Soạn bài Nghe thuyết trình về một vấn đề văn học | Cánh diều Ngữ văn lớp 12

1 K

Tài liệu soạn bài Nghe thuyết trình về một vấn đề văn học Ngữ văn lớp 12 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Nghe thuyết trình về một vấn đề văn học

1. Định hướng

a) Người nghe thuyết trình cần nắm được thông tin của bài thuyết trình, từ đó nêu lên và khẳng định những ưu điểm cũng như những hạn chế của bài thuyết trình cả về nội dung và cách thức trình bày. Vì thế khi nghe, các em cần chú ý:

- Hiểu được nội dung chính của bài thuyết trình.

- Nhận biết được tư tưởng, cách nhìn và thái độ của người thuyết trình về vấn đề mà họ trình bày. Đặt được câu hỏi về những điều mình chưa hiểu, chưa rõ.

- Trao đổi với người trình bày về những ý kiến khác biệt (nếu có).

Trong phần Viết, các em đã rèn luyện viết bài nghị luận về vấn đề văn học có vai trò như thế nào đối với cá nhân mình. Nội dung nói – nghe sử dụng ngữ liệu của phần Viết. Người nói cần chuyển nội dung bài viết thành bài nói. Bài này tập trung chủ yếu vào kĩ năng nghe. Người nghe tập trung lắng nghe, nêu ra được những nhận xét, đánh giá về nội dung và cách thức thuyết trình của người nói.

b) Để nghe và nêu được các nhận xét, đánh giá, các em cần chú ý:

- Tập trung lắng nghe không chỉ lời nói mà cả cách thức trình bày, thái độ, tình cảm và việc sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ của người nói trong lúc trình bày.

- Ghi chép lại các nhận xét, đánh giá về nội dung (đề tài, luận đề, luận điểm, lí lẽ và các bằng chứng được người nói nêu lên) và cách thức thuyết trình (cách nói, cách kết hợp, sử dụng sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ và các yếu tố phi ngôn ngữ,...).

- Có thái độ thân thiện, tôn trọng người nói.

- Ghi lại các câu hỏi về những điểm chưa rõ, chưa hiểu và nội dung mà mình có ý kiến khác với người thuyết trình.

2. Thực hành

Bài tập: Thực hành nghe bài thuyết trình về vai trò của văn học đối với cá nhân em.

a) Chuẩn bị

- Xem lại mục 1. Định hướng về cách thức và yêu cầu khi nghe một bài thuyết trình.

- Xem lại nội dung dàn ý đã chuẩn bị ở phần Viết.

b) Tìm ý và lập dàn ý

Tham khảo dàn ý đã nêu ở phần thực hành viết, bổ sung, điều chỉnh nội dung cho phù hợp với yêu cầu nói và nghe.

c) Thực hành nói và nghe

- Người nói: trình bày bài thuyết trình theo dàn ý mình đã chuẩn bị.

- Người nghe: nghe bài thuyết trình theo các yêu cầu đã nêu ở mục 1. Định hướng.

* Bài nói mẫu tham khảo :

Em chào cô và các bạn. Em tên là….Em xin trình bày bài viết về vai trò của văn học đối với cá nhân em.

Văn học và cuộc sống vốn mang mối quan hệ gắn bó, không thể tách rời. Bởi vậy mà mỗi tác phẩm văn học là tiếng nói của tác giả trong cuộc đời. Thông qua mỗi tác phẩm đều để lại trong em những bài học và giá trị sâu sắc.

Mỗi tác phẩm văn học là mỗi cảnh đời trong cuộc sống được khắc họa. Văn học cung cấp cho em góc nhìn phong phú về cuộc đời và con người. Như trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa”, tác phẩm giàu chất tạo hình, tựa như một thước phim cận cảnh cuộc đời đầy cay xót, trái ngang của người phụ nữ làng chài.

Văn học để lại rất nhiều ấn tượng trong em, không chỉ là về những đặc sắc nghệ thuật mà còn về giá trị hiện thực mà nó đem lại. Một trong những khung cảnh mà em ấn tượng có lẽ là cảnh bạo lực gia đình, người chồng đánh vợ như súc vật trong “Chiếc thuyền ngoài xa”. Nếu như trước đó nghệ sĩ Phùng đã bắt gặp một “cảnh đắt trời cho”, đẹp đến mê hồn, thậm chí được ví như “bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”, làm rung động tâm hồn người nghệ sĩ thì giờ đây, bức tranh ấy đã nhuốm màu sắc đớn đau, cơ cực. Chính sự đổi thay ngang trái ấy khiến em ấn tượng mãi không thôi về sự thật - sự thật đằng sau bề ngoài đẹp đẽ, mê hồn có thể xù xì, gai góc đến như vậy.

Văn học đã đưa giúp cho em có cái nhìn vô cùng thực tế về bản thân và cuộc sống. Mọi chuyện không chỉ đơn giản như vẻ ngoài của nó, trước khi suy xét cần phải thấu hiểu tường tận, nhìn xuyên qua những cái bề ngoài đẹp đẽ để nhận ra được bản chất của sự vật, hiện tượng bên trong cái vỏ ngoài ấy. Nhìn nhận về con người cũng vậy. Con người vốn là một thực thể bề bộn và phức tạp, không đơn chiều, nhất phiến. Vì vậy, không nên nhìn con người hay số phận con người một cách đơn giản xuôi chiều mà cần nhìn nhận một cách đa chiều, đa diện mới hiểu hết bản chất đích thực của con người. Trong Chiếc thuyền ngoài xa, tác giả đã đem đến một truyện ngắn có chiều sâu nhận thức và có giá trị cuộc sống lớn lao, thông qua phát hiện những nghịch lí của đời thường.

Văn học đưa đến cho em nhiều bài học giá trị. Trong Chiếc thuyền ngoài xa, bản thân em nhận ra rằng những kiến thức sách vở chỉ là kẻ ngây thơ trước thực tế muôn màu, muôn sắc, phức tạp.

Tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học em cảm thấy nhói đau cho số phận con người trong cuộc sống mưu sinh vất vả, nhọc nhằn. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa đã khơi dậy lòng thương cảm, sự thấu hiểu và sẻ chia trước số phận vất vả, khổ cực của kiếp người nghèo khổ, bế tắc bị cầm tù bằng nỗi đau về thể xác và tinh thần. Hay truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam đã khắc họa cảnh đời cơ cực của con người, đặc biệt sự vất vả, khó khăn vốn dĩ không đáng có, mà hai đứa trẻ phải trải qua. Thông qua tác phẩm, em phát hiện ra những vẻ đẹp đời thường hết sức nhân văn trong mỗi con người và từ đó, thêm trân trọng con người, trân trọng những phẩm chất đáng quý và cao cả ấy.

Mỗi tác phẩm văn học đều mang một thứ ánh sáng nhiệm màu, ánh sáng ấy chiếu rọi vào trong tâm hồn ta, nuôi dưỡng tâm hồn. Ánh sáng kì diệu ấy, chiếu tỏa lên mọi ngóc ngách cuộc đời và tạo nên những cảm xúc tốt đẹp, làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục 2. Thực hành, ý d (trang 42); đối chiếu với dàn ý đã làm ở bài này.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá