Sách bài tập Hoá học 10 Bài 5 (Kết nối tri thức): Cấu tạo của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

6.3 K

Với giải sách bài tập Hoá học 10 Bài 5: Cấu tạo của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Hoá học 10. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Hoá học lớp 10 Bài 5: Cấu tạo của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Giải SBT Hoá học 10 trang 13

Nhận biết

Bài 5.1 trang 13 SBT Hóa học 10: Bảng tuần hoàn hiện nay không áp dụng nguyên tắc sắp xếp nào sau đây?

A. Mỗi nguyên tố hóa học được xếp vào một ô trong bảng tuần hoàn.

B. Các nguyên tố được sắp xếp theo chiều tăng dần khối lượng nguyên tử.

C. Các nguyên tố có cùng số lớp electron trong nguyên tử được xếp thành một hàng.

D. Các nguyên tố có cùng số electron hóa trị trong nguyên tử được xếp thành một cột.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Bảng tuần hoàn hiện nay không áp dụng nguyên tắc sắp xếp: Các nguyên tố được sắp xếp theo chiều tăng dần khối lượng nguyên tử.

Bảng tuần hoàn được sắp xếp theo 3 nguyên tắc sau:

- Các nguyên tố được sắp xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân nguyên tử.

- Các nguyên tố có cùng số lớp electron trong nguyên tử được xếp thành một hàng.

- Các nguyên tố có cùng số electron hóa trị trong nguyên tử được xếp thành một cột.

Bài 5.2 trang 13 SBT Hóa học 10: Ô nguyên tố không cho biết thông tin nào sau đây?

A. Kí hiệu nguyên tố.

B. Tên nguyên tố

C. Kí hiệu nguyên tử

D. Số khối của hạt nhân

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Ô nguyên tố không cho biết số khối của hạt nhân.

Tùy theo từng loại bảng, ô nguyên tố cho ta biết một số thông tin như:

- Số hiệu nguyên tử

- Kí hiệu nguyên tố

- Tên nguyên tố

- Nguyên tử khối trung bình.

Ngoài ra: Số hiệu nguyên tử = Số đơn vị điện tích hạt nhân = số thứ tự ô nguyên tố = số proton = số electron.

Một số loại bảng tuần hoàn còn cho biết độ âm điện, năng lượng ion hóa, ....

Bài 5.3 trang 13 SBT Hóa học 10: Chu kì là dãy các nguyên tố được xếp theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần, nguyên tử của chúng có cùng

A. số electron.

B. số lớp electron.

C. số electron hóa trị.

D. Số electron ở lớp ngoài cùng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Chu kì là dãy các nguyên tố được xếp theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần, nguyên tử của chúng có cùng số lớp electron.

Bài 5.4 trang 13 SBT Hóa học 10: Bảng tuần hoàn hiện nay có số chu kì và số hàng ngang lần lượt là

A. 7 và 9

B. 7 và 8

C. 7 và 7

D. 6 và 7

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Bảng tuần hoàn hiện nay có 7 chu kì. Mỗi chu kì là 1 hàng. Bên cạnh đó có thêm 14 nguyên tố thuộc chu kì 6 và 14 nguyên tố thuộc chu kì 7 được xếp thành hai hàng ở cuối bảng.

Bảng tuần hoàn hiện nay có 7 chu kì và 9 hàng ngang.

Bài 5.5 trang 13 SBT Hóa học 10: Nguyên tố Al (Z = 13) thuộc chu kì 3, có số lớp electron là

A. 1

B. 2

C. 3

D. 4

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Chú ý: Số lớp electron = số thứ tự chu kì

Nguyên tố Al (Z = 13) thuộc chu kì 3, có số lớp electron là 3

Bài 5.6 trang 13 SBT Hóa học 10: Nguyên tử của các nguyên tố trong cùng một nhóm A (trừ He) có cùng

A. số electron

B. số lớp electron

C. số electron hóa trị

D. số electron ở lớp ngoài cùng

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Nguyên tử của các nguyên tố trong cùng một nhóm A (trừ He) có cùng số electron hóa trị.

Bài 5.7 trang 13 SBT Hóa học 10: Bảng tuần hoàn hiện nay có số cột, số nhóm A và số nhóm B lần lượt là

A. 18, 8, 8

B. 18, 8, 10

C. 18, 10, 8

D. 16, 8, 8

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Bảng tuần hoàn hiện nay có 18 cột, chia thành 8 nhóm A (từ IA đến VIIIA) và 8 nhóm B (IB đến VIIIB). Mỗi nhóm là một cột, riêng nhóm VIIIB gồm 3 cột.

Bài 5.8 trang 13 SBT Hóa học 10: Số thứ tự của nhóm (trừ hai cột 9, 10 của nhóm VIIIB) bằng

A. số electron

B. số lớp electron

C. số electron hóa trị

D. số electron ở lớp ngoài cùng

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Số thứ tự của nhóm (trừ hai cột 9, 10 của nhóm VIIIB) bằng số electron hóa trị.

Giải SBT Hoá học 10 trang 14

Bài 5.9 trang 14 SBT Hóa học 10: Nguyên tố Cl (Z = 17) thuộc nhóm VIIA, có số electron hóa trị là

A. 4

B. 5

C. 6

D. 7

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Số electron hóa trị = số thứ tự nhóm.

Nguyên tố Cl (Z = 17) thuộc nhóm VIIA ⇒ Có số electron hóa trị là 7

Bài 5.10 trang 14 SBT Hóa học 10: Vị trí của nguyên tố có Z = 15 trong bảng tuần hoàn là

A. chu kì 4, nhóm VIB.

B. chu kì 3, nhóm VA.

C. chu kì 4, nhóm IIA.

D. chu kì 3, nhóm IIB.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Z = 15 ⇒ có 15 electron.

Cấu hình electron của nguyên tố có Z = 15 là: 1s22s22p63s23p3

Có 3 lớp electron ⇒ Thuộc chu kì 3.

Có 5 electron hóa trị ⇒ thuộc nhóm VA.

Thông hiểu

Bài 5.11 trang 14 SBT Hóa học 10: Sự phân bố electron trong nguyên tử của ba nguyên tố như sau

X: (2; 8; 1)

Y: (2, 5)

Z: (2, 8, 8, 1)

Hãy xác định vị trí các nguyên tố này trong bảng tuần hoàn

Lời giải:

- Nguyên tử X có 11 electron và 1 electron lớp ngoài cùng nên ở ô số 11, chu kì 3, nhóm IA.

- Nguyên tử Y có 7 electron và 5 electron lớp ngoài cùng nên ở ô số 7, chu kì 2, nhóm VA.

- Nguyên tử Z có 19 electron và 1 electron lớp ngoài cùng nên ở ô số 19, chu kì 4, nhóm IA.

Bài 5.12 trang 14 SBT Hóa học 10: Anion Xvà cation Y2+ đều có cấu hình electron lớp ngoài cùng là 3s23p6. Hãy xác định vị trí của các nguyên tố X, Y trong bảng tuần hoàn.

Lời giải:

X + 1e → X-

⇒ Phân lớp ngoài cùng của X là 3p5. X là 17Cl

Cấu hình electron đầy đủ của Cl là: 1s22s22p63s23p5

Y → Y2+ + 2e

Electron lớp ngoài cùng của Y là 4s2. Y là 20Ca.

Cấu hình electron đầy đủ của Ca là: 1s22s22p63s23p64s2

Vị trí trong bảng tuần hoàn: Cl ở ô số 17, chu kì 3, nhóm VIIA; Ca ở ô số 20, chu kì 4, nhóm IIA.

Bài 5.13 trang 14 SBT Hóa học 10: Cation M3+ và anion Y2- đều có cấu hình electron lớp ngoài cùng là 2s22p6. Hãy xác định vị trí của các nguyên tố M, Y trong bảng tuần hoàn.

Lời giải:

Nguyên tử M → cation M3+ + 3e

⇒ Electron lớp ngoài cùng của M là 3s23p1. M là 13Al

Cấu hình electron đầy đủ của Al là 1s22s22p63s23p1

Nguyên tử Y + 2e → anion Y2-

Electron lớp ngoài cùng của Y là 2s22p4. Y là 8O

Cấu hình electron đầy đủ của O là 1s22s22p4

Vị trí trong bảng tuần hoàn: Al ở ô số 13, chu kì 3, nhóm IIIA; O ở ô số 8, chu kì 2, nhóm VIA.

Bài 5.14 trang 14 SBT Hóa học 10: Hãy xác định vị trí của nguyên tố có Z = 26 trong bảng tuần hoàn và giải thích.

Lời giải:

Nguyên tố có Z = 26 có cấu hình electron [Ar]3d64s2

Vị trí trong bảng tuần hoàn: Z ở ô số 26, chu kì 4, nhóm VIIIB.

Vận dụng

Bài 5.15 trang 14 SBT Hóa học 10: Nguyên tử nguyên tố X có tổng số proton, neutron, electron là 18. Hãy xác định vị trí của X trong bảng tuần hoàn và giải thích.

Lời giải:

Ta có: p + e + n = 18 hay 2p + n = 18

⇒ p < 9 ⇒ X thuộc chu kì 2.

Với p ≤ n = 18 – 2p ≤ 1,33p nên 5,4 ≤ p ≤ 6 ⇒ p = 6

X là C (carbon)

Cấu hình electron của C là: 1s22s22p2

Nguyên tố C có số thứ tự 6 nằm ở chu kì 2, nhóm IVA trong bảng tuần hoàn.

Bài 5.16 trang 14 SBT Hóa học 10: Hợp chất ion XY được sử dụng để bảo quản mẫu tế bào trong việc nghiên cứu dược phẩm và hóa sinh vì ion Y- ngăn cản sự thủy phân glycogen. Trong phân tử XY, số electron của cation bằng số electron của anion và tổng số electron trong XY là 20. Biết trong mọi hợp chất, Y chỉ có một mức oxi hóa duy nhất. Hãy xác định vị trí của X, T trong bảng tuần hoàn.

Lời giải:

Số electron trong cation = Số electron trong anion = 202 = 10

Có 3 trường hợp, Al3+ và N3-; Mg2+ và O2-; Na+ và F-

N3- và O2- không thỏa mãn mức oxi hóa duy nhất (ví dụ N+2 trong NO hay O2+ trong F2O)

Vậy, X là Na ở ô số 11, chu kì 3, nhóm IA và Y là F ở ô số 9, chu kì 2, nhóm VIIA của bảng tuần hoàn.

Bài 5.17 trang 14 SBT Hóa học 10: Nguyên tử nguyên tố R có tổng số hạt mang điện và không mang điện là 34. Trong đó số hạt mang điện nhiều hơn số hạt không mang điện là 10. Xác định kí hiệu và vị trí của R trong bảng tuần hoàn.

Lời giải:

Số p = số e nên 2p + n = 34 (1)

Hạt mang điện là p và e, hạt không mang điện là n nên ta có:

P + e – n = 10 hay 2p – n = 10 (2)

Giải hệ (1) và (2) ⇒ p = 11 và n = 12.

⇒ R là 11Na

Cấu hình electron Na (Z = 11) là: 1s22s22p63s1

Vị trí trong bảng tuần hoàn của R: ô số 11, chu kì 3, nhóm IA.

Bài 5.18 trang 14 SBT Hóa học 10: A, B là hai nguyên tố thuộc cùng một nhóm A ở hai chu kì liên tiếp trong bảng tuần hoàn và ZA + ZB = 32. Hãy xác định vị trí của A, B trong bảng tuần hoàn.

Lời giải:

Cùng nhóm A và ở hai chu kì kế tiếp với tổng Z = 32 thì số proton của hai nguyên tử chênh nhau 8 đơn vị. Tức là p + p + 8 = 32 ⇒ p = 12

Vị trí trong bảng tuần hoàn của A, B: ô số 12 và 20, chu kì 3 và 4, cùng nhóm IIA.

Bài giảng Hóa học 10 Bài 5: Cấu tạo của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học - Kết nối tri thức

Xem thêm các bài giải SBT Hoá học lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 4: Ôn tập chương 1

Bài 5: Cấu tạo của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Bài 6: Xu hướng biến đổi một số tính chất của nguyên tử các nguyên tố trong một nhóm

Bài 7: Xu hướng biến đổi thành phần và một số tính chất của hợp chất trong một chu kì

Bài 8: Định luật tuần hoàn. Ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Lý thuyết Cấu tạo của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

I. Lịch sử phát minh bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Khi đã biết một số đáng kể các nguyên tố hóa học, người ta đã tìm cách phân loại chúng. Cách phân loại đầu tiên được A. Lavoisier (La-voa-di-ê, người Pháp) thực hiện năm 1789, xếp 33 nguyên tố hóa học thành nhóm các chất khí, kim loại, phi kim và “đất”.

Năm 1829, J. W. Dobereiner (Đô-be-rai-nơ, người Đức) phân loại các nguyên tố thành các nhóm có tính chất hóa học giống nhau.

Năm 1866, J. Newlands (Niu-lan, người Anh) đã xếp các nguyên tố hóa học theo chiều tăng khối lượng nguyên tử thành các octave (quãng tám), trong đó nguyên tố thứ tám lặp lại tính chất của nguyên tố đầu tiên.

Năm 1869, hai nhà hóa học, D. I. Mendeleev (Men-đê-lê-ép, người Nga) và J. L. Mayer (May-ơ, người Đức) đều sắp xếp các nguyên tố theo chiều tăng khối lượng nguyên tử vào các hàng và cột, bắt đầu mỗi hàng (bảng của Mendeleev) hoặc cột mới (bảng của Mayer) khi các tính chất của nguyên tố bắt đầu lặp lại. Trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học của mình, Mendeleev đã thay đổi vị trí một số nguyên tố để tính chất của nguyên tố phù hợp với quy luật, đồng thời để trống một số chỗ cho các nguyên tố chưa biết.

Sau này, các nguyên tố ở vị trí còn trống đó được tìm ra và tính chất của chúng đều phù hợp với dự đoán của Mendeleev.

Đến năm 2016, với những hiểu biết về cấu tạo nguyên tử, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học sắp xếp 118 nguyên tố theo chiều tăng của điện tích hạt nhân nguyên tử.

II. Nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn

Bảng tuần hoàn chứa 118 nguyên tố được sắp xếp theo các nguyên tắc sau:

- Các nguyên tố được sắp xếp theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân nguyên tử.

- Các nguyên tố có cùng số lớp electron trong nguyên tử được xếp thành một hàng.

- Các nguyên tố có cùng số electron hóa trị trong nguyên tử được xếp thành một cột.

III. Cấu tạo của bảng tuần hoàn

1. Ô nguyên tố

Trong bảng tuần hoàn, mỗi nguyên tố được xếp vào một ô, gọi là ô nguyên tố. Số thứ tự của ô là số hiệu nguyên tử của nguyên tố đó.

Tùy theo từng loại bảng, các thông tin của một ô nguyên tố có thể là số hiệu nguyên tử, kí hiệu nguyên tố, tên nguyên tố, nguyên tử khối trung bình, …

Ví dụ: Nguyên tử nguyên tố sodium có Z = 11. Nguyên tố sodium ở ô 11 trong bảng tuần hoàn.

2. Chu kì

Chu kì là dãy các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có cùng số lớp electron, được xếp theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần.

Bảng tuần hoàn hiện nay có 7 chu kì. Số thứ tự chu kì bằng số lớp electron của nguyên tử các nguyên tố trong chu kì.

Ví dụ: Cấu hình electron của nguyên tử nguyên tố oxygen (Z = 8): 1s22s22p4.

Nguyên tử oxygen có 2 lớp electron.

Số thứ tự chu kì = số lớp electron = 2.

Nguyên tố oxygen thuộc chu kì 2 trong bảng tuần hoàn.

3. Nhóm nguyên tố

Nhóm nguyên tố gồm các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có cấu hình electron tương tự nhau, do đó có tính chất hóa học gần giống nhau và được xếp thành một cột.

Bảng tuần toàn hiện nay có 18 cột, chia thành 8 nhóm A (IA đến VIIIA) và 8 nhóm B (IB đến VIIIB). Mỗi nhóm là một cột, riêng nhóm VIIIB gồm 3 cột.

Ví dụ: Nhóm kim loại kiềm – nhóm IA, nhóm halogen – nhóm VIIA.

Nguyên tử các nguyên tố trong cùng một nhóm A có số electron hóa trị bằng nhau và bằng số thứ tự của nhóm (trừ He).

4. Phân loại nguyên tố

a) Theo cấu hình electron

Các nguyên tố s, p, d, f là những nguyên tố mà nguyên tử có electron cuối cùng được điền vào phân lớp s, p, d, f tương ứng.

Ví dụ: 11Na: 1s22s22p63s1 (nguyên tố s).

Các nhóm A: gồm các nguyên tố s và nguyên tố p.

Các nhóm B: gồm các nguyên tố d và nguyên tố f.

b) Theo tính chất hóa học

Các nhóm IA, IIA, IIIA: gồm các nguyên tố s và p là kim loại (trừ H và B).

Các nhóm VA, VIA, VIIA: gồm các nguyên tố p, thường là phi kim.

Nhóm VIIIA: gồm các nguyên tố khí hiếm.

Các nhóm B: gồm các nguyên tố d và f đều là kim loại chuyển tiếp.

Ví dụ: Nguyên tố chlorine có Z = 17. Xác định vị trí của nguyên tố chlorine trong bảng tuần hoàn và cho biết chúng thuộc loại nguyên tố s, p hay d; là kim loại, phi kim hay khí hiếm.

Hướng dẫn giải:

Cấu hình electron của nguyên tử nguyên tố chlorine (Z = 17): 1s22s22p63s23p5.

Số thứ tự ô = số electron = 17.

Số thứ tự chu kì = số lớp electron = 3.

Nguyên tử chlorine có electron cuối cùng điền vào phân lớp p nên chlorine là nguyên tố p và thuộc nhóm A.

Số thứ tự nhóm A = số electron hóa trị = 7 nhóm VIIA.

Vậy, nguyên tố chlorine thuộc ô 17, chu kì 3, nhóm VIIA.

Nguyên tố chlorine thuộc nhóm VIIA  Chlorine là nguyên tố phi kim

Đánh giá

0

0 đánh giá