Vở bài tập Sinh học lớp 9 Bài 23: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể | Giải VBT Sinh học lớp 9

2.2 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải vở bài tập Sinh học lớp 9 Bài 23: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể trang 51, 52 chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong VBT Sinh học 9. Mời các bạn đón xem:

Vở bài tập Sinh học lớp 9 Bài 23: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể

I - Bài tập nhận thức kiến thức mới

Bài tập 1 trang 51 Vở bài tập Sinh học 9: Quan sát hình 23.1 SGK và cho biết: quả của 12 kiểu cây dị bội (2n+1) khác nhau về kích thước, hình dạng và khác với quả ở cây lưỡng bội bình thường như thế nào?

Trả lời:

Sai khác của 12 kiểu cây dị bội so với cây lưỡng bội:

+ Về kích thước: so với quả ở cây lưỡng bội, các quả ở cây dị bội II, III, VI, IX có kích thước lớn hơn, các quả ở cây dị bội IV, V, VII, VIII, X, XI, XII có kích thước nhỏ hơn.

+ Về hình dạng: so với quả ở cây lưỡng bội, hình dạng quả ở cây dị bội II, III, V, IX, X thiên về dạng tròn hơn, quả ở cây dị bội IV, VI, VII, VIII, XI, XII, XIII thiên về dạng bầu dục hơn.

+ Quả của cây ở 12 dạng dị bội khác biệt nhau hoàn toàn về kích thước và hình dạng.

Bài tập 2 trang 51 Vở bài tập Sinh học 9: Quan sát hình 23.2 SGK và giải thích sự hình thành các thể dị bội có (2n+1) và (2n – 1) NST.

Trả lời:

Trong quá trình phát sinh giao tử, một cặp NST ở cơ thể bố (hoặc mẹ) không phân li trong giảm phân, hình thành nên 1 giao tử có thừa 1 NST là (n+1) và 1 giao tử thiếu 1 NST là (n-1).

Khi các giao tử này kết hợp với giao tử bình thường (số lượng NST là n) của cơ thể mẹ (hoặc bố) sẽ tạo thành hợp tử có số lượng NST trong bộ NST lần lượt là (2n+1) và (2n-1), từ đó phát triển thành các thể dị bội (2n+1) và (2n-1) NST.

II - Bài tập tóm tắt và ghi nhớ kiến thức cơ bản

Bài tập 1 trang 51 Vở bài tập Sinh học 9: Điền từ hoặc cụm từ thích hợp vào chỗ trống trong các câu sau:

Đột biến thêm hoặc mất ………………… thuộc một cặp NST nào đó có thể xảy ra ở người, động vật và thực vật. Các đột biến này thường do một cặp NST ……………… trong giảm phân, dẫn đến tạo thành giao tử mà cặp NST tương đồng nào đó có 2 NST hoặc không có NST.

Trả lời:

Đột biến thêm hoặc mất một NST thuộc một cặp NST nào đó có thể xảy ra ở người, động vật và thực vật. Các đột biến này thường do một cặp NST không phân li trong giảm phân, dẫn đến tạo thành giao tử mà cặp NST tương đồng nào đó có 2 NST hoặc không có NST.

Bài tập 2 trang 52 Vở bài tập Sinh học 9: Những dạng nào sau đây thuộc thể dị bội? (chọn phương án trả lời đúng nhất)

A. Dạng 2n – 1

B. Dạng 2n – 2

C. Dạng 2n + 1

D. Cả A, B, C

Trả lời:

Thể dị bội là cơ thể mà trong tế bào sinh dưỡng có một hoặc một số cặp NST bị thay đổi về số lượng: (2n+1): thêm 1 NST ở 1 cặp, (2n-1): mất 1 NST ở 1 cặp, (2n-2): mất cả hai NST ở 1 cặp.

Chọn đáp án D. Cả A, B, C

III - Bài tập củng cố, hoàn thiện kiến thức

Bài tập 1 trang 52 Vở bài tập Sinh học 9: Sự biến đổi số lượng NST ở một cặp NST thường thấy những dạng nào?

Phương pháp giải:

Sự biến đổi số lượng thường là thêm hoặc mất.

Trả lời:

Sự biến đổi số lượng NST ở một cặp NST thường thấy các dạng: thêm 1 NST, mất 1 NST, mất 1 cặp NST, thêm một cặp NST

Bài tập 2 trang 52 Vở bài tập Sinh học 9: Cơ chế nào dẫn đến sự hình thành thể dị bội có số lượng NST của bộ NST là (2n+1) và (2n – 1)?

Phương pháp giải:

Sự không phân li của cặp NST tương đồng dẫn tới sự hình thành các thể dị bội.
 Trả lời:

Cơ chế hình thành thể dị bội có số lượng NST của bộ NST là (2n+1) và (2n – 1):

+ Trong quá trình phát sinh giao tử, một cặp NST ở cơ thể bố (hoặc mẹ) không phân li trong giảm phân, hình thành nên 1 giao tử có số lượng NST trong bộ NST dơn bội là (n+1) và 1 giao tử có số lượng NST trong bộ đơn bội là (n-1).

+ Khi các giao tử này kết hợp với giao tử đơn bội bình thường (số lượng NST là n) của cơ thể mẹ (hoặc bố) sẽ tạo thành hợp tử có số lượng NST trong bộ NST lần lượt là (2n+1) và (2n-1), từ đó phát triển thành các thể dị bội có số lượng NST trong bộ NST lần lượt là (2n+1) và (2n-1).

Bài tập 3 trang 52 Vở bài tập Sinh học 9: Hãy nêu hậu quả của hiện tượng dị bội thể?
Phương pháp giải:
Đột biến số lượng làm thay đổi số lượng NST dẫn đến thay đổi vật chất di truyền.

Trả lời:

Hậu quả của hiện tượng dị bội thể: khi cơ thể có một hay một số cặp NST bị thay đổi về số lượng sẽ gây nên những thay đổi về gen, từ đó gây những sai khác về kiểu hình hoặc gây bệnh cho cơ thể.

Đánh giá

0

0 đánh giá