Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 23: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ sách Kết nối tri thức. Bài viết gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 23: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ. Mời các bạn đón xem:
Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 23: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ
Phần 1. 30 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 23: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ
Câu 1. Vùng nào sau đây ở nước ta có tiềm năng thủy điện lớn nhất?
A. Tây Nguyên.
B. Duyên hải Nam Trung Bộ.
C. Bắc Trung Bộ.
D. Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Chọn D
Trung du và miền núi Bắc Bộ có tiềm năng thủy điện lớn nhất nước ta. Riêng hệ thống sông Hồng chiếm trên 30% trữ lượng thủy năng của cả nước (11 triệu kW), trong đó sông Đà gần 6 triệu kW. Ngoài ra, vùng có nhiều sông, suối, thuận lợi để xây dựng các nhà máy thủy điện có công suất vừa và nhỏ.
Câu 2. Hệ thống sông nào sau đây ở nước ta có tiềm năng thủy điện lớn nhất?
A. Sông Mã.
B. Sông Hồng.
C. Sông Cả.
D. Sông Ba.
Chọn B
Hệ thống sông Hồng chiếm trên 30% trữ lượng thủy năng của cả nước (11 triệu kW), trong đó sông Đà gần 6 triệu kW. Tiếp theo là hệ thống sông Đồng Nai.
Câu 3. Các loại cây công nghiệp lâu năm được trồng ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là
A. chè, cà phê, hồi, quế.
B. cao su, chè, hồi, tiêu.
C. cà phê, điều, cao su.
D. quế, chẩu, tiêu, điều.
Chọn A
Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ ba cả nước (sau Tây Nguyên và Đông Nam Bộ). Các loại cây công nghiệp lâu năm được trồng trong vùng là chè, cà phê, hồi, quế,...
Câu 4. Vùng nào sau đây ở nước ta có diện tích chè lớn nhất?
A. Tây Nguyên.
B. Duyên hải Nam Trung Bộ.
C. Bắc Trung Bộ.
D. Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Chọn D
Chè là cây công nghiệp quan trọng số một của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Năm 2021, diện tích chè đạt trên 90 nghìn ha, chiếm hơn 70% diện tích chè cả nước. Các tỉnh trồng chè nhiều nhất là Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang.
Câu 5. Phát biểu nào sau đây không đúng với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?
A. Nằm ở phía bắc, diện tích rộng lớn.
B. Có sự phân hóa thành hai tiểu vùng.
C. Dân số đông nhất, kinh tế phát triển.
D. Tiếp giáp với Trung Quốc và Lào.
Chọn C
Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng nằm ở phía bắc tiếp giáp với Trung Quốc và Lào; có diện tích rộng nhất (95,2 nghìn km2) so với các vùng khác trong cả nước và có sự phân hóa thành hai tiểu vùng (Đông Bắc và Tây Bắc).
Câu 6. Chè được trồng chủ yếu ở các tỉnh nào sau đây của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?
A. Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang.
B. Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng.
C. Thái Nguyên, Phú Thọ, Điện Biên.
D. Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn.
Chọn A
Các tỉnh trồng chè nhiều nhất ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang. Các cơ sở chế biến chè ngày càng phát triển đã nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.
Câu 7. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cây cà phê được trồng chủ yếu ở tỉnh nào sau đây?
A. Điện Biên, Yên Bái.
B. Lạng Sơn, Sơn La.
C. Sơn La, Điện Biên.
D. Lai Châu, Lào Cai.
Chọn C
Ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cây cà phê được trồng ở khu vực Tây Bắc chủ yếu ở Sơn La và Điện Biên.
Câu 8. Tỉnh nào sau đây ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều bò nhất?
A. Hà Giang.
B. Sơn La.
C. Cao Bằng.
D. Yên Bái.
Chọn B
Các tỉnh có số lượng bò lớn là Sơn La, Bắc Giang, Hà Giang,... trong đó, Sơn La có số lượng bò lớn nhất vùng với 373,3 nghìn con, chiếm 30,8% tổng đàn bò của cả vùng (năm 2021). Bò sữa được nuôi tập trung ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La).
Câu 9. Vùng nào sau đây ở nước ta có đàn trâu lớn nhất cả nước?
A. Trung du và miền núi Bắc Bộ.
B. Bắc Trung Bộ.
C. Duyên hải Nam Trung Bộ.
D. Đồng bằng sông Hồng.
Chọn A
Đàn trâu trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có số lượng lớn nhất cả nước. Các tỉnh nuôi nhiều trâu là Hà Giang, Điện Biên, Sơn La.
Câu 10. Trung du và miền núi Bắc Bộ tiếp giáp với vùng kinh tế nào sau đây?
A. Đồng bằng sông Hồng.
B. Duyên hải Nam Trung Bộ.
C. Tây Nguyên.
D. Đông Nam Bộ.
Chọn A
Trung du và miền núi Bắc Bộ tiếp giáp với Trung Quốc ở phía bắc, phía tây giáp Thượng Lào, phía nam giáp vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Câu 11. Tỉnh nào sau đây thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?
A. Hải Dương.
B. Thanh Hóa.
C. Vĩnh Phúc.
D. Cao Bằng.
Chọn D
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình; Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Câu 12. Vị trí của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có điểm khác biệt nào sau đây so với các vùng khác trong cả nước?
A. Có biên giới kéo dài với Trung Quốc và Lào.
B. Tất cả các tỉnh đều giáp với biển, có biên giới.
C. Vị trí trung chuyển giữa miền Bắc, miền Nam.
D. Ví trí tiếp giáp với cả Lào và Cam-pu-chia.
Chọn A
Điểm khác biệt về vị trí của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ so với các vùng khác trong cả nước là có biên giới kéo dài với Trung Quốc và Lào.
Câu 13. Tài nguyên khoáng sản than của nước ta tập trung chủ yếu ở tỉnh nào sau đây?
A. Thái Nguyên.
B. Quảng Ninh.
C. Cao Bằng.
D. Lạng Sơn.
Chọn B
Quảng Ninh là vùng than lớn bậc nhất và chất lượng than tốt nhất Đông Nam Á (than antraxit). Bể than Đông Bắc Quảng Ninh là lớn nhất cả nước với trữ lượng khoảng 3,5 tỉ tấn. Điển hình với nhiều mỏ như Hà Tu, Hà Lầm, Đèo Nai, Cọc Sáu,…
Câu 14. Chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh ở cao nguyên nào sau đây của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ?
A. Đồng văn.
B. Tả Phình.
C. Mộc Châu.
D. Sín Chải.
Chọn C
Ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La).
Câu 15. Nhà máy điện than nào sau đây không thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?
A. Na Dương.
B. Sơn Động.
C. An Khánh.
D. Uông Bí.
Chọn D
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có một số nhà máy nhiệt điện than như Na Dương (Lạng Sơn) công suất 110 MW, Sơn Động (Bắc Giang) công suất 220 MW, An Khánh (Thái Nguyên) công suất 120 MW. Còn nhà máy điện than Uông Bí (Quảng Ninh) thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.
Câu 16. Nhà máy thủy điện nào sau đây ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có công suất lớn nhất?
A. Lai Châu.
B. Sơn La.
C. Hòa Bình.
D. Bản Chát.
Chọn B
Trung du và miền núi Bắc Bộ đã xây dựng nhiều nhà máy thủy điện có công suất lớn. Trên sông Đà, ba nhà máy thủy điện lớn nhất cả nước đã được xây dựng là nhà máy thủy điện Lai Châu (1 200 MW), nhà máy thủy điện Sơn La (2 400 MW), nhà máy thủy điện Hòa Bình (1 920 MW). Các nhà máy thủy điện đáng kể khác là Huội Quảng (520 MW), Tuyên Quang (342 MW), Bản Chát (220 MW), Thác Bà (110 MW).
Câu 17. Chăn nuôi lợn hiện nay được phát triển mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ chủ yếu do
A. cơ sở thức ăn được đảm bảo tốt hơn.
B. đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
C. cơ sở vật chất kĩ thuật,giống đảm bảo.
D. công nghiệp chế biến phát triển mạnh.
Chọn A
Do giải quyết tốt hơn lương thực cho người nên hoa màu lương thực dành cho nhiều hơn cho chăn nuôi và thúc đẩy tăng nhanh đàn lợn trong vùng.
Câu 18. Đàn lợn của Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển chủ yếu dựa vào
A. sản phẩm phụ của chế biến thuỷ sản.
B. nguồn lúa gạo và phụ phẩm của lúa.
C. sự phong phú của hoa màu lương thực.
D. sự phong phú của thức ăn trong rừng.
Chọn C
Do giải quyết tốt hơn lương thực cho con người nên đàn lợn của Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển chủ yếu dựa vào sự phong phú của hoa màu lương thực (ngô, khoai, sẵn,…), nguồn thức ăn đảm bảo đã thúc đẩy đàn lợn trong vùng tăng nhanh.
Câu 19. Cơ cấu công nghiệp của Trung du và miền núi Bắc Bộ đa dạng do
A. vị trí địa lí ngày càng thuận lợi.
B. chính sách phát triển công nghiệp.
C. tài nguyên thiên nhiên đa dạng.
D. nguồn lao động có kinh nghiệm.
Chọn C
Trung du và miền núi Bắc Bộ có tài nguyên đa dạng từ khoáng sản (kim loại, phi kim loại, năng lượng,…), thủy điện, nông sản đến lâm sản,.. đó là điều kiện để đa dạng các ngành công nghiệp của vùng, đó là khai thác chế biến khoáng sản, thủy điện, nhiệt điện luyện kim màu, luyện kim đen, chế biến lâm sản, chế biến lương thực thực phẩm, cơ khí, hóa chất,…
Câu 20. Yếu tố tự nhiên nào sau đây quyết định đến việc phát triển thế mạnh trồng rau quả cận nhiệt và ôn đới ở Trung du và miền núi Bắc Bộ?
A. Địa hình.
B. Khí hậu.
C. Thổ nhưỡng.
D. Sông ngòi.
Chọn B
Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh là nhân tố quyết định đến việc phát triển thế mạnh trồng rau quả cận nhiệt và ôn đới ở Trung du và miền núi Bắc Bộ. Một số cây tiêu biểu như chè, quế, mận, đào, lê,… và nhiều cây dược liệu quý.
Câu 21. Trung du và miền núi Bắc Bộ có thế mạnh nổi bật nhất cả nước về tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp nào sau đây?
A. Luyện kim.
B. Khai khoáng.
C. Thuỷ điện.
D. Thực phẩm.
Chọn C
Trung du và miền núi Bắc Bộ có thế mạnh nổi bật nhất cả nước về tiềm năng để phát triển công nghiệp thuỷ điện với hệ thống sông Hồng (11 nghìn MW) chiếm 1/3 trữ lượng thủy điện cả nước. Các nhà máy thủy điện của vùng là Sơn La (2 400 MW), Hòa Bình (1 920 MW), Lai Châu (1 200 MW), Tuyên Quang (342 MW),… Ngoài ra, vùng còn có nhiều nhà máy thủy điện nhỏ có ý nghĩa đối với việc cung cấp điện sinh hoạt cho người dân.
Câu 22. So với với khu vực Đông Bắc, khu vực Tây Bắc có
A. trữ năng về thủy điện lớn hơn.
B. tài nguyên khoáng sản phong phú.
C. cơ sở vật chất hạ tầng tốt hơn.
D. nhiều trung tâm công nghiệp hơn.
Chọn A
So với với khu vực Đông Bắc, khu vực Tây Bắc có trữ năng về thủy điện lớn hơn từ các con sông lớn, đặc biệt là hệ thống sông Hồng với sông Đà.
Câu 23. Thế mạnh vượt trội của Tây Bắc so với các vùng khác trong cả nước là
A. cây dược liệu.
B. cây ăn quả cận nhiệt.
C. thủy năng.
D. năng lượng.
Chọn C
Thế mạnh vượt trội của Tây Bắc so với các vùng khác trong cả nước là vùng này có trữ lượng thủy năng rất lớn (chiếm khoảng 1/3 của cả nước).
Câu 24. Đặc điểm tự nhiên quan trọng nhất tạo cơ sở cho việc hình thành vùng chuyên canh chè ở Trung du và miền núi Bắc Bộ là
A. đất và nước.
B. khí hậu và đất.
C. địa hình và đất.
D. khí hậu và nước.
Chọn B
Đặc điểm tự nhiên quan trọng nhất tạo cơ sở cho việc hình thành vùng chuyên canh chè ở Trung du và miền núi Bắc Bộ là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa đông lạnh và sự tập trung của đất feralit thành các vùng rộng lớn ở vùng đồi trung du.
Câu 25. Trung du và miền núi Bắc Bộ có nguồn thủy năng lớn là do
A. nhiều sông ngòi, mưa nhiều.
B. địa hình dốc, lưu lượng nước lớn.
C. địa hình dốc, lắm thác ghềnh.
D. đồi núi cao, mặt bằng rộng.
Chọn B
Trung du và miền núi Bắc Bộ có nguồn thủy năng lớn chủ yếu là do địa hình dốc tạo ra nhiều thác ghềnh, tốc độ dòng chảy lớn với lưu lượng nước nhiều trong năm. Tuy nhiên, mùa khô nguồn nước hạn chế (chiếm khoảng 25% lưu lượng nước trong năm) hơn cũng là trở ngại đối với phát triển thủy điện ở khu vực này.
Câu 26. Mùa đông ở khu vực Tây Bắc đến muộn và kết thúc sớm hơn so với Đông Bắc là do
A. Đông Bắc có các dãy núi hướng vòng cung.
B. Tây Bắc có vĩ độ địa lí thấp hơn Đông Bắc.
C. Tây Bắc có địa hình núi cao, đồ sộ hơn nhiều.
D. Dãy Hoàng Liên Sơn chắn gió mùa Đông Bắc.
Chọn D
Mùa đông ở khu vực Tây Bắc đến muộn và kết thúc sớm hơn so với Đông Bắc chủ yếu là do có dãy Hoàng Liên Sơn như một bức tường thành khổng lồ chắn gió mùa Đông Bắc.
Câu 27. So với khu vực Tây Bắc, khu vực Đông Bắc có
A. mùa đông đến sớm và kết thúc muộn hơn.
B. mùa đông đến muộn và kết thúc muộn hơn.
C. mùa đông đến sớm và kết thúc sớm hơn.
D. mùa đông đến muộn và kết thúc sớm hơn.
Chọn A
Đông Bắc là nơi đón những đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên và cả những đợt gió mùa Đông Bắc cuối cùng thổi vào nước ta nên so với khu vực Tây Bắc, khu vực Đông Bắc có mùa đông đến sớm và kết thúc muộn hơn.
Câu 28. Chăn nuôi lợn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển nhờ có
A. diện tích trồng hoa màu lớn.
B. lao động chuyên môn đông.
C. thị trường tiêu thụ rộng lớn.
D. thu hút được nhiều đầu tư.
Chọn A
Ngành chăn nuôi lợn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển là do vùng này có diện tích trồng hoa màu lớn ở các đồng bằng giữa núi như Mường Thanh, Mường Lò,…
Câu 29. Khó khăn chủ yếu về tự nhiên đối với phát triển chăn nuôi gia súc ở Trung du và miền núi Bắc Bộ là
A. địa hình bị chia cắt phức tạp.
B. hiện tượng rét đậm, rét hại.
C. mùa đông thiếu nhiều nước.
D. đồng cỏ chưa được cải tạo.
Chọn B
Do địa hình cao, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên hiện tượng rét đậm, rét hại hay xảy ra ở Trung du và miền núi Bắc Bộ gây ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi gia súc (trâu, bò, lợn,…).
Câu 30. Thế mạnh nào sau đây không phải của Trung du và miền núi Bắc Bộ?
A. Phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa và lợn.
B. Phát triển các ngành kinh tế biển và đảo.
D. Khai thác, chế biến khoáng sản, thuỷ điện.
C. Trồng cây công nghiệp lâu năm cận nhiệt.
Chọn B
Thế mạnh của Trung du và miền núi Bắc Bộ là phát triển chăn nuôi gia súc lớn (trâu, bò, ngựa, lợn); trồng và chế biến cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới; khai thác, chế biến khoáng sản và phát triển thuỷ điện. Hiện nay, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên là hai vùng không tiếp giáp với biển (không phát triển các ngành kinh tế biển, đảo).
Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 23: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ
I. KHÁI QUÁT
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
- Đặc điểm vị trí địa lí: tiếp giáp Trung Quốc và Lào; giáp vùng ĐB sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung. Vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều cửa khẩu quốc tế thông thương với các nước láng giềng; tiếp giáp với 2 vùng kinh tế tạo điều kiện hỗ trợ và trao đổi hàng hóa.
- Đặc điểm phạm vi lãnh thổ: bao gồm 14 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình; Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang. Diện tích năm 2021 là 95,2 nghìn km2.
2. Dân số
- Năm 2021, dân số của vùng là 12,9 triệu người, tỉ lệ tăng tự nhiên là 1,05%, cao hơn TB cả nước (0,93%).
- Mật độ dân số TB là 136 người/km2, thấp hơn TB cả nước (297 người/km2). Dân cư chủ yếu sống ở nông thôn, tỉ lệ dân thành thị là 20,5% (cả nước là 37,1% năm 2021).
- Có nhiều dân tộc sinh sống: Kinh, Thái, Mường, Hmông, Tày, Nùng, Dao,…
II. KHAI THÁC THẾ MẠNH ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Khai thác và chế biến khoáng sản
a) Thế mạnh
- Giàu tài nguyên khoáng sản nhất cả nước, các loại khoáng sản trữ lượng tương đối lớn, khả năng khai thác quy mô công nghiệp như: than (Lạng Sơn, Thái Nguyên), sắt (Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang), đồng (Sơn La, Bắc Giang), đồng – vàng (Lào Cai), thiếc (Cao Bằng, Thái Nguyên), đất hiếm (Lai Châu), a-pa-tít (Lào Cai), đá vôi, đá xây dựng ở nhiều tỉnh, nước khoáng ở Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang.
- Cơ sở hạ tầng vật chất – kĩ thuật ngày càng hoàn thiện, ứng dụng các yếu tố khoa học – công nghệ mới, tiên tiến.
b) Khai thác thế mạnh
- Một số khoáng sản được khai thác trong vùng: than( Thái Nguyên, Lạng Sơn), a-pa-tít (Lào Cai), đá vôi (Hòa Bình, Hà Giang), nước khoáng (Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình). Một số khoáng sản khai thác quy mô nhỏ: chì – kẽm (Bắc Kạn), thiếc (Cao Bằng),…
- Khoáng sản được khai thác là nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất điện và các ngành công nghiệp khác. Có một số nhà máy nhiệt điện than như Na Dương (Lạng Sơn) 110 MW, Sơn Động (Bắc Giang) 220 MW, An Khánh (Thái Nguyên) 120 MW. Sản phẩ m công nghiệp chế biến khoáng sản nổi bật là xi măng, phân bón,…
- Khai thác khoáng sản có tác động đến môi trường, cần hạn chế tác động xấu tới môi trường cũng như đối với các ngành khác mà vùng có nhiều tiềm năng.
2. Phát triển thủy điện
a) Thế mạnh
- Có hệ thống sông Hồng chiếm trên 30% trữ lượng thủy năng của cả nước (11 triệu kW), trong đó sông Đà gần 6 triệu kW. Có nhiều sông, suối, thuận lợi xây dựng các nhà máy thủy điện có công suất vừa và nhỏ.
- Nhu cầu về điện trong nước ngày càng tăng, khoa học – công nghệ tiên tiến, chính sách phát triển phù hợp, nguồn vốn đầu tư lớn.
b) Khai thác thế mạnh
- Đã xây dựng nhiều nhà máy thủy điện có công suất lớn. Trên sông Đà có 3 nhà máy thủy điện lớn nhất cả nước (Lai Châu – 1200 MW, Sơn La – 2400 MW, Hòa Bình – 1920 MW), các nhà máy thủy điện khác như Huội Quảng – 520 MW, Tuyên Quang 342 MW, Bản Chát – 220 MW, Thác Bà – 110 MW. Trên các sông, suối nhỏ đã xây dựng nhiều nhà máy thủy điện công suất vừa và nhỏ.
- Phát triển thủy điện góp phần khai thác thế mạnh, cung cấp năng lượng cho vùng và cả nước, tạo động lực mới cho sự phát triển của vùng.
- Cần chú ý đến việc giải quyết hài hòa vấn đề khai thác, sử dụng nguồn nước giữa thủy điện và thủy lợi; quản lí và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; khai thác hiệu quả vùng lòng hồ, phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch; bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nguồn nước cho các hồ thủy điện.
3. Phát triển cây công nghiệp, rau quả có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới
a) Thế mạnh
- Địa hình phần lớn là đồi núi, xen kẽ các cao nguyên có bề mặt tương đối phẳng, có đất feralit chiếm diện tích lớn, tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả và rau tập trung.
- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh, phân hóa theo độ cao, thuận lợi trồng cây công nghiệp, cây ăn quả các loại rau nhiệt đới, cận nhiệt, ôn đới.
- Nguồn nước dồi dào, cung cấp nước tưới.
- Nguồn lao động: người dân có nhiều kinh nghiệm trồng và canh tác cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc.
- Các chính sách nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ.
- Ứng dụng khoa học – công nghệ trong trồng, chế biến sản phẩm cây công nghiệp, cây ăn quả.
- Thị trường tiêu thụ được mở rộng trong và ngoài nước.
b) Khai thác thế mạnh
- Cây công nghiệp: là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ 3 cả nước (sau Tây Nguyên và Đông Nam Bộ). Các loại cây lâu năm được trồng là chè, cà phê, hồi, quế, trong đó quan trọng số 1 là cây chè, năm 2021, diện tích chè đạt trên 90 nghìn ha, chiếm hơn 70% diện tích cả nước. Các tỉnh trồng chè nhiều là Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, sản phẩm chè được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn (Đức, Pháp, Anh). Cà phê được trồng ở khu vực Tây Bắc, chủ yếu ở Sơn La, Điện Biên.
- Cây ăn quả: phát triển mạnh, cơ cấu đa dạng. Các cây phát triển mạnh là xoài, nhãn, mận (Sơn La), vải (Bắc Giang), đào, lê (Lai Châu, Điện Biên), cam, quýt, bưởi (Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ). Tích cực áp dụng khoa học – công nghệ trong trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm cây ăn quả.
- Rau và cây khác: có diện tích rau cận nhiệt và ôn đới khá lớn. Chủ yếu là su su, bắp cải, cà chua, súp lơ, cải thảo,… Các tỉnh có diện tích rau lớn là Lào Cai, Yên Bái, Sơn La,… Một số tỉnh trồng dưới tán rừng các cây dược liệu quý (đương quy, đỗ trọng, tam thất, sâm Lai Châu) ở Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai.
- Hướng phát triển: sản xuất nông nghiệp hàng hóa, an toàn, phát triển nông nghiệp hữu cơ; tăng diện tích cây ăn quả, phát triển cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến.
4. Phát triển chăn nuôi gia súc lớn
a) Thế mạnh
- Có một số cao nguyên khá bằng phẳng (Mộc Châu, Sơn La,…) nhiều đồng cỏ tự nhiên thuận lợi cho chăn nuôi gia súc. Các điều kiện về khí hậu, nguồn nước thuận lợi cho phát triển chăn nuôi.
- Các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi đã được đầu tư ngày càng đồng bộ và hiện đại hơn. Nhiều công nghệ mới được ứng dụng trong chăn nuôi và chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không ngừng được mở rộng.
b) Khai thác thế mạnh
- Đã ứng dụng khoa học – công nghệ trong chăn nuôi, hình thức chăn nuôi đa dạng hơn, chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp được phát triển rộng rãi. Các loại gia súc lớn phổ biến là trâu, bò, ngựa.
- Đàn trâu: số lượng lớn nhất cả nước, các tỉnh nuôi nhiều: Hà Giang, Điện Biên, Sơn La.
- Đàn bò (lấy thịt và lấy sữa): có xu hướng tăng, các tỉnh có số lượng bò lớn là Sơn La, Bắc Giang, Hà Giang. Sơn là có số lượng bò lớn nhất vùng với 373,3 nghìn con (chiếm 30,8% đàn bò cả vùng 2021). Bò sữa nuôi tập trung ở cao nguyên Mộc Châu.
- Chăn nuôi ngựa là nét đặc trưng của vùng. Các tỉnh có số lượng ngựa nhiều là Hà Giang, Lào Cai,…
- Hướng phát triển: phát triển vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh với quy mô phù hợp, hiệu quả cao dựa trên lợi thế của vùng; đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thức ăn để chủ động nguồn thức ăn, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ trong chăn nuôi, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi.
III. Ý NGHĨA CỦA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỐI VỚI QUỐC PHÒNG AN NINH
- Vùng có diện tích rộng lớn, việc phát triển kinh tế không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn củng cố được sức mạnh quốc phòng an ninh.
- Vùng tiếp giáp Trung Quốc và Lào, có nhiều cửa khẩu thông thương. Đẩy mạnh phát triển kinh tế của vùng, xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng an ninh.
- Vùng là nơi cư trú của nhiều dân tộc thiểu số, là căn cứ địa cách mạng, phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc; đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng về đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Qua đó, ổn định an ninh xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh.
Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm Bài 23: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ
Trắc nghiệm Bài 24: Phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Hồng
Trắc nghiệm Bài 25: Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ở Bắc Trung Bộ
Trắc nghiệm Bài 26: Phát triển kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ
Trắc nghiệm Bài 28: Khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế ở Tây Nguyên