Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 13: Vấn đề phát triển lâm nghiệp và thuỷ sản sách Chân trời sáng tạo. Bài viết gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 13: Vấn đề phát triển lâm nghiệp và thuỷ sản. Mời các bạn đón xem:
Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 13: Vấn đề phát triển lâm nghiệp và thuỷ sản
Phần 1. 25 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 13: Vấn đề phát triển lâm nghiệp và thuỷ sản
Câu 1. Chủ trương nào là chủ trương đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản ở nước ta?
A. Khuyến nông.
B. Khuyến ngư.
C. Khuyến lâm.
D. Khuyến học.
Chọn B
Khuyến ngư nghĩa là khuyến khích phát triển các ngành nghề liên quan đến ngành thủy sản và người làm nghề biển (đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản).
Câu 2. Yếu tố tự nhiên nào sau đây ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển và phân bố ngành đánh bắt thủy sản ở nước ta?
A. Chế độ thủy văn.
B. Điều kiện khí hậu.
C. Địa hình đáy biển.
D. Nguồn lợi thủy sản.
Chọn D
Yếu tố tự nhiên quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành đánh bắt thủy sản ở nước ta nguồn lợi thủy sản. Ngành đánh bắt thủy sản phát triển mạnh ở những vùng, khu vực có nguồn lợi thủy sản đa dạng, đặc biệt ở các ngư trường trọng điểm như Hoàng Sa - Trường Sa, Ninh Thuận - Bình Thuận, Quảng Ninh - Hải Phòng,…
Câu 3. Ngư trường nào sau đây không được xác định là ngư trường trọng điểm?
A. Cà Mau - Kiên Giang.
B. Thanh Hóa - Nghệ An.
C. Ninh Thuận - Bình Thuận.
D. Hải Phòng - Quảng Ninh.
Chọn B
Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó có 4 ngư trường trọng điểm đã được xác định là ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh, ngư trường quần đảo Hoàng Sa - quần đảo Trường Sa, ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau - Kiên Giang.
Câu 4. Ở vùng Đồng bằng sông Hồng có ngư trường nào sau đây?
A. Cà Mau - Kiên Giang.
B. Hoàng Sa - Trường Sa.
C. Hải Phòng - Quảng Ninh.
D. Ninh Thuận - Bình Thuận.
Chọn C
Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó có 4 ngư trường trọng điểm đã được xác định là ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh, ngư trường quần đảo Hoàng Sa - quần đảo Trường Sa, ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau - Kiên Giang.
Câu 5. Nhận định nào sau đây không đúng về điều kiện khai thác và nuôi trồng thủy sản hiện nay ở nước ta?
A. Nhân dân ta có kinh nghiệm đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
B. Phương tiện tàu thuyền và ngư cụ ngày càng được cải thiện.
C. Các dịch vụ thủy sản ngày càng phát triển, đánh bắt xa bờ.
D. Chưa hình thành các cơ sơ chế biến thủy sản vùng ven biển.
Chọn D
Điều kiện khai thác và nuôi trồng thủy sản hiện nay ở nước ta là
- Nhân dân ta có kinh nghiệm, truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
- Phương tiện tàu thuyền, ngư cụ ngày càng được cải thiện và tăng cường đánh bắt xa bờ.
- Các dịch vụ thủy sản ngày càng phát triển.
Câu 6. Ở nước ta hiện nay, vùng nào sau đây có diện tích nuôi tôm lớn nhất?
A. Đồng bằng sông Hồng.
B. Bắc Trung Bộ.
C. Đồng bằng sông Cửu Long.
D. Duyên hải Nam Trung Bộ.
Chọn C
Vùng nuôi tôm lớn nhất của nước ta hiện nay là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Câu 7. Một trong những ngư trường trọng điểm của nước ta là
A. Hải Phòng - Nam Định.
B. Thái Bình - Thanh Hóa.
C. Hoàng Sa - Trường Sa.
D. Quảng Ngãi - Phú Yên.
Chọn C
Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó có 4 ngư trường trọng điểm đã được xác định là ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh, ngư trường quần đảo Hoàng Sa - quần đảo Trường Sa, ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau - Kiên Giang.
Câu 8. Một trong những ngư trường trọng điểm của nước ta là
A. Cà Mau - Kiên Giang.
B. Hải Phòng - Nam Định.
C. Thái Bình - Thanh Hóa.
D. Quảng Ngãi - Bình Định.
Chọn A
Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó có 4 ngư trường trọng điểm đã được xác định là ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh, ngư trường quần đảo Hoàng Sa - quần đảo Trường Sa, ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau - Kiên Giang.
Câu 9. Tỉnh nào sau đây có tỉ lệ diện tích rừng so với diện tích toàn tỉnh cao nhất?
A. Hưng Yên.
B. Bình Dương.
C. Kon Tum.
D. Vĩnh Phúc.
Chọn C
Tỉ lệ diện tích rừng so với diện tích toàn tỉnh cao nhất là tỉnh Kon Tum (trên 60%), Vĩnh Phúc (từ 20-40%) còn Hưng Yên và Bình Dương đều dưới 20%.
Câu 10. Vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước ta là
A. Đồng bằng sông Cửu Long.
B. Đồng bằng sông Hồng.
C. Duyên hải Nam Trung Bộ.
D. Bắc Trung Bộ.
Chọn A
Vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước ta là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 69,8% sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước), đứng thứ hai là vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 17,3% năm 2021).
Câu 11. Yếu tố gây khó khăn cho sự phát triển ngành thủy sản ở nước ta trong những năm qua là
A. sự phát triển của công nghiệp chế biến thủy sản.
B. hệ thống các cảng cá chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
C. nhu cầu ngày càng tăng của thị trường tiêu thụ.
D. nhu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế.
Chọn B
Một trong những yếu tố gây khó khăn cho sự phát triển ngành thủ sản ở nước ta trong những năm qua là hệ thống các cảng cá chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng, chế biến và neo đậu có tàu thuyền có công suất lớn.
Câu 12. Yếu tố nào sau đây thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản ở nước ta hiện nay?
A. Chất lượng môi trường đánh bắt.
B. Khí hậu thuận lợi, vùng biển ấm.
C. Nhu cầu đa dạng của thị trường.
D. Hệ thống các cảng cá, cảng biển.
Chọn C
Yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản ở nước ta trong những năm qua là nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế.
Câu 13. Phát biểu nào sau đây là đúng với ngành thủy sản của nước ta hiện nay?
A. Phương tiện tàu thuyền, ngư cụ còn lạc hậu.
B. Các dịch vụ thủy sản ngày càng phát triển.
C. Chưa hình thành các cơ sở chế biến thủy sản.
D. Các mặt hàng thủy sản chưa được xuất khẩu.
Chọn B
Điều kiện khai thác và nuôi trồng thủy sản hiện nay ở nước ta là
- Nhân dân ta có kinh nghiệm, truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
- Phương tiện tàu thuyền, ngư cụ ngày càng được cải thiện và tăng cường đánh bắt xa bờ.
- Các dịch vụ thủy sản ngày càng phát triển.
Câu 14. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn nhất nước chủ yếu do
A. điều kiện khí hậu ổn định, nhiều nước.
B. ngư trường lớn, ba mặt giáp với biển.
C. nhiều bãi triều, diện tích mặt nước lớn.
D. vùng biển rộng với thềm lục địa nông.
Chọn C
Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn nhất nước chủ yếu là do đây là vùng có mặt nước nuôi trồng rất lớn từ các hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt đến các bãi triều, cửa sông nông, bãi triều,… Ngoài ra còn do thời tiết, khí hậu tương đối ổn định, ít biến động.
Câu 15. Nghề nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh nhất ở vùng nào sau đây?
A. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
B. Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.
C. Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
D. Bắc Trung Bộ, Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Chọn B
Vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước ta là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, (chiếm 69,8% sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước), đứng thứ hai là vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 17,3% năm 2021).
Câu 16. Điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nước lợ ở miền Trung là
A. sông ngòi dày đặc.
B. hệ thống đầm phá.
C. kênh rạch chằng chịt.
D. nhiều ao, hồ rất lớn.
Chọn B
Ở vùng miền Trung có hệ thống đầm phá lớn, nhiều là vùng nước ở cửa sông ven biển, có môi trường nước lợ thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.
Câu 17. Vùng nuôi tôm lớn nhất ở nước ta hiện nay là
A. Đồng bằng sông Hồng.
B. Đồng bằng sông Cửu Long.
C. Duyên hải Nam Trung Bộ.
D. Bắc Trung Bộ.
Chọn B
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước.
Câu 18. Nghề nuôi cá tra và cá basa phát triển nhất ở tỉnh nào sau đây?
A. Bến Tre.
B. Kiên Giang.
C. Long An.
D. An Giang.
Chọn D
Nghề nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Tỉnh An Giang nổi tiếng về nuôi cá tra, cá basa trong lồng bề trên sông Tiền, sông Hậu với sản lượng cá nuôi hàng trăm nghìn tấn.
Câu 19. Khó khăn đối với ngành thuỷ sản ở một số vùng ven biển là
A. thiếu lao động chuyên môn.
B. nguồn lợi thuỷ sản suy giảm.
C. thị trường nội địa biến động.
D. ven biển nhiều dạng địa hình.
Chọn B
Do khai thác quá mức kết hợp với nhiều hình thức khai thác trái phép (như nổ mìn, sử dụng hóa chất độc hại,...), ô nhiễm môi trường biển đã làm cho nguồn lợi thủy sản ven bờ bị suy giảm. Đây là khó khăn mà các địa phương vùng ven biển nước ta đang phải đối mặt.
Câu 20. Phát biểu nào không đúng với hoạt động khai thác thủy sản của nước ta hiện nay?
A. Sản lượng khai thác ngày càng tăng.
B. Đẩy mạnh phát triển đánh bắt xa bờ.
C. Nuôi trồng chiếm tỉ trọng ngày càng cao.
D. Khai thác thủy sản nội địa là chủ yếu.
Chọn D
Nước ta tiếp giáp vùng biển rộng lớn, nhiều ngư trường trọng điểm với nguồn lợi thủy hải sản dồi dào. Hoạt động đánh bắt thủy sản vùng biển ven bờ và hiện nay là ngoài khơi xa được đẩy mạnh, mang lại sản lượng thủy hải sản vô cùng lớn. Như vậy, nhận xét. Khai thác thủy sản nội địa là chủ yếu là không đúng.
Câu 21. Để tăng sản lượng thủy sản đánh bắt, vấn đề quan trọng nhất cần phải giải quyết là
A. mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản.
B. đầu tư phương tiện đánh bắt hiện đại.
C. tìm kiếm các ngư trường mới.
D. trang bị kiến thức mới cho ngư dân.
Chọn B
Để tăng sản lượng thủy sản đánh bắt, vấn đề quan trọng nhất cần phải giải quyết là đầu tư phương tiện đánh bắt hiện đại nhằm đánh bắt xa bờ.
Câu 22. Các xí nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ do
A. nguyên liệu phong phú.
B. tiện đường giao thông.
C. gần thị trường tiêu thụ.
D. tận dụng nguồn lao động.
Chọn A
Các xí nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ do có nguồn nguyên liệu phong phú.
Câu 23. Ngư trường trọng điểm nằm ngoài khơi xa của vùng biển nước ta là
A. Cà Mau - Kiên Giang.
B. Quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
C. Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu.
D. Hải Phòng - Quảng Ninh.
Chọn B
Ngư trường trọng điểm nằm ngoài xa khơi là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Câu 24. Điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở nước ta là
A. bờ biển dài và vùng biển rộng lớn.
B. nhiều ao hồ, sông ngòi, các ô trũng.
C. dọc bờ biển có bãi triều, vũng vịnh.
D. các ngư trường rộng và giàu hải sản.
Chọn B
Nước ta có nhiều sông suối, kênh rạch, ao hồ, các ô trũng ở đồng bằng có thể nuôi thả cá, tôm nước ngọt.
Câu 25. Nhà nước chú trọng đánh bắt xa bờ không phải vì
A. nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.
B. có nhiều phương tiện đánh bắt hiện đại.
C. ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
D. nâng cao hiệu quả đời sống cho ngư dân.
Chọn B
Nhà nước chú trọng đánh bắt xa bờ chủ yếu là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, vùng biển ven bờ ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Đồng thời, việc đánh bắt xa bờ giúp nâng cao hiệu quả đời sống cho ngư dân.
Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 13: Vấn đề phát triển lâm nghiệp và thuỷ sản
I. LÂM NGHIỆP
1. Thế mạnh và hạn chế đối với phát triển lâm nghiệp
a) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:
- Tài nguyên rừng: rừng nước ta đang trong giai đoạn phục hồi, tỉ lệ che phủ rừng xu hướng tăng, cao hơn mức trung bình thế giới là 31% (2021).
- Khí hậu: khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa tạo nên hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm gió mùa đặc trưng. Nhiệt độ cao và độ ẩm lớn làm cho rừng có sinh khối lớn, nhiều loại cây gỗ quý hiếm (trầm hương, cẩm lai, mun,…). Khí hậu phân hóa tạo nên các hệ sinh thái rừng đa dạng.
- Địa hình và đất: có ¾ diện tích đồi núi, chủ yếu đồi núi thấp, thuận lợi công tác bảo vệ và trồng rừng. Rừng được trồng ở nhiều dạng địa hình, trên các loại đất khác nhau. Khu vực đồng bằng và ven biển có rừng tràm, rừng ngập mặn.
- Hạn chế: diện tích rừng tăng nhưng chất lượng rừng chưa cao. Thiên tai và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng, nguy cơ cháy rừng.
b) Điều kiện kinh tế - xã hội:
- Chính sách: thực hiện nhiều chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho lâm nghiệp; chính sách đóng cửa rừng; giao đất, giao rừng,… tạo tâm lí ổn định cho người dân, huy động nguồn lực bảo vệ, phát triển rừng trên diện tích được giao.
- Người dân nhiều kinh nghiệm trong bảo vệ rừng, sản xuất lâm nghiệp. Trình độ lao động ngày càng nâng cao, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học – kĩ thuật.
- Khoa học – công nghệ: ứng dụng khoa học – công nghệ góp phần nâng cao giá trị sản xuất; phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành.
- Sự phát triển của các ngành kinh tế: tạo điều kiện cần thiết để duy trì công tác bảo vệ rừng. Du lịch trải nghiệm tại vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới,… góp phần giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho du khách.
- Hạn chế: công tác bảo vệ rừng gặp khó khăn do lực lượng quản lí còn ít; máy móc, thiết bị trong hoạt động khai thác, chế biến gỗ và lâm sản chậm cải tiến;… ảnh hưởng hiệu quả của ngành lâm nghiệp.
2. Tình hình phát triển và phân bố lâm nghiệp
- Năm 2021, giá trị sản xuất lâm nghiệp khoảng 63,3 nghìn tỉ đồng, tăng 3,4 lần so với 2010. Việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào trồng rừng, bảo vệ rừng ngày càng phổ biến (sử dụng ảnh viễn thám, thiết bị bay không người lái theo dõi thay đổi diện tích rừng,…). Hoạt động khai thác, chế biến lâm sản áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất (tự động hóa, vật liệu mới trong lĩnh vực chế biến và bảo quản lâm sản).
a) Hoạt động trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng:
+ Cả nước có hơn 4,5 triệu ha rừng trồng (2021), chủ yếu là rừng làm nguyên liệu giấy, gỗ trụ mỏ, rừng thông nhựa, rừng phòng hộ.
+ Năm 2021, cả nước trồng mới gần 0,3 triệu ha rừng, chủ yếu ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Định. Mỗi năm vẫn có hàng nghìn ha rừng bị cháy hoặc bị khai thác trái phép.
+ Công tác bảo vệ rừng đang được quan tâm, triển khai khắp cả nước, nhất là bảo vệ rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
b) Hoạt động khai thác, chế biến gỗ và lâm sản:
+ Năm 2021, khai thác khoảng 18,9 triệu m3 gỗ. Chủ yếu ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Định (4 tỉnh này chiếm 36,3% sản lượng cả nước).
+ Các sản phẩm quan trọng là gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ dán,… được đưa vào nhà máy để tiến hành chế biến.
+ Công nghiệp sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; công nghiệp sản xuất bột giấy, giấy và bìa đang phát triển, các cơ sở lớn như Vạn Điểm, Hải Tiến (Hà Nội), Bãi Bằng (Phú Thọ),…
3. Vấn đề quản lí và bảo vệ tài nguyên rừng
- Vấn đề quản lí và bảo vệ tài nguyên rừng đang được chú trọng. Việc phát triển bền vững về diện tích và chất lượng rừng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cao tỉ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó biến đổi khí hậu luôn giữ vai trò quan trọng.
- Để đảm bảo những mục tiêu trên cần:
+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với đất nước.
+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lí, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo thuận lợi cho người dân cùng tham gia quản lí, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp.
+ Kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng…
+ Đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển và ven sông, rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng.
+ Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lí, bảo vệ và phát triển rừng.
II. THỦY SẢN
1. Thế mạnh và hạn chế đối với phát triển thủy sản
a) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:
- Có vùng biển nhiệt đới rộng lớn, nguồn lợi hải sản phong phú. Tổng trữ lượng hải sản khoảng 4 triệu tấn, cho phép khai thác tối đa khoảng 3 – 3,9 triệu tấn (2015 – 2021). Có hàng nghìn loài cá, hơn 1600 loài giáp xác, hơn 2500 loài nhuyễn thể, khoảng 600 loài rong biển,… Có nhiều ngư trường lớn như Cà Mau – Kiên Giang, Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng – Quảng Ninh, quần đảo Hoàng Sa – quần đảo Trường Sa,…
- Dọc bờ biển có nhiều bãi triều, đầm, phá, rừng ngập mặn thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Một số đảo có các rạn đá là nơi tập trung nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế. Ven bờ có nhiều đảo và vịnh, hình thành các bãi cá đẻ. Có nhiều sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ, các vùng trũng ở đồng bằng có thể nuôi cá, tôm nước ngọt.
- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nền nhiệt cao thuận lợi nuôi trồng thủy sản có năng suất cao, hoạt động đánh bắt diễn ra quanh năm.
- Hạn chế: một phần diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đang có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái. Hằng năm, có từ 9 – 10 cơn bão, khoảng 30 – 35 đợt gió mùa Đông Bắc gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản, hạn chế hoạt động khai thác và tàu bè ra khơi.
b) Điều kiện kinh tế - xã hội:
- Số dân đông, thị trường tiêu thụ rộng lớn, người dân nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nguồn lao động được đào tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu trong nuôi trồng và khai thác thủy sản.
- Cơ sở vật chất – kĩ thuật và khoa học – công nghệ: các cơ sở sản xuất và khai thác nguyên liệu, hệ thống cầu cảng, hệ thống điện, đường, thủy lợi,… ngày càng hiện đại. Hoạt động nuôi trồng và khai thác tiến hành thuận lợi hơn nhờ phát triển các dịch vụ và chế biến thủy sản. Ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ như nuôi tôm công nghệ cao, hiện đại hóa phương tiện đánh bắt,… góp phần nâng cao giá trị thủy sản, bảo vệ môi trường.
- Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng thủy sản xuất khẩu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc,…
- Chính sách phát triển ngành thủy sản được chú trọng, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ vững chủ quyền biển đảo, tạo điều kiện vững chắc cho sự phát triển ngành thủy sản.
- Hạn chế: đội ngũ tàu thuyền và các phương tiện đánh bắt còn hạn chế, hệ thống các cảng cá chưa được đầu tư đúng mức, thị trường trong và ngoài nước nhiều biến động.
2. Tình hình phát triển và phân bố ngành thủy sản
a) Chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản
- Chuyển dịch theo hướng phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo vệ an ninh quốc phòng trên các vùng biển và hải đảo. Giảm dần tỉ trọng giá trị và sản lượng từ khai thác, tăng tỉ trọng giá trị và sản lượng từ nuôi trồng.
+ Nuôi trồng thủy sản: sản phẩm đa dạng, chiếm ưu thế là cá và tôm. Nuôi cá tra phát triển theo hướng bền vững, tăng diện tích và sản lượng, phù hợp nhu cầu thị trường. Phát triển nuôi tôm quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học, tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
+ Khai thác thủy sản: tăng cường khai thác vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở trữ lượng nguồn lợi thủy sản, xây dựng cơ cấu tàu thuyền, tổ chức hoạt động khai thác hợp lí gắn với phát triển sinh kế.
b) Tình hình phát triển và phân bố ngành thủy sản
- Giá trị sản xuất ngành chiếm hơn 23% tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản.
- Khai thác thủy sản:
+ Sản lượng tăng liên tục, năm 2021 là 3,9 triệu tấn, trong đó cá biển khai thác là 2,9 triệu tấn.
+ Đẩy mạnh khai thác xa bờ, hiện đại hóa đội tàu thuyền, ngư cụ, chú ý đến truy xuất nguồn gốc khai thác và sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế để mang lại hiệu quả cao.
+ Các tỉnh dẫn đầu về sản lượng thủy sản khai thác: Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Đình, Bình Thuận, Cà Mau,…
- Nuôi trồng thủy sản:
+ Sản lượng tăng nhanh trong những năm gần đây, đạt 4,9 triệu tấn năm 2021, quan trọng nhất là nuôi cá và nuôi tôm. Cải tiển kĩ thuật từ quảng canh sang thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học – kĩ thuật nên sản lượng, chất lượng tăng lên nhanh chóng.
+ Nuôi tôm phát triển mạnh, đạt 1 triệu tấn (2021). Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm lớn nhất, chủ yếu là tôm thẻ và tôm sú. Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu có sản lượng tôm nuôi cao nhất cả nước.
+ Nuôi cá phát triển mạnh, đạt 3,3 triệu tấn (2021), chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ có sản lượng cá nuôi dẫn đầu cả nước.
Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm Bài 12: Vấn đề phát triển nông nghiệp
Trắc nghiệm Bài 13: Vấn đề phát triển lâm nghiệp và thuỷ sản
Trắc nghiệm Bài 14: Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp
Trắc nghiệm Bài 16: Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp
Trắc nghiệm Bài 17: Một số ngành công nghiệp
Trắc nghiệm Bài 18: Tổ chức lãnh thổ công nghiệp