Sách bài tập Ngữ Văn 10 Bài 7: Anh hùng và nghệ sĩ | Chân trời sáng tạo

4.9 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 7: Anh hùng và nghệ sĩ sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 7: Anh hùng và nghệ sĩ

A. Bài tập trong SGK Ngữ Văn lớp 10 Tập 2

Đọc văn bản Bình Ngô đại cáo và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

 

Câu 1 trang 24 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Xác định hoàn cảnh ra đời, mục đích viết của bài cáo. Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận biếtBình Ngô đại cáolà một văn bản nghị luận?

Trả lời:

- Nhan đề và câu kết của văn bản cho thấy mục đích viết bài cáo: công bố rộng rãi cùng toàn dân về công cuộc đánh dẹp giặc Minh (“bình Ngô”) thắng lợi.

- Đoạn kết cho thấy hoàn cảnh ra đòi của bài cáo: sau khi chiến thắng, đuổi sạch giặc Minh (“Xã tắc từ đây vững bền ... vết nhục nhã sạch làu”).

- Một văn bản nghị luận phải nêu được vấn đề nào đó để bàn luận. Vấn đề Bình Ngô đại cáo nêu ra thể hiện ở câu mở đầu bài cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Đó là thực hiện nhân nghĩa - “trừ bạo” để “yên dân”.

 

Câu 2 trang 24 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Có người nhận định rằng: Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc và tính chất tuyên ngôn ấy thể hiện rõ ngay trong phần mở đầu của bài cáo. Cho biết ý kiến của bạn về nhận định trên.

Trả lời:

Phần mở đầu bài cáo đã đề cập đến những vấn đề lớn, bao gồm những yếu tố cần và đủ để khẳng định về một quốc gia độc lập:

– Nước Đại Việt là một nước có lãnh thổ riêng biệt với một nền văn hoá riêng biệt có bề dày lịch sử (“Như nước Đại Việt ta từ trước ... phong tục Bắc Nam cũng khác”).

– Nước Đại Việt là một nước có chủ quyền, độc lập từ lâu đời với những triều đại tự chủ ngang hàng với lân bang (“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần ... xưng đế một phương”).

– Nước Đại Việt là một nước có truyền thống đấu tranh bất khuất, chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền và chiến thắng ngoại xâm qua nhiều triều đại (“Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau ... chứng cớ còn ghi”).

→ Do đó, phần này có ý nghĩa như một tuyên ngôn độc lập và giữ vai trò làm cơ sở lí luận cho các phần sau.

 

Câu 3 trang 25 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chứng minh “nhân nghĩa” trong câu mở đầu: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo là một tư tưởng quan trọng xuyên suốt cả bài cáo. Lời mở đầu này cùng với những câu văn tiếp theo ở phần 1 có quan hệ nối kết như thế nào với các phần 2, 3a, 3b, 4 trong bài cáo?

Trả lời:

− “Nhân nghĩa” là tư tưởng trọng yếu xuyên suốt bài cáo và được thể hiện nhất quán trong các phần của bài cáo:

+ Ở phần 1, tư tưởng nhân nghĩa thể hiện qua quan điểm “nhân nghĩa” là trừ bạo để yên dân, gìn giữ chủ quyền chống lại bọn cướp nước. Đây chính là lí do có công cuộc “bình Ngô”.

+ Ở phần 2, tư tưởng nhân nghĩa là sự phơi bày những tội ác của giặc Minh trong niềm thương xót sâu sắc đối với dân lành và căm phẫn vô biên đối với quân giặc bạo ngược.

+ Ở phần 3, tư tưởng nhân nghĩa thể hiện ở tuyên ngôn của quân ta, đội quân chính nghĩa: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn|Lấy chí nhân để thay cường bạo, ở cảm xúc bất nhẫn trước cảnh máu chảy đầu roi của binh sĩ giặc do sự ngoan cố ngu xuẩn của bọn tướng lĩnh cầm đầu, ở“lòng hiếu sinh” tha bổng hàng binh giặc và cấp phương tiện cho về nước.

+ Ở phần 4, tư tưởng nhân nghĩa thể hiện ở niềm tự hào của một dân tộc đã chiến thắng trong tư thế chính nghĩa.

- Phần 1 và các phần tiếp theo của bài cáo được nối kết theo quan hệ nhân quả.

 

B. Bài tập mở rộng Ngữ Văn lớp 10 Tập 2

Bài tập trang 25 Tập 2 Chân trời sáng tạo:

* Đọc văn bản Chiếu cầu hiền tài dưới đây và thực hiện các yêu cầu nêu phía dưới:

Chiếu cầu hiền tài

Nguyễn Trãi

Trẫm nghĩ: Được thịnh trị tất ở việc cử hiền, được hiền tài tất do sự tiến cử. Bởi thế người làm vua thiên hạ phải lấy đó làm việc trước tiên. Ngày xưa, lúc thịnh thời, hiền sĩ đầy triều nhường nhau địa vị, cho nên dưới không sót nhân tài, trên không bỏ công việc, mà thành đời thịnh trị vui tươi. Đến như các quan đời Hán Đường, ai là không suy nhượng kẻ hiền tài, cất nhắc lẫn nhau, như Tiêu Hà tiến Tào Tham, Nguy Vô Tri tiến Trần Bình, Địch Nhân Kiệt tiến Trương Cửu Linh, Tiêu Tung tiến Hàn Hưu, tuy tài phẩm có cao thấp khác nhau, nhưng thảy đều được người để đảm đang nhiệm vụ.

Nay trẫm vâng chịu trách nhiệm nặng nề, sớm khuya lo sợ, như gần vực sâu, chính vì cầu người hiền giúp việc mà chưa được người. Vậy hạ lệnh cho các văn võ đại thần, công hầu, đại phu, từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều cử một người, hoặc ở triều đình, hoặc ở thôn dã, bất cứ là đã xuất sĩ hay chưa, nếu có tài văn võ, có thể trị dân coi quân, thì trẫm sẽ tuỳ tài trao chức. Vả lại tiến hiền thì được thưởng, ngày xưa vẫn thế.

Nếu cử được người trung tài thì thăng chức hai bực, nếu cử được người tài đức đều hơn người tột bực, tất được trọng thưởng.

Tuy nhiên, người tài ở đời vốn không ít, mà cầu tài không phải chỉ một đường, hoặc người nào có tài kinh luân mà bị khuất ở hàng quan nhỏ, không ai tiến cử, cùng người hào kiệt náu ở đồng nội, lẩn ở hàng binh lính, nếu không tự mình đề đạt thì trẫm bởi đâu mà biết được! Từ nay về sau, các bực quân tử , ai muốn đi chơi ta đều cho tự tiến. Xưa kia Mạo Toại thoát mũi dùi mà theo Bình Nguyên quân, Nịnh Thích gõ sừng trâu mà cảm ngộ Tề Hoàn công, nào có câu nệ ở tiểu tiết đâu?

Chiếu này ban ra, phàm các quan liêu đều phải hết chức vụ, tiến cử hiền tài. Còn như những kẻ sĩ quê lậu ở xóm làng, cũng đừng lấy điều “đem ngọc bán rao” làm xấu hổ, mà để trẫm phải than đời hiếm nhân tài.

(Bản dịch của Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập II,

Trung tâm Nghiên cứu quốc học, NXB Văn học, Hà Nội, 2000)

 

Câu 1 trang 26 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Cho biết mục đích và đối tượng của bài chiếu.

Trả lời:

Cần lưu ý, tác giả bài chiếu là Nguyễn Trãi nhưng chủ thể trong bài chiếu là vua Lê Thái Tổ (Vua sai Nguyễn Trãi thay mình viết bài chiếu để ban bố mệnh lệnh). Do mục đích muốn được nhiều người tài đức về giúp việc triều chính nên bài chiếu hướng tới đối tượng rộng rãi, bao gồm cả các quan trong triều và toàn thể nhân dân.

 

Câu 2 trang 26 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích bố cục của bài chiếu.

Trả lời:

Bố cục bài chiếu cũng thể hiện hệ thống luận điểm trong bài chiếu

- Nguyên nhân viết bài chiếu: Đất nước muốn thịnh trị cần phải có người hiền tài giúp việc nước → cầu hiền tài, do đó, là việc hết sức quan trọng và cấp bách.

- Vì thế, trước hết, nhà vua yêu cầu các quan tiến cử hiền tài.

- Bên cạnh đó, nhà vua kêu gọi những người tài khắp nơi, không phân biệt xuất thân tự mình đề cử.

- Cuối cùng, nhà vua bày tỏ lòng mong muốn tha thiết tìm được người tài giúp nước.

 

Câu 3 trang 26 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Ở mỗi luận điểm, tác giả đã đưa ra những lí lẽ và bằng chứng gì?

Trả lời:

- Ở luận điểm thứ nhất, bài chiếu đưa ra lí lẽ: Đất nước thịnh trị là nhờ có nhiều hiền tài.Có được nhiều hiền tài là vì các quan trọng triều luôn quan tâm tiến cử những người tài giỏi.

Bằng chứng: bài chiếu đã dẫn việc tiến cử hiền tài của các quan đời Hán, đời Đường.

- Ở luận điểm thứ hai, bài chiếu đưa ra lí lẽ: Triều đình đang thiếu người tài giúp nước, vì thế trách nhiệm của các quan là phải tiến cử người tài; làm được điều này là có công với triều đình và có công thì sẽ được thưởng/

Bằng chứng: bài chiếu dẫn ra các mức thưởng cụ thể cho những quan lại tiến cử được người tài giỏi.

- Ởluận điểm thứ ba, bài chiếu đưa ra lí lẽ: Cầu hiền tài có nhiều cách, không chỉ nhờ tiến cử mà cá nhân còn có thể tự đề cử.

Bằng chứng: bài chiếu đã dẫn những nhân vật nổi tiếng ở thời Xuân thu, Chiến quốc đã tự tiến và làm nên sự nghiệp lớn để kích thích những kẻ sĩ ở khắp nơi.

- Ở luận điểm cuối cùng, lí lẽ cũng là bằng chứng: Nếu những người tài ẩn náu nơi thôn dã cứ “câu nệ tiểu tiết”, sợ tự đề cử sẽ làm mất danh giá của mình, sẽ phụ lòng nhà vua và lỡ dịp cống hiến cho đất nước.

 

Câu 4 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Những câu văn nào biểu lộ cảm xúc của nhân vật chủ thể trong bài chiếu? Những câu văn ấy có tác dụng như thế nào đối với sức thuyết phục của bài chiếu?

Trả lời:

- “Nay trẫm vâng chịu trách nhiệm nặng nề, sớm khuya lo sợ, như gần vực sâu, chính vì cầu người hiền giúp việc mà chưa được người”.

- “những kẻ sĩ quê lậu ở xóm làng, cũng đừng lấy điều “đem ngọc bán rao” làm xấu hổ, mà để trẫm phải than đời hiếm nhân tài.”

Những câu văn này cho thấy ý thức trách nhiệm đối với đất nước, lòng mong mỏi chí thiết, cũng như sự trân trọng của nhà vua đối với người hiền tài. Từ đó, nó làm bài chiếu tăng thêm sức mạnh thuyết phục, thôi thúc các quan tiến cử người tài và kích thích người tài tự đề cử.

 

Câu 5 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tác giả đã làm tăng hiệu quả thuyết phục của bài chiếu bằng cách nào?

Trả lời:

Tác giả đã làm tăng hiệu quả của bài chiếu bằng những tác động cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đối với đối tượng.

- Về mặt vật chất: nêu ra mức thưởng cụ thể bằng việc thăng chức cho những người có công tiến cử.

- Về mặt tinh thần: đề cập đến vận mệnh thịnh suy của đất nước tùy thuộc vào người hiền tài để nhắc nhở trách nhiệm đối với đất nước của mọi người và bày tỏ lòng mong chờ người hiền tài thiết tha của nhà vua để nhắc nhở trách nhiệm về đạo vua tôi.

 

Câu 6 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Bài chiếu này so với Thư lại dụ Vương Thông có gì giống và khác nhau về mục đích viết, đối tượng hướng tới và giọng điệu nghị luận?

Trả lời:

- Điểm giống nhau:

+ Cả hai văn bản đều có mục đích thuyết phục đối tượng (bài chiếu tuy là mệnh lệnh đối với các quan nhưng cũng nhằm mục đích thuyết phục người tài trong nhân dân tự đề cử).

- Điểm khác nhau:

+ Đối tượng của bài chiếu là các quan và nhân dân trong nước; đối tượng của bức thư là tướng giặc Minh.

+ Bài chiếu thuyết phục đối tượng thực hiện một hành động; bức thư thuyết phục đối tượng từ bỏ một hành động.

+ Chiếu cầu hiền tài tuy về hình thức là mệnh lệch nhưng có giọng điệu tâm tình, tha thiết; Thư lại dụ Vương Thông tuy về hình thức là bức thư nhưng có giọng điệu hùng biện, đanh thép.

Bài tập trang 27 Tập 2 Chân trời sáng tạo:

* Đọc văn bản Thuật hứng, bài 24 dưới đây và thực hiện các yêu cầu nêu phía dưới:

THUẬT HỨNG, BÀI 24

Nguyễn Trãi

Công danh đã được họp về nhàn,

Lành dữ âu chi thế nghị khen.

Ao cạn vớt bèo cấy muống,

Đìa thanh phát cỏ ương sen

Kho thu phong nguyệt'đầy qua nóc,

Thuyền chở yên hà nặng vạy then.

Bui có một lòng trung lẫn hiếu,

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.

(Theo Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập III, Trung tâm

Nghiên cứu quốc học, NXB Văn học, Hà Nội, 2000)

 

Câu 1 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chỉ ra mạch cảm xúc của tác giả qua bố cục của bài thơ.

Trả lời:

- Mạch cảm xúc của tác giả đi theo bố cục Đề - Thực – Luận – Kết của bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

- Hoàn cảnh sống hiện tại – Công việc hàng ngày nơi quê nhà – Cuộc sống đầy hứng thú giữ thiên nhiên tươi đẹp – Tấm lòng trung hiếu không phai nhạt trong bất kì hoàn cảnh nào.

 

Câu 2 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Biện pháp tu từ nào được sử dụng chủ yếu trong bài thơ? Biện pháp ấy đã mang lại hiệu quả thẩm mĩ như thế nào?

Trả lời:

- Biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong bài thơ là ẩn dụ, dùng ở cặp câu luận và cặp câu kết.

- Ở hai câu luận, gió, trăng, khói sóng, ráng chiều là vẻ đẹp của thiên nhiên, cũng là kho báu vô tận mà nhà thơ tự do “thu”, “chở” một cách hào hứng và tự hào được sở hữu nó. Hai câu luận cho thấy tình yêu thiên nhiên sâu sắc, sự giàu có về mặt tinh thần và niềm lạc quan vui sống của nhà thơ.

- Ẩn dụ trong hai câu kết cho thấy tấm lòng trung hiếu của nhà thơ rất kiên định, rắn như đá quý, đỏ như son, không gì có thể làm nó mòn mỏi, phai nhạt, biến đổi.

Biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong bài thơ là ẩn dụ, dùng ở cặp câu luận và cặp câu kết.

- Ở hai câu luận, gió, trăng, khói sóng, ráng chiều là vẻ đẹp của thiên nhiên, cũng là kho báu vô tận mà nhà thơ tự do “thu”, “chở” một cách hào hứng và tự hào được sở hữu nó. - Hai câu luận cho thấy tình yêu thiên nhiên sâu sắc, sự giàu có về mặt tinh thần và niềm lạc quan vui sống của nhà thơ.

- Ẩn dụ trong hai câu kết cho thấy tấm lòng trung hiếu của nhà thơ rất kiên định, rắn như đá quý, đỏ như son, không gì có thể làm nó mòn mỏi, phai nhạt, biến đổi.

 

Câu 3 trang 27 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Bài thơ này và bài thơ Bảo kính cảnh giới, bài 43 có điểm gì tương đồng trong cách quan sát và miêu tả thiên nhiên không?

Trả lời:

- Điểm tương đồng giữa hai bài thơ là cách miêu tả thiên nhiên sống động, thiên nhiên như có tâm hồn, tình cảm; thiên nhiên đến với con người, làm bạn bè thân thiết, làm đẹp, làm vui cho con người.

 

Câu 4 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hình ảnh nào trong bài thơ làm bạn cảm thấy thú vị nhất? Giải thích vì sao.

Trả lời:

Độc đáo và thú vị nhất là hình ảnh trong hai câu luận:

- Khô và thuyền thường dùng để chứa những của cải vật chất cụ thể. Kho và thuyền của nhà thơ lại dùng chứa gió, trăng, khói, ráng, những thứ trừu tượng, chỉ có thể nhìn thấy và cảm nhận, không thể nắm bắt; mà lại được thu chứa đầu ắp đến đội cả nóc kho, vẹo cả then thuyền.

- Những vẻ đẹp vô hình, trừu tượng của thiên nhiên được cụ thể hóa, trở nên gần gũi, có đường nét, hình khối, trọng lượng như có thể sờ mó, cầm nắm được qua trí tưởng tượng phong phí của nhà thơ, khiến câu thơ vừa tươi vui, sinh động vừa hóm hỉnh.

 

Câu 5 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Bạn cảm nhận được điều gì về con người Nguyễn Trãi qua bài thơ trên?

Trả lời:

Qua bài thơ, con người Nguyễn Trãi hiện lên với phong cách tự do, phóng khoáng, tâm hồn phong phú, lạc quan, yêu cuộc sống và tràn đầy nghị lực.

  • II. Tiếng Việt (trang 28, 29 SBT Ngữ Văn lớp 10)

  • Câu 1 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chỉ ra lỗi dùng từ Hán Việt trong những câu sau đây. Phân tích những lỗi ấy và sửa lại cho đúng

    a. Song thân của thằng bé ấy đều làm công nhân ở xí nghiệp in.

    b. Ông ấy vừa giỏi về cơ khí lại vừa giỏi về kinh doanh, thật là tài hoa.

    c. Sáng mai, các bạn tập họp đúng giờ nhé.

    Trả lời:

    a. Song thân

    Lỗi dùng từ không phù hợp với phong cách (Đây là phong cách nói chuyện thường ngày, không cần trang trọng, cầu kì).

    Sửa: Bố mẹ của thằng bé ấy đều làm công nhân ở xí nghiệp in.

    b. Tài hoa

    Lỗi dùng từ không đúng nghĩa (tài hoa thường dùng nói về lĩnh vực sáng tạo cái đẹp như hội họa, điều khắc, âm nhạc, văn chương và những ngành nghệ thuật khác…)

    Sửa: Ông ấy vừa giỏi về cơ khí lại vừa giỏi về kinh doanh, thật là tài năng.

    c. Tập họp

    Lỗi dùng từ không đúng hình thức ngữ âm

    Sửa: Sáng mai, các bạn tập hợp đúng giờ nhé.

    Câu 2 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Thay thế các câu sau đây bằng các câu có dùng từ Hán Việt sao cho tương đồng về ý nghĩa và trang nhã hơn.

    a. Ăn uống ở Việt Nam có rất nhiều thứ.

    b. Tổng thống Pháp và vợ sẽ đến thăm chơi nước ta vào khoảng từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 11 năm nay.

    c. Người đứng đầu các nước đều bày tỏ sự lo sợ trước tình hình làm ăn buôn bán đang có nhiều thay đổi rắc rối hiện nay.

    Trả lời:

    a. Ẩm thực ở Việt Nam rất phong phú

    b. Tổng thống Pháp và phu nhân sẽ đến thăm hữu nghị nước ta vào khoảng trung tuần tháng 11 năm nay.

    c. Nguyên thủ các quốc gia đều bày tỏ sự quan ngại trước tình hình kinh tế đang biến động phức tạp hiện nay.

    B. Bài tập mở rộng Ngữ Văn lớp 10 Tập 2

    Câu 1 trang 28 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chọn từ Hán Việt ở cột B có ý nghĩa tương đương với từ ngữ ở cột A.

    A

    B

    1. yên ổn và phát triển tốt đẹp

    a. xuất sĩ

    2. xóm làng đồng ruộng

    b. tiến hiển

    3. người trí thức đã đỗ đạt và ra làm quan

    c. câu nệ

    4. người có tài đức

    d. công hầu

    5. phần nhỏ nhặt trong một sự việc

    đ. thôn dã

    6. giới thiệu người tài đức

    e. hiền tài

    7. khả năng đảm nhiệm, quán xuyến việc nước

    ê. suy nhượng

    8. tiến cử và nhường cho

    g. tài kinh luân

    9. giữ khư khư suy nghĩ, quan niệm nào đó mà không thay đổi linh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh

    h. tiểu tiết

    10. tên hai tước vị đầu tiên trong năm tước vị của triều đình thời xưa do vua ban cho các đại thần

    i. thịnh trị

    Trả lời:

    Đáp án: 1-i/ 2-đ/ 3-a/ 4-e/ 5-h/ 6-b/ 7-g/ 8-ê/ 9-c/10-d

    Câu 2 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tìm lỗi dùng từ trong những câu sau đây. Giải thích về những lỗi ấy và sửa lại cho đúng.

    a. Ngày nay có nhiều phương tiện truyền thông dành cho người khiếm thị, bị điếc.

    b. Trong kháng chiến chống Minh, Nguyễn Trãi là cánh tay phải năng lực của Bình Định Vương Lê Lợi.

    c. Phần hai bài “Bình Ngô đại cáo” là bản báo cáo về tội ác của giặc Minh.

    d.Tự trước tới nay không ai làm như thế cả.

    đ. Lúc sáng đi chợ, tôi gặp cô ấy trên lộ trình.

    e. Ông ngoại và thân phụ Nguyễn Trãi là những người trí thức thời văn Trần.

    ê. Lẽ ra anh ấy đãi tiệc cưới trong tuần này, nhưng vì tình hình dịch bệnh nên anh ấy quyết định sẽ hậu đãi.

    g. Anh ấy là bác sĩ lão khoa còn vợ anh ấy là bác sĩ trị bệnh con nít.

    h. Thời Lê sơ xã hội ổn định, kinh tế phát triển, còn thời Hậu Lê xã hội loạn lạc, dân chúng cơ cực.

    Trả lời:

    a. bị điếc

    Lỗi dùng từ không phù hợp với khả năng kết hợp (bị điếc không thể đi đôi với khiếm thị)

    Sửa: Ngày nay, có nhiều phương tiện truyền thông dành cho người khiếm thị, khiếm thính.

    b. năng lực

    Lỗi dùng từ không phù hợp về nghĩa

    Sửa: Trong kháng chiến chống Minh, Nguyễn Trãi là cánh tay phải đắc lực của Bình Định Vương Lê Lợi.

    c. báo cáo

    Lỗi dùng từ không phù hợp về nghĩa

    Sửa: Phần hai bài “Bình Ngô đại cáo” là bản tố cáo về tội ác của giặc Minh.

    d. Tự

    Lỗi dùng từ không đúng hình thức ngữ âm (tự là từ Hán Việt, xuất hiện trong cụm từ thuần Việt ở đầu câu này là không phù hợp)

    Sửa: Từ trước tới nay không ai làm như thế cả; hoặc: Tự cổ chí kim không ai làm như thế cả.

    đ. Lộ trình

    Lỗi dùng từ không phù hợp với phong cách (Đây là phong cách nói chuyện thường ngày, không cần trang trọng, cầu kì).

    Sửa: Lúc sáng đi chợ, tôi gặp cô ấy trên đường đi.

    e. thân phụ

    Lỗi dùng từ không phù hợp với phong cách

    Sửa: Ông ngoại và cha đẻ Nguyễn Trãi là những người trí thức thời vãn Trần.

    ê. Hậu đãi

    Lỗi dùng từ không phù hợp với phong cách

    Sửa: Lẽ ra anh ấy đãi tiệc cưới trong tuần này, nhưng vì tình hình dịch bệnh nên anh ấy quyết định sẽ đãi sau.

    g. trị bệnh con nít

    Lỗi dùng từ không phù hợp với phong cách

    Sửa: Anh ấy là bác sĩ lão khoa còn vợ anh ấy là bác sĩ nhi khoa.

    h. Hậu Lê

    Lỗi dùng từ không đúng nghĩa (Hậu Lê nghĩa là triều nhà Lê sau (để phân biệt với Tiền Lê, tức triều nhà Lê trước) chứ không có nghĩa là cuối thời Lê như ý câu này muốn nói).

    Sửa: Thời Lê sơ xã hội ổn định, kinh tế phát triển, còn thời Lê mạt xã hội loạn lạc, dân chúng cơ cực.

    l. tái giá

    Lỗi dùng từ không đúng nghĩa

    Sửa: Chị ấy mất đã lâu rồi, sao anh không lấy vợ nữa?

  • III. Viết (trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 10)

  • Câu 1 trang 29 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Cho biết kiểu bài văn nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm có những yêu cầu gì?

    Trả lời:

    + Nêu rõ thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ; mục đích lí do viết bài luận.

    + Trình bày các luận điểm: tác hại của thói quen/quan niệm, lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm, những gợi ý về giải pháp thực hiện.

    + Sử dụng lí lẽ xác đáng, bằng chứng thuyết phục, có lí, có tình.

    + Sắp xếp luận điểm, lí lẽ theo trình tự hợp lí.

    + Diễn đạt mạch lạc, gãy gọn, lời lẽ chân thành.

    + Bố cục bài luận gồm 3 phần:

    Mở bài: nêu thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ; lí do hay mục đích viết bài luận.

    Thân bài: lần lượt đưa ra ít nhất hai luận điểm (lí lẽ, bằng chứng) làm rõ mặt trái và tác hại của thói quen hay quan niệm; nêu lợi ích/giải pháp khắc phục, từ bỏ thói quen hay quan niệm.

    Kết bài: khẳng định lại ý nghĩa, lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm; thể hiện niềm tin vào sự cố gắng và thành công của người thực hiện.

    Câu 2 trang 29, 30 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hãy chọn một đề tài cho bài văn nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm. Ví dụ các thói quen sau:

    – Xả rác nơi công cộng.

    – Cười nói to hoặc gây tiếng ồn nơi công cộng.

    – Nói chuyện và làm việc riêng trong tiết học.

    – Cóp bi bài làm của bạn.

    - Ăn quà vặt không đúng lúc, đúng chỗ.

    - Ăn ngủ không điều độ.

    – Đi trễ

    - …..

    Hay các quan niệm sau

    – Xem thường khả năng của các bạn nữ.

    – Xem văn chương là phù phiếm.

    – Xem tiền bạc có thể mua được tất cả.

    - Đề cao quá đáng cái tôi cá nhân.

    - Xem thường những nghề lao động tay chân ...

    Sau khi chọn đề tài, tìm ý, lập dàn ý cho bài văn và viết thành bài hoàn chỉnh. Sử dụng bảng kiểm để tự đánh giá bài làm.

    Trả lời:

    Lựa chọn đề tài: Thói quen đi trễ

    Dàn ý

    1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần trình bày

    2. Thân bài:

    - Định nghĩa về thói quen đi trễ là gì?

    - Tình trạng đi trệ hiện nay.

    - Nguyên nhân dẫn đến thói quen đi trễ

    - Hậu quả của việc đi trễ thành thói quen

    - Để khắc phục thói quen đi trễ cần làm những việc gì

    3. Kết bài: Bài học kinh nghiệm cần rút ra

    Bài làm tham khảo

    Đi trễ không chỉ đơn thuần là một thói quen xấu mà còn là căn bệnh bám rễ vào tư tưởng mỗi người và có thể gây nên những hậu quả khó lường nếu không được khắc phục ngay từ bây giờ.

    Để khắc phục thói quen đi trễ của bản thân đầu tiên bạn phải là một người biết coi trọng thời gian và đơn giản là có ý thức tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình. Thứ nhất, bạn phải biết cách lập kế hoạch phân bổ thời gian trong ngày một cách hợp lí. Nếu bạn là người chậm chạp, lề mề trong việc chuẩn bị trước khi ra khỏi nhà thì hãy nhớ cài đồng hồ hẹn trước một chút thời gian để không bị lỡ hẹn và đi học đúng giờ. Thứ hai, nếu bạn là người đãng trí hay quên thì hãy tự lập cho mình một thời gian biểu khoa học và nhớ thường xuyên theo dõi nó để chắc chắn rằng mình không bỏ quên hay đi trễ một cuộc hẹn hay một buổi học nào cả. Và bạn cũng nên dự trù thời gian để có thể hoàn thành công việc và những việc có khả năng phát sinh thêm, tránh để quỹ thời gian của bạn bị quá tải, trôi đi một cách lãng phí. Quản lý thời gian là một giải pháp cần thiết để khắc phục được tình trạng trễ giờ, quên thời gian,… và cần phải bố trí đủ thời gian vào buổi sáng để sẵn sàng đi học, trì hoãn các công việc không cần thiết cũng như dự đoán được các vấn đề về giao thông. Rất nhiều người không có ý thức sắp xếp, phân bổ thời gian một cách hợp lý, làm việc gì cũng chậm chạp và họ coi việc đi học muộn trở thành một việc hết sức bình thường. Việc đi đúng giờ không chỉ thể hiện bạn là một người văn minh, hiện đại mà còn là một người biết tôn trọng người khác. Chẳng hạn việc bạn thường xuyên đi trễ sẽ làm mất đi uy tín của bạn, lời hứa không còn có trọng lượng và bị đánh giá là người không đáng tin cậy. Nếu bạn nghĩ rằng đi học muộn là việc của bạn và hậu quả ra sao mình bạn chịu thì nhầm rồi nhé.

    Cha ông ta có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” dù biết rằng việc thay đổi thói quen từ thường xuyên đi trễ thành một người luôn đúng giờ là một việc làm rất khó nhưng không phải là không làm được. Vì vậy bạn và tôi, chúng ta đừng để đi muộn trở thành thói quen không thể sửa mà hãy cùng nhau trở thành người có thói quen làm việc khoa học và hiệu quả hơn. Hãy biết quý trọng thời gian!

IV. Nói và nghe (trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 10)

  • Câu hỏi trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chọn một trong những đề tài như đã gợi ý ở phần III. VIẾT, sau đó thực hiện một số bước chính trong quy trình thực hiện bài nói và nghe, chú trọng các bước tìm ý, lập dàn ý, tự luyện tập, giả định các câu hỏi phản hồi từ phía người nghe để chuẩn bị nội dung trao đổi, sử dụng bảng kiểm tự đánh giá bài nói, …

    Trả lời:

    * Lựa chọn đề tài: Hiện tượng lười học.

    * Tìm ý

    - Dựa vào bài viết lựa chọn các ý chính, các chỗ có thể lược bỏ.

    - Tìm những câu mở đầu, kết thúc bài nói phù hợp, nhằm gây chú ý, tạo ấn tượng đối với người nghe.

    - Sử dụng công cụ hỗ trợ như: bản tóm tắt các ý chính đề khi cần chỉ nhìn lướt qua là nhớ, chuẩn bị tìm hình ảnh, video, sơ đồ, bảng biểu để trình chiếu nhằm tăng tính thuyết phục cho lí lẽ và bằng chứng.

    - Dự kiến trước một số điểm thắc mắc mà người nghe có thể nêu lên để tìm cách trả lời, giải đáp.

    * Lập dàn ý

    - Thực hiện giống như đối với bài viết.

    - Cần ước lượng thời gian trình bày các ý tưởng sao cho phù hợp với thời gian được quy định cho bì nói.

    - Cần sắp xếp và dự kiến thời điểm, cách thức sử dụng các công cụ hỗ trợ trong khi trình bày bài nói.

    - Bạn tiến hành như đã thực hiện ở các bài nói trước.

    * Trình bày bài nói

    - Nếu giới thiệu hệ thống các luận điểm chính trước rồi mới đi vào triển khai từng luận điểm.

    - Nên có tờ giấy ghi tóm tắt những ý tưởng, nội dung chính dưới dạng gạch đầu dòng.

    - Thể hiện sự tự tin, tự nhiên, thân thiện; tạo được tương tác tích cực với người nghe.

    * Bài nói mẫu tham khảo:

    Lê Nin nói: “học, học nữa, học mãi”. Quả thật là đúng, con người chúng ta từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ cài gì mà ta muốn biết thì cũng phải học. Học từ cách đi, đứng, nói năng, học lấy cái chữ để còn biết đọc, biết viết lấy thêm tri thức, hiểu biết để sử dụng trong cuộc sống. Thế nhưng các bạn có biết học sinh hiện hay có một hiện tượng rất đáng chê trách đó là có nhiều bạn lười học không chịu học bài làm bài trước khi đến lớp.

    Hiện tượng học sinh lười học dường như khá phổ biến. Nó xuất hiện ở hầu hết các lớp, các trường, từ học sinh lớp một đến lớp chín, lớp mười đều có học sinh lười học. Vậy hiện tượng học sịnh lười học này do đâu và nguyên nhân vì sao? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng học sinh lười học. Nguyên nhân khách quan là do sức ép từ cha mẹ học sinh đặt kì vọng quá nhiều vào con làm cho học sinh cảm thấy chán nản, mệt mỏi hoặc do tâm lí của học sinh bị ảnh hưởng từ gia đình. Những nguyên nhân đó chỉ là nguyên nhân khách quan còn nguyên nhân chủ quan như: ham chơi điện tử, lười học, đua đòi, bỏ bê chuyện học tập. Những bạn học sinh đó có biết việc làm đó gây nên hậu quả như thế nào đến bản thân mình và toàn xã hội.

    Những việc làm đó gây nên rất nhiều hậu quả to lớn đối với bản thân và toàn xã hội. Khi các bạn học sinh đó lười học sẽ bị hổng kiến thức, kết quả học tập sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến thành tích của lớp, của nhà trường cũng sẽ bị ảnh hưởng. Không những thế, việc làm đó còn làm cho cha mẹ chúng ta buồn lòng. Còn những bạn ham chơi điện tử, đua đòi thì sẽ làm cho kinh tế của gia đình bị hao hụt. Nhiều bạn như thế thì sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn kinh tế của nhà nước. Khi các bạn không học, đua đòi thì sẽ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc gây nên nhiều tệ nạn xã hội cho đất nước ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.

    Tuy vậy những không phải bạn nào cũng lười học, không chịu học bài và làm bài. Ngược lại có nhiều bạn rất chăm chỉ luôn học bài và làm bài trước khi đến lớp nên kết quả học tập tốt, luôn được điểm cao làm vui lòng thầy cô và cha mẹ, đưa lớp tiến lên. Các bạn ấy luôn cố gắng học tập để đạt được nhiều gianh hiệu như học sinh hỏi cấp huyện, cấp trường và cấp quốc gia quốc tế.

    Khi các bạn ấy cố gắng học tập chăm chỉ thì kiến thức của các bạn sẽ không bị mất, kết quả học tập cũng không bị ảnh hưởng, thành tích học tập của trường lớp luôn tốt. Bố mẹ của các bạn đó cũng tự hào, hãnh diện vì có đứa con chăm ngoan học giỏi, để được nở mày nở mặt trước mọi người.

    Vậy bây giờ chúng ta cần làm gì? làm như thế nào để khắc phục hiện tượng học sinh lười học hiện nay? Mỗi bạn học sinh cần phải tự vươn lên trong học tập, có ý thức cố gắng. Ở trên lớp cần phải chú ý nghe giảng, hăng hái phát biểu xây dựng bài, chỗ nào không hiểu phải hỏi bạn bè hoặc thầy cô để hiểu bài hơn chứ không được giấu dốt, phải chăm chỉ học bài và làm bài trước khi đến lớp, phải cố gắng tìm lại niềm vui trong học tập, không để chuyện gia đình ảnh hưởng đến học tập. Đồng thời cha mẹ học sinh cũng phải ủng hộ cho học sinh tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa như đi cắm trại, đi thăm quan để nâng cao hiểu biết cách ứng xử giao tiếp đối với mọi người xung quanh. Các học sinh ham chơi điện tử thì phải bỏ, không chơi quá nhiều đến mức nghiện. Tốt nhất là không chơi để không bị ảnh hưởng đến học tập, không đua đòi theo các bạn xấu để xa vào các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc. Phải cố gắng học bài làm bài đầy đủ, phải tự mình có ý thức là học cho mình chứ không phải học cho ai khác. Việc học thật sự rất quan trọng đối với chúng ta.

    Mọi người hãy cố gắng học tập chăm chỉ để lấy kiến thức, trong cuộc sống. Chúng ta phải lấy việc học lên làm đầu. Phải cố gắng vì bản thân chúng ta và gia đình.

  • Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
  • Bài 5: Nghệ thuật truyền thống

    Bài 6: Nâng niu kỉ niệm

    Bài 7: Anh hùng và nghệ sĩ

    Bài 8: Đất nước và con người

    Bài 9: Khát vọng độc lập và tự do

Đánh giá

0

0 đánh giá