SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 24: Vai trò của nước và các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật | Sách bài tập KHTN 7 Cánh diều

3.5 K

Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 24: Vai trò của nước và các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Khoa học tự nhiên 7. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 24: Vai trò của nước và các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật

Bài 24.1 trang 52 SBT Khoa học tự nhiên 7: Chọn phương án đúng.

Vai trò quan trọng nhất của nước đối với cơ thể sống là gì?

A. Tất cả các sinh vật đều cần nước để hòa tan các chất trong tế bào.

B. Tất cả các sinh vật đều cần nước làm nguồn năng lượng.

C. Tất cả các sinh vật đều cần nước để luôn sạch sẽ.

D. Tất cả các sinh vật đều cần nước để vận chuyển các chất trong tế bào và mô.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Vai trò quan trọng nhất của nước đối với cơ thể sống là tất cả các sinh vật đều cần nước để vận chuyển các chất trong tế bào và mô.

Bài 24.2 trang 52 SBT Khoa học tự nhiên 7Chất nào sau đây hòa tan được trong nước?

A. Muối ăn.

B. Dầu ăn.

C. Mỡ.

D. Cát.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

- Muối ăn hòa tan được trong nước.

-  Dầu ăn, mỡ, cát đều không tan trong nước.

Bài 24.3 trang 52 SBT Khoa học tự nhiên 7: Khẳng định nào sau đây là không đúng về hàm lượng nước trong cơ thể người?

A. Nước là thành phần có hàm lượng lớn nhất trong cơ thể người.

B. Tổng lượng nước trong cơ thể trung bình bằng 60 – 70% trọng lượng cơ thể.

C. Hàm lượng nước của các cơ quan khác nhau dao động từ 10% trong mô mỡ đến 83% trong máu.

D. Tim là cơ quan chứa hàm lượng nước lớn nhất trong cơ thể người.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

A. Đúng. Nước là thành phần có hàm lượng lớn nhất trong cơ thể người, khoảng 70% khối lượng của cơ thể là nước.

B. Đúng. Tổng lượng nước trong cơ thể trung bình bằng 60 – 70% trọng lượng cơ thể.

C. Đúng. Hàm lượng nước của các cơ quan khác nhau dao động từ 10% trong mô mỡ đến 83% trong máu.

D. Sai. Tim không phải là cơ quan chứa hàm lượng nước lớn nhất trong cơ thể người. Theo H.H. Mitchell, Tạp chí Hóa học sinh học 158, não và tim có 73% là nước và phổi là khoảng 83%, da chứa 64%, cơ bắp và thận là 79% còn xương là 31%.

Bài 24.4 trang 52 SBT Khoa học tự nhiên 7: Số nhóm chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng là

A. 3 nhóm.

B. 5 nhóm.

C. 6 nhóm.

D. 8 nhóm.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Có 3 nhóm chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng là carbohydrate, protein, lipid. Trong đó, carbohydrate là nhóm chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng chính; protein là nhóm chất dinh dưỡng tham gia cung cấp năng lượng; lipid là nhóm chất dinh dưỡng cung cấp và dự trữ năng lượng.

Bài 24.5 trang 52 SBT Khoa học tự nhiên 7Sữa, phô mai và sữa chua thuộc nhóm thực phẩm nào sau đây?

A. Thịt động vật.

B. Chất bột đường.

C. Sản phẩm từ sữa.

D. Chất xơ.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Sữa, phô mai và sữa chua thuộc nhóm thực phẩm là sản phẩm từ sữa. Trong đó:

- Sữa là sữa của các loại động vật như bò, dê, cừu,... được vắt trực tiếp; sau đó có thể được tiệt trùng hay khử trùng bởi các thiết bị xử lí nhiệt. 

- Phô mai là thực phẩm làm bằng cách kết đông và lên men từ sữa của bò, trâu, hoặc các loại động vật có vú khác.

- Sữa chua là sữa động vật được cho lên men với các chủng vi khuẩn có lợi cho đường ruột (Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus). Các lợi khuẩn chuyển hóa sữa thành lactic, tạo ra độ chua hấp dẫn.

Bài 24.6 trang 53 SBT Khoa học tự nhiên 7Loại thực phẩm nào sau đây được xếp vào nhóm rau?

A. Cà rốt.

B. Quả cam.

C. Quả nho.

D. Quả dưa hấu.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

- Cà rốt là loại thực phẩm được xếp vào nhóm rau.

- Quả cam, quả nho, quả dưa hấu được xếp vào nhóm trái cây.

Bài 24.7 trang 53 SBT Khoa học tự nhiên 7Trứng, đậu nành (đỗ tương) và cá thuộc nhóm thực phẩm nào sau đây?

A. Sản phẩm bơ sữa.

B. Chất đạm.

C. Hạt.

D. Chất bột đường.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Trứng, đậu nành (đỗ tương) và cá đều chứa nhiều protein → Trứng, đậu nành (đỗ tương) và cá thuộc nhóm thực phẩm giàu chất đạm.

Bài 24.8 trang 53 SBT Khoa học tự nhiên 7: Nhận định nào sau đây là đúng?

(1) Lipid là các phân tử lớn, có bản chất không hòa tan trong môi trường nước của tế bào.

(2) Nước là thành phần chủ yếu trong cơ thể sống.

(3) Nguyên liệu cho hô hấp tế bào đầu tiên là lipid.

A. Chỉ (1) đúng.

B. Chỉ (1) và (2) đúng.

C. Chỉ (2) và (3) đúng.

D. Tất cả (1), (2) và (3) đều đúng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

(1) Đúng. Lipid là các phân tử lớn, có bản chất không hòa tan trong môi trường nước của tế bào.

(2) Đúng. Nước là thành phần chủ yếu trong cơ thể sống, trong cơ thể người nước chiếm khoảng 70% khối lượng của cơ thể.

(3) Sai. Nguyên liệu cho hô hấp tế bào đầu tiên là carbohydrate, khi thiếu hụt carbohydrate thì protein hoặc lipid được huy động để sử dụng làm nguyên liệu cho hô hấp tế bào.

Bài 24.9 trang 53 SBT Khoa học tự nhiên 7Nêu các chức năng chính của nước đối với cơ thể sống.

Lời giải:

Các chức năng chính của nước đối với cơ thể sống:

- Nước cần thiết cho sự nảy mầm của hạt, sự phát triển của cây và trong quá trình quang hợp. Động vật và con người cần nước để xây dựng tế bào và trao đổi chất, điều hòa nhiệt độ,…

- Nước được sử dụng để vận chuyển các chất trong cơ thể.

Bài 24.10 trang 53 SBT Khoa học tự nhiên 7: Giải thích vì sao “Nước quyết định sự phân bố của sinh vật trên Trái Đất”? Lấy ví dụ về vùng đất có độ đa dạng sinh vật cao, độ đa dạng sinh vật thấp.

Lời giải:

- Nước quyết định sự phân bố của sinh vật trên Trái Đất do nước có vai trò quan trọng với cơ thể sinh vật: Nước là thành phần quan trọng trong tế bào và cơ thể sinh vật; nước là môi trường, là nguyên liệu cho trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở tế bào và cơ thể; nước là dung môi vận chuyển các chất dinh dưỡng, chất thải trong tế bào và mô; nước giúp duy trì nhiệt độ bình thường của cơ thể.

- Lấy ví dụ về vùng đất có độ đa dạng sinh vật cao, độ đa dạng sinh vật thấp:

+ Vùng đa dạng sinh vật cao: Vùng nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, có nhiều sông ngòi.

+ Vùng đa dạng sinh vật thấp: Vùng khô nóng, mưa ít như sa mạc, hoang mạc.

Bài 24.11 trang 53 SBT Khoa học tự nhiên 7Hình 24.1 là hình ảnh về một cốc nước và một cốc sữa.

SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 24: Vai trò của nước và các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Em hãy cho biết cốc nào là cốc nước. Vì sao? Mô tả thành phần hóa học, cấu trúc, tính chất của nước.

Lời giải:

- Cốc 1 là cốc nước vì dung dịch trong cốc trong suốt, không màu.

- Mô tả thành phần hóa học, cấu trúc, tính chất của nước:

+ Thành phần hóa học và cấu trúc của phân tử nước: Nước là hợp chất gồm hai nguyên tử hydrogen kết hợp với một nguyên tử oxygen bằng liên kết cộng hóa trị. Do nguyên tử oxygen có khả năng hút electron mạnh hơn nên các electron dùng chung trong liên kết cộng hóa trị có xu hướng bị lệch về phía oxygen, dẫn đến đầu oxygen của phân tử nước tích điện âm một phân còn đầu hydrogen tích điện dương một phần.

- Tính chất của nước: Nước là chất lỏng không màu, không mùi, không vị, sôi ở 100oC, đông đặc ở 0oC; nước có thể hòa tan nhiều chất như muối ăn, đường,… nhưng không hòa tan được dầu, mỡ; nước có thể tác dụng với nhiều chất hóa học để tạo thành các hợp chất khác.

Bài 24.12 trang 53 SBT Khoa học tự nhiên 7: Em hãy điền tên bốn nhóm chất dinh dưỡng chính có trong hình 24.2. Cho biết vai trò của các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật.

SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 24: Vai trò của nước và các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Lời giải:

- Bốn nhóm chất dinh dưỡng có trong hình:

1 – Lipid

2 – Carbohydrate

3 – Vitamin và chất khoáng

4 – Protein.

- Vai trò của các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật:

+ Carbohydrate: cung cấp năng lượng, cấu tạo nên tế bào và các mô.

+ Lipid: cung cấp và dự trữ năng lượng, tham gia cấu trúc màng tế bào,…

+ Protein: tham gia cung cấp năng lượng, là nguyên liệu xây dựng tế bào, tham gia điều hòa hoạt động sống, vận chuyển các chất và bảo vệ cơ thể,…

+ Vitamin và chất khoáng: là thành phần thiết yếu cấu tạo tế bào, tham gia vào quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Xem thêm các bài giải SBT Khoa học tự nhiên 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 23: Trao đổi khí ở sinh vật

Bài 25: Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở thực vật

Bài 26: Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở động vật

Bài 27: Khái quát về cảm ứng và cảm ứng ở thực vật

Đánh giá

0

0 đánh giá