Soạn bài Phân tích bài thơ Việt Bắc | Cánh diều Ngữ văn lớp 12

807

Tài liệu soạn bài Phân tích bài thơ "Việt Bắc" Ngữ văn lớp 12 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Phân tích bài thơ "Việt Bắc"

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 146 sgk Ngữ văn 12 Tập 1):

- Xem lại nội dung đọc hiểu ở bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu). Từ những hiểu biết về bài thơ, liên hệ và so sánh với nội dung bài phân tích của Nguyễn Văn Hạnh.

- Đọc trước văn bản Phân tích bài thơ “Việt Bắc”; tìm hiểu thêm về tác giả Nguyễn Văn Hạnh.

- Tìm đọc một số bài phân tích, nhận xét, đánh giá bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Trả lời:

- Từ hiểu biết của em về bài thơ, liên hệ và so sánh với nội dung bài phân tích của Nguyễn Văn Hạnh :

+ Điểm giống: Sự sáng tạo trong kết cấu bài thơ – sự kết hợp giữa đối đáp ca dao và độc thoại ;Việt Bắc hiện lên rất chân thực, mang nhiều tình nghĩa, chân tình; nỗi nhớ, tình nghĩa đậm đà, đằm thắm trong bài thơ lẫn hồn thơ và giọng thơ Tố Hữu; chất hùng tráng trong những câu thơ trong buổi hành quân.

+ Điểm khác: Hai nhân vật trữ tình nhưng có thể hòa làm một ; văn bản cho em hiểu rõ hơn về điểm đổi mới, sáng tạo của nhà thơ Tố Hữu trong âm hưởng, nhịp điệu và cách diễn đạt; nghệ thuật đặc tả hình ảnh Bác trong thơ Tố Hữu; nét tài tình trong nghệ thuật đặc tả của Tố Hữu và sự đổi mới trong thơ ông.

- Tác giả Nguyễn Văn Hạnh

+ Quê quán : Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam

+ Tiểu sử : Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học. Năm 1961, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Lomonosov ở Moskva, Nga. Năm 1965, ông giữ cương vị là chủ nhiệm bộ môn lý luận văn học.

+ Vị trí : Ông không chỉ là nhà lý luận phê bình, nhà văn hóa giáo dục, mà còn là nhà chính trị - tư tưởng, người tham gia hoạt động chính trị trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, nghệ thuật.

+ Một số tác phẩm tiêu biểu : Cơ sở lý luận văn học (4 tập, 1965-1971); Suy nghĩ về văn học (tiểu luận, 1972); Thơ Tố Hữu, tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí (chuyên luận, 1980, 1985); Nam Cao – một đời người, một đời văn (1993);.....

2. Đọc hiểu

* Nội dung chính Phân tích bài thơ Việt Bắc: Văn bản thể hiện những tư tưởng, quan điểm của tác giả về những giá trị đặc sắc, những nét độc đáo, nổi bật của bài thơ Việt Bắc. Qua đó, tác giả thể hiện sự đổi mới, sáng tạo của nhà thơ Tố Hữu.

Soạn bài Phân tích bài thơ Việt Bắc | Hay nhất Soạn văn 12 Cánh diều

* Trả lời câu hỏi giữa bài:

Câu hỏi (trang 147 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Mở đầu, tác giả nêu vấn đề gì ?

Trả lời:

Mở đầu, tác giả nêu những giá trị của bài thơ Việt Bắc do Tố Hữu sáng tác và khái quát những điểm mới lạ, độc đáo, sáng tạo trong bài thơ Việt Bắc.

Câu hỏi (trang 147 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Hình thức nào của bài thơ được người viết chú ý phân tích ?

Trả lời:

Hình thức của bài thơ được người viết chú ý phân tích là cấu tạo của bài thơ, theo lối đối đáp thường gặp trong văn học dân gian

Câu hỏi (trang 148 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Chú ý những lí lẽ và bằng chứng của tác giả

Trả lời:

Những lí lẽ và bằng chứng của tác giả : Hai nhân vật trữ tình hòa vào làm một, thể hiện tình cảm gắn bó, thắm thiết. Bằng chứng “Mình là bản thân mình…rơi vào đơn điệu”, tác giả kết hợp trích 3 câu thơ trong bài thơ Việt Bắc để chứng minh lí lẽ

Câu hỏi (trang 149 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Chú ý những nhận xét chủ quan của tác giả bài viết

Trả lời:

- Những nhận xét chủ quan của tác giả bài viết

+ Bài thơ có ý vị đậm đà, đặc biệt do nỗi nhớ

+ Cái nghĩa đặm đà, cái tình đằm thắm vốn là sở trường trong hồn thơ và giọng thơ Tố Hữu

Câu hỏi (trang 150 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Sự so sánh ở đây nhằm mục đích gì ?

Trả lời:

Sự so sánh giữa thơ Tố Hữu với ca dao nhằm mục đích thể hiện sự độc đáo, mới lạ của thơ Tố Hữu và sự sáng tạo trong ông.

Câu hỏi (trang 150 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Chú ý tính khẳng định trong ý kiến của tác giả

Trả lời:

Tính khẳng định trong ý kiến của tác giả được thể hiện qua đoạn văn: “nhà thơ đã dựng lên một bức tranh đầy chất thơ, chất nhạc…ung dung, thanh thoát”

Câu hỏi (trang 151 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Phần 3 nêu và phân tích nội dung gì ?

Trả lời:

Phần 3, tác giả bàn luận về nghệ thuật đặc tả hình ảnh Bác trong thơ Tố Hữu và sự thay đổi phong cách văn chương của Tố Hữu trước và sau cách mạng.

* Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 (trang 151 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Qua văn bản Phân tích bài thơ “Việt Bắc”, tác giả Nguyễn Văn Hạnh muốn làm sáng tỏ điều gì? Vấn đề ấy được nêu ở phần nào của văn bản?

Trả lời:

- Tác giả muốn làm sáng tỏ những nét độc đáo, đặc sắc và sáng tạo trong bài thơ Việt Bắc

- Vấn đề được nêu ở phần mở đầu của văn bản “Tố Hữu hoàn thành bài thơ Việt Bắc,…nhịp điệu và ngôn ngữ”

Câu 2 (trang 151 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Xác định nội dung chính của các phần được đánh số trong văn bản. Từ đó, nêu các luận điểm của bài viết.

Trả lời:

- Các luận điểm của bài viết :

+ Khái quát những điểm độc đáo, sáng tạo và mới mẻ của bài thơ Việt Bắc(phần 1)

+ Biểu hiện của sự sáng tạo, mới mẻ trong bài thơ Việt Bắc qua kết cấu, từ ngữ, hình ảnh thơ, âm hưởng, nhịp điệu , cách diễn đạt, ngôn ngữ. (phần 2)

+ Hình ảnh Bác trong thơ Tố Hữu và kết luận (phần 3)

Câu 3 (trang 151 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Người viết phân tích và làm sáng tỏ ý kiến: “Việt Bắc ngọt ngào, đằm thắm, là một bài ca tâm tình, rất tiêu biểu cho hồn thơ, cho phong cách của Tố Hữu.” bằng các lí lẽ và dẫn chứng nào trong phần 2 của văn bản?

Trả lời:

- Người viết phân tích và làm sáng tỏ ý kiến bằng các lí lẽ và dẫn chứng :

+ Tình nghĩa sâu nặng của Tố Hữu dành cho đất nước, nhân dân. Dẫn chứng qua câu nói của Tố Hữu trong cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn học người Pháp.

+ Hai nhân vật trong bài thơ tưởng chừng như tách biệt nhưng đi sâu hơn “ta” với “mình” đều hoà làm một. Qua đó thể hiện sự gắn bó, tình nghĩa thiết tha giữa kẻ đi và người ở lại. Dẫn chứng : nhà thơ thay thế chữ “mình” vào chữ “ta” ở một số câu thơ và phân tích tính hợp lý, hoà quyện của chúng.

+ Bài thơ có một ý vị đậm đà, đặc biệt do nỗi nhớ. Tác giả rút ra “Cái nghĩa đặm đà, cái tình đằm thắm vốn là sở trường trong hồn thơ và giọng thơ Tố Hữu”. Dẫn chứng : tác giả phân tích những câu thơ thể hiện tình cảm mặn nồng trong bài Việt Bắc

+ Viết về thiên nhiên Việt Bắc, thơ Tố Hữu đằm thắm như ca dao, dân ca. Tác giả chứng minh lí lẽ thông qua việc trích dẫn và phân tích các câu thơ viết về núi rừng Việt Bắc trong bài thơ.

Câu 4 (trang 151 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Nét đặc sắc khi tác giả phân tích phần 3 của văn bản là gì?

Trả lời:

- Nét đặc sắc trong phần 3 : Nghệ thuật đặc tả hình ảnh của Bác.

+ Dẫn chứng : Tác giả viết thêm, “nhà thơ Xuân Diệu cho đây là một bức họa”. Qua đó, tăng sức thuyết phục thông qua nhận định của một nhà thơ lớn - ông hoàng thơ tình.

+ Tác giả dùng một loạt những câu từ khẳng định như “nhà thơ đã dựng lên một bức tranh đầy chất thơ” ; “Hình ảnh, phong độ của Bác ở đây rất mực giản dị”,...nhằm thể hiện rõ ràng lập trường, quan điểm, bộc lộ ý kiến của tác giả.

Câu 5 (trang 151 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Văn bản Phân tích bài thơ “Việt Bắc” của Nguyễn Văn Hạnh giúp em hiểu thêm được gì về bài thơ này?

Trả lời:

Văn bản đã giúp em hiểu thêm về nhiều khía cạnh, nhiều góc nhìn, những điểm mới mẻ và cả những khổ thơ mà em chưa biết. Đầu tiên là tình nghĩa thâm tình, gắn bó được thể hiện qua sự hòa làm một của hai nhân vật trữ tình “mình” với “ta”. Thứ nữa, văn bản cho em hiểu rõ hơn về điểm đổi mới, sáng tạo của nhà thơ Tố Hữu trong âm hưởng, nhịp điệu và cách diễn đạt . Đặc biệt là khổ thơ viết về Bác, đã cho thấy nét tài tình trong nghệ thuật đặc tả của Tố Hữu và sự đổi mới trong thơ ông, vẫn mang giá trị nghệ thuật cao nhưng dần trở nên gần với quần chúng nhân dân.

Câu 6 (trang 151 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Dẫn ra một số câu văn thể hiện ý kiến nhận xét, đánh giá chủ quan của người viết khi phân tích bài thơ Việt Bắc.

Trả lời:

- Một số câu văn thể hiện ý kiến nhận xét, đánh giá chủ quan của người viết :

+ “Nét đặc sắc cao quý của Việt Bắc chính là ở chỗ nghèo mà chân tình”

+ “Trong bài thơ, cái nghĩa đậm đà, cái tình đằm thắm vốn là sở trường trong hồn thơ và giọng thơ Tố Hữu”

+ “Bài thơ có một ý vị đậm đà, đặc biệt do nỗi nhớ”

+ “Bài thơ Việt Bắc thật sự là một trong những bài thơ hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu và trong nền thơ hiện đại của chúng ta”

Đoc tác phẩm: Phân tích bài thơ “Việt Bắc”

Phân tích bài thơ “Việt Bắc”

Nguyễn Văn Hạnh

Tháng 10-1954, Tố Hữu hoàn thành bài thơ Việt Bắc, một tác phẩm gồm 150 câu viết theo thể lục bát, phát triển một cách độc đáo và sáng tạo thể thơ truyền thống của dân tộc, làm cho bài thơ đậm đà tính chất dân gian và cổ điển, đồng thời cũng rất mới mẻ trong tư tưởng và chất liệu hiện thực, trong hình ảnh, giọng thơ, nhịp điệu và ngôn ngữ. […]

Việt Bắc ngọt ngào, đằm thắm, là một bài ca tâm tình, rất tiêu biểu cho hồn thơ, cho phong cách của Tố Hữu. Vẫn là tiếng nói của tình cảm, tình yêu, nhưng là tình yêu đối với quê hương đất nước, đối với cách mạng, đối với nhân dân. Trong câu chuyện với một nhà nghiên cứu văn học người Pháp là Mi-ren Găng-sen (Mireille Gansel), Tố Hữu tâm sự rằng anh “phải lòng” đất nước và nhân dân mình, và đã nói về đất nước, về nhân dân như nói với người đàn bà mình yêu. Cho nên, tình yêu biến thành tình nghĩa, và Việt Bắc trở thành tiếng hát ân tình chung của những người kháng chiến, của cả dân tộc trong một thời điểm rất đáng ghi nhớ.

Bài thơ cấu tạo theo lối đối đáp thường gặp trong văn học dân gian, đối đáp giữa hai người yêu thương nhau, tình nghĩa mặn nồng, nay phải chia tay nhau, kẻ đi người ở. Người ở lại với rừng núi nhạy cảm, cả nghĩ hơn trước những thay đổi trong cuộc sống, sợ bạn mình không giữ được thuỷ chung trước “cám dỗ” mới, cho nên luôn gợi nhớ về kỉ niệm và băn khoăn không nguôi, hỏi mình, hỏi bạn:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Hoá ra người về cũng cùng một tâm trạng, cũng tỉnh nghĩa thuỷ chung như bạn mình:

Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu...

Ở chiều sâu của suy nghĩ, thơ là tâm trạng thống nhất của những người kháng chiến, của chính bản thân nhà thơ, tạo nên sự liền mạch của hơi thơ, giọng thơ. Có thể nói đối đáp là cấu tạo bên ngoài, mà độc thoại, tự biểu hiện là cấu tạo bên trong.

Do sự thâm nhập giữa đối đáp và độc thoại đó, mà trong bài thơ “ta” và “mình” không phải lúc nào cũng là hai nhân vật tách biệt, mà có khi chuyển hoá lẫn nhau. Mới nhìn qua thì đúng là hai người, kẻ về người ở:

Mình về mình có nhớ ta

Nhưng đi sâu hơn thì “mình” cũng là “ta”, “ta” cũng là “mình”, “ta” và “mình” hoà làm một. Cuộc trò chuyện giữa hai người sống gắn bó, tình nghĩa với nhau bao nhiêu năm, cùng chung kỉ niệm và mong ước, cùng chung tâm trạng buổi phân li cũng là sự xúc động, nỗi băn khoăn, dằn vặt giữa cái đã qua và cái sắp tới, giữa phần đi và phần ở trong một con người. Cho nên bên cạnh những hình ảnh “ta” và “mình” tách biệt nhau, đối đáp với nhau, ta sẽ không lấy làm lạ khi nhà thơ viết:

Hoặc:

Mình đi, mình có nhớ mình

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...

Nhà thơ đã khai thác rất đắt chữ “mình” trong tiếng Việt. Mình là bản thân mình, là ta, nhưng mình cũng là người khác, một người khác thân thiết với mình, người bạn đời của mình, vì vậy cũng có thể xem như chính mình. Mình là một mà cũng là hai, là hai mà cũng là một. Bài thơ vừa thống nhất, vừa biến hoá, giữ vững tính mẫu mực của thể lục bát trong một bài thơ có dung lượng lớn như vậy mà không rơi vào đơn điệu. [...]

Dưới ngòi bút của Tố Hữu, Việt Bắc hiện lên rất chân thực và xúc động:

Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu,

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già.

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Nét đặc sắc cao quý của Việt Bắc chính là ở chỗ nghèo cực mà chân tình, rộng mở, mà son sắt, thuỷ chung với Cách mạng. Người đã vậy mà thiên nhiên cũng vậy. Những câu thơ như “Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”, hay “Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son” vừa dân dã, vừa cổ điển, cân đối, cô đúc, lại ngân vang, dìu dặt, thắt buộc, thân thuộc mà mới mẻ, lạ lùng.

Bài thơ có một ý vị đậm đà, đặc biệt do nỗi nhớ: nỗi nhớ trong người về và kẻ ở, trong lời đáp và cả trong câu hỏi. Nỗi nhớ cứ trở đi trở lại, cồn cào, da diết. Cuộc sống, hình ảnh qua thời gian đã biến thành kỉ niệm, thành tình cảm, lúc rõ nét, thấm thía, lúc lại mơ màng, xa vợi, chung rất chung, mà riêng cũng riêng đến từng chi tiết:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khỏi cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ không tách rời với thương, nhớ chính vì thương.

Trong bài thơ, cái nghĩa đậm đà, cái tình đằm thắm vốn là sở trường trong hồn thơ và giọng thơ Tố Hữu được kết hợp với một khả năng quan sát tinh tế. Người đọc như được sưởi ấm bởi cái tình “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, càng thấy thân thiết gấp bội những hình ảnh đặc sắc của Việt Bắc được nhà thơ gợi lại:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Những câu thơ viết tự nhiên, thoải mái, như tuôn chảy từ tấm lòng không một chút dụng công, mà có nỗi nhớ của bốn mùa, hình ảnh cả bốn mùa, lúc vắng lặng hiu hắt, lúc rộn ràng, tươi xanh mát dịu. Phải quan sát kĩ, phải có cái tình thiết tha vô hạn với con người, với thiên nhiên Việt Bắc, mới ghi được những hình ảnh ấm áp và ngời sáng như vậy. [...]

Kháng chiến và cách mạng đã xua tan bớt nét hiu hắt âm u của Việt Bắc, làm tăng thêm cảnh thơ mộng của nó và dưa vào dây không khí chiến đấu hào hùng của dân tộc.

Rừng núi tình nghĩa cũng là rừng núi chiến đấu rất kiên cường. Và tâm hồn con người ngọt ngào, chung thuỷ giản dị trong cuộc sống hằng ngày cũng hân hoan, rộng mở trước những cảnh tượng hùng vĩ của cuộc chiến đấu, của hoạt động cách mạng.

Chất hùng tráng trong những câu thơ như:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

đã làm cho bài thơ sôi nổi và đổi mới hẳn đi về âm hưởng và nhịp điệu. Nói đến thiên nhiên của Việt Bắc, tấm lòng chân thật, tình nghĩa sắt son của người Việt Bắc, thơ Tố Hữu đằm thắm như ca dao, dân ca. Nhưng khi miêu tả không khí sôi nổi của sinh hoạt cách mạng và chiến đấu thì thơ ông lại náo nức, trầm hùng.

Tố Hữu thường chú ý cách diễn đạt quen thuộc với cảm nghĩ của quần chúng, thích nhịp điệu êm ái, cân đối của câu thơ dân gian và cổ điển, và từ cơ sở này mà đổi mới, sáng tạo về cách diễn đạt, về hình ảnh và ngôn ngữ để phù hợp với thực tế cuộc sống và tư tưởng cần thể hiện.

Trong bài thơ Việt Bắc cũng như thường thấy trong thơ Tố Hữu, tình cảm bao giờ cũng làm nền, mà cái tình thì rất thật, trên đó đan xen nhau những yếu tố cũ và mới, tính chất ước lệ và cụ thể, và thông qua sự kết hợp này mà đạt đến một thứ cổ điển mới cho thể thơ lục bát truyền thống.

Đoạn thơ viết về Bác ở gần cuối bài là một trong những đoạn hay nhất của bài thơ:

Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu tủi vải, đẹp tươi lạ thường!

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước trên đèo

Người đi, rừng núi trông theo bóng Người.....

Nhà thơ Xuân Diệu cho đây là một bức hoạ. Bằng những nét chấm phá tinh tế theo tinh thần hội hoạ phương Đông, nhà thơ đã dựng nên một bức tranh đầy chất thơ, chất nhạc, rất trữ tình và giàu sức gợi tả. Hình ảnh, phong độ của Bác ở đây rất mực giản dị, ung dung, thanh thoát. Nghệ thuật đặc tả hình ảnh Bác trong đoạn thơ không chỉ thể hiện chân thực cách cảm thụ, suy nghĩ của người miền núi đang đóng vai người đưa tiễn trong bài, mà còn rất phù hợp với tâm hồn và phong độ của Bác, với phong cách của Tố Hữu khi viết về Bác mà ta đã bắt gặp trong nhiều bài thơ trước đó.

Càng hiểu Bác, càng lĩnh hội được nét đặc trưng của tính cách Việt Nam thể hiện trong đời sống cũng như trong nghệ thuật dân gian và cổ điển, Tố Hữu thường tránh những màu sắc sặc sỡ, những đường nét dứt khoát. Đó cũng là chỗ khác biệt dễ nhận thấy qua hình tượng Bác Hồ trong những bài thơ của Tố Hữu thời kì đầu Cách mạng và về sau. Trên con đường phát hiện ra sự thật đó, bài thơ Việt Bắc là một cái mốc quan trọng phản ánh được chân thực tư tưởng, tình cảm của nhân dân, theo cách suy nghĩ và diễn đạt rất gần gũi với quần chúng đông đảo, với trình độ nghệ thuật cao. Bài thơ Việt Bắc thật sự là một trong những bài thơ hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu và trong nền thơ hiện đại của chúng ta.

 (Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001)

Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Toàn cầu hóa và bản sắc văn hóa dân tộc

Thực hành đọc hiểu: Phân tích bài thơ "Việt Bắc"

Thực hành tiếng Việt trang 151

Viết bài nghị luận về vai trò của văn học đối với tuổi trẻ

Nghe thuyết trình về một vấn đề văn học

Tự đánh giá: Hẹn hò với định mệnh

Đánh giá

0

0 đánh giá