Giải SGK Khoa học tự nhiên 8 Bài 28 (Kết nối tri thức): Sự truyền nhiệt

8.7 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 8 Bài 28: Sự truyền nhiệt chi tiết sách Kết nối tri thức giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn KHTN 8. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập KHTN lớp 8 Bài 28: Sự truyền nhiệt

Mở đầu trang 112 Bài 28 KHTN lớp 8: Theo em, năng lượng nhiệt có thể truyền được trong các môi trường nào sau đây: chất rắn, chất lỏng, chất khí, chân không? Hãy tìm hiện tượng trong thực tế để minh họa cho ý kiến của mình.

Trả lời:

- Năng lượng nhiệt có thể truyền được trong các môi trường: chất rắn, chất lỏng, chất khí, chân không.

- Ví dụ:

+ Năng lượng nhiệt truyền trong chất rắn: Khi ta nung một đầu thanh sắt trên ngọn lửa thì một lúc sau ta thấy ở đầu kia của thanh sắt (phía tay cầm) cũng nóng lên.

+ Năng lượng nhiệt truyền trong chất lỏng: Ta dùng ngọn lửa đun nóng một nồi nước từ phía đáy nồi, một thời gian sau ta thấy toàn bộ lượng nước trong nồi đều nóng lên.

+ Năng lượng nhiệt truyền trong chất khí: Khi đặt tay bên ngọn lửa, một lúc sau ta thấy tay nóng lên.

+ Năng lượng nhiệt truyền trong chân không: Để một vật dưới ánh nắng Mặt Trời, một khoảng thời gian sau ta thấy vật nóng lên.

I. Dẫn nhiệt

Hoạt động 1 trang 112 KHTN lớp 8: Thí nghiệm

Chuẩn bị (Hình 28.1):

- Thanh đồng AB mắc vào giá thí nghiệm.

- Các đinh a, b, c, d, e, gắn bằng sáp vào thanh đồng.

- Đèn cồn đặt dưới đầu A của thanh đồng.

Tiến hành: Dùng đèn cồn đốt nóng đầu A của thanh đồng, quan sát hiện tượng xảy ra đối với các đinh a, b, c, d, e.

1. Mô tả hiện tượng xảy ra đối với các đinh.

2. Đinh rơi xuống chứng tỏ điều gì?

3. Đinh lần lượt rơi xuống theo thứ tự nào?

Thí nghiệm Chuẩn bị (Hình 28.1):Thanh đồng AB mắc vào giá thí nghiệm

Trả lời:

1. Các đinh lần lượt rơi xuống.

2. Các đinh rơi xuống chứng tỏ khi nung nóng đầu A, nhiệt lượng đã được thanh đồng truyền đi đến mọi điểm và làm cho sáp nóng lên và bị chảy ra thành chất lỏng.

3. Các đinh rơi xuống theo thứ tự từ A đến B: a, b, c, d và e.

Giải KHTN 8 trang 113

Hoạt động 2 trang 113 KHTN lớp 8: Hãy thảo luận về các câu hỏi dưới đây dựa trên việc phân tích công dụng của vật dẫn nhiệt tốt và vật cách nhiệt tốt:

1. Tại sao chảo được làm bằng kim loại còn cán chảo được làm bằng gỗ hoặc nhựa?

2. Tại sao nhà mái ngói thì mùa hè mát hơn, mùa đông ấm hơn nhà mái tôn?

3. Phân tích công dụng dẫn nhiệt tốt, cách nhiệt tốt của từng bộ phận trong một số dụng cụ thường dùng trong gia đình.

Trả lời:

1. Chảo được làm bằng kim loại còn cán chảo được làm bằng gỗ hoặc nhựa vì kim loại dẫn nhiệt tốt sử dụng làm chảo giúp thức ăn nóng nhanh hơn còn nhựa và gỗ dẫn nhiệt kém nên thường sử dụng để làm cán chảo giúp ta cầm vào không bị bỏng.

2. Vì mái ngói là những vật liệu truyền nhiệt kém, còn mái tôn được làm từ kim loại nên dẫn nhiệt tốt. Do đó, khi vào mùa hè trời nóng, nhiệt độ môi trường xung quanh cao, nhà mái tôn dẫn nhiệt tốt nên nhiệt lượng bên ngoài được truyền vào trong nhà thông qua mái tôn nhanh và nhiều hơn, dẫn đến không khí trong nhà mái tôn nóng hơn trong nhà mái ngói. Vào mùa đông trời lạnh, nhiệt độ môi trường xung quanh thấp, nhiệt độ trong nhà cao hơn, mái tôn dẫn nhiệt tốt nên nhiệt lượng trong nhà truyền ra ngoài thông qua mái tôn rất nhanh và nhiều nên không khí trong nhà mái tôn lạnh hơn trong nhà mái ngói.

3.

Ví dụ phân tích bộ phận trong nồi cơm điện gồm:

- Thân nồi thường được thiết kế có 3 lớp:

+ Lớp trong cùng có tác dụng tỏa nhiệt, làm nồi được ấm đều.

+ Lớp tiếp theo là lớp sứ cách nhiệt, chúng có nhiệm vụ giữ nhiệt cho toàn bộ nồi cơm.

+ Ngoài cùng là lớp vỏ, lớp này làm bằng chất liệu nhựa hoặc các chất liệu khác cách nhiệt giúp cách nhiệt với các bộ phận bên trong nồi cơm để bê dễ dàng không bị bỏng và thường được trang trí họa tiết để làm tăng tính thẩm mỹ cho nồi cơm.

- Mâm nhiệt là bộ phận dẫn nhiệt tốt giúp truyền nhiệt đều dưới đáy xoong thì cơm mới chín đều.

- Lõi nồi là bộ phận dẫn nhiệt và có tính chịu nhiệt tốt hơn và thường được phủ lớp chống dính để cơm không bị bám vào, đồng thời giúp quá trình vệ sinh được thuận tiện nhất.

Bộ phận điều khiển: Bộ phận này gắn liền với nồi cơm, chúng sử dụng rơ le, có tác dụng chuyển đổi từ chế độ nấu sang chế độ giữ ấm hay lựa chọn các chức năng nấu nướng khác.

Hãy thảo luận về các câu hỏi dưới đây dựa trên việc phân tích công dụng

 

Hoạt động 3 trang 113 KHTN lớp 8: Chuẩn bị:

- Hai ống nghiệm đựng nước: ống (1) có gắn viên sáp ở đáy, ống (2) có gắn viên sáp ở miệng ống.

- Đèn cồn và các giá đỡ.

Tiến hành:

- Đun nóng nước ở gần miệng ống nghiệm (1), quan sát xem miếng sáp có bị nóng chảy hay không (Hình 28.2a).

- Đun nóng đáy ống nghiệm (2) một thời gian dài gần bằng thời gian đun nóng ống nghiệm (1), quan sát xem viên sáp có bị nóng chảy hay không (Hình 28.2b).

Chuẩn bị:Hai ống nghiệm đựng nước: ống (1) có gắn viên sáp ở đáy

Trả lời:

- Hình 28.2a, khi nước ở phần trên của ống nghiệm bắt đầu sôi thì cục sáp ở đáy ống nghiệm chưa bị nóng chảy.

- Hình 28.2b, khi nước ở phần trên của ống nghiệm bắt đầu sôi thì cục sáp ở miệng ống nghiệm bị nóng chảy.

Giải KHTN 8 trang 114

Câu hỏi 1 trang 114 KHTN lớp 8: Hãy giải thích hiện tượng xảy ra trong hai thí nghiệm trên.

Trả lời:

- Ở hình 28.2a, khi đun nóng nước ở gần miệng ống nghiệm thì hiện tượng truyền nhiệt từ nước sang miếng sáp theo hình thức dẫn nhiệt, mà nước là chất dẫn nhiệt kém nên miếng sáp ở đáy ống nghiệm khó thu được nhiệt độ nhiều để đạt đến nhiệt độ nóng chảy.

- Ở hình 28.2b, khi đun nóng nước ở đáy ống nghiệm thì hiện tượng truyền nhiệt từ nước sang miếng sáp theo cả hình thức đối lưu và dẫn nhiệt nên làm miếng sáp ở miệng ống nghiệm thu được nhiệt độ nhiều hơn và nhanh chóng đạt được nhiệt độ nóng chảy.

Câu hỏi 2 trang 114 KHTN lớp 8: Tại sao khi đốt nến thì cánh quạt trong Hình 28.4 lại quay.

Tại sao khi đốt nến thì cánh quạt trong Hình 28.4 lại quay

Trả lời:

Khi đốt nến thì lớp không khí xung quanh ngọn nến nhận năng lượng nhiệt nóng lên nở ra, nhẹ đi di chuyển lên trên, lớp không khí bên trên lạnh và nặng hơn di chuyển xuống dưới lại được làm nóng lên. Cứ như vậy tạo nên dòng không khí đối lưu, làm cánh quạt dần dần di chuyển.

 

Câu hỏi 3 trang 114 KHTN lớp 8: Tìm thêm ví dụ về sự đối lưu trong thực tế.

Trả lời:

- Đun nước sôi trong ấm: Khi đun nước, dòng nước bên dưới nhận được năng lượng sẽ nóng lên, nở ra, nhẹ đi và đi lên phía trên, phần nước ở phía trên lạnh và nặng hơn nên đi xuống dưới. Cứ như thế tạo thành dòng đối lưu, làm toàn bộ nước trong ấm nóng lên.

- Điều hòa làm mát không khí thường lắp ở phía trên cao để khi điều hòa tạo ra khí mát  có khối lượng riêng lớn hơn không khí thường di chuyển xuống dưới chiếm chỗ lớp không khí thường và đẩy lớp không khí thường nhẹ hơn bay lên trên, cứ như thế tạo thành dòng đối lưu, làm mát cả căn phòng.

- Hình thành gió: Trên biển, khi trời nóng, đất liền nhanh nóng hơn nước biển, vì vậy vào buổi nắng gắt thì luồng không khí từ biển tràn vào đất liền tạo ra gió từ biển thổi vào rất mạnh, nhưng đất liền cũng giảm nhiệt nhanh hơn nước biển nên vào ban đêm luồng không khí từ đất liền tràn ra biển tạo ra gió thổi từ đất liền ra biển.

Giải KHTN 8 trang 115

Hoạt động 4 trang 115 KHTN lớp 8: Chuẩn bị:

- Một bình thủy tinh đã phủ đen, bên trong có đặt một nhiệt kế.

- Đèn điện dây tóc.

- Tấm gỗ dày.

Tiến hành:

- Bố trí thí nghiệm như Hình 28.5.

- Bật đèn, theo dõi sự thay đổi nhiệt độ của nhiệt kế khi chưa đặt tấm gỗ (Hình 28.5a).

- Đặt tấm gỗ vào giữa đèn và bình thủy tinh (Hình 28.5b), theo dõi sự thay đổi nhiệt độ của nhiệt kế.

1. Tại sao trong thí nghiệm ở Hình 28.5a thì nhiệt độ trong bình thủy tinh tăng dần còn trong thí nghiệm ở Hình 28.5b thì nhiệt độ trong bình thủy tinh lại giảm dần về nhiệt độ cũ?

2. Có phải sự truyền nhiệt từ đèn đến bình thủy tinh là dẫn nhiệt và đối lưu không? Tại sao?

Chuẩn bị:Một bình thủy tinh đã phủ đen, bên trong có đặt một nhiệt kế

Trả lời:

- Quan sát hiện tượng thí nghiệm ta thấy: Ở Hình 28.5a, nhiệt độ trong bình thủy tinh tăng dần còn trong thí nghiệm ở Hình 28.5b thì nhiệt độ trong bình thủy tinh lại giảm dần về nhiệt độ cũ.

1.

- Trong thí nghiệm ở Hình 28.5a thì nhiệt độ trong bình thủy tinh tăng dần vì bình thủy tinh nhận được năng lượng nhiệt từ đèn điện dây tóc phát ra.

- Còn trong thí nghiệm ở Hình 28.5b thì nhiệt độ trong bình thủy tinh lại giảm dần về nhiệt độ cũ vì bình thủy tinh không nhận được năng lượng nhiệt từ đèn điện dây tóc phát ra nữa mà dần dần tỏa năng lượng nhiệt thu được từ lúc trước ra môi trường xung quanh.

2. Sự truyền nhiệt từ đèn đến bình thủy tinh không phải là dẫn nhiệt và đối lưu vì:

+ Không khí là chất dẫn nhiệt kém nên sự truyền nhiệt này không phải là hình thức dẫn nhiệt.

+ Sự truyền nhiệt trong trường hợp này truyền theo đường thẳng nên không phải là hình thức đối lưu.

 

Câu hỏi 4 trang 115 KHTN lớp 8: Đứng gần một bếp lửa, ta cảm thấy nóng. Nhiệt năng mà cơ thể nhận được từ bếp chủ yếu là do dẫn nhiệt, đối lưu hay bức xạ? Tại sao?

Trả lời:

Đứng gần một bếp lửa, ta cảm thấy nóng. Nhiệt năng mà cơ thể nhận được từ bếp chủ yếu là do bức xạ vì tia nhiệt truyền thẳng.

 

Câu hỏi 5 trang 115 KHTN lớp 8: Tại sao mùa hè người ta thường mặc áo màu trắng, ít mặc áo màu đen?

Trả lời:

Mùa hè người ta thường mặc áo màu trắng, ít mặc áo màu đen vì các vật có màu sáng ít hấp thụ các tia nhiệt hơn nên mặc áo trắng vào mùa hè sẽ giảm khả năng hấp thụ các tia nhiệt làm cho ta có cảm giác mát hơn.

 

Câu hỏi 6 trang 115 KHTN lớp 8: Phích (bình thủy) là dụng cụ dùng để giữ nước nóng, có hai lớp thủy tinh. Giữa hai lớp thủy tinh là chân không. Hai mặt đối diện của hai lớp thủy tinh thường được tráng bạc. Phích có nút đậy kín. Hãy phân tích tác dụng của các bộ phận sau đây của phích: lớp chân không; hai mặt thủy tinh tráng bạc; nút.

Phích (bình thủy) là dụng cụ dùng để giữ nước nóng, có hai lớp thủy tinh

Trả lời:

Phân tích tác dụng của các bộ phận của phích:

- Lớp chân không có tác dụng ngăn cản sự dẫn nhiệt.

- Hai mặt thủy tinh tráng bạc có tác dụng phản xạ các tia nhiệt trở lại nước đựng trong phích.

- Nút có tác dụng ngăn cản sự truyền nhiệt bằng đối lưu ra bên ngoài.

Giải KHTN 8 trang 117

Hoạt động 5 trang 117 KHTN lớp 8: Hãy thảo luận về những vấn đề sau đây:

1. Mô tả sự truyền năng lượng trong hiệu ứng nhà kính khí quyển.

2. Những nguyên nhân nào làm tăng nhanh hàm lượng CO2 trong khí quyển và những biện pháp nào có thể làm giảm sự tăng hàm lượng CO2 trong khí quyển?

3. Em và các bạn có thể làm gì để góp phần cụ thể vào việc làm giảm hiệu ứng nhà kính để góp phần ổn định nhiệt độ bề mặt Trái Đất.

Trả lời:

1. Mặt Trời truyền năng lượng nhiệt xuống Trái Đất dưới hình thức bức xạ nhiệt. Trái Đất hấp thụ một phần năng lượng này, đồng thời phản xạ lại một phần dưới hình thức bức xạ nhiệt của Trái Đất. Bầu khí quyển bao quanh Trái Đất có tác dụng giống như một nhà lợp kính, giữ lại bức xạ nhiệt của Trái Đất làm cho bề mặt của Trái Đất và không khí bao quanh nóng lên.

2.

Nguyên nhân làm tăng nhanh hàm lượng CO2 trong khí quyển:

+ Hoạt động sản xuất gia tăng, mở rộng.

+ Quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên.

+ Sự phát triển của các phương tiện giao thông vận tải.

+ Diện tích rừng, diện tích trồng cây xanh giảm.

- Những biện pháp có thể làm giảm sự tăng hàm lượng CO2 trong khí quyển:

+ Trồng thêm nhiều rừng, nhiều cây xanh.

+ Sử dụng các nguồn năng lượng mới, hạn chế tạo ra khí thải độc hại, và khí CO2 trong sản xuất và giao thông, sinh hoạt như: năng lượng gió, mặt trời, nước, ...

+ Chuyển từ phương tiện giao thông chạy bằng xăng, dầu sang các phương tiện giao thông chạy bằng điện: xe máy điện, xe ô tô điện, …

3.

Em và các bạn có thể làm gì để góp phần cụ thể vào việc làm giảm hiệu ứng nhà kính để góp phần ổn định nhiệt độ bề mặt Trái Đất.

- Tham gia các hoạt động trồng cây xanh.

- Hạn chế đi lại bằng máy bay, các phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) sử dụng xăng dầu.

Em có thể 1 trang 117 KHTN lớp 8: Biết lựa chọn vật liệu dẫn nhiệt, vật liệu cách nhiệt thích hợp cho các đồ dùng trong nhà, loại và màu vải thích hợp cho trang phục theo các điều kiện thời tiết khác nhau.

Trả lời:

- Các vật liệu dẫn nhiệt: Bạc, đồng, nhôm, wolfram, ….

- Các vật liệu cách nhiệt: Nhựa, gỗ, bông thủy tinh cách nhiệt, ….

- Mùa hè nên mặc màu sáng, vải dễ thấm hút mồ hôi, …. giúp người mặc được mát mẻ.

- Mùa đông nên mặc màu tối, vải len, lông, … giúp giữ nhiệt, giữ ấm cơ thể tốt.

Em có thể 2 trang 117 KHTN lớp 8: Sử dụng năng lượng nhiệt một cách khoa học, tiết kiệm.

Trả lời:

Để sử dụng năng lượng nhiệt một cách khoa học, tiết kiệm trong gia đình:

+ Khi đun nấu ta nên dùng các thiết bị điện như: bếp từ, ấm điện, nồi cơm điện, ….

+ Để sưởi ấm cho gia đình ta nên dùng máy sưởi điện, lò sưởi ống khói, …..

+ Để giữ nhiệt độ tốt cho gia đình nên lắp các cửa kính, mái ngói, mái bê tông, ….

Chú ý: Khi không sử dụng các thiết bị nên tắt nguồn hoặc rút ra khỏi nguồn điện.

Em có thể 3 trang 117 KHTN lớp 8: Vận động người khác sử dụng năng lượng nhiệt một cách khoa học, tiết kiệm.

Trả lời:

Vận động người khác sử dụng năng lượng nhiệt một cách khoa học, tiết kiệm bằng cách mở các cuộc họp tổ dân phố/thôn/xóm, hội thảo, hội chợ tuyên truyền tới người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng nhiệt một cách khoa học, tiết kiệm thông qua sử dụng các thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ mới như sử dụng các thiết bị điện.

Em có thể 4 trang 117 KHTN lớp 8: Đề xuất được biện pháp cụ thể để làm giảm tác hại của hiệu ứng nhà kính.

Trả lời:

Biện pháp cụ thể để làm giảm tác hại của hiệu ứng nhà kính:

+ Trồng nhiều cây xanh, không phá rừng bừa bãi.

+ Tắt nguồn điện khi không sử dụng.

+ Sử dụng các nguồn năng lượng sạch.

+ Nên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

+ Tái sử dụng và tái chế.

+ Đầu tư công nghệ sạch vào sản xuất.

+ Tuyên truyền, nâng cao ý thức về hiệu ứng nhà kính.

Lý thuyết KHTN 8 Bài 28: Sự truyền nhiệt

I. Dẫn nhiệt

1. Hiện tượng dẫn nhiệt

- Hiện tượng dẫn nhiệt:

- Khi đầu A của thanh đồng AB được đốt nóng trong thí nghiệm, các nguyên tử đồng ở đầu A chuyển động nhanh lên, động năng tăng. Khi chúng va chạm với các nguyên tử bên cạnh có động năng nhỏ hơn, các nguyên tử ở đầu A truyền bớt động năng cho các nguyên tử này, làm cho động năng của chúng tăng. Thông qua va chạm các nguyên tử truyền năng lượng từ đầu A đến đầu B của thanh đồng.

Thí nghiệm:

- Chuẩn bị: Thanh đồng AB mắc vào giả thí nghiệm, các đinh a, b, c, d, e, gần bằng sắp vào thanh, và đèn cồn đặt dưới đầu A của thanh đồng.

- Kết quả thí nghiệm:

+ Các đinh a, b, c, d, e truyền năng lượng cho nhau thông qua va chạm, dẫn đến tất cả các đinh đều nóng lên.

+ Việc đinh rơi xuống chứng tỏ rằng các đinh đã nóng lên do truyền năng lượng cho nhau thông qua va chạm.

+ Các đinh rơi xuống lần lượt theo thứ tự a, b, c, d, e.

2. Vật dẫn nhiệt tốt, vật cách nhiệt tốt

- Vật dẫn nhiệt tốt và vật cách nhiệt tốt được xác định dựa trên khả năng dẫn nhiệt hoặc cản trở sự dẫn nhiệt của chất liệu.

- Khả năng dẫn nhiệt của một số chất và vật liệu được liệt kê và tính theo giá trị gần đúng.

II. Đối lưu

1. Thí nghiệm

Trong thí nghiệm đối lưu, sử dụng hai ống nghiệm đựng nước và đun nóng từng phần của ống để quan sát hiện tượng miếng sắp và viên sáp có bị nóng chảy hay không.

Lý thuyết KHTN 8 Bài 28 (Kết nối tri thức): Sự truyền nhiệt (ảnh 1)

2. Truyền nhiệt bằng đối lưu

- Chất lỏng và khí dẫn nhiệt kém, tuy nhiên, khi đun nóng đáy ống nghiệm, nước trong ống nghiệm sẽ nóng lên. Điều này chứng tỏ chất lưu tuy dẫn nhiệt kém nhưng vẫn có thể truyền nhiệt tốt. 

- Các dòng nước nóng và lạnh di chuyển ngược chiều nhau được gọi là dòng đối lưu. Sự đối lưu này là hiện tượng truyền nhiệt nhờ vào dòng chất lỏng di chuyển và gọi là sự đối lưu.

III. Bức xạ nhiệt

- Năng lượng được truyền từ Mặt Trời tới Trái Đất bằng bức xạ nhiệt

- Thí nghiệm chứng tỏ năng lượng nhiệt đã được truyền bằng tia nhiệt

1. Thí nghiệm

- Chuẩn bị: một bình thuỷ tinh đã phủ đen, bên trong có đặt một nhiệt kế, đèn điện dây tóc, tấm gỗ dày

- Tiến hành: bố trí thí nghiệm như Hình 28.5, bật đèn, theo dõi sự thay đổi nhiệt độ của nhiệt kế khi chưa đặt tấm gỗ (Hình 28.5a). Đặt tấm gỗ vào giữa đèn và bình thủy tinh (Hình 28.5b), theo dõi sự thay đổi nhiệt độ của nhiệt kế.

2. Sự truyền nhiệt bằng bức xạ nhiệt

- Tia nhiệt có một số tính chất giống tia sáng như mang năng lượng, truyền thẳng, phản xạ, không truyền qua các vật chắn sáng...

- Vật nhận được tia nhiệt thì nóng lên. Hình thức truyền nhiệt này được gọi là bức xạ.

- Khả năng hấp thụ và phản xạ tia nhiệt của một vật phụ thuộc tỉnh chất mặt ngoài của nó. Mặt ngoài của vật càng xù xì và càng sẫm màu thì vật hấp thụ tia nhiệt càng mạnh; mặt ngoài của vật cùng nhẵn và càng sáng màu thì vật phản xạ tia nhiệt càng mạnh.

a) Hiệu ứng nhà kính và bức xạ nhiệt của Mặt Trời và Trái Đất

- Nhiệt độ trung bình của bề mặt Mặt Trời là khoảng 6000 °C, bức xạ nhiệt của Mặt Trời là những bức xạ mạnh có thể dễ dàng truyền qua lớp khí quyển Trái Đất và các chất rắn trong suốt khác.

- Nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất chỉ khoảng 18 °C, bức xạ nhiệt của Trái Đất là những bức xạ yếu, không vượt qua được lớp khí quyển bao quanh Trái Đất, không vượt qua được ngay cả các lớp kính trong suốt.

- Sự khác nhau của hai loại bức xạ này đã được sử dụng để tạo ra hiệu ứng nhà kính và giúp cây trồng trong nhà lợp kính phát triển mạnh mẽ hơn.

b) Hiệu ứng nhà kính khí quyển

- Mặt Trời truyền về Trái Đất một lượng năng lượng khổng lồ dưới hình bức xạ nhiệt.

- Bầu khí quyển bao quanh Trái Đất giữ lại bức xạ nhiệt của Trái Đất làm cho bề mặt của Trái Đất và không khí bao quanh nóng lên.

- Hiệu ứng này của bầu khí quyển được gọi là hiệu ứng nhà kính khí quyển hoặc hiệu ứng nhà kính và khí carbon dioxide (CO2) đóng vai trò quan trọng nhất trong việc gây ra hiệu ứng nhà kính.

Sơ đồ tư duy KHTN 8 Bài 28: Sự truyền nhiệt

Lý thuyết KHTN 8 Bài 28 (Kết nối tri thức): Sự truyền nhiệt (ảnh 1)

Video bài giảng KHTN 8 Bài 28: Sự truyền nhiệt - Kết nối tri thức

Xem thêm các bài giải SGK Khoa học tự nhiên lớp 8 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá