25 câu Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 10 (Kết nối tri thức) có đáp án: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

1.2 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 10: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế sách Kết nối tri thức. Bài viết gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 10: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 10: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Phần 1. 25 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 10: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Câu 1. Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh do

A. nước ta gia nhập WTO, mở cửa hội nhập.

B. nước ta đổi mới quản lí, giàu có tài nguyên.

C. tăng cường sự quản lí của tập thể, cá nhân.

D. thu hút đầu tư, mở rộng khu công nghiệp.

Chọn A

Sau đổi mới, nước ta chủ trương mở cửa hội nhập quốc tế theo hướng đa phương hóa. Đặc biệt, năm 2007 nước ta gia nhập WTO từ đó nhận được nhiều đầu tư và hợp tác song phương, đa phương hơn giúp nền kinh tế ngày càng phát triển, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh.

Câu 2. Ngành kinh tế nào sau đây có đóng góp vảo GDP cao nhất?

A. Công nghiệp.

B. Dịch vụ.

C. Nông nghiệp.

D. Xây dựng.

Chọn B

Dịch vụ là ngành kinh tế có đóng góp vào GDP của cả nước lớn nhất và ngày càng tăng theo thời gian, năm 2021 đóng góp hơn 41% vào cơ cấu GDP theo ngành kinh tế.

Câu 3. Khu vực kinh tế Nhà nước có đặc điểm nào sau đây?

A. Có tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP.

B. Giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

C. Phát huy các nguồn lực trong nhân dân.

D. Quản lí các hoạt động vui chơi giải trí.

Chọn B

Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ những ngành then chốt và những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Câu 4. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có đặc điểm nào sau đây?

A. Có tỉ trọng nhỏ nhất trong cơ cấu GDP.

B. Giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

C. Phát huy các nguồn lực trong nhân dân.

D. Có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư.

Chọn C

Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật cho phép, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đây là thành phần kinh tế phát huy nguồn lực trong nhân dân, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương và cả nước.

Câu 5. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có đặc điểm nào sau đây?

A. Có tỉ trọng nhỏ nhất trong cơ cấu GDP.

B. Giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

C. Phát huy các nguồn lực trong nhân dân.

D. Có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư.

Chọn D

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được hình thành và phát triển trong vài thập kỉ gần đây, song giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lí hiện đại, góp phần thúc đẩy quá trình tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và hội nhập quốc tế của nước ta.

Câu 6. Thành phần kinh tế nào có số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm lớn nhất?

A. Kinh tế Nhà nước.

B. Kinh tế tập thể.

C. Kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể.

D. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Chọn C

Thành phần kinh tế có số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm lớn nhất là kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể.

Câu 7. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp nước ta hiện nay

A. giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác, tăng công nghiệp chế biến.

B. tăng tỉ trọng công nghiệp khai thác, giảm công nghiệp chế biến.

C. chú trọng phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, ít vốn.

D. phát triển công nghiệp sản xuất, phân phối điện và khai khoáng.

Chọn A

Ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, chú trọng những ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ từng bước được hình thành và phát triển.

Câu 8. Xu hướng chuyển dịch trong khu vực I ở nước ta hiện nay

A. giảm tỉ trọng ngành chăn nuôi.

B. tăng tỉ trọng ngành thủy sản.

C. tăng tỉ trọng ngành lâm nghiệp.

D. giảm tỉ trọng ngành thủy sản.

Chọn B

Đối với nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, cơ cấu dịch chuyển theo hướng tăng tỉ trọng của ngành thủy sản, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp. Giá trị các sản phẩm nông nghiệp được nâng cao qua việc liên kết với công nghiệp chế biến, các dịch vụ nông nghiệp, theo chuỗi giá trị: sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

Câu 9. Trong nội bộ từng ngành công nghiệp, xu thế chuyển dịch hiện nay ở nước ta là

A. tăng tỉ trọng các sản phẩm được sản xuất bởi sức người, truyền thống.

B. tăng tỉ trọng các sản phẩm cao cấp, có chất lượng và có sức cạnh tranh.

C. giảm tỉ trọng sử dụng các sản phẩm chất lượng thấp và sản phẩm ngoại.

D. giảm tỉ trọng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh.

Chọn B

Trong nội bộ từng ngành công nghiệp, xu thế chuyển dịch hiện nay ở nước ta là tăng tỉ trọng các sản phẩm cao cấp, có chất lượng, có sức cạnh tranh để nhằm mục tiêu phát triển nền kinh tế hàng hóa, hướng ra thị trường xuất khẩu.

Câu 10. Cơ cấu ngành kinh tế của nước ta đang chuyển dịch theo hướng nào sau đây?

A. Tăng tỉ trọng khu vực I, giảm tỉ trọng khu vực II và III.

B. Giảm tỉ trọng khu vực I, tăng tỉ trọng khu vực II và III.

C. Tăng tỉ trọng khu vực I và III, giảm tỉ trọng khu vực II.

D. Giảm tỉ trọng khu vực II và I, tăng tỉ trọng khu vực III.

Chọn B

Cơ cấu kinh tế theo ngành có sự chuyển dịch theo hướng: giảm tỉ trọng nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I); tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp và xây dựng (khu vực II), dịch vụ (khu vực III). Công nghiệp trở thành động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Câu 11. Cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế, thành phần nào sau đây có vai trò ngày càng quan trọng và tỉ trọng tăng nhanh nhất?

A. Kinh tế nhà nước.

B. Kinh tế tập thể.

C. Có vốn đầu tư nước ngoài.

D. Kinh tế tư nhân.

Chọn C

Trong cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế, có vai trò ngày càng quan trọng và tỉ trọng tăng nhanh nhất là kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lí hiện đại, góp phần thúc đẩy quá trình tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và hội nhập quốc tế của nước ta.

Câu 12. Khu vực II có sự chuyển dịch theo hướng nào sau đây?

A. Tăng tỉ trọng của ngành thủy sản, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp.

B. Tăng tỉ trọng công nghiệp khai thác, giảm tỉ trọng công nghiệp chế biến.

C. Tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác.

D. Tăng tỉ trọng của ngành nông nghiệp, giảm tỉ trọng của ngành thủy sản.

Chọn C

Ngành công nghiệp (khu vực II) chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, chú trọng những ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ từng bước được hình thành và phát triển.

Câu 13. Khu vực I có sự chuyển dịch theo hướng nào sau đây?

A. Tăng tỉ trọng của ngành thủy sản, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp.

B. Tăng tỉ trọng công nghiệp khai thác, giảm tỉ trọng công nghiệp chế biến.

C. Tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác.

D. Tăng tỉ trọng của ngành nông nghiệp, giảm tỉ trọng của ngành thủy sản.

Chọn A

Đối với nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I), cơ cấu dịch chuyển theo hướng tăng tỉ trọng của ngành thủy sản, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp. Giá trị các sản phẩm nông nghiệp được nâng cao qua việc liên kết với công nghiệp chế biến, các dịch vụ nông nghiệp, theo chuỗi giá trị: sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

Câu 14. Khu vực III có sự chuyển dịch theo hướng nào sau đây?

A. Tăng tỉ trọng của ngành thủy sản và giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp.

B. Đa dạng, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tăng cường chuyển đổi số.

C. Tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến và giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác.

D. Khuyến khích phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật cho phép.

Chọn B

Nhóm ngành dịch vụ (khu vực III) phát triển theo hướng đa dạng, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tăng cường chuyển đổi số, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, logistics, du lịch,...

Câu 15. Trong cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế, khu vực nào giữ vai trò chủ đạo?

A. Có vốn đầu tư nước ngoài.

B. Kinh tế Nhà nước.

C. Kinh tế ngoài Nhà nước.

D. Kinh tế tư nhân.

Chọn B

Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ những ngành then chốt và những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Câu 16. Thành phần kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nước ta hiện nay do

A. chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu GDP, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn.

B. nắm giữ những ngành then chốt, những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

C. chi phối hoạt động của tất cả các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

D. có số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm nhiều nhất trên cả nước.

Chọn B

Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ những ngành then chốt và những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Câu 17. Năm 1995 Việt Nam gia nhập tổ chức nào sau đây?

A. WTO.

B. EU.

C. ASEAN.

D. NAFTA.

Chọn C

Vào tháng 7 năm 1995 Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2007, Việt Nam gia nhập tổ chức WTO; EU là Liên minh châu Âu và NAFTA là Hiệp định tự do Bắc Mĩ.

Câu 18. Việt Nam là thành viên thứ bao nhiêu của WTO?

A. 149.

B. 150.

C. 151.

D. 152.

Chọn B

WTO được thành lập nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại. Tính đến thời điểm hiện tại năm 2023, WTO bao gồm 164 thành viên trên tổng số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, năm 2007 Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của WTO.

Câu 19. Việt Nam là thành viên của những tổ chức nào sau đây?

A. ASEAN, APEC, ASEM, WB.

B. ASEAN, EU, ASEM, WHO.

C. ASEAN, AU, ASEM, NAFTA.

D. ASEAN, EU, ASEM, WTO.

Chọn A

Việt Nam là thành viên của các tổ chức như Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Ngân hàng thế giới (WB). Còn EU - Liên minh châu Âu; NAFTA - Hiệp định thương mại mậu dịch Bắc Mĩ; AU - Liên minh châu Phi là những tổ chức Việt Nam không phải là thành viên.

Câu 20. Ngành thương mại của Việt Nam phát triển mạnh sau khi gia nhập tổ chức nào sau đây?

A. ASEAN.

B. WTO.

C. ASEM.

D. WHO.

Chọn B

Nguyên nhân khiến nước ta phát triển mạnh ngành thương mại chủ yếu do năm 2007 nước ta trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nên mở rộng buôn bán, xuất nhập khẩu với nhiều nước trên thế giới (từ châu Âu, châu Mĩ đến các nước trong khu vực, châu Á).

Câu 21. Đặc điểm nào sau đây không đúng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay?

A. Chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa.

B. Tỉ trọng khu vực I cao nhưng giảm nhanh.

C. Khu vực III chiếm tỉ trọng ngày càng thấp.

D. Hình thành nhiều vùng kinh tế trọng điểm.

Chọn C

Hiện nay, cơ cấu kinh tế (ngành, thành phần, lãnh thổ) đang chuyển dịch theo hướng diện đại hóa; trong nội bộ từng cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo ngành (khu vực I giảm, khu vực II, III tăng); theo thành phần (Nhà nước giảm, ngoài Nhà nước tăng); theo lãnh thổ thì hình thành các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các vùng kinh tế trọng điểm, vùng chuyên canh,…

Câu 22. Ở nước ta không có vùng kinh tế trọng điểm nào sau đây?

A. Phía Nam.

B. Phía Bắc.

C. Miền trung.

D. Nam Bộ.

Chọn D

Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ của nước ta có sự chuyển biến rõ nét được thể hiện việc hình thành các vùng kinh tế trọng điểm. Nước ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm, đó là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam, miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.

Câu 23. Toàn cầu hóa là xu thế của

A. các nước kém phát triển.

B. các nước phát triển.

C. các nước đang phát triển.

D. của toàn thế giới.

Chọn D

Toàn cầu hóa là sự liên kết giữa các quốc gia trên thế giới về nhiều mặt (kinh tế, văn hóa, xã hội…). Toàn cầu hóa, khu vực hóa là một xu thế của toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Đây là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thế giới.

Câu 24. Xu thế lớn tác động đến nền kinh tế - xã hội nước ta hiện nay là

A. phát triển công nghệ cao và bền vững.

B. phát triển nền kinh tế tri thức, số hóa.

C. thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

D. toàn cầu hoá và khu vực hóa kinh tế.

Chọn D

Toàn cầu hóa là sự liên kết giữa các quốc gia trên thế giới về nhiều mặt (kinh tế, văn hóa, xã hội,…)  ->  quá trình này có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của nền KT - XH, thúc đẩy đổi mới, hội nhập và phát triển của các nước trong đó có VN. Đây là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thế giới.

Câu 25. Chiến lược quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là

A. chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ kinh tế.

B. chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế.

C. thúc đẩy quá trình đô thị hóa đất nước.

D. thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Chọn D

Chiến lược quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 10: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

I. Ý NGHĨA CỦA SỰ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ

- Phát huy các lợi thế so sánh, khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn lực của đất nước, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn.

- Tăng cường cập nhật, áp dụng khoa học – công nghệ, tạo nên các phương thức quản lí mới, hiện đại. Qua đó, nâng cao trình độ lao động, tăng năng suất và hiệu quả lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư.

- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tạo ra năng lực sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn, chất lượng cao, tham gia và các chuỗi giá trị toàn cầu, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.

II. CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ

1. Chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, chủ yếu dựa vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng áp dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

- Khu vực công nghiệp và dịch vụ có vai trò quan trọng và tỉ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu kinh tế. Từ đó, cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo hướng gia tăng lực lượng lao động có kĩ thuật và trình độ cao hơn.

- Sự chuyển dịch cơ cấu theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ hướng đến khai thác tốt hơn nguồn lực của đất nước, của các địa phương, đồng thời tăng cường mối liên kết giữa các ngành, giữa các địa phương và với quốc tế.

- Sự chuyển dịch không chỉ đạt được mục tiêu tăng trưởng mà còn hướng đến sự phát triển bền vững.

2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ

a) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành

- Cơ cấu kinh tế theo ngành có sự chuyển dịch theo hướng: giảm tỉ trọng nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (từ 15,4% năm 2010 xuống 12,6% năm 2021); tăng tỉ trong nhóm ngành công nghiệp và xây dựng (từ 33% năm 2010 lên 37,5% năm 2021), dịch vụ (từ 40,6% năm 2010 lên 41,2% năm 2021). Công nghiệp trở thành động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.

- Trong mỗi nhóm ngành, chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các ngành có hiệu quả kinh tế và hàm lượng khoa học – công nghệ cao, giảm tỉ trọng của các ngành có hiệu quả kinh tế thấp, sử dụng nhiều tài nguyên và lao động.

+ Nhóm ngành nông – lâm – thủy sản: tăng tỉ trọng ngành thủy sản, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp. Giá trị các sản phẩm nông nghiệp được nâng cao qua việc liên kết với công nghiệp chế biến, các dịch vụ nông nghiệp, theo chuỗi giá trị: sản xuất – chế biến – tiêu thụ.

+ Ngành công nghiệp: giảm tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chú trọng những ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ từng bước được hình thành và phát triển.

+ Nhóm ngành dịch vụ: phát triển đa dạng, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tăng cường chuyển đổi số, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, logistics, du lịch,…

- Giải thích: sự chuyển dịch trên là kết quả của công cuộc Đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Nhà nước; sự tác động của các yếu tố về khoa học – công nghệ, xu hướng khu vực hóa và quốc tế hóa.

b) Chuyển dịch theo thành phần kinh tế

- Cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế nước ta chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng của kinh tế Nhà nước (giảm từ 29,3% năm 2010 xuống còn 21,2% năm 2021), tăng tỉ trọng của kinh tế ngoài Nhà nước (từ 43% năm 2010 lên 50,1% năm 2021) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (từ 15,2% năm 2010 lên 20% năm 2021).

- Sự chuyển dịch trên là kết quả của đường loodi phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; tăng cường mở cửa, hội nhập với nền kinh tế của thế giới; áp dụng cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Vai trò của các thành phần kinh tế:

+ Kinh tế Nhà nước: giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ những ngành then chốt, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

+ Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước: được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật cho phép, nhất là trogn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Là thành phần kinh tế phát huy nguồn lực trong nhân dân, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương và cả nước.

+ Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: được hình thành và phát triển trong vài thập kỉ gần đây, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lí hiện đại, góp phần thúc đẩy quá trình tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và hội nhập quốc tế của nước ta.

c) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ

- Trên phạm vi cả nước hình thành 6 vùng kinh tế - xã hội. Các hình thức lãnh thổ khác như khu kinh tế, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, hành lang kinh tế,… được hình thành ở nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

- Các ngành kinh tế cũng chuyển dịch theo hướng khai thác lãnh thổ có hiệu quả hơn:

+ Trong nông nghiệp: hình thành các vùng chuyên canh, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại,…

+ Trong công nghiệp: hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp công nghệ cao, sự mở rộng các trung tâm công nghiệp,… với vai trò là động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

+ Trong dịch vụ: mở rộng các cơ sở dịch vụ, phát triển theo hướng hiện đại, phục vụ tốt hơn cho các ngành sản xuất vật chất, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

- Sự chuyển dịch trên là kết quả của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và theo thành phần kinh tế ở nước ta. Hướng đến mục tiêu khai thác tốt hơn lợi thế của các lãnh thổ khác nhau, huy động được các nguồn lực về cả tài nguyên, lao động, nguồn vốn, khoa học – công nghệ,… để mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá