25 câu Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 3 (Kết nối tri thức) có đáp án: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên

2.1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên sách Kết nối tri thức. Bài viết gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên

Phần 1. 25 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên

Câu 1. Đai ôn đới gió mùa trên núi có đặc điểm khí hậu nào sau đây?

A. Khí hậu mát mẻ với nhiệt độ trung bình dưới 20oC.

B. Quanh năm nhiệt độ dưới 15oC, mùa đông dưới 5oC.

C. Mùa hạ nóng trên 25oC và mùa đông lạnh dưới 12oC.

D. Quanh năm lạnh với nhiệt độ trung bình dưới 12oC.

Chọn B

Đai ôn đới gió mùa trên núi (độ cao từ 2600m trở lên) có đặc điểm khí hậu mang tính chất ôn đới, tổng nhiệt độ hoạt động dưới 4 500°C, quanh năm nhiệt độ dưới 15°C, mùa đông nhiệt độ xuống dưới 5°C.

Câu 2. Khí hậu ở đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi có đặc điểm nào sau đây?

A. Mùa hạ nóng, nhiệt độ trung bình tháng trên 25oC.

B. Mùa hè mát, nhiệt độ trung bình tháng dưới 25°C.

C. Quanh năm nhiệt độ dưới 15oC, mùa đông tuyết rơi.

D. Nóng, nhiệt độ trung bình các tháng đều trên 25oC.

Chọn B

Khí hậu ở đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi mát mẻ, tổng nhiệt độ dao động từ 4 500°C đến 7 500°C, mùa hè mát (nhiệt độ trung bình tháng dưới 25°C), mưa nhiều (trên 2 000 mm), độ ẩm cao.

Câu 3. Thành phần tự nhiên nào sau đây không có sự thay đổi theo đai cao?

A. Khí hậu.

B. Sông ngòi.

C. Thổ nhưỡng.

D. Sinh vật.

Chọn B

Càng lên cao, nhiệt độ và độ ẩm không khí càng thay đổi -> sự thay đổi về khí hậu theo đai cao. Sự thay đổi của khí hậu kéo theo sự biến đổi của các thành phần tự nhiên khác, đặc biệt là sinh vật và thổ nhưỡng.

Câu 4. Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ có đặc điểm khí hậu nào sau đây?

A. Khí hậu nhiệt đới, biên độ nhiệt độ trong năm nhỏ.

B. Trong năm chia thành mùa mưa và mùa khô rõ rệt.

C. Mùa đông lạnh, nhiều nơi xuất hiện rét đậm rét hại.

D. Vào mùa hạ, nhiều nơi gió fơn khô nóng hoạt động.

Chọn C

Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc của gió mùa Đông Bắc tạo nên một mùa đông lạnh, khi các đợt không khí lạnh tràn xuống liên tục có thể dẫn đến tình trạng rét đậm, rét hại. Chính vì thế, miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ là miền địa lí tự nhiên có mùa đông lạnh điển hình nhất nước ta.

Câu 5. Sự hình thành ba đai cao trước hết là do sự thay đổi theo độ cao của yếu tố nào dưới đây?

A. Khí hậu.

B. Sinh vật

C. Thổ nhưỡng.

D. Sông ngòi.

Chọn A

Càng lên cao, nhiệt độ và độ ẩm không khí càng thay đổi -> sự thay đổi về khí hậu theo đai cao -> khí hậu thay đổi kéo theo sự biến đổi của các thành phần tự nhiên khác (sinh vật, đất,...).

Câu 6. Khoáng sản nổi bật của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ là

A. than đá, sắt, kẽm, thiếc.

B. đá vôi, dầu mỏ, kẽm, chì.

C. dầu khí, bô-xit, titan, sắt.

D. thiếc, apatit, chì, dầu khí.

Chọn A

Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ có khoáng sản đa dạng như than đá ở Quảng Ninh, Thái Nguyên; than nâu ở đồng bằng sông Hồng; sắt ở Thái Nguyên,...; chì - kẽm ở Bắc Kạn; thiếc ở Cao Bằng; khí tự nhiên ở bể Sông Hồng...

Câu 7. Thiên nhiên nước ta không có đai cao nào dưới đây?

A. Đai cận nhiệt đới ẩm gió mùa.

B. Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi.

C. Đai nhiệt đới gió mùa.

D. Đai ôn đới gió mùa trên núi.

Chọn A

Theo độ cao, thiên nhiên ở nước ta được phân hóa thành ba đai cao, đó là: Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi; Đai nhiệt đới gió mùa; Đai ôn đới gió mùa trên núi.

Câu 8. Ở miền Nam đai cận nhiệt gió mùa trên núi có giới hạn nào sau đây?

A. Từ 700-1000m lên 2600m.

B. Từ 600-900m lên 2600m.

C. Từ 900-1200m lên 2600m.

D. Từ 800-1100m lên 2600m.

Chọn C

Ở miền Bắc, đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi bắt đầu từ độ cao khoảng 600 - 700 m đến 2 600 m, ở miền Nam từ khoảng 900 - 1 000 m đến 2 600 m.

Câu 9. Trong đai nhiệt đới gió mùa, khí hậu có đặc điểm nào dưới dưới đây?

A. Nóng quanh năm, mùa hạ có mưa lớn.

B. Mùa hạ nóng, độ ẩm thay đổi tùy nơi.

C. Mùa hè mát mẻ, lượng mưa và ẩm lớn.

D. Mùa đông có tuyết, mùa hạ nắng ấm.

Chọn B

Khí hậu nhiệt đới gió mùa biểu hiện rõ: tổng nhiệt độ hoạt động trung bình năm trên 7 500°C, mùa hạ nóng (nhiệt độ trung bình tháng trên 25°C), độ ẩm thay đổi tuỳ nơi.

Câu 10. Ở miền Bắc đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi có độ cao nào dưới đây?

A. Từ 600-700m lên 1600m.

B. Từ 700-800m lên 2600m

C. Từ 600-700m lên 2600m.

D. Từ 700-800m lên 1600m.

Chọn C

Ở miền Bắc, đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi bắt đầu từ độ cao khoảng 600 - 700 m đến 2 600 m, ở miền Nam từ khoảng 900 - 1 000 m đến 2 600 m.

Câu 11. Đai ôn đới gió mùa trên núi chỉ có ở vùng núi nào sau đây của nước ta?

A. Đông Bắc.

B. Tây Bắc.

C. Trường Sơn Bắc.

D. Trường Sơn Nam.

Chọn B

Đai ôn đới gió mùa trên núi phân bố ở độ cao trên 2 600m, chỉ có ở Hoàng Liên Sơn -> vùng núi thuộc Tây Bắc.

Câu 12. Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu của phần lãnh thổ phía Nam là

A. rừng cận xích đạo gió mùa.

B. đới rừng nhiệt đới gió mùa.

C. đới rừng lá kim và hỗn giao.

D. rừng xích đạo thường xanh.

Chọn A

Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu là đới rừng cận xích đạo gió mùa. Thành phần thực vật và động vật phần lớn thuộc vùng Xích đạo và nhiệt đới có nguồn gốc Ma-lai-xi-a In-đô-nê-xi-a di cư lên hoặc từ Ấn Độ - Mi-an-ma di cư sang.

Câu 13. Khí hậu phần lãnh thổ phía Nam có đặc trưng nào sau đây?

A. Nhiệt đới ẩm gió mùa.

B. Cận xích đạo gió mùa.

C. Cận nhiệt đới hải dương.

D. Nhiệt đới lục địa khô.

Chọn B

Khí hậu mang sắc thái của khí hậu cận xích đạo gió mùa, có nền nhiệt độ cao, trung bình năm trên 25°C, biên độ nhiệt độ không quá 4 - 5°C. Khí hậu phân thành hai mùa: mưa và khô.

Câu 14. Đới rừng cận xích đạo gió mùa là cảnh quan tiêu biểu cho

A. đồng bằng và ven biển.

B. vùng đồi núi trung du.

C. phần lãnh thổ phía Nam.

D. phần lãnh thổ phía Bắc.

Chọn C

Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu là đới rừng cận xích đạo gió mùa. Thành phần thực vật và động vật phần lớn thuộc vùng Xích đạo và nhiệt đới có nguồn gốc Ma-lai-xi-a In-đô-nê-xi-a di cư lên hoặc từ Ấn Độ - Mi-an-ma di cư sang.

Câu 15. Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu của phần lãnh thổ phía Bắc là

A. Đới rừng xích đạo gió mùa.

B. Đới rừng nhiệt đới gió mùa.

C. Rừng nhiệt đới thường xanh.

D. Đới rừng lá kim và hỗn hợp.

Chọn B

Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu là đới rừng nhiệt đới gió mùa, tuỳ thuộc vào điều kiện khí hậu và đất ở các khu vực mà có các hệ sinh thái rừng khác nhau, như rừng nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh, rừng ngập mặn,...

Câu 16. Khí hậu phần lãnh thổ phía Nam không có đặc điểm nào sau đây?

A. Khí hậu phân thành hai mùa rõ rệt.

B. Nhiệt độ trung bình năm trên 250C.

C. Có 2 - 3 tháng nhiệt độ dưới 180C.

D. Có biên độ nhiệt độ không quá 50C.

Chọn C

Khí hậu mang sắc thái của khí hậu cận xích đạo gió mùa, có nền nhiệt độ cao, trung bình năm trên 25°C, biên độ nhiệt độ không quá 4 - 5°C. Khí hậu phân thành hai mùa: mưa và khô.

Câu 17. Thiên nhiên vùng núi Đông Bắc khác với Tây Bắc ở đặc điểm nào sau đây?

A. Thiên nhiên mang sắc thái nhiệt đới gió mùa ẩm.

B. Thiên nhiên mang sắc thái ôn nhiệt đới núi cao.

C. Thiên nhiên mang sắc thái cận nhiệt địa trung hải.

D. Thiên nhiên mang sắc thái cận nhiệt đới gió mùa.

Chọn C

Thiên nhiên vùng núi Đông Bắc khác với Tây Bắc ở điểm thiên nhiên mang sắc thái cận nhiệt đới gió mùa. Còn vùng Tây Bắc có thiên nhiên nhiệt đới gió mùa (Nam Tây Bắc), ôn đới (vùng núi cao Tây Bắc).

Câu 18. Vùng biển miền Trung không phải là nơi

A. đường bờ biển khúc khuỷu.

B. có thềm lục địa thu hẹp.

C. nhiều bãi triều thấp phẳng.

D. phổ biến cồn cát, đầm phá.

Chọn C

- Vùng biển miền Trung có đường bờ biển dài, thềm lục địa thu hẹp, phổ biến các cồn cát, đầm phá…

- Đặc điểm nhiều bãi triều thấp, phẳng thường xuất hiện chủ yếu ở ven các đồng bằng lớn.

Câu 19. Khí hậu phần lãnh thổ phía Nam có đặc điểm nào sau đây?

A. Nhiệt độ trung bình trên 20oC, biên độ nhiệt độ trung bình năm lớn.

B. Nhiệt độ trung bình trên 20oC, biên độ nhiệt độ trung bình năm nhỏ.

C. Nhiệt độ trung bình trên 25oC, biên độ nhiệt độ trung bình năm lớn.

D. Nhiệt độ trung bình trên 25oC, biên độ nhiệt độ trung bình năm nhỏ.

Chọn D

Khí hậu mang sắc thái của khí hậu cận xích đạo gió mùa, có nền nhiệt độ cao, trung bình năm trên 25°C, biên độ nhiệt độ không quá 4 - 5°C. Khí hậu phân thành hai mùa: mưa và khô.

Câu 20. So với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội có

A. nhận được nhiều bức xạ.

B. nhiệt độ trung bình thấp.

C. biên độ nhiệt độ năm lớn.

D. mùa đông ấm, mưa phùn.

Chọn C

Hà Nội thuộc lãnh thổ phía Bắc -> khí hậu nhiệt đới nhiệt đới ẩm gió mùa với một mùa đông lạnh nên có biên độ nhiệt năm lớn, nhiệt độ trung bình năm thấp hơn.

Câu 21. Ở miền Bắc, đai nhiệt đới gió mùa có độ cao trung bình

A. dưới 500 - 600m.

B. dưới 600 - 700m.

C. dưới 700 - 800m.

D. dưới 800 - 900m.

Chọn B

Ở miền Bắc, đai nhiệt đới gió mùa có độ cao trung bình từ khoảng 600 - 700m trở xuống, ở miền Nam từ khoảng 900 - 1 000m trở xuống.

Câu 22. Các dãy núi ở miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ có hướng chủ yếu nào sau đây?

A. Tây bắc - đông nam.

B. Tây nam - đông bắc.

C. Vòng cung.

D. Bắc - nam.

Chọn C 

Các dãy núi trong miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ có hướng chủ yếu là hướng vòng cung với 4 cánh cung tiêu biểu là Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn và Đông Triều.

Câu 23. Ở vùng đồi núi thấp, nhóm đất chủ yếu nào dưới đây?

A. Đất mặn.

B. Đất phèn.

C. Đất feralit.

D. Đất mùn thô.

Chọn C

Nhóm đất feralit ở vùng đồi núi thấp, phần lớn là đất feralit đỏ vàng, đất feralit nâu đỏ phát triển trên đá badan, đá vôi.

Câu 24. Đặc điểm cơ bản của địa hình miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là

A. gồm các khối núi cổ, cao nguyên ba-dan.

B. xuất hiện nhiều cao nguyên, đồi núi thấp.

C. địa hình núi cao, trung bình chiếm ưu thế.

D. xuất hiện nhiều thung lũng, cao nguyên.

Chọn C

Địa hình núi cao và núi trung bình chiếm ưu thế, bị chia cắt mạnh và hiểm trở nhất nước ta. Các dãy núi xen kẽ các thung lũng theo hướng tây bắc - đông nam, có nhiều bề mặt sơn nguyên, cao nguyên, lòng chảo,....

Câu 25. Địa hình của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ không có đặc điểm nào sau đây?

A. Đồi núi cao chiếm ưu thế.

B. Các dãy núi hướng vòng cung.

C. Địa hình bờ biển đa dạng.

D. Chủ yếu đồng bằng nhỏ, hẹp.

Chọn D

Địa hình của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ đa dạng, đồi núi thấp chiếm ưu thế, hướng của các dãy núi theo hướng vòng cung, cao ở phía bắc, thấp dần về phía nam. Đồng bằng tương đối rộng và bằng phẳng. Địa hình các-xtơ khá phổ biến, tiêu biểu ở Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng,... Bờ biển đa dạng: nơi thấp phẳng, nơi nhiều vịnh, đảo như vùng biển tỉnh Quảng Ninh.

Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên

I. SỰ PHÂN HÓA ĐA DẠNG CỦA THIÊN NHIÊN

Lý thuyết Địa Lí 12 Kết nối tri thức Bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên

1. Thiên nhiên phân hóa theo chiều bắc - nam

Phần lãnh thổ phía Bắc

Phần lãnh thổ phía Nam

- Toàn bộ lãnh thổ phía Bắc tới dãy núi Bạch Mã.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có một mùa đông lạnh. Nhiệt độ TB năm trên 20°C, mùa đông có 2 – 3 tháng nhiệt độ TB dưới 18°C, biên độ nhiệt TB năm cao.

- Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu là đới rừng nhiệt đới gió mùa. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh, rừng ngập mặn, rừng cận nhiệt lá rộng thường xanh, rừng lá kim núi cao,… Thành phần loài nhiệt đới chiếm ưu thế, ngoài ra có thực vật cận nhiệt đới và ôn đới, các loài thú lông dày.

- Từ dãy núi Bạch Mã trở vào phía Nam.

- Khí hậu cận xích đạo gió mùa, nền nhiệt độ cao, trung bình năm trên 25°C, biện độ nhiệt không quá 4 - 5°C, khí hậu phân 2 mùa mưa – khô.

- Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu là rừng cận xích đạo gió mùa. Thành phần thực, động vật phần lớn thuộc vùng Xích đạo và nhiệt đới. Nhiều loài cây chịu hạn, rụng lá vào mùa khô, hình thành rừng thưa nhiệt đới khô. Động vật tiêu biểu là các loài thú lớn như voi, hổ, báo, bò rừng,… vùng đầm lầy có trăn, rắn, cá sấu. Vùng ven biển, cửa sông ĐB sông Cửu Long có rừng ngập mặn, rừng tràm.

2. Thiên nhiên phân hóa theo chiều đông - tây

Từ đông sang tây (từ biển vào đất liền), thiên nhiên có sự phân hóa thành 3 dải rõ rệt:

a) Vùng biển và thềm lục địa:

- Thiên nhiên có lượng ẩm dồi dào, có sự hoạt động thường xuyên của các hoàn lưu gió mùa, Tín phong. Thiên nhiên đa dạng, giàu có, tiêu biểu cho thiên nhiên vùng biển nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Thềm lục địa mở rộng ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển Nam Bộ và vịnh Thái Lanl thềm lục địa phần còn lại thu hẹp, nhất là đoạn ven biển Nam Trung Bộ.

b) Vùng đồng bằng:

- Thiên nhiên thay đổi tùy nơi phản ánh mối quan hệ giữa vùng đồi núi với vùng biển và thềm lục địa.

- Hai đồng bằng châu thổ rộng lớn là ĐB sông Hồng và ĐB sông Cửu Long được bồi tụ, mở rộng với các bãi triều thấp, phẳng, thềm lục địa rộng, nông. Địa hình thấp, tương đối bằng phẳng, có nhiều ô trũng. Dải đồng bằng ven biển Trung Bộ hẹp ngang bị chia cắt thành những đồng bằng nhỏ, đường bờ biển khúc khuỷu, địa hình cồn cát, đầm phá khá phổ biến, đất kém màu mỡ hơn 2 đồng bằng châu thổ.

c) Vùng đồi núi: sự phân hóa chủ yếu do tác động của gió mùa và hướng các dãy núi.

- Dãy Hoàng Liên Sơn tạo sự khác biệt giữa vùng núi Tây Bắc với vùng núi Đông Bắc. Vùng núi Đông Bắc mang sắc thái cận nhiệt đới gió mùa, vùng núi thấp Tây Bắc có cảnh quan nhiệt đới ẩm gió mùa còn vùng núi cao có cảnh quan giống như vùng ôn đới.

- Dãy Trường Sơn tạo sự khác biệt giữa vùng đông Trường Sơn và tây Trường Sơn. Đông Trường Sơn có một mùa mưa vào thu đông trong khi Tây Nguyên lại là mùa khô. Khi Tây Nguyên vào mùa mưa thì sườn đông Trường Sơn nhiều nơi chịu tác động của gió Tây khô nóng.

3. Thiên nhiên phân hóa theo độ cao

a) Đai nhiệt đới gió mùa:

- Ở miền Bắc: độ cao TB từ khoảng 600 – 700 m trở xuống, ở miền Nam từ khoảng 900 – 1000 m trở xuống.

- Khí hậu nhiệt đới gió mùa: tổng nhiệt độ hoạt động TB năm trên 7500°C, mùa hạ nóng (nhiệt độ TB tháng trên 25°C), độ ẩm thay đổi tùy nơi.

- Đất có 2 nhóm chính: đất phù sa ở vùng đồng bằng (phù sa sông, đất phèn, đất mặn, đất cát,…), nhóm đất feralit ở vùng đồi núi thấp (feralit đỏ vàng, feralit nâu đỏ phát triển trên đá badan, đá vôi).

- Sinh vật: hệ sinh thái rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh hình thành ở những vùng núi thấp, mưa nhiều, ẩm ướt; hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa (rừng thường xanh, rừng nửa rụng lá, rừng nhiệt đới khô,…); các hệ sinh thái khác phát triển trên các loại thổ nhưỡng đặc biệt (rừng nhiệt đới thường xanh trên đá vôi, rừng ngập mặn trên đất ngập mặn ven biển,…)

b) Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi:

- Ở miền Bắc, từ khoảng 600 – 700 m đến 2600 m, ở miền Nam từ khoảng 900 – 1000 m đến 2600 m.

- Khí hậu mát mẻ, tổng nhiệt độ dao động từ 4500°C - 7500°C, mùa hè mát (nhiệt độ TB tháng dưới 25°C), mưa nhiều (trên 2000 mm), độ ẩm cao.

- Đất: hình thành các loại đất feralit mùn (ở độ cao 600 – 700 m đến 1600 – 1700 m), đất xám mùn trên núi (ở độ cao trên 1600 – 1700 m).

- Sinh vật phổ biến là các loài cận nhiệt đới, xen kẽ một số loài nhiệt đới. Trong rừng xuất hiện các loài chim, thú cận nhiệt đới như gấu, sóc,…

c) Đai ôn đới gió mùa trên núi

- Độ cao từ 2600 m trở lên (có ở dãy Hoàng Liên Sơn).

- Khí hậu mang tính chất ôn đới, tổng nhiệt độ hoạt động dưới 4500°C, quanh năm nhiệt độ dưới 15°C, mùa đông nhiệt độ xuống dưới 5°C.

- Đất chủ yếu là đất mùn núi cao.

- Thực vật ôn đới chiếm ưu thế như đỗ quyên, lãnh sam, thiết sam với rừng trúc lùn, rừng rêu mưa mù trên núi phát triển.

II. CÁC MIỀN ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN

1. Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ

Lý thuyết Địa Lí 12 Kết nối tri thức Bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên

- Địa hình, đất:

+ Địa hình đa dạng, đồi núi thấp chiếm ưu thế, hướng các dãy núi theo hướng vòng cung, cao ở phía bắc, thấp dần về phía nam. Đồng bằng tương đối rộng và bằng phẳng. Địa hình các-xtơ khá phổ biến (Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng,…). Bờ biển đa dạng: nơi thấp phẳng, nơi nhiều vịnh, đảo như vùng biển tỉnh Quảng Ninh.

+ Đất có nhiều loại, tiêu biểu là đất feralit trên các loại đá mẹ ở vùng đồi núi thấp, đất phù sa ở ĐB sông Hồng, đất mặn, đất phèn ở vùng ven biển.

- Khí hậu: chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc của gió mùa Đông Bắc tạo nên một mùa đông lạnh, có tình trạng rét đậm, rét hại. Miền có mùa đông lạnh điển hình nhất.

- Sông ngòi: các sông lớn như sông Hồng, sông Chảy,… chảy theo hướng tây bắc – đông nam. Khu vực Đông Bắc có các sông như sông Lô, sông Gâm, sông Lục Nam,… chảy theo hướng vòng cung.

- Sinh vật phong phú và đặc sắc, thuộc khu hệ thực vật Việt Bắc – Hoa Nam, có tới 50% thành phần loài bản địa. Nhiều loài động vật quý hiếm như voọc đầu trắng, voọc quần đùi trắng, công,…được bảo tồn tại các vườn quốc gia (Ba Bể, Tam Đảo, Cát Bà,…). Cảnh quan thiên nhiên thay đổi theo mùa, theo khu vực.

- Khoáng sản đa dạng: than đá ở Quảng Ninh, Thái Nguyên; than nâu ở ĐB sông Hồng; sắt ở Thái Nguyên; chì – kẽm ở Bắc Kạn; thiếc ở Cao Bằng; khí tự nhiên ở bể Sông Hồng,…

2. Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ

Lý thuyết Địa Lí 12 Kết nối tri thức Bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên

- Địa hình, đất:

+ Địa hình núi cao và núi trung bình chiếm ưu thế, bị chia cắt mạnh và hiểm trở nhất nước ta. Các dãy núi xen kẽ các thung lũng theo hướng tây bắc – đông nam, có nhiều bề mặt sơn nguyên, cao nguyên, lòng chảo,… Ven biển có nhiều cồn cát, đầm phá, nhiều bãi tắm đẹp, xây dựng cảng biển. Đồng bằng nhỏ và bị chia cắt.

+ Đất feralit trên đá vôi và feralit trên các loại đá khác phổ biến ở vùng đồi núi; đất phù sa chủ yếu ở các đồng bằng Thanh Hóa, Nghệ An, dải đồng bằng nhỏ hẹp ven biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

- Khí hậu: sự giảm sút ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ TB năm tăng dần và biên độ nhiệt giảm. Dãy Hoàng Liên Sơn ngăn cản sự xâm nhập trực tiếp của gió mùa Đông Bắc vào khu vực Tây Bắc, làm cho mùa đông ở Tây Bắc ấm và ngắn hơn Đông Bắc. Do tác động bức chắn dãy Trường Sơn Bắc, hình thành gió Tây khô nóng ở Bắc Trung Bộ vào đầu mùa hạ.

- Sông ngòi: nhiều sông lớn như sông Đà, sông Cả, sông Mã,… chảy theo hướng tây bắc – đông nam; những sông nhỏ, dốc, bắt nguồn từ vùng núi phía tây đổ ra Biển Đông.

- Sinh vật: hội tụ nhiều luồng sinh vật, đặc biệt là luồng Hi-ma-lay-a – Vân Quý, Ấn Độ - Mi-an-ma và Ma-lai-xi-a – In-đô-nê-xi-a. Rừng còn tương đối nhiều ở vùng núi Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phần thực vật phương Nam chiếm ưu thế ở Trường Sơn Bắc.

- Khoáng sản: sắt ở Hà Tĩnh; đồng ở Sơn La, Lào Cai; a-pa-tít ở Lào Cai; crôm ở Thanh Hóa; thiếc ở Nghệ An; vật liệu xây dựng ở nhiều địa phương.

3. Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ

Lý thuyết Địa Lí 12 Kết nối tri thức Bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên

- Địa hình và đất:

+ Địa hình khá phức tạp, gồm các dãy núi, cao nguyên badan xếp tầng, đồng bằng châu thổ rộng lớn và đồng bằng nhỏ hẹp ven biển. Trường Sơn Nam là dãy núi lớn, hình cánh cung có sự bất đối xứng giữa sườn đông và sườn tây. Các cao nguyên badan tập trung ở Tây Nguyên và rìa Đông Nam Bộ với diện tích lớn, địa hình tương đối bằng phẳng. Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhiều vùng trũng bị ngập nước vào mùa lũ. Dải đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ nhỏ hẹp, bị chia cắt bởi các nhánh núi lấn ra biển. Vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, giàu tài nguyên.

+ Đất: ở vùng núi và cao nguyên chủ yếu là đất feralit trên đá badan và đất feralit trên các loại đá khác. ĐB sông Cửu Long ngoài đất phù sa sông màu mỡ còn có đất phèn, đất mặn; dải ĐB ven biển miền Trung có đất phù sa nhưng kém màu mỡ hơn. Ngoài ra còn có đất cát và đất xám trên phù sa cổ.

- Khí hậu cận xích đạo gió mùa, nền nhiệt độ cao quanh năm, biên độ nhiệt nhỏ, khí hậu có 2 mùa mưa và khô rõ rệt, mùa khô kéo dài và gay gắt.

- Sông ngòi: phần lớn là sông nhỏ, ngắn bắt nguồn từ vùng núi Trường Sơn Nam đổ ra Biển Đông. Ở ĐB sông Cửu Long có sông Tiền và sông Hậu phân chia thành nhiều chi lưu đổ ra biển.

- Cảnh quan thiên nhiên điển hình là đới rừng cận xích đạo gió mùa. Ở vùng Tây Nguyên có kiểu rừng nhiệt đới gió mùa nửa rụng lá và rụng lá. Vùng ĐB sông Cửu Long phát triển rừng ngập mặn và rừng tràm.

- Khoáng sản: nổi bật là dầu mỏ, khí tự nhiên ở thềm lục địa, bô-xít ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

III. ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ PHÂN HÓA ĐA DẠNG THIÊN NHIÊN ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

- Sự phân hóa thiên nhiên theo chiều bắc – nam: ảnh hưởng tới quy hoạch, hướng chuyên môn hóa sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp giữa phía Bắc và phía Nam.

+ Phần lãnh thổ phía Bắc do có mùa đông lạnh nên có thể phát triển những vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả cận nhiệt đới (chè, hồi, quế, đào, lê,…).

+ Phần lãnh thổ phía Nam với khí hậu cận xích đạo và ưu thế về đất phù hợp phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp nhiệt đới (cà phê, cao su, hồ tiêu,…).

- Sự phân hóa đông – tây của thiên nhiên ảnh hưởng tới hướng phát triển kinh tế - xã hội:

+ Vùng ven biển và thềm lục địa hướng tới việc phát triển tổng hợp kinh tế biển.

+ Vùng đồng bằng phát triển cây lương thực, chăn nuôi lợn, gia cầm; thuận lợi cho việc định cư, tập trung các thành phố, trung tâm thương mại, đầu mối giao thông vận tải.

+ Vùng đồi núi nhiều thế mạnh về khoáng sản, lâm sản ⇒ phát triển nông lâm kết hợp, phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn; khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện; du lịch,… Tuy nhiên địa hình cao, cắt xẻ gây nhiều khó khăn, trở ngại cho giao thông vận tải, giao lưu kinh tế, phân bố dân cư, phát triển y tế, giáo dục,…

- Sự phân hóa thiên nhiên theo độ cao: tạo nên những nét độc đáo trong các ngành sản xuất và đời sống. Các đai cao có sự khác nhau về khí hậu, đất, sinh vật tạo nên các thế mạnh khác nhau trong phát triển kinh tế ⇒ sự phân bố dân cư khác nhau.

Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá