Sách bài tập Ngữ Văn 10 Bài 1: Sức hấp dẫn của truyện kể | Kết nối tri thức

2 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 1: Sức hấp dẫn của truyện kể sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 1: Sức hấp dẫn của truyện kể

Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 4, 5, 6, 7, 8

Bài tập 1 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc lại văn bản Thần Trụ Trời trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 11 - 12) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Xác định thời gian, không gian và các sự kiện chính được kể trong truyện Thần Trụ Trời.

Trả lời:

Truyện

Thời gian

Không gian

Nhân vật

Sự kiện chính

Thần Trụ Trời

Khi chưa có vũ trụ

Trời và đất

Thần Trụ Trời

Thần Trụ Trời tách trời và đất

Câu 2 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Vũ trụ thuở sơ khai được hình dung như thế nào trong truyện Thần Trụ Trời?

Trả lời:

- Chi tiết miêu tả vũ trụ thủa sơ khai: “Thuở ấy chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một đám hỗn độn tối tăm và lạnh lẽo”, “Thần ở trong đám mờ mịt hỗn độn đó không biết đã từ bao lâu” ...

→ Hình ảnh vũ trụ hỗn độn, tối tăm, trời đất chưa tách rời nhau là cách hình dung

về thuở sơ khai rất phổ biến trong thần thoại suy nguyên của nhiều dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới.

Câu 3 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Vì sao thần Trụ Trời lại được miêu tả với hình dạng khổng lồ, kì vĩ?

Trả lời:

- Trong thần thoại suy nguyên, mỗi vị thần có một chức năng riêng: nhận thức, lí giải các hiện tượng tự nhiên hoặc những tập tục, thói quen, hành vi của cộng đồng. Vì vậy, hình dạng của nhân vật thần thường có mối liên hệ chặt chẽ với hiện tượng tự nhiên được hình tượng hoá.

- Thần Trụ Trời có chức năng kiến tạo vũ trụ bao la, kì vĩ nên thần cũng có hình dạng khổng lồ, kì vĩ như vậy.

Câu 4 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nêu nhận xét về cách miêu tả công việc kiến tạo vũ trụ của thần Trụ Trời.

Trả lời:

- Công việc tạo lập vũ trụ lớn lao, phi thường: phân chia trời, đất; tạo ra núi đồi, cao nguyên, biển cả, ...

- Công việc đắp cột chống trời cũng được miêu tả một cách bình dị, gần gũi, như ở người lao động bình thường, cần mẫn, vất vả: một mình cầy cục đào đất, đá đắp cột; phá cột đi, ném đất đá đi mọi phía; ...

Câu 5 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Phân tích hình ảnh vũ trụ sau khi được kiến tạo để thấy nhận thức của người xưa về thế giới.

Trả lời:

- Hình ảnh vũ trụ sau khi được kiến tạo: “Từ đó trời đất phân ra làm hai. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời ở trên như cái bát úp, chỗ giáp giới giữa trời và đất gọi là chân trời”; “mặt đất chỗ cao, chỗ thấp không được bằng phẳng”;...

→ Hình ảnh vũ trụ sau khi thần Trụ Trời hoàn tất công việc thể hiện nhận thức hồn nhiên, thô sơ của người xưa về mô hình vũ trụ (gồm hai tầng trời và đất); về đặc điểm của thế giới (hình dạng của bầu trời và mặt đất); về quá trình hình thành các sự vật, hiện tượng tự nhiên.

Câu 6 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Tìm những lời kể mang tính suy nguyên và phân tích chức năng cụ thể của chúng trong truyện Thần Trụ Trời.

Trả lời:

Trong truyện Thần Trụ Trời, lời kể mang tính suy nguyên thể hiện chức năng giải thích sự hình thành của vũ trụ. Ví dụ:

- “Từ đó trời đất phân ra làm hai. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời ở trên như cái bát úp, chỗ giáp giới giữa trời và đất gọi là chân trời”;“Vì thế mà bây giờ mặt đất chỗ cao, chỗ thấp không được bằng phẳng“: giải thích sự hình thành trời, đất, núi đồi, biển cả và đặc điểm địa hình của thế giới tự nhiên.

- Lời bài vè“Nhất ông đếm cát/ Nhì ông tát bể (biển)/...”: lí giải nguồn gốc của các sự vật trong vũ trụ (sao trời, biển, cát, cây cối,...).

Bài tập 2 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc lại văn bản Thần Sét trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 12 - 13) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Chỉ ra các chi tiết miêu tả hình dạng, tính khí và hành động của thần Sét

Trả lời:

Thần Sét được miêu tả với hình dạng dữ tợn, tính khí nóng nảy, hành động hung dữ, nóng vội.

Câu 2 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Thần Sét đã mắc phải sai lầm gì và bị Ngọc Hoàng trừng phạt như thế nào?

Trả lời:

- Thần Sét đã mắc phải sai lầm: hễ Ngọc Hoàng sai là đi ngay, hễ thấy là đánh liền nên cũng có lúc làm cho người, vật chết oan.

- Thần Sét bị Ngọc hoàng phạt: bị bắt nằm im 1 nơi không cựa quậy trong 1 đám rừng ở thiên đình; bị con gà thần của Ngọc Hoàng mổ một cái làm đau nhói cả người.

Câu 3 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Phân tích mối liên hệ giữa hình tượng thần Sét với các hiện tượng trong tự nhiên?

Trả lời:

- Trong thần thoại suy nguyên, mỗi nhân vật thần có mối liên hệ mật thiết với một hiện tượng tự nhiên và thực chất họ là các hiện tượng tự nhiên được hình tượng hoá. Người xưa quan sát, nắm bắt những đặc điểm nổi bật của các hiện tượng tự nhiên; hình dung về chúng như những con người, trao cho chúng các đặc điểm về hình dạng người tương ứng.

- Mối liên hệ giữa hình tượng thần Sét với các hiện tượng trong tự nhiên:

+ Hình dạng, hành động, tính khí của thần Sét: “mặt mũi rất nanh ác”, “tiếng quát tháo rất dữ dội”, hành động nóng vội, tính khí nóng nảy - tương ứng với hiện tượng sét: bùng nổ bất ngờ, gây âm thanh vang động, dữ dội, có thể đánh chết hoặc thiêu cháy các sinh vật trên mặt đất, ...

+ Công việc của thần Sét: “thi hành luật pháp”, trừng trị kẻ có tội nhưng “cũng có lúc làm cho người, vật chết oan”, dùng lưỡi búa bổ vào đầu tội nhân; ngủ về mùa đông – lí giải cho hiện tượng sét đánh vào đầu người, ngọn cây; mùa đông thường không có sấm sét...

Câu 4 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Thần thoại phản ánh thế giới quan “vạn vật hữu linh” của người xưa. Thế giới quan ấy được thể hiện như thế nào trong truyện Thần Sét?

Trả lời:

Người xưa quan niệm mọi vật trong vũ trụ đều có linh hồn, có mối liên hệ mật thiết và bình đẳng, con người cũng là một phần ở trong thế giới “vạn vật hữu linh” ấy. Vì vậy, họ đã nhân hoá các sự vật, hiện tượng tự nhiên - sáng tạo nên các nhân vật thần. Ở đây, hiện tượng sấm sét đã được hình tượng hoá thành thần Sét - có nhân hình, có nhân tính và công việc rất cụ thể.

Câu 5 trang 4 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Phân tích những chi tiết thể hiện chức năng suy nguyên của truyện Thần Sét.

Trả lời:

- Chi tiết thể hiện chức năng giải thích nguồn gốc, đặc điểm của hiện tượng tự nhiên: “Thần chuyên một việc thi hành luật pháp ở trần gian”. “Thần có một lưỡi búa đá”; “thần tự mình nhảy xuống tận nơi [...] dùng lưỡi búa bổ xuống đầu. Có khi xong việc, thần không mang lưỡi búa lên theo mà quẳng luôn tại đó. Thần thường ngủ về mùa đông, vào khoảng tháng Hai, tháng Ba mới lại dậy làm việc.”; ...

- Chi tiết thể hiện chức năng giải thích hành vi, tập tục của cộng đồng: “Tính thần Sét rất nóng nảy [...] nên cũng có lúc làm cho người, vật chết oan. Vì thế mà thần Sét đã có lúc bị Ngọc Hoàng phạt [...]. Con gà thần của Ngọc Hoàng được lệnh thỉnh thoảng lại mổ một cái làm cho thần đau nhói cả người [...] Khi được Ngọc Hoàng tha, thần có thói quen là hễ thấy hoặc nghe tiếng gà là giật mình. Mỗi lần có chớp rạch, biết thần Sét sắp xuống, người hạ giới thường bắt chước tiếng gọi gà để doạ thần có lẽ cũng vì cớ đó.”

Bài tập 3 trang 5 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc lại văn bản Thần Gió trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 13) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Hình dạng của thần Gió có gì đặc biệt? Vì sao thần lại có hình dạng đặc biệt như vậy?

Trả lời:

Người xưa hình dung về các sự vật, hiện tượng tự nhiên như những con người nên đã “trao” cho chúng những hình dạng tương ứng. Ở đây, do tính chất vô hình của gió và hình ảnh thực tế của những cơn lốc xoáy nên thần Gió được miêu tả với “hình dạng kì quặc” và “không có đầu”...

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nhân vật con trai của thần Gió được tạo nên nhằm mục đích gì?

Trả lời:

Nhân vật con trai của thần Gió được tạo nên không chỉ có chức năng lí giải hiện tượng tự nhiên mà còn giải thích hành vi, tập tục của cộng đồng:

- Lí giải hiện tượng tự nhiên: tính chất bất trắc, khó lường của gió có thể gây tổn hại cho cuộc sống con người.

- Lí giải hành vi, tập tục; nguồn gốc tên gọi của một loài cây có khả năng báo hiệu sự thay đổi thời tiết (“Mỗi lần cây ngải gió cuốn bông cuốn lá lại, người hạ giới biết là trời sắp nổi gió, nổi mưa”) và kinh nghiệm sử dụng nó vào việc chữa bệnh cho trâu (“Lại mỗi lần trâu bị cảm gió, người ta thường lấy lá cây ngải để chữa, vì cho rằng nó có kinh nghiệm về bệnh của trâu trong thời gian giữ trâu cho người mất gạo”).

Câu 3 trang 5 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Chuyện gì đã xảy ra giữa con người và các vị thần (thần Gió, Ngọc Hoàng)?

Trả lời:

- Đứa con trai nghịch ngợm của thần Gió đã làm đổ bát gạo của con người. Con người kiện thần Gió, Ngọc Hoàng đã phân xử bằng cách đày con thần Gió xuống trần, bắt đi chăn trâu cho người mất gạo, sau đó bắt hóa làm cây ngải cứu để báo tin gió cho thiên hạ,…

Câu 4 trang 5 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Câu chuyện về các nhân vật thần trong truyện Thần Gió thể hiện cách hình dung như thế nào của con người thời cổ đại về thế giới tự nhiên?

Trả lời:

Câu chuyện về các nhân vật thần đã thể hiện nhận thức, quan niệm của người thời cổ đại về thế giới tự nhiên. Đó là quan niệm về một thế giới vạn vật đều có linh hồn. Trong thế giới ấy, thần cũng có con cái, cũng mắc sai lầm như con người; thần và người có thể giao tiếp với nhau một cách dễ dàng...

Câu 5 trang 5 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Truyện Thần Gió thể hiện những chức năng nào của thần thoại suy nguyên?

Trả lời:

Truyện Thần Gió thể hiện những chức năng cơ bản của thần thoại suy nguyên. Đó là lí giải hiện tượng tự nhiên và giải thích hành vi, tập tục của cộng đồng:

- Lí giải hiện tượng tự nhiên: tính chất bất trắc, khó lường của gió có thể gây tổn hại cho cuộc sống con người.

- Lí giải hành vi, tập tục; nguồn gốc tên gọi của một loài cây có khả năng báo hiệu sự thay đổi thời tiết (“Mỗi lần cây ngải gió cuốn bông cuốn lá lại, người hạ giới biết là trời sắp nổi gió, nổi mưa”) và kinh nghiệm sử dụng nó vào việc chữa bệnh cho trâu (“Lại mỗi lần trâu bị cảm gió, người ta thường lấy lá cây ngải để chữa, vì cho rằng nó có kinh nghiệm về bệnh của trâu trong thời gian giữ trâu cho người mất gạo”).

Bài tập 4 trang 5, 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Ông Sằn Nông1

Ông Sằn Nông thường đi trong các rừng núi, gặp nhiều thứ quả, thứ hạt. Ông có phép mời được các loại hạt, đặc biệt là hạt thóc về nhà mình ở. Mùa xuân các hạt tự ra đồng mọc, cuối vụ lại trở về kho, về bồ. 

Năm ấy, Sằn Nông đi xa không về kịp mùa lúa. Thóc ngô ngoài đồng đã chín, rủ nhau kéo về nhà. Bà vợ Sằn Nông đang gội đầu, chưa mở được kho, sắp được bồ. Bà bảo thóc hãy đợi ngoài cửa. Thóc đợi mãi, mà bà chỉ lo chải vuốt mái tóc của mình. Thóc giục giã ầm lên, vì trời nắng to, chúng chen chúc mãi ngoài cửa bị nóng bức quá. Chúng chen nhau rồi đánh nhau túi bụi đất cát tung mù lên. Gió thổi làm bụi bậm và một số hạt thóc bám lên đầu lên cổ bà. Bà tức quá, vác gậy đánh chúng, vừa đánh vừa chửi. Thóc kéo nhau ra ruộng, thề từ nay không bò về nữa.

Sằn Nông trở về không biết làm thế nào. Ông mắng vợ rồi bỏ đi, ra ruộng dỗ dành, nhưng thóc không chịu. Buồn rầu, ông nắm lấy một nắm thóc bay thẳng lên trời. Nắm thóc ấy tung ra, rải rác thành các ngôi sao, còn chỗ tụ lại thì thành sông Ngân Hà bây giờ. Còn dưới trần gian từ đó, khi lúa chín, con người phải mang hái liềm ra gặt.

(Theo Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, tập 1, NXB Giáo dục, 2007, tr. 103)

1 Thần thoại về ông Sằn Nông hay còn gọi là thần Nông của dân tộc Lô Lô.

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nêu các sự kiện chính của truyện Ông Sằn Nông.

Trả lời:

- Các sự kiện chính của truyện Ông Sằn Nông.

+ Ông Sằn Nông có phép lạ mời được các loại hạt, đặc biệt là hạt thóc về nhà mình ở. Mùa xuân các hạt tự ra đồng mọc, cuối vụ lại trở về kho, về bồ. 

+ Năm ấy, Sằn Nông đi xa không về kịp mùa lúa. Vợ ở nhà mải chải tóc không mở cửa cho thóc ngô đã chín vào nhà. 

+ Bà vợ đánh chửi thóc. Thóc kéo nhau ra ruộng, thề từ nay không bò về nữa.

+ Sằn Nông trở về ra ruộng dỗ dành, nhưng thóc không chịu.

+ Ông nắm lấy một nắm thóc bay thẳng lên trời. Nắm thóc ấy tung ra, rải rác thành các ngôi sao, còn chỗ tụ lại thì thành sông Ngân Hà bây giờ. Còn dưới trần gian từ đó, khi lúa chín, con người phải mang hái liềm ra gặt.

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Chỉ ra những lời kể mang tính suy nguyên trong văn bản.

Trả lời:

- Các lời kể giải thích:

+ sự hình thành các ngôi sao và sông ngân hà.

+ tập tục khi lúa chín, con người phải mang hái liềm ra gặt.

Câu 3 trang 5 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nhân vật chính trong truyện kể trên là ai? Nhân vật ấy được sáng tạo nhằm mục đích gì?

Trả lời:

- Nhân vật chính trong truyện kể trên là ông Sằn Nông.

- Mục đích: Giải thích hiện tượng tự nhiên (sao và sông ngân hà), và tập tục gặt lúa chín mang về nhà.

Câu 4 trang 5 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Trong tưởng tượng của con người thời xưa, các loại hạt được dùng làm lương thực thuở sơ khai có những đặc điểm gì? Sự tưởng tượng về các loại hạt đó thể hiện quan niệm gì của họ về thế giới?

Trả lời:

Trong tưởng tượng của con người thời xưa, các loại hạt được dùng làm lương thực thuở sơ khai tự sinh trưởng ngoài ruộng, đến mùa thu hoạch thì tự tìm về nhà, tự vào kho, vào bồ. Chúng cũng có cảm giác, cảm xúc và có thể “giao tiếp” với con người,... Sự tưởng tượng ấy thể hiện quan niệm của con người cổ sơ về thế giới “vạn vật hữu linh”...

Câu 5 trang 5 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Sự biến đổi trong đặc tính của thóc phản ánh những thay đổi nào trong cuộc sống của con người cổ sơ?

Trả lời:

Sự biến đổi trong đặc tính của thóc phản ánh hành trình sống, quá trình tiếp cận cây lúa của con người cổ sơ: phát hiện ra cây lúa, thừa hưởng thành quả có sẵn trong tự nhiên - chuyển từ đời sống hái lượm, hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên sang thuần hoá cây lúa, tìm ra cách gieo trồng, thu hoạch thóc lúa,...

Câu 6 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Sưu tầm một truyện thần thoại suy nguyên của dân tộc khác có nội dung tương tự với truyện Ông Sằn Nông. So sánh và nhận xét về điểm tương đồng giữa hai tác phẩm.

Trả lời:

Có thể sưu tầm truyện thần thoại về thần Lúa, thần Nông của một số dân tộc như: Kinh, Tày, Thái, Mường, Cao Lan, Khơ-mú, Xơ-đăng,... Khi so sánh, nhận xét cần chú ý những nét tương đồng như: ban đầu hạt lúa có kích thước rất lớn, tự gieo, mọc, kết bông rồi tự tìm về nhà; sau đó vì sự “lười biếng” hoặc nóng giận của một người phụ nữ mà đặc tính của lúa thay đổi - hạt lúa nhỏ đi, con người phải gieo cấy, chăm sóc và đến mùa lúa chín phải mang liềm gặt lúa về,...

Bài tập 5 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc lại văn bản Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 15 - 19) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Trong đoạn mở đầu phần 1 của truyện, tác giả đã giới thiệu và nhấn mạnh nét tính cách nào ở nhân vật Tử Văn?

Trả lời:

Trong đoạn mở đầu phần 1 của truyện, tác giả đã nhấn mạnh tính cách khảng khái, cương trực ở nhân vật Tử Văn. Đây là cách giới thiệu nhân vật quen thuộc của thể loại truyện truyền kì nói chung và trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ nói riêng.

Câu 2 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Tóm tắt các sự kiện chính của câu chuyện. Các sự kiện ấy được trình bày theo trình tự nào?

Trả lời:

- Các sự kiện chính của truyện:

+ Tử Văn châm lửa đốt đền của tên tướng giặc.

+ Tử Văn “thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét”, trong cơn mê man thấy tên hung thần đến trách mắng, đe dọa.

+ Thổ thần đến báo cho Tử Văn biết sự việc đã trở nên nghiêm trọng và bảo cho Tử Văn cách chuẩn bị đối phó.

+ Tử Văn bệnh nặng thêm, rồi bị quỷ sử bắt xuống Minh ty và khép vào tội chết. Tử Văn vẫn rất cứng cỏi, không bị khuất phục bởi những lời buộc tội oan.

+ Tử Văn được giải oan, giữ chức phán sử đền Tản Viên.

- Các sự kiện này được trình bày theo trình tự thời gian và nhân quả.

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Tính cách của nhân vật Tử Văn chủ yếu được khắc hoạ qua những chi tiết nào? Hãy phân tích một số chi tiết tiêu biểu để khái quát đặc điểm tính cách của nhân vật.

Trả lời:

Tính cách của nhân vật Tử Văn chủ yếu được khắc hoạ qua lời người kể chuyện; qua các chi tiết miêu tả ngôn ngữ đối thoại và cử chỉ, hành động. Ví dụ: 

- Lời của người kể chuyện (lời kể, lời bình): “Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”; “Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời Thổ công đã nói, lời rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào”; “Vì cứng cỏi mà dám đốt đền tà, chống lại yêu ma, làm một việc hơn cả thần và người”;...

- Cử chỉ, hành động: sau khi đốt cháy đền tà (“Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng chàng vẫn vung tay không cần gì cả”); khi bị hồn ma tên tướng giặc họ Thôi đe doạ (“Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên”); khi một mình đối đầu với đám ma quỷ và cả Diêm Vương nơi cõi âm (“Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời Thổ Công đã nói, lời rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào.”; khi lựa chọn đảm nhận chức Phán sự đền Tản Viên (“Tử Văn vui vẻ nhận lời, bèn thu xếp việc nhà, rồi không bệnh mà mất")...

- Ngôn ngữ đối thoại: cuộc trò chuyện của Tử Văn với Thổ Công; cuộc tranh biện của Tử Văn với hồn ma tên tướng giặc và với Diêm Vương trong phiên toà nơi cõi âm.

Câu 4 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Sử dụng yếu tố kì ảo là đặc trưng nghệ thuật nổi bật của truyện truyền kì. Hãy chọn phân tích giá trị biểu hiện của một số yếu tố kì ảo trong truyện (không gian kì ảo, nhân vật kì ảo,...).

Trả lời:

Trong Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên, yếu tố kì ảo được sử dụng một cách “đậm đặc” Yếu tố kì ảo vừa là phương tiện để tác giả phơi bày mặt trái của hiện thực vừa là phương thức làm “lạ hoá” đối tượng miêu tả, thể hiện, mang lại sức hấp dẫn cho câu chuyện. Có thể chọn phân tích một số yếu tố kì ảo sau:

- Không gian kì ảo: thế giới cõi âm ảm đạm, thê lương, rùng rợn,...

- Nhân vật kì ảo: hồn ma tên tướng giặc họ Thôi, Thổ Công, Diêm Vương, lũ ma quỷ,...

- Mô-típ kì ảo: người chết sống lại, thần linh ban thưởng, người hoá thành thần,...

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nêu một số thông điệp bạn tiếp nhận được từ tác phẩm Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên.

Trả lời:

- Ca ngợi khí phách của kẻ sĩ: chính trực, dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác, bảo vệ chính nghĩa.

- Thể hiện khát vọng và niềm tin vào công lí, vào sự chiến thắng của cái thiện.

- Phê phán xã hội đương thời: quan lại tham nhũng, ăn hối lộ, bao che cho kẻ xấu tàn hại dân lành.

- Thể hiện lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc.

Câu 6 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Theo bạn, lời bình ở cuối truyện có vai trò gì?

Trả lời:

Lời bình ở cuối tác phẩm Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên có tác dụng thể hiện quan điểm, tư tưởng của tác giả; nhấn mạnh những thông điệp muốn truyền tải. Đó là khẳng định, ngợi ca khí tiết cứng cỏi, tỉnh thần xả thân vì chính nghĩa của kẻ sĩ,... Tuy nhiên, do những ràng buộc của bối cảnh thời đại nên đôi khi lời bình trong một số truyện khác của Truyền kì mạn lục có thể mang tính chất của lớp vỏ “nguỵ trang”.

Câu 7 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Hãy đặt câu với các từ Hán Việt sau: cương trực, khôi ngô, phong độ.

Trả lời:

- Anh ấy có tính tình cương trực, thẳng thắn.

- Đến ngày đón cô Út về làm vợ, Sọ Dừa bỗng biến thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú khiến hai cô chị ghen tức.

- Dù đã ngoài 50 tuổi nhưng bác ấy vẫn còn rất phong độ.

Bài tập 6 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc lại văn bản Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 17 - 18), đoạn từ “Tử Văn vâng lời” đến “sai lính đưa Tử Văn về” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Tóm tắt diễn biến của phiên toà xử án nơi cõi âm.

Trả lời:

Khi tóm tắt diễn biến của phiên toà nơi cõi âm, cần nêu được các sự kiện chính:

- Tử Văn bị quỷ sứ bắt xuống âm phủ; Diêm Vương nghe lời kêu cầu của tên tướng giặc, ra lệnh trừng phạt Tử Văn.

- Tử Văn lớn tiếng kêu oan; tranh biện với tên tướng giặc khiến Diêm Vương phải xem lại phán quyết.

- Diêm Vương theo lời đề nghị của Tử Văn, tra rõ thực hư, trị tội tên tướng giặc họ Thôi, ban thưởng Tử Văn.

Câu 2 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Xác định chi tiết có tác dụng xoay chuyển tình thế trong phiên toà. Sự việc ấy có mối liên hệ với chi tiết nào ở phần 2?

Trả lời:

Chi tiết có tác dụng xoay chuyển tình thế trong phiên toà là Tử Văn nói với Diêm Vương: “Nếu nhà vua không tin lời tôi, xin tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi; không đúng như thế, tôi xin chịu thêm cái tội nói càn”.

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Theo bạn, yếu tố nào có ý nghĩa quyết định trong việc làm nên chiến thắng của Tử Văn trong cuộc tranh biện?

Trả lời:

Yếu tố đánh dấu vai trò quyết định trong việc làm nên chiến thắng của Tử Văn trong cuộc tranh biện là bản lĩnh cứng cỏi, lòng dũng cảm, tinh thần đấu tranh vì chính nghĩa, niềm tin vào sức mạnh của lẽ phải,...

Câu 4 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Phân tích một số chi tiết tiêu biểu trong đoạn trích thể hiện tính cách của nhân vật Tử Văn.

Trả lời:

Có thể chọn phân tích một số chi tiết tiêu biểu thể hiện được tính cách của nhân vật Tử Văn. Ví dụ:

- Chi tiết Tử Văn bị quỷ sứ bắt đi, đưa đến cõi âm thê lương, rùng rợn và bị kết án (“Tội sâu ác nặng, không được dự vào hàng khoan giảm”) nhưng Tử Văn vẫn không hề sợ hãi, nao núng. Chàng đã“kêu to” lên nỗi oan khuất và sự bất công mà mình phải gánh chịu:“Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uống”.

- Chi tiết Tử Văn tranh biện với tên tướng giặc họ Thôi và bị lâm vào tình thế đơn độc, bất lợi. Diêm Vương bị hồn ma tên tướng giặc và cả những kẻ dưới quyền lừa dối nên chưa xét hỏi đã kết tội và trách mắng Tử Văn. Tên tướng giặc họ Thôi gian xảo, lại được những “đền miếu gần quanh” bao che, bênh vực. Vậy mà Tử Văn vẫn bình tĩnh, cứng cỏi, dùng lí lẽ sắc bén, đanh thép phơi bày tội lỗi của hắn - “không chịu nhún nhường chút nào”...

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Giải thích ý nghĩa và đặt câu với các từ Hán Việt sau: cư sĩ, trung thuần, lẫm liệt, khoan dung, chí công.

Trả lời:

Từ

nghĩa

Đặt câu

Cư sĩ

Người trí thức thời phong kiến đi ở ẩn hoặc người theo đạo Phật tu tại gia

Nhà thơ Bạch Cư Dị là một cư sĩ đời Đường

Trung thuần

Ngay thẳng, trong sạch, hết lòng vì bổn phận

Viên quan ấy một đời trung thuần nên nhân dân rất yêu mến.

Lẫm liệt

Nghiêm trang, oai phong khiến người khác kính sợ

Tráng sĩ bước lên mình ngựa, dáng vẻ oai phong, lẫm liệt.

Khoan dung

Rộng lượng, tha thứ cho người dưới mắc lỗi lầm

Khaon dung, độ lượng đó là đức tính cần có ở mỗi người.

Chí công

Hết sức công bằng không chút thiên vị

Anh ấy là một vị thẩm phán chí công, vô tư.

Bài tập 7 trang 6, 7 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Truyện ngắn Chữ người tử tù được in lần đầu tiên có nhan đề Giòng chữ cuối cùng. Ở lần in sau, Nguyễn Tuân đã thay đổi nhiều từ ngữ, câu văn, chi tiết miêu tả. Hãy đọc hai đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

a. - Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay nghề đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ rõ ràng như thế. Thoi mực, kiếm được ở đâu mà tốt thế. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không? Ta khuyên thầy Quản nên tìm về nhà quê mà chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành mạnh.

Ngục quan cảm động, vái tên tù một vái và nói một câu mà giòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào:

- Xin bái lĩnh.

Viên quản ngục nhìn mặt chữ khô lần lần. Y sung sướng vì giữ được giòng chữ quý.

Y tự nhủ: “Tất cả nghề nghiệp ta, và có lẽ cả đời ta nữa, lãi chỉ ở chỗ xin được chút kỉ niệm này”

Nhưng, một tình buồn mênh mông đã lẻn vào lòng sung sướng của quản ngục...

... Ít hôm nữa... pháp trường trong Kinh...

(Nguyễn Tuân, Giòng chữ cuối cùng, tạp chí Tao Đèn, số 1/ 1939)

b. - Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?... Tôi bảo thực đấy: thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.

Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt

nghe xèo xèo.

Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau.

Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh“

(Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù, Ngữ văn 10, tập một, tr. 26)

Câu 1 trang 7 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: So sánh, nêu nhận xét về nhan đề của tác phẩm ở hai bản in.

Trả lời:

- Điểm giống nhau: Hai nhan đề đều tập trung vào yếu tố “chữ” - biểu tượng cho cái đẹp, kết tinh tài hoa, thiên lương và khí phách, có sức mạnh và sức sống kì diệu,...

- Điểm khác biệt: Nhan đề Giòng chữ cuối cùng nhấn mạnh tính chất của “chữ”; gợi niềm xót xa, tiếc nuối trước sự mất mát của cái đẹp và tài hoa. Nhan đề Chữ người tử tù nhấn mạnh mối liên hệ giữa chữ và người - giữa phẩm chất và thân phận, từ đó làm nổi bật lên sức mạnh và sức sống bất diệt của “chữ”,...

Câu 2 trang 7 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Chỉ ra một số điểm khác biệt nổi bật về từ ngữ, chi tiết miêu tả trong hai đoạn trích trên.

Trả lời:

So sánh

Đoạn a

Đoạn b

Câu 2

thay nghề đi

thay chốn ở đi

Câu 3

với những nét chữ rõ ràng như thế

với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người

Câu 4

Thoi mực, kiếm được ở đâu mà tốt thế.

Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá.

Câu 3 trang 7 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Phân tích tác dụng của việc thay đổi một số từ ngữ hoặc chi tiết trong bản in thứ hai.

Trả lời:

Câu văn “Ta khuyên thầy Quản nên thay nghề đi” ở đoạn trích a giới hạn ở tác động của “công việc”; còn câu văn “Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi” ở đoạn trích b mở rộng thành tác động của môi trường sống, bối cảnh xã hội đối với nhân cách, tâm hồn con người,.. Sự thay đổi đó thể hiện rõ hơn ý đồ nghệ thuật, tư tưởng của nhà văn và chủ đề của truyện ngắn...

Câu 4 trang 7 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Từ việc so sánh hai đoạn trích trên, bạn hiểu thêm điều gì về sức hấp dẫn của truyện kể?

Trả lời:

Qua so sánh hai đoạn trích, có thể hiểu thêm tầm quan trọng của việc lựa chọn từ ngữ và hình thức diễn đạt để làm cho truyện kể tăng sức hấp dẫn và khả năng thuyết phục.

Câu 5 trang 7 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Giải thích ý nghĩa và đặt câu với các từ Hán Việt sau: hoài bão, tung hoành, thiên lương.

Trả lời:

Từ

Nghĩa

Đặt câu

Hoài bão

Ý muốn tốt đẹp làm những điều tốt đẹp lớn lao

Cậu thanh niên ấp ủ hoài bão được du học ở nước ngoài nay đã thành hiện thực.

Tung hoành

Hoạt động một cách mạnh mẽ và ngang dọc theo ý muốn, không gì ngăn cản nổi.

Hắn một tay gây dựng sự nghiệp, tung hoành khắp các nơi.

Thiên lương

Bản tính tốt đẹp vốn có của con người

Con người phải biết giữ thiên lương, ăn ở tốt lành, không làm điều trái pháp luật.

Bài tập 8 trang 8 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc lại văn bản Tê-đé (Theseus) trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 38 - 42) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 8 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Xác định thời gian, không gian và các sự kiện chính của truyện thần thoại Tê-dê.

Trả lời:

- Không gian: một thành phố phía Nam Hy Lạp, thành A – ten, trên đường về A – ten, thành A – ten.

-Thời gian: khi Tê - dê còn nhỏ, khi Tê – dê đã lớn, thành A – ten nhiều năm về trước, thành Cơ – rét, khi Tê – dê trở thành vua.

- Các sự kiện chính:

+ Tê- dê là con trai của vua Ê – giê, vua Ê – giê nói rằng khi nào chàng lớn và đủ sức mạnh thì hãy đến A – ten tìm ông.

+ Tê – dê đến được A – ten bằng đường bộ, diệt được bọn cướp và rất được lòng dân chúng. Tuy nhiên, vì chưa biết chàng là con mình nên vua Ê – giê đã nghe theo lời Mê – đê hòng đầu độc chàng. Cuối cùng, khi biết được sự thật, vua Ê – giê đã truyền ngôi cho Tê – dê.

+ Vua Mi – nô – xơ đem quân đánh chiếm A – ten vì vua Ê – giê đã hại chết con trai ông.

+ Nhờ sự giúp đỡ của A – ri – an – con vua Mi – nô – xơ, Tê – dê đã giết được con quái vật trong mê cung. Chàng thực hiện lời hứa sẽ cưới nàng và đưa nàng về A – ten. 

+ Tuy nhiên, trên đường về A – ri – an đã chết. Vì quá vui mừng với thành công hoặc có thể do quá đau buồn vì cái chết của A – ri – an, Ê – dê đã quên không căng cánh buồm màu trắng biểu thị mình vẫn còn sống lên. Tưởng con mình đã chết, vua Ê – giê đã gieo mình xuống biển.

- Tê – dê trở thành vua xứ A – ten và lập một chính quyền bình đẳng.

Câu 2 trang 8 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Trong các truyện thần thoại Hy Lạp, phẩm chất của nhân vật anh hùng thường được thể hiện khi đối mặt với thử thách:

a. Hãy nêu những thử thách mà nhân vật Tê-dê đã trải qua.

b. Việc chiến thắng các thử thách đã thể hiện những phẩm chất gì của nhân vật Tê-dê?

c. Bạn ấn tượng nhất với phẩm chất nào của nhân vật Tê-dê? Vì sao?

Trả lời:

a. Không chấp nhận con đường an nhàn, dễ dàng khi lựa chọn hành trình đầy nguy hiểm để đến A-ten (Athens),...

b. Việc chiến thắng các thử thách đã thể hiện những phẩm chất của Tê-dê: mạnh mẽ, can đảm, có khát vọng, lí tưởng của người anh hùng và bản lĩnh, trí tuệ của người lãnh đạo anh minh (lập chiến công, giúp đỡ người yếu thế, thực thi công lí, gìn giữ sự công bằng, sáng lập thể chế dân chủ,...).

c. Đây là câu hỏi mở nên bạn tự do lựa chọn phẩm chất mà mình ấn tượng nhất ở nhân vật. Cần lí giải rõ vì sao phẩm chất ấy gây ấn tượng với bạn.

Câu 3 trang 8 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Qua nhân vật Tê-dê, bạn hiểu được điều gì về quan niệm của người Hy Lạp thời cổ đại về người anh hùng?

Trả lời:

Căn cứ vào những phẩm chất của nhân vật Tê-dê để nêu quan niệm của người Hy Lạp thời cổ đại về người anh hùng: vẻ đẹp của trí tuệ anh minh, tinh thần coi trọng công lí và khát vọng tự do, dân chủ.

Câu 4 trang 8 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Chọn phân tích một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của truyện thần thoại Tê-dê.

Trả lời:

Có thể chọn phân tích một trong các yếu tố làm nên sức hấp dẫn của truyện thần thoại Tê-đê như:

- Những yếu tố tưởng tượng kì ảo li kì, hấp dẫn.

- Nhân vật vừa mang sức mạnh của thần linh, vừa mang dáng dấp của con người.

- Tình huống truyện kịch tính, bất ngờ

- Phản ánh khát vọng của người cổ đại phương Tây về con người và xã hội.

Viết trang 8

Bài tập 1 trang 8 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một nét đặc sắc nghệ thuật của chùm Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 11 - 13).

Trả lời:

* Một số ý cần có:

- Niềm tin hồn nhiên, chân thành, mãnh liệt về một thế giới mà ở đó vạn vật đều có linh hồn và có thể “giao tiếp” với con người.

- Nhu cầu nhận thức, khám phá và khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên của con người thuở sơ khai.

- Vẻ đẹp vừa gần gũi, bình dị vừa lớn lao, kì vĩ, bí ẩn của các nhân vật thần.

* Đoạn văn tham khảo:

Trong hệ thống truyện thần thoại của Việt Nam về sự sáng lập vũ trụ, truyện Thần Trụ trời được coi như truyện mở đầu, tiếp theo đó là các truyện về các thần khác như thần Mưa, thần Biển, thần Gió, thần Mặt Trời, Mặt Trăng và tiếp đến nữa là các truyện về thần sáng tạo ra muôn vật và loài người như Cuộc tu bổ các giống vật, Mười hai bà mụ. Truyện kể rằng, thời ấy chưa có sự xuất hiện của loài người và muôn vật. Trời và đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm, chưa được phân chia rõ ràng. Thần Trụ Trời đã đào đất, khiêng đá đắp thành cột để chống trời. Phân chia trời đất. Qua truyện thần thoại này, người Việt cổ muốn giải thích nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên như vì sao có trời, có đất và vì sao trời đất lại được phân đôi, vì sao mặt đất lại không bằng phẳng có chỗ lõm có chỗ lồi, vì sao có sông, núi, biển, đảo.

Bài tập 2 trang 8 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Hãy lập dàn ý cho đề bài sau: Phân tích truyện thần thoại Tê-dê trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 38 - 42).

Trả lời:

* Dàn ý tham khảo: 

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm và lí do được lựa chọn để phân tích.

Thân bài:

- Cốt truyện xoay quanh nhân vật nào, gồm những sự kiện gì?

- Chủ đề của tác phẩm là gì? Chủ đề đó có ý nghĩa như thế nào?

- Tác phẩm có những điểm đặc sắc, nổi bật gì về phương diện nghệ thuật (cốt truyện, nhân vật, tình huống, lời kể,...)?

Kết bài:

- Nêu nhận xét, đánh giá của cá nhân.

- Khẳng định giá trị, vị trí và sức sống của tác phẩm.

Nói và Nghe trang 8

Bài tập 1 trang 8 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Chuẩn bị đề cương bài nói theo đề bài của bài tập 2 ở phần Viết.

Trả lời:

Dựa vào bài viết đã được chỉnh sửa để chuẩn bị bài nói. Chú ý: chỉ chọn giữ lại những luận điểm và dẫn chứng quan trọng để đề cương bài nói ngắn gọn, có trọng tâm.

* Đề cương mẫu tham khảo: 

- Nội dung chính: Văn bản “Tê-đê” ngợi ca người anh hùng Tê-đê đã vượt qua nhiều thử thách, khó khăn bằng bản lĩnh và trí tuệ để chứng tỏ bản thân. Anh là một người dũng cảm, không thích những gì quá an toàn và nhàn nhã, là người anh hùng trừ nạn cho dân và thực hiện khát vọng của người dân. Câu chuyện còn gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về tình cha con, tình yêu thuỷ chung. 

1. Không gian, thời gian và các sự kiện chính của câu chuyện. 

- Không gian: thành A-ten, Hy Lạp

- Thời gian: thời cổ đại

- Các sự kiện chính

+ Tê-đê được sinh ra và bắt đầu hành trình đi tìm cha.

+ Tê-đê đã quét sạch mọi đầu mối đau khổ cho khách bộ hành và trở thành người anh hùng khi tới A-ten

+ Tê-đê trở thành người kế vị thành A-ten

+ Tê-đê tự nguyện trở thành một trong những nạn nhân đến Mê cung chiến đấu với con bò Mi-nô-tơ.

+ Tê-đê được cô gái A-ri-an giúp đỡ, thành công giết chết con bò và trốn khỏi Mê Cung

+ A-ri-an mất trên đường trở về, Tê-đê vì quá đau khổ mà quên căng cánh buồm trắng

+ Vua Ê-giê trông thấy cánh buồm đen biết con mình đã chết liền gieo mình từ mỏm đá cao xuống biển

+ Tê-đê trở thành vua xứ A-ten, xây dụng một thành phố hạnh phúc và thịnh vượng nhất trên Trái Đất. 

2. Những phẩm chất của nhân vật Tê-dê và quan niệm về người anh hùng của người anh hùng của người Hy lạp thời cổ đại.    

- Phẩm chất của Tê-đê:

+ Bản lĩnh, dũng cảm: muốn chứng tỏ sức mạnh, không thích những gì quá an toàn và nhàn nhã, dám chiến đấu với con bò Mi-nô-tơ

+ Trí tuệ: Tê-dê tử bỏ vương quyền và tổ chức một khối cộng đồng, lập một hội trường lớn để các công dân hội họp và biểu quyết.

+ Thuỷ chung: Tê-đê cùng A-ri-an bỏ trốn sau khi thoát khỏi mê cung và chàng đã vô cùng đau khổ trước cái chết của nàng

- Quan niệm về người anh hùng của người Hy Lạp thời cổ đại: là những con người có sức mạnh phi thường, có trí tuệ, bản lĩnh và lòng dũng cảm, có thể trừ nạn cho dân, đem đến cho dân một cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng. 

3. Các yếu tố làm nên sức hấp dẫn của truyện thần thoại tê-dê.   

- Những yếu tố tưởng tượng kì ảo li kì, hấp dẫn

- Nhân vật vừa mang sức mạnh của thần linh, vừa mang dáng dấp của con người.

- Tình huống truyện kịch tính, bất ngờ

- Phản ánh khát vọng của người cổ đại phương Tây về con người và xã hội.

Bài tập 2 trang 8 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Lập đề cương và luyện tập nói theo đề tài sau: Hãy giới thiệu nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện mà bạn yêu thích.

Trả lời:

Cần lựa chọn được tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật. Đọc kĩ hướng dẫn Chuẩn bị viết trong SGK (tr. 33) và Chuẩn bị nói (tr. 35) để soạn đề cương. Luyện tập nói theo đề cương.

VD: Giới thiệu về Chữ Người tử tù – Nguyễn Tuân.

1. Vài nét về tác giả Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ, một nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Với phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác ông đã tạo nên những tác phẩm rất có giá trị về mặt nội dung cũng như nghệ thuật và Chữ người tử tù là một tác phẩm như thế.

2. Giới thiệu về tác phẩm Chữ người tử tù

a) Xuất xứ:

Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng đăng trên tạp chí Tao đàn số 29 vào năm 1938, sau đó đã được in trong tập Vang bóng một thời và được đổi tên thành Chữ người tử tù.

b) Nội dung: trong truyện ngắn này, Nguyễn Tuân tập trung ca ngợi cái đẹp, cái tài, cái thiên lương.

- Nhân vật trung tâm mà tác giả tập trung khắc họa đó là Huấn Cao – một tử tù của triều đình nhưng đặc biệt nổi tiếng khắp vùng với biệt tài viết chữ. Đó là một con người trọng nghĩa khí, là hiện thân của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương.

- Không chỉ có nhân vật Huấn Cao mà tấm lòng trong sáng, biết thưởng thức và giữ gìn cái đẹp còn được thể ở nhân vật thầy thơ lại và viên quản ngục. Đặc biệt, tấm lòng của viên quản ngục được Nguyễn Tuân coi là “một thanh âm trong trẻo chen vào một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.”

c) Nghệ thuật: Chữ người tử tù còn đặc biệt xuất sắc bởi những giá trị nghệ thuật mà tác giả xây dựng.

- Đầu tiên phải kể đến nghệ thuật tạo tình huống truyện thật độc đáo đó là cuộc gặp gỡ chốn lao tù giữa Huấn Cao và viên quản ngục. Trên bình diện xã hội họ là kẻ thù. Còn trên bình diện nghệ thuật, họ là những tri kỉ. Tình huống truyện độc đáo đã góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật và tô đậm chủ đề của tác phẩm.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng hết sức đặc sắc. Nhân vật được xây dựng từ cái nhìn tài hoa của người nghệ sĩ với bút pháp lãng mạn, đặt nhân vật trong mối liên hệ tương phản và cách miêu tả gián tiếp.

- Nghệ thuật tạo dựng cảnh cho chữ. Tác giả đã sử dụng triệt để thủ pháp đối lập để miêu tả cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có”, qua đó góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật. Nguyễn Tuân còn đặc biệt cho thấy mình là bậc thầy trong sử dụng ngôn ngữ với việc sử dụng một loạt các từ Hán Việt rất đắt giá tạo nên màu sắc lịch sử, cổ kính và bi tráng.

3. Tổng kết 

Truyện ngắn Chữ người tử tù là một tác phẩm xuất sắc cho thấy tài năng nghệ thuật tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân.

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 1: Sức hấp dẫn của truyện kể

Bài 2: Vẻ đẹp của thơ ca

Bài 3: Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận

Bài 4: Sức sống của sử thi

Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian

Đánh giá

0

0 đánh giá