Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 37: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo sách Chân trời sáng tạo. Bài viết gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 37: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo. Mời các bạn đón xem:
Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 37: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo
Phần 1. 30 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 37: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo
Câu 1. Biển Đông có đặc điểm nào sau đây?
A. Nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa.
B. Là một biển nhỏ trong Thái Bình Dương.
C. Nằm ở phía Đông của Thái Bình Dương.
D. Phái đông và đông nam mở ra đại dương.
Chọn A
Biển Đông là một biển rộng lớn thuộc Thái Bình Dương, có diện tích 3,447 triệu km2 với 9 quốc gia ven biển. Nhờ được bao bọc bởi lục địa ở phía bắc và phía tây cùng các vòng cung đảo ở phía đông và đông nam nên Biển Đông tương đối kín. Biển Đông có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nguồn nhiệt ẩm dồi dào và phân hoá theo mùa.
Câu 2. Thiên tai gây thiệt hại lớn nhất cho cư dân vùng biển là
A. cát bay.
B. lở đất.
C. hạn mặn.
D. bão.
Chọn D
Thiên tai gây thiệt hại lớn nhất cho cư dân vùng biển là bão. Bão xảy ra ở nước ta ngày càng nhiều với cường độ ngày càng mạnh với nhiều trận bão lớn khủng khiếp gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Câu 3. Cảng nước sâu nào sau đây không thuộc địa phận miền Trung?
A. Nghi Sơn.
B. Vũng Áng.
C. Dung Quất.
D. Vũng Tàu.
Chọn D
Cảng Vũng Tàu là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, đầu mối quốc tế của Việt Nam. Cảng thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu của vùng Đông Nam Bộ.
Câu 4. Loại hình du lịch thu hút nhiều nhất khách du lịch trong nước và quốc tế hiện nay ở nước ta là
A. du lịch mạo hiểm.
B. du lịch biển - đảo.
C. du lịch nghỉ dưỡng.
D. du lịch văn hóa.
Chọn B
Loại hình du lịch thu hút nhiều nhất khách du lịch trong nước và quốc tế hiện nay ở nước ta là du lịch biển - đảo (tắm biển, lặn biển, tham quan các đảo,…).
Câu 5. Huyện đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh nào sau đây của nước ta?
A. Quảng Trị.
B. Quảng Ninh.
C. Quảng Ngãi.
D. Quảng Nam.
Chọn A
Huyện đảo Cồn Cỏ là một hòn đảo nhỏ của tỉnh Quảng Trị, cách cảng Cửa Việt của huyện Gio Linh khoảng 15 hải lý. Hòn đảo này có diện tích khoảng 4 km2, chu vi 8 km, nằm ở độ cao từ 5 đến 30 mét so với mực nước biển. Đảo Cồn Cỏ nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ từ Vịnh Bắc Bộ ra Biển Đông nên trong suốt chiều dài lịch sử đã xảy ra rất nhiều tranh chấp, những cuộc chiến ác liệt của quân và dân ta bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Câu 6. Biển nào sau đây có diện tích lớn thứ hai trong các biển của Thái Bình Dương?
A. Biển Đông.
B. Biển Philippines.
C. Biển San Hô.
D. Biển Ả - Rập.
Chọn A
Biển Đông có diện tích 3,447 triệu km2 và là biển lớn thứ 2 của Thái Bình Dương (lớn thứ 4 trên thế giới), sau biển Philippines. Còn biển San Hô và biển Ả Rập không thuộc đại dương Thái Bình Dương.
Câu 7. Tài nguyên thiên nhiên nào sau đây ở vùng biển có ý nghĩa lớn nhất đối với đời sống của cư dân ven biển?
A. Vận tải biển.
B. Khoáng sản.
C. Thủy, hải sản.
D. Năng lượng.
Chọn C
Ở nước ta hiện nay, tài nguyên thiên nhiên vùng biển có ý nghĩa lớn nhất tới đời sống của cư dân ven biển là nguồn tài nguyên về thủy hải sản.
Câu 8. Hiện tượng sạt lở bờ biển xảy ra mạnh nhất ở khu vực ven biển nào sau đây?
A. Bắc Bộ.
B. Trung Bộ.
C. Nam Bộ.
D. Cửa sông.
Chọn B
Sạt lở bờ biển là thiên tai xảy ra mạnh nhất ở vùng biển Trung Bộ của nước ta.
Câu 9. Hiện tượng hoang mạc hóa xảy ra mạnh nhất ở khu vực ven biển nào sau đây?
A. Miền Bắc.
B. Miền Trung.
C. Nam Bộ.
D. Miền Nam.
Chọn B
Ở miền Trung nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hiện tượng cát bay, cát chảy lấn chiếm ruộng vườn, làng mạc và làm hoang mạc hóa đất đai. Đặc biệt là ở khu vực hai tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận.
Câu 10. Huyện đảo nào sau đây thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu?
A. Phú Quý.
B. Phú Quốc.
C. Cô Tô.
D. Côn Đảo.
Chọn D
Côn Đảo là một quần đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ và cũng là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam. Quần đảo cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý theo đường biển. Nơi gần Côn Đảo nhất trên đất liền là xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cách 40 hải lý. Côn Đảo từng được biết đến là nơi giam giữ và lưu đày tù nhân lớn nhất Đông Dương trước năm 1975. Ngày nay, Côn Đảo là điểm du lịch nghỉ dưỡng và tham quan với các bãi tắm và khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Côn Đảo.
Câu 11. Đặc điểm nào sau đây đúng với nguồn lợi sinh vật biển nước ta?
A. Nguồn nhiệt ẩm dồi dào, có sự phân hóa.
B. Giàu sinh vật biển, nhiều thành phần loài.
C. Độ muối trung bình khoảng từ 32 - 33%.
D. Các dòng biển thay đổi hướng theo mùa.
Chọn B
Nguồn lợi sinh vật biển nước ta phong phú, giàu thành phần loài. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao, một số loài quý hiếm.
Câu 12. Nguồn lợi tổ yến của nước ta phân bố chủ yếu ở vùng nào sau đây?
A. Các đảo ở vịnh Bắc Bộ.
B. vùng Bắc Trung Bộ.
C. Duyên hải Nam Trung Bộ.
D. Đông Nam Bộ.
Chọn C
Nguồn lợi tổ yến của nước ta phân bố chủ yếu ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đặc biệt là ở tỉnh Khánh Hòa.
Câu 13. Tài nguyên khoáng sản nào sau đây có giá trị nhất ở biển Đông?
A. Dầu khí.
B. Băng cháy.
C. Đồng, chì.
D. Đất hiếm.
Chọn A
Dầu mỏ và khí tự nhiên là tài nguyên quan trọng với trữ lượng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí. Năm 2021, nước ta đã xác định được 8 bể trầm tích dầu khí trên thềm lục địa và vùng biển của Việt Nam (bể Sông Hồng, Hoàng Sa, Trường Sa, Cửu Long, Nam Côn Sơn,...).
Câu 14. Đặc điểm nào sau đây không đúng với nguồn lợi sinh vật biển nước ta?
A. Phong phú và đa dạng.
B. Chỉ có các loài cá, tôm.
C. Nhiều thành phần loài.
D. Nhiều hệ sinh thái biển.
Chọn B
Tài nguyên sinh vật biển của nước ta phong phú và đa dạng, với nhiều hệ sinh thái biển, ven biển cùng một số loài quý hiếm, có giá trị cao. Về thành phần loài, vùng biển nước ta có hàng nghìn loài cá, giáp xác, nhuyễn thể,…
Câu 15. Quốc gia nào sau đây trong khu vực Đông Nam Á có chung chủ quyền trên biển Đông với Việt Nam?
A. Mi-an-ma.
B. Lào.
C. Thái Lan.
D. Bru-nây.
Chọn C
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có chung chủ quyền trên biển Đông với Việt Nam là Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin.
Câu 16. Các quốc gia nào sau đây nằm ngoài khu vực Đông Nam Á có chung chủ quyền trên biển Đông với Việt Nam?
A. Trung Quốc.
B. Nhật Bản.
C. Hàn Quốc.
D. Ấn Độ.
Chọn A
Các nước có chung Biển Đông với Việt Nam là Trung Quốc (không thuộc khu vực Đông Nam Á), Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan và Cam-pu-chia.
Câu 17. Các huyện, thành phố đảo nào sau đây thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
A. Lý Sơn và Phú Quý.
B. Phú Quốc và Kiên Hải.
C. Hoàng Sa và Cát Hải.
D. Vân Đồn và Côn Đảo.
Chọn B
Các huyện đảo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Phú Quốc và Kiên Hải đều thuộc tỉnh Kiên Giang.
Câu 18. Vùng biển Nam Trung Bộ có mặt hàng xuất khẩu giá trị cao nào sau đây?
A. Yến sào.
B. Nước mắm.
C. Cá ba sa.
D. Tôm hùm.
Chọn A
Nam Trung Bộ có nhiều chim yến - tổ yến (yến sào) là mặt hàng giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế vào và xuất khẩu mang lại ngoại tệ lớn.
Câu 19. Nghề làm muối ở nước ta phát triển nhất ở vùng nào sau đây?
A. Đồng bằng sông Hồng.
B. Duyên hải Nam Trung Bộ.
C. Bắc Trung Bộ.
D. Đồng bằng sông Cửu Long
Chọn C
Biển nước ta có nguồn muối vô tận. Dọc bờ biển có nhiều điều kiện để sản xuất muối, đặc biệt là dọc bờ biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ phát triển mạnh ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Với các cánh đồng muối nổi tiếng như Sa Huỳnh, Cà Ná,… Các cánh đồng muối ở khu vực này cung cấp hơn 900 nghìn tấn muối/năm.
Câu 20. Các quốc gia nào sau đây trong khu vực Đông Nam Á có chung chủ quyền trên biển Đông với Việt Nam?
A. Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan và Cam-pu-chia.
B. Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Bru-nây.
C. In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po.
D. Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Đông Ti-mo, Phi-líp-pin, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a.
Chọn A
Các nước có chung Biển Đông với Việt Nam là Trung Quốc (không thuộc khu vực Đông Nam Á), Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan và Cam-pu-chia.
Câu 21. Phát biểu nào sau đây không đúng với hoạt động du lịch biển của nước ta trong những năm gần đây?
A. Các trung tâm du lịch biển ngày càng được nâng cấp.
B. Có nhiều vùng biển, đảo mới được đưa vào khai thác.
C. Nhiều khu du lịch biển nổi tiếng ở cả Bắc, Trung, Nam.
D. Du khách nước ngoài đến nước ta chủ yếu du lịch biển.
Chọn D
Đặc điểm hoạt động du lịch biển ở nước ta hiện nay là
- Các trung tâm du lịch biển ngày càng được đầu tư, nâng cấp và đa dịch vụ.
- Nhiều vùng biển, các đảo mới được đưa vào khai thác phát triển du lịch.
- Có nhiều khu du lịch nổi biển tiếng ở cả Bắc, Trung và Nam (Hạ Long, Huế - Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Cà Mau, Phú Quốc,...).
- Du khách quốc tế đến nước ta tham gia cả các hoạt động du lịch biển, đảo, văn hóa, di tích lịch sử và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,…
Câu 22. Phát biểu nào sau đây không đúng đối với việc khai thác tài nguyên sinh vật biển và đảo?
A. Hạn chế việc đánh bắt xa bờ để tránh thiệt hại do bão, áp thấp gây ra.
B. Tránh khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ.
C. Tránh khai thác quá mức các đối tượng đánh bắt có giá trị kinh tế cao.
D. Cấm sử dụng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt, các chất nổ.
Chọn A
Các định hướng khai thác tài nguyên sinh vật biển và đảo ở nước ta là
- Tránh khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ và các đối tượng đánh bắt có giá trị kinh tế cao.
- Cấm sử dụng các phương tiện đánh bắt có tính chất huỷ diệt (chất nổ, thuốc hóa học,…).
- Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ nhằm khai thác tốt hơn nguồn lợi hải sản; giúp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển (vùng trời, vùng biển và vùng thềm lục địa).
Câu 23. Nghề muối của nước ta nổi tiếng nhất ở vùng nào sau đây?
A. Đồng bằng sông Hồng.
B. Bắc Trung Bộ.
C. Đồng bằng sông Cửu Long.
D. Cực Nam Trung Bộ.
Chọn D
Nghề làm muối đòi hỏi nền nhiệt độ cao, ổn định, nhiều nắng và đặc biệt vùng nước ven biển có độ mặn cao nên ở nước ta vùng cực Nam Trung Bộ là vùng hội tụ đầy đủ điều kiện thời lí tưởng cho nghề làm muối -> Đây là nơi có nghề muối phát triển nhất nước ta, là một trong những vùng phát triển muối sạch và ngon nhất Đông Nam Á.
Câu 24. Phát biểu nào sau đây không đúng với ảnh hưởng sâu sắc của biển Đông đến khí hậu nước ta?
A. Làm giảm tính chất khắc nghiệt từ thời tiết lạnh, khô vào mùa đông.
B. Góp phần làm dịu bớt kiểu thời tiết nóng bức trong thời kì mùa hạ.
C. Khí hậu mang nhiều đặc tính của khí hậu hải dương và điều hoà hơn.
D. Trong năm có hai mùa gió là gió mùa mùa hạ và gió mùa mùa đông.
Chọn D
Biển Đông rộng, nhiệt độ nước biển cao và biến động theo mùa đã làm tăng độ ẩm của các khối khí qua biển mang lại cho nước ta lượng mưa và độ ẩm lớn, góp phần làm giảm tính chất khắc nghiệt của thời tiết lạnh khô trong mùa đông; Làm dịu bớt thời tiết nóng bức trong mùa hè và làm cho khí hậu nước ta mang đặc tính khí hậu hải dương, điều hòa hơn.
Câu 25. Vùng biển nước ta giàu tài nguyên sinh vật biển do
A. thềm lục địa nông và độ mặn nước biển.
B. nước biển ấm, nhiều ánh sáng, giàu oxi.
C. nhiều vũng vịnh, đầm phá và dòng biển.
D. các dòng hải lưu, nhiều sinh vật phù du.
Chọn B
Vùng biển nước ta giàu tài nguyên sinh vật biển chủ yếu do nước biển ấm, nhiều ánh sáng và giàu oxi.
Câu 26. Phát biểu nào sau đây đúng với ý nghĩa của các đảo đối với an ninh quốc phòng nước ta?
A. Không gian sinh tồn và cửa ngõ quốc tế.
B. Là một bộ phận thiêng liêng của đất nước.
C. Là hệ thống tiền tiêu bảo vệ phần đất liền.
D. Cạnh tranh về dầu mỏ, phát triển vận tải.
Chọn C
Các đảo và quần đảo trong Biển Đông (đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam) có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng, vừa là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền vừa là hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới.
Câu 27. Việc đẩy mạnh khai thác xa bờ có ý nghĩa nào sau đây đối với an ninh quốc phòng?
A. Thúc đẩy việc giữ vững chủ quyền, kinh tế cho các ngư dân.
B. Khai thác hiệu quả hơn các tuyến đường hàng hải quốc tế.
C. Tăng sản lượng hải sản, nhiều sinh vật có giá trị kinh tế cao.
D. Góp phần bảo vệ vùng biển, vùng trời và vùng thềm lục địa.
Chọn D
Việc khai thác xa bờ ngày càng được đẩy mạnh do tránh khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ và các đối tượng đánh bắt có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, phát triển đánh bắt xa bờ giúp khai thác tốt hơn nguồn lợi hải sản; góp phần bảo vệ vùng trời, vùng biển và vùng thềm lục địa.
Câu 28. Quá trình địa mạo nào sau đây chi phối đặc trưng địa hình các vùng bờ biển nước ta hiện nay?
A. Xâm thực.
B. Tích tụ.
C. Mài mòn.
D. Xói mòn.
Chọn C
Vùng biển đặc trưng bởi các dạng địa hình bờ biển mài mòn, hàm ếch sóng vỗ, vách biển….do tác động mài mòn của sóng biển -> Vì vậy quá trình mài mòn tạo nên các dạng địa hình đặc trưng của địa hình vùng bở biển nước ta.
Câu 29. Nước ta cần đẩy mạnh đánh bắt xa bờ chủ yếu do
A. nguồn lợi hải sản ven bờ suy giảm, bảo vệ môi trường nước.
B. mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
C. góp phần bảo vệ môi trường vùng biển và phát triển du lịch.
D. khai thác tốt hơn các tuyến vận tải và nguồn lợi xa bờ nhiều.
Chọn B
Việc khai thác xa bờ ngày càng được đẩy mạnh chủ yếu do tránh khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ và các đối tượng đánh bắt có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, phát triển đánh bắt xa bờ giúp khai thác tốt hơn nguồn lợi hải sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao; góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia (bảo vệ vùng trời, vùng biển và vùng thềm lục địa).
Câu 30. Điều kiện nào sau đây không phải yếu tố thuận lợi để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở nước ta?
