20 câu Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 8 (Kết nối tri thức) có đáp án: Đô thị hoá

1.2 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 8: Đô thị hoá sách Kết nối tri thức. Bài viết gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 8: Đô thị hoá. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 8: Đô thị hoá

Phần 1. 20 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 8: Đô thị hoá

Câu 1. Hai đô thị đặc biệt của nước ta là

A. Hải Phòng, Đà Nẵng.

B. Hà Nội, Hải Phòng.

C. TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.

D. Hà Nội, Cần Thơ.

Chọn C

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt của Việt Nam.

Câu 2. Đô thị hóa ở nước ta có đặc điểm nào sau đây?

A. Gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

B. Tỉ lệ dân cư thành thị có xu hướng giảm.

C. Các đô thị phân bố đồng đều ở các vùng.

D. Mạng lưới đô thị ngày càng thu hẹp lại.

Chọn A

Đặc điểm của đô thị hóa nước ta là

- Đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Mạng lưới đô thị ngày càng mở rộng và thay đổi chức năng.

Câu 3. Giải pháp chủ yếu và lâu dài nhằm giảm bớt tình trạng di dân tự do vào các đô thị là

A. phát triển và mở rộng hệ mạng lưới đô thị ra các vùng ven đô thị.

B. giảm tỉ suất gia tăng dân số ở nông thôn, tăng tỉ lệ sinh ở thành thị.

C. kiểm soát việc nhập hộ khẩu từ người dân nông thôn về thành phố.

D. phát triển kinh tế nông thôn, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn.

Chọn D

Để giảm bớt tình trạng di dân tự do vào các đô thị tìm việc làm thì giải pháp chủ yếu và lâu dài nhất là xây dựng nông thôn mới, đa dạng hóa hoạt động kinh tế ở nông thôn từ đó sẽ tạo ra nhiều việc làm ở các khu vực nông thôn.

Câu 4. Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị ở nước ta trong những năm qua có đặc điểm nào sau đây?

A. Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị đều tăng.

B. Số dân thành thi tăng và tỉ lệ dân thành thị giảm.

C. Số dân thành thi giảm và tỉ lệ dân thành thị tăng.

D. Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị đều giảm.

Chọn A

Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị ở nước ta trong những năm qua có đặc điểm số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị đều tăng.

Câu 5. Vùng nào sau đây ở nước ta có dân số đô thị lớn nhất?

A. Đồng bằng sông Hồng.

B. Đông Nam Bộ.

C. Duyên hải Nam Trung Bộ.

D. Đồng bằng sông Cửu Long.

Chọn B

Vùng có số dân đô thị nhiều nhất nước ta là vùng Đông Nam Bộ với 12,2 triệu người (2021), vùng tiếp theo là Đồng bằng sông Hồng với 8,7 triệu người (2021).

Câu 6. Vùng nào sau đây ở nước ta có số lượng đô thị nhiều nhất?

A. Đồng bằng sông Hồng.

B. Trung du và miền núi Bắc Bộ.

C. Duyên hải Nam Trung Bộ.

D. Đồng bằng sông Cửu Long.

Chọn B

Năm 2021, Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có số lượng đô thị nhiều nhất (158 đô thị), tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (154 đô thị) và Đồng bằng sông Hồng (140 đô thị).

Câu 7. Các đô thị trực thuộc Trung ương ở nước ta là

A. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hạ Long, Hải Phòng, Đà nẵng.

B. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nha Trang, Cần Thơ.

C. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

D. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quy Nhơn.

Chọn C

Về phương diện quản lí, cấp Trung ương quản lí Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Cấp tỉnh quản lí các thành phố trực thuộc tỉnh (đô thị loại I, loại II, loại III) và thị xã (đô thị loại III, loại IV). Cấp huyện quản lí các thị trấn (đô thị loại IV, loại V).

Câu 8. Hiện nay, đô thị nào sau đây ở nước ta có diện tích lớn nhất?

A. Hà Nội.

B. TP Hồ Chí Minh.

C. Hải Phòng.

D. Đà Nẵng.

Chọn A

Hà Nội là đô thị có diện tích lớn nhất nước ta hiện nay và không ngừng được mở rộng ra vùng ngoài thành. Hiện nay, Hà Nội có diện tích là 3 360 km2.

Câu 9. Phần lớn dân cư nước ta hiện sống ở khu vực nông thôn do

A. ngành nông nghiệp phát triển nhất.

B. điều kiện sống ở nông thôn khá cao.

C. quá trình đô thị hóa diễn ra chậm.

D. dân cư di dân nhiều về nông thôn.

Chọn C

Quá trình đô thị hóa của nước ta diễn ra chậm với hàng nghìn năm mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn ở mức thấp. Vì vậy, phần lớn dân cư ở nước ta vẫn chủ yếu sống ở các vùng nông thôn (chiếm khoảng 70% dân số).

Câu 10. Hệ thống đô thị của Việt Nam hiện nay được chia thành

A. 3 loại.

B. 4 loại.

C. 5 loại.

D. 6 loại.

Chọn D

Dựa trên các tiêu chí về vị trí, chức năng, vai trò; quy mô và mật độ dân số; tỉ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan, đô thị nước ta được phân thành 6 loại: Loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận.

Câu 11. Ảnh hướng lớn nhất của đô thị hóa tới sự phát triển kinh tế  ở nước ta là

A. giải quyết việc làm và gia tăng phúc lợi.

B. tăng thêm tỉ lệ lao động có chuyên môn.

C. thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

D. mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Chọn C

Đối với sự phát triển kinh tế quá trình đô thị hóa góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế. Các đô thị đóng góp lớn vào GDP của vùng, hình thành các cực tăng trưởng kinh tế, thu hút các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Câu 12. Vào khoảng thế kỉ III TCN, xuất hiện đô thị nào sau đây?

A. Tây Đô.

B. Hoa Lư.

C. Phú Xuân.

D. Cổ Loa.

Chọn D

Thế kỉ III trước Công nguyên, nước ta hình thành đô thị đầu tiên là Thành Cổ Loa với chức năng hành chính là kinh đô của Nhà nước Âu Lạc.

Câu 13. Thành phố nào sau đây ở nước ta trực thuộc tỉnh?

A. Hải Phòng.

B. Đà Nẵng.

C. Đồng Hới.

D. Cần Thơ.

Chọn C

Các thành phố trực thuộc Trung ương của nước ta là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đồng Hới là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Bình.

Câu 14. Hậu quả của đô thị hóa tự phát không phải là

A. sức ép lớn vấn đề việc làm.

B. gây ra ô nhiễm môi trường.

C. mất an ninh, trật tự xã hội.

D. cải thiện đời sống nhân dân.

Chọn D

Đô thị hóa tự phát là sự di dân tự do, ồ ạt từ nông thôn ra thành thị -> quá trình di dân này thiếu quy hoạch khoa học, không có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương -> Dân cư tập trung quá đông tại một địa điểm ->  nảy sinh nhiều vấn đề về nhà ở, thiếu việc làm, ô nhiễm môi trường, mất trật tự xã hội.

Câu 15. Căn cứ vào các tiêu chí nào để phân loại các đô thị ở nước ta hiện nay?

A. Mật độ dân số, tỉ lệ lao động công nghiệp, diện tích, vị trí và vai trò.

B. Số dân, chức năng, mật độ dân số, tỉ lệ dân phi nông nghiệp, hạ tầng.

C. Các khu công nghiệp tập trung, chức năng, mật độ dân số và số dân.

D. Tỉ lệ lao động phi nông nghiệp, mật độ dân số, các khu công nghiệp.

Chọn B

Dựa trên các tiêu chí về vị trí, chức năng, vai trò; quy mô và mật độ dân số; tỉ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan, đô thị nước ta được phân thành 6 loại: Loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt của Việt Nam.

Câu 16. Tỉ lệ dân thành thị của nước ta còn thấp do

A. nông nghiệp phát triển rất nhanh.

B. quá trình đô thị hóa diễn ra chậm.

C. nông thôn có mức sống khá cao.

D. mức sống các thành thị khá thấp.

Chọn B

Tỉ lệ dân thành thị của nước ta còn thấp (khoảng 37% năm 2021) chủ yếu do quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra còn chậm, không gian đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ngoài ra, còn do tâm lí người dân sống quen ở các khu vực nông thôn từ trước.

Câu 17. Nước ta phân thành các đô thị trực thuộc Trung ương và các đô thị trực thuộc tỉnh là dựa vào phương diện nào sau đây? 

A. Tỉ lệ phi nông nghiệp.

B. Phương diện quản lí. 

C. Mật độ dân số đô thị.

D. Chức năng từ đô thị. 

Chọn B

Về phương diện quản lí, cấp Trung ương quản lí Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Cấp tỉnh quản lí các thành phố trực thuộc tỉnh (đô thị loại I, loại II, loại III) và thị xã (đô thị loại III, loại IV). Cấp huyện quản lí các thị trấn (đô thị loại IV, loại V).

Câu 18. Biểu hiện rõ rệt nhất về sức ép của gia tăng dân số nhanh đến chất lượng cuộc sống là

A. nguồn tài nguyên dần cạn kiệt.

B. ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi.

C. kinh tế phát triển tương đối chậm.

D. GDP bình quân đầu người giảm.

Chọn D

Về sức ép của gia tăng dân số nhanh sẽ tác động đến kinh tế. Từ đó làm giảm GDP bình quân đầu người.

Câu 19. Công nghiệp hóa phát triển mạnh là nguyên nhân dẫn tới

A. kìm hãm sự phát triển của đô thị hóa.

B. số lượng đô thị lớn ngày càng giảm.

C. quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

D. sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm.

Chọn C

Thời gian qua, nước ta đã thực hiện chính sách Đổi mới nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các đô thị xuất hiện ngày càng nhiều và không gian đô thị ngày càng được mở rộng.

Câu 20. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã làm nảy sinh ra các vấn đề nào sau đây?

A. Ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự xã hội.

B. An ninh trật tự xã hội, di dân và tộc người.

C. Gia tăng dân số tự nhiên và nông thôn hóa.

D. Áp lực việc làm, gia tăng dân số rất nhanh.

Chọn A

Quá trình đô thị hoá ở nước ta đã nảy sinh những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, an ninh trật tự xã hội. Đặc biệt là các tệ nạn xã hội (mại dâm, thất nghiệp, ma túy,…) và ô nhiễm nặng nề về môi trường (nước, không khí,…) ở các đô thị.

Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 8: Đô thị hoá

I. ĐẶC ĐIỂM ĐÔ THỊ HÓA Ở VIỆT NAM

- Đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

+ Năm 2021, tỉ lệ dân thành thị là 37,1%, nhiều đô thị được đầu tư quy hoạch đồng bộ về cơ sở hạ tầng, xuất hiện ngày càng nhiều đô thị hiện đại, đô thị thông minh. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng kinh tế, trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.

+ Tỉ lệ dân thành thị giữa các vùng có sự khác biệt, năm 2021, tỉ lệ dân thành thị của Đông Nam Bộ là 66,4%, Trung du và miền núi Bắc Bộ là 20,5%.

- Số lượng đô thị ngày càng mở rộng và thay đổi chức năng: tổng số đô thị nước ta năm 2021 là 749 đô thị, không chỉ có chức năng hành chính mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo có ý nghĩa thu hút đầu tư và lan tỏa sự phát triển đến các địa phương lân cận.

II. MẠNG LƯỚI ĐÔ THỊ VIỆT NAM

- Số lượng đô thị tăng khá nhanh: mạng lưới đô thị bao gồm TP trực thuộc Trung ương; thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố và thị xã; thị trấn. Bước sang thế kỉ XXI, tổng số đô thị tăng khá nhanh, số lượng thành phố tăng nhanh nhất.

- Phân loại đô thị: dựa vào tiêu chí về vị trí, chức năng, vai trò, quy mô và mật độ dân số, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan ⇒ đô thị nước ta phân thành 6 loại: loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV, loại V, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 đô thị đặc biệt. Cấp Trung ương quản lí các TP trực thuộc Trung ương, cấp tỉnh quản lí TP trực thuộc tỉnh (loại I, II, III) và thị xã (loại III, IV), cấp huyện quản lí các thị trấn (loại IV, V).

- Mạng lưới đô thị phủ khắp các vùng nhưng có sự khác nhau giữa các vùng: Tập trung xây dựng các vùng đô thị, hành lang đô thị, dải đô thị ven biển, các đô thị động lực của từng vùng và cả nước, đô thị kết nối khu vực và quốc tế. Phát triển chuỗi đô thị ven biển, đô thị hải đảo gắn với chiến lược kinh tế biển và đảm bảo quốc phòng an ninh.

III. ẢNH HƯỞNG CỦA ĐÔ THỊ HÓA

1. Ảnh hưởng tích cực

- Đô thị hóa kéo theo sự chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao hơn. Năng suất lao động cao là nhân tố quyết định phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

- Đô thị hóa là động lực phát triển kinh tế của cả nước và các địa phương. Năm 2021, đô thị chiếm 36,2% số lao động đang làm việc cả nước nhưng đóng góp tới 70% GDP, tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách. Trình độ đô thị hóa càng cao, tỉ lệ lao động đô thị càng lớn, đóng góp cho GDP càng nhiều, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh.

- Đô thị hóa sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng kĩ thuật, xã hội như: điện nước, đường sá, trường học, bệnh viện, hệ thống thông tin liên lạc, thương mại, ngân hàng, tài chính, … phục vụ tốt hơn cho sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

- Đô thị hóa nông thôn góp phần phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; lan tỏa và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị vào nông thôn; môi trường, cảnh quan nông thôn biến đổi theo hướng hiện đại hơn.

2. Ảnh hưởng tiêu cực

- Đô thị hóa diễn ra tự phát, không theo quy hoạch sẽ gây sức ép việc làm, quá tải về cơ sở hạ tầng – vật chất kĩ thuật, nảy sinh các vấn đề an ninh xã hội và ô nhiễm môi trường.

Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá