20 câu Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 21 (Chân trời sáng tạo) có đáp án: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

1.2 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 21: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông sách Chân trời sáng tạo. Bài viết gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 21: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 21: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

Phần 1. 20 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 21: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

Câu 1. Thành phố nào sau đây hiện nay không có nhà ga đường sắt?

A. Hà Nội.

B. Hải Phòng.

C. Đà Nẵng.

D. Cần Thơ.

Chọn D

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa có hệ thống đường sắt -> Thành phố Cần Thơ (thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long) không có hệ thống nhà ga.

Câu 2. Đầu mối giao thông vận tải đường sắt lớn nhất nước ta là

A. Hà Nội.

B. Hải Phòng.

C. Đà Nẵng.

D. TP Hồ Chí Minh.

Chọn A

Đầu mối giao thông vận tải đường sắt lớn nhất nước ta là Hà Nội. Với ba tuyến quan trọng là Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn,...

Câu 3. Sự phân mùa sâu sắc của khí hậu ảnh hưởng lớn nhất đến loại hình vận tải nào sau đây?

A. Đường biển.

B. Đường sông.

C. Đường ô tô.

D. Đường sắt.

Chọn B

Sự phân mùa sâu sắc của khí hậu thành mùa mưa và mùa khô (lượng mưa vào mùa mưa chiếm khoảng 75%), ảnh hưởng rất lớn đến mực nước của các con sông -> ảnh hưởng lớn đến hoạt động của loại hình giao thông vận tải đường sông.

Câu 4. Quốc lộ 1A là tuyến đường

A. ngắn nhất của nước ta.

B. duy nhất đi qua 7 vùng kinh tế.

C. xương sống của hệ thống đường bộ.

D. chạy dọc biên giới phía tây.

Chọn C

Quốc lộ 1A là tuyến đường bộ dài 2 300km ở phía đông (từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Năm Căn - Cà Mau), là tuyến đường xương sống của hệ thống đường bộ nước ta (đi qua 6/7 vùng kinh tế).

Câu 5. Các đầu mối giao thông quan trọng ở nước ta xếp theo thứ tự từ Bắc và Nam là

A. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

B. Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

C. Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

D. Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội.

Chọn B

Các đầu mối giao thông quan trọng ở nước ta xếp theo thứ tự từ Bắc vào Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Câu 6. Các cảng hàng không là cửa ngõ quốc tế và đầu mối vận tải hàng không lớn của nước ta là

A. Nội Bài, Phú Bài và Tân Sơn Nhất.

B. Nội Bài, Cần Thơ và Tân Sơn Nhất.

C. Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

D. Nội Bài, Vân Đồn và Tân Sơn Nhất.

Chọn C

Cả nước có 22 cảng hàng không đang được khai thác, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa (năm 2021). Một số cảng hàng không quốc tế có năng lực vận tải lớn, là cửa ngõ quốc tế và đầu mối vận tải hàng không lớn của nước ta là Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng (Đà Nẵng), Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh),...

Câu 7. Hai cảng loại đặc biệt ở nước ta hiện nay là

A. Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu.

B. Vân Phong và Bà Rịa - Vũng Tàu.

C. Quy Nhơn và Bà Rịa - Vũng Tàu.

D. Chân Mây và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chọn A

Cả nước có 34 cảng biển với 296 bến cảng (năm 2021). Hệ thống cảng biển nước ta là cửa ngõ giao thương hàng hóa xuất, nhập khẩu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng và cả nước. Hai cảng loại đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Một số bến cảng quan trọng là Vân Phong (thuộc cảng Khánh Hòa), Cái Mép (thuộc cảng Bà Rịa - Vũng Tàu), Đình Vũ (thuộc cảng Hải Phòng),...

Câu 8. Mạng di động đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào năm nào sau đây?

A. 1997.

B. 1995.

C. 1993.

D. 1991.

Chọn C

Mạng di động đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1993. Đến năm 1997, nước ta chính thức hòa mạng internet. Hiện nay, điện thoại di động và internet đã trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của hàng chục triệu dân Việt Nam, nhất là đối với giới trẻ.

Câu 9. Tuyến đường sắt dài và quan trọng nhất ở nước ta là

A. Thống Nhất.

B. Hà Nội - Hải Phòng.

C. Hà Nội - Lào Cai.

D. Hà Nội - Lạng Sơn.

Chọn A

Tuyến đường sắt dài và quan trọng nhất ở nước ta là tuyến Bắc - Nam (Thống Nhất), chạy gần như song song với quốc lộ 1. Các tuyến khác tập trung ở phía bắc, trong đó ba tuyến quan trọng là Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn,...

Câu 10. Loại hình vận tải nào sau đây ở nước ta phát triển trải rộng khắp các địa phương?

A. Đường ô tô.

B. Đường sắt.

C. Đường sông.

D. Đường biển.

Chọn A

Mạng lưới đường ô tô ở nước ta ngày càng phát triển, trải rộng khắp các địa phương đảm bảo kết nối hiệu quả với các loại hình giao thông khác và kết nối vùng, miền, quốc tế.

Câu 11. Trục đường nào sau đây có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội dải đất phía tây của nước ta hiện nay?

A. Đường quốc lộ 14.

B. Đường Hồ Chí Minh.

C. Đường quốc lộ 15.

D. Đường quốc lộ 1.

Chọn B

Trục đường xuyên quốc gia có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội dải đất phía tây của đất nước là đường Hồ Chí Minh.

Câu 12. Ở nước ta hiện nay, loại hình vận tải nào sau đây có khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa lớn nhất?

A. Đường biển.

B. Đường hàng không.

C. Đường sắt.

D. Đường ô tô.

Chọn D

Ở nước ta hiện nay, loại đường có khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa lớn nhất là đường ô tô (cơ động, nhanh, liên kết được với các loại hình vận tải khác dễ dàng,…).

Câu 13. Ngành bưu chính phát triển theo hướng

A. đẩy mạnh các hoạt động công ích phục vụ xã hội.

B. hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông.

C. phát triển mạng lưới sang các nước Đông Nam Á.

D. tăng cường xây dựng các cơ sở văn hóa nông thôn.

Chọn B

Ngành bưu chính phát triển theo hướng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, cung cấp dịch vụ bưu chính số và hợp tác với các khâu sản xuất và dịch vụ khác: ngân hàng, logistics, vận tải,...

Câu 14. Loại hình vận tải nào sau đây chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu luân chuyển hàng hoá của nước ta hiện nay?

A. Đường hàng không.

B. Đường sắt.

C. Đường biển.

D. Đường sông.

Chọn C

Đường biển có khả năng vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn, đi xa nên là loại hình vận tải chiếm tỉ trọng lớn nhất trong luân chuyển hàng hoá của nước ta hiện nay (trên 70%).

Câu 15. Quốc lộ 1 chạy từ

A. Hà Nội đến Cà Mau.

B. Hà Nội đến Kiên Giang.

C. Lạng Sơn đến Cần Thơ.

D. Lạng Sơn đến Cà Mau. 

Chọn D

Quốc lộ 1 chạy từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau).

Câu 16. Ngành bưu chính ở nước ta có đặc điểm nào sau đây?

A. Thiếu lao động có chuyên môn cao.

B. Chỉ phát triển ở các thành phố lớn.

C. Mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc.

D. Các thiết bị trong ngành còn lạc hậu.

Chọn C

Mạng lưới bưu chính phân bố rộng khắp. Một số trung tâm dịch vụ bưu chính đã tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo cơ sở cho việc xây dựng kinh tế số, xã hội số, như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Câu 17. Địa hình núi gây khó khăn lớn nhất cho loại hình vận tải nào sau đây ở nước ta hiện nay?

A. Đường sông.

B. Đường ô tô.

C. Đường biển.

D. Đường sắt.

Chọn B

Do đặc điểm địa hình của nước ta chủ yếu là đồi núi với nhiều dãy núi cao hiểm trở chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, Đông - Tây, Vòng Cung,… nên gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành vận tải đường bộ (ô tô) trong xây dựng các tuyến giao thông vượt núi, hầm đường,…

Câu 18. Cảng biển nào sau đây có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các mặt hàng xuất, nhập khẩu ở khu vực phía Bắc?

A. Dung Quất.

B. Cửa Ông.

C. Hải Phòng.

D. Đà Nẵng.

Chọn C

- Cảng Đà Nẵng, Dung Quất không thuộc miền Bắc.

- Cảng Cửa Ông có vai trò quan trọng trong ngành than.

- Cảng biển làm nhiệm vụ vận chuyển các mặt hàng xuất, nhập khẩu ở khu vực phía Bắc là cảng Hải Phòng.

Câu 19. Loại hình vận tải nào sau đây ở nước ta xuất hiện muộn nhất nhưng có tốc độ phát triển nhanh?

A. Đường hàng không.

B. Đường sắt.

C. Đường sông.

D. Đường biển.

Chọn A

Vận tải ngành hàng không nước ta xuất hiện muộn nhất nhưng có tốc độ phát triển, hiện đại hóa nhanh chủ yếu do có chiến lược phát triển phù hợp và nhanh chóng hiện đại hóa cơ sở vật chất với hệ thống sân bay hiện đại, nhiều tuyến đường quốc tế được mở ra, nhiều máy bay hiện đại được đưa vào sử dụng,… Đến năm 2021, Việt Nam có 22 cảng hàng không, trong đó có 10 cảng quốc tế.

Câu 20. Loại hình vận tải đường sông phát triển mạnh ở các hệ thống sông nào sau đây?

A. Sông Hồng - Thái Bình.

B. Sông Mê Công - Đồng Nai.

C. Sông Mã - Cả.

D. Sông Thu Bồn.

Chọn B

Vận tải đường sông thuận lợi nhất và được sự dụng với cường độ cao nhất nước ta là hệ thống sông Mê Công - Đồng Nai. Hệ thống sông Mê Công - Đồng Nai phân bố ở khu vực đồng bằng với nhiều kênh, rạch chằng chịt và là khu vực này rất nổi tiếng với các chợ nổi, du lịch sông nước miệt vườn.

Câu 21. Đường ống ở nước ta gắn liền với ngành

A. dầu khí.

B. thực phẩm.

C. điện tử.

D. hóa chất.

Chọn A

Đường ống chủ yếu vận chuyển xăng dầu và khí, phục vụ hiệu quả cho ngành khai thác, chế biến và phân phối dầu khí tại Việt Nam. Đường ống nước ta có một số hệ thống chính: đường ống vận chuyển xăng dầu từ Bãi Cháy - Hạ Long tới các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đường ống dẫn khí Cà Mau - Phú Mỹ,...

Câu 22. Tính đến năm 2021, nước ta có bao nhiêu sân bay quốc tế?

A. 22.

B. 10.

C. 15.

D. 17.

Chọn B

Cả nước có 22 cảng hàng không đang được khai thác, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa (năm 2021). Một số cảng hàng không quốc tế có năng lực vận tải lớn, là cửa ngõ quốc tế và đầu mối vận tải hàng không lớn của nước ta là Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng (Đà Nẵng), Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh),...

Câu 23. Phát biểu nào sau đây đúng với ngành viễn thông ở nước ta hiện nay?

A. Đang phát triển nhanh với các dịch vụ đa dạng.

B. Doanh thu thấp nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh.

C. Mạng lưới phân bố hẹp, chỉ phát triển ở đô thị.

D. Chú trọng phát triển các dịch vụ truyền thống.

Chọn A

Các dịch vụ viễn thông ngày càng đa dạng bao gồm: dịch vụ điện thoại, internet, dịch vụ mạng và các dịch vụ khai thác công nghệ. Mạng lưới viễn thông được mở rộng và phát triển nhanh. Hạ tầng viễn thông được triển khai đến mọi vùng miền và kết nối với toàn thế giới qua hệ thống băng thông quốc tế.

Câu 24. Phát biểu nào sau đây đúng với ngành bưu chính ở nước ta hiện nay?

A. Đang phát triển nhanh với các dịch vụ đa dạng.

B. Doanh thu thấp nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh.

C. Mạng lưới phân bố hẹp, chỉ phát triển ở đô thị.

D. Chú trọng phát triển các dịch vụ truyền thống.

Chọn B

Doanh thu bưu chính nước ta còn thấp nhưng tốc độ tăng trưởng rất nhanh, năm 2021 đạt gần 27 nghìn tỉ đồng. Dịch vụ bưu chính đa dạng, phát triển theo hướng hiện đại và nâng cao hiệu quả kinh tế. Mạng lưới bưu chính phân bố rộng khắp.

Câu 25. Việt Nam đang sở hữu

A. 2 vệ tinh viễn thông và 6 tuyến cáp quang biển quốc tế.

B. 2 vệ tinh viễn thông và 8 tuyến cáp quang biển quốc tế.

C. 2 vệ tinh viễn thông và 5 tuyến cáp quang biển quốc tế.

D. 2 vệ tinh viễn thông và 7 tuyến cáp quang biển quốc tế.

Chọn D

Việt Nam đang sở hữu 2 vệ tinh viễn thông và 7 tuyến cáp quang biển quốc tế tăng cường kết nối với 1 mạng lưới viễn thông quốc tế. Nước ta đã hình thành các trung tâm viễn thông hiện đại, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,...

Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 21: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

I. GIAO THÔNG VẬN TẢI

Lý thuyết Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo Bài 21: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

- Sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải:

+ Có nhiều loại hình, được đầu tư phát triển nhanh và toàn diện. Số lượt hành khách và khối lượng hàng hóa vận chuyển xu hướng tăng. Giao thông vận tải đường bộ có khối lượng vận chuyển lớn nhất.

+ Mạng lưới phát triển rộng khắp, các tuyến giao thông được mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển người và hàng hóa. Khu vực đồng bằng, ven biển và các đô thị có mật độ mạng lưới giao thông vận tải cao hơn các khu vực khác do điều kiện tự nhiên thuận lợi, dân cư đông đúc, kinh tế phát triển,…

1. Đường bộ (đường ô tô)

- Hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp và mở rộng, chất lượng vận tải tăng nhanh, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến. Hình thành các tuyến đường huyết mạch theo hướng Bắc – Nam (quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc – Nam), các tuyến cao tốc khác, các tuyến đường ven biển. Các trục chính theo hướng Đông – Tây (quốc lộ 8, 9 ,19 ,…) Kết nối với hệ thống đường bộ xuyên Á (kết nối với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia). Hình thành nhiều đầu mối giao thông, 2 đầu mối quan trọng là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

2. Đường sắt

- Hình thành từ cuối thế kỉ XIX, áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ. Mạng lưới gồm các trục chính: Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn,… Kết nối với Trung Quốc qua tuyến liên vận Hà Nội – Đồng Đăng và Hà Nội – Lào Cai. Đang được cải tạo, nâng cấp theo hướng hiện đại, tại các đô thị lớn, các tuyến đường sắt đô thị đang được đầu tư phát triển (Cát Linh – Hà Đông).

3. Đường thủy nội địa

- Có khoảng 300 cảng thủy nội địa (2021). Các bến cảng, thiết bị giám sát, phương tiện vận chuyển được đầu tư phát triển. Tập trung chủ yếu ở một số hệ thống sông chính, miền Bắc có sông Hồng, sông Thái Bình, miền Nam có sông Đồng Nai và sông Mê Công, miền Trung có các tuyến nội địa trong từng tỉnh. Các tuyến chủ yếu hiện nay là Hải Phòng – Việt Trì, Hải Phòng – Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh – Bà Rịa – Vũng Tàu – Cần Thơ,…

4. Đường biển

- Có 34 cảng biển với 296 bến cảng (2021). Một số cảng quan trọng có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh,… Chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại hóa phương tiện vận tải, năng lực quản lí. Mạng lưới ngày càng mở rộng, phát triển các tuyến nội địa và thiết lập các tuyến vận tải quốc tế, quy hoạch bến cảng trung chuyển quốc tế tại Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa).

5. Đường hàng không

- Có 22 cảng hàng không đang được khai thác, 10 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng nội địa. Đang xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hệ thống kết cấu hạ tầng, cảng hàng không, sân bay không ngừng được đầu tư, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Một số cảng năng lực vận tải lớn là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.

II. BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

Lý thuyết Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo Bài 21: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

1. Bưu chính

- Ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển thư tín, bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa.

- Mạng lưới phát triển rộng khắp cả nước, các đô thị lớn có mạng lưới phát triển nhanh với mật độ cao. Năm 2021, cả nước có hơn 60 bưu cục cấp 1 (tỉnh, thành phố), hơn 700 bưu cục cấp 2 (quận, huyện), hơn 8000 bưu điện – văn hóa xã,…

- Hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư nâng cấp, ứng dụng khoa học – công nghệ nên các dịch vụ ngày càng nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

2. Viễn thông

- Các dịch vụ viễn thông đa dạng, cơ bản như: dịch vụ thoại, truyền số liệu, truyền hình, hội nghị truyền hình, kết nối internet,…

- Phát triển nhanh, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu dụng khoa học – công nghệ.

- Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet nhanh trên thế giới. Mạng băng rộng di động ngày càng phát triển. Hệ thống cáp quang hiện nay đã phủ khắp cả nước. Có 7 tuyến cáp quang biển kết nối với thế giới (2021). Hệ thống vệ tinh phủ sóng toàn bộ Việt Nam và nhiều nước trong khu vực.

- Mạng lưới phát triển rộng khắp, tập trung cao ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh,…

Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Trắc nghiệm Bài 20: Vai trò và các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngành dịch vụ

Trắc nghiệm Bài 21: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông

Trắc nghiệm Bài 22: Thương mại và du lịch

Trắc nghiệm Bài 24: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ

Trắc nghiệm Bài 26: Phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Hồng

Trắc nghiệm Bài 27: Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ở Bắc Trung Bộ

 

Đánh giá

0

0 đánh giá