Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 10: Vấn đề phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản sách Cánh diều. Bài viết gồm 35 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 10: Vấn đề phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Mời các bạn đón xem:
Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 10: Vấn đề phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
Phần 1. 35 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 10: Vấn đề phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
Câu 1. Khó khăn chủ yếu của ngành chăn nuôi ở nước ta hiện nay không phải là
A. giống vật nuôi năng suất cao ít.
B. nguồn thức ăn còn chưa đảm bảo.
C. dịch bệnh phức tạp và diện rộng.
D. sản phẩm chất lượng chưa nhiều.
Chọn B
Cơ sở thức ăn cho chăn nuôi ngày càng được đảm bảo (đồng cỏ, sản phẩm ngành trồng trọt, thủy sản, thức ăn công nghiệp). Vì vậy, nguồn thức ăn không còn là khó khăn trong ngành chăn nuôi của nước ta.
Câu 2. Cây điều được trồng nhiều nhất ở vùng nào sau đây?
A. Bắc Trung Bộ.
B. Đồng bằng sông Hồng.
C. Đông Nam Bộ.
D. Tây Nguyên.
Chọn C
Với diện tích 175 000 ha hạt điều được trồng khắp toàn tỉnh, Bình Phước (Đông Nam Bộ) được xem là thủ phủ của Hạt Điều Việt Nam với diện tích trồng điều lớn nhất Việt Nam (so với tổng diện tích khoảng 290 000 ha hạt điều trồng khắp Việt Nam.
Câu 3. Một mô hình sản xuất hàng hóa trong ngành chăn nuôi nước ta hiện nay là
A. hợp tác xã chăn nuôi theo hình thức quảng canh.
B. kinh tế hộ gia đình sản xuất quy mô nhỏ, tự cấp.
C. chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp.
D. kinh tế hộ gia đình chăn nuôi hướng quảng canh.
Chọn C
Một mô hình sản xuất hàng hóa trong ngành chăn nuôi nước ta là chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp.
Câu 4. Ven các thành phố lớn hiện nay phát triển mạnh chăn nuôi gia sức lớn nào sau đây?
A. Bò thịt.
B. Bò sữa.
C. Trâu thịt.
D. Ngựa.
Chọn B
Chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh gần các thành phố, đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Câu 5. Điều kiện thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển không phải là
A. thức ăn chăn nuôi đảm bảo.
B. thức ăn công nghiệp nhiều.
C. dịch vụ giống và thú y tốt.
D. dịch bệnh nhiều, thiên tai.
Chọn D
Những điều kiện thúc đẩy ngành chăn nuôi ở nước ta phát triển là cơ sở thức ăn chăn nuôi được đảm bảo tốt hơn từ hoa màu lương thực, đồng cỏ, phụ phẩm của ngành thủy sản, thức ăn chế biến công nghiệp. Đồng thời, các dịch vụ về giống, thú y đã có nhiều tiến bộ và đang phát triển rộng khắp.
Câu 6. Yếu tố nào sau đây thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản ở nước ta hiện nay?
A. Chất lượng môi trường đánh bắt.
B. Khí hậu thuận lợi, vùng biển ấm.
C. Nhu cầu đa dạng của thị trường.
D. Hệ thống các cảng cá, cảng biển.
Chọn C
Yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản ở nước ta trong những năm qua là nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế.
Câu 7. Ở nước ta hiện nay, vùng nào sau đây có diện tích nuôi tôm lớn nhất?
A. Đồng bằng sông Hồng.
B. Bắc Trung Bộ.
C. Đồng bằng sông Cửu Long.
D. Duyên hải Nam Trung Bộ.
Chọn C
Vùng nuôi tôm lớn nhất của nước ta hiện nay là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Câu 8. Phát biểu nào sau đây là đúng với ngành thủy sản của nước ta hiện nay?
A. Phương tiện tàu thuyền, ngư cụ còn lạc hậu.
B. Các dịch vụ thủy sản ngày càng phát triển.
C. Chưa hình thành các cơ sở chế biến thủy sản.
D. Các mặt hàng thủy sản chưa được xuất khẩu.
Chọn B
Điều kiện khai thác và nuôi trồng thủy sản hiện nay ở nước ta là
- Nhân dân ta có kinh nghiệm, truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
- Phương tiện tàu thuyền, ngư cụ ngày càng được cải thiện và tăng cường đánh bắt xa bờ.
- Các dịch vụ thủy sản ngày càng phát triển.
Câu 9. Nghề nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh nhất ở vùng nào sau đây?
A. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
B. Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.
C. Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
D. Bắc Trung Bộ, Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Chọn B
Vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước ta là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, (chiếm 69,8% sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước), đứng thứ hai là vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 17,3% năm 2021).
Câu 10. Các cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao của nước ta là
A. cà phê, cao su, mía.
B. hồ tiêu, bông, chè.
C. cà phê, cao su, tiêu.
D. điều, chè, thuốc lá.
Chọn C
- Một số cây công nghiệp lâu năm có giá trị ngày càng được mở rộng, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; chè ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên.
- Mía, bông và thuốc lá là cây công nghiệp hàng năm.
Câu 11. Năng suất lúa cả năm của nước ta có xu hướng tăng chủ yếu do
A. đẩy mạnh thâm canh.
B. phát triển quảng canh.
C. đẩy mạnh xen canh.
D. mở rộng đất canh tác.
Chọn A
Do áp dụng rộng rãi các biện pháp thâm canh nông nghiệp, đưa vào sử dụng đại trà các giống mới, nên năng suất lúa nước ta tăng mạnh, nhất là vụ lúa đông xuân
Câu 12. Ngành chăn của nước ta hiện nay
A. phân bố khá đồng đều ở khắp các vùng.
B. phát triển mạnh ở vùng biển và các đảo.
C. tập trung ở vùng lương thực và đông dân.
D. chỉ phát triển ở đồng bằng và các đô thị.
Chọn C
- Chăn nuôi lợn đòi hỏi nguồn thức ăn quan trọng từ ngành trồng trọt (lương thực thực phẩm).
- Lợn cung cấp nguồn thịt chủ yếu hằng ngày cho người dân ở nước ta.
-> Chăn nuôi lợn tập trung ở vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm và đông dân.
Câu 13. Phát triển cây công nghiệp lâu năm và chăn nuôi gia súc lớn là thế mạnh của vùng
A. trung du và đồng bằng.
B. đồng bằng ven biển.
C. miền núi và đồng bằng.
D. trung du và miền núi.
Chọn D
Trung du, miền núi thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn. Ở vùng đồng bằng với địa hình bằng phẳng, đất phù sa màu mỡ thuận lợi cho phát triển các cây ngắn ngày, thâm canh tăng vụ,…
Câu 14. Thiên tai và các loại dịch bệnh là khó khăn trong ngành
A. sản xuất công nghiệp.
B. các hoạt động dịch vụ.
C. sản xuất nông nghiệp.
D. du lịch và thương mại.
Chọn C
Khí hậu thời tiết nước ta mang tính thất thường, thường xảy ra nhiều thiên tai (bão, lũ, hạn hán). Khí hậu nhiệt đới ẩm -> dịch bệnh dễ phát sinh và lan rộng -> Gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Câu 15. Tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới nước ta chủ yếu do sự phân hóa của yếu tố tự nhiên nào sau đây?
A. Đất đai.
B. Địa hình.
C. Khí hậu.
D. Sinh vật.
Chọn C
Tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới nước ta chủ yếu do sự phân hóa về các yếu tố của khí hậu theo hướng Bắc - Nam; Đông - Tây và theo độ cao.
Câu 16. Yếu tố nào sau đây cho phép trồng trọt quanh năm, áp dụng các công thức luân canh, tăng vụ?
A. Nguồn nước dồi dào.
B. Lượng nhiệt ẩm dồi dào.
C. Tài nguyên đất phong phú.
D. Khí hậu phân hóa đa dạng.
Chọn B
Lượng nhiệt ẩm dồi dào cho phép trồng trọt quanh năm, áp dụng các công thức luân canh, tăng vụ.
Câu 17. Nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta hiện nay không phải là
A. thịt gà.
B. lúa gạo.
C. cà phê.
D. cao su.
Chọn A
Nền nông nghiệp nhiệt đới tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng, có giá trị xuất khẩu như. hoa quả (thanh long, sầu riêng, nho,…), nông sản (lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, chè, điều,…) -> Để phát huy thế mạnh của nông nghiệp nhiệt đới, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển thì biện pháp quan trọng hiện nay là đẩy mạnh sản xuất nông sản xuất khẩu.
Câu 18. Chăn nuôi gia cầm của nước ta hiện nay
A. số lượng giảm, sản lượng tăng.
B. phát triển mạnh ở vùng đồi núi.
C. phân bố đồng đều khắp các nơi.
D. số lượng ngày càng tăng nhanh.
Chọn D
Do sự phát triển mạnh của công nghiệp chế biến thức ăn nên số lượng gia cầm ở nước ta tăng nhanh. Năm 2021, tổng đàn gia cầm là 524,1 triệu con. Gà được nuôi nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long với tỉ trọng lần lượt khoảng 23% và 22% tổng số lượng đàn gà cả nước (năm 2021). Vịt được nuôi nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Câu 19. Việc mở rộng các vùng chuyên canh cây công nghiệp ở vùng núi nước ta cần gắn liền với
A. bảo vệ và phát triển rừng.
B. phát triển mạnh thủy lợi.
C. quy hoạch lại vùng dân cư.
D. nâng cao đời sống dân cư.
Chọn A
Việc mở rộng diện tích cây công nghiệp ở vùng núi đồng nghĩa với hoạt động khai hoang, mở rộng diện tích đất canh tác ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên rừng. Do đó cần phải chú ý đến việc bảo vệ và phát triển rừng.
Câu 20. Điều kiện quan trọng nhất thúc đẩy ngành chăn nuôi ở nước ta phát triển là
A. cơ sở thức ăn đảm bảo tốt.
B. khí hậu thuận lợi, nhiều vốn.
C. giống vật nuôi năng suất cao.
D. dịch vụ thú y tốt, thị trường.
Chọn A
Ngành chăn nuôi nước ta phụ thuộc nhiều nhất vào cơ sở thức ăn -> Vì vậy để thúc đẩy chăn nuôi phát triển thì điều kiện quan trọng nhất đảm bảo tốt cơ sở thức ăn.
Câu 21. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có những loại cây trồng điển hình nào sau đây?
A. Cây dừa, cây dược liệu, cây công nghiệp cận nhiệt và xích đạo.
B. Cây cà phê, cao su, cây dược liệu và cây công nghiệp cận nhiệt.
C. Cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp cận nhiệt và ôn đới.
D. Cây ăn quả, cây công nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt, cận xích đạo.
Chọn C
Với đặc điểm địa hình cao nhất cả nước (vùng núi Tây Bắc) giúp cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có đầy đủ 3 đai khí hậu (nhiệt đới, cận nhiệt, ôn đới núi cao) -> Tạo điều kiện cho vùng phát triển các loài cây ăn quả, dược liệu, cây công nghiệp cận nhiệt và ôn đới.
Câu 22. Cây rau màu ôn đới được trồng ở Đồng bằng sông Hồng vào vụ nào sau đây?
A. Hạ.
B. Xuân.
C. Thu.
D. Đông.
Chọn D
Vùng Đồng bằng sông Hồng nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa đông bắc nên có một mùa đông lạnh thuận lợi để phát triển rau quả ôn đới vào vụ đông với nhiều sản phẩm ôn đới và cận nhiệt đới như bắp cải, su hào, súp lơ,…
Câu 23. Một trong những ngư trường trọng điểm của nước ta là
A. Cà Mau - Kiên Giang.
B. Hải Phòng - Nam Định.
C. Thái Bình - Thanh Hóa.
D. Quảng Ngãi - Bình Định.
Chọn A
Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó có 4 ngư trường trọng điểm đã được xác định là ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh, ngư trường quần đảo Hoàng Sa - quần đảo Trường Sa, ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau - Kiên Giang.
Câu 24. Tỉnh nào sau đây có tỉ lệ diện tích rừng so với diện tích toàn tỉnh cao nhất?
A. Hưng Yên.
B. Bình Dương.
C. Kon Tum.
D. Vĩnh Phúc.
Chọn C
Tỉ lệ diện tích rừng so với diện tích toàn tỉnh cao nhất là tỉnh Kon Tum (trên 60%), Vĩnh Phúc (từ 20-40%) còn Hưng Yên và Bình Dương đều dưới 20%.
Câu 25. Vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước ta là
A. Đồng bằng sông Cửu Long.
B. Đồng bằng sông Hồng.
C. Duyên hải Nam Trung Bộ.
D. Bắc Trung Bộ.
Chọn A
Vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước ta là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 69,8% sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước), đứng thứ hai là vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 17,3% năm 2021).
Câu 26. Ngư trường nào sau đây không được xác định là ngư trường trọng điểm?
A. Cà Mau - Kiên Giang.
B. Thanh Hóa - Nghệ An.
C. Ninh Thuận - Bình Thuận.
D. Hải Phòng - Quảng Ninh.
Chọn B
Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó có 4 ngư trường trọng điểm đã được xác định là ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh, ngư trường quần đảo Hoàng Sa - quần đảo Trường Sa, ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau - Kiên Giang.
Câu 27. Ở vùng Đồng bằng sông Hồng có ngư trường nào sau đây?
A. Cà Mau - Kiên Giang.
B. Hoàng Sa - Trường Sa.
C. Hải Phòng - Quảng Ninh.
D. Ninh Thuận - Bình Thuận.
Chọn C
Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó có 4 ngư trường trọng điểm đã được xác định là ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh, ngư trường quần đảo Hoàng Sa - quần đảo Trường Sa, ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau - Kiên Giang.
Câu 28. Chủ trương nào là chủ trương đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản ở nước ta?
A. Khuyến nông.
B. Khuyến ngư.
C. Khuyến lâm.
D. Khuyến học.
Chọn B
Khuyến ngư nghĩa là khuyến khích phát triển các ngành nghề liên quan đến ngành thủy sản và người làm nghề biển (đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản).
Câu 29. Yếu tố tự nhiên nào sau đây ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển và phân bố ngành đánh bắt thủy sản ở nước ta?
A. Chế độ thủy văn.
B. Điều kiện khí hậu.
C. Địa hình đáy biển.
D. Nguồn lợi thủy sản.
Chọn D
Yếu tố tự nhiên quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành đánh bắt thủy sản ở nước ta nguồn lợi thủy sản. Ngành đánh bắt thủy sản phát triển mạnh ở những vùng, khu vực có nguồn lợi thủy sản đa dạng, đặc biệt ở các ngư trường trọng điểm như Hoàng Sa - Trường Sa, Ninh Thuận - Bình Thuận, Quảng Ninh - Hải Phòng,…
Câu 30. Một trong những ngư trường trọng điểm của nước ta là
A. Hải Phòng - Nam Định.
B. Thái Bình - Thanh Hóa.
C. Hoàng Sa - Trường Sa.
D. Quảng Ngãi - Phú Yên.
Chọn C
Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó có 4 ngư trường trọng điểm đã được xác định là ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh, ngư trường quần đảo Hoàng Sa - quần đảo Trường Sa, ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau - Kiên Giang.
Câu 31. Trong những năm qua, nội bộ ngành nông nghiệp của nước ta có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng nào sau đây?
A. Tỉ trọng ngành trồng trọt giảm, tỉ trọng ngành chăn nuôi tăng.
B. Tỉ trọng ngành trồng trọt tăng, tỉ trọng ngành chăn nuôi giảm.
C. Tỉ trọng ngành trồng trọt tăng và dịch vụ nông nghiệp giảm.
D. Tỉ trọng ngành chăn nuôi giảm và dịch vụ nông nghiệp tăng.
Chọn A
Cơ cấu nông nghiệp đang có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp.
Câu 32. Vùng nào sau đây ở nước ta đứng đầu về diện tích và sản lượng lúa?
A. Đồng bằng sông Cửu Long.
B. Duyên hải Nam Trung Bộ.
C. Trung du và miền núi Bắc Bộ.
D. Đồng bằng sông Hồng.
Chọn A
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực lớn nhất, chiếm 53,8% diện tích gieo trồng và 55,5% sản lượng lúa cả nước (năm 2021). Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất lương thực lớn thứ hai của nước ta.
Câu 33. Việc áp dụng rộng rãi các biện pháp thâm canh trong sản xuất lúa nhằm mục đích chủ yếu nào sau đây?
A. Tăng nhanh diện tích.
B. Giảm mạnh sản lượng.
C. Nâng cao năng suất.
D. Phòng trừ dịch bệnh.
Chọn C
Do áp dụng rộng rãi các biện pháp thâm canh nông nghiệp, đưa vào sử dụng phổ biến các giống mới nên năng suất lúa nước ta tăng nhanh, nhất là vụ lúa đông xuân.
Câu 34. Các cây công nghiệp hàng năm có giá trị kinh tế cao của nước ta là
A. Cà phê, cao su, mía.
B. Lạc, bông, hồ tiêu.
C. mía, lạc, đậu tương.
D. Lạc, cao su, thuốc.
Chọn C
- Cây công nghiệp hàng năm của nước ta phát triển không ổn định, diện tích có xu hướng giảm. Các cây công nghiệp hàng năm chủ yếu là mía, đậu tương, lạc, bông, đay, cói, dâu tằm,...
- Hồ tiêu, cao su và cà phê là cây công nghiệp lâu năm.
Câu 35. Chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung chủ yếu ở vùng nào sau đây của nước ta?
A. Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên.
B. Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng.
C. Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long.
D. Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ.
Chọn C
Chăn nuôi lợn, gia cầm đòi hỏi nguồn thức ăn quan trọng từ ngành trồng trọt (lương thực, thực phẩm). Vì vậy chăn nuôi lợn tập trung ở vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm và đông dân như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long.
Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 10: Vấn đề phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
I. VAI TRÒ CỦA NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN
- Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, là cơ sở để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Việc đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hình thành các sản phẩm chủ lực gắn với các vùng nguyên liệu trong nông nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp,… tạo cơ sở chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn, từ đó làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
II. NÔNG NGHIỆP
1. Thế mạnh và hạn chế đối với phát triển nền nông nghiệp
a) Thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
+ Địa hình đồng bằng chiếm ¼ diện tích cả nước thuận lợi quy hoạch vùng chuyên canh lương thực, thực phẩm; địa hình đồi núi chiếm ¾ diện tích thuận lợi hình thành các vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc tập trung. Ví dụ: các đồng bằng châu thổ rộng lớn như Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long.
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, phân hóa tạo thuận lợi phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới đa dạng sản phẩm. Ví dụ: không chỉ có sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới mà còn có sản phẩm nông nghiệp ôn đới.
+ Nguồn nước: mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều hồ, nước ngầm phong phú. Ví dụ: có 2360 con sông chiều dài trên 10km.
+ Sinh vật: nhiều giống cây trồng, vật nuôi cung cấp nguồn gen quý; các đồng cỏ thuận lợi chăn nuôi gia súc. Ví dụ: các giống cây trồng cam, chanh, xoài, nhãn, vãi, chè, lúa, bông, cà phê,…
+ Thiên tai: bão lũ, hạn hán, độ ẩm không khí cao dễ gây dịch bệnh. Ví dụ: các trận bão lũ làm mùa màng thất thu, hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước phục vụ tưới tiêu.
b) Thế mạnh và hạn chế về điều kiện kinh tế xã hội
+ Đông dân, người lao động dồi dào, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, trình độ lao động ngày càng cao. Ví dụ: nước ta có khoảng 53,1% dân số trong độ tuổi lao động năm 2021).
+ Hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ nông nghiệp ngày càng phát triển và phân bố rộng khắp. Ví dụ: các nhà máy thủy lợi phân bố ở khắc các khu vực sản xuất nông nghiệp.
+ Khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, phát triển, ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Ví dụ: công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ cảm biến,…
+ Chính sách, môi trường thể chế thuận lợi, hỗ trợ cho phát triển và đầu tư vào nông nghiệp; tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Ví dụ: nước ta tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do AFTA.
+ Việc liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; thị trường thế giới có nhiều biến động về giá cả, sản phẩm nông nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn của một số thị trường các quốc gia và khu vực. Ví dụ: nhiều sản phẩm trái cây của Việt Nam còn tồn dư cao lượng thuốc bảo vệ thực vật so với giới hạn mà thị trường EU quy định.
2. Sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng: giảm tỉ trọng ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp.
- Ngành trồng trọt giảm từ 73,4% năm 2010 xuống còn 60,8% năm 2021, giảm 12,6%. Chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng giá trị sản xuất của các cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu của thị trường.
- Ngành chăn nuôi tăng từ 25,1% năm 2010 lên 34,7% năm 2021, tăng 9,6%. Xu hướng tăng tỉ trọng thịt gia cầm, trứng, sữa; chăn nuôi lợn và gia súc lớn được duy trì.
- Ngành dịch vụ nông nghiệp tăng từ 1,5% năm 2010 lên 4,5% năm 2021, tăng 3%.
Nội
3. Tình hình phát triển và phân bố
3.1. Ngành trồng trọt
Trồng trọt hiện là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp ở nước ta với giá trị sản xuất không ngừng tăng, năm 2021 đạt 60,8% giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước. Cơ cấu ngành trồng trọt đa dạng: cây hàng năm (lương thực có hạt, rau, đậu, cây công nghiệp hàng năm), cây lâu năm (cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả) và một số cây trồng khác (nấm, dược liệu, cây cảnh).
- Sản xuất lương thực: lúa là cây trồng chính chiếm gần 88,9% diện tích cây lương thực có hạt. Diện tích trồng lúa có xu hướng giảm song năng suất và sản lượng vẫn tăng. Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa và xuất khẩu gạo trọng điểm.
- Sản xuất cây rau, đậu: diện tích tăng nhanh, năm 2021 có 1127,4 nghìn ha. Được trồng rộng khắp ở các địa phương trên cả nước. Các tỉnh có diện tích cây rau đậu lớn là: Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An,…
- Sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả:
+ Cây công nghiệp lâu năm: chủ yếu là cây công nghiệp nhiệt đới )cà phê, cao su, hồ tiêu,…), một số cây nguồn gốc cận nhiệt (chè, hồi, quế). Diện tích cây lâu năm chiếm hơn 80% tổng diện tích cây công nghiệp cả nước. Trên cả nước đã hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm: cà phê, hồ tiêu trồng nhiều ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; chè được phát triển chủ yếu ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên.
+ Cây công nghiệp hàng năm: chủ yếu là mía, lạc, đậu tương. Mía trồng nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Lạc trồng nhiều ở Bắc Trung Bộ và một phần của Tây Nguyên. Đậu tương trồng nhiều ở Trung du và miền núi Bắc Bộ. Các cây trồng khác (đay, cói, dâu tằm, thuốc lá) có diện tích không đáng kể và xu hướng ngày càng thu hẹp dần.
+ Cây ăn quả: phát triển khá mạnh, bao gồm: chuối, xoài, vải, chôm chôm, nhãn, cam, quýt, bưởi,… vùng trồng cây ăn quả lớn nhất hiện nay là đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đông Nam Bộ.
3.2. Ngành chăn nuôi
Ngành chăn nuôi đang từng bước phát triển để trở thành ngành sản xuất quan trọng, năm 2021 chiếm 34,7% giá trị sản xuất nông nghiệp. Các vật nuôi chủ yếu là trâu, bò, lợn, dê và gia cầm. Chăn nuôi trang trại chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật; công nghệ chế biến, giống, thức ăn, thuốc thú y được đầu tư.
- Chăn nuôi lợn và gia cầm:
+ Đàn lợn hơn 23 triệu con, chiếm 60-70% tổng sản lượng thịt các loại.
+ Đàn gia cầm tăng đạt trên 500 triệu con, là nguồn cung cấp sản lượng thịt lớn thứ 2.
- Chăn nuôi trâu, bò:
+ Đàn trâu xu hướng giảm, 2,3 triệu con năm 2021.
+ Đàn bò xu hướng tăng nhanh cả bò thịt và bò sữa. 2021 tổng lượng đàn bò là hơn 6 triệu con,
- Chăn nuôi dê, cừu: phát triển mạnh do nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh. Tổng đàn dê và cừu tăng đạt hơn 3 triệu con 2021 (dê chiếm trên 90% tổng đàn)
4. Xu hướng phát triển
- Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
- Phát triển hiệu quả, bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong và ngoài nước.
- Phát triển nông nghiệp gắn với các dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn.
- Phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; ứng phó với biến đổi khí hậu.
III. LÂM NGHIỆP
1. Thế mạnh và hạn chế đối với phát triển lâm nghiệp
- Thế mạnh:
+ Diện tích rừng lớn, trong rừng nhiều gỗ quý, nhiều lâm sản ngoài gỗ có giá trị: dược liệu, cây cho nhựa và tinh dầu, nhiều loài chim, thú quý.
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa với nhiệt độ cao, độ ẩm dồi dào thuận lợi cho việc trồng, tái sinh các hệ sinh thái rừng.
+ Khoa học – công nghệ gắn với lâm nghiệp như công nghệ sinh học, các tiến bộ kĩ thuật về thâm canh rừng, quản lí rừng bền vững được hoàn thiện, triển khai và áp dụng rộng rãi.
+ Hệ thống chính sách giao đất, giao rừng, trồng và bảo vệ rừng, đóng cửa rừng tự nhiên, thu hút đầu tư xanh cho phát triển lâm nghiệp được Nhà nước ngày càng hoàn thiện, ban hành kịp thời, góp phần bảo tồn nhiều hệ sinh thái rừng tự nhiên và có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển các ngành dịch vụ từ rừng.
+ Người dân có nhiều kinh nghiệm nghề rừng, nhu cầu sản phẩm lâm nghiệp ngoài gỗ, dịch vụ sinh thái rừng ngày càng lớn là thuận lợi cho phát triển ngành lâm nghiệp.
- Hạn chế: chất lượng rừng còn thấp, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp gây khó khăn cho việc phát triển lâm nghiệp.
2. Tình hình phát triển và phân bố của lâm nghiệp
a) Lâm sinh
+ Diện tích rừng trồng tăng liên tục qua các năm, mỗi năm trồng mới hơn 260 nghìn ha. Chủ yếu là rừng làm nguyên liệu giấy, rừng gỗ trụ mỏ, rừng thông nhựa, một số loại dược liệu, lâm sản quý.
+ Hoạt động khoanh nuôi, bảo vệ rừng ngày càng được chú trọng. Hoạt động giao khoán rừng, trồng rừng khảo nghiệm, khuyến lâm, phát triển du lịch sinh thái, trồng dược liệu, nấm; ứng dụng khoa học – công nghệ trong quản lí, chăm sóc rừng được thực hiện rộng rãi.
+ Vùng có diện tích rừng trồng mới nhiều là: Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.
b) Khai thác, chế biến gỗ và lâm sản
+ Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng năm 2021 đạt 18,4 triệu m3, xu hướng tăng liên tục qua các năm.
+ Sản lượng gỗ rừng trồng tăng
+ Các vùng sản lượng khai thác gỗ lớn là: Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Trung du và miền núi Bắc Bộ.
3. Vấn đề quản lí và bảo vệ tài nguyên rừng
- Quản lí, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có.
- Hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
- Đẩy mạnh gắn kết giữa bảo tồn và phát triển với sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong quản lí rừng.
- Tăng cường năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật trong quản lí, giám sát tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
IV. THỦY SẢN
1. Thế mạnh và hạn chế đối với phát triển thủy sản
- Thế mạnh:
+ Vùng biển thuộc vùng biển nhiệt đới, nguồn lợi hải sản phong phú với hơn 2000 loài cá (hơn 100 loài có giá trị kinh tế), hơn 1600 loài giáp xác, 2500 loài thân mềm, 600 loài rong biển.
+ Vùng biển rộng lớn, nhiều ngư trường trọng điểm: Hoàng Sa, Trường Sa, Quảng Ninh, Ninh Thuận – Bình Thuận,…
+ Đường bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh, đầm, phá và cửa sông. Vùng biển có hàng nghìn đảo, nhiều đảo ven bờ phát triển nuôi trồng thủy sản. Hệ thống sông, suối, ao hồ, kênh rạch, các ô trũng ở vùng đồng bằng có thể nuôi thả tôm, cá nước ngọt.
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng diễn ra quanh năm, nhiều loại thủy sản nhiệt đới có giá trị.
+ Nhân dân có nhiều kinh nghiệm, truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Các phương tiện khai thác, bảo quản ngày càng hiện đại, tạo điều kiện đánh bắt xa bờ. Hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, hoạt động nghiên cứu sản xuất con giống chất lượng cao, chế biến thức ăn được mở rộng.
+ Chính sách quản lí của Nhà nước đối với ngành thủy sản ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ. Đa dạng hóa thị trường, tận dụng tốt các lợi thế từ những hiệp định thương mại giúp cho thị trường thủy sản ngày càng mở rộng.
- Hạn chế: khí hậu diễn biến thất thường, nhiều thiên tai, ô nhiễm môi trường nước; thị trường tiêu thụ sản phẩm có nhiều biến động là những trở ngại chính.
2. Tình hình phát triển và phân bố ngành thủy sản
- Tình hình phát triển và phân bố ngành thủy sản của nước ta
+ Giá trị sản xuất ngành thủy sản liên tục tăng, năm 2021 giá trị sản xuất chiếm 23,7% giá trị ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Tốc độ tăng trưởng bình quần hơn 6%/năm.
+ Khai thác thủy sản: sản lượng khai thác tăng, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ áp dụng công nghệ hiện đại. Các tỉnh, thành phố ven biển đều đẩy mạnh phát triển khai thác hải sản, trong đó các địa phương có sản lượng lớn nhất cả nước là: Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang,…
+ Nuôi trồng thủy sản: chủ yếu nuôi tôm, cá tra, cá ba sa, rong biển. Mô hình nuôi tuần hoàn, nuôi sinh thái, nuôi công nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với chỉ dẫn địa lí, truy xuất nguồn gốc được áp dụng rộng rãi. Sản lượng và chất lượng sản phẩm nuôi trồng tăng nhanh. Tôm và cá nước ngọt được nuôi nhiều nhất ở Đồng Tháo, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang,…
- Sự chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản: nuôi trồng thủy sản chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu sản lượng và giá trị sản xuất của ngành thủy sản chiếm 55,7%, khai thác thủy sản chiếm 44,3% (2021)
Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Trắc nghiệm Bài 9: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Trắc nghiệm Bài 10: Vấn đề phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
Trắc nghiệm Bài 11: Một số hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp
Trắc nghiệm Bài 13: Vấn đề phát triển công nghiệp
Trắc nghiệm Bài 14: Một số hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp
Trắc nghiệm Bài 16: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông