Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 9: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế sách Cánh diều. Bài viết gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 9: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mời các bạn đón xem:
Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 9: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Phần 1. 25 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 9: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Câu 1. Cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ ở nước ta hiện nay
A. xây dựng cơ chế thị trường năng động.
B. đã hình thành các vùng chuyên canh.
C. khu vực ngoài Nhà nước tăng tỉ trọng.
D. giảm nhanh tỉ trọng của nông nghiệp.
Chọn B
Xác định từ khóa “cơ cấu lãnh thổ” -> Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ trong nông nghiệp được thể hiện ở việc các hình thức tổ chức lãnh thổ có hiệu quả được hình thành và ngày càng mở rộng như các vùng chuyên canh, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại,...
Câu 2. Cơ cấu ngành kinh tế của nước ta đang chuyển dịch theo hướng nào sau đây?
A. Tăng tỉ trọng khu vực I, giảm tỉ trọng khu vực II và III.
B. Giảm tỉ trọng khu vực I, tăng tỉ trọng khu vực II và III.
C. Tăng tỉ trọng khu vực I và III, giảm tỉ trọng khu vực II.
D. Giảm tỉ trọng khu vực II và I, tăng tỉ trọng khu vực III.
Chọn B
Cơ cấu kinh tế theo ngành có sự chuyển dịch theo hướng: giảm tỉ trọng nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I); tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp và xây dựng (khu vực II), dịch vụ (khu vực III). Công nghiệp trở thành động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Câu 3. Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh do
A. nước ta gia nhập WTO, mở cửa hội nhập.
B. nước ta đổi mới quản lí, giàu có tài nguyên.
C. tăng cường sự quản lí của tập thể, cá nhân.
D. thu hút đầu tư, mở rộng khu công nghiệp.
Chọn A
Sau đổi mới, nước ta chủ trương mở cửa hội nhập quốc tế theo hướng đa phương hóa. Đặc biệt, năm 2007 nước ta gia nhập WTO từ đó nhận được nhiều đầu tư và hợp tác song phương, đa phương hơn giúp nền kinh tế ngày càng phát triển, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh.
Câu 4. Ngành kinh tế nào sau đây có đóng góp vảo GDP cao nhất?
A. Công nghiệp.
B. Dịch vụ.
C. Nông nghiệp.
D. Xây dựng.
Chọn B
Dịch vụ là ngành kinh tế có đóng góp vào GDP của cả nước lớn nhất và ngày càng tăng theo thời gian, năm 2021 đóng góp hơn 41% vào cơ cấu GDP theo ngành kinh tế.
Câu 5. Khu vực kinh tế Nhà nước có đặc điểm nào sau đây?
A. Có tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP.
B. Giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
C. Phát huy các nguồn lực trong nhân dân.
D. Quản lí các hoạt động vui chơi giải trí.
Chọn B
Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ những ngành then chốt và những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Câu 6. Năm 1995 Việt Nam gia nhập tổ chức nào sau đây?
A. WTO.
B. EU.
C. ASEAN.
D. NAFTA.
Chọn C
Vào tháng 7 năm 1995 Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2007, Việt Nam gia nhập tổ chức WTO; EU là Liên minh châu Âu và NAFTA là Hiệp định tự do Bắc Mĩ.
Câu 7. Việt Nam là thành viên thứ bao nhiêu của WTO?
A. 149.
B. 150.
C. 151.
D. 152.
Chọn B
WTO được thành lập nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại. Tính đến thời điểm hiện tại năm 2023, WTO bao gồm 164 thành viên trên tổng số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, năm 2007 Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của WTO.
Câu 8. Việt Nam là thành viên của những tổ chức nào sau đây?
A. ASEAN, APEC, ASEM, WB.
B. ASEAN, EU, ASEM, WHO.
C. ASEAN, AU, ASEM, NAFTA.
D. ASEAN, EU, ASEM, WTO.
Chọn A
Việt Nam là thành viên của các tổ chức như Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Ngân hàng thế giới (WB). Còn EU - Liên minh châu Âu; NAFTA - Hiệp định thương mại mậu dịch Bắc Mĩ; AU - Liên minh châu Phi là những tổ chức Việt Nam không phải là thành viên.
Câu 9. Ngành thương mại của Việt Nam phát triển mạnh sau khi gia nhập tổ chức nào sau đây?
A. ASEAN.
B. WTO.
C. ASEM.
D. WHO.
Chọn B
Nguyên nhân khiến nước ta phát triển mạnh ngành thương mại chủ yếu do năm 2007 nước ta trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nên mở rộng buôn bán, xuất nhập khẩu với nhiều nước trên thế giới (từ châu Âu, châu Mĩ đến các nước trong khu vực, châu Á).
Câu 10. Đặc điểm nào sau đây không đúng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay?
A. Chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa.
B. Tỉ trọng khu vực I cao nhưng giảm nhanh.
C. Khu vực III chiếm tỉ trọng ngày càng thấp.
D. Hình thành nhiều vùng kinh tế trọng điểm.
Chọn C
Hiện nay, cơ cấu kinh tế (ngành, thành phần, lãnh thổ) đang chuyển dịch theo hướng diện đại hóa; trong nội bộ từng cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo ngành (khu vực I giảm, khu vực II, III tăng); theo thành phần (Nhà nước giảm, ngoài Nhà nước tăng); theo lãnh thổ thì hình thành các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các vùng kinh tế trọng điểm, vùng chuyên canh,…
Câu 11. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có đặc điểm nào sau đây?
A. Có tỉ trọng nhỏ nhất trong cơ cấu GDP.
B. Giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
C. Phát huy các nguồn lực trong nhân dân.
D. Có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư.
Chọn C
Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật cho phép, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đây là thành phần kinh tế phát huy nguồn lực trong nhân dân, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương và cả nước.
Câu 12. Cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế, thành phần nào sau đây có vai trò ngày càng quan trọng và tỉ trọng tăng nhanh nhất?
A. Kinh tế nhà nước.
B. Kinh tế tập thể.
C. Có vốn đầu tư nước ngoài.
D. Kinh tế tư nhân.
Chọn C
Trong cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế, có vai trò ngày càng quan trọng và tỉ trọng tăng nhanh nhất là kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lí hiện đại, góp phần thúc đẩy quá trình tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và hội nhập quốc tế của nước ta.
Câu 13. Khu vực II có sự chuyển dịch theo hướng nào sau đây?
A. Tăng tỉ trọng của ngành thủy sản, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp.
B. Tăng tỉ trọng công nghiệp khai thác, giảm tỉ trọng công nghiệp chế biến.
C. Tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác.
D. Tăng tỉ trọng của ngành nông nghiệp, giảm tỉ trọng của ngành thủy sản.
Chọn C
Ngành công nghiệp (khu vực II) chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, chú trọng những ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ từng bước được hình thành và phát triển.
Câu 14. Khu vực I có sự chuyển dịch theo hướng nào sau đây?
A. Tăng tỉ trọng của ngành thủy sản, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp.
B. Tăng tỉ trọng công nghiệp khai thác, giảm tỉ trọng công nghiệp chế biến.
C. Tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác.
D. Tăng tỉ trọng của ngành nông nghiệp, giảm tỉ trọng của ngành thủy sản.
Chọn A
Đối với nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I), cơ cấu dịch chuyển theo hướng tăng tỉ trọng của ngành thủy sản, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp. Giá trị các sản phẩm nông nghiệp được nâng cao qua việc liên kết với công nghiệp chế biến, các dịch vụ nông nghiệp, theo chuỗi giá trị: sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Câu 15. Khu vực III có sự chuyển dịch theo hướng nào sau đây?
A. Tăng tỉ trọng của ngành thủy sản và giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp.
B. Đa dạng, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tăng cường chuyển đổi số.
C. Tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến và giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác.
D. Khuyến khích phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật cho phép.
Chọn B
Nhóm ngành dịch vụ (khu vực III) phát triển theo hướng đa dạng, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tăng cường chuyển đổi số, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, logistics, du lịch,...
Câu 16. Trong cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế, khu vực nào giữ vai trò chủ đạo?
A. Có vốn đầu tư nước ngoài.
B. Kinh tế Nhà nước.
C. Kinh tế ngoài Nhà nước.
D. Kinh tế tư nhân.
Chọn B
Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ những ngành then chốt và những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Câu 17. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp nước ta hiện nay
A. giảm tỉ trọng công nghiệp khai thác, tăng công nghiệp chế biến.
B. tăng tỉ trọng công nghiệp khai thác, giảm công nghiệp chế biến.
C. chú trọng phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, ít vốn.
D. phát triển công nghiệp sản xuất, phân phối điện và khai khoáng.
Chọn A
Ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, chú trọng những ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ từng bước được hình thành và phát triển.
Câu 18. Thành phần kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nước ta hiện nay do
A. chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu GDP, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn.
B. nắm giữ những ngành then chốt, những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.
C. chi phối hoạt động của tất cả các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
D. có số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm nhiều nhất trên cả nước.
Chọn B
Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ những ngành then chốt và những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Câu 19. Thành phần kinh tế nào có số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm lớn nhất?
A. Kinh tế Nhà nước.
B. Kinh tế tập thể.
C. Kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể.
D. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Chọn C
Thành phần kinh tế có số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm lớn nhất là kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể.
Câu 20. Phát biểu nào sau đây không đúng với khu vực kinh tế Nhà nước?
A. Giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
B. Quản lí các ngành, lĩnh vực trọng yếu.
C. Tỉ trọng trong cơ cấu GDP ngày càng giảm.
D. Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP.
Chọn D
Kinh tế Nhà nước giảm nhanh về tỉ trọng (21,2% - 2021, chiếm tỉ trọng lớn thứ 2) nhưng giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ những ngành then chốt và những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Câu 21. Xu hướng chuyển dịch trong khu vực I ở nước ta hiện nay
A. giảm tỉ trọng ngành chăn nuôi.
B. tăng tỉ trọng ngành thủy sản.
C. tăng tỉ trọng ngành lâm nghiệp.
D. giảm tỉ trọng ngành thủy sản.
Chọn B
Đối với nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, cơ cấu dịch chuyển theo hướng tăng tỉ trọng của ngành thủy sản, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp. Giá trị các sản phẩm nông nghiệp được nâng cao qua việc liên kết với công nghiệp chế biến, các dịch vụ nông nghiệp, theo chuỗi giá trị: sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Câu 22. Trong nội bộ từng ngành công nghiệp, xu thế chuyển dịch hiện nay ở nước ta là
A. tăng tỉ trọng các sản phẩm được sản xuất bởi sức người, truyền thống.
B. tăng tỉ trọng các sản phẩm cao cấp, có chất lượng và có sức cạnh tranh.
C. giảm tỉ trọng sử dụng các sản phẩm chất lượng thấp và sản phẩm ngoại.
D. giảm tỉ trọng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh.
Chọn B
Trong nội bộ từng ngành công nghiệp, xu thế chuyển dịch hiện nay ở nước ta là tăng tỉ trọng các sản phẩm cao cấp, có chất lượng, có sức cạnh tranh để nhằm mục tiêu phát triển nền kinh tế hàng hóa, hướng ra thị trường xuất khẩu.
Câu 23. Phát biểu nào sau đây không đúng khi nói về chất lượng tăng trưởng nền kinh tế nước ta những năm qua?
A. Tăng về số lượng hàng hóa nhưng chậm chuyển biến về chất lượng sản phẩm.
B. Giá thành sản phẩm giảm nhanh và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.
C. Hiệu quả về kinh tế còn chưa cao, sức cạnh tranh trên trường thế giới còn thấp.
D. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm và chưa đảm bảo phát triển bền vững.
Chọn B
Chất lượng tăng trưởng nền kinh tế nước ta những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên hiệu quả kinh tế còn thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên thị trường quốc tế chưa cao, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và chưa đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Đặc biệt là việc thâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kì, châu Âu,… còn gặp nhiều khó khăn.
Câu 24. Hiện nay, ngành dịch vụ ngày càng đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng kinh tế đất nước do
A. nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời và thu hút nguồn vốn đầu tư quốc tế lớn.
B. nước ta có điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên, giàu có về tài nguyên.
C. huy động được toàn bộ lực lượng lao động tham gia, cơ cấu ngành đa dạng.
D. tốc độ tăng trưởng của công nghiệp, nông nghiệp giảm nhanh qua các năm.
Chọn A
Trong những năm qua, các ngành dịch vụ ngày càng đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế đất nước chủ yếu do sự ra đời của nhiều loại hình dịch vụ mới phát triển năng động trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, logistics, du lịch,...
Câu 25. Phát biểu nào sau đây không phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ nước ta hiện nay?
A. Các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất có quy mô lớn ra đời.
B. Khu vực miền núi, cao nguyên trở thành các khu kinh tế năng động.
C. Các cơ sở dịch vụ được mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại.
D. Xuất hiện vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng chuyên canh.
Chọn B
Các ngành kinh tế cũng có sự chuyển dịch theo hướng khai thác lãnh thổ có hiệu quả hơn.
- Trong nông nghiệp, các hình thức tổ chức lãnh thổ có hiệu quả được hình thành và ngày càng mở rộng như các vùng chuyên canh, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại,...
- Trong công nghiệp là sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp công nghệ cao, sự mở rộng các trung tâm công nghiệp,... với vai trò là động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Trong dịch vụ, các cơ sở dịch vụ được mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại, phục vụ tốt hơn cho các ngành sản xuất vật chất và đáp ứng nhu cầu của nhân dân như giao thông vận tải, thương mại, du lịch,...
Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 9: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
I. Ý NGHĨA CỦA SỰ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ Ở NƯỚC TA
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững:
- Phát triển nền kinh tế trên cơ sở khai thác hợp lí các nguồn lực nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững.
- Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lí theo ngành, theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào khoa học – công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo.
- Tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
II. CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
Cơ cấu kinh tế nước ta có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, được thể hiện rõ nhất ở sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, thành phần kinh tế, lãnh thổ kinh tế và cơ cấu lao động xã hội.
- Cơ cấu ngành kinh tế: các ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. GDP tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế.
- Cơ cấu thành phần kinh tế: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển dịch với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế cùng phát triển.
- Cơ cấu lãnh thổ kinh tế: hình thành 6 vùng kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và vùng kinh tế động lực. Lãnh thổ sản xuất các ngành kinh tế cũng có sự chuyển dịch; xây dựng các khu công nghiệp tập trung, vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản; hình thành vùng sản xuất hàng hóa trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng, từ đó tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.
- Phát triển bền vững: bảo vệ môi trường trong phát triển các ngành kinh tế và quy hoạch lãnh thổ.
III. CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ THEO NGÀNH, THEO LÃNH THỔ VÀ THEO THÀNH PHẦN KINH TẾ
1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành
- Trong những năm qua cơ cấu GDP nước ta có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xu hướng tăng tỉ trọng GDP các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản.
+ Tỉ trọng GDP ngành nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản giảm từ 11% năm 2010 xuống còn 8,7% năm 2021.
+ Tỉ trọng GDP ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 33% năm 2010 lên 37,5% năm 2021.
+ Tỉ trọng GDP ngành dịch vụ tăng từ 40,6% năm 2010 lên 41,2% năm 2021.
- Nguyên nhân của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở nước ta là do xu hướng chuyển dịch phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ
- Trên phạm vi cả nước đã hình thành 6 vùng kinh tế và 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển 4 vùng động lực, các cực tăng trưởng quốc gia là các đầu tàu lôi kéo sự phát triển cả nước. Xây dựng các trung tâm kinh tế, chính sách phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
- Tổ chức không gian các ngành kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại. Trong nông nghiệp hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn các sản phẩm chủ lực. Trong công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong dịch vụ đã hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch cấp quốc gia và vùng; các trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng mang tầm khu vực và thế giới.
- Nguyên nhân: Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ là nhằm phát huy lợi thế của các vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng, hình thành cơ cấu lãnh thổ hợp lí, tạo không gian phát triển mới.
3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo thành phần
a) Sự chuyển dịch cơ cấu theo thành phần kinh tế
- Trong những năm qua, cơ cấu thành phần kinh tế nước ta có sự chuyển dịch mạnh mẽ và được thể hiện ở sự thay đổi về tỉ trọng của các thành phần kinh tế trong đóng góp vào GDP của cả nước.
+ Kinh tế Nhà nước giảm tỉ trọng, giảm từ 29,3% (2010) xuống còn 21,2% (2021).
+ Kinh tế ngoài Nhà nước tăng tỉ trọng, tăng từ 43% (2010) lên 50% năm 2021.
+ Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng tỉ trọng, từ 15,2% (2010) lên 20% năm 2021.
- Nguyên nhân: sự chuyển dịch cơ cấu theo thành phần kinh tế là tích cực và phù hợp với đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
b) Vai trò của các thành phần kinh tế
- Kinh tế Nhà nước: là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng và điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục các điểm yếu của cơ chế thị trường. Đây là thành phần kinh tế quan trọng, chủ chốt của nền kinh tế nước ta. Ví dụ: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
- Kinh tế ngoài Nhà nước:
+ Kinh tế tập thể, hợp tác xã: có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên, liên kết phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững. Ví dụ: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.
+ Kinh tế tư nhân: là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, được tạo mọi điều kiện để phát triển, được hỗ trợ đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất lao động; được khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có sức cạnh tranh cao. Ví dụ: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk.
- Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lí hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ví dụ: Panasonic Industrial Devices Vietnam.
Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác: