Dựa vào thông tin trong bài, hãy phân tích các thế mạnh và hạn chế đối với phát triển ngành thủy sản ở nước ta

219

Với giải Câu hỏi trang 57 Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo chi tiết trong Bài 13: Vấn đề phát triển lâm nghiệp và thuỷ sản giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Địa Lí 12. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Địa Lí 12 Bài 13: Vấn đề phát triển lâm nghiệp và thuỷ sản

Câu hỏi trang 57 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài, hãy phân tích các thế mạnh và hạn chế đối với phát triển ngành thủy sản ở nước ta.

Lời giải:

- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

+ Có vùng biển nhiệt đới rộng lớn, nguồn lợi hải sản phong phú. Tổng trữ lượng hải sản khoảng 4 triệu tấn, cho phép khai thác tối đa khoảng 3 – 3,9 triệu tấn (2015 – 2021). Có hàng nghìn loài cá, hơn 1600  loài giáp xác, hơn 2500 loài nhuyễn thể, khoảng 600 loài rong biển,… Có nhiều ngư trường lớn như Cà Mau – Kiên Giang, Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng – Quảng Ninh, quần đảo Hoàng Sa – quần đảo Trường Sa,…

+ Dọc bờ biển có nhiều bãi triều, đầm, phá, rừng ngập mặn thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Một số đảo có các rạn đá là nơi tập trung nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế. Ven bờ có nhiều đảo và vịnh, hình thành các bãi cá đẻ. Có nhiều sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ, các vùng trũng ở đồng bằng có thể nuôi cá, tôm nước ngọt.

+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nền nhiệt cao thuận lợi nuôi trồng thủy sản có năng suất cao, hoạt động đánh bắt diễn ra quanh năm.

+ Hạn chế: một phần diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đang có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái. Hằng năm, có từ 9 – 10 cơn bão, khoảng 30 – 35 đợt gió mùa Đông Bắc gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản, hạn chế hoạt động khai thác và tàu bè ra khơi.

- Điều kiện kinh tế - xã hội:

+ Số dân đông, thị trường tiêu thụ rộng lớn, người dân nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nguồn lao động được đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu trong nuôi trồng và khai thác thủy sản.

+ Cơ sở vật chất – kĩ thuật và khoa học – công nghệ: các cơ sở sản xuất và khai thác nguyên liệu, hệ thống cầu cảng, hệ thống điện, đường, thủy lợi,… ngày càng hiện đại. Hoạt động nuôi trồng và khai thác tiến hành thuận lợi hơn nhờ phát triển các dịch vụ và chế biến thủy sản. Ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ như nuôi tôm công nghệ cao, hiện đại hóa phương tiện đánh bắt,… góp phần nâng cao giá trị thủy sản, bảo vệ môi trường.

+ Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng thủy sản xuất khẩu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc,…

+ Chính sách phát triển ngành thủy sản được chú trọng, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ vững chủ quyền biển đảo, tạo điều kiện vững chắc cho sự phát triển ngành thủy sản.

+ Hạn chế: đội ngũ tàu thuyền và các phương tiện đánh bắt còn hạn chế, hệ thống các cảng cá chưa được đầu tư đúng mức, thị trường trong và ngoài nước nhiều biến động.

Đánh giá

0

0 đánh giá