sự biến hóa linh hoạt vể số dòng, số chữ trong dòng thơ, về vần, nhịp đáp ứng nhu cầu diễn đạt tình cảm không giới hạn của con người, giải phóng cảm xúc khỏi sự ràng buộc chặt chẽ bởi các quy tắc về hình thức, đề cao yếu tố cảm xúc trong thơ.

e. Cảm hứng chủ đạo: văn bản thể hiện niềm nhớ thương da diết cảnh vật, con người, linh hồn Hà Nội; đồng thời khẳng định mãi mãi khắc ghi trong tâm hồn những hình ảnh Hà Nội trước và trong chiến tranh, làm cho Hà Nội trở nên trường tồn trong lịch sử và trong tâm hồn (như điệp khúc bất tận của tâm hồn: “Ta còn em…”). Nhận xét: cảm hứng đẹp, buồn.

f. Giai điệu bài hát có tính tự sự, trầm lắng, da diết, giúp người nghe cảm nhận một Hà Nội mơ màng, mong manh, yên bình, xưa cổ; thể hiện rõ niềm thương nhớ khôn nguôi, khao khát tìm kiếm lại những gì thân thương nhất thuộc về Hà Nội, …

g. Từ những hình ảnh của Hà Nội được gợi lên trong đoạn thơ, hiểu thêm về Hà Nội với những giá trị lãng mạn, bình yên, thân thuộc, gần gũi, đầy dấu ấn thời gian và kí ức; về cảnh vật, con người và đất nước Việt Nam với những điều tưởng chừng như bé nhỏ, thân quen nhưng cũng đầy mới mẻ, thiêng liêng mỗi khi nghĩ về.

→ Những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước ấy làm nên một phần tâm hồn ta, là tất cả những gì thân thương, yêu mến nâng đỡ tâm hồn ta mỗi khi tìm về, …

Câu 1 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chỉ ra và sửa lỗi về trật tự từ trong các câu sau:

a. Các nhân viên cứu hộ mang theo nhiều trang thiết bị phục vụ công tác cứu nạn đến từ Áo và Xlo-va-ki-a khẩn trương tiếp cận với hiện trường của vụ lốc xoáy ở phía nam Cộng hòa Séc.

b. Để tiện lợi cho việc giao thương, người bán hàng trên chợ nổi có những lối rao hàng dân dã, thú vị mà giản tiện.

c. Sơn cúi đầu lặng im, sợ hãi, néo vào sau lưng chị.

d. Ngọn khói nhẹ bẫng như tơ, màu xanh, quẩn trên mái lá.

Trả lời:

a. Cụm từ “đến từ Áo và Xlo-va-ki-a” bị hiểu nhầm là phần bổ sung ý nghĩa cho cụm từ “trang thiết bị phục vụ công tác cứu nạn”, trong khi người viết muốn diễn đạt ý “Các nhân viên cứu hộ đến từ Áo và Xlo-va-ki-a”. Vì vậy, cách sắp xếp trật tự từ như trên khiến câu trở nên mơ hồ về nghĩa.

→ Cách sửa: Sắp xếp lại trật tự từ để diễn đạt đúng nội dung muốn thể hiện: Các nhân viên cứu hộ đến từ Áo và Xlo-va-ki-a mang theo nhiều thiết bị phục vụ công tác cứu nạn, khẩn trương tiếp cận với hiện trường của vụ lốc xoáy ở phía nam Cộng hòa Séc.

b. Trong câu này, việc sắp xếp các cụm từ “dân dã, thú vị nhưng giản tiện” không theo trật tự hợp lí. Người viết muốn nhấn mạnh đến đặc tính “thù vị” của lối rao hàng tuy “dân dã, giản tiện” trên chợ nổi, vì vậy cách sắp xếp trật tự từ như vậy chưa tạo được hiệu quả biểu đạt như người viết mong muốn.

→ Cách sửa: Sắp xếp lại trật tự từ để diễn đạt đúng nội dung muốn thể hiện: Để tiện lợi cho việc giao thương, người bán hàng trên chợ nổi có những lối rao hàng dân dã, giản tiện mà thú vị.

c. Trong câu này, việc sắp xếp các cụm từ “cúi đầu lặng im, sợ hãi, nép vào sau lưng chị” không theo trật tự hợp lí. Hai cụm từ “cúi đầu lặng im” và “nép sau lưng chị: miêu tả những biểu hiện cụ thể của trạng thái “sợ hãi”, vì vậy nên được đặt sau “sợ hãi” để giải thích rõ hơn cho trạng thái tâm lí ấy. Cách sắp xếp trật tự từ như trong câu trên là chưa phù hợp.

→ Cách sửa: Sơn sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị.

d. Trong câu này, việc sắp xếp các hành động không theo một trật tự hợp lí khiến sai lô gic.

→ Cách sửa: Ngọn khói màu xanh, nhẹ bẫng như tơ, quẩn trên mái lá.

 

Câu 2 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Có học sinh khi làm bài nghị luận văn học về bài thơ Tây Tiến đã sửa câu thơ của Quang Dũng “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” thành “Quân xanh màu lá dữ oai hùng”. Theo bạn, cách sử dụng từ ngữ ở trường hợp nào mang đến hiệu quả nghệ thuật cao hơn? Vì sao?

Trả lời:

Cách sử dụng từ oai hùm trong câu thơ của Quang Dũng mang hiệu quả nghệ thuật cao hơn vì oai hùm không chỉ gợi được vẻ oai phong, lẫm liệt của những người lính Tây Tiến mà còn góp phần khẳng định: vẻ đẹp ấy mang sự dũng mãnh như những mãnh hổ làm chủ, ngự trị chốn rừng thiêng.

 

Câu 3 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Giải thích hiệu quả biểu đạt của từ tắm được in đậm trong đoạn văn sau:

Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này. Những ngày bận rộn ở tỉnh giờ xa quá. Khu vườn với các cây quen đã nhận biết chàng rồi. (Trích Dưới bóng hoàn lan, Thạch Lam)

Trả lời:

- … tắm ở suối: từ tắm được dùng để biểu đạt nghĩa gốc của từ là miêu tả hành động giội nước lên người hoặc ngâm mình trong nước cho sạch sẽ, mát mẻ.

- … tắm trong cái không khí tươi mát này: trong trường hợp, từ tắm được dùng để biểu đạt nghĩa chuyển của từ với ý nghĩa là “đắm mình trong không khí tươi mát, dịu nhẹ, ngọt ngào của khu vườn và ngôi nhà thân thuộc”. Cách sử dụng từ tắm như vậy đã thể hiện được trọn vẹn niềm hạnh phúc của Thanh khi được trở về, dường như sự trở về đã giúp chàng có cơ hội để gột rửa, trút bỏ tất cả những lo toan, mệt nhọc của cuộc sống bên ngoài, đem đến cho chàng sự nhẹ nhõm, thanh thản và tươi mát trong tâm hồn. Cách dùng từ như vậy cũng khiến người đọc hiểu hơn về tình cảm của Thanh dành cho ngôi nhà của mình.

 

Câu 4 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chỉ ra hiệu quả của dấu chấm lửng trong câu kết của văn bản Tình ca ban mai (Chế Lan Viên):

Mai, hoa em lại về …

Trả lời:

Câu kết với dấu chấm lửng vừa thể hiện niềm tin vừa thể hiện niềm hi vọng của chủ thể trữ tình: rồi em lại về.

 

Câu 5 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phép điệp đã được sử dụng trong suốt năm đoạn thơ của văn bản Hà Nội – Phố (Phan Vũ). Hãy tìm và chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của phép điệp trong văn bản trên.

Trả lời:

Điệp ngữ: Em ơi! Hà Nội – Phố!, ta còn em… Hiệu quả của phép thứ nhất: thể hiện tình cảm yêu thương tha thiết của tác giả đối với Hà Nội. Hiệu quả của phép điệp thứ hai: vừa thể hiện nỗi xót xa về những gì được gọi là kí ức Hà Nội đẹp đẽ, vừa khẳng định pha lẫn niềm mong mỏi vẻ đẹp lịch sử, văn hóa, con người của Hà Nội còn mãi, …

  • III. Viết (trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 10)

  • Câu 1 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Kiểu bài viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình (thơ hoặc văn xuôi trữ tình): chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng có những đặc điểm gì?

    Trả lời:

    - Đối với kiểu bài này chủ đề được nhắc đến ở đây phải rõ ràng, sâu sắc, có sức gợi được nhiều vấn đề trong cuộc sống.

    - Về hình thức nghệ thuật cần tập trung phân biệt cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ nhằm thể hiện suy tư, tình cảm, cảm xúc của văn bản ấy.

    Câu 2 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Bạn hãy viết một bài văn phân tích và đánh giá chủ đề, nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ và tác dụng của chúng.

    Trước khi viết bài này, bạn hãy xác định:

    a. Nhan đề bài thơ mà bạn chọn là gì? Tác giả là ai?

    b. Chủ đề của bài thơ là gì?

    c. bài thơ có những nét đặc sắc gì về nghệ thuật?

    d. Bạn hãy lập dàn ý cho bài viết.

    Trả lời:

    a. Nhan đề bài thơ: Bếp lửa – Bằng Việt

    b. Chủ đề của bài thơ là ca ngợi tình cảm thiêng liêng giữa bà và cháu

    c. Bài thơ có những nét đặc sắc nghệ thuật là:

    - Nét đặc sắc thứ nhất: sáng tạo hình ảnh bếp lửa.

    - Nét đặc sắc thứ hai: chuyển hóa hình ảnh bếp lửa từ nghĩa đen sang nghĩa bóng.

    - Nét đặc sắc thứ ba: giọng điệu trữ tình.

    d. Bạn hãy lập dàn ý cho bài viết.

    Dàn ý:

    1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề sẽ trình bày

    2. Thân bài:

    * Những nét đặc sắc trong hình thức nghệ thuật trữ tình của bài thơ Bếp lửa

    - Nét đặc sắc thứ nhất: sáng tạo hình ảnh bếp lửa (lí lẽ và bằng chứng).

    - Nét đặc sắc thứ hai: chuyển hóa hình ảnh bếp lửa từ nghĩa đen sang nghĩa bóng (lí lẽ và bằng chứng).

    - Nét đặc sắc thứ ba: giọng điệu trữ tình (lí lẽ và bằng chứng).

    * Chủ đề tình bà cháu đã được khơi sâu và làm mới trong Bếp lửa.

    - Xác định chủ đề của tác phẩm: tình bà cháu.

    - Phân tích đánh giá: chủ đề tuy quen thuộc nhưng vẫn sâu sắc, mới mẻ, nhờ các sáng tạo nghệ thuật của tác giả (lí lẽ và bằng chứng).

    + Nêu rõ ý kiến nhận xét, đánh giá của người viết về những nét đặc sắc của tác phẩm.

    + Làm sáng tỏ các ý kiến nhận xét, đánh giá về chủ đề và nghệ thuật bằng việc trích dẫn các hình ảnh, chi tiết, biện pháp nghệ thuật tiêu biểu trong tác phẩm.

    * Kết bài:

    - Kết luận lại vấn đề

    Bài làm tham khảo:

    Nhà thơ Bằng Việt trong những năm tháng học tập xa nhà vẫn da diết nhớ quê hương, với khói bếp lửa cay nồng hun nhoè mắt, cùng người bà tần tảo sớm hôm nuôi dạy cháu. Tất cả những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ đó đã được tác giả dồn nén trong từng câu chữ qua bài thơ Bếp lửa.

    Bếp lửa là bài thơ được in trong tập thơ Hương cây, bếp lửa, in chung cùng nhà thơ Lưu Quang Vũ. Có thể nói Bếp lửa là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Bằng Việt. Ông sáng tác bài thơ này vào năm 1963, khi đang học tập tại Liên Xô.

    Mở đầu bài thơ là hình ảnh ngọn lửa bập bùng cháy, ngọn lửa thực mà cũng chất chứa biết bao ý nghĩa:

    Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
    Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
    Cháu thương bà biết mấy nắng mưa

    Một khung cảnh đơn sơ mà hết sức thân thuộc hiện lên trước mắt người đọc. Ngọn lửa cháy bập bùng kia gợi nhắc biết bao nhớ thương, lòng biết ơn của người cháu xa xứ đối với bà. Hai từ “ấp iu” gợi lên hình ảnh đôi bàn tay tảo tần của bà ngày ngày nhen nhóm ngọn lửa, thức khuya dậy sớm chăm cho cháu từng miếng ăn giấc ngủ. Và để từ đó trong cháu vỡ òa cảm xúc thương yêu bà vô tận:

    “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa” .

    Để rồi sau đó, biết bao kỉ niệm ùa về trong lòng nhà thơ, đó là những kỉ niệm mà tác giả chẳng thể quên. Về một nạn đói khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng biết bao người dân Việt Nam:

    Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
    Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
    Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
    Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
    Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay

    Khi mà hàng loạt người chết đói, thì bà vẫn kiên cường, tần tảo sớm hôm, cho cháu củ khoai, mót từng củ sắn, dành trọn miếng ăn cho đứa cháu vượt qua cơn đói cồn cào. Nỗi ám ảnh đó vẫn lần sâu trong tâm chí tác giả, cái đói ghê rợn ấy, mà giờ chỉ cần nghĩ lại sống mũi cháu đã cay. Cái cay ấy không chỉ là mùi khói, mà cái cay ấy còn là những giọt nước mắt thương xót cho những nỗi cơ cực, vất vả mà bà phải trải qua, là giọt nước mắt tri ân với tấm lòng bà dành cho cháu. Chỉ cần có bà thì mọi giông bão ngoài kia bà cũng chở che để vượt qua, bảo vệ cho cháu.

    Tám năm xa cha mẹ, Bằng Việt sống cùng bà, cũng là tám năm bà bên cháu bảo ban, nuôi dạy cháu nên người:

    “Mẹ cùng cha công tác bận không về,
    Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
    Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
    Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
    Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
    Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”

    Câu thơ mà thực như là lời kể lời giãi bày của tác giả, nhưng cũng chỉ cần có vậy thôi đã nói lên tấm lòng, sự tận tụy của bà đối với cháu. Bà đã trở thành người cha, người mẹ dạy cháu khôn lớn, nên người. Cấu trúc “ba-cháu” cho thấy sự gắn bó khăng khít giữa. Nếu không có bà ở bên có lẽ cũng sẽ không có cháu thành công, nên người của thời điểm hiện tại. Tác giả đã dồn hết lòng kính yêu, sự tôn trọng dành cho người bà của mình.

    Sang đến khổ thơ tiếp theo, khung cảnh chiến tranh trở nên khủng khiếp hơn, khi giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi, để trơ trọi lại chỉ là những mảnh tro tàn. Nhưng bà không khuỵu ngã, mà vẫn vô cùng kiên cường, dưới sự giúp đỡ của hàng xóm dựng lại túp lều tranh cho hai bà cháu có chỗ trú mưa trú nắng. Không chỉ vậy, sợ các con công tác ngoài chiến tuyến lo lắng, bà còn dặn trước Bằng Việt: “Bố ở chiến khu bố còn việc bố/ Mày có viết thư chớ kể này kể nọ/ Cứ bảo nhà vẫn được bình yên” . Những lời dặn dò ấy đã nói lên hết tấm lòng hi sinh cao cả của bà mẹ Việt Nam anh hùng.

    Không chỉ chăm lo, bảo ban cháu, bà còn nhóm lên trong cháu những tình cảm thiêng liêng đẹp đẽ:

    “Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
    Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
    Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
    Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
    Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”

    Khổ thơ với điệp từ nhóm vang lên bốn lần, đã tạo nên một khung cảnh thiêng liêng, ấm cúng và đầy tình yêu thương. Bếp lửa ấy dạy cháu biết chia sẻ, yêu thương những người xung quanh, bếp lửa ấy giúp cháu sống có mơ ước, khát vọng, vun đắp mơ ước cho cháu. Cũng bởi vậy, mà Bằng Việt phải tốt lên : “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa” . để khẳng định ý nghĩa vai trò của bếp lửa, hay chính của bà đối với cuộc đời mình. Để rồi ngọn lửa của hơi ấm tình thương theo cháu đi muôn ngả, giúp cháu vươn đến thành công trong bước đường tương lai. Dù đã đi xa, đến những nơi đẹp đẽ, cuộc sống sung túc nhưng cháu vẫn không bao giờ quên hình ảnh bà, và vẫn tự nhắc nhở bản thân:

    Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

    - Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?

    Câu hỏi kết lại bài thơ như một lời nhắc nhở khắc khoải, khiến người đọc lưu giữ lại ấn tượng sâu đậm. Bằng ngôn từ mộc mạc, giản dị và tràn đầy cảm xúc Bằng Việt đã bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với bà. Đồng thời với bài thơ này cũng gửi gắm thông điệp về ý nghĩa tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi người. Chúng ta phải nâng niu, trân trọng tình cảm thiêng liêng, cao quý ấy.

IV. Nói và nghe (trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 10).

Câu hỏi trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Trường bạn sắp tổ chức một buổi sinh hoạt định kì của câu lạc bộ văn học, bạn được ban tổ chức mời giới thiệu và đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học cho các bạn cùng trường. Trước khi thực hiện việc này, bạn hãy xác định:

- Bạn được giao đề tài gì?

- Bạn sẽ trình bày bài nói đó ở đâu?

- Người nghe bài nói của bạn có thể gồm những ai? Họ mong muốn được nghe những gì?

- Mục đích nói của bạn là gì?

- Với đối tượng người nghe và mục đích đó, bạn nên chọn tác phẩm văn học thuộc đề tài gì, thể loại nào, nội dung thế nào để giới thiệu?

- Tác phẩm bạn chọn có những đặc sắc gì về nội dung và nghệ thuật?

- Để thu hút người nghe, bạn cần lưu ý những gì khi trình bày bài giới thiệu?

Trả lời:

Để thực hiện nhiệm vụ trên, bạn hãy:

- Xác định rõ đề tài: giới thiệu và đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học.

- Bài nói được trình bày trong buổi sinh hoạt định kì của câu lạc bộ, có thể là trong hội trường của trường.

- Người nghe bài nói của bạn gồm các bạn học sinh và có thể có một số giáo viên. Đó là những người yêu thích đọc sách, đặc biệt là những tác phẩm mới, nội dung phù hợp với lứa tuổi của họ. Họ mong muốn được bạn giới thiệu những điểm hay, thú vị về nội dung và nghệ thuật của cuốn sách cũng như những ý kiến nhận xét, đánh giá của bạn về cuốn sách đó.

- Xác định mục đích nói của bạn.

- Với đối tượng người nghe và mục đích đó, bạn nên quan sát, hỏi thăm những người bạn cùng lớp, cùng nhóm xem họ thường thích đọc thể loại nào, nội dung gì để giới thiệu tác phẩm văn học mà họ quan tâm. Nhìn chung, bạn nên chọn một bài thơ hoặc một câu chuyện không quá dài về đề tài tình bạn, tình yêu gia đình, tình yêu tuổi học đường, … để giới thiệu.

- Xác định những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm và điền vào Phiếu giới thiệu, đánh giá nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm văn học (theo mẫu trong SGK).

- Đọc kĩ bảng kiểm Bảng kiểm kĩ năng giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học để có định hướng khi luyện tập và trình bày.

- Quay clip phần giới thiệu sách của bạn và gửi cho nhóm bạn thân hoặc các bạn cùng lớp, đưa lên mạng xã hội để nhiều người cùng xem, từ đó, lan tỏa tình yêu đối với việc đọc sách.

Đánh giá

0

0 đánh giá