Đường quê Đồng Tháp Mười trang 66, 67 Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 | Kết nối tri thức

161

Trả lời các câu hỏi bài Đọc: Đường quê Đồng Tháp Mười trang 66, 67 Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 từ đó học tốt môn Tiếng Việt 5.

Tiếng Việt lớp 5 Đường quê Đồng Tháp Mười trang 66, 67

Nội dung chính Đường quê Đồng Tháp Mười: Cảnh đẹp Đồng Tháp Mười ấn tượng với thiên nhiên, con người sôi động, náo nức xen lẫn những giản dị, chất phác và đầy yêu thương.

Câu hỏi trang 66 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chia sẻ những điều em biết về vùng đất Đồng Tháp Mười.

Trả lời:

Những điều em biết về vùng đất Đồng Tháp Mười: Đây là vùng đất trong lãnh thổ phía Nam nước ta. Trong chiến tranh chống Pháp và chiến tranh Việt Nam, nơi đây là một trong những chiến khu quan trọng. Đồng Tháp Mười có hệ sinh thái rừng tràm rộng lớn, đồng cỏ ngập nước, nhiều loài sen – súng và thực vật thuỷ sinh trong đầm lầy, kênh rạch…

Văn bản: Đường quê Đồng Tháp Mười

Bông súng thả lồng đèn

Sáng bồng bềnh mặt nước

Cá lòng tong chạy trước

Dẫn đường về thăm ông.

Đường quê, sào vít cong

Xuồng lướt như tên bắn

Cò ở đâu giật mình

Bay lẫn vào mây trắng.

 

Lấm lem con trâu đầm

Chém cặp sừng loé nắng

Xình xịch thuyền đuôi tôm

Chở lúa vàng, rẽ sóng.

 

Kìa mấy búp sen hồng

Nối đầu thu, cuối hạ

Nước lớn sông Cửu Long

Chơi với sen nghiêng ngả.

 

Về xứ mười tầng tháp

Leo cầu trăm đốt tre

Ông đứng như bụt hiện

Chờ cháu cuối đường quê.

(Trần Quốc Toàn)

Đường quê Đồng Tháp Mười lớp 5 (trang 66, 67) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 67 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Ở khổ thơ đầu, đường về quê thú vị như thế nào qua cảm nhận của bạn nhỏ?

Trả lời:

Qua cảm nhận của bạn nhỏ, đường về quê thú vị qua các chi tiết: bông súng trên mặt nước như thả lồng đèn, sáng bồng bềnh; cá lòng tong dẫn đường.

Câu 2 trang 67 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tìm những nét đẹp riêng của vùng Đồng Tháp Mười được miêu tả trong bài thơ.

– Về cảnh vật thiên nhiên

– Về cuộc sống con người

Trả lời:

Những nét đẹp riêng của vùng Đồng Tháp Mười được miêu tả trong bài thơ:

– Về cảnh vật thiên nhiên: đường quê, sào vít cong; xuồng lướt như tên bắn; thuyền đuôi tôm chở lúa rẽ sóng; búp sen hồng từ đầu thu tới cuối hạ; cầu trăm đốt tre.

– Về cuộc sống con người: ông như bụt, hiền lành.

Câu 3 trang 67 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Những từ ngữ nào trong bài thơ gợi tả nhịp sống ở Đồng Tháp Mười rất sôi động, náo nức?

Trả lời:

Những từ ngữ trong bài thơ gợi tả nhịp sống ở Đồng Tháp Mười rất sôi động, náo nức: lướt như tên bắn; giật mình; chém cặp sừng; xình xịch; rẽ sóng; nước lớn; nghiêng ngả.

Câu 4 trang 67 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Ở khổ thơ cuối, bạn nhỏ muốn nói điều gì về quê hương mình?

Trả lời:

Ở khổ thơ cuối, bạn nhỏ muốn nói về quê hương mình: quê hương đẹp và chất phác với những nét đẹp thôn quê: cầu tre, đường quê; bạn nhỏ yêu con người, yêu quê hương mình, nhìn quê hương như những gì nhẹ nhàng, hiền lành và tốt đẹp nhất.

Câu 5 trang 67 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Những chi tiết, hình ảnh nào ở miền quê này gợi nhớ những câu chuyện cổ tích quen thuộc?

Trả lời:

Những chi tiết, hình ảnh ở miền quê này gợi nhớ những câu chuyện cổ tích quen thuộc: cá bơi như chạy; cầu trăm đốt tre; ông đứng như bụt.

* Học thuộc lòng bài thơ.

* Luyện tập theo văn bản đọc

Câu 1 trang 67 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Các từ ngữ dưới đây có tác dụng gì trong việc miêu tả cảnh vật?

Đường quê Đồng Tháp Mười lớp 5 (trang 66, 67) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Trong việc miêu tả cảnh vật, các từ ngữ dưới đây có nghĩa cụ thể là:

+ bồng bềnh: tả dáng chuyển động lên xuống nhẹ nhàng theo làn sóng, làn gió.

+ lấm lem: bị dính bẩn nhiều chỗ, thành những vết loang.

+ xình xịch: tiếng kêu trầm và phát ra đều đều liên tục như tiếng máy nổ.

+ nghiêng ngả: không giữ vững, ngả sang bên này rồi lại nghiêng sang bên kia liên tục.

Việc dùng các từ này trong miêu tả cảnh vật giúp việc miêu tả vừa uyển chuyển về âm thanh, vừa tả chính xác trạng thái của sự vật bằng các từ ngữ nhẹ nhàng, gợi hình gợi nghĩa cho người đọc suy ngẫm.

Câu 2 trang 67 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tìm những hình ảnh so sánh, nhân hoá trong bài thơ. Em thích hình ảnh nào nhất? Vì sao?

Trả lời:

– Những hình ảnh so sánh trong bài thơ: xuồng lướt như tên bắn; cầu trăm đốt tre; ông đứng như bụt hiện.

– Những hình ảnh nhân hoá trong bài thơ: bông súng thả lồng đèn; cá lòng tong chạy, dẫn đường; cò giật mình bay đi; con trâu chém cặp sừng; nước sông Cửu Long chơi với sen.

Em thích hình ảnh cầu trăm đốt tre nhất. Vì khó có cây cầu nào dài tới trăm đốt được, sự miêu tả so sánh như vậy làm em thấy có lẽ cổ tích cũng có thể từ suy nghĩ bay bổng, trí tưởng tượng của con người mà thành.

Đánh giá

0

0 đánh giá