20 câu Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 5 (Kết nối tri thức) có đáp án: Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường

1.4 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 5: Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sách Kết nối tri thức. Bài viết gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 5: Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 5: Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường

Phần 1. 20 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 5: Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường

Câu 1. Hiện trạng nào sau đây không đúng với sử dụng tài nguyên nước ở nước ta hiện nay?

A. Nguồn nước ngọt rất lớn.

B. Ô nhiễm môi trường nước.

C. Thiếu nước vào mùa khô.

D. Nguồn nước ngầm hạ thấp.

Chọn A

Tình trạng suy giảm tài nguyên nước ở Việt Nam là một vấn đề đáng báo động. Nguồn nước mặt (sông, hồ) ở nhiều nơi đang bị suy giảm và ô nhiễm. Nguồn nước ngầm ở một số khu vực hạ thấp đáng kể. Ở nhiều khu vực, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long, xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô.

Câu 2. Sự suy giảm sinh vật ở nước ta không có biểu hiện nào sau đây?

A. Suy giảm về số lượng loài.

B. Suy giảm thể trạng các loài.

C. Suy giảm tài nguyên rừng.

D. Suy giảm cá thể ở các loài.

Chọn B

Sự suy giảm tài nguyên sinh vật ở nước ta được thể hiện rõ qua sự suy giảm tài nguyên rừng và suy giảm đa dạng sinh học. Số lượng cá thể các loài thực vật, động vật hoang dã bị suy giảm nghiêm trọng. Một số loài thực vật và động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Việc suy giảm số lượng cá thể cộng với suy giảm số lượng loài đã làm suy giảm nguồn gen di truyền.

Câu 3. Biện pháp quan trọng để cải tạo đất hoang, đồi núi trọc hiện nay là

A. phát triển thủy lợi, bón phân.

B. tăng cường bón phân hóa học.

C. phát triển nông - lâm kết hợp.

D. cày sâu bừa kĩ và trồng rừng.

Chọn C

Biện pháp quan trọng để cải tạo đất hoang đồi núi trọc là phát triển biện pháp nông lâm kết hợp.

Câu 4. Tình trạng tài nguyên nước ở nước ta hiện nay là

A. sự suy giảm và ô nhiễm nguồn nước.

B. ngập lụt mùa mưa, thiếu nước mùa khô.

C. ô nhiễm, nước ngầm hạ thấp đáng kể.

D. thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn sâu.

Chọn A

Tình trạng suy giảm tài nguyên nước ở Việt Nam là một vấn đề đáng báo động. Nguồn nước mặt (sông, hồ) ở nhiều nơi đang bị suy giảm và ô nhiễm; Nguồn nước ngầm ở một số khu vực hạ thấp đáng kể.

Câu 5. Ý nghĩa quan trọng nhất của hệ sinh thái rừng là

A. cân bằng sinh thái.

B. cung cấp gỗ, củi.

C. cung cấp dược liệu.

D. tài nguyên du lịch.

Chọn A

Đối với môi trường, các hệ sinh thái rừng có vai trò to lớn và ý nghĩa quan trọng nhất trong việc cân bằng môi trường sinh thái.

Câu 6. Tài nguyên sinh vật nước ta có giá trị kinh tế nào sau đây?

A. Phát triển du lịch sinh thái.

B. Cân bằng các hệ sinh thái.

C. Lưu giữ các nguồn gen quý.

D. Chống xói mòn, sạt lở đất.

Chọn A

Giá trị kinh tế của tài nguyên sinh vật nước ta phát triển du lịch sinh thái, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến,…

Câu 7. Hậu quả của việc mất rừng không có biểu hiện nào sau đây?

A. Lũ lụt gia tăng.

B. Đất trượt, đá lở.

C. Khí hậu biến đổi.

D. Động đất, núi lửa.

Chọn D

Hậu quả của việc mất rừng là đất trượt, đá lở ở miền núi; lũ lụt ngày càng gia tăng và ảnh hưởng lớn đến cả miền núi, trung du, đồng bằng. Đồng thời, việc mất rừng cùng làm cho tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của con người.

Câu 8. Ô nhiễm bụi ở nông thôn chủ yếu từ hoạt động nào sau đây?

A. Công nghiệp.

B. Vận tải.

C. Nông nghiệp.

D. Du lịch.

Chọn C

Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn tại một số thành phố lớn do khói bụi từ các phương tiện giao thông; tại các khu công nghiệp, khu vực sản xuất, kinh doanh do khí thải. Ô nhiễm bụi ở nông thôn từ hoạt động nông nghiệp do đốt phế phẩm nông nghiệp như đốt rơm, rạ.

Câu 9. Môi trường nước bị ô nhiễm, hoạt động nào sẽ thiệt hại nhiều nhất?

A. Nuôi trồng thủy sản.

B. Sản xuất nông nghiệp.

C. Sản xuất công nghiệp.

D. Du lịch sinh thái.

Chọn A

Ô nhiễm nước biển do nước thải, rác thải nhựa từ các thành phố ven biển và các khu vực du lịch. Việc môi trường nước bị ô nhiễm, các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nhiều nhất.

Câu 10. Nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng, làm nghèo tính đa dạng và nguồn gen chủ yếu do

A. các loại dịch bệnh.

B. chiến tranh tàn phá.

C. khai thác quá mức.

D. cháy rừng, thiên tai.

Chọn C

Các hoạt động của con người như chặt phá rừng, đốt rừng bừa bãi, săn bắt động vật trái phép… làm suy giảm diện tích rừng và các loài động vật quý hiếm -> giảm tính đa dạng sinh học và các nguồn gen quý.

Câu 11. Về môi trường, tài nguyên rừng không có vai trò nào sau đây?

A. Nguyên liệu cho nhà máy.

B. Bảo vệ đất, chống xói mòn.

C. Giữ cân bằng hệ sinh thái.

D. Bảo vệ nguồn nước ngầm.

Chọn A

Đối với môi trường tự nhiên, rừng có vai trò chủ yếu trong việc cân bằng các hệ sinh thái tự nhiên, giữ mạch nước ngầm, bảo vệ đất và chống xói mòn.

Câu 12. Đặc điểm nào sau đây không đúng khi nói về hiện trạng tài nguyên rừng của nước ta hiện nay?

A. Tổng diện tích rừng đang tăng lên.

B. Tài nguyên rừng vẫn bị suy thoái.

C. Diện tích rừng giàu chiếm tỉ lệ lớn.

D. Chất lượng rừng chưa thể phục hồi.

Chọn C

Hiện nay rừng nước ta chủ yếu là rừng non mới phục hồi. Các hệ sinh thái rừng nguyên sinh hiện nay còn rất ít, chủ yếu còn lại là hệ sinh thái rừng thứ sinh; các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô có nguy cơ suy giảm đáng kể -> Nhận xét diện tích rừng giàu chiếm tỉ lệ lớn không đúng.

Câu 13. Trong ô nhiễm môi trường, đáng chú ý nhất là ô nhiễm môi trường nào sau đây?

A. Không khí, nước.

B. Không khí và đất.

C. Đất, nước, tiếng ồn.

D. Nước và tiếng ồn.

Chọn A

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta đang là vấn đề cấp bách, mức độ ô nhiễm ở một số khu vực ngày càng gia tăng. Trong ô nhiễm môi trường, đáng chú ý nhất là ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước.

Câu 14. Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước ngọt trên diện rộng chủ yếu hiện nay ở nước ta là do

A. nước thải công nghiệp và đô thị.

B. chất thải của hoạt động du lịch.

C. chất thải sinh hoạt các khu dân cư.      

D. hóa chất dư thừa từ nông nghiệp.

Chọn A

Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước ngọt trên diện rộng chủ yếu hiện nay ở nước ta là do nước thải công nghiệp và đô thị xả thải ra sông mà chưa qua xử lí.

Câu 15. Việc mất cân bằng sinh thái ở nước ta có biểu hiện nào sau đây?

A. Nguồn nước bị ô nhiễm.

B. Bão lụt, hạn hán gia tăng.

C. Khoáng sản dần cạn kiệt.

D. Đất bạc màu và ô nhiễm.

Chọn B

Tình trạng mất cân bằng sinh thái môi trường. biểu hiện ở sự gia tăng các thiên tai bão, lụt, hạn hán và sự biến đổi thất thường về thời tiết, khí hậu.

Câu 16. Diện tích đất canh tác ở nước ta hiện nay

A. màu mỡ, giàu dinh dưỡng.

B. bị thoái hóa ở nhiều nơi.

C. tăng lên nhanh ở miền núi.

D. mở rộng ở dọc ven biển.

Chọn B

Diện tích đất canh tác ở nước ta đang bị thoái hóa ở nhiều nơi, biểu hiện cụ thể như suy giảm độ phì, xói mòn, khô hạn, kết von, nhiễm mặn, nhiễm phèn, sạt lở và bị ô nhiễm.

Câu 17. Diện tích rừng ở nước ta hiện nay suy giảm chủ yếu do

A. cháy rừng xảy ra nhiều nơi.

B. con người khai thác quá mức.

C. chiến tranh, biến đổi khí hậu.

D. công tác trồng rừng yếu kém.

Chọn B

Nguyên nhân chủ yếu làm cho diện tích rừng ở nước ta hiện nay suy giảm nhanh là do khai thác quá mức -> rừng bị tàn phá nghiêm trọng -> các hệ sinh thái rừng không thể phục hồi kịp thời.

Câu 18. Nguyên nhân tự nhiên khiến diện tích rừng giảm do

A. cháy rừng, sạt lở đất.

B. khai thác quá mức.

C. trồng rừng chưa tốt.

D. chiến tranh kéo dài.

Chọn A

Nguyên nhân về mặt tự nhiên làm cho diện tích rừng ở nước ta hiện nay suy giảm là các thiên tai như cháy rừng vì sét đánh, sạt lở đất, lở núi,…

Câu 19. Biện pháp nào sau đây được sử dụng để chống xói mòn trên đất dốc ở vùng đồi núi?

A. Ngăn chặn nạn du cư.

B. Tăng bón phân hữu cơ.

C. Trồng cây theo băng.

D. Tưới nước, bảo vệ cây.

Chọn C

Thực hiện các biện pháp canh tác hợp lí đối với khu vực đất dốc như đào hố vẩy cá, làm ruộng bậc thang, tiến hành nông lâm kết hợp.

Câu 20. Tài nguyên đất bị ô nhiễm nặng nguyên nhân chính là do

A. dư lượng thuốc trừ sâu và phân hóa học.

B. đô thị hóa và công nghiệp hóa nông thôn.

C. chất thải rắn của công nghiệp, sinh hoạt.

D. sử dụng nguồn nước sông bị ô nhiễm.

Chọn C

Tài nguyên đất bị ô nhiễm nặng nguyên nhân chính là do chất thải rắn của công nghiệp và sinh hoạt ngày càng tăng tạo sức ép nặng đối với tài nguyên đất.

Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 5: Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường

I. VẤN ĐỀ SỬ DỤNG HỢP LÍ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

1. Tài nguyên đất

- Sự suy giảm tài nguyên đất: diện tích đất canh tác ở nước ta đang bị thoái hóa ở nhiều nơi, biểu hiện cụ thể như suy giảm độ phì, xói mòn, khô hạn, kết von, nhiễm mặn, nhiễm phèn, sạt lở và bị ô nhiễm.

- Nguyên nhân: tác động của sản xuất và sinh hoạt như: nạn chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, lạm dụng sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt,… làm cho đất bị thoái hóa, ô nhiễm. Thiên tai và biến đổi khí hậu cũng gây suy giảm tài nguyên đất.

- Một số giải pháp sử dụng hợp lí tài nguyên đất:

+ Nhà nước xây dựng cơ chế chính sách để bảo vệ tài nguyên đất thông qua Luật Đất đai, trong đó có các quy định nhằm sử dụng hợp lí tài nguyên đất.

+ Bảo vệ rừng, trồng rừng vừa giúp chống xói mòn, giữ độ phì và giữ ẩm cho đất, hạn chế quá trình hoang mạc hóa, kết von, giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Canh tác hợp lí đối với khu vực đất dốc như đào hố vảy cá, làm ruộng bậc thang, nông lâm kết hợp.

+ Vùng đồng bằng ven biển cần thích ứng với biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan bằng cách thau chua, rửa mặn, phát triển mạng lưới thủy lợi. Canh tác hợp lí, xen canh, sử dụng các chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ trong trồng trọt. Củng cố hoàn thiện các hệ thống đê ven biển, hệ thống công trình thủy lợi để hạn chế tình trạng khô hạn, mặn hóa, phèn hóa.

+ Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về sử dụng hợp lí tài nguyên đất.

2. Tài nguyên sinh vật

- Sự suy giảm tài nguyên sinh vật:

+ Số lượng cá thể các loài thực vật, động vật hoang dã đã bị suy giảm nghiêm trọng. Một số loài thực vật và động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Suy giảm số lượng cá thể cộng với suy giảm số lượng loài đã làm suy giảm nguồn gen di truyền.

+ Các hệ sinh thái rừng nguyên sinh hiện nay còn rất ít, chủ yếu còn lại là hệ sinh thái rừng thứ sinh; các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô có nguy cơ suy giảm đáng kể.

- Nguyên nhân: khai thác sinh vật quá mức trong nhiều năm, thiên tai và biến đổi khí hậu. Các hoạt động đốt rừng làm nương rẫy, du canh du cư, khai thác lâm sản quá mức, đưa chất thải ra môi trường không qua xử lí, sự xâm nhập của các loài ngoại lai,… đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài sinh vật.

- Giải pháp sử dụng hợp lí tài nguyên sinh vật:

+ Thực hiện Luật Đa dạng sinh học và Luật Bảo vệ môi trường do Nhà nước ban hành, trong đó có các quy định nhằm sử dụng hợp lí tài nguyên sinh vật.

+ Quy hoạch, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia nhằm bảo vệ và khôi phục một số hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Xử lí các chất thải để bảo vệ môi trường sống cho các loài sinh vật.

+ Tăng cường trồng rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép, không khai thác thủy sản quá mức.

+ Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân về sử dụng hợp lí tài nguyên sinh vật.

3. Tài nguyên nước

- Sự suy giảm tài nguyên nước: nguồn nước mặt (sông, hồ) ở nhiều nơi đang bị suy giảm và ô nhiễm. Nguồn nước ngầm ở một số khu vực hạ thấp đáng kể. Ở nhiều khu vực, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long, xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô.

- Nguyên nhân: tác động của biến đổi khí hậu; khai thác quá mức nguồn nước; chất thải, nước thải sản xuất và sinh hoạt của con người; lạm dụng phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp; tình trạng phá rừng đầu nguồn ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho dòng chảy.

- Giải pháp sử dụng hợp lí tài nguyên nước:

+ Nhà nước ban hành các bộ luật về việc sử dụng hợp lí tài nguyên nước.

+ Việc quản lí tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lí theo địa bàn hành chính và hợp tác quốc tế.

+ Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả; bảo đảm sử dụng tổng hợp tài nguyên nước, đa mục tiêu, công bằng, hợp lí, hài hòa lợi ích, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tổ chức, cá nhân.

+ Bảo vệ và duy trì các khu vực nguồn nước quan trọng như ao, hồ, sông và bãi biển để đảm bảo sự tái tạo của nguồn nước tự nhiên.

+ Tuyên truyền, giáo dục ý thức của cộng đồng về sử dụng hợp lí tài nguyên nước.

II. VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Hiện trạng và nguyên nhân ô nhiễm môi trường ở Việt Nam

Tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách, mức độ ô nhiễm ở một số khu vực ngày càng gia tăng.

- Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn tại một số thành phố lớn do khói bụi từ các phương tiện giao thông; tại các khu công nghiệp, khu vực sản xuất, kinh doanh do khí thải. Ô nhiễm bụi ở nông thôn từ hoạt động nông nghiệp do đốt phế phẩm nông nghiệp như đốt rơm, rạ.

- Ô nhiễm môi trường nước ở một số đoạn sông do chất thải, nước thải từ đô thị, làng nghề. Nước ngầm bị nhiễm mặn do khai thác quá mức. Ô nhiễm nước biển do nước thải, rác thải nhựa từ các thành phố ven biển và các khu vực du lịch. Ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm đất do vấn đề tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.

- Biến đổi khí hậu và thiên tai cũng tác động đến ô nhiễm môi trường.

2. Các giải pháp bảo vệ môi trường

- Thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường.

- Kiểm soát, phòng ngừa và xử lí ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái.

- Tăng cường trồng và bảo vệ rừng.

- Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lí ô nhiễm, tái chế, xử lí chất thải, nước thải; lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong phát triển kinh tế - xã hội.

- Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân cần được phân loại để tái chế.

- Tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá