Tự sự là gì? Đặc điểm của văn tự sự

388

Tailieumoi.vn biên soạn và giới thiệu bộ câu hỏi ôn tập Ngữ Văn 6 Bài 7: Thơ Cánh diều có lời giải chi tiết, bám sát chương trình học trên trường; giúp học sinh ôn tập và bổ sung kiến thức cũng như hoàn thành tốt các bài kiểm tra môn Ngữ Văn 6. Mời các bạn đón xem:

Tự sự là gì? Đặc điểm của văn tự sự

1. Tự sự là gì?

- Khái niệm: Tự sự là tường thuật, trình bày lại sự kiện, sự việc đang diễn ra cho người nghe hoặc người đọc. Thông qua một chuỗi câu viết, nói hoặc hình ảnh để người nghe, đọc dễ dàng nắm bắt.

- Ví dụ:

“Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi đứa một cái giỏ, sai đi bắt tôm, bắt tép và hứa, đứa nào bắt được đầy giỏ sẽ thưởng cho một cái yếm đỏ. Tấm vốn chăm chỉ, lại sợ dì mắng nên mải miết suốt buổi bắt đầy một giỏ cả tôm lẫn tép. Còn Cám quen được nuông chiều, chỉ ham chơi nên mãi đến chiều chẳng bắt được gì.”

(Tấm Cám)

2. Mục đích

Biểu hiện con người, quy luật đời sống, bày tỏ thái độ.

3. Cấu trúc của một bài văn tự sự

Gồm ba phần:

- Mở bài: Giới  thiệu nhân vật và sự việc chính của câu chuyện.

- Thân bài: Diễn biến sự việc theo một trìmh tự nhất định, thể hiện được tư tưởng mà người kể muốn biểu đạt.

- Kết bài: Kết thúc câu chuyện, thái độ của người kể.

4. Đặc điểm của văn tự sự

- Nhân vật: Nhân vật trong văn tự sự là kẻ thực hiện các sự việc và là kẻ được thể hiện trong văn bản. Nhân vật chính đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện tư tưởng của văn bản, nhân vật phụ chỉ giúp nhân vật chính hoạt động. Nhân vật được thể hiện qua các mặt: tên gọi, lai lịch, tính nết, hình dáng, việc làm,…

- Sự việc: Sự việc trong văn tự sự được trình bày một cách cụ thể: sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể, do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả,… Sự việc trong văn tự sự được sắp xếp theo một trật tự, diễn biến sao cho thể hiện được tư tưởng mà người kể muốn biểu đạt.

- Chủ đề: Mỗi câu chuyện đều mang một ý nghĩa xã hội nhất định. Ý nghĩa đó được toát lên từ những sự việc, cốt truyện. Mỗi văn bản tự sự thường có một chủ đề; cũng có văn bản có nhiều chủ đề, trong đó có một chủ đề chính.

- Lời văn tự sự : chủ yếu là kể người, kể việc. Khi kể người thì có thể giới thiệu tên, lai lịch, tính tình, tài năng, ý nghĩa của nhân vật. Khi kể việc thì kể các hành động, việc làm, kết quả và sự đổi thay do các hành động ấy đem lại. Đoạn trong văn tự sự thường là đoạn diễn dịch.

- Thứ tự kể: Khi kể chuyện, có thể kể các sự việc liên tiếp nhau theo thứ tứ tự nhiên, việc gì xảy ra trước kể trước, việc gì xảy ra sau kể sau, cho đến hết. Nhưng để gây bất ngờ, gây chú ý, hoặc thể hiện tình cảm nhân vật, người ta có thể đem kết quả hoặc sự việc hiện tại kể ra trước, sau đó mới dùng cách kể bổ sung hoặc để nhân vật nhớ lại mà kể tiếp các việc đã xảy ra trước đó.

- Ngôi kể: Người đứng ra kể chuyện có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, với những ngôi kể khác nhau. Ngôi kể trong văn tự sự có thể là ngôi thứ nhất, bộc lộ được những tâm tư tình cảm, suy nghĩ trực tiếp của nhân vật một cách sâu sắc; có thể được kể theo ngôi thứ ba, thể hiện được sự khách quan với câu chuyện được kể, phạm vi câu chuyện được kể trong không gian lớn hơn và có thể cùng lúc. Người kể giấu mình nhưng lại có mặt khắp nơi trong văn bản.

- Người kể chuyện có vai trò dẫn dắt  người đọc đi vào câu chuyện, như giới thiệu nhân vật tình huống, tả người, tả cảnh, đưa ra các nhận xét, đánh giá hay bộc lộ thái độ, cảm xúc trước những điều được kể.

Mỗi ngôi kể đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, nên cần lựa chọn ngôi kể cho phù hợp và có thể chuyển đổi ngôi kể trong câu chuyện.

5. Sự đan xen yếu tố của các phương thức biểu đạt khác

   Văn tự sự nếu chỉ kể sự việc không sẽ khô khan, không hấp dẫn nên có sự kết hợp các yếu tố của các phương thức biểu đạt khác.

Miêu tả trong văn tự sự:

Miêu tả bên ngoài: miêu tả ngoại hình nhân vật, làm cho các nhân vật có hình dáng riêng, cụ thể; miêu tả cảnh vật làm cho sự việc thêm cụ thể, chi tiết chân thực, sinh động, gợi cảm.

Miêu tả nội tâm nhân vật:  diễn tả tâm tư tình cảm, cảm xúc, những trạng thái tình cảm của nhân vật, khiến cho nhân vật đước thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn.

Miêu tả nội tâm là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, thể hiện tính cách nhân vật, từ đó thể hiện tư tưởng nhà văn về cuộc đời, nhân vật tạo nên sức hấp dẫn  và ấn tượng đối với người đọc.

Miêu tả nội tâm trực tiếp bằng cách diễn đạt những ý nghĩ, cảm xúc, tình cảm của nhân vật. Miêu tả nội tâm gián tiếp bằng cách miêu tả cảnh vật, cử chỉ, nét mặt, trang phục của nhân vật.

Biểu cảm trong văn tự sự:

Biểu cảm trực tiếp hoặc gián tiếp đều giúp cho nhân vật thể hiện được thế giới nội tâm của mình, thể hiện cảm xúc chân thực, có khi là cảm xúc của chính tác giả, người kể chuyện trong quá trình kể chuyện.

Lập luận trong văn tự sự:

Lập luận thể hiện thông qua đối thoại; đối thoại giữa các nhân vật, đối thoại với chính mình, trong đó người kể chuyện hoặc nhân vật  nêu lên những nhận xét, suy luận, phán đoán, lí lẽ, dẫn chứng, …nhằm bày tỏ quan điểm, thuyết phục người nghe (đọc) về một vấn đề nào đó. Hình thức lập luận làm cho câu chuyện thêm phần triết lí sâu sắc.

6. Phân biệt tự sự, miêu tả, biểu cảm

*Giống nhau: Các loại văn bản đều bộc lộ tình cảm của người viết, giúp bài văn có sự truyền cảm, rung động và đều có yếu tổ kể.

* Khác nhau:

Phương thức Tự sự Miêu tả Biểu cảm
Định nghĩa Là dùng ngôn ngữ để kể về một chuỗi sự việc, sự việc này sẽ dẫn đến sự việc kia và cuối cùng tạo thành một kết thúc. Ngoài ra, người ta thường không chỉ chú trọng đến việc kể, mà còn quan tâm đến việc khắc hoạ chân thật những tính cách nhân vật và nêu lên những nhận thức sâu sắc đầy mới mẻ về bản chất của con người và cuộc sống. Là dùng chính ngôn ngữ để làm cho người nghe, người đọc có thể hình dung được cụ thể những sự vật, sự việc một cách rõ ràng, hệt như đang hiện ra trước mắt hoặc có thể nhận biết được thế giới nội tâm của con người. Là dùng ngôn ngữ để có thể bộc lộ tình cảm, bày tỏ những cung bậc cảm xúc của mình về thế giới xung quanh.
Dấu hiệu nhận biết có cốt truyện, có nhân vật, có diễn biến sự việc, có những câu văn trần thuật. Tự sự thường sẽ được sử dụng trong truyện, tiểu thuyết, văn xuôi nói chung và đôi khi còn được dùng trong thơ (khi muốn kể sự việc). Có các câu văn, câu thơ tái hiện lại từ hình dáng, diện mạo cho đến màu sắc,… của người và sự vật (tả người, tả cảnh, tả tình,….) Có các câu văn, câu thơ miêu tả nguồn cảm xúc, thái độ chân thật của người viết hoặc của nhân vật trữ tình (Lưu ý, cảm xúc của người viết, chứ không hẳn là cảm xúc của nhân vật trong truyện).
Yếu tố chính yếu tổ tự sự là chính, yếu tố biểu cảm là phụ, nhưng khi viết vẫn phải sử dụng yếu tố miêu tả cho bài văn hay hơn, giàu sức truyền cảm hơn. yếu tố miêu tả và biểu cảm là chính nhằm tái hiện lại cảnh vật, hiện tượng sao cho người đọc cảm nhận được. yếu tổ biểu cảm là yếu tố chính

 

7. Một số đề văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm

Đề 1: Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ đối với một con vật nuôi mà em yêu thích.

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu chung về con vật nuôi và kỉ niệm đáng nhớ với nó.

Thân bài:

- Đó là con gì? Tại sao em yêu thích nó? Nó có tính cách phá phách hay hiền dịu?

- Kỉ niệm đáng nhớ xảy ra:

+ Hoàn cảnh không gian, thời gian.

+ Sự việc diễn ra: bắt đầu, quá trình, kết quả ra sao?

- Những ấn tượng sâu đậm về kỉ niệm đó để lại trong em cảm xúc gì khi sự việc xảy ra và trong hiện tại.

Kết bài: Em cảm thấy như thế nào khi nhớ lại kỉ niệm đó. Thời điểm hiện tại con vật nuôi đó như thế nào.

Bài văn mẫu

Mỗi đứa trẻ khi trưởng thành không chỉ có những người bạn thân thiết mà còn có tình cảm đặc biệt với vật nuôi của mình. Có những loài vật, nhỏ bé bình thường như vậy. Nhưng đồng hành bên cạnh lâu dần sẽ trở thành một phần cuộc sống. Nhắc lại con vật nuôi, kỉ niệm với Bún – chú cún tôi yêu thích chợt ùa về.

Mẹ tôi không thích nuôi chó, mèo hay bất cứ vật nuôi nào khác. Từ lúc còn bé xíu, chị em tôi đã vô cùng khát khao, ghen tị với mấy đứa trẻ con nhà hàng xóm khi chúng nó vui vẻ chơi đùa với chó mèo. Nhưng bất ngờ, Bún đến với gia đình tôi. Nó vốn là một con chó lang thang, hay vật vờ ở khu xung quanh nhà tôi. Mùa đông bốn năm trước, tôi thương con chó nhỏ không nơi đi về, không có ai chăm sóc nên lên cho nó ăn. Sau khi cả nhà ăn xong, tôi thường lấy cơm nguội và đồ ăn bỏ đi trộn vào một cái bát, đặt ngoài cổng chờ nó ăn xong lại cất bát đi. Tôi làm như vậy liên tục cả tuần liền, Bún quen dần và trở nên thân thiết với tôi. Nhiều lần mẹ không ở nhà, tôi còn đem nó vào nhà tắm rửa cho nó. Nước rửa sạch vết bẩn trên lông Bún, để lộ ra bộ lông trắng muốt. Mấy ngày ăn uống đầy đủ, nó mập ra nhiều, lại thêm hai cái tai ngắn hơi cụp xuống, đôi mắt nâu tròn xoe như bi ve, trông nó rất đáng yêu.Cái tên của Bún là tôi tình cờ đặt cho nó vì một lần tôi đem bún cho nó ăn. Nó không thèm thử đã vội vàng cách xa cái bát. Sau này tôi mới biết nó không ăn những thứ như bún hay phở. Tôi thầm nghĩ thật kỳ lạ rồi gọi nó là Bún. Con chó thông minh, dường như hiểu tôi lấy món nó ghét nhất đặt cho nó nên ban đầu ra vẻ không bằng lòng lắm. Nhưng gọi mãi cũng quen, cu cậu dần chấp nhận.

Một thời gian sau, Bún thực sự trở thành người bạn thân thiết của tôi. Thỉnh thoảng mẹ có nghi ngờ, song Bún không bao giờ tùy tiện vào nhà nên cũng không có ai phát hiện. Nó sẽ vẫn lang thang như vậy nếu vài ngày sau không xảy ra chuyện. Trong khi mải chơi trốn tìm với lũ bạn trong vườn nhà ông Năm đầu xóm, tôi bị một con rắn cắn. Tôi đạp trúng hang ổ của nó nên nó ngay lập tức phun kim lên chân tôi. Lần đầu tiên nhìn thấy rắn gần như vậy, hơn nữa còn bị nó cắn. Tôi nhìn con rắn to bằng hai ngón tay cái mình đang trườn đi, lại nhìn vết cắn nhỏ xíu đang rỉ máu, hoảng sợ vô cùng. Tôi khóc không thành tiếng. Các bạn đều trốn ở nơi khác, bác Năm lại đi ra ngoài từ ban nãy rồi, không ai giúp được tôi cả.

Khi tôi hoảng loạn nhất thì Bún xuất hiện. Hóa ra nó vẫn quanh quẩn bên tôi. Nhìn nó chạy như bay lại chỗ mình, bất chấp hai con chó to nhà bác Năm lạ nó sủa inh ỏi. Nó nhìn nhìn cái chân bị rắn cắn của tôi rồi chạy đi. Nhìn bộ lông trắng khuất dần, lòng tôi chợt thấy hụt hẫng. Bún bỏ tôi lại một mình, chạy biến. Suy nghĩ ngây thơ hiện ra trong đầu tôi, có phải thấy tôi như vậy, nó biết tôi sẽ không cho nó ăn được nữa nên mới bỏ mặc tôi. Lần này tôi òa khóc nức nở. Ngay sau đó, tôi nghe tiếng xôn xao ở phía xa. Bún phóng cái chân ngắn cũn, chạy về phía tôi rồi đứng vẫy vẫy đuôi. Mẹ và bác Năm xuất hiện phía sau nó. Thấy tôi ôm chân ngồi thụp xuống, mẹ lo lắng đến xem thì điếng người. Bác Năm thấy thế cũng vội vã cùng mẹ đưa tôi đến trạm y tế. Bún đứng nhìn theo, ánh mắt nó long lanh kỳ diệu, đuôi nó vẫn ngoe nguẩy vẫy mãi. Bác sĩ kiểm tra vết thương và kết luận không có vấn đề gì, chỉ là một con rắn hoa cỏ không có độc. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

Tôi trở về nhà liền tò mò hỏi mẹ cách mẹ tìm thấy tôi. Mẹ như nhớ ra điều gì, đi lấy cơm nguội giống như tôi hay làm. Vừa lấy mẹ vừa kể:

- Mẹ đang định đi tìm con về sang bà ngoại thì thấy con chó trắng gầm gừ trước cửa. Nó tha cái khăn mặt bị rơi đi làm mẹ phải đuổi theo. Nó chạy đến ngõ nhà bác Năm thì dừng lại, rồi mẹ nghe tiếng con khóc nên đi cùng bác Năm vừa đi chợ về vào xem.

Mẹ dừng một lúc rồi nói tiếp:

- Con chó ấy thế mà thông minh. Mẹ mang cơm cho nó, bác Năm bảo nó lang thang ở quanh đây lâu rồi.

Tôi vui mừng và cảm động trước sự thông minh, tình cảm của Bún, đem câu chuyện kể với mẹ. Tôi thuyết phục mẹ cho mình nuôi nó, mẹ đắn đo giây lát rồi đồng ý. Chị em tôi vui sướng vô cùng, lần đầu tiên chúng tôi được nuôi một chú cún của riêng mình. Bún vào nhà tôi và trở thành người bạn, người canh giữ nhà tuyệt vời. Nó ăn nhiều hơn và lớn nhanh như thổi. Chị em tôi đi đâu cũng dắt nó đi, bạn bè nhìn bộ lông trắng của nó, đứa nào cũng khen nó thật đáng yêu.

Nhiều năm qua đi xong mỗi lần nhắc lại kỉ niệm đó, cả nhà tôi đều nhìn Bún bằng ánh mắt yêu thương và cảm kích. Dù vết rắn cắn lần đó không độc, nhưng đổi lại nếu lỡ là rắn độc, không có Bún phỏng chừng tôi đã gặp nguy hiểm. Ngẫu nhiên Bún đến với tôi, nhưng nó lại trở thành một phần quan trọng trong tuổi thơ của tôi.

Đề 2: Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo buồn.

Dàn ý

Mở bài: Em từng mắc khuyết điểm khiến thầy cô giáo buồn : bị điểm kém, học hành không nghiêm túc, quậy phá, trêu chọc và đánh bạn…

Thân bài:

- Hoàn cảnh xảy ra sự việc: thời gian (một buổi chiều, sau giờ học), không gian (trên dãy hành lang cạnh lớp học).

- Nguyên nhân của việc em đánh bạn: do bạn trêu chọc cùng với việc em nóng tính không kiểm soát được hành vi.

 - Kể lại sự việc diễn ra:

+ Một chiều sau giờ học Toán, em thấy bạn Nam buồn vì chuyện bố mẹ ly hôn nhưng em không những không an ủi mà còn lấy chuyện đó ra đùa giỡn.

+ Nam tức giận quát em, cảm thấy bị xúc phạm, em nóng tính đã không kiểm soát được hành vi của mình và đánh bạn.

+ Nam cũng không giữ được bình tĩnh xông vào đánh em. Mỗi cú đấm làm hai bên cùng tăng lên sự tức giận và lao vào nhau. Đến lúc có người vào can ngăn thì hai đứa đều có vết bầm ở má.

+ Thầy, cô giáo giảng giải cho em lỗi sai của mình và của bạn. Em đã nhận ra sự sai lầm trong suy nghĩ và hành động của bản thân.

- Hậu quả của hành động: gây thương tích cho bạn và cho bản thân, gây ra sự thất vọng về một đứa con ngoan trò giỏi của bố mẹ và thầy cô.

 - Suy nghĩ về hành động: tự giận mình vì đã làm bố mẹ và thầy cô buồn. Hối hận vì những hành động và suy nghĩ nông nổi của mình.

Kết bài: Đó là lần mắc khuyết điểm sâu sắc trong cuộc đời. Tự hứa phải biết giữ bình tĩnh suy xét mọi việc trước khi hành động và sẽ không tái phạm hành động như vậy nữa.

Bài văn mẫu

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta không ít lần mắc lỗi nhưng có những lỗi lầm đã gây ra không bao giờ chúng ta quên được. Bây giờ, cứ mỗi lần nhớ đến cô giáo dạy văn năm lớp bảy, tôi lại thấy trong lòng mình ray rứt vì đã vô lễ với cô.

Tôi vốn là một đứa trẻ bất hạnh nhất trên đời – tôi luôn nghĩ về bản thân mình như vậy. Mẹ tôi sinh ra tôi nhưng tôi không có bố. Từ bé tôi đã luôn bị mọi người xung quanh khinh miệt, giễu cợt là “đồ con hoang”. Nhiều bà mẹ không cho con họ chơi với tôi. Tôi sống thui thủi như thế với mẹ trong căn nhà nhỏ tồi tàn cuối xóm. Từ bé, tôi không thấy ai tốt bụng và thương tôi ngoài mẹ tôi. Hai mẹ con tôi sống trơ trọi không họ hàng trong sự khinh miệt của mọi người xung quanh. Trong mắt tôi, loài người thật xấu xa và độc ác – trừ người mẹ hiền lành mà tôi hết lòng thương yêu và kính trọng. Đến tuổi đi học, tôi không chơi với bạn nào trong lớp, luôn lãnh đạm, thờ ơ với mọi người xung quanh.

Năm ấy, tôi học lớp bảy. Trong giờ văn, hôm nay lớp học văn nghị luận chứng minh. Cô giáo giảng đề văn "Lá lành đùm lá rách". Cô đã dùng nhiều lập luận và dẫn chứng gần gũi, cụ thể, thiết thực để cho chúng tôi thấy đấy là lòng nhân ái của người Việt Nam ta. Giảng xong, cô cho lớp viết bài, tiết sau cô sẽ sửa. Tiết học sau, cô gọi một số bạn nộp bài cho cô sửa - trong đó có tôi. Cô gọi tôi lên và hỏi: "Toàn, tại sao em lại không làm bài mà để giấy trắng? Em không hiểu bài à? Không hiểu chỗ nào cô sẽ giảng lại cho?"

Phản ứng của tôi bất ngờ đến mức làm cả lớp sững sờ nhìn tôi. Tôi gân cổ lên trả lời cô: "Em không làm vì em không thèm làm chứ không phải không hiểu. Toàn là nói dối, bịa đặt, trên đời này làm gì có lòng nhân ái, người yêu thương người. Tại sao em lại chứng minh điều dối trá như thế là đúng cơ chứ?" Tôi nói mà không biết mình đang nói gì. Có lẽ đó là những điều uất ức dồn nén từ lâu hôm nay bộc phát. Cả lớp đổ dồn những cặp mắt ngỡ ngàng về phía tôi. Còn cô giáo thì mặt tái xanh, tôi thấy cô giận đến run người. Cô không nói lời nào mà bước nhanh ra khỏi lớp. Tôi biết cô rất giận. Cô sợ không kìm chế được cảm xúc nên bước ra ngoài chăng? Tôi thoáng ân hận vì quá lời với cô nhưng tôi không thấy mình sai. Lớp trưởng đến bên tôi nhẹ nhàng: "Tại sao cậu vô lễ như thế? Đi theo xin lỗi cô đi!" Tôi giận dữ: "Tớ không nói sai. Tớ không có lỗi!".

Sau sự việc trên, tôi đinh ninh mình sẽ bị đuổi học hoặc chí ít là mời phụ huynh. Tôi chỉ lo mẹ sẽ buồn. Cuối giờ, cô gọi tôi lên gặp riêng cô. Tôi biết mình sẽ bị khiển trách rất nặng. Tôi bước vào phòng giáo viên, cô ngồi đó vẻ mặt buồn rười rượi. Trên đôi mắt đen lay láy của cô còn ngân ngấn nước. Tôi đoán cô vừa khóc và thấy ngạc nhiên. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi cô không trách mắng tôi mà nhẹ nhàng phân tích cho tôi thấy rằng tôi nghĩ như thế là lệch lạc. Các bạn đã luôn gần gũi và giúp đỡ tôi, cô đã luôn quan tâm và yêu thương tôi,... Tôi vô cùng ân hận. Tôi lí nhí xin lỗi cô. Cô dịu dàng xoa vào đầu tôi và bảo: "Em hiểu được như thế là tốt và đừng nên mất niềm tin vào tình người như thế! Cô không giận em đâu". Dù cô nói vậy nhưng tôi vẫn thấy mình thật có lỗi khi vô lễ với cô.

Tôi thật biết ơn cô vì đã dạy tôi bài học về tấm lòng độ lượng và giúp tôi lấy lại niềm tin về tình người.

Đề 3: Kể về một việc em đã làm khiến bố mẹ vui lòng.

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu việc tốt em làm – giúp một đứa trẻ đi lạc tìm mẹ trong khu vui chơi đông đúc. Cảm xúc của em và thái độ của bố mẹ khi đó.

Thân bài:

- Hoàn cảnh xảy ra sự việc: Vào một buổi lễ hội… Em đi chơi và gặp một em bé chừng 4 tuổi đang thút thít vẻ sợ hãi trong một góc.

- Sự việc xảy ra:

+ Em đến gần bé hỏi han và biết bé đang bị lạc mẹ giữa đám đông.

+ Em quyết định dẫn bé ra quầy trung tâm nhờ người thông báo tìm mẹ cho bé. Em ở cạnh bé suốt thời gian chưa gặp được mẹ, vì bé rất sợ hãi.

+ Cuối cùng mẹ bé cũng chạy đến với khuôn mặt đầy lo lắng ôm chầm lấy con. Thế là bé đã gặp được mẹ rồi.

 - Em mừng cho hai mẹ con. Về nhà em kể lại cho bố mẹ và bố mẹ rất vui lòng vì em đã biết giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn.

Kết bài: Em cảm thấy rất vui và tự hào, cũng vui vì khiến bố mẹ vui lòng. Tự hứa với bản thân sẽ làm nhiều việc tốt hơn nữa.

Bài văn mẫu

Hôm nay đứng trên bục nhận phần thưởng học sinh giỏi, tôi vô cùng vui sướng khi thấy gương mặt rạng ngời hạnh phúc của bố mẹ. Cuối cùng thì đứa con ngỗ nghịch như tôi cũng đã làm cho bố mẹ vui lòng.

Nhà tôi nghèo lại đông con nên bố mẹ tôi rất vất vả để nuôi chúng tôi khôn lớn. Các anh chị của tôi ai cũng chăm ngoan và học giỏi. Riêng tôi là đứa nhỏ nhất nhưng ngỗ nghịch nhất. Tôi ham chơi hơn ham học. Chuyện tôi cúp học đi chơi là chuyện thường xảy ra. Kết quả học tập của tôi bao giờ cũng rất tệ. Tôi biết bố mẹ rất buồn.

Nhìn bố mẹ tôi người ta sẽ rất khó đoán được tuổi. Do lam lũ, vất vả nhiều nên trông bố mẹ tôi già trước tuổi. Mới bốn mươi lăm tuổi mà tóc bố tôi bạc trắng, gương mặt khắc khổ, người gầy xọm trông như cụ già sáu mươi. Còn mẹ tôi thì đuôi mắt đầy vết chân chim, bàn tay gầy guộc quanh năm buôn bán tảo tần. Mẹ tôi bán cá ở chợ, tay chân ngâm nước thường xuyên nên bị nước ăn lở loét, trắng nhợt. sau mỗi buổi chợ, mẹ về nhà thoa thuốc, vừa thoa vừa xuýt xoa. Tôi biết mẹ đau lắm, tôi thương mẹ lắm nhưng vẫn không chừa được tật ham chơi.

Tôi nhớ, hôm đó, tôi chơi điện tử thua đám bạn và phải có tiền chung cho bọn nó chầu kem. Làm sao để có tiền đây? Trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ. Tôi về nhà xin mẹ tiền đóng học phí phụ đạo. Tôi thấy sự lo lắng thoáng qua trong mắt của mẹ. Mẹ bảo tôi chờ một lát rồi mẹ đi đâu đó. Lát sau trở về, mẹ đưa cho tôi đủ số tiền tôi xin. Tôi biết mẹ vừa đi vay mượn của ai đó trong xóm. Cầm tiền mẹ đưa mà tay tôi run run, sống mũi cay xè. Tôi hối hận lắm. Tôi chỉ muốn ôm chầm lấy mẹ mà thú nhận tất cả nhưng tôi không đủ can đảm.

Từ hôm đó, các anh chị tôi rất ngạc nhiên, còn bố mẹ tôi vui mừng ra mặt vì thấy tôi không đi chơi lêu lổng nữa. Ngoài thời gian đến trường tôi ở nhà học bài. Tôi còn tranh thủ thời gian rảnh giúp bố mẹ việc nhà chứ không trốn đi chơi điện tử hay lấy xe đạp chạy lông ngông ở ngoài đường như trước. Có khi tôi còn ra chợ giúp mẹ – công việc mà trước đây tôi không bao giờ đụng vào vì chê tanh bẩn, ngại chúng bạn trêu chọc. Do bỏ bê việc học lâu ngày nên bây giờ việc học đối với tôi không dễ dàng chút nào. Kiến thức của tôi thật thảm hại, thủng lỗ chỗ. Nhiều khi tôi cũng nản lòng vì việc học vất vả quá. Nhưng nghĩ tới bố mẹ là tôi lại thêm quyết tâm. Những tối tôi thức khuya học bài thì bố thức cùng tôi, khi thì thắp cho cây nhang muỗi; lúc là lời hỏi han động viên; mẹ tôi lúc bát chè đậu, khi ly sữa nóng,. Tôi còn nhớ những hôm tôi giật mình thức giấc vì tiếng gà gáy ò…ó…o ngoài chuồng. Trời còn chưa sáng tỏ, tôi thấy dáng gầy gầy của mẹ đã lom khom bên bếp lửa bập bùng. Tôi rón rén đến bên mẹ hỏi mẹ nấu gì mà phải dậy sớm. Mẹ bảo nấu xôi cho tôi ăn chắc bụng để đi học. Tôi cảm động ôm chầm mẹ mà không nói nên lời.

Với sự cố gắng của bản thân và sự động viên của bố mẹ, việc học của tôi ngày một tiến bộ. Tôi không còn chật vật với những bài toán khó, điểm số ngày càng cao. Tôi còn được cô giáo tuyên dương trong buổi sinh hoạt lớp – điều mà trước đây chưa bao giờ có. Mỗi lần tôi khoe những điểm mười đỏ chói, tôi thấy đôi mắt mẹ rưng rưng, lấp lánh lạ thường. Nụ cười làm gương mặt mẹ rạng rỡ hơn. Bố tôi không nói gì, chỉ xoa đầu tôi và gật gật đầu ra chiều hài lòng lắm. Tôi thấy những nếp nhăn trên gương mặt bố như giãn ra. Tôi biết bố mẹ rất vui lòng và hạnh phúc vì tôi đã chăm ngoan hơn, học giỏi hơn.

Ngày hôm nay, đứng trên bục danh dự nhận phần thưởng, nhìn xuống hàng ghế dành cho phụ huynh, tôi thấy bố mẹ tôi cười thật tươi, nụ cười rạng rỡ, mãn nguyện và hạnh phúc. Niềm vui vì đứa con ngỗ nghịch bây giờ là học sinh giỏi làm bố mẹ tôi trẻ hẳn ra. Tôi thật sung sướng, hạnh phúc và hãnh diện vì đã làm bố mẹ vui lòng.

Đề 4: Nếu là người chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo trong truyện ngắn của Nam Cao thì em sẽ ghi lại câu chuyện đó như thê nào?

Dàn ý

Ngôi kể thứ nhất (tôi) có mặt trong truyện như người thứ ba ngoài lão Hạc với ông giáo (phân biệt với ngôi kể ông giáo trong truyện).

Mở bài: Hoàn cảnh lão Hạc sang nhà ông giáo kể chuyện bán chó. Có ông giáo và người kể (tôi).

Thân bài:

- Lão Hạc kể chuyện: Lão đã bán cậu Vàng với cảm giác tội lỗi, lương thiện dằn vặt tâm lão.

- Nét mặt, biểu cảm lão Hạc: đau khổ, ân hận, chua xót.

- Về ông giáo: nghĩ ngợi và thương lão, biểu hiện trên nét mặt và lời an ủi lão Hạc.

- Suy nghĩ, cảm xúc của bản thân: thương xót cho lão Hạc và cảnh đời, cảnh người trong xã hội.

Kết bài: Nhắc lại việc bán chó. Nhận định, đánh giá sự việc.

Bài văn mẫu

Tôi choàng tỉnh giấc, dậy từ khi mặt trời còn chưa treo ngọn tre. Đó là một thói quen bình thường của người làm nghề nông. Cả cái làng Vũ Đại này, có ai không làm nghề nông chỉ trừ ông Bình giáo ra. Ông ấy là người học rộng lại hiểu sâu, chính vì vậy mà tôi định đến nhà ông giáo để viết một số giấy tờ nhà đất.

Con đường làng dài và hẹp. Gió thổi vi vu khiến cho những rặng tre xào xạc, đung đưa. Quanh nhà ông giáo, những hàng râm bụt lá vàng úa vẫn còn tồn tại sau trận bão khủng khiếp. Vừa thấy tôi, ông giáo liền nói: "Chào bác". Tôi đáp lại:

- Vâng, chào anh! Hôm nay tôi sang đây là muốn nhờ anh viết một số giấy tờ đất đai!

- Vậy mời bác vào nhà nhà xơi nước cái đã!

Ông giáo mời tôi ngồi trước thềm nhà, chúng tôi đang bàn bạc thì bỗng đâu có tiếng nói hớt hải vọng tới:

Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!

A! Thì ra là lão Hạc, lão mặc bộ quần áo xộc xệch, đầu tóc rối bù trông có vẻ kham khổ lắm. Lão là người hàng xóm của tôi. Vợ lão chết, con lão thì đi làm đồn điền cao su không biết khi nào về. Lão cứ sống như vậy cô đơn, thui thủi một mình ngày này qua ngày khác. Nhưng có điều khiến tôi thấy rất lạ. Hôm trước, tôi còn sang xin nhà lão mấy củ gừng về pha nước thì thấy lão cưng nựng con chó lắm kia mà; một điều "cậu" này, hai điều "cậu" nọ. Khi ăn thỉnh thoảng lão còn gắp thức ăn cho con chó của lão. Vậy mà giờ lại phải bán nó đi sao? Ông giáo hỏi:

- Thế nó cho bắt à?

Lúc bấy giờ thì mắt lão Hạc đã ầng ậc nước. Những nếp nhăn xô vào với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, trông lão giờ già đi đến hơn chục tuổi.

- Khốn nạn! Nó có biết gì đâu ông giáo ơi! Nó thấy tôi gọi thì chạy ra. Cùng lúc đó thì chúng nó tóm gọn con chó rồi lôi đi xềnh xệch.

Tôi bắt đầu hiểu ra câu chuyện của lão Hạc và mường tượng cảnh thằng Mục, thằng Xiên dốc ngược con chó lên, trói chân, trói tay nó lại rồi mang đi. Lão Hạc mếu máo nói:

- Lúc đấy thì cu cậu mới biết là cu cậu chết! Mắt nó long sòng sọc rồi dại đi. Nó cứ ăng ẳng nhìn tôi như thể nó nói: A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế nào mà giờ lão xử tôi như vậy hả.

- Cụ cứ khéo tưởng tượng đấy chứ nó có biết gì đâu. Vả lại! Ai nuôi chó mà chẳng để giết thịt. Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy chứ! - Ông giáo nói.

Lão Hạc chua chát bảo:

- Ông giáo nói phải! Ta hóa kiếp cho nó để nó được đầu thai thành kiếp khác may ra có là kiếp người. Như ông với tôi chẳng hạn!

Tôi nghe mà không kìm được nước mắt. Tôi cảm thấy đau khổ và xót thương cho lão Hạc quá! Lão chỉ có mỗi con chó để bầu bạn hằng đêm. Có con chó đó cũng đỡ buồn và bù đắp được cho sự thiếu thốn tình cảm của lão. Vậy mà giờ lão phải bán nó đi để lấy tiền để dành cho con sao! Lão Hạc quả là một con người tốt và có tình thương yêu con sâu sắc mà hiếm ai có được.

Ông giáo nói:

- Không có kiếp gì là sướng cả! Để tôi vào nhà pha ấm nước chè rồi ba ông con mình vừa rít thuốc lào vừa uống, thế là sướng!

- Ông giáo dạy phải! Nhưng giờ tôi có việc gấp phải đi bây giờ ông giáo ạ!

- Còn sớm mà, cụ hẵng ở lại chơi với chúng tôi cái đã!

- Ông giáo cho tôi xin khất chứ hôm nay thì nhất quyết không được.

Vậy là lão Hạc lại loạng choạng ra về trong sự ái ngại của tôi và ông giáo. Thuốc lào đã được vo viên mà không ai thèm đụng đến. Tôi nghĩ đến lão Hạc, một con người đầy tình thương và giàu lòng tự trọng. Một người vì con mà sẵn sàng bán đi thứ yêu quý nhất, kỷ vật của mình. Một người mà đã mếu máo, khóc hu hu như trẻ con vì nỡ lừa một con chó. Một người đáng kính như vậy mà phải sống khổ, sống sở như vậy sao? Cuộc đời thật bất công đối với những con người tốt, chỉ toàn khổ đau, bất hạnh. Tôi từ biệt ông giáo đi về mà lòng đau như cắt.

Tôi, ông giáo và lão Hạc, những người nông dân nghèo khổ, bị xã hội dồn đến đường cùng mà vẫn phải sống, vẫn phải tồn tại trên cái thế giới này. Cảm ơn lão Hạc, lão đã cho tôi hiểu được tình thương và lòng tự trọng quý giá của một con người. Tôi sẽ mãi khắc sâu bài học này trong tâm can và ý chí của mình đến cuối đời!

Đánh giá

0

0 đánh giá