A. Vùng biển rộng, giàu tài nguyên hải sản.
B. Nhiều ngư trường rộng lớn, bãi cá, tôm.
C. Xuất hiện bão, áp thấp và gió mùa đông.
D. Có nhiều vũng vịnh, đầm và phá ven bờ.
Chọn C
Nước ta có vùng biển rộng lớn với nguồn lợi sinh vật hết sức đa dạng - phong phú về thành phần loài, có các ngư trường rộng lớn, các bãi cá, tôm và dọc bờ biển có nhiều vũng vịnh, đầm phá rất thuận lợi để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 37: Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo
I. KHÁI QUÁT VỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐẢO VIỆT NAM
1. Khái quát về Biển Đông
- Là một biển rộng lớn thuộc Thái Bình Dương, diện tích là 3,447 triệu km2 với 9 quốc gia ven biển. Có 2 vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan. Trải dài từ khoảng 3°N - 26°B, trải rộng từ khoảng 100°Đ – 121°Đ.
- Nhờ được bao bọc bởi lục địa ở phía bắc và phía tây cùng các vòng cung đảo ở phía đông và đông nam nên Biển Đông tương đối kín. Từ Biển Đông có thể thông ra các đại dương, vùng biển xung quanh nhờ các eo biển, tiêu biểu là eo biển Ba-si để ra Thái Bình Dương và eo Ma-lắc-ca để đến Ấn Độ Dương.
- Có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nguồn nhiệt ẩm dồi dào, phân hóa theo mùa. Hoạt động của gió mùa hình thành các dòng biển theo mùa. Độ muối trung bình khoảng 32-33‰, có sự biến động theo mùa và theo khu vực.
- Tài nguyên đa dạng, phong phú, đặc biệt là tài nguyên hải sản và khoáng sản. Đây là những điều kiện thuận lợi cho các quốc gia có chung Biển Đông đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
2. Vùng biển Việt Nam:
- Là một phần của Biển Đông, diện tích khoảng 1 triệu km2, bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
- Có hàng nghìn đảo lớn, nhỏ, trong đó có nhiều đảo có số dân đông như Cái Bầu, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc,… Có nhiều quần đảo như Vân Đồn, Cô Tô, Cát Bà, Côn Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa,… Nhiều đảo và quần đảo trở thành huyện đảo. Tính đến 2021, nước ta có 11 huyện đảo và 1 thành phố đảo.
- Vùng biển Việt Nam cùng các đảo và quần đảo là một bộ phận quan trọng của nước ta: tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền; là thệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển – đảo và thềm lục địa; việc khẳng định chủ quyền của nước ta trên các đảo, quần đảo là cơ sở khẳng định chủ quyền đối với vùng biển và thềm lục địa.
II. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN BIỂN - ĐẢO VIỆT NAM
- Tài nguyên sinh vật:
+ Phong phú và đa dạng, với nhiều hệ sinh thái biern, ven biển cùng một số loài quý hiếm, có giá trị cao. Tiêu biểu là hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, rừng thường xanh trên các đảo, rạn san hô, thảm cỏ biển,…
+ Về thành phần loài, có hàng nghìn loài cá, giáp xác, nhuyễn thể; hàng nghìn loài rong biển, chim biển; trên đảo có nhiều loài sinh vật quý hiếm được bảo tồn trong các vườn quốc goa như Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà,…
- Tài nguyên khoáng sản:
+ Dầu mỏ và khí tự nhiên với trữ lượng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí. Xác định được 8 bể trầm tích dầu khí trên thềm lục địa và vùng biển của nước ta.
+ Ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phát hiện tiềm năng lớn về băng cháy.
+ Có nhiều sa khoáng với trữ lượng đáng kể (ti-tan, đất hiếm, phốt-pho-rít, cát thủy tinh) cùng các loại đồng, chì, kẽm,… phân bố ở đáy biển hoặc trong lòng đất dưới đáy biển.
+ Nhiều đoạn bờ biển có điều kiện thuận lợi để sản xuất muối.
- Tài nguyên du lịch: đường bờ biển dài, bãi biển rộng (Sầm Sơn, Vũng Tàu,…), nhiều vịnh biển có phong cảnh đẹp (Hạ Long, Vân Phong,…), khí hậu mát mẻ. Các đảo và quần đảo có giá trị du lịch cao như Phú Quốc, Cù lao Chàm, Cát Bà,…
- Vùng biển rộng, đường bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh kín gió, các khu vực nước sâu thuận lợi cho xây dựng cảng biển, cảng nước sâu. Vùng biển nước ta nằm trên đường hàng hải quốc tế nên giao thông đường biển có nhiều điều kiện để phát triển.
- Tiềm năng đáng kể về nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, thủy triều, sóng biển,…
III. TÌNH HÌNH KHAI THÁC TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN BIỂN - ĐẢO VIỆT NAM
1. Phát triển du lịch và dịch vụ biển:
- Tập trung phát triển du lịch sinh thái; du lịch địa chất thám hiểm khoa học; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao biển,…
- Cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch biển được đầu tư, bao gồm cơ sở hạ tầng cho trung tâm du lịch biển và trên các đảo. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng về loại hình và nâng cao về chất lượng.
- Du lịch biển phát triển là động lực quan trọng để phát triển các ngành kinh tế khác, đảm bảo an sinh xã hội. Một số điểm đến du lịch tiêu biểu như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,…
2. Phát triển giao thông vận tải biển:
- Đã xây dựng hệ thống cảng biển với nhiều quy mô và trải dài từ Bắc xuống Nam, đặc biệt là các cảng biển quốc tế, các cảng biển tại các huyện đảo. Tiêu biểu như cảng Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh,…
+ Đội tàu biển được chú trọng đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải nội địa và quốc tế.
- Góp phần nâng cao vị thế ngành hàng hải nước ta, giải quyết việc làm, thúc đẩy các ngành như khai thác thủy sản, du lịch biển,… phát triển.
3. Khai thác khoáng sản biển
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa, công nghệ khai thác ngày càng được cải tiến giúp cho việc thu hồi khí hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ môi trường biển. Các nhà máy lọc, hóa dầu đi vào hoạt động, nâng cao lợi ích kinh tế của công nghiệp dầu khí như nhà máy Dung Quất, Nghi Sơn,… Năm 2021, khai thác khoảng 9,1 triệu tấn dầu thô trong nước và 7,5 tỉ m3 khí tự nhiên.
- Nghề làm muối phát triển theo hướng đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm muối.
- Việc khai thác và chế biến khoáng sản đã thúc đẩy các ngành công nghiệp khác, đặc biệt chú ý vấn đề môi trường.
4. Khai thác và nuôi trồng hải sản
- Ưu tiên phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, kết hợp với khai thác hải sản xa bờ, hiện đại hóa đội tàu đánh bắt. Năm 2021, khai thác 3,7 triệu tấn hải sản; sản lượng nuôi trồng đạt 372 nghìn tấn; Kiên Giang, Cà Mau là những tỉnh có sản lượng thủy sản cao nhất nước ta.
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu tài nguyên sinh vật biển đi đôi với bảo tồn nguồn lợi sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm và có giá trị cao.
- Sự phát triển của ngành tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị, góp phần phát triển du lịch biển, giao thông vận tải biền.
IV. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VIỆT NAM
- Biển là môi trường sống của các loài sinh vật, chứa đựng nhiều tài nguyên quan trọng thúc đẩy cho các ngành kinh tế phát triển. Biển còn là không gian sản xuất của nhiều thế hệ người dân Việt Nam vùng ven biển và trên các đảo.
- Môi trường biển nước ta đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực, nguy cơ ô nhiễm xu hướng tăng vì sự gia tăng của các nguồn ô nhiễm, các hoạt động khai thác thiếu bền vững, sự cố môi trường biển.
- Để đảm bảo các lợi ích lâu dài và bền vững, trở thành một quốc gia biển giàu mạnh cần thiết phải bảo vệ môi trường biển.
V. Ý NGHĨA CHIẾN LƯỢC CỦA BIỂN ĐÔNG
- Ý nghĩa chiến lược của Biển Đông trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh cho đất nước:
+ Đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở quá khứ, hiện tại và tương lai.
+ Biển – đảo Việt Nam là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của đất nước; là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
+ Biển Đông tạo điều kiện để nước ta phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, khai thác dầu khí, giao thông vận tải biển, đóng tàu, du lịch,…
+ Các đảo và quần đảo trong Biển Đông (đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng, vừa là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, vừa là hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới.
- Định hướng trong giải quyết các tranh chấp vùng biển – đảo ở Biển Đông:
+ Việt Nam và các nước trong khu vực cần tăng cường đối thoại và hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
+ Thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các Bên tại Biển Đông (DOC), tiến tới hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của các Bên tại Biển Đông (COC) sẽ là giải pháp hiệu quả để duy trì sự ổn định, hòa bình và hữu nghị trong khu vực.
Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm Bài 28: Phát triển kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ
Trắc nghiệm Bài 30: Khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế ở Tây Nguyên
Trắc nghiệm Bài 32: Phát triển kinh tế – xã hội ở Đông Nam Bộ
Trắc nghiệm Bài 34: Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long
Trắc nghiệm Bài 36: Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm