Sách bài tập Ngữ Văn 10 Bài 8: Đất nước và con người | Chân trời sáng tạo

4.1 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 8: Đất nước và con người sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 8: Đất nước và con người

  • I. Đọc (trang 40, 41, 42, 43, 44, 45 SBT Ngữ Văn lớp 10)

  • Bài tập trang 40 SBT Ngữ Văn 10 Tập 2 Chân trời sáng tạo:Đọc văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi:

    Tôi thích làm vua

    Nguyễn Quang Sáng

    Tôi sinh ra trên một cù lao giữa sông Tiền. Nói là cù lao nổi lên giữa con sông nhưng cũng lớn lắm – cù lao có đến ba làng: Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa. Ba làng có ba cái chợ, chẳng thua ai. Mỗi làng có một cái trường dù một cây mái cũng là trường.

    Cù lao của tôi thua nơi khác là không có xe hơi, nhưng có xe ngựa, xuồng ghe thì không đâu bằng. Tàu không có, nhưng ngày nào lũ nhỏ cũng lao xuống thấy tàu chạy lên chạy xuống. Cái thú vui của lũ nhỏ chúng tôi là nhìn sóng và lúc tắm thì được nhoi sóng mỗi khi có một con tàu chạy qua bến. Cái mà dân cù lao tôi thấy thiếu nhất là không được xem hát.

    Ai muốn xem hát phải xuống xuồng băng qua sông, nghe đâu hồi tôi chưa đẻ, có người mê hát đến nỗi chị chìm xuồng chết trôi. Có lẽ cù lao tôi không có gánh hát mà người ta chê nó bằng hai câu ca dao:

    Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa

    Ba làng nhập lại không ra cái làng nào

    Cả năm mới có một gánh hát về một lần vào dịp cúng đình. Gánh đó về là do công của chú tôi. Nghe ba tôi kể, chú tôi sanh non ngày non tháng, lớn lên bị èo uột, bịnh hoạn luôn. Thấy vậy ông bà mới cho chú học chữ nho để hốt thuốc. Trước là trị cho mình, sau đó là làm phước cho bà con. Lớn lên, bỏ nhà đi hoang. Nhờ biết chữ nho, đọc được sách Tàu, biết nhiều tuồng tích, rồi trở thành thầy tuồng. Hồi đó, tôi không được nghe tiếng soạn giả và đạo diễn, chỉ nghe có tiếng thầy tuồng, chú tôi vừa viết vừa tập cho đào kép và dàn dựng, làm luôn nghề đạo diễn. Gánh đó về là vì nể vì thương cho chú tôi, chớ ai về chi cái đất cù lao, lúc nào cũng sóng gió.

    Khi gánh hát về, nước của bốn bề cù lao như cũng nổi sóng vui theo. Già trẻ bé lớn ai cũng nôn nao với tiếng trống rao hàng của chiếc xe ngựa chạy qua đường. Xe ngựa chạy trước, lũ nhỏ chúng tôi cắm đầu cắm cổ đuổi theo như sợ mất tiếng trống. Cái vui kế đó là, trước khi xem hát, chúng tôi rủ nhau đi xem quảng cáo, đi xem quần áo, mũ mão họ phơi trên mui ghe như là cố ý xem trước vậy!

    Rạp hát là nhà lồng chợ. Kệ thịt, kệ vải đều được dọn ra ngoài. Người ta lấy lá che kín hết bốn bên.

    Tôi là cháu của thầy tuồng, tôi được đánh trống. Chừng sắp sửa kéo màn thì tôi với lũ nhỏ hàng xóm lăn trống vào rạp, khỏi phải mất tiền mua vé.

    Cái vui cuối cùng là, sau khi gánh hát nhổ neo đi, lũ nhỏ tụi tôi lại lấy lá dừa kết thành mão, lấy xơ dừa làm râu, lấy giấy màu dán vào quần áo, phân vai cho nhau, hát lại cái tuồng mình dược xem, cũng:

    - Như ta đây là …

    - Quân bay!

    - Bẩm hoàng thượng!

    - Này ái khanh …

    Vân vân … Cứ vậy mà diễn cho đến ngày cúng đình năm sau.

    Năm đó, gánh nhổ neo đi rồi nhưng chú tôi còn nán lại vài ngày chơi với bà con. Tôi bèn nhờ chú tôi dạy hát.

    - Được! Tụi con có mấy đứa?

    - Dạ chú muốn mấy đứa cũng có. – Tôi lẹ miệng đáp lại.

    - Chú sẽ soạn tuồng cho cọn lại để mấy cháu hát.

    Tụi nhỏ đứng xung quanh chú cũng nhảy cửng lên. Chú nhìn một lượt qua mặt chúng tôi:

    - Tuồng này có một ông vua; hai ông quan – một nịnh, một trung; một anh hề; một ái khanh; một thằng quân. Tụi con ở đây có sáu đứa, tuồng cũng có sáu vai, vậy là vừa đủ. Bây giờ mỗi đứa đóng thử một vai, vai nào đóng hay thì sẽ đóng luôn nghe chưa?

    Chú dạy chúng tôi thay nhau đóng vai nịnh, vai trung, vai hề, vai quân, còn ái khanh là một bé bên nhà vai ái khanh nhất định là của nó. Tôi chờ hoài mà không thấy chú tập vai vua. Tôi thắc mắc mà không dám hỏi. Trong lũ nhỏ chúng tôi có thằng Đực là thằng khờ nhứt. Thằng Đực là con của dì tôi. Dì tôi sanh năm một, sanh liền ba đứa chẳng nuôi được đứa nào. Sanh đến đứa thứ tư, sợ nó theo anh chị nên lựa cái tên xấu xí mà đặt cho nó. Nó là con trai nên đặt tên nó là Đực. Cái tên cũng như con người của nó, lúc nào cũng ngồi đực ra nhìn tụi tôi chơi đùa. Nó chơi cái gì cũng dở, nên ít được cho chơi. Nó khờ quá, biết thân, nó ngồi đực ra nhìn để được vui theo. Nó không biết hát cũng không biết múa, không biết buồn cũng không biết vui, chẳng biết rồi chú tôi sẽ cho nó đóng vai nào.

    Sau buổi tập, tối đến, khi còn có hai chú cháu, chú tôi hỏi tôi:

    - Hồi chiều tập qua mấy vai, con thích vai nào?

    Nghĩ mình là con cháu, chú sẽ cưng hơn mấy đứa khác, tôi mạnh dạn:

    - Con thích làm vua.

    - Làm vua? – Chú tôi như giật mình, mở tròn mắt nhìn tôi như muốn xem lại tôi là đứa nào vậy. Nghĩ sao chú lại cười, nụ cười như trùm lên mặt mũi tôi, rồi chú lắc đầu:

    - Không được, vai vua hãy để cho thằng Đực.

    Đến lúc tôi lại ngạc nhiên, nhìn lại chú như nhìn một người xa lạ, và phản ứng không một chút đắn đo:

    - Thằng Đực là thằng ngu! Nó làm vua sao được.

    Chú đưa tay vỗ nhẹ lên đầu tôi:

    - Chính vì vậy nó mới làm vua. Chú hỏi con, sao con thích làm vua?

    Tôi muốn làm vua vì: trước nhất mặc áo con rồng, được ngồi trên cao, ghế ngồi gọi là ngai vàng, trong tay có một cục gì đó (chắc là nặng lắm) mỗi lần đập xuống bàn thì rung rinh cả thiên hạ, nhứt hô bá ứng, muốn xử ai thì xử, muốn gì được nấy, muốn có ái khanh thì có ái khanh, muốn có rượu thì có quan hầu … Tôi nghĩ nhiều nhưng chỉ nói:

    - Tại con thích!

    - Để chú giảng cho con nghe nhé.

    Chú nói, nếu đóng vai nịnh thì phải biết luồn lọt, phải biết lời ong tiếng ve để làm xiêu lòng bề trên, để đổi trắng thay đen, để được vinh thân, phì gia. Làm được vậy đâu có dễ, thằng Đực không sao làm được. Nếu đóng vai trung thì phải trung thực, dám nói thẳng với vua lời hay lẽ phải, cuộc đời phải chịu nỗi oan làm cho người ta thương, người ta khóc, thằng Đực không làm nổi. Làm cho người ta khóc đã khó, làm cho người ta cười lại càng khó hơn. Làm cho người ta cười để người ta quên đi cái cuộc đời cơ cực, đó là giây phút cũng có ích cho đời, thằng Đực nó ngồi đực ra đó ai cười nổi. Còn vai quân, cái vai coi là hạng chót cũng không phải dễ. Làm quân cũng không phải dễ. Làm quân phải biết quỳ, biết bẩm, biết ca, thằng Đực làm được gì?

    Còn làm vua, chỉ có việc ngồi sẵn đó, màn kéo ra thì thấy mặt nó rồi, chỉ có việc vuốt râu, cầm cái ấn gõ xuống bàn, rồi “quân bây” với “ái khanh”. Vậy là vừa với cái sức của thằng Đực, phải không?

    Nghe chú tôi giảng giải, tôi không còn cãi vào đâu. Vai vua không thể ai khác được ngoài thằng Đực, đúng lắm, nhưng vẫn thấy thằng Đực có số hên.

    Sau này đi bộ đội, tôi là một “cây văn nghệ” của anh em. Tôi hay sắm tuồng, diễn kịch ở những nơi đóng quân. Nhờ đó khi chuyển ngành tôi được cấp trên cho đi học nghề đạo diễn. Vào nghề đạo diễn tôi lại nhớ lời của chú tôi, tôi coi đó như bài học vỡ lòng trong cuộc đời làm sân khấu – và càng ngày tôi càng thấm thía hơn ai là người thực cho cuộc đời, ai là người cho sân khấu.

    Tiếc thay, bây giờ quanh tôi vẫn còn những người thích làm vua.

    (Trích trong tập truyện ngắn Dân chơi, Tôi thích làm vua,

    NXB Hội Nhà văn, 2005)

    Câu 1 trang 44 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tóm tắt các sự kiện chính được kể trong văn bản trên.

    Trả lời:

    Những sự kiện chính cần nêu: giới thiệu về cù lao nơi có ba ngôi làng, về đoàn hát về diễn ở cù lao, về người chú nghệ sĩ và việc tập tuồng cho đám trẻ trong làng, về cuộc đối thoại và cách phân vai của người chú và nhân vật chính, về những suy ngẫm của nhân vật về triết lí của người chú khi nhân vật đã trưởng thành, …

    Câu 2 trang 44 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết Tôi thích làm vua là văn bản truyện?

    Trả lời:

    Những dấu hiệu giúp nhận biết được Tôi thích làm vua là một văn bản truyện vì. Câu chuyện được nhắc đến ở đây là sự việc cụ thể, là sự việc xảy ra trong đời sống, có liên quan đến một số người nào đó. Hơn hết câu chuyện còn có khởi đầu, diễn biến và kết thúc rõ ràng vì vậy có thể kết luận văn bản Tôi thích làm vua là một câu chuyện.

    Câu 3 trang 44 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Bạn hãy cho viết chủ đề, thông điệp của văn bản truyện trên. Dựa vào đâu để bạn xác định được chủ đề, thông điệp của văn bản?

    Trả lời:

    - Nhan đề “Tôi thích làm vua” gợi lên câu chuyện đóng kịch của nhóm trẻ em ở cù lao; qua các sự kiện chính là người chú lập một nhóm kịch cho trẻ em ở đây và việc phân vai; những câu văn, từ ngữ quan trọng như: “Tôi chờ hoài mà không thấy chú tập vai vua”, “Con thích làm vua”, đoạn giảng giải của người chú về các loại vai trong đó có vai vua, …

    Từ đó, có thể thấy chủ đề của văn bản truyện có thể như sau:

    + Câu chuyện học tuồng của một nhóm trẻ em ở cù lao sông Tiền.

    + Câu chuyện học tuồng của một nhóm trẻ em ở cù lao sông Tiền và sự quan trọng của các vai trong một vở tuồng, đặc biệt là vai vua.

    - Từ chủ đề đã phân tích và chỉ ra ở trên, có thể thấy qua hai hình tượng nghệ thuật người chú và nhân vật “tôi”, qua những đối thoại mang tính triết lí của hai chú cháu, chúng ta nhận ra thông điệp của tác phẩm có thể là:

    + Triết lí về vai vua trong sân khấu và ngoài đời của tác giả.

    + Những suy ngẫm của tác giả về những vai tuồng trên sân khấu và liên hệ thực tế.

    Câu 4 trang 44 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Theo bạn, văn bản trên được kể theo điểm nhìn của ai? Cách kể đó có tác dụng gì?

    Trả lời:

    Điểm nhìn

    Điểm nhìn của nhân vật chính trùng với điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ nhất.

    Người kể chuyện

    Người kể chuyện ngôi thứ nhất.

    Tác dụng

    Giúp nội dung câu chuyện được kể chi tiết, sát với dụng ý tác giả.

    Người kể chuyện là một đứa trẻ và sau đó trưởng thành, điều này giúp cho thông điệp và tư tưởng của tác phẩm được truyền đạt, chiêm nghiệm tốt hơn.

    Câu 5 trang 44 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phát biểu cảm nhận của bạn về nhân vật người chú và cho biết: Xét trong tính chỉnh thể của văn bản, nhân vật người chú và cho biết: Xét trong tính chỉnh thể của văn bản, nhân vật người chú này có vai trò như thế nào trong việc thể hiện chủ đề và thông điệp của văn bản truyện?

    Trả lời:

    * Nhân vật người chú:

    - Xuất thân: từ cù lao sông Tiền trở thành một thầy tuồng, trở về cù lao một thời gian.

    - Hành động: tập kịch cho các bạn trẻ, phân chia các vai.

    - Đối thoại: đoạn đối thoại với người cháu về việc phân vai.

    - Suy nghĩ: thể hiện qua đoạn đối thoại về tính chất, vai trò các loại vai.

    Đặc biệt là từ những đối thoại, diễn giải của người chú về tính chất, đặc điểm của những vai diễn, suy rộng ra ngoài đời, bạn có thể thấy được vai trò chủ đạo của nhân vật này trong việc thể hiện chủ đề và thông điệp của văn bản.

    Câu 6 trang 44 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Cuộc trò chuyện giữa hai nhân vật “tôi” và người chú về việc phân vai trong vở tuồng trong văn bản trên giúp bạn hiểu thêm điều gì về tính cách của mỗi nhân vật?

    Trả lời:

    - Người chú: am hiểu, uyên bác đồng thời giàu kinh nghiệm sống;

    - Người cháu: ngây thơ, hồn nhiên, chưa có nhiều kinh nghiệm sống.

    Câu 7 trang 44 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Điền vào bảng dưới đây một đặc điểm mà bạn cho là nổi bật của các yếu tố: người kể chuyện, nội dung câu chuyện, điểm nhìn, lời của người kể chuyện trong tương quan với lời của nhân vật trong hai văn bản Tôi thích làm vua và văn bản Đất rừng phương Nam (trích) (làm vào vở)

    Các yếu tố

    Đất rừng phương Nam (trích)

    Tôi thích làm vua

    Người kể chuyện

     

     

    Nội dung câu chuyện

     

     

    Điểm nhìn

     

     

    Lời của người kể chuyện

     

     

    Trả lời:

    Các yếu tố

    Đất rừng phương Nam (trích)

    Tôi thích làm vua

    Người kể chuyện

    Tôi

    Tôi

    Nội dung câu chuyện

    Câu chuyện đi lấy mặt ở vùng U Minh Hạ

    Câu chuyện về việc phân vai trong một vở tuồng

    Điểm nhìn

    Điểm nhìn của nhân vật trùng với điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ nhất.

    Điểm nhìn của nhân vật chính trùng với điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ nhất

    Lời người kể chuyện

    Người kể chuyện ngôi thứ ba

    Người kể chuyện ngôi thứ nhất.

    Câu 8 trang 45 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Nhận xét về cách kể chuyện của hai nhà văn Nam Bộ (Đoàn Giỏi và Nguyễn Quang Sáng) trong hai văn bảnĐất rừng phương Nam(trích) vàTôi thích làm vua.

    Trả lời:

    Nhà văn Đoàn Giỏi và Nguyễn Quang sáng đều là những cây bút viết về con người và thiên nhiên mảnh đất Nam Bộ. Mặc dù cùng sáng tác trên một đề tài nhưng mỗi nhà văn lại có những đặc sắc riêng để lại những ấn tượng riêng biệt trong lòng người đọc.

  • II. Tiếng Việt (trang 45 SBT Ngữ Văn lớp 10)

  • Câu 1 trang 45 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Tìm những câu có sử dụng biện pháp tu từ chêm xen trong văn bảnTôi thích làm vuavà chỉ ra tác dụng của các biện pháp ấy.

    Trả lời:

    Các câu có sử dụng biện pháp tu từ chêm xen là:

    - Tôi sinh ra trên một cù lao giữa sông Tiền. Nói là cù lao nổi lên giữa con sông nhưng cũng lớn lắm – cù lao có đến ba làng: Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa.

    - Tuồng này có một ông vua; hai ông quan – một nịnh, một trung; một anh hề;

    - Mặc dù ông xuống “kiềng” cùng với một nhóm khá đông trợ lí và trinh sát, mặc dù ông cũng trang bị và nai nịt như mọi người, tiểu liên AK, dép đúc, mũ cối, áo lính tô châu, nhưng trong bóng rừng nhập nhoạng tôi vẫn nhận ra ông ngay

    Câu 2 trang 45 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tìm những câu có sử dụng biện pháp tu từ liệt kê trong hai văn bản Đất rừng phương Nam (trích) (SGK Ngữ văn 10, tập hai) và Tôi thích làm vua.

    Trả lời:

    - Một số câu có sử dụng biện pháp tu từ liệt kê:

    - Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa

    Ba làng nhập lại không ra cái làng nào.

    - Tuồng này có một ông vua; hai ông quan – một nịnh, một trung; một anh hề; một ái khanh; một thằng quân.

    - Chú dạy chúng tôi thay nhau đóng vai nịnh, vai trung, vai hề, vai quân.

    - Già trẻ bé lớn ai cũng nôn nao với tiếng trống rao hàng của chiếc xe ngựa chạy qua đường.

    - Thằng Cò đội cái thúng to tướng, trong thúng đựng một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi nó vừa cởi ra cuộn lại, trên thúng úp chiếc nón lá rách.

    Câu 3 trang 45 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chỉ ra biện pháp liệt kê trong các trường hợp sau. Xác định xem đây là kiểu liệt kê theo từng cặp hay không theo từng cặp; kiểu liệt kê tăng tiến hay không tăng tiến.

    a. Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa

    Ba làng nhập lại không ra cái làng nào.

    b. Tuồng này có một ông vua; hai ông quan – một nịnh, một trung; một anh hề; một ái khanh; một thằng quân.

    c. Chú dạy chúng tôi thay nhau đóng vai nịnh, vai trung, vai hề, vai quân.

    d. Già trẻ bé lớn ai cũng nôn nao với tiếng trống rao hàng của chiếc xe ngựa chạy qua đường.

    e. Thằng Cò đội cái thúng to tướng, trong thúng đựng một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi nó vừa cởi ra cuộn lại, trên thúng úp chiếc nón lá rách.

    Trả lời:

    a. Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa

    à Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến

    Ba làng nhập lại không ra cái làng nào.

    b. Tuồng này có một ông vua; hai ông quan – một nịnh, một trung; một anh hề; một ái khanh; một thằng quân.

    Lưu ý: Trong ngữ liệu b, có một phép liệt kê (một nịnh, một trung) nằm trong phép liệt kê lớn hơn.

    à Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến

    c. Chú dạy chúng tôi thay nhau đóng vai nịnh, vai trung, vai hề, vai quân.

    à Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến

    d. Già trẻ bé lớn ai cũng nôn nao với tiếng trống rao hàng của chiếc xe ngựa chạy qua đường.

    à Liệt kê không theo từng cặp, tăng tiến

    e. Thằng Cò đội cái thúng to tướng, trong thúng đựng một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi nó vừa cởi ra cuộn lại, trên thúng úp chiếc nón lá rách.

    à Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến

    Câu 4 trang 45 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ chêm xen trong các trường hợp sau:

    a. Tôi sinh ra trên một cù lao giữa sông Tiền. Nói là cù lao nổi lên giữa con sông nhưng cũng lớn lắm – cù lao có đến ba làng: Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa.

    b. Tuồng này có một ông vua; hai ông quan – một nịnh, một trung; một anh hề;

    c. Mặc dù ông xuống “kiềng” cùng với một nhóm khá đông trợ lí và trinh sát, mặc dù ông cũng trang bị và nai nịt như mọi người, tiểu liên AK, dép đúc, mũ cối, áo lính tô châu, nhưng trong bóng rừng nhập nhoạng tôi vẫn nhận ra ông ngay.

    Trả lời:

    a. Tôi sinh ra trên một cù lao giữa sông Tiền. Nói là cù lao nổi lên giữa con sông nhưng cũng lớn lắm – cù lao có đến ba làng: Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa.

    b. Tuồng này có một ông vua; hai ông quan – một nịnh, một trung; một anh hề;

    c. Mặc dù ông xuống “kiềng” cùng với một nhóm khá đông trợ lí và trinh sát, mặc dù ông cũng trang bị và nai nịt như mọi người, tiểu liên AK, dép đúc, mũ cối, áo lính tô châu, nhưng trong bóng rừng nhập nhoạng tôi vẫn nhận ra ông ngay.

    Tác dụng: Nhằm bổ sung ý nghĩa cho câu, giúp câu rõ ràng, đầy đủ người đọc dễ hiểu được vấn đề hơn.

    Câu 5 trang 45 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ có sử dụng biện pháp tu từ liệt kê và chiêm xen nói về một trong hai nội dung sau:

    a. Kể về một vùng đất mà bạn đã từng đi qua ghi lại dấu ấn trong bạn.

    b. Quê hương, đất nước đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của mỗi người?

    Trả lời:

    Bài làm tham khảo

    Trong trái tim mỗi người Việt Nam, tình yêu quê hương có lẽ là thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Mỗi người sinh ra, ai mà không có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó suốt thời ấu thơ và là nơi khi nghĩ về ta lại thấy ấm lòng. Chính vì vậy, chúng ta có thể khẳng định: Quê hương có vai trò quan trọng và to lớn đối với mỗi người. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, rồi tuổi thơ đẹp đẽ, những công việc lao động rồi cuộc sống gia đình, cho tới lúc chết họ đã sống gắn liền với quê hương. Quê hương như một người mẹ hiền ôm ta vào lòng và dành cho ta những gì tốt đẹp nhất, là nơi ấp ủ tình yêu thương, nơi nuôi ta lớn, dạy dỗ, an ủi che chở cho ta, là điều quý giá vô ngần mà mỗi người không thể thiếu. Quê hương – hai tiếng thân thương mỗi lần chúng ta nghe thấy không khỏi xúc động bồi hồi. Quê hương một chìa khóa vạn năng giúp chúng ta gợi mở một cách sống, cách làm người. Phải biết coi trọng gốc rễ, hướng về cội nguồn, biết yêu quê hương. Thiếu đi tình cảm này là một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của mỗi con người, đặc biệt là trong đời sống tâm hồn, tình cảm khiến con người không được làm người một cách trọn vẹn. Vì vậy, dù đi đâu về đâu, thì vẫn hãy nhớ nơi đó vẫn đang chờ, chờ một ngày chúng ta trở về đem lại nhiều thành công rực rỡ vang dội về cho quê hương – đất nước – con người Việt.

    - Biện pháp tu từ liệt kê:Mỗi người sinh ra, ai mà không có cội nguồn gốc gác, ai mà không có quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó suốt thời ấu thơ và là nơi khi nghĩ về ta lại thấy ấm lòng.

    - Biện pháp tu từ chêm xen:Quê hương – hai tiếng thân thương mỗi lần chúng ta nghe thấy không khỏi xúc động bồi hồi

  • III. Viết (trang 46 SBT Ngữ Văn lớp 10)

Câu 1 trang 46 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Dùng mẫu Bảng kiểm kĩ năng viết bài phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch để đánh giá văn bản “Thực tế và mộng tưởng trong Cô bé bán diêm (Andersen)” (Bài 8)

Trả lời:

Bạn đọc lại kĩ hơn bài viết “Thực tế và mộng tưởng trong Cô bé bán diêm (Andersen)” (Bài 8) rồi dùng bảng kiểm dưới đây, kiểm tra lại xem bài viết ấy đã đáp ứng các tiêu chí về kĩ năng viết bài đánh giá, phân tích như thế nào.

Bảng kiểm kĩ năng viết bài phân tích, đánh giá

nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch

Các phần và yêu cầu về diễn đạt

Nội dung kiểm tra

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Giới thiệu tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch (tên tác phẩm, thể loại, tác giả, …)

 

 

Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

 

 

Thân bài

Xác định chủ đề của tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch.

 

 

Phân tích, đánh giá các khía cạnh trong chủ đề của tác phẩm tự sự hoặ tác phẩm kịch.

 

 

Phân tích một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch sát với đặc trưng thể loại.

 

 

Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch.

 

 

Lập luận chặt chẽ, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về tác phẩm.

 

 

Có lí lẽ xác đáng, bằng chứng tin cậy lấy từ tác phẩm

 

 

Kết bài

Khẳng định lại một cách khái quát những nét đặc sắc về nghệ thuật và nét độc đáo về chủ đề của tác phẩm.

 

 

Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm.

 

 

Yêu cầu về diễn đạt

Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn, đáp ứng yêu cầu của kiểu bài.

 

 

Sử dụng các từ ngữ, câu văn tạo sự gắn kết giữa các luận điểm, giữa bằng chứng với lĩ lẽ và bảo đảm mạch lạc cho bài viết.

 

 

Hãy kiên trì làm bài tập này, nó sẽ giúp bạn nắm vững hơn về các tiêu chí cần đáp ứng đối với kiểu bài phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch, đồng thời giúp bạn có kĩ năng đánh giá các bài viết của mình chuẩn xác, thành thạo hơn.

 

Câu 2 trang 46 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc đề bài dưới đây:

Đề bài: Viết bài phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một trong những tác phẩm sau:

- Trích đoạn màn Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến (trích Nghêu, Sò, Ốc, Hến, tuồng đồ) [1]

- Đất rừng phương Nam (trích) [2]

- Tôi thích làm vua [3]

Bạn hãy:

a. Xác định đề tài, mục đích viết, người đọc mà bài viết hướng tới.

b. Tìm ý, lập dàn ý cho bài viết; kiểm tra về tính hợp lí của dàn ý (trao đổi với bạn cùng nhóm nếu có điều kiện) và chỉnh sửa, hoàn tất dàn ý của mình.

c. Dựa vào dàn ý, viết đoạn mở bài và một trong số các đoạn thuộc phần thân bài; tự đánh giá, chỉnh sửa các đoạn văn đã viết (sử dụng bảng kiểm kĩ năng viết bài đánh giá, phân tích đã sử dụng ở câu 1);

d. Viết tiếp các đoạn thân bài, kết bài và hoàn tất bài viết.

đ. Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm (sử dụng bảng kiểm kĩ năng viết bài đánh giá, phân tích đã sử dụng ở câu 1).

Trả lời:

a. Lựa chọn đề bài: Viết bài phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật trong văn bản Đất rừng phương Nam (trích)

b. Lập dàn ý:

* Mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm, tác giả.

- Nêu các giá trị sẽ phân tích, đánh giá.

* Thân bài

- Luận điểm 1. Chủ đề của văn bản: trí tuệ và sự thông minh của người dân Nam Bộ trong quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tìm những dẫn chứng để chứng minh chủ đề này như: cách thức gác kèo ong, cách thức lấy mật ong, …

- Luận điểm 2. Những điểm đặc sắc về hình thức nghệ thuật: cách kể chuyện, cách xây dựng nhân vật, cách miêu tả phong cảnh. Ở mỗi ý nhỏ cần có những dẫn chứng cụ thể để chứng minh.

* Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị của văn bản và nêu tác động của văn bản đối với bạn.

c. Dựa vào dàn ý, viết đoạn mở bài và một trong số các đoạn thuộc phần thân bài; tự đánh giá, chỉnh sửa các đoạn văn đã viết (sử dụng bảng kiểm kĩ năng viết bài đánh giá, phân tích đã sử dụng ở câu 1);

d. Bài viết tham khảo:

Đất rừng phương Nam là một tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là vùng đất miền Tây Nam Bộ, nơi có những con người hiếu khách, yêu nước, kiên cường, bất khuất vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ. Quyển sách đã để lại cho em biết bao những suy nghĩ về vùng đất phương Nam thân yêu. Chỉ khi đọc hết quyển sách, chúng ta mới cảm nhận được cái đẹp và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Với nhân vật chính là một cậu bé tên An.

Trong quyển sách này, Đoàn Giỏi đã kể theo ngôi thứ nhất, hóa thân chân thật về cả tính cách lẫn cảm xúc của An. Cậu bé Nguyễn An sống cùng với cha mẹ tại thành phố những ngày sau ngày độc lập 2-9-1945. Thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, đổ quân vào Nam Bộ. Pháp mở những trận đánh khiến cho những người dân sống tại các thành thị phải di tản. An và ba mẹ cũng phải bỏ nhà bỏ cửa để chạy giặc. Tại những chi tiết này, tác giả đã miêu tả một cách chân thực hoàn cảnh và cuộc sống khốn khổ của nhân dân ta lúc chạy trốn giặc Pháp, khiến cho một đứa bé lớn lên trong hòa bình, độc lập như em cũng phải xót xa cho những thiếu thốn, thiệt thòi của nhân dân ta khi chiến tranh. Tác giả đã gợi cho em hình ảnh của những con người kiên cường, họ đã phải rời bỏ quê hương để chạy thoát khỏi tay bọn giặc Pháp.

Theo cha mẹ chạy hết từ vùng này tới vùng khác của miền Tây Nam Bộ. An kết bạn cùng với những đứa trẻ cùng trang lứa và có một cuộc sống tuổi thơ vùng nông thôn đầy êm đềm. Nhưng cứ vừa ổn định được mấy bữa thì giặc đánh tới nơi và lại phải chạy. Trong một lần mải chơi, giặc đánh đến và An đã lạc mất gia đình. Cậu trở thành đứa trẻ lang thang. Trong những tháng ngày lưu lạc nơi đất khách quê người, tác giả đã dùng tài năng của mình để gợi tả một cách chân thật quang cảnh và những sản vật trù phú của rừng U Minh và vùng đất Cà Mau. Từng nghề nghiệp, ánh mắt, cách ăn nói, chào mời; những chi tiết thể hiện sự trù phú về động và thực vật nơi đây của người dân nơi đây được tác giả vẽ lại thật chân thật và đầy cảm xúc; khiến cho chúng ta dù chỉ cần đọc quyển sách này cũng có thể hình dung ra quang cảnh tươi đẹp và trú phú ấy. Sau khi được bà Tư Béo, chủ một quán rượu nơi đây nhận nuôi, An đã vô tình biết được vợ chồng Tư Mắm là Việt gian, chúng biết được và đốt quán bà Tư Béo, còn An đã may mắn chạy thoát và được một gia đình người đàn ông bán rắn tốt bụng nhận nuôi.

Trong khoảng thời gian sống cùng gia đình của ông bán rắn, An đã học tập đươc rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức chỉ có người dân ở đây lưu truyền với nhau, trong sách vở ở thành phố mà An theo học không hề nhắc đến. Trong hững cuộc đi bắt rắn giữa An và gia đình, tác giả đã cho em nhìn thấy được sự dũng cảm, sự kiên nhẫn của những người làm nghề này. Từng cách bắt mồi nhử, cách móc mồi, cách... đuổi muỗi, sự chờ đợi, kiên nhẫn và quang cảnh của rừng U Minh vào ban đêm đã được hiện lên thật sắc nét dưới từng con chữ của tác giả. Còn trong những lần đi lấy mật ong, quyển sách đã mang lại cho em những hình ảnh chân thật nhất về cách dựa vào hướng gió, địa điểm, thời tiết mà đoán chỗ ong mật làm tổ để gác kèo lấy mật. Còn trong lần An chạm trán với hổ, em đã có thể phần nào hình dung ra sự hoang sơ, sự hoang dã của thiên nhiên rừng U Minh.
Sau khi chú Võ Tòng hi sinh vì phục kích giặc, gia đình bố nuôi An phải di cư đến nơi khác cùng người dân trong làng. Đến chợ Năm Căn. Tiếp tục sử dụng ngôi kể của mình, tác giả lại khiến cho đọc giả cảm giác thích thú say mê trước quang cảnh vui nhộn nhưng cũng không kém phần êm đềm. Cái quang cảnh tấp nập, người mua kẻ lại lại viển vông trong đầu em, nghĩ lung tung như muốn nhảy vào quyển sách để thăm thú cái nơi ấy. Rừng đước trù phú kia đang ôm lấy những con người chân chất của đất Cà Mau...
Kết thúc truyện, là cái lúc mà tất cả người dân đứng lên, đã sẵn sàng cho cái tư tưởng chiến đấu của họ, lý trí bất khuất cùng lòng dũng cảm, đứng hẳn lên, trên tay phất cao lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, bắt đầu cuộc chiếng với quân địch, quân Pháp xâm lăng. Chỉ biết một điều, cái kết thúc dang dở thế này, kháng chiến của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Bởi con người Việt Nam không bao giờ khiếp sợ trước quân thù, họ luôn đấu tranh để giành lại độc lập tự do vì trong họ luôn luôn tồn tại một tinh thần kiên cường, bất khuất

Em cũng muốn cảm ơn tác giả Đoàn Giỏi đã gửi đến trái tim em những trái tim đẹp đẽ và quả cảm của con người trên vùng đất tận cùng của hình chữ S. Qua cách dùng từ điêu luyện; sự miêu tả chân thật trong từng chi tiết, cảm xúc; sự tâm huyết của tác giả Đoàn Giỏi, quyển sách đã mang lại cho người đọc không chỉ là sự trù phú của thiên nhiên Cà Mau, mà còn là cảm xúc tự hào về tinh thần cao đẹp chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Đó là một cảm xúc mà em sẽ luôn nhớ đến và tự hào.

đ. Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm

IV. Nói và nghe (trang 46, 47 SBT Ngữ Văn lớp 10)

Bài tập trang 46 SBT Ngữ Văn 10 Tập 2 Chân trời sáng tạo: Đọc đề bài dưới đây:

Đề bài: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một trong những tác phẩm sau:

- Trích đoạn màn Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến (trích Nghêu, Sò, Ốc, Hến, tuồng đồ) [1]

- Đất rừng phương Nam (trích) [2]

- Tôi thích làm vua [3]

 

Câu 1 trang 47 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Bạn hãy:

a. Tìm ý, lập dàn ý cho bài trình bày.

b. Luyện tập và trình bày bài nói theo dàn bài đã chuẩn bị.

Trả lời:

a.

Mở đầu

- Lời chào và tự giới thiệu.

- Nêu vấn đề: Việc phân tích, đánh giá những nét đặc sắc của một văn bản truyện hay kịch đem lại cho người đọc một nhận thức sâu sắc hơn về văn bản đó. Tôi sẽ lấy ví dụ qua việc phân tích, đánh giá văn bản Đất rừng phương Nam (trích) của nhà văn Đoàn Giỏi.

Phần chính

Trình bày luận điểm 1: Chủ đề của văn bản là gì? Đố là nêu bật sự thông minh, mưu trí của con người Nam Bộ trong quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên vùng đất này mà không làm tổn hại đến tự nhiên. Đồng thời ca ngợi tình nghĩa, gắn bó của cộng đồng cư dân này.

- Lí lẽ 1: Sự thông minh, tính thực tiễn.

Bằng chứng: cách gác kèo ong và cách lấy mật ong.

- Lí lẽ 2: Sự gắn bó, nghĩa tình.

Bằng chứng: má và tía nuôi của An rất thương An, xem như con đẻ. An và Cò rất thân thiết với nhau.

Trình bày luận điểm 2: Những nét đặc sắc về nghệ thuật.

- Lí lẽ 1: Cách kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn.

Bằng chứng: câu chuyện được kể qua ngôi thứ nhất (tôi – An), ngắn gọn nhưng thu hút, có đầu có đuôi, hấp dẫn.

- Lí lẽ 2: Xây dựng nhân vật sinh động

Bằng chứng: các nhân vật (An, Cò, tía nuôi) được miêu tả cụ thể về ngoại hình, ngôn ngữ, tính cách, …

- Lí lẽ 3: Miêu tả phong cảnh Nam Bộ vừa lạ lùng, độc đáo mà cũng thân thuộc.

Bằng chứng: tìm những câu văn tả cảnh: tả thiên nhiên, các loài động vật, đàn chim, ong, các loài bò sát, những từ ngữ đậm phương ngữ Nam Bộ, …

Kết bài

- Nêu bật giá trị của văn bản: Văn bản đem lại những hiểu biết về Nam Bộ thời kì khẩn hoang, về tính cách con người Nam Bộ.

- Tác động của văn bản đối với chính bạn: giúp bạn yêu thêm vùng đất quê hương, trân trọng những đóng góp của tiền nhân vào việc xây dựng quê hương giàu đẹp, trù phú.

b. Các em tiến hành luyện tập và trình bày bài nói theo dàn bài đã chuẩn bị.

Bài nói tham khảo

Xin chào các bạn tôi là ….học sinh lớp…. Sau đây tôi xin trình bày bài nói của mình.Đất rừng phương Nam là một tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là vùng đất miền Tây Nam Bộ, nơi có những con người hiếu khách, yêu nước, kiên cường, bất khuất vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ. Quyển sách đã để lại cho em biết bao những suy nghĩ về vùng đất phương Nam thân yêu. Chỉ khi đọc hết quyển sách, chúng ta mới cảm nhận được cái đẹp và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Với nhân vật chính là một cậu bé tên An.

Trong quyển sách này, Đoàn Giỏi đã kể theo ngôi thứ nhất, hóa thân chân thật về cả tính cách lẫn cảm xúc của An. Cậu bé Nguyễn An sống cùng với cha mẹ tại thành phố những ngày sau ngày độc lập 2-9-1945. Thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, đổ quân vào Nam Bộ. Pháp mở những trận đánh khiến cho những người dân sống tại các thành thị phải di tản. An và ba mẹ cũng phải bỏ nhà bỏ cửa để chạy giặc. Tại những chi tiết này, tác giả đã miêu tả một cách chân thực hoàn cảnh và cuộc sống khốn khổ của nhân dân ta lúc chạy trốn giặc Pháp, khiến cho một đứa bé lớn lên trong hòa bình, độc lập như em cũng phải xót xa cho những thiếu thốn, thiệt thòi của nhân dân ta khi chiến tranh. Tác giả đã gợi cho em hình ảnh của những con người kiên cường, họ đã phải rời bỏ quê hương để chạy thoát khỏi tay bọn giặc Pháp.

Theo cha mẹ chạy hết từ vùng này tới vùng khác của miền Tây Nam Bộ. An kết bạn cùng với những đứa trẻ cùng trang lứa và có một cuộc sống tuổi thơ vùng nông thôn đầy êm đềm. Nhưng cứ vừa ổn định được mấy bữa thì giặc đánh tới nơi và lại phải chạy. Trong một lần mải chơi, giặc đánh đến và An đã lạc mất gia đình. Cậu trở thành đứa trẻ lang thang. Trong những tháng ngày lưu lạc nơi đất khách quê người, tác giả đã dùng tài năng của mình để gợi tả một cách chân thật quang cảnh và những sản vật trù phú của rừng U Minh và vùng đất Cà Mau. Từng nghề nghiệp, ánh mắt, cách ăn nói, chào mời; những chi tiết thể hiện sự trù phú về động và thực vật nơi đây của người dân nơi đây được tác giả vẽ lại thật chân thật và đầy cảm xúc; khiến cho chúng ta dù chỉ cần đọc quyển sách này cũng có thể hình dung ra quang cảnh tươi đẹp và trú phú ấy. Sau khi được bà Tư Béo, chủ một quán rượu nơi đây nhận nuôi, An đã vô tình biết được vợ chồng Tư Mắm là Việt gian, chúng biết được và đốt quán bà Tư Béo, còn An đã may mắn chạy thoát và được một gia đình người đàn ông bán rắn tốt bụng nhận nuôi.

Trong khoảng thời gian sống cùng gia đình của ông bán rắn, An đã học tập đươc rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức chỉ có người dân ở đây lưu truyền với nhau, trong sách vở ở thành phố mà An theo học không hề nhắc đến. Trong hững cuộc đi bắt rắn giữa An và gia đình, tác giả đã cho em nhìn thấy được sự dũng cảm, sự kiên nhẫn của những người làm nghề này. Từng cách bắt mồi nhử, cách móc mồi, cách... đuổi muỗi, sự chờ đợi, kiên nhẫn và quang cảnh của rừng U Minh vào ban đêm đã được hiện lên thật sắc nét dưới từng con chữ của tác giả. Còn trong những lần đi lấy mật ong, quyển sách đã mang lại cho em những hình ảnh chân thật nhất về cách dựa vào hướng gió, địa điểm, thời tiết mà đoán chỗ ong mật làm tổ để gác kèo lấy mật. Còn trong lần An chạm trán với hổ, em đã có thể phần nào hình dung ra sự hoang sơ, sự hoang dã của thiên nhiên rừng U Minh.
Sau khi chú Võ Tòng hi sinh vì phục kích giặc, gia đình bố nuôi An phải di cư đến nơi khác cùng người dân trong làng. Đến chợ Năm Căn. Tiếp tục sử dụng ngôi kể của mình, tác giả lại khiến cho đọc giả cảm giác thích thú say mê trước quang cảnh vui nhộn nhưng cũng không kém phần êm đềm. Cái quang cảnh tấp nập, người mua kẻ lại lại viển vông trong đầu em, nghĩ lung tung như muốn nhảy vào quyển sách để thăm thú cái nơi ấy. Rừng đước trù phú kia đang ôm lấy những con người chân chất của đất Cà Mau...
Kết thúc truyện, là cái lúc mà tất cả người dân đứng lên, đã sẵn sàng cho cái tư tưởng chiến đấu của họ, lý trí bất khuất cùng lòng dũng cảm, đứng hẳn lên, trên tay phất cao lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, bắt đầu cuộc chiến với quân địch, quân Pháp xâm lăng. Chỉ biết một điều, cái kết thúc dang dở thế này, kháng chiến của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Bởi con người Việt Nam không bao giờ khiếp sợ trước quân thù, họ luôn đấu tranh để giành lại độc lập tự do vì trong họ luôn luôn tồn tại một tinh thần kiên cường, bất khuất

Em cũng muốn cảm ơn tác giả Đoàn Giỏi đã gửi đến trái tim em những trái tim đẹp đẽ và quả cảm của con người trên vùng đất tận cùng của hình chữ S. Qua cách dùng từ điêu luyện; sự miêu tả chân thật trong từng chi tiết, cảm xúc; sự tâm huyết của tác giả Đoàn Giỏi, quyển sách đã mang lại cho người đọc không chỉ là sự trù phú của thiên nhiên Cà Mau, mà còn là cảm xúc tự hào về tinh thần cao đẹp chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Đó là một cảm xúc mà em sẽ luôn nhớ đến và tự hào.

 

Câu 2 trang 47 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Giả định rằng, người nghe nêu lên một số câu hỏi liên quan đến các vấn đề trên, chẳng hạn:

- Chỉ ra những tình huống xung đột, mâu thuẫn trong đoạn kịch Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến (trích Nghêu, Sò, Ốc, Hến, tuồng đồ)

- Chỉ ra những điểm đặc sắc nhất về nội dung của đoạn kịch Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến (trích Nghêu, Sò, Ốc, Hến, tuồng đồ)

- Theo bạn, đâu là điểm hấp dẫn trong cách kể chuyện của Đất rừng phương Nam (trích)?

- Trong câu chuyện Tôi thích làm vua, triết lí ẩn sâu được thể hiện qua tình huống như thế nào?

Cho biết cách bạn sẽ tiếp nhận câu hỏi dành cho mình, nội dung trả lời và cách bạn đưa ra câu trả lời ấy.

Trả lời:

Trước hết, bạn căn cứ vào đề tài, nội dung vấn đề trong bài trình bày của mình để chọn ra các câu hỏi có liên quan trong bài tập 2. Chẳng hạn, nếu trình bày của bạn xoay quanh Đất rừng phương Nam (trích) [2] thì câu hỏi từ phía người nghe dành cho bạn có thể là:

“ – Theo bạn đâu là điểm hấp dẫn trong cách kể chuyện của Đất rừng phương Nam (trích)?

- Bạn có thể trích dẫn một số tục ngữ, thành ngữ để minh chứng thêm cho lí lẽ con người Nam Bộ nghĩa tình, hay phong cảnh Nam Bộ hoang sơ, độc đáo của mình hay không?”

Kèm theo là yêu cầu: “Cho biết cách bạn sẽ tiếp nhận câu hỏi dành cho mình, nội dung trả lời và cách bạn đưa ra câu trả lời ấy”.

Nếu bài trình bày của bạn xoay quanh Tôi thích làm vua [3] thì câu hỏi từ phái người nghe dành cho bạn có thể là:

“- Bạn đã từng xem một vở tuồng hát truyền thống nào chưa?

- Bạn có từng tham gia đóng một vai nào trong các vở kịch của lớp, trường chưa?”

Kèm theo là yêu cầu: “Cho biết cách bạn sẽ tiếp nhận câu hỏi dành cho mình, nội dung trả lời và cách bạn đưa ra câu trả lời ấy”.

Để đáp ứng những yêu cầu trên của đề bài, bạn cần:

1. Tiếp nhận ghi chép câu hỏi từ phía người nghe với thái độ điềm tĩnh, trân trọng, kể cả với những người nghe hỏi những câu hỏi ít liên quan, hơi xa bài nói.

2. Xem lại phần hướng dẫn thực hiện bài nói ở bước 4. Trao đổi và đánh giá, trong vai trò người nói.

3. Tìm ý và phác thảo câu trả lời ngắn gọn nhưng tương đối cụ thể cho các câu hỏi liên quan đến bài trình bày này của mình.

Về nội dung các câu trả lời, bạn lưu ý cần phân loại câu hỏi để có phương án trả lời sao cho phù hợp.

Có những câu hỏi mà câu trả lời của bạn chỉ cần nhắc lại nội dung bạn đã trình bày, nhấn mạnh, bổ sung thêm.

Có những câu hỏi, tuy ít liên quan hoặc hơi xa vấn đề mình trình bày song bạn vẫn nên vui vẻ nhã nhặn đưa ra trả lời, hoặc là thật ngắn gọn, hoặc là tận dụng việc đưa ra câu trả lời như một cơ hội để giao lưu, thể hiện sự thân thiện, chân thành của mình đối với người nghe. Chẳng hạn, câu hỏi:

“ – Bạn có từng tham gia đóng một vai nào trong các vở kịch của lớp, trường chưa?” là một cơ hội như thế, bạn nên sẵn lòng kể lại tình huống mình tham gia đóng kịch, như nhắc lại một kỉ niệm, chia sẻ kinh nghiệm, …

Đánh giá

0

0 đánh giá