TOP 20 bài Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác

46.7 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác Ngữ văn 12 Chân trời sáng tạo, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác

Đề bài: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác mà bạn yêu thích.

TOP 20 bài Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác (ảnh 1)

Dàn ý Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác

- Mở bài: Giới thiệu hai tác phẩm thơ và nêu nội dung, vấn đề cần so sánh đánh giá.

- Thân bài: Phân tích, so sánh hai tác phẩm để làm rõ điểm tương đồng, khác biệt về đặc điểm/ giá trị nội dung và nghệ thuật của hai tác phẩm thơ. Có thể lần lượt chỉ ra những điểm tương đồng/ khác biệt trên từng khía cạnh của nội dung, vấn đề.

- Kết bài: Khẳng định lại đặc điểm thể loại của tác phẩm; những giá trị chung và nét độc đáo ở mỗi tác phẩm; nêu cảm nghĩ về phong cách sáng tác của mỗi tác giả.

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác - Mẫu 1

Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương. Tình yêu là một loại tình cảm đặc biệt trong tâm hồn mỗi người. Sự sống của tình yêu là nỗi nhớ. Nỗi nhớ trong tình yêu cũng đa sắc thái và nhiều cung bậc. Những sắc thái và cung bậc ấy được thể hiện rất đẹp qua hai trích đoạn trong Tương tư của Nguyễn Bính và Việt Bắc của Tố Hữu. Nguyễn Bính thì bày tỏ nỗi nhớ nhung trong tình yêu đôi lứa, Tố Hữu thì bày tỏ nỗi niềm da diết khôn nguôi với quê hương cách mạng biết bao nghĩa tình.

Cũng như các nhà thơ lãng mạn cùng thời, Nguyễn Bính say mê với đề tài tình yêu, nhưng tình yêu trong thơ Nguyễn Bính có một lối nói riêng. “Cái tôi” trong thơ Nguyễn Bính không nổi lên mà tan hòa vào không gian đồng quê bằng biện pháp ẩn dụ nhân hoá như trong ca dao:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của giời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

 

Tâm trạng tương tư của chàng trai quê được bộc lộ trong bài thơ “Tương tư" thành những nhớ mong da diết, trĩu nặng. Nỗi niềm ấy được xem như một quy luật tự nhiên không thể cưỡng lại, một thứ “tâm bệnh” khó chữa của người đang yêu. Niềm mong nhớ gắn liền với khung cảnh làng quê khiến cho cả không gian như cũng nhuốm đầy nỗi tương tư.

Từ nỗi nhớ người yêu luôn thường trực, cháy bỏng trong lòng, cái tôi trữ tình suy ngẫm, liên tưởng, nhận diện nỗi nhớ. Người ta thường nói nỗi nhớ là sự sống của tình yêu, còn Nguyễn Bính thì quy kết thành bệnh. Cái bệnh kinh niên sinh ra từ tâm lí của con người, không ai nói mình yêu mà không nhớ, nhớ mà không yêu. Yêu là nhớ, đó là quy luật. Quy luật của lòng người cũng như quy luật của tự nhiên: “Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Trời đất không thể không có gió mưa, sống không thể “không nhớ, không thương một kẻ nào”. Một sự thừa nhận thành thật, ý vị khẳng định tính tất yếu của thiên nhiên cũng như của tình yêu – lòng người.

Về nghệ thuật, nhà thơ sử dụng các hình ảnh sóng đôi: Đông - Đoài, gió - mưa, tôi - nàng… tô đậm khát vọng lứa đôi. Thể thơ lục bát cùng với các hình thức diễn đạt, cách dùng địa danh quen thuộc của ca dao dân ca khiến đoạn thơ có vẻ đẹp dung dị, duyên dáng dễ đi vào lòng người. Chất chân quê của hồn thơ Nguyễn Bính được biểu hiện rất tài tình, khiến đọc lên người ta cứ ngỡ ca dao chứ không phải thơ hiện đại, và mỗi người đều mượn nó để nói hộ lòng mình. Đó chẳng phải là những câu thơ bất hủ đó sao!

Thể thơ lục bát thấm đượm phong vị ca dao. Chất liệu ngôn từ trong bài “Tương tư" rất chân quê với những địa danh, thành ngữ gần gũi, cách tổ chức lời thơ độc đáo, sử dụng nhuần nhuyễn nhiều biện pháp tu từ: hoán dụ, nhân hoá, đối sánh, tăng tiến, khoa trương.

Như trên đã nói, tình yêu trong mỗi con người là một xúc cảm tuyệt vời, nỗi nhớ trong tình yêu cũng đa sắc thái, nhiều cung bậc. Nếu Nguyễn Bính giãi bày nỗi nhớ trong tình yêu đôi lứa thì Tố Hữu trong đoạn thơ này lại diễn tả niềm da diết khôn nguôi với Việt Bắc - quê hương cách mạng biết bao nghĩa tình:

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đỉnh núi nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”

Suốt mười lăm năm “Từ khi kháng Nhật thuở còn Việt Minh” cho đến lúc cuộc kháng Pháp vĩ đại thắng lợi, cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã gắn bó cùng đồng bào Việt Bắc đánh giặc “Bát cơm chấm muối, mối thù nặng vai… Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng’’, nay chiến thắng trở về xuôi làm sao có thể quên những kỉ niệm sâu nặng như thế!

Tố Hữu đã diễn tả nỗi niềm thương nhớ day dứt, khôn nguôi của người đi kẻ ở cũng thường trực, da diết như trong nỗi nhớ của tình yêu đôi lứa vậy. Nhưng nỗi nhớ không dành riêng cho một đối tượng mà nỗi nhớ dành cho tất cả đồng bào và thiên nhiên Việt Bắc. Nỗi nhớ giăng mắc khắp không gian, lung linh bao kỉ niệm: Nhớ những đêm trăng treo trên đầu núi, những buổi chiều nắng toả vàng rộng khắp trên nương, những bản làng ảo mờ trong sương khói, đặc biệt là bóng dáng của “người thương đi về”quây quần bên bếp lửa mỗi đêm đông, cảnh – người quyện hoà thanh bình, yên ả, ấm áp.

“Việt Bắc" của Tố Hữu đã thể hiện nỗi nhớ đằm thắm, sâu nặng của người cán bộ kháng chiến dành cho Việt Bắc, trong đó chan hòa tình nghĩa riêng chung. Hiện lên trong nỗi nhớ ấy là hình ảnh chiến khu Việt Bắc thân thương, với cảnh vật bình dị mà thơ mộng, với nhịp sống đơn sơ mà êm đềm, đầm ấm. Thể thơ lục bát kết hợp nhuần nhuyễn chất cổ điển và chất dân gian, nhịp điệu linh hoạt uyển chuyển, âm hưởng tha thiết, ngọt ngào. Hình ảnh thơ giản dị mà gợi cảm, cách ví von quen thuộc mà vẫn độc đáo, cách tổ chức lời thơ với phép tiểu đối, phép điệp cân xứng, khéo léo đã khiến cho độc giả vô cùng ấn tượng bởi những giá trị mà bài thơ mang lại.

Tuy ra đời ở hai thời điểm khác nhau nhưng hai bài thơ đều đều thể hiện nỗi nhớ da diết, sâu nặng, sử dụng thể thơ lục bát điêu luyện. 

Song, bên cạnh đó, dù viết cùng về một đề tài nhưng giữa hai bài thơ vẫn có những điểm khác biệt. Bài thơ “Tương tư” là nỗi nhớ của tình yêu lứa đôi, gắn với không gian làng quê Bắc Bộ, vừa bày tỏ vừa “lí sự” về tương tư, với cách đối sánh táo bạo còn nỗi nhớ được thể hiện trong bài “Việt Bắc” là nỗi nhớ của tình cảm cách mạng, gắn với không gian núi rừng Việt Bắc, nghiêng hẳn về bộc bạch tâm tình, với cách ví von duyên dáng. 

Thơ là tiếng tơ lòng, mỗi khi rung động trước thiên nhiên, đất nước, con người, tiếng tơ ấy lại cất lên tiếng hát của tâm hồn làm xúc động biết bao người đọc. Cảm ơn các nhà thơ đã cho ta biết yêu, biết rung động trước cái đẹp của cuộc đời qua những trang thơ.

TOP 20 bài Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác (ảnh 2)

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác - Mẫu 2

Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có ít nhất một niềm thương, nỗi nhớ. Niềm thương, nỗi nhớ ấy luôn thường trực trong ta tạo nên những rung động mãnh liệt trong cảm xúc. Với các thi nhân, cảm xúc lại là yếu tố vô cùng quan trọng. Nó giúp cho các nhà thơ làm nên những thi phẩm say đắm lòng người. Tiếng nói từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Đoạn thơ:

"Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu.”

trích trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu và đoạn thơ:

“Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương.”

trích trong bài thơ “Sóng“ của Xuân Quỳnh là những vần thơ dạt dào cảm xúc như thế.

Nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Xuân Quỳnh là hai nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại được nhiều bạn yêu thơ mến mộ. Nếu nhà thơ Tố Hữu là cánh chim đầu đàn, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam thì Xuân Quỳnh được mệnh danh là nữ hoàng của thơ tình.

Mỗi tác giả đã tạo ra thơ của mình với mỗi vẻ đẹp riêng. Thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình, chính trị; mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu mang giọng điệu ngọt ngào, tâm tình tha thiết, giọng của tình thương mến; đậm đà tính dân tộc. Thơ Xuân Quỳnh lại in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn luôn da diết, luôn khát vọng về một hạnh phúc đời thường.

Bài thơ “Việt Bắc” viết về cách mạng, còn bài thơ “Sóng” hướng tới đề tài tình yêu lứa đôi.

Tháng 10/1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô. Nhân sự kiện thời sự có tình lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc” in trong tập thơ “Việt Bắc”. Đoạn thơ trích trong bài Việt Bắc là lời người ra đi đáp lại người ở lại.

Bốn câu thơ giống như một lời thề nguyền, lời khẳng định gắn bó thủy chung trước sau như một mà những cán bộ cách mạng miền xuôi muốn gửi tới đồng bào Việt Bắc. Lời thơ óng ả, dịu dàng, tình tứ và lối xưng hô thân mật, ngọt ngào của ca dao, dân ca “mình - ta” được sử dụng một cách linh hoạt. Nỗi nhớ của người cách mạng về quê hương Việt Bắc giống như nỗi nhớ của những đôi lứa yêu nhau. Sự sắp xếp từ liền đôi, quấn quýt không muốn rời xa của “ta” và “mình”, vừa khéo léo khẳng định tấm lòng của “ta” cũng như “mình”. Tình cảm của người về với Việt Bắc là thứ tình cảm thắm thiết, mặn mà, gắn chặt trong tim, ghim chặt trong lòng. Tình cảm ấy còn được khẳng định bằng một hình ảnh thơ so sánh “Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”. Trong tiềm thức của người Việt Nam nước trong nguồn là dòng nước không bao giờ vơi cạn, chảy bất tận. Ý thơ trở nên sâu sắc hơn khi tác giả sử dụng cặp từ so sánh tăng tiến “bao nhiêu,… bấy nhiêu”. Đó là sự so sánh giữa một cái vô tận với một cái bất tận.

Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967 nhân chuyến đi thực tế ở Diêm Điền (Thái Bình), in trong tập thơ “Hoa dọc chiến hào” (1968). Bài thơ được viết khi Xuân Quỳnh còn trẻ khoảng 25 tuổi nhưng đã trải qua không ít những thăng trầm, đổ vỡ trong tình yêu.

Ở khổ thơ trên “Sóng” được khám phá theo chiều rộng của không gian ở hai miền “xuôi”, “ngược”. Sóng dù xuôi về hướng Bắc, dù ngược về phương Nam thì cuối cùng vẫn hướng về bờ:

“Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương.”

Thông thường người ta hay nói xuôi Nam, ngược Bắc nhưng ở đây Xuân Quỳnh lại nói xuôi Bắc, ngược Nam, dường như cái lô-gic của lí trí thông thường đã bị lu mờ, chỉ còn lại hai miền xuôi ngược để trăn trở tìm nhau, để khao khát bên nhau. Cách nói ấy cũng khiến người đọc hình dung về những gian nan, cách trở mà trái tim yêu phải vượt qua.

Con “sóng” kia muôn đời thao thức để khắc khoải xuôi ngược tìm bờ thì em cũng chỉ duy nhất hướng về “phương anh”. Đây là một sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh khi đưa khái niệm không gian để nói về mức độ thủy chung, bốn phương Đông - Tây - Nam - Bắc là của vũ trụ này, chỉ có duy nhất nơi anh là phương trời của em. Giữa cuộc đời rộng lớn, thơ anh vẫn mới là bến bờ hạnh phúc, là nơi duy nhất em tìm về. Ý thơ bộc bạch rất thật, sáng lên vẻ đẹp của tình yêu chung thủy. Hóa ra ở trung tâm nỗi nhớ là anh nên dẫu có đi về phương nào thì em cũng hướng về phương anh. Câu thơ giống như một lời nguyện thề thủy chung, da diết, đằm thắm.

Nếu ở khổ 5 nhân vật trữ tình bộc bạch "lòng em nhớ đến anh” thì ở đây cảm xúc đã dâng lên một bậc “Nơi nào em cũng nghĩ”. “Nghĩ” có cả yêu thương, mong nhớ, có cả phấp phỏng lo âu, hờn ghen, giận dỗi. Anh trở thành ý nghĩ thường xuyên, thường trực trong lòng, canh cánh trong lòng. “Nhớ” là tình cảm, cảm xúc tự nhiên, hồn nhiên thì “nghĩ” là sự suy tư, chín chắn, sâu sắc. Người con gái khẳng định sự duy nhất, tuyệt đối gắn bó thủy chung trong tình yêu.

Khổ thơ cho ta thấy tình yêu của người phụ nữ, sự thủy chung son sắt duy nhất. Nhân vật trữ tình đã trực tiếp thể hiện cảm xúc của mình. Khẳng định tình yêu thủy chung cũng là khao khát, là khát vọng người yêu thương phải xứng đáng với mình.

Cả hai đoạn thơ đều là những rung động, những xúc cảm nhớ thương của một tình yêu con người, đất nước trong lòng người bởi một tình cảm đẹp, sự thủy chung son sắt không đổi thay. Trên phương diện nghệ thuật, cả hai đoạn thơ đều là những ngôn từ giản dị nhưng lại giàu giá trị nghệ thuật. Giọng thơ trữ tình tha thiết nhưng cũng khẳng định mạnh mẽ, chắc chắn, đinh ninh như một lời thề.

Tình cảm trong đoạn thơ Việt Bắc là tình cảm lớn lao, tình cảm cách mạng, tình cảm chính trị. Nỗi nhớ ấy gắn liền với cuộc chia ly của người cán bộ cách mạng rời căn cứ địa kháng chiến để trở về thủ đô. Chủ thể của nỗi nhớ là những con người kháng chiến nhớ những kỉ niệm với quê hương Việt Bắc, đồng bào Việt Bắc ân tình đùm bọc, cưu mang trong suốt những tháng ngày gian khổ của cuộc kháng chiến. Còn tình cảm trong “Sóng” là tình yêu đôi lứa, cảm xúc của chủ thể trữ tình “em”, một phụ nữ đang yêu vừa gián tiếp, vừa trực tiếp. “Sóng” là hóa thân mà cũng là phân thân của chủ thể trữ tình. “Sóng” là ẩn dụ để diễn tả nỗi nhớ. Sắc thái của nỗi nhớ trong đoạn thơ chỉ duy nhất hướng về một nơi ở phương anh một cách chung thủy, sắt son.

Đoạn thơ “Việt Bắc” sử dụng thể thơ lục bát của dân tộc. Giọng điệu ngọt ngào như một khúc trữ tình sâu lắng, da diết. Sóng - đoạn thơ sử dụng thể thơ năm chữ và ẩn dụ nghệ thuật sóng. Thể thơ và nhịp điệu thơ đã gợi hình hài và nhịp điệu bất tận vào ra của những con sóng nỗi nhớ tình yêu. Nhờ nghệ thuật ẩn dụ, nỗi lòng của người phụ nữ khi yêu được thể hiện chân thành, nữ tính, duyên dáng mà không kém phần mãnh liệt, sâu sắc.

Vẻ đẹp trong thơ Tố Hữu luôn gắn với ca dao đậm đà, còn Xuân Quỳnh thì mãnh liệt, nồng nàn. Từ hai nỗi nhớ được thể hiện trong đoạn thơ, người đọc không chỉ cảm nhận được đặc sắc của hai giọng điệu thơ mà cũng thấy được vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam yêu thương đằm thắm, dịu dàng mà mãnh liệt, tình nghĩa thủy chung, son sắt.

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác - Mẫu 3

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, tài ba có công lớn trong công cuộc dẹp giặc Minh đem lại nền thái bình thịnh trị cho nước nhà. Ông còn là một nhà văn nhà thơ lớn với khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm cả văn học chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó phải kể đến một số tác phẩm như: Đại cáo bình Ngô, Quân trung từ mệnh tập, Quốc Âm thi tập, Ức Trai thi tập…

Đại cáo bình Ngô được coi là áng “Thiên cổ hùng văn” muôn đời bất hủ, là bản tuyên ngôn đanh thép, hùng hồn về nền độc lập và vị thế dân tộc. Trong đó, cốt lõi là phần đầu tác phẩm với lý tưởng nhân nghĩa được thể hiện rõ ràng:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Nhân nghĩa là tư tưởng chủ đạo của Đại cáo bình Ngô, là mục tiêu chiến đấu vô cùng cao cả và thiêng liêng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Mở đầu bài cáo tác giả nêu luận đề chính nghĩa. Việc nhân nghĩa của Nguyễn Trãi ở đây là “yên dân” và “trừ bạo”. “Yên dân” chính là giúp dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, như vậy dân có yên thì nước mới ổn định, mới phát triển được. Tác giả đưa vào “yên dân” như để khẳng định đạo lý “lấy dân làm gốc” là quy luật tất yếu trong mọi thời đại là tài sản, là sức mạnh, sinh khí của một quốc gia.

Nguyễn Trãi thật tài tình khi nhận ra và khai sáng thành công vấn đề cốt lõi ấy. Việc nhân nghĩa tiếp theo chính là “trừ bạo” ý nói đến quân Minh, bọn gian tà chuyên đi bóc lột nhân dân. Bọn chúng thẳng tay hành hạ, cướp bóc, vùi dập dân ta trong vực thẳm của sự đau khổ. “Yên dân”, “trừ bạo”, hai việc này tưởng như không liên quan đến nhau nhưng lại là hai yếu tố có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau, vì nếu không yên dân tất trừ bạo khó yên, chúng được nhấn mạnh và tiến hành cùng lúc, thống nhất với nhau. Quan tâm đến sự yên ổn, no ấm cho dân cũng đồng nghĩa với việc phải chiến đấu đánh đuổi kẻ thù của dân, diệt trừ những kẻ tham tàn bạo ngược, cụ thể là bọn “cuồng Minh” giày xéo lên cuộc sống nhân dân, gây ra bao tai hoạ.

Có thể nói, tư tưởng nhân nghĩa ở Nguyễn Trãi không còn là phạm trù đạo đức hạn hẹp mà là một lý tưởng xã hội: phải chăm lo cho nhân dân được sống cuộc hạnh phúc, yên bình. Điều quan trọng hơn là ở đây, Nguyễn Trãi nâng lý tưởng, nỗi niềm ấy lên thành một chân lí. Ông không nói đến nhân nghĩa một cách chung chung mà chỉ bằng một hai câu ngắn gọn tác giả đi vào khẳng định hạt nhân cơ bản, cốt lõi và có giá trị nhất. Không những thế, nhân nghĩa còn gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền đất nước, khẳng định chủ quyền quốc gia, tinh thần độc lập dân tộc:

“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác”
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập
Đến Hán, Đường, Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.

Khi khẳng định chân lí này, Nguyễn Trãi đã đưa ra một quan niệm được đánh giá là đầy đủ nhất lúc bấy giờ về các yếu tố tạo thành một quốc gia độc lập. Nếu như 400 năm trước, trong Nam Quốc Sơn Hà, Lý Thường Kiệt chỉ xác định được hai yếu tố về lãnh thổ và chủ quyền trên ý thức quốc gia cùng độc lập dân tộc thì trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã bổ sung thêm bốn nhân tố nữa, gồm văn hiến, lịch sử, phong tục tập quán và nhân tài. Đây chính là điểm sáng tạo cho thấy trí tuệ của Nguyễn Trãi. Ở mỗi một quốc gia, nền văn hiến ngàn năm không ai có thể nhầm lẫn được, cương thổ, núi, sông, đồng ruộng, biển cả đều được chia rõ ràng.

Phong tục tập quán cũng như văn hoá mỗi miền Bắc, Nam cũng khác. Ở đây, Nguyễn Trãi nhấn mạnh cả Trung Quốc và Đại Việt đều có những nét riêng không thể nhầm lẫn, thay đổi hay xóa bỏ được. Cùng với đó là từng triều đại riêng nhằm khẳng định chủ quyền. Qua câu thơ, Nguyễn Trãi đã đặt các triều đại “Triệu, Đinh, Lí, Trần” của ta ngang hàng với “Hán, Đường, Tống, Nguyên” của Trung Quốc, điều đó cho ta thấy, nếu không có một lòng tự hào dân tộc mãnh liệt thì không thể nào có sự so sánh cực kì hay và tinh tế như vậy.

Cuối cùng chính là nhân tài, con người cũng là yếu tố quan trọng để khẳng định nền độc lập của chính mình. Tuy thời thế “mạnh, yếu từng lúc khác nhau” song hào kiệt thì đời nào cũng có, câu thơ như lời răn đe đối với những ai, những kẻ nào, nước nào muốn thơn tính Đại Việt.

Từ năm yếu tố trên, Nguyễn Trãi đã khái quát gần như toàn diện về nền độc lập của một quốc gia. So với “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo thật sự hay hơn, đầy đủ, toàn diện hơn về nội dung cũng như tư tưởng xuyên suốt. Ngoài ra, để nhấn mạnh tư cách độc lập của nước ta, tác giả còn sử dụng cách viết sánh đôi nước ta và Trung Quốc: về bờ cõi, phong tục - hai nước ngang bằng nhau, về triều đại-bốn triều đại cường thịnh của ta so với bốn triều đại của Trung Quốc cùng nhân tài thời nào cũng có đã chứng tỏ ta không hề thua kém chúng.

Xuyên suốt đoạn thơ, Nguyễn Trãi đã sử dụng nhiều từ ngữ chỉ tính chất hiển nhiên vốn có khi nêu rõ sự tồn tại của Đại Việt: “từ trước”, “đã lâu” ,“đã chia”, “cũng khác” đã làm tăng sức thuyết phục lên gấp bội. Nghệ thuật thành công nhất của đoạn một – cũng như là bài cáo – chính là thể văn biền ngẫu được nhà thơ khai thác triệt để. Phần còn lại của đoạn đầu là chứng cớ để khẳng định nền độc lập, về các cuộc chiến trước đây với phương Bắc trong lịch sử chúng đều thất bại là chứng cớ khẳng định rõ nhất:

Vậy nên:

Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét
Chứng cứ còn ghi.

Nguyễn Trãi đã tổng kết những chiến công oanh liệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, giữ gìn nền độc lập dân tộc. Cách liệt kê, chỉ ra dẫn chứng rõ ràng, cụ thể, xác thực đã được công nhận bằng những lời lẽ chắc chắn, hào hùng, thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Người đọc thấy ở đây ý thức dân tộc của Nguyễn Trãi đã vươn tới một tầm cao mới khi nêu cụ thể, rõ ràng từng chiến công oanh liệt của quân và dân ta: “cửa Hàm Tử”, “sông Bạch Đằng”,..thêm vào đó là sự xem thường, căm ghét đối với sự thất bại của những kẻ xâm lược không biết tự lượng sức : “Lưu Cung..tham công”, “Triệu Tiết… thích lớn”, Toa Đô, Ô Mã, tất cả chúng đều phải chết thảm.

Đoạn thơ đã một lần nữa khẳng định rằng: Đại Việt là một quốc gia có độc lập, tự chủ, có nhân tài, có tướng giỏi, chẳng thua kém gì bất cứ một quốc gia nào. Bất cứ kẻ nào có ý muốn thôn tính, xâm lược ta đều phải chịu kết quả thảm bại. Cuộc chiến chống lại quân giặc, bảo vệ dân tộc là một cuộc chiến vì chính nghĩa, lẽ phải, chứ không như nhiều cuộc chiến tranh phi nghĩa khác, cho nên, dù thế nào đi nữa, chính nghĩa nhất định thắng gian tà theo quy luật của tạo hóa.

Đại cáo bình Ngô tràn ngập nguồn cảm hứng trữ tình và mang tính chất hào hùng hiếm có. Trong đó, phần đầu tác phẩm, với nghệ thuật biền ngẫu, đã nêu được hai nội dung chính gần như hết bài cáo là nhân nghĩa và nền độc lập của dân tộc Đại Việt. Chính vì vậy, đoạn trích có giá trị rất sâu sắc đối với nước ta, khẳng định nhân dân ta có tinh thần nhân nghĩa và nền độc lập riêng của mình.

Đoạn thơ giúp ta hiểu rõ chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc cũng như lịch sử đấu tranh hào hùng của cha ông ta ngày trước, qua đó bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào tự tôn dân tộc, quyết tâm xây dựng, bảo vệ và củng cố độc lập chủ quyền nước nhà.

Nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác - Mẫu 4

Nhận xét về Thơ Mới, trong tuyển tập  Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy cận. Cả trời thực, trời mộng vẫn neo neo theo hồn ta”. Nỗi buồn, cái tôi đó gặp nhau bởi những tâm hồn đồng điệu. Đặc biệt là những nhà thơ lấy thiên nhiên làm chủ đạo. Phong trào Thơ Mới (1930 – 1945) cũng vậy, nó đưa tình cảm mênh mang trong “Tràng giang” của Huy Cận đến với nỗi niềm hẫng hụt, chơi vơi trong “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

Được biết đến là những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới (1939 – 1945), Hàn Mặc Tử và Huy Cận đã có một vị trí khá tốt trong thi đàn văn học Việt Nam. Hàn Mặc Tử với cuộc đời bi thương, hồn thơ phong phú, kì lạ và có cái “điên” của  riêng mình. Ông luôn bộc lộ một tình yêu đau đớn hướng về trần thế. “Đây thôn Vĩ Dạ” là tác phẩm xuất sắc thể hiện tấm lòng tha thiết với cuộc sống của thi nhân. Còn Huy Cận – hồn thơ cổ điển, giàu suy tưởng và triết lí, nổi bật về cảm hứng thiên nhiên. “Tràng Giang” là một bài thơ xuất sắc thể hiện nỗi buồn sầu trước tạo vật mênh mông, hoang vắng, u buồn và luôn mang một tình yêu thầm kín đáo với quê hương, đất nước.

Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là bức thư của Hàn Mặc Tử gửi một cô gái mang tên Kim Cúc, là tiếng lòng, là lời mời, là nỗi nhớ nhung của anh chàng thi sĩ. Bài thơ được ra đời trong thời gian Hàn Mạc Tử đang bệnh nặng, nên nỗi buồn dường như còn phảng phất trong từng câu, từng chữ. Mở đầu bài thơ dường như là lời chào mời, trách móc nhẹ nhàng thông qua câu hỏi tu từ đa sắc thái và đa nghĩa.

 Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

 Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

“Sao anh không về chơi”, chữ “về chơi” gợi lên cảm giác gần gũi, gắn bó, thân thiết và có sự trách yêu chàng trai của mình. Thôn Vĩ nằm cạnh bờ sông Hương là địa danh đẹp của xứ Huế mộng mơ với khung cảnh “sắc nước nghiêng trời”. Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của thôn Vĩ dần dần hiện ra dưới ngòi bút tinh tế của người thi sĩ. Điệp từ “nắng” hiện lên khiến ta cảm thấy ánh nắng tinh khôi, trong trẻo của buổi sáng mai tinh khiết, nhẹ nhàng làm cho không gian ở vùng quê trở nên lung linh, yên bình hơn. Không gian dường như cao và xanh hơn nhờ anh nắng ban mai. “Vườn ai” như ám chỉ một khu vườn nhà “ai” đó mà chỉ có “ai” mới biết. Thật tinh tế, kín đáo mà sâu sắc. Hàn Mặc Tử đã dùng biện pháp so sánh để miêu tả màu xanh - “xanh như ngọc”. Một bể ngọc xanh tươi, trong trẻo, mát lành và căng tràn sức sống. Giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ và trữ tình đó bỗng có thấp thoáng nơi đâu bóng dáng con người. Có một sự bí ẩn nào đó che đi sau lá trúc… Trúc là loại cây thường biểu tượng cho người quân tử, còn gương mặt chữ điền là gương mặt phúc hậu, tròn đầy. Có lẽ có một vị khách bí ẩn nào đó đã ghé về thôn Vĩ nhưng “ai” không hay biết. Đang một màu xanh mát bỗng nhiên mọi thứ trở nên chùn lại…

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay.

Gió và mây thường sẽ quyện vào nhau, nhưng ở đây, lại là “gió theo lối gió, mây đường mây”. Dường như có một sự chia lìa đến não nề và đau lòng. Hình ảnh “hoa bắp lay” nhẹ nhàng và rơi rụng xuống “dòng nước buồn” khiến cho người đọc có cảm giác có cái gì đó đang vỡ tan ra. Cảnh vật dường như mang trong mình một linh hồn của con người, nó có những nỗi buồn thật đẹp. Hay bởi lẽ “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? (Nguyễn Du). Nỗi buồn này mang dư vị rất riêng, rất là “buồn thiu”, buồn đến não nề, tê tái. Như vậy, thi nhân đã mượn hình ảnh thiên nhiên để nói đến nỗi lòng của mình hiện tại ư?

Tiếp theo, thuyền và trăng luôn là cảm hứng của thơ ca. Hàn Mạc Tử đã khéo léo mượn hình ảnh thuyền và trăng để nói lên  nỗi lòng của chính mình. Đến đây, người đọc dường như cảm nhận được một điều gì đó mơ hồ, kì ảo. Không phải là một con sông bình thường mà là dòng “sông trăng” rất nên thơ, kì ảo và huyền diệu. Có lẽ đây là một đêm trăng đẹp, một đêm trăng tròn đầy và viên mãn nhất. Câu hỏi tu từ vang lên ở cuối khổ thơ nhưng không ai trả lời. Một từ “kịp” khiến cho câu thơ trở nên hối hả và gấp gáp hơn bao giờ hết. “Kịp” trở về để làm gì? Là kịp yêu kịp thương hay là kịp gặp gỡ?

Có lẽ vì nỗi nhớ quá lớn, quá đầy nên hình ảnh “khách đường xa” đã lạc bước vào giấc mơ của người thi sĩ “Mơ khách đường xa khách đường xa”. Đúng vậy, nó vừa gần nhưng cũng lại vừa thật xa, thật không thể chạm đến được như câu “gần ngay trước mắt, xa tận chân trời”. Đó cũng chính là sự ngóng trông, đợi chờ mòn mỏi của thi nhân cho mối tình của mình. Khổ thơ cuối với gam màu trắng chủ đạo lại càng tăng thêm tính mơ hồ, kì ảo của bài thơ. Hàn Mặc Tử băn khoăn không biết mối tình của mình và cô gái xứ Huế sẽ đi đến đâu, liệu rằng tình người ta có còn đậm đà “Ai biết tình ai có đậm đà” như lời người hứa hay không?

Nhìn chung, “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ tao nhã, xinh xắn, lần theo một mối tình đơn phương và thuần khiết, ta cảm thấy được một thế giới tâm hồn tha thiết yêu người, yêu cảnh, yêu đời. Dù có gặp bi kịch nhưng vẫn không thôi hi vọng.

“Thơ đi từ cái hiện thực đến cái ảo ảnh, từ cái ảo ảnh đến cái huyền diệu, từ cái huyền diệu đến cái chiêm bao. Bao trùm cả bài thơ là một thế giới mơ.” Có lẽ quan niệm đó được thể hiện rõ trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.

Tràng Giang là bài thơ được sáng tác vào năm 1939, in lần đầu tiên trên báo "Ngày nay" sau đó in trong tập "Lửa thiêng" - tập thơ đầu tay của Huy Cận. Ngay khi đọc tên bài thơ, ta có thể hình dung được tâm tư và tình cảm mà tác giả gửi gắm trong bài. Bài thơ với tựa đề hiện ra một con sông dài, mênh mông, bát ngát. Tuy nhiên, ẩn sau hình ảnh sông dài còn là những mảnh đời bấp bênh, trôi nổi, u sầu. Câu đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" tiếp tục khẳng định nỗi niềm u uất, không biết tỏ cùng ai của nhân vật trữ tình trước không gian bao la của dòng sông.

Khổ đầu tiên đến với người đọc bằng hình ảnh con sông buồn, chất chứa những nỗi niềm khó tả:

 "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng."

Vừa mới đọc khổ đầu tiên, người đọc thấy được không khí u sầu, buồn bã thông qua các từ "buồn", "sầu", "lạc cành khô". Nếu như câu thứ nhất gợi lên những vòng sóng đang loang ra và lan xa, xô đuổi nhau đến tận chân trời, thì câu thứ hai lại vẽ ra những luồng nước chảy song song, rong đuổi về phía cuối trời. Nhưng chỉ cần một gợn sóng ấy thì Tràng giang đã "buồn điệp điệp". Từ láy hoàn toàn "điệp điệp" như diễn tả nỗi buồn chồng chất lên nhau, hết lớp này đến lớp khác. Hình ảnh con thuyền "xuôi mái nước song song" lại gợi về cảm giác đơn độc trên dòng nước mênh mông vô tận.

Hai câu thơ kết hợp lại làm cho không gian vừa mở ra theo bề rộng, vừa vươn ra theo chiều dài. Trong câu thơ thứ ba, "thuyền" và "nước" vốn dĩ là hai hình ảnh gắn bó, khăng khít với nhau… Thế nhưng dưới con mắt của nhân vật trữ tình thì lúc này là hai hình ảnh ấy không còn song hành với nhau nữa. Với nghệ  "một" - "mấy" như nhấn mạnh hơn sự cô độc của củi trên dòng sông. Như vậy, chỉ với khổ thơ đầu tiên tác giả đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên buồn và ảm đạm. Nét bút kết hợp giữa cổ điển và hiện đại giúp người ta đọc rõ hơn về tâm trạng của kẻ thi sĩ. Khổ thơ thứ hai vẽ nên lại là khung cảnh buồn nhưng mang nét đìu hiu và thiếu sức sống:

"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."

Chỉ cần qua vài nét chấm phá của nhà thơ đã hiện lên bức tranh quê ảm đạm, thiếu sức sống. Với cách dùng từ ngữ đặc sắc của Huy Cận, ông đã gợi lên một khoảng không vũ trụ sâu thăm thẳm, ở đó cũng là lúc nỗi buồn, nỗi cô đơn của nhà thơ dâng lên cao, trở nên vô cùng vô tận. Một góc nhìn đầy thú vị và mới mẻ. Toàn cảnh khổ hai là một gam màu cô đơn, vắng vẻ, sầu muội; đối lập với hình ảnh cảnh vật thưa thớt là không gian mênh mông, nhấn mạnh hơn nỗi u sầu vạn cổ:

"Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."

Khổ thơ cuối là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ ca truyền thống và thơ ca hiện đại: là sự kết hợp những nét cổ điển trong thơ Đường với cái tôi cá nhân xuất hiện trong phong trào thơ mới. Với việc sử dụng nhuần nhuyễn những từ láy và những câu đảo ngữ, Huy Cận đã thành công trong việc miêu tả cảm xúc vũ trụ. Điều này thể hiện qua vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, sự thơ mộng nhưng không quên thấm đượm nỗi buồn tâm trạng của người thi sĩ. Đó chính là “nỗi buồn sông núi, nỗi buồn về đất nước” (Huy Cận). Nỗi buồn đó được khơi nguồn từ con tim ra ngoại cảnh, rồi từ ngoại cảnh trở về tim, lặng lẽ mà sâu nặng, yên tĩnh mà mãnh liệt vô cùng:

“Một chiếc linh hồn nhỏ

Mang mang thiên cổ sầu”

(Ê chề - Huy Cận)

Đặc sắc nghệ thuật trong "Tràng giang" trước hết phải nói tới sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố Cổ điển (thơ Đường thi) và yếu tố thơ mới. Trong bài thơ tác giả sử dụng nhiều từ Hán Việt như tràng giang, bến cô liêu,...cùng với đó là đề tài thiên nhiên cổ kính, hoang sơ, cái tôi bé nhỏ trước thiên nhiên mênh mông mang đậm yếu tố Đường thi. Yếu tố thơ mới được thể hiện thông qua cái tôi giàu cảm xúc, hình ảnh sinh động giàu sức gợi. Bên cạnh đó việc sử dụng các từ láy, phép đối cũng góp phần làm rõ hơn sự bé nhỏ của con người trước vũ trụ rộng lớn.

Với "Tràng giang", Huy Cận không chỉ mang đến bức tranh thiên nhiên rộng lớn, mênh mông mà qua đó tác giả còn nhấn mạnh sự cô đơn của "cái tôi" trước ngân hà rộng lớn. Sự đối lập này phần nào nói lên tình cảnh lẻ loi, sự trôi nổi của những kiếp người. Đồng thời tác giả bộc lộ nỗi niềm nhớ quê hương, tình cảm thiết tha với đất nước của mình.

Thông qua hai bài thơ ta thấy được sự đồng điệu, gặp gỡ của hai thi nhân đó là miêu tả bức tranh thiên nhiên trời - nước, cảnh vật. Qua đó bộc lộ nỗi buồn và tình yêu của mình đối với tạo vật thiên nhiên và cuộc sống. Hơn thế nữa, cả hai đều sử dụng rất nhuần nhuyễn thể thơ thất ngôn điêu luyện, kết hợp tả cảnh ngụ tình và miêu tả trực tiếp.

Tuy nhiên chỉ gặp nhau ở một tư tưởng nhất định, mỗi bài thơ của mỗi tác giả đều có một nét hay, nét đẹp riêng. “Đây thôn Vĩ Dạ” là viết về nỗi buồn của một người khát khao được sống, được yêu và thiết tha gắn bó với cõi đời, cõi người nhưng lại cảm thấy mong manh và vô vọng; bài thơ được viết từ những thi liệu trực quan từ trải nghiệm của chính mình. Còn “Tràng Giang” là nỗi buồn rợn ngợp trước tạo vật mênh mông, hoang vắng cùng mặc cảm của thi nhân, của nhân vật trữ tình khi đứng trên quê hương; bài thơ thành công bởi những thi liệu cổ điển từ trong thơ Đường.

Như vậy, thiên nhiên chính là tình yêu, là nguồn cảm hứng bất tận đối với người thi nhân. So sánh Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ ta có thể thấy được điều đó qua từng câu từng chữ trong bài.

Đánh giá

5

1 đánh giá

1