Sách bài tập Ngữ Văn 10 Bài 9: Khát vọng độc lập và tự do | Chân trời sáng tạo

2.8 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 9: Khát vọng độc lập và tự do sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 9: Khát vọng độc lập và tự do

  • I. Đọc (trang 58, 59, 60 SBT Ngữ Văn lớp 10)

  • Bài tập trang 58 Tập 2 Chân trời sáng tạo:Đọc văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi:

    Chiếu cầu hiền

    Ngô thì Nhậm

    Bối cảnh ra đời của bài Chiếu cầu hiền

    Khi thành lập nhà nước Tây Sơn, có một nhiệm vụ mang tầm quan trọng chiến lược đối với vua Quang Trung là thuyết phục trí thức Bắc Hà hiểu đúng những nhiệm vụ xây dựng đất nước mà triều đại Tây Sơn dự kiến thực hiện, để họ cộng tác, cống hiến cho triều đại mới.

    Sở dĩ kẻ sĩ Bắc Hà còn ở ẩn, chưa muốn cộng tác với triều đại mới là bởi hai lí do. Thứ nhất, trong bối cảnh xã hội loạn lạc, vua Lê chúa Trịnh mâu thuẫn, kẻ sĩ rơi vào cảnh lúng túng, chán nản, bi quan. Nhiều người không muốn tham gia chính sự vì sợ liên lụy hoặc muốn bảo toàn nhân cách nhà nho, “tôi trung không thờ hai chỉ”. Thứ hai, bên cạnh những nhà nho sáng suốt ủng hộ nhà Tây Sơn, vẫn còn nhiều nhà nho bảo thủ đã bất hợp tác, thậm chí chống lại nhà Tây Sơn.

     

    Từng nghe nói rằng: Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên cao. Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy.

    Trước đây, thời thế suy vi, Trung châu gặp nhiều biến cố, kẻ sĩ phải ở ẩn trong ngòi khe, trốn tránh việc đời, những bậc tinh anh trong triều đường phải kiêng dè không dám lên tiếng. Cũng có kẻ gõ mõ canh cửa, cũng có kẻ ra biển vào sông, chết đuối trên cạn mà không biết, dường như muốn lẩn tránh suốt đời.

    Nay trẫm ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi, nhưng những người học rộng tài cao chưa thấy có ai tìm đến. Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?

    Kì như, trời còn tăm tối, thì đấng quân tử phải trổ tài. Nay đương ở buổi đầu của nền đại định, công việc mới mở ra. Kỉ cương nơi triều chính còn nhiều khuyết điểm, công việc ngoài biên đương phải lo toan. Dân còn nhọc mệt chưa lại sức, mà đức hóa của trẫm chưa kịp thấm nhuần khắp nơi. Trẫm nơm nớp lo lắng, ngày một ngày hai vạn việc nảy sinh. Nghĩ cho kĩ thì thấy rằng: Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình. Suy đi tính lại trong vòm trời này, cứ cái ấp mười nhà ắt phải có người trung thành tín nghĩa. Huống nay trên dải đất văn hiến rộng lớn thế này, há trong đó lại không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao?

    Chiếu này ban xuống, các bậc quan viên lớn nhỏ, cùng với thứ dân trăm họ, người nào có tài năng học thuật, mưu hay hơn đời, cho phép được dâng sớ tâu bày sự việc. Lời nói nào có thể chọn dùng được, thì cất nhắc không kể thứ bậc; chỗ nào không dùng được thì gác lại, không vì lời nói sơ suất vu khoát mà bắt tội. Còn người có nghề hay nghiệp giỏi, có thể cống hiến cho đời, thì cho phép các quan văn võ được tiến cử, nhưng vẫn dẫn vào đợi ra mắt, tùy tài lục dụng . Hoặc người nào từ trước đến nay tài năng còn bị che kín, chưa được người đời biết đến, thì cũng cho phép dâng sớ tự tiến cử, chớ hiềm vì mưu lợi mà phải bán rao.

    Này! Trong khoảng trời đất, hiền tài còn ẩn náu, trước đây thì nên như thế. Nay trời trong sáng, đất thanh bình, chính là lúc người hiền gặp hội gió mây, những ai có tài đức hãy cùng cố gắng lên, khi tên tại triều đình, cùng nhau cung kính, cùng nhau hưởng phúc lành tôn vinh.

    Vậy bố cáo gần xa để mọi người đều biết.

    (Theo Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập II, NXB Khoa học Xã Hội, Hà Nội, 2004)

    Câu 1 trang 60 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Vẽ sơ đồ thể hiện luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản. Văn bản Chiếu cầu hiền được viết ra để làm gì? Xác định quan điểm của Ngô Thì Nhậm trong bài chiếu.

    Trả lời:

    Vẽ sơ đồ thể hiện luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản

    - Chiếu cầu hiền được viết ra nhằm mục đích thuyết phục sĩ phu Bắc Hà tin vào những dự định xây dựng đất nước của vua Quang Trung, từ đó hợp tác, phục vụ cho triều đình mới.

    - Quan điểm của Ngô Thì Nhậm trong bài chiếu: Bối cảnh lúc bấy giờ đã khác, đất nước nhân dân đang cần, người hiền tài nên ra sức cống hiến để giúp vua trị nước cứu đời.

    Câu 2 trang 60 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Bạn hãy tìm hiểu quan niệm của người xưa về vai trò, trách nhiệm của kẻ sĩ với vua, với đất nước. Từ đó, bạn hãy lí giải nguyên nhân Ngô Thì Nhậm triển khai luận điểm đầu tiên trong bài chiếu.

    Trả lời:

    - Quan niệm của người xưa về vai trò, trách nhiệm của kẻ sĩ với vua, với nước: Trách nhiệm thiêng liêng của kẻ sĩ (người trí thức theo Nho học) đó là gánh vác đất nước, non sông, giúp vua “kinh bang tế thế” để trả món nợ công danh, thực hiện lí tưởng của chí nam nhi trong xã hội. Đã là kẻ sĩ xuất thân từ chốn cửa Khổng sân Trình thì không thể khước từ trách nhiệm lớn lao, cao cả ấy.

    - Ngô Thì Nhậm triển khai luận điểm đầu tiên trong bài chiếu là để nhắc nhở kẻ sĩ Bắc Hà về trách nhiệm của hiền tài với vua, với nước, từ đó gọi thức tinh thần trách nhiệm để thuyết phục họ giúp vua, giúp nước.

    Câu 3 trang 60 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Theo bạn, trình tự các luận điểm trong bài Chiếu cầu hiền có thay đổi được hay không? Từ đó, hãy nhận xét về cách sắp xếp các luận điểm của tác giả.

    Trả lời:

    - Trình tự các luận điểm trong bài Chiếu cầu hiền không thể thay đổi được, bởi vì luận điểm trước chính là cơ sở, nền tảng lập luận cho luận điểm sau. Cụ thể: Luận điểm 1 nêu lên cơ sở về tư tưởng, có tác dụng gọi thức tinh thần trách nhiệm của hiền tài với vua, với đất nước. Đó là nền tảng để triển khai luận điểm 2. Trình bày những cơ sở thực tiễn, giúp hiền tài nhận ra tình hình hiện tại của đất nước để quyết tâm cống hiến, hoặc không còn tâm lí e ngại. Từ luận điểm 1 và luận điểm 2, tác giả mới có thể thuận lời trình bày luận điểm 3 nêu rõ đường lối cầu hiền của vua Quang Trung.

    - Như vậy, cách sắp xếp luận điểm của bài Chiếu cầu hiền rất hợp lí, thuyết phục. Cách sắp xếp của bài chiếu đi từ cơ sở tư tưởng đến cơ sở thực tiễn, đến lời kêu gọi, vừa tác động vào nhận thức, vừa tác động vào tình cảm để thuyết phục hiền tài ra giúp nước.

    Câu 4 trang 60 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Xác định một số yếu tố biểu cảm trong bài Chiếu cầu hiền và nêu tác dụng của các yếu tố biểu cảm ấy.

    Trả lời:

    - Một số yếu tố biểu cảm trong văn bản: hình ảnh so sánh (người hiền như sao sáng trên cao); cấu trúc điệp, liệt kê; câu hỏi tu từ, các từ chỉ cảm xúc, giọng điệu chân thành, tha thiết; lời đối thoại với người đọc; …

    - Tác dụng của các yếu tố biểu cảm: cho thấy tình cảm của nhân vật “trẫm” (trân trọng người tài, lo nghĩ cho tình hình đất nước, tha thiết kêu gọi người tài ra giúp nước). Từ đó, tác động vào tình cảm của người đọc, giúp thực hiện mục đích của văn bản là thuyết phục người tài ra giúp nước.

    Câu 5 trang 60 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Từ bài Chiếu cầu hiền, bạn có suy nghĩ gì về vai trò của hiền tài trong xã hội xưa và nay? Hãy nêu một số ví dụ về người hiền tài có đóng góp, cống hiến cho xã hội mà bạn ấn tượng sâu sắc.

    Trả lời:

    - Theo em, dù ở thời xưa hay trong xã hội hiện đại ngày nay thì “hiền tài” những người vừa tài năng vừa có trái tim cao thượng vẫn luôn là những con người quan trọng và tạo nên những giá trị tích cực cho đất nước, giúp cho đất nước ngày càng phồn thịnh, phát triển hơn.

    - Một số tấm gương về những người hiền tài mà em ấn tượng đó là: Chủ tịch Hồ Chú Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Ngô Bảo Châu,

  • II. Tiếng Việt (trang 60, 61, 62 SBT Ngữ Văn lớp 10)

  • Câu 1 trang 60, 61 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chỉ ra và nêu cách sửa lỗi không tách đoạn và lỗi tách đoạn tùy tiện trong các trường hợp dưới đây:

    a. Bài thơ mở đầu bằng một câu thơ ngắn với bốn tiếng:

    Bầu trời cảnh Bụt

    Toàn bài đều viết bằng những câu dài với 7 hoặc 8 tiếng, duy chỉ có câu đầu này là ngắn đặc biệt nhưng cái hình thức kia đâu phải ngẫu nhiên.

    Câu thơ vẽ không gian, một không gian kì ảo và thơ mộng. Câu thơ như tiếng reo khe khẽ: Đây là cảnh Bụt. Nó không phải Tây Trúc nhưng cảnh sắc dưới bầu trời nơi đây đều thuộc về cõi Bụt.

    b. Tất cả hình ảnh, âm thanh và màu sắc trong đoạn thơ này đều nhằm nói lên sự khác biệt của màu thu nay.

    Hình ảnh tươi mát, sống động: gió thổi rừng tre phấp phới; âm thanh rộn rã: nói cười thiết tha; còn màu sắc thì trong biếc. Cái buồn, cái lạnh của “những ngày thu đã xa” giờ không còn nữa. Chính niềm vui trong đôi mắt thi sĩ đã làm nên vẻ đẹp sáng trong của mùa thu nay. Nguyên nhân của niềm vui ấy thật to lớn, sâu xa. Đó là nước nhà đã được độc lập, nhân dân ta đã là chủ nhân của đất nước. Nhà thơ muốn reo lên cùng niềm hạnh phúc tột cùng:

    Trời xanh đây là của chúng ta

    Núi rừng đây là của chúng ta

    Những cánh đồng thơm mát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa

    c. Chí Phèo là người nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh hóa. Chí vốn là người nông dân hiền lành như đất, biết tự trọng, biết khinh cái đáng khinh, có một ước mơ về mái ấm gia đình thật bình dị.

    Thế nhưng, xã hội cũ đã khiến cho Chí không được sống đúng như bản chất, như điều mình mong muốn. Bị Bá Kiến lợi dụng, Chí Phèo đã trở thành công cụ lợi hại của giai cấp thống trị. Chí Phèo sống bằng nghề rạch mặt ăn vạ, cướp giật, bán rẻ cả nhân hình lẫn nhân tính.

    Trả lời:

    a. Đoạn trích mắc lỗi tách đoạn tùy tiện vì đã tách đoạn khi chưa phân tích hết ý câu thơ Bầu trời cảnh Bụt.

    Cách sửa: Không tách đoạn ngay sau câu “Toàn bài … ngẫu nhiên”.

    b. Đoạn trích mắc lỗi tách đoạn tùy tiện và không tách đoạn. Người viết muốn đề cập đến hai ý: (1) “sự khác biệt của mùa thu nay so với mùa thu đã xa” và (2) “niềm vui của nhà thơ, nguyên nhân làm nên vẻ đẹp sáng trong của mùa thu nay”. Tuy nhiên, tỏng ngữ liệu đã cho, đoạn thứ nhất chưa triển khai xong ý thứ nhất, đoạn thứ hai lại bao gồm một phần ý thứ nhất và cả ý thứ hai.

    Cách sửa:

    Tất cả hình ảnh, âm thanh và màu sắc trong đoạn thơ này đều nhằm nói lên sự khác biệt của mùa thu nay. Hình ảnh tươi mát, sống động: gió thổi rừng tre phấp phới; âm thanh rộn rã: nói cười thiết tha; còn màu sắc thì trong biếc. Cái buồn, cái lạnh của “những ngày thu đã xa” giờ không còn nữa.

    Chính niềm vui trong đôi mắt thi sĩ đã làm nên vẻ đẹp sáng trong của mùa thu nay. Nguyên nhân của niềm vui ấy thật to lớn, sâu xa. Đó là nước nhà đã được độc lập, nhân dân ta đã là chủ nhân của đất nước. Nhà thơ muốn reo lên cùng niềm hạnh phúc tột cùng:

    Trời xanh đây là của chúng ta

    Núi rừng đây là của chúng ta

    Những cánh đồng thơm mát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa

    c. Đoạn trích mắc lỗi tách đoạn tùy tiện vì đã tách đoạn khi chưa phân tích hết ý thứ nhất “Chí Phèo là người nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh hóa”.

    Cách sửa: Không tách đoạn ngay sau câu “Chí vốn là … bình dị”.

    Câu 2 trang 61, 62 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chỉ ra lỗi về mạch lạc trong trường hợp dưới đây và nêu cách sửa:

    Chỉ qua mấy đoạn thơ tiêu biểu trong Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Tây Tiến (Quang Dũng), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm), ta có thể thấy đất nước hiện lên với nhiều vẻ đẹp sinh động. Trước hết. đó là vẻ đẹp của thiên nhiên. Đó là cảnh vật vùng xuôi với “những cánh đồng thơm mát”, “những ngả đường bát ngát”, “những dòng sông đỏ nặng phù sa”, đó là những mùi hương “lúa nếp thơm nồng”, “gió thổi mùa thu hương cốm mới” – hương thơm của mùa thu – mùa đẹp nhất trong năm. Đó còn là phong cảnh đặc trưng của miền ngược từ “rừng tre phấp phới” đến những con thuyền “độc mộc” trên cái nền hoang dã, dữ dội của “thác lũ” tương phản với vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển của “hoa đong đưa”. Còn những con người trên đất nước này thì sao?

    Thơ ca còn làm chứng nhân ghi nhận cả những trang quá khứ đau thương và anh hùng ca của lịch sử dân tộc. Đây là thảm trạng do quân cướp nước gây ra:

    Ruộng ta khô, nhà ta cháy

    Chó ngộ một đàn

    Lưỡi dài lê sắc máu

    Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang

    (Bên kia sông Đuống)

    Và nỗi đau chia cắt hạnh phúc do chiến tranh vô cùng đau đớn:

    Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi vọng phu

    (Mặt đường khát vọng)

    Còn đây là dấu tích chiến công cứu nước anh hùng:

    Gót ngựa của Thánh Gióng đi qia còn trăm ao đầm để lại

    (Mặt đường khát vọng)

    Hay lời nhắn gửi âm thầm nhưng sâu thấm của truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam

    Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

    Những buổi ngày xưa vọng nói về

    Trả lời:

    Văn bản mắc lỗi lạc chủ đề vì hai đoạn văn không tập trung vào cùng một chủ đề: đoạn (1) trình bày vẻ đẹp của thiên nhiên thông qua một số đoạn thơ và viết câu chuyển đoạn đặt ra vấn đề tìm hiểu về con người của đất nước thế nhưng đoạn (2) lại triển khai ý về quá khứ đau thương và anh hùng của lịch sử dân tộc.

    Cách sửa: Viết lại nội dung đoạn (2) cho phù hợp với ý đã giới thiệu trong câu chuyển đoạn ở cuối đoạn (1).

    Gợi ý viết lại đoạn (2):

    Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước còn thấm đẫm vẻ đẹp của những con người tuy vất vả, khổ đau nhưng tình cảm đậm đà, yêu thương gắn bó:

    Đất là nơi anh đến trường

    Nước là nơi em tắm

    Đất Nước là nơi ta hò hẹn

    Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

    (Mặt đường khát vọng)

    Và nồng nàn biết bao tình quân dân gắn bó:

    Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

    (Tây tiến)

    Câu thơ dường như không chỉ thoảng mùi xôi nếp mà còn ngát hương thơm của tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

  • III. Viết (trang 62, 63 SBT Ngữ Văn lớp 10)

  • Câu 1 trang 62 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2:Trình bày khái niệm và yêu cầu đối với bài luận về bản thân.

    Trả lời:

    * Khái niệm: Bài luận về bản thân là kiểu bài người viết sử dụng lí lẽ và bằng chứng để trình bày những đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của mình (tính cách, đam mê, quan điểm sống,… nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn về mình, đồng tình với hành động, giải pháp của mình.

    * Yêu cầu

    - Xác định rõ luận đề của bài viết.

    - Thể hiện được cá tính, thiên hướng, lựa chọn, niềm tin, quan điểm riêng của bản thân.

    - Sử dụng bằng chứng là những sự kiện, kinh nghiệm mà người viết đã thực sự trải qua.

    - Có giọng điệu riêng, thể hiện cảm xúc chân thành của người viết, thuyết phục, truyền cảm hứng và gợi suy ngẩm cho bạn đọc

    Câu 2 trang 62 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Một bài luận về bản thân thường có bố cục như thế nào?

    Trả lời:

    - Mở bài: Giới thiệu đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của bản thân.

    - Thân bài: Giới thiệu khái quát thông tin về bản thân; phân tích các đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của bản thân, đưa ra những bằng chứng để làm rõ cho những đặc điểm ấy. Các ý được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

    - Kết bài: Khẳng định lại các đặc điểm của bản thân, nêu một thông điệp có ý nghĩa

    Câu 3 trang 62 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Trình bày ngắn gọn các bước thực hiện bài luận dựa vào bảng sau:

    Bước

    Thao tác cần làm

    Lưu ý

    Bước 1: Chuẩn bị viết

     

     

    Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

     

     

    Bước 3: Viết bài

     

     

    Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

     

     

    Trả lời:

    Bước

    Thao tác cần làm

    Lưu ý

    Bước 1: Chuẩn bị viết

    Xác định đề tài:

    Xác định đặc điểm nổi bật của bản thân dựa vào những quan sát, ghi chép, nhận thức về chính mình, dựa vào ý kiến của những người xung quanh.

    Xác định mục đích viết và người đọc:

    Bằng cách trả lời câu hỏi “Bạn viết bài này nhằm mục đích gì?”, “Người đọc bài viết có thể là ai?”

    Thu thập tư liệu:

    Thu thập tư liệu về bản thân và tư liệu về người đọc, môi trường, vị trí muốn ứng tuyển.

    - Có thể phác thảo các từ khóa thể hiện đặc điểm của bản thân; thực hiện ghi lại ý kiến của người khác về bản thân dựa vào bảng trong SGK.

    - Có thể tìm thông tin trên trang web của đơn vị, tổ chức hoặc liên hệ trực tiếp để có thông tin cụ thể.

    Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

    Tìm ý:

    Từ các đặc điểm của bản thân, tìm ý để phân tích các bằng chứng để làm sáng tỏ các đặc điểm ấy.

    Lập dàn ý:

    Sắp xếp các ý đã tìm được theo một trình tự hợp lí.

    Thực hiện theo sơ đồ trong SGK.

    Bước 3: Viết bài

    Thực hiện viết bài luận từ dàn ý đã lập.

    - Giọng điệu chân thành, ngôn ngữ chuẩn mực.

    - Đảm bảo tính xác thực, tin cậy của bằng chứng

    - Gắn kết thông tin cá nhân với trải nghiệm, câu chuyện của bản thân.

    - Sử dụng các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ hỗ trợ.

    Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

    - Xem lại và chỉnh sửa bài luận về bản thân.

    - Ghi lại những kinh nghiệm bản thân rút ra sau khi viết bài luận.

    Thực hiện dựa vào bảng kiểm Kĩ năng viết bài luận về bản thân trong SGK Ngữ văn 10, tập 2, tr.109.

    Câu 4 trang 63 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Cho đề bài sau:

    Đề bài: Sắp tới, trường bạn có chương trình giao lưu quốc tế, sẽ tiếp đón một đoàn học sinh từ các nước đến thăm trường. Nhà trường cần tuyển tình nguyện viên để giao lưu với các bạn học sinh quốc tế, hướng dẫn các bạn tham quan trường, cùng tham gia các hoạt động đội nhóm trong buổi giao lưu. Bạn hãy viết một bài luận về bản thân để ứng tuyển vào vị trí tình nguyện viên cho chương trình.

    a. Em hãy lập dàn ý cho đề bài trên.

    b. Hãy viết phần ở đầu cho bài luận để giới thiệu bản thân một cách ấn tượng.

    Trả lời:

    a. Lập dàn ý:

    - Mở bài:

    + Giới thiệu mục đích viết bài luận

    - Thân bài:

    + Giới thiệu về tên, tuổi, những thông tin cơ bản về bản thân mình

    + Trình bày một số những năng lực nổi bật của bản thân: Tự tin, giao tiếp tốt, có thể giao tiếp Tiếng Anh sơ đẳng

    + Mong muốn được giao lưu, kết bạn

    + Muốn được làm những công việc tình nguyện để mở rộng vốn kiến thức.

    - Kết bài: Nhấn mạnh lại vấn đề

    b. Bài làm tham khảo

    Xin chào các thầy cô, em tên là Nguyễn Ngọc Nga, là học sinh lớp 9C, trường Trung học cơ sở Hồng Bảng. Khi được tin nhà trường cần tuyển tình nguyện viên để giao lưu với các bạn học sinh quốc tế, hướng dẫn các bạn tham quan trường, cùng tham gia các hoạt động đội nhóm trong buổi giao lưu, em đã rất vui mừng và phấn khởi, em rất muốn mình sẽ được là một trong những tình nguyện viên giúp đỡ các bạn học sinh quốc tế khi sang thăm trường. Bản thân em là người khá tự tin trong giao tiếp, thận thiện cởi mở và hòa đồng với các bạn trong lớp. Trong cuộc thi Em yêu ngoại ngữ do trường tổ chức, em đã đạt giải Bạc môn Tiếng Anh. Bản thân em cũng là người vui vẻ và rất muốn được giao lưu kết bạn hơn cả em muốn mình sẽ là một phần nhỏ, đóng góp công sức của mình giúp đỡ nhà trường trong sự kiện sắp tới. Vì vậy em rất mong sẽ có được cơ hội này để cố gắng phát huy và trau dồi bản thân. Em xin trân thành cảm ơn!

  • IV. Nói và nghe (trang 63 SBT Ngữ Văn lớp 10)

  • Câu hỏi trang 63 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc đề bài dưới đây:

    Đề bài: Nhằm chào mừng Tháng Thanh niên, Đoàn Thanh niên trường bạn tổ chức cuộc thi thuyết tình “Học sinh và vấn đề bảo vệ môi trường trong nhà trường” với yêu cầu bài thuyết trình có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.

    Bạn hãy:

    a. Xác định đề tài, mục đích, người nghe, không gian và thời gian thuyết trình. Có thể lựa chọn một trong những vấn đề sau:

    (1) Biện pháp phòng, chống rác thải nhựa trong trường học.

    (2) Làm thế nào để tái chế rác thải hữu cơ?

    (3) Dự án cải tạo cảnh quan trường học xanh – sạch – đẹp.

    b. Tìm ý và lập dàn ý cho bài thuyết trình về vấn đề đã chọn.

    c. Tự luyện tập và trình bày bài thuyết trình theo dàn ý đã chuẩn bị. Sau đó, sử dụng bảng kiểm để tự đánh giá kĩ năng thuyết trình thông qua phần luyện tập.

    d. Lập danh sách các câu hỏi và những phản hồi mà bạn dự kiến người nghe sẽ đưa ra để chuẩn bị nội dung trao đổi.

    Trả lời:

    a. Gợi ý lựa chọn vấn đề (1)

    - Đề tài thuyết trình: Biện pháp phòng, chống rác thải nhựa trong nhà trường.

    - Mục đích nói: thuyết phục người nghe đồng tình, ủng hộ với các giải pháp mà bản thân nêu ra để phòng, chống rác nhựa trong nhà trường.

    - Người nghe: ban giám khảo cuộc thi thuyết trình, thầy cô, bạn bè, …

    - Không gian thuyết trình: hội trường hoặc sân trường.

    - Thời gian thuyết trình: tùy theo quy định của cuộc thi.

    b. Tìm ý và lập dàn ý

    để thu thập thông tin về vấn đề đã chọn, bạn cần vận dụng những hiểu biết, trải nghiệm của bạn về các biện pháp phòng, chống rác thải nhựa. Bạn có thể tìm ý bằng cách tự trả lời những câu hỏi sau:

    - Tôi đã biết những biện pháp phòng, chống rác thải nhựa nào?

    - Mỗi biện pháp khi đưa vào thực tế bộc lộ những ưu và nhược điểm gì?

    - Hiện nay, biện pháp nào là hiệu quả nhất khi áp dụng vào trường học?

    - Tôi có cách nào cải tiến những biện pháp đã có không?

    - Thực trạng rác thải nhựa ở trường tôi hiện nay như thế nào? Tôi nên đề xuất biện pháp nào để phù hợp với thực trạng?

    Ngoài ra, bạn cũng có thể thu thập thông tin từ các nguồn khác như: sách, báo, các bài viết và dự án bảo vệ môi trường đã được đăng tải trên Internet; phỏng vấn những cá nhân, tổ chức đã thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rác thải nhựa, … Bạn cũng có thể tham khảo những đoạn video clip của Việt Nam và nước ngoài về những giải pháp phòng, chống rác thải nhựa đã và đang thực hiện để học hỏi kinh nghiệm.

    Sau khi tìm ý, bạn cần lập dàn ý. Việc phác thảo dàn ý chi tiết có thể dựa vào một số câu hỏi sau:

    - Biện pháp mà tôi đề xuất để giải quyết vấn đề phòng, chống rác thải nhựa trong nhà trường là gì?/ Tôi đưa ra những biện pháp nào để phòng, chống rác thải nhựa trong nhà trường?

    - Những lí lẽ nào cần có để làm rõ cho những biện pháp mà tôi đề xuất?

    - Những bằng chứng nào sẽ củng cố cho quan điểm của tôi?

    - Có thể có những quan điểm nào trái ngược với quan điểm của tôi? Tôi cần trao đổi lại như thế nào?

    - Thông điệp/ lời kêu gọi hành động chính mà tôi muốn gửi đến người nghe qua bài thuyết trình là gì?

    Bạn có thể lập dàn ý bằng cách điền vào bảng sau:

    1. Mở đầu

    - Giới thiệu vấn đề thuyết trình: …………………………………….

    - Cung cấp kiến thức nền hoặc những thông tin giả thiết cần thiết về vấn đề:

    ……………………………………………………………………….

    - Chỉ ra những biện pháp phòng, chống rác thải nhựa trong trường học:

    …………………………………………………………………….

    ……………………………………………………………………,

    2. Nội dung chính

    - Biện pháp thứ nhất: ………………

    - Lí lẽ và bằng chứng: ……………..

    - Biện pháp thứ hai: ………………

    - Lí lẽ và bằng chứng: ……………..

    - Biện pháp thứ ba: ………………

    - Lí lẽ và bằng chứng: ……………..

    - Những ý kiến phản bác người nghe có thể nêu:

    ………………………………………..

    - Cách trao đổi lại:

    ……………………………………

    3. Kết thúc

    - Tóm tắt lại các giải pháp phòng, chống rác thải nhựa trong nhà trường đã trình bày.

    - Đưa ra lời kêu gọi hành động.

    c. Xem lại phần hướng dẫn trình bày bài nói và sử dụng bảng kiểm (bài 9) để tự đánh giá kĩ năng thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ với các phương tiện phi ngôn ngữ.

    Khi luyện tập, cần chú ý:

    - Lựa chọn sử dụng một số phương tiện phi ngôn ngữ để tăng hiệu quả biểu đạt như: hình ảnh, sơ đồ, đoạn clip, … để minh họa cho các biện pháp đã đề xuất.

    - Chuẩn bị trước những câu chào hỏi và cảm ơn sau khi thuyết trình.

    - Luyện tập trả lời trôi chảy một số vấn đề mà người nghe có thể nêu ra.

    d. Nếu bạn chọn vấn đề (1), người nghe có thể nêu những câu hỏi sau:

    - Vì sao bạn cho rằng các biện pháp mà mình đưa ra có tính hiệu quả và khả thi?

    - Để các biện pháp có thể áp dụng hiệu quả tại nhà trường, theo bạn, cần có những nguồn lực hỗ trợ nào?

    - Bạn sẽ làm gì để hỗ trợ cho việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rác thải nhựa này tại nhà trường?

    - Theo bạn, nếu các biện pháp được thực hiện hiệu quả thì sẽ mang lại lợi ích gì cho môi trường của nhà trường?

    Bạn nên lưu ý những điều sau về việc trả lời câu hỏi của người nghe:

    - Bạn cần phác thảo câu trả lời ngắn gọn nhưng cụ thể cho các câu hỏi liên quan đến bài thuyết trình của mình.

    - Về nội dung các câu trả lời, bạn lưu ý cần phân loại câu hỏi để có phương án trả lời sao cho phù hợp.

    + Đối với những câu hỏi về những gì bạn đã trình bày, bạn chỉ cần nhắc lại ngắn gọn nội dung và nhấn mạnh thêm những gì quan trọng.

    + Đối với những câu hỏi hơi xa vấn đề, bạn nên trả lời ngắn gọn, lịch sự, nhiệt thành. Bạn có thể chọn một khía cạnh của câu hỏi có liên quan trực tiếp đến vấn đề để trả lời nhằm thảo mãn phần nào băn khoăn của người hỏi.

  • Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
  • Bài 5: Nghệ thuật truyền thống

    Bài 6: Nâng niu kỉ niệm

    Bài 7: Anh hùng và nghệ sĩ

    Bài 8: Đất nước và con người

    Bài 9: Khát vọng độc lập và tự do

Đánh giá

0

0 đánh giá