Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới: Đừng sợ thất bại

9.4 K

Với giải Câu 5 trang 6 SBT Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo chi tiết trong Bài 6: Hành trình tri thức giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập SBT Ngữ văn 7. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ văn 7 Bài 6: Hành trình tri thức

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Đừng sợ thất bại

Theo Kim Thị Mùa Đông

Nếu ta muốn sống một cuộc đời mà không phạm sai lầm nào, làm gì được nấy thì hoặc là ta ảo tưởng hoặc là ta hèn nhát trước cuộc đời. Bởi cuộc đời giống như một con đường không phải lúc nào cũng tràn ngập hoa thơm và ánh nắng, sẽ có những đoạn đường đầy gai góc, đầy mưa và bão tố. Những lúc như thế, ta có thể ngã khụy xuống nhưng ta không thể đầu hàng, tuyệt vọng, bởi đó không phải là con đường cùng, thất bại không phải là ta vô dụng, ngu ngốc mà chỉ là thành công bị trì hoãn mà thôi. Có thể nói, dám đối mặt và đứng lên từ thất bại là một bài học quan trọng cho chúng ta trên đường đời.

Thất bại là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, quan trọng là ta phải biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, đối diện với sự thật và rút ra những bài học kinh nghiệm. Do vậy, đừng vì thất bại mà nản chí, mất niềm tin vào bản thân mình và cuộc sống, hãy biến thất bại thành bàn đạp vươn lên đến thành công.

Lu-y Pát-xơ-tơ (Louise Pasteur) – nhà khoa học nổi tiếng thế giới, người có công vĩ đại trong việc tìm ra vắc xin (vaccine) phòng dại đã từng chỉ là sinh viên bình thường trong số những sinh viên chưa tốt nghiệp, từng xếp hạng 15/22 ở môn Hóa. Ông cũng phải nếm mùi thất bại và khó khăn khi công bố phát minh của mình về sự tiệt trùng. Người đương thời không công nhận ông. Nhưng điều kì diệu là ông luôn có niềm tin mãnh liệt vào bản thân mình và sự đúng đắn của khoa học, luôn rút ra kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại. Sự kiên nhẫn và niềm tin ấy đã làm cho tên tuổi của ông tỏa sáng mãi trong lịch sử văn minh nhân loại.

Bạn biết không? “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy” (Nguyễn Khải). Vậy thì hãy dũng cảm lên bạn ơi! Đừng bao giờ nghĩ là ta đã thất bại mà đó chỉ là một bước lùi cho ba bước tiến và hãy học cách đứng dậy sau khi vấp ngã. Có gì đâu khi “thất bại là mẹ thành công” và nếu không có mùa đông thì mùa xuân đã không dễ chịu đến thế; nếu đôi khi chúng ta không nếm trải khó khăn thì không thể cảm nhận vị của thành công lại ngọt ngào đến thế.

(In trong Tuyển tập đề bài văn nghị luận xã hội, tập một,

NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2014)

a. Văn bản trên được viết ra nhằm mục đích gì?

b. Vẽ sơ đồ thể hiện ý kiến, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản.

c. Em có nhận xét gì về bằng chứng tác giả nêu ra tring văn bản? Việc đưa bằng chứng như vậy có tác dụng gì trong việc thực hiện mục đích văn bản?

d. Chỉ ra các đặc điểm của văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống thể hiện trong Đừng sợ thất bại.

đ. Tại sao tác giả cho rằng thất bại là “một bước lùi cho ba bước tiến”?

e. Theo em, việc học hỏi từ thất bại sẽ mang đến cho chúng ta lợi ích gì?

Trả lời:

a. Văn bản được viết ra nhằm mục đích thuyết phục người đọc về việc đối mặt và vượt qua thất bại.

b. Vẽ sơ đồ dàn ý dựa trên những nội dung sau:

- Ý kiến: dám đối mặt và đứng lên từ thất bại là một bài học quan trọng cho chúng ta trên đường đời.

- Lí lẽ: thất bại là điều khó tránh, nhưng nếu đối diện với thất bại ta sẽ có được kinh nghiệm và vươn đến thành công.

- Bằng chứng: Lu-y Pát-xơ-tơ, thất bại nhiều lần những vẫn giữ niềm tin vào khoa học, rút kinh nghiệm và kiên trì, nhờ đó thành công.

c.

- Bằng chứng tác giả nêu ra là một nhân vật nổi tiếng, có nhiều đóng góp, được nhiều người biết đến và thừa nhận, đồng thời cũng là một tấm gương sáng cho việc vươn lên từ thất bại.

- Việc chọn bằng chứng như vậy làm tăng sức thuyết phục cho văn bản, giúp người đọc thêm tin vào bài học vượt lên thất bại.

d. Có thể chỉ ra một số đặc điểm như: thể hiện rõ ràng ý kiến của người viết về vấn đề, có lí lẽ và bằng chứng thuyết phục, lí lẽ và bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

đ/ Tác giả cho rằng thất bại là “một bước lùi cho ba bước tiến” bởi vì nếu ta dám đối mặt và học hỏi từ thất bại, thì đó chỉ là một “thành công bị trì hoãn” cho ta nhiều kinh nghiệm, từ đó làm nên những thành công lớn lao hơn trong tương lai.

e. Hãy liên hệ với trải nghiệm thực tế của bản thân để trả lời. Có thể nêu một số ý như: học hỏi từ thất bại cho ta kinh nghiệm sống; giúp ta rèn luyện bản lĩnh sống để trưởng thành, cứng cỏi hơn; giúp ta khám phá những tiềm năng của bản thân; giúp ta thấu hiểu những người xung quanh, …

Đánh giá

0

0 đánh giá