Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội Ngữ văn 12 Kết nối tri thức, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội
Đề bài: Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội.
Dàn ý Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội
a. Đặt vấn đề
- Nêu rõ đề tài và vấn đề nghiên cứu.
b. Giải quyết vấn đề
- Trình bày các kết quả nghiên cứu chính thống qua hệ thống luận điểm, có các dữ liệu, bằng chứng.
c. Kết luận
- Khẳng định kết quả nghiên cứu và ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu, gợi mở những hướng tiếp cận mới.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - Mẫu 1
Viết báo cáo nghiên cứu về lịch sử vương quốc Champa
1. Đặt vấn đề
Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, lịch sử vương quốc Champa đã thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, công bố thành sách, tạp chí. Sau năm 1975, xuất hiện các tác giả Việt Nam, không dừng lại ở việc tìm tòi, bổ sung thêm tư liệu mà còn khám phá ra cái mới như lấp vào khoảng thiếu sót của các nhà nghiên cứu tiên phong chưa làm được. Những công trình về sau đã đi vào từng mảng, lĩnh vực thuộc đời sống, văn hóa, xã hội, lễ hội đến sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Giải quyết vấn đề
Trước hết, là những ghi chép về Champa trong lịch sử Trung Quốc được tìm thấy trong bộ sử Hán thư, Lương sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử… Các nhà nghiên cứu đều dựa vào những nguồn sử liệu này để dựng lại lịch sử Lâm Ấp-Hoàn Vương-Chiêm Thành. Những tư liệu của Trung Quốc viết về phong tục tập quán của người Chăm xưa không có tính hệ thống, rời rạc và sơ sài, nhiều khi thiếu chính xác. Kế đến là những nghiên cứu, khảo sát thực địa của người Pháp. Tư liệu cổ nhất của người Châu Âu viết về người Chăm có lẽ là của một người gốc Italia tên là Marco Polo. Ông làm quan dưới triều đại Mông-Nguyên của Hốt Tất Liệt. Năm 1298, sau một lần được cử đi làm sứ giả ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Champa, ông đã ghi chép khá tỉ mỉ về người Chăm và đời sống của họ trong cuốn Le Livre de Marco Polo (cuốn sách của Marco Polo) (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Vào thế kỉ XIV, một số linh mục đi truyền giáo đã đến Champa. Linh mục Odoric de Pordenone có ghi chép về phong tục, tập quán của người Chăm trong cuốn sách Những cuộc viễn du sang châu Á xuất bản tại Paris.
Những tư liệu lịch sử của Việt Nam liên quan đến Chiêm Thành có thể tìm thấy trong Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư và một số sử liệu của các triều đại Việt Nam từ Lý-Trần đến triều Nguyễn. Nhưng những sử liệu nói trên chủ yếu nói về việc triều cống, giao tranh, hòa hiếu (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Mặc dù vậy, đó là những ghi chép thành văn chính thống rất quan trọng để đối chiếu với ghi chép trên văn bia của Champa. Trần Quốc Vượng chủ biên cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (2008) đã dành một phần nói về không gian vùng văn hóa Trung Bộ, chủ yếu đề cập về không gian văn hóa Chăm ở khu vực này. Cuối cùng, là Trương Sỹ Hùng với tác phẩm Tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á (2010), phân tích yếu tố Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo Chăm. Từ đó, làm nổi bật lên đặc điểm, vai trò trong sáng tác văn chương của người Chăm trong tác phẩm Deva Mưnô, Inra Patra, Ariya Cam – Bini,… Trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam (2004) tác giả Huỳnh Công Bá đã dành hai chương để trình bày về quá trình giành độc lập của Champa, phân tích những đặc điểm cơ bản về thể chế chính trị, đời sống văn hóa, xã hội. Đặc biệt nhấn mạnh vào quá trình hội nhập của người Chăm vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, Phan Thành Long chủ biên công trình Lí luận giáo dục (2010), nội dung chính của cuốn sách trình bày về quá trình giáo dục, nguyên tắc giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Đây là vấn đề có tính chất lí luận mà khi nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục không thể bỏ qua.
3. Kết luận
Tóm lại, các công trình nghiên cứu về lịch sử và nền văn minh Champa được xuất bản thành sách, báo và tạp chí rất đa dạng và phong phú, được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau. Nhưng chưa có công trình khảo cứu nào đề cập đến vấn đề giáo dục của người Chăm trong lịch sử mang tính chất hệ thống và đầy đủ. Ngay cả, hình thức học tập và sinh hoạt nội trú của học sinh người Chăm nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung hiện nay cũng chưa có sự quan tâm, chú ý nhiều từ các nhà khoa học và các nhà quản lý giáo dục. Việc tổng luận các công trình nghiên cứu về người Chăm ở Việt Nam chưa phải là bảng thống kê đầy đủ các tác giả cũng như tác phẩm, mà chỉ phản ánh một phần giúp độc giả có cái nhìn tổng quát những hiểu biết về văn hóa Chăm.
Tài liệu tham khảo
1. Abd. Karim, Báo Thị Hoa (giới thiệu và trình bày). 2007. “Trường Pô Klong & Đặc san Ước vọng”. Do International Office of Champa (IOC-Champa) xuất bản ở Paris – San Jose.
2. Đỗ Văn Tú. 1973. Vấn đề giáo dục sinh viên học sinh các sắc tộc. Sài Gòn: Bộ Phát triển Sắc tộc ấn hành.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - Mẫu 2
Bảo vệ môi trường nước
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu nói chung môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Việt Nam cũng nằm trong tình trạng này trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế. Do vậy, bảo vệ môi trường nước và đất là một trong những vấn đề quan trọng được Đảng và Nhá nước ta rất quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
2. Giải quyết vấn đề
Vấn đề đang gây nhức nhối hiện nay chính là ô nghiễm tài nguyên đất và tài nguyên nước sạch. Đảm bảo vệ đất canh tác cần quy hoạch sử dụng đất hợp lí, hạn chế chuyển đổi đất canh tác, đặc biệt là trồng lúa nước thành đất công nghiệp, đất đô thị. Tiếp tục bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hơn các chính sách và pháp luật về việc sử dụng, quản lí đất; lồng ghép tốt chính sách quốc gia với các kế hoạch hành động quốc tế về việc chống thoái hóa và sử dụng đất bền vững.
Với vấn đề môi trường nước nên đặc biệt chú ý xây dựng những nhà máy lọc rác thải, chất thải trước khi thải ra sông, hồ để tránh gây ô nhiễm và hại chết hệ sinh thái ở sông, hồ, biển. Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về sử dụng hợp lí, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn nước.
3. Kết luận
Tóm lại, việc bảo vệ môi trường không chỉ là vấn đề của Đảng, Nhà nước, các ban ngành mà còn là của chính mỗi cá nhân người dân. Môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sức khỏe và đời sống tâm lí của mỗi người. Việc đưa ra báo cáo chỉ là một phần của vấn đề trong xã hội ngày nay giúp độc giả nhận thấy đây chính là một vấn đề vô cùng cấp bách và cần có sự chung tay của cộng đồng để xây dựng một môi trường sống xanh đẹp hơn.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - Mẫu 3
Tìm hiểu dân ca quan họ tại làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh để thấy được nét độc đáo, đặc sắc và đặc biệt của quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm.
1. Mở đầu
A. Lí do chọn đề tài:
“Anh có về Kinh Bắc quê em, mà nghe quan họ mà xem làng nghề
Con sông Cầu in bóng trăng thề người đi người ở người về với ai...”
Những câu ca ngọt ngào, đằm thắm ấy chính là dân ca quan họ Bắc Ninh. Làn điệu dân ca quan họ từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân Bắc Ninh nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tại kì họp lần thứ tư của Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngày 30 tháng 9 năm 2009, dân ca quan họ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể chỉ sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và ca trù. Điều này chứng tỏ dân ca quan họ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hiện nay, dân ca quan họ xuất hiện ở rất nhiều nơi trên cả nước nhưng nhiều nhất vẫn là Bắc Ninh. Hầu hết các làng ở Bắc Ninh đều có những địa điểm sinh hoạt hát quan họ. Tuy nhiên, cái nôi đầu tiên của quan họ bắt nguồn từ Làng Diềm hay còn gọi là làng Viêm Xá, thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đây là nơi bà Thủy tổ của quan họ xuất hiện và truyền dạy lời ca cho mọi người. Qua năm tháng, quan họ không những giữ được nguyên vẹn lối hát truyền thống mà còn xuất hiện thêm nhiều lối hát mới phong phú và đa dạng.
Hiện tại, không ít những bài nghiên cứu, đánh giá của những nhà nghiên cứu đầu ngành về dân ca quan họ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu quan họ trong không gian văn hóa đương đại tại làng Diềm.
B. Mục đích nghiên cứu đề tài:
Tìm hiểu dân ca quan họ tại làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh để thấy được nét độc đáo, đặc sắc và đặc biệt của quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm.
C. Phương pháp nghiên cứu:
Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp so sánh, phân tích - tổng hợp.
2. Nội dung:
A. Đôi nét về quan họ Bắc Ninh:
Khác với các loại hình diễn xướng khác, dân ca quan họ Bắc Ninh nổi tiếng với bạn bè gần xa bởi âm điệu ngọt ngào, trong trẻo, mượt mà, tha thiết. Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào ghi chép chính xác về thời gian ra đời của làn điệu này. Có người cho rằng quan họ xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỉ XI, ý kiến khác lại nói vào thế kỉ XVII. Dù là thời gian nào thì quan họ vẫn được coi là phương tiện lưu giữ hồn cốt của văn hóa xứ Kinh Bắc. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, quan họ cũng có sự thay đổi, bổ sung. Chúng ta có thể chia thành quan họ truyền thống và quan họ mới.
Trước hết, quan họ truyền thống là lối hát quan họ ra đời đầu tiên. Nó chỉ tồn tại ở 49 làng quan họ gốc tại xứ Kinh Bắc. Quan họ truyền thống đòi hỏi người hát phải am hiểu luật lệ, cách hát. Lúc bấy giờ, người ta không gọi là “hát quan họ” mà là “chơi quan họ” bởi cho rằng quan họ là một thú vui tao nhã, thanh tao. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm, chủ yếu là sự đối đáp của các liền anh liền chị vào độ “xuân thu nhị kì”.
Khác với quan họ truyền thống, quan họ mới ít nhiều đã có sự cải biên. Hình thức diễn xướng cũng trở nên đa dạng hơn bao gồm hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa,...
Tính đến năm 2016, có tất cả 67 làng quan họ được xếp vào danh sách bảo tồn và phát triển, trong đó có 44 làng quan họ thuộc tỉnh Bắc Ninh.
B. Mảnh đất và con người làng Diềm:
Làng Diềm thuộc địa phận phường Hòa Long, nơi đây lưu giữ rất nhiều nét đẹp văn hóa của làng quê xứ Kinh Bắc. Lớn lên trên đất tổ của quan họ, người dân cũng rất ngọt ngào, đằm thắm. Từ trong cách ứng xử, nói năng, đi lại, người dân làng Diềm đều toát lên vẻ mộc mạc, nhẹ nhàng. Họ hiền lành, chất phác và đặc biệt hiếu khách như những câu quan họ mà ta đã từng nghe:
“Khách đến nhà là hát
Khách uống trà là pha
Hay:
“Người ơi, người ở đừng về...”
Dường như người con của miền quê quan họ đều rất tình - một cái tình ngọt ngào như những lời ca. Không chỉ các liền anh, liền chị khi hát mới duyên dáng mà cái duyên ấy hiện hữu ngay cả trong đời sống hàng ngày. Đó là nét duyên được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vậy, quan họ mới trở nên đằm thắm, mượt mà đến như vậy.
C. Dân ca Quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm - phường Hòa Long - Thành phố Bắc Ninh - tỉnh Bắc Ninh:
Đặt dân ca quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm, ta có thể thấy được nét độc đáo, hấp dẫn của làn điệu quan họ nơi đây. Ngày xưa, do hạn chế khi di chuyển nên sự giao lưu giữa Diềm và các làng khác gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, lối hát ở Diềm có điểm khác biệt, “cổ” hơn so với những nơi khác. Các liền anh, liền chị thường sử dụng lối hát chậm rãi, khoan thai, ít các bài lí có tiết tấu nhanh. Chính vì thế, những luyến láy hay tiếng đệm trong lời ca như “Dôông ôi à tô ông tang” “Dôông tang tết, tết tang” “tềnh tếnh”... Cũng bị tiết chế. Một số bài “Bóc thư”, “Tình thư”, “Bóng giăng loan”, “Ăn ở trong rừng” không được chia thành trổ ở Diềm.
Khi nhắc đến quan họ làng Diềm, không thể không nhắc đến bốn trụ cột chính hay bốn nghệ nhân kì cựu của quan họ làng Diềm. Đó là các cụ Ngô Thị Nhị, Trần Thị Phụng, Nguyễn Thị Bản, Ngô Thị Lịch. Họ đều là những nghệ nhân lâu đời, thuộc cả trăm ngàn làn quan họ cổ, đã được nhà nước phong danh nghệ nhân ưu tú. Đặc biệt, dân làng cũng như chính quyền và các cấp địa phương rất chú trọng giữ gìn, bảo tồn dân ca quan họ. Ở trường Tiểu học Hòa Long, bên cạnh việc trau dồi, rèn luyện kĩ năng, kiến thức, nhà trường đã đưa quan họ vào dạy như một môn học trong các tiết học ngoại khóa. Đây là hoạt động thiết thực giúp bồi dưỡng tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu, thủy chung ở các em học sinh. Từ đó, giúp các em phát triển nhân cách, đạo đức tốt đẹp và thêm yêu quê hương, đất nước.
Với mục đích giữ gìn, bảo tồn dân ca quan họ và phát triển du lịch, chính quyền đã cho xây dựng nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Công trình có tổng diện tích là 19.400 mét vuông, với mức kinh phí hơn 178 tỉ đồng. Điều này cho thấy dân ca quan họ nhận được sự quan tâm, sát sao của người dân và các cấp chính quyền. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn. Đồng thời, tạo động lực cho mỗi nghệ sĩ không ngừng nỗ lực sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật.
Mặc dù xã hội phát triển nhưng những giá trị văn hóa, tinh thần của quan họ làng Diềm vẫn được gìn giữ, phát huy. Tiếng hát quan họ thiết tha, nghĩa tình của các liền anh, liền chị vẫn làm say đắm biết bao du khách thập phương trong và ngoài nước. Đây chính là sức hút, nét hấp dẫn của quê hương quan họ.
3. Kết luận:
Mỗi một làng quan họ đều mang những nét riêng nhưng nếu đã nghe quan họ thì không thể bỏ qua làn điệu làng Diềm. Làn điệu dân ca mượt mà đằm thắm là một nét đẹp văn hóa và có tầm ảnh hưởng to lớn đối với không gian văn hóa làng Diềm. Quan họ không chỉ là niềm tự hào của người dân làng Diềm mà còn là toàn thể người dân Việt Nam. Chúng ta cần phải cố gắng, nỗ lực để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống như dân ca quan họ làng Diềm.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - Mẫu 4
Trong thời đại số hóa, người nổi tiếng trên mạng xã hội đã trở thành một hiện tượng quan trọng, được biết đến và theo dõi rộng rãi. Những người này thường có những đặc điểm riêng biệt, được hình thành và phát triển dựa trên nền tảng mạng xã hội. Sức ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội có thể có các tác động lớn với những người dùng khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, một số người nổi tiếng có thể sử dụng sự ảnh hưởng này để tạo ra thông điệp sai lệch, gây tranh cãi, hoặc thậm chí lan truyền tin tức giả mạo bao gồm sự quấy rối, đe dọa, hoặc xâm phạm quyền riêng tư. Điều này có thể gây mất cân bằng và căng thẳng trên mạng xã hội và cộng đồng. Để có thể xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, một trong những nội dung quan trọng đó là phải nhận thức rõ sự cần thiết quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội.
1. Khái quát về hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội
Được hình thành từ sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, mạng xã hội là một khái niệm phổ biến trong xã hội hiện đại. Từ điển Oxford định nghĩa: “mạng xã hội là một trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng điện tử mà qua đó người dùng có thể giao tiếp với nhau bằng cách thêm thông tin, tin nhắn, hình ảnh và các hình thức tương tự khác”(1). Dưới góc độ pháp luật Việt Nam, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đưa ra giải thích tại khoản 22 Điều 3: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.
Hiện tại có rất nhiều loại hình mạng xã hội để có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau, từ mạng xã hội cá nhân như Facebook và Instagram đến mạng xã hội chuyên nghiệp như LinkedIn; cả các nền tảng chia sẻ video như YouTube và TikTok. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đến hết tháng 6/2021, có 829 mạng xã hội được cấp phép ở Việt Nam và tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu có thể đạt tới 80 triệu người(2).
Mạng xã hội đã thay đổi cách mà con người giao tiếp, tạo mối quan hệ và tiêu thụ thông tin, trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người trên khắp thế giới.
Trong môi trường mạng xã hội, định danh “người nổi tiếng” không chỉ giới hạn trong các nhóm như ca sĩ, diễn viên, chính trị gia hay doanh nhân. Mở rộng hơn, nó bao gồm cả những cá nhân có lượng người theo dõi đáng kể. Các hoạt động chủ yếu của họ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, TikTok. Hành vi của người nổi tiếng thường được theo dõi một cách cận cảnh bởi công chúng rộng lớn và phương tiện truyền thông. Các hành vi này có thể là chia sẻ nội dung cá nhân hoặc quảng cáo dịch vụ trên các nền tảng mạng xã hội nhằm mục đích tương tác với người theo dõi để thu hút sự chú ý và lan truyền thông điệp hoặc sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý hình ảnh, bảo vệ sự riêng tư và duy trì mối tương tác tích cực với người hâm mộ trong một môi trường trực tuyến có tính cách thù địch và theo dõi chặt chẽ. Hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội đang có sức ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng, bao gồm cả những tác động tích cực và tiêu cực.
2. Những tác động tích cực
Người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể dùng sức ảnh hưởng của mình để tạo ra những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Bởi họ có rất đông người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội nên họ có thể dựa vào tầm ảnh hưởng của mình đối với công chúng để truyền tải những thông điệp tốt đẹp, quảng bá văn hóa đặc sắc đến một lượng lớn người hâm mộ.
Tầm ảnh hưởng của họ không chỉ giúp nâng cao nhận thức và giáo dục mà còn thúc đẩy những hành động tích cực và tạo động lực cho sự thay đổi trong xã hội. Người nổi tiếng trên mạng xã hội có vai trò quan trọng trong việc định hình một xã hội tốt đẹp hơn thông qua tầm ảnh hưởng của họ. Điển hình là Hoa hậu Hòa bình Thế giới năm 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã dùng sức ảnh hưởng của mình để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng như khơi dậy tình yêu thương trong xã hội bằng cách kêu gọi mọi người quyên góp để giúp những người khó khăn có thể vượt lên chính mình hay việc khơi dậy sự nhiệt huyết trong nhiều bạn trẻ để có thể tiếp tục chiến đấu, trau dồi bản thân vì ước mơ của chính họ.
Không chỉ vậy, người nổi tiếng trên mạng xã hội thường được xem là mô hình lý tưởng cho những người theo đuổi ước mơ và khao khát sự thành công. Bằng cách chia sẻ câu chuyện cá nhân về sự đối mặt với khó khăn và phấn đấu để thực hiện mục tiêu, họ truyền cảm hứng và động viên người khác tự vươn lên; thúc đẩy tinh thần lạc quan và lối sống tích cực thông qua thông điệp, hình ảnh và trải nghiệm cá nhân của họ.
Ngoài việc tạo ra những hình tượng, thương hiệu cá nhân, những người này còn tạo ra những giá trị trong cộng đồng như dựa vào hình ảnh của bản thân để giúp những thương hiệu khác phát triển, từ đó cũng tạo ra không ít những công việc mới, cơ hội mới cho những người xung quanh.
3. Những tác động tiêu cực
Người nổi tiếng có thể có lúc không kiểm soát được hành vi của mình đã chia sẻ những thông tin không lành mạnh. Với người nổi tiếng trên mạng xã hội có lượng theo dõi và tương tác cao, đặc biệt là nhóm những người nổi tiếng lĩnh vực đòi hỏi sự uy tín và sức ảnh hưởng như chính trị, khoa học…, thông tin họ chia sẻ không chỉ có độ phổ biến mà còn tạo sự tin tưởng cho những người theo dõi và có thể tạo thành một trào lưu. Nếu thông tin giả mạo được đăng lên bởi những người này có thể lan truyền nhanh chóng và ảnh hưởng đến người hâm mộ, đặc biệt là các đối tượng trẻ tuổi. Điều đó có thể gây nên những hệ lụy lớn cho xã hội.
Ví dụ như trường hợp của “giang hồ mạng” Ngô Bá Khá (Khá “Bảnh”) xảy ra vài năm trước đây. Đối tượng đã đăng tải trên trang facebook cá nhân những clip, hình ảnh thể hiện lối sống ăn chơi thiếu lành mạnh. Không dừng lại đó, Khá có những phát ngôn, livestream (trò chuyện trực tiếp) chia sẻ những quan điểm lệch lạc trong lối sống. Thậm chí việc phải cải tạo trong trường giáo dưỡng (đối tượng phạm tội trong độ tuổi vị thành niên) do đánh người gây thương tích cũng được Khá thêu dệt, thổi phồng theo chiều hướng “xã hội đen” nhằm tạo dựng sự nổi danh trên mạng xã hội. Hành vi của Khá trên mạng xã hội phần nào đã kích động tính tò mò của một bộ phận giới trẻ, nhất là lứa tuổi học trò(3)
Tác động tiêu cực của người nổi tiếng trên mạng xã hội không chỉ giới hạn ở mức lan truyền thông điệp tiêu cực mà còn có thể gây tác động đến tâm lý và tinh thần của họ cũng như người dùng mạng xã hội nói chung. Một khía cạnh đặc biệt quan trọng là mối quan hệ phụ thuộc giữa người nổi tiếng và người hâm mộ của họ, khi tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể là một trong những yếu tố khiến người hâm mộ trở nên nghiện mạng xã hội.
Không thể phủ nhận rằng sự nổi tiếng trên mạng xã hội cũng đi kèm với những rủi ro liên quan đến quyền riêng tư và an ninh trực tuyến là xâm phạm quyền riêng tư và quấy rối trực tuyến, khi thông tin cá nhân của họ trở nên dễ dàng tiếp cận. Họ có thể bị theo dõi, đánh giá và bị xâm phạm quyền riêng tư thông qua việc lục lọi thông tin cá nhân hoặc lấy cắp hình ảnh riêng tư. Sự xâm phạm quyền riêng tư này có thể dẫn đến việc rò rỉ thông tin cá nhân, làm hỏng hình ảnh và danh tiếng của họ và gây ra sự phiền toái tinh thần cũng như mất an ninh cá nhân. Người nổi tiếng trên mạng xã hội thường trở thành mục tiêu của quấy rối trực tuyến, khi các người hâm mộ hoặc người dùng khác gửi thông điệp xúc phạm, đe dọa hoặc xâm phạm đến họ. Quấy rối trực tuyến có thể bao gồm những hành động công khai, có chủ đích như gửi thông điệp kỳ thị, bình luận xúc phạm dưới các bài đăng khi trực tuyến nhằm công kích họ. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của người nổi tiếng, gây ra sự lo lắng, căng thẳng và trầm cảm. Những tấn công như vậy có thể dẫn đến việc lộ thông tin nhạy cảm hoặc bị kiểm soát trái phép, gây ra sự lo sợ, mất an ninh trực tuyến và ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
4. Sự cần thiết phải quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội
Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và tạo ra tác động xã hội, việc quản lý hành vi của người nổi tiếng trên các nền tảng này không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là một phần quan trọng của việc duy trì sự uy tín, trách nhiệm xã hội và tương tác tích cực với đại chúng. Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với khoảng 76,95 triệu người, chiếm 78,1% dân số. Tuy nhiên, theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) do Microsoft công bố nhân ngày Quốc tế An toàn internet, nước ta lại xếp trong “top” 5 những nước có văn hóa ứng xử trên mạng xã hội kém nhất trên thế giới(5). Đây là tình trạng đáng báo động cho các nhà chức trách, những chủ thể quản lý trong việc xây dựng một không gian mạng an toàn, văn minh cho người dùng trong nước và quốc tế.
Thứ nhất, việc quản lý người nổi tiếng trên mạng xã hội giúp duy trì một môi trường trực tuyến lành mạnh và an toàn cho tất cả mọi người. Những người theo dõi, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên có thể coi người nổi tiếng trên mạng xã hội trở thành hình mẫu cho các hành động và quyết định của họ. Mặc dù sự ngưỡng mộ của công chúng là sự xác nhận rõ ràng về giá trị cá nhân của người nổi tiếng, nhưng trong một thế giới mà người nổi tiếng hiếm khi bị nói “không”, xu hướng họ coi mình là trung tâm có thể xảy ra. Sự độc lập và quyền lợi ảo khiến người nổi tiếng dễ dàng đưa ra các quyết định mà không cân nhắc(6). Nếu người nổi tiếng trên mạng xã hội không được quản lý một cách cẩn thận, họ có thể lan truyền thông điệp không tốt đến cộng đồng mạng, dẫn đến những hậu quả tiêu cực như tăng cường hành vi bạo lực, gây gổ hoặc quấy rối trực tuyến.
Thứ hai, việc quản lý người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể bảo đảm rằng thông tin và tin tức được chia sẻ là đáng tin cậy và đúng sự thật. Đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội, thông tin có thể truyền tải rất nhanh và dễ dàng lan truyền. Nếu người nổi tiếng chia sẻ thông tin sai lệch hoặc không đáng tin cậy có thể gây ra sự hiểu lầm và rối ren trong xã hội. Do đó, việc theo dõi và quản lý thông tin mà họ chia sẻ có thể giúp bảo đảm tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin trên mạng xã hội.
Thứ ba, quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội cũng giúp bảo vệ chính họ khi phải đối mặt với việc xâm phạm quyền riêng tư trên mạng xã hội. Những người nổi tiếng không chỉ có được lợi ích mà còn nguy hiểm từ “sự thân mật ảo tưởng” (Horton & Wohl, 1956)(7) do phương tiện truyền thông điện tử tạo ra. Một số người hâm mộ sẽ mong muốn điều này đến mức cực đoan và đây là những kẻ theo dõi nguy hiểm tiềm tàng mà những người nổi tiếng phải tự bảo vệ mình(8). Việc quản lý hành vi giúp họ bảo vệ thông tin cá nhân, tránh bị tiếp cận trái phép và bảo đảm rằng họ không vi phạm các quy tắc và luật pháp liên quan đến truyền thông và quảng cáo. Từ đó, họ có thể duy trì sự đáng tin cậy và tạo ra cơ hội nghề nghiệp và kinh doanh cho người khác.
5. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội
Dưới tác động mạnh mẽ của người nổi tiếng trên mạng xã hội cùng với việc quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn, cấp thiết hơn, nhóm tác giả xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội ở Việt Nam như sau:
Nâng cao ý thức cho người dùng mạng xã hội
Để quản lý hiệu quả hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội, cần xây dựng và phát triển một môi trường mạng xã hội lành mạnh. Việc định hướng, giáo dục về an toàn trực tuyến, quyền riêng tư hay hậu quả của hành vi trực tuyến có thể giúp người nổi tiếng và cộng đồng những người dùng mạng xã hội hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc thể hiện hành vi một cách tích cực và nhận thức được trách nhiệm của mình trên các nền tảng mạng xã hội, tránh các hành vi “lệch chuẩn”. Đây là giải pháp có hiệu quả lâu dài nhằm nâng cao nhận thức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội một cách toàn diện, từ đó giúp mỗi người dùng xây dựng được bộ lọc của cá nhân mình.
Hoàn thiện chính sách
Tạo ra các chính sách và quy định rõ ràng là giải pháp quan trọng để thắt chặt việc quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Điều này có thể bao gồm việc xác định rõ ràng các hành vi vi phạm cụ thể và thiết lập các biện pháp kỷ luật phù hợp để bảo đảm tuân thủ. Hiện nay, mặc dù một số quy tắc ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội đã được ban hành nhưng có vẻ chưa đủ hiệu quả vì không có chế tài xử lý mạnh mẽ. Mức phạt với mỗi hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội chỉ từ 10-20 triệu đồng(9), đang thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Vì vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi chế tài xử lý các vi phạm theo hướng tăng nặng mức độ, hình thức xử lý. Tuy nhiên, các chính sách và quy định cần bảo đảm sự minh bạch và công bằng, đồng thời cũng cần phải được thiết lập dựa trên các nguyên tắc tôn trọng quyền riêng tư và tự do ngôn luận. Bằng cách này, những người nổi tiếng trên mạng xã hội sẽ có được một khung pháp lý cụ thể để tuân thủ, giúp họ tránh những hành vi có thể gây hậu quả tiêu cực.
Nâng cao nguồn nhân lực quản lý nội dung trên mạng xã hội
Yếu tố nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Với phạm vi hoạt động rộng rãi của người nổi tiếng, Nhà nước phải nâng cao về số lượng và chất lượng của các cơ quan, bộ phận chuyên môn để thực hiện các cuộc điều tra và phân tích dữ liệu từ các nền tảng mạng xã hội nhằm hiểu rõ xu hướng và hành vi của người nổi tiếng. Họ cần có kiến thức và kỹ năng để thu thập thông tin, đánh giá bằng chứng, xác định và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Giải pháp kỹ thuật
Là giải pháp không thể thiếu trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển bởi cùng với việc thông tin lan truyền rộng rãi, vẫn còn tồn đọng những khó khăn trong việc kiểm soát, kiểm duyệt, lọc, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng, tích cực tìm kiếm, sáng chế ra những công cụ kỹ thuật hữu hiệu trong việc rà quét, kiểm duyệt những hình ảnh, video hay những nội dung được tung trên mạng xã hội để kịp thời đưa ra những chế tài xử lý thích hợp. Song song với việc sáng tạo ra công cụ kỹ thuật hữu hiệu, các chủ thể quản lý vẫn cần phải tích cực, nghiêm túc và chủ động trong việc quản lý, tìm kiếm, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm của những người nổi tiếng trên không gian mạng, nhằm tạo ra một không gian mạng an toàn cho những người dùng mạng khác trong xã hội.
Giải pháp với các nền tảng mạng xã hội
Cơ quan chức năng cần hợp tác với các nền tảng mạng xã hội để xử lý vi phạm và bảo đảm tuân thủ luật pháp. Sự hợp tác này có thể bao gồm việc xác định quy tắc và quy định chung, thỏa thuận về chia sẻ thông tin, cung cấp cơ hội tương tác, hỗ trợ trong công tác quản lý. Từ đó, tạo ra cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan như chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng để thực hiện các biện pháp quản lý hành vi của người nổi tiếng mạng xã hội.
Gần đây, các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh xây dựng quy chế xử lý đối với người nổi tiếng cũng như tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm những người nổi tiếng có hành vi vi phạm trên mạng xã hội, tuy nhiên trên mạng xã hội nhiều người nổi tiếng vẫn thực hiện một số hành vi “lệch chuẩn”. Sự răn đe kịp thời của pháp luật sẽ là lời cảnh báo để bất cứ ai cũng cần có ý thức thượng tôn pháp luật, dù ở đời thực hay trên không gian mạng để hướng tới môi trường mạng xã hội lành mạnh và văn minh cho tất cả người dùng.
Tài liệu tham khảo
1) Oxford English Dictionary. s.v. “social media, n.”, https://doi.org/10.1093/OED/5718206998, ngày 09/9/2023.
(2) Lan Phương (2021), Chỉ mạng xã hội có giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream, https://baochinhphu.vn/chi-mang-xa-hoi-co-giay-phep-moi-duoc-cung-cap-dich-vu-livestream-102295749.htm, ngày 10/9/2023
(3) Thu Thủy (2019), “Hiện tượng Khá Bảnh” là rất nguy hiểm, “cực kỳ không tốt” trên mạng xã hội, https://cand.com.vn/Su-kien- Binh-luan-thoi-su/Bo-cong-an-bat-Kha-banh-la-rat- mung-i515995/, ngày 10/9/2023.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - Mẫu 5
Hai thuật ngữ phong cách (style) và xu hướng (tendency/ ism (trường phái)…) luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm từ những người yêu thích nghệ thuật.
1. Phong cách và xu hướng trong nghệ thuật
Những người làm nghề thiết kế hầu như ai cũng từng không ít lần băn khoăn về hai khái niệm “Phong cách – style” và “Xu hướng – tendency/ ism (trường phái). Nỗi băn khoăn này có những lý do như: 1) Cố gắng hiểu cho rõ bản chất và cách thức biểu hiện trong phong cách của các tác giả cũng như các trường phái đã và đang nổi tiếng là gì; 2) Cố gắng hình thành cho bản thân một phong cách thiết kế đặc sắc nhất có thể. Để giải quyết câu hỏi thứ nhất có thể chỉ cần cố gắng tìm hiểu từ các bài viết, sách báo, trang mạng… Nhưng với câu hỏi thứ hai thì đòi hỏi nhiều thời gian và điều kiện hơn. Vì để đạt được sự thành công và công nhận rộng rãi của công luận là điều không hề dễ dàng.
Đã có rất nhiều phong cách nghệ thuật của các tác giả nổi tiếng lôi cuốn không ít sự hưởng ứng của giới thiết kế toàn cầu, và hiệu ứng này đã tạo nên những xu hướng/ trường phái nghệ thuật khác nhau. Sau sự hưởng ứng ban đầu ấy, chỉ còn lại những tên tuổi quan trọng nhất được kể đến là vì họ đã hưởng ứng các xu hướng/ trường phái ấy bằng việc trình diễn một phong cách thiết kế mới mẻ và khác biệt. Ví dụ: Các KTS thuộc trường phái Biểu hiện Mới (Neo- Expressionism) với ba KTS danh tiếng là: Jorn Utzon với Opera Sydney, Eaero Saarinen với TWA Airport và Oscar Niemeyer với các toà nhà Chính phủ ở thủ đô mới Brasilia.
Những dẫn chứng trên cho thấy các phong cách và xu hướng thiết kế là những đóng góp vô cùng quan trọng trong tiến trình nghệ thuật của nhân loại. Nhưng vị thế đó là dành cho những tác phẩm và kỳ tích to lớn của nhân loại, chúng không thể lẫn lộn với rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật còn lại, tuy cũng rất xuất sắc, nhưng ít gây được tiếng vang và sự chú ý của công luận. Đó là vì sự chi phối của quy luật cạnh tranh: Vị trí thời danh chỉ giành cho những người đi hàng đầu, tới đích trước. Nếu Eaero Saarinen không tự mình thoát ra khỏi cái “bóng khổng lồ” của ông thầy Mies van der Rohe thì chắc gì đã đạt được một trong những vị trí hàng đầu thế giới. Tương tự là sự “vượt thoát” khỏi Le Corbusier của Oscar Niemeyer để trở thành kẻ “độc cô cầu bại” ở tầm hành tinh…
2. Nghệ thuật của sự diễn giải
Thời kỳ trước những năm 1960, truyền thông về nghệ thuật luôn công bố về các phong cách và xu hướng thời thượng nhất trong thiết kế khiến cho một làn sóng “cuồng” các “ism” diễn ra một cách chóng mặt. Công chúng chưa kịp hiểu tường tận bản chất, đặc thù bên trong những xu hướng và phong cách thời thượng nhất thì đã lại phải dành sự chú ý cho những gì được trình diễn sau đó. Chính sự truyền bá nghệ thuật như vậy đã gây ra không ít ngộ nhận một thời: Công việc quan trọng bậc nhất, sứ mệnh cao cả bậc nhất của giới thiết kế là tạo ra phong cách hoặc là xu hướng. Một cách khái quát nhất, các sáng tạo nghệ thuật trong giai đoạn này thường hướng đến việc tạo nên những phương thức để “thực hiện” tác phẩm theo văn hóa đại diện, đã được các triết gia Hy Lạp cổ đại khẳng định trong ba phạm trù: “Chân – Thiện – Mỹ”. Nghĩa là, các bộ óc thông thái sẽ đại diện nhân loại để khám phá chân lý và tạo nên cái gọi là văn hóa đại diện (representative culture). Điều này đã dẫn công chúng – người thưởng lãm đến thói quen cảm thụ nghệ thuật thông qua sự diễn giải về cái có ích, cái có nghĩa và cái đẹp.
Đáng chú ý là, vì nhà thiết kế – “nguồn phát” – đã nhân danh một ngành chuyên môn hẹp, cung cấp sẵn mọi điều cho người thụ hưởng. Với tư cách là một nhà chuyên môn, họ sắp đặt và diễn giải một cách rõ ràng, cụ thể về công năng, ý nghĩa, thẩm mỹ… trong những sản phẩm của mình. Trong cách thức nêu trên, sự tương tác giữa công chúng – người thưởng lãm và tác phẩm gần như không thể diễn ra. Công chúng – người thưởng lãm khi đó chỉ đóng vai trò là một “nguồn thu”, họ cần phải cố gắng lĩnh hội những sự diễn giải và ý đồ được phát đi từ phía “nguồn phát” – nhà thiết kế. Trong trường hợp này thì phong cách và xu hướng nghệ thuật chắc chắn sẽ đạt được vị thế hết sức quan trọng. Khi công chúng của nghệ thuật trở thành vế thụ động, dĩ nhiên các nhà chuyên môn sẽ mặc sức công bố các tuyên ngôn nghệ thuật sau những phút “thăng hoa” đầy ngẫu hứng của cá nhân.
3. Phong cách của người đi trước
Dù sao thì danh xưng phong cách và xu hướng cũng có sức hấp dẫn rất là mãnh liệt. Vì vậy mà nhà thiết kế tài năng của các thế hệ sau vẫn tiếp tục “trình làng” những sáng tạo “hút hồn” để khẳng định vị trí “độc đáo” của mình trong “làng thiết kế”. Và kỳ lạ thay, dường như tất cả những bậc thầy ấy lại không mảy may quan tâm đến cái danh xưng phong cách/ xu hướng. Vấn đề họ đặt ra một cách nghiêm túc là: Làm thế nào để không là cái bóng của người khác?.
Isamu Noguchi, điêu khắc gia người Mỹ gốc Nhật Bản từng nói: “Việc giới hạn bản thân với một phong cách nhất định nào đó có thể khiến bạn trở thành chuyên gia về quan điểm hoặc trường phái cụ thể ấy, nhưng tôi không mong bản thân mình thuộc về bất cứ trường phái nào. Tôi luôn học hỏi và luôn khám phá”. Ông tin tưởng: Sự học hỏi và luôn khám phá mới là trọng tâm trong công việc thiết kế của bản thân. Khi chiêm ngưỡng các điêu khắc của Noguchi, dường như ta đang đọc một câu đố hơn là một lời giải. Và, rất có thể, chính ông cũng không dự định đưa ra một lời giải nào.
Khi biết mình được giải thưởng Pritzker danh giá, Toyo Ito nói: “Kiến trúc được ràng buộc bởi các vấn đề xã hội. Tôi thiết kế kiến trúc với tâm trí thường trực rằng chúng ta có thể phát hiện ra các không gian tiện nghi hơn nếu chúng ta được giải thoát khỏi các hạn chế cho dù chỉ một chút thôi. Tuy nhiên, khi một công trình hoàn thành, tôi đau đớn nhận ra sự không hoàn thiện của bản thân tôi và nó biến thành động lực cho tôi ở những dự án tiếp theo. Có lẽ quá trình này tiếp tục lặp đi lặp lại trong tương lai”. Và ông kết luận: “Chính vì vậy tôi không bao giờ theo đuổi một phong cách kiến trúc và không bao giờ hài lòng với các tác phẩm của mình”. Qua đó thấy rằng: Quan niệm thiết kế của ông chẳng liên quan gì đến phong cách.
Khi nhận được câu hỏi: “Làm thế nào để có những thiết kế độc đáo?” – Chi Wing Lo, nhà thiết kế Italy gốc Hồng Kông trả lời ngắn gọn: “Hãy bỏ qua từ “phong cách” và để cho rõ ràng hơn, ông giải thích: “Đó là phong cách của người khác, không phải của bạn. Khi bạn nói đến phong cách, tức là bạn đang tạo ra cho mình một giới hạn trong thiết kế. Hãy bỏ qua nó và thiết kế theo ý của bạn, cảm hứng riêng của bạn. Chỉ như vậy, bạn mới tạo ra được những thiết kế độc đáo, và lúc đó mọi người mới nói về nó như là phong cách của riêng bạn”
Từ phát biểu của ba nhà thiết kế tài năng không quan tâm đến phong cách trên đây, cho thấy một triết lý rõ ràng: Muốn khẳng định được phong cách và thiết kế độc đáo thì chỉ có thể dựa vào nội lực sáng tạo của chính bản thân mình.
Trong nghề thiết kế, sinh viên không được cổ súy việc sao chép tác phẩm và phong cách của một tác giả nổi tiếng, dù dưới danh nghĩa của nhu cầu học hỏi và rèn luyện. Việc có ích nhất trong mục tiêu nắm bắt các thủ pháp của các bậc thầy (cũng có nghĩa là học hỏi phong cách) là thông qua sự phân tích tác phẩm.
Luật Bản quyền nghiêm cấm việc sao chép tác phẩm của bất kỳ ai. Việc cố tình bắt chước phong cách của một tác giả nổi tiếng cũng là điều luôn bị chê trách, vì không bày tỏ được tinh thần sáng tạo, không vượt qua được cái “bóng dáng khổng lồ” của người khác. Công chúng nghệ thuật chỉ có thể được thuyết phục trước hết bởi việc mỗi tác giả đều phải tự trình bày cho được quan điểm thiết kế của riêng mình, trong những hoàn cảnh thiết kế có tính riêng biệt nhất. Thực vậy, không có một tình thế thiết kế nào là hoàn toàn giống nhau, trừ những công trình có nhu cầu thiết kế điển hình.
4. Diễn giải thị cảm và diễn giải tương tác
Sáng tạo nghệ thuật đương đại đã cho thấy những tác phẩm ưu tú nhất của thời đại không phải là những “lời giải tối ưu”, “không thể tranh cãi” về nghệ thuật cho một hoàn cảnh thiết kế cụ thể mà dường như là ngược lại. Các sáng tạo nghệ thuật ngày nay tạo nên phương thức được xem là những gợi ý, gợi mở để cho công chúng – người thưởng lãm tự “đọc và hiểu” tác phẩm, họ được quyền tự tìm ra những ý nghĩa không hề được ấn định trước. Không bị chi phối bởi văn hóa đại diện, các cách hiểu về một tác phẩm nghệ thuật giữa họ có thể sẽ rất khác nhau. Khi đó, hoạt động “tương tác” sẽ đóng vai trò chủ yếu trong quan hệ giữa công chúng – người thưởng lãm và tác phẩm, còn nhà thiết kế thì dường như chẳng còn vai trò gì – họ đã tạm thời lùi vào đằng sau “sân khấu”. Lúc này, vị thế của các phong cách và xu hướng nghệ thuật hoàn toàn trở thành thứ yếu. Trọng tâm của một tác phẩm nghệ thuật đã được “dịch chuyển” ra xa khỏi những vướng bận về phong cách và xu hướng và thật sự sẽ chỉ còn là hàng loạt các “câu hỏi và tình huống” để công chúng – người thưởng lãm tự mình tìm tới một lối “giải thích” khả dĩ trước những “gợi ý” của nhà thiết kế thay vì đồng tình với những “diễn giải” đại diện của họ. Hàng loạt các tác phẩm kiệt xuất trong những thập niên gần đây của các nhà thiết kế tài – danh như: Bernard Tschumi, Daniel Libeskind, Tadao Ando, Toyo Ito, Peter Eisenman, Anish Kapoor… đã là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển hướng rõ rệt của cách tiếp cận này. Công việc của các nhà sáng tạo chuyển từ diễn giải thị cảm sang diễn giải tương tác.
5. Thị trường, thị hiếu và sáng tạo
Xét cho cùng thì văn hóa là một sự lựa chọn. Việc lựa chọn, mô phỏng, sao chép mô hình của một nền văn hóa cụ thể nào đó cần được xem là công việc hết sức riêng tư của cả chủ đầu tư và người thiết kế. Nó thuộc về thị trường, thị hiếu. Một chủ nhân ưa thích phong cách cổ điển phương Tây hay phong cách Đông Dương thời kỳ thuộc Pháp… thì đó là một việc hoàn toàn riêng tư. Công việc của người thiết kế là thực hiện “đơn hàng” đó bằng tất cả “vốn liếng” chuyên môn của mình, nhưng cái vốn liếng ấy mà chỉ thuần túy những “motif” của phong cách ấy thôi thì chắc chắn là chưa đủ. Kinh tế thị trường cho phép mọi người được xây dựng những gì họ muốn nếu không trái với những qui định chung của nhà nước, không gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, những thị hiếu đại loại như vậy chưa khi nào được đánh giá cao trên các diễn đàn chính thống với hai lý do: Đó chỉ là sự sao chép quá khứ (vintage: Cổ điển, đặc trưng của một thời kỳ trong quá khứ – Từ điển Anh-Việt) và nhìn chung không phải là những sáng tạo nghệ thuật. Ở đây cần có sự phân biệt rõ ràng giữa thị trường, thị hiếu và sáng tạo; cần phân biệt rõ ràng giữa một diễn đàn chính thống (các cơ quan truyền thông, phát ngôn của các Hội nghề nghiệp và nhà nước…) với các tạp chí thương mại, quảng cáo…
Chủ đề của Tạp chí Kiến trúc trong số báo này cũng cho thấy việc xem phong cách và xu hướng thiết kế như là mục tiêu phải hướng đến, kết quả phải đạt được đã không còn hợp thời nữa. Mục tiêu này đang cho thấy: Quyền lợi của người sử dụng, thụ hưởng kiến trúc và nội thất phải là ưu tiên hàng đầu trong mọi sáng tạo nghệ thuật. Dưới đây là một vài ví dụ từ hoạt động thực tiễn của thiết kế kiến trúc và nội thất ở Việt Nam cho thấy phong cách và xu hướng đã được hình thành hoàn toàn tự nhiên và độc lập với những gì đã có từ trước.
- Đảm bảo sự tiện dụng: Là yêu cầu hiển nhiên của kiến trúc và nội thất, yêu cầu này hoàn toàn không nhằm tạo ra một thứ Chủ nghĩa Công năng Mới (Neo- Functionism) nào;
- Tạo dựng môi trường xanh tươi, thoáng mát, tiết giảm việc tiêu hao năng lượng vốn là những yêu cầu có tính nguyên tắc trong thiết kế kiến trúc và nội thất;
- Tận dụng nguồn vật liệu, kỹ thuật và nhân công địa phương… để giảm nhẹ các chi phí xây dựng, tăng hiệu quả kinh tế…;
- Có thể lấy nghệ thuật truyền thống (của tất cả các nền văn hóa) làm cảm hứng thiết kế, vì điều ấy tạo nên mối liên hệ tự nhiên với văn hóa và lịch sử trong các không gian kiến trúc và nội thất đương đại. Trên thực tế, việc viện dẫn, khai thác nghệ thuật truyền thống là vũ khí lợi hại nhất cho việc chống lại Toàn cầu hóa (Globolization) hiện nay. Đây mới chính là điều thiết thực cần thực thi.
Với các phương thức nêu trên, sẽ là những gợi ý để việc thiết kế kiến trúc và nội thất được tiến hành một cách hoàn toàn tự chủ. Người thiết kế đương đại không cần phải quan tâm quá mức đến sự xếp loại, đánh giá các sản phẩm của bản thân có đáp ứng tiêu chí của một phong cách và xu hướng thịnh hành nào hay không.
6. Kết luận
Với bốn phương châm thiết kế nêu trên đều đã phản ánh chân thực bản chất của kiến trúc và nội thất là phục vụ cuộc sống của con người theo hướng phát triển bền vững mà không cần viện dẫn đến bất kỳ một phong cách và xu hướng thiết kế nào. Khi đó, các phong cách và xu hướng thiết kế có sẵn không còn là mục đích tự thân của các thiết kế mới, mà chính những ý tưởng thiết thực, cảm hứng và bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật theo con đường cách tân sẽ tạo nên những phong cách và xu hướng thiết kế ngày một mới – lạ.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - Mẫu 6
Minimalism (hay lối sống tối giản) đang ngày càng được giới trẻ yêu thích. Không chỉ trong việc trang trí nhà cửa, thời trang. Trào lưu này còn ảnh hưởng đến cả cách sống, cách suy nghĩ mang lại những thay đổi tích cực và trở thành trào lưu sống mới.
1. Minimalism và phong cách sống tối giản của người Nhật
Minimalism (chủ nghĩa tối giản) là một phong trào nghệ thuật ở New York (Mỹ) được chú ý và phát triển vào những năm đầu thập niên 1960. Ban đầu hình thức này chỉ phát triển trong 2 lĩnh vực chính là điện ảnh và âm nhạc. Dần dần nó đã trở nên phổ biến như một triết lý và một cách sống.
Và đó cũng là phong cách sống được ưa chuộng của người Nhật – Danshari. Tương truyền rằng, từ thời kỳ Edo, người Nhật Bản đã bị giới hạn bởi các luật lệ ngăn chặn sự khoe khoang của cải, vật chất và tài sản. Cùng với những đặc trưng về điều kiện địa lý, 30-50% nguyên nhân thương vong là do đồ đạc rơi vỡ. Điều ấy khiến người Nhật buộc phải tối giản nhiều hơn đồ đạc, nội thất. Dần dần, Danshari đã trở thành lối sống và là biểu tượng trong phong cách sinh hoạt của người Nhật.
2. Sống tối giản là chỉ cần vứt bớt đồ đạc?
Khi nhắc đến tối giản nhiều người nghĩ rằng: tối giản đồng nghĩa với vứt bớt đồ đạc để nhà gọn gàng hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu tiên trong hành trình sống tối giản mà thôi.
Sasaki Fumio – tác giả của cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” – đã từng nói rằng: “Sống tối giản là lối sống cắt giảm đồ dùng trong nhà đến mức tối đa, chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết nhất. Lợi ích của lối sống này không đơn thuần chỉ là lợi ích bên ngoài như không gian thoáng đãng, dọn dẹp dễ dàng… Nó còn mang lại lợi ích cho chính tâm hồn chúng ta”.
Lối sống này có thể áp dụng ở rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống như:
Tối giản thông tin: chọn lọc những thông tin hữu ích và tích cực để theo dõi.
Tối giản mối quan hệ: tập trung thời gian cho những mối quan hệ thân thiết “chất lượng hơn số lượng”.
Tối giản giải trí: Chọn lọc những chương trình bên cạnh việc giải trí còn đem lại giá trị nhân văn, giá trị kiến thức…
Giá trị cốt lõi của lối sống tối giản chính là sống đơn giản, nhẹ nhõm, hạnh phúc hơn nhưng vẫn đủ đầy. Thay vì mua sắm thật nhiều thì lối sống tối giản khiến chúng ta mang những giá trị vào chính cuộc sống của mình. Tập trung vào những thứ quan trọng nhất khiến bạn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.
3. Vì sao Minimalism dần trở thành trào lưu của người trẻ toàn cầu?
Cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ khiến chúng ta để ý. Việc dành thời gian quan tâm đến bản thân và gia đình sẽ thành một điều xa xỉ. Áp lực về tài chính, mệt mỏi vì cứ chạy theo xu hướng. Sự cô độc, khoảng cách giữa người với người ngày càng tăng. Giới trẻ muốn tìm đến một phong cách sống đơn giản hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống từ vật chất đến tinh thần. Và đó là lúc Minimalism phát huy hiệu quả.
Minimalism giúp giới trẻ có một không gian sống rộng rãi và thoáng đáng. Bỏ đi những vật dụng không sử dụng, ít sử dụng và học cách sắp xếp căn phòng.
Minimalism giúp giới trẻ cân đối lại nhu cầu mua sắm của bản thân. Không mua món đồ chỉ vì thích mà không dùng tới, họ mua những thứ thật sự cần thiết. Không chạy theo thời trang, hàng hiệu họ hướng tới những trang phục mang tính ứng dụng nhiều hơn. Dần dần buông bỏ được nỗi ám ảnh về của cải vật chất để cảm thấy nhẹ nhàng, bình an hơn.
Minimalism không chỉ tác động đến cuộc sống hàng ngày mà còn giúp thanh lọc cả “đời sống tinh thần”. Giảm thời gian dọn dẹp, mua sắm nghĩa là dành được nhiều thời gian hơn cho bản thân. Tối giản thông tin, giải trí, từ chối các tin tức “lá cải” vô bổ. Tập trung tới những điều tích cực khiến tinh thần trở nên vui vẻ, thoải mái hơn. Tối giản những mối quan hệ giúp họ có được những sự gắn kết bền chặt.
Và một ý nghĩa cực kỳ quan trọng khác đó là Minimalism giúp mọi người đến gần hơn với mục tiêu của mình. Một cuộc sống đủ đầy và tự do là chính mình.
4. Các bước để bắt đầu rèn luyện lối sống tối giản
Bước 1: Buông bỏ những đồ vật không sử dụng trên 3 tháng
Hãy bắt đầu quan sát tất cả đồ vật trong căn nhà và lên danh sách những món đồ thực sự cần thiết. Bắt đầu từ tủ quần áo, giày dép, bàn, ghế, đồ gia dụng, chén bát… Những đồ vật không sử dụng trên 3 tháng, những bộ quần áo từ lâu nhưng chỉ mặc có 1, 2 lần hãy quyết tâm buông bỏ chúng.
Bạn nên dùng những món đồ đó để làm từ thiện hoặc đăng bán để thu về một khoản nho nhỏ. Nên nhớ, hãy mạnh dạn buông bỏ. Thực chất món đồ khiến bạn phải suy nghĩ nó không thực sự cần thiết như cách bạn nghĩ đâu.
Khi đồ đạc trong nhà đã giảm đi một cách đáng kể, bạn đã sẵn sàng sang bước thứ hai.
Bước 2: Sắp xếp lại không gian sống, chỉ trưng bày những đồ sử dụng thường xuyên
Một số tips giúp bạn sắp xếp lại đồ đạc một cách khoa học hơn:
- Chọn nội thất cơ bản và tối giản
- Ưu tiên hộp đựng đồ lặt vặt
- Đồng nhất màu sắc cho vật dụng
- Sắp xếp đồ đạc theo phương pháp gấp theo chiều dọc
- Phân loại và sắp xếp quần áo theo từng nhóm đồ đi làm, đi chơi, đi tiệc, ở nhà.
- Bố trí các vật dụng thường xuyên ở nơi dễ thấy
- Tận dụng mọi ngóc ngách
- Sắp xếp không gian nghỉ ngơi
- Luôn tạo thói quen cất đồ gọn gàng
Bước 3: Chi tiêu cẩn thận, có kế hoạch
Hãy lên danh sách chi tiêu trong một tháng và chỉ tiêu trong hạn mức cho phép. Trước khi mua một món đồ hãy trả lời 3 câu hỏi sau:
- Sản phẩm này sẽ sử dụng trong bao lâu?
- Sản phẩm này có sở hữu nhiều công dụng khác nhau?
- Sản phẩm này có sử dụng thường xuyên không?
Minimalism không có nghĩa là mua những món đồ rẻ để tiết kiệm. Nhiều khi việc mua đồ rẻ nhưng nhanh hỏng sau vài lần dùng thì càng khiến bạn tốn kém. Hãy mua đồ chất lượng để kéo dài thời gian sử dụng. Những người thực sự theo chủ nghĩa tối giản thường rất quan tâm đến tuổi thọ sản phẩm và tính hữu dụng.
Bước 4: Duy trì lối sống tối giản như một thói quen
Hãy lên kế hoạch dọn dẹp nhà 1 lần/tháng và duy trì lối sống này cho đến khi nó trở thành thói quen. Dần dần nó sẽ thay đổi những phương diện khác trong đời sống của bạn.
Minimalism đang mang đến những điều tích cực trong cuộc sống của người trẻ. Lối sống này giúp họ hiểu được rằng: “bí quyết để có được niềm vui không đến từ mong muốn sở hữu nhiều hơn, mà là từ sự thỏa mãn với những gì đang có”. Nếu mỗi ngày trôi qua bạn đang phải vật lộn với bao thứ bủa vây, mệt mỏi với cuộc sống. JinJoo Home hy vọng lối sống tối giản là một gợi ý để bạn có thể đến gần hơn với cuộc sống hạnh phúc mình mong muốn.
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - Mẫu 7
Tóm tắt:
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, quan sát, phỏng vấn để: xác định và đánh giá thực trạng tâm lý tự ti ở bộ phận các bạn trẻ Việt Nam ngày nay, từ đó đưa ra những giải pháp để cải thiện và vượt qua tâm lí tự ti cho các bạn.Khảo sát được thực hiện tại một trường thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.
1. Mở đầu:
Ở Việt Nam nó riêng và Châu Á nói chung , dù chăm chỉ, tài giỏi và đầy tiềm năng, người trẻ hiện nay luôn cảm thấy bản thân không xứng đáng với những thành tựu đạt được.Phải chăng đó là thành quả của phương pháp giáo dục "thương cho roi,cho vọt" , hay trong mắt một số bậc phụ huynh Châu Á, con cái luôn là người “nói không suy nghĩ, làm không chắc chắn”; thậm chí nhiều cha mẹ cứ đặt ra tiêu chuẩn quá cao thiếu thực tế cho con cái mình. Hơn thế nữa,khi 1 đứa trẻ làm kiểm tra không tốt, cha mẹ cứ thế mà mắng mà phạt, quy vào tội “vi phạm kỷ luật”, giáo viên bắt phải đứng giữa lớp cho mọi người phê bình, không hề có sự tôn trọng nào đối với trẻ.....Thế hệ trẻ ngày nay trở thành đối tượng dễ mắc phải các hội chứng tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu. Với những áp lực ấy, họ dần thấy sợ phải thử,phải làm và sợ vấp ngã,dần dần bị chìm nghỉm trong tâm lý tự ti,mặc cảm; để mặc nó nhấn chìm bản thân họ…Nhận thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề này, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi: Thực trạng tâm lý tự ti của các bạn trẻ hiện nay như thế nào? Yếu tố dẫn tới tâm lý tự ti và sự ảnh hưởng của tâm lí ấy đối với người mắc phải là gì? Cần có những biện pháp khắc phục để thay đổi tâm lý tự ti trong đời sống nào?
Các phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng là: (1) quan sát một số bạn học sinh tại trường về các biểu hiện tâm lí, hành động hàng ngày, (3) phỏng vấn các bạn học sinh về tự ý thức bản thân có đang là đối tượng mắc tâm lý tự ti, (3) nghiên cứu tài liệu về tâm lý con người như Tâm Lý Học Hành Vi (Khương Huy), Giải Mã Hành Vi – Bắt Gọn Tâm Lý,...Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 03/2022 - 04/2022 tại trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, THPT Nguyễn Thị Minh Khai - Phúc Diễn,....
2. Nội dung nghiên cứu
2.1 Khái niệm tâm lý tự ti:
Tự ti hiểu đơn giản là một nét tính cách và chúng luôn hiện hữu bên trong mỗi chúng ta,là một biểu hiện trạng thái hết sức bình thường ; nhưng nếu không sẵn sàng bước ra khỏi cái vỏ bọc đó, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào vòng xoáy ám ảnh tâm lý và bị “nó” đánh gục. Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, khi đối mặt với một số người hoặc một số thời điểm nhất định, họ đều có chung cảm giác tự ti.Nguyên nhân của tâm lí ấy xuất hiện từ việc tất cả chúng ta đều mong muốn mình trở thành một phiên bản tốt nhất,hoàn hảo nhất. Tự ti là con dao hai lưỡi,đôi khi trạng thái tự ti là động lực thúc đẩy con người vượt lên khó khăn, hoàn thiện bản thân hơn; nhưng ngược lại nếu tự ti quá mức sẽ khiến chúng ta tự hạ thấp mình,coi nhẹ bản thân,nghi ngờ khả năng của mình,luôn cho rằng mọi người cười nhạo,chê bai mình rồi từ đó ngại giao tiếp,sống thu mình trong tập thể,….
2.2 Kết quả nghiên cứu và đề xuất
2.2.1. Thực trạng tâm lý tự ti của các bạn trẻ:
Thống kê được thực hiện ở 130 bạn trẻ trong độ tuổi từ 16 – 17 tuổi cho thấy, có đến 9.4% bạn có biểu hiện sống khép kín,tự ti và mặc cảm.
Tâm lí tự ti có thể do áp lực từ việc học tập: áp lực về kết quả học tập không được như bản thân kỳ vọng, tự ti với bạn bè trong lớp. Đồng thời, học sinh còn thiếu các kỹ năng học tập nền tảng (kỹ năng đọc sách,thuyết trình, làm việc nhóm...) để thích nghi với sự thay đổi về mặt tâm sinh lý của mình.
Tự ti tuy chỉ là một nét tính cách và chúng luôn hiện hữu bên trong mỗi chúng ta, đó là một biểu hiện trạng thái hết sức bình thường ; nhưng nếu không sẵn sàng bước ra khỏi cái vỏ bọc đó, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào vòng xoáy ám ảnh tâm lý và bị “nó” đánh gục, có thể thấy thiếu tự tin được xem như là “hòn đá” cản đường khiến bạn lỡ mất nhiều cơ hội thành công, không thể bước tiếp đến những mục tiêu, ước mơ của mình.
2.2.2. Đề xuất một số giải pháp để cải thiện và vượt qua tâm lí tự ti.
Đứng trước hệ quả mà tự ti gây ra,mỗi bạn trẻ nên có những giải pháp khắc phục tâm lý tự ti phù hợp với bản thân mình. Thêm vào đó, vai trò của gia đình, bạn bè và nhà trường cũng hết sức quan trọng đối với sự cải thiện này.
Mỗi bạn học sinh nên bắt đầu học cách giao tiếp, thêm vào đó, không ngừng trau dồi kiến thức cho bản thân, đặt cho bản thân nhiều mục tiêu để phấn đấu hoàn thiện bản thân. Hơn nữa, các bạn nên học cách chấp nhận bản thân mình, không nên so sánh với người khác, luôn giữ vững lập trường.
Bạn bè đồng trang lứa nên tạo ra những cơ hội cùng nhau tham gia trong các hoạt động tập thể và cùng sẻ chia niềm vui,nỗi buồn,những khó khăn trong cuộc sống. Nhà trường và xã hội nên tạo thêm nhiều những hoạt động xã hội lành mạnh giúp các bạn dễ dàng thể hiện bản thân mình, trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân họ, đồng thời đó cũng là cơ hội để các bạn ấy được gặp gỡ và tương tác với những người khác cùng sở thích.
Cha mẹ nên xây dựng bầu không khí gia đình vui vẻ, hòa thuận, chia sẻ lẫn nhau, lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, tôn trọng con cái, phát triển tính tự trọng am hiểu của con.
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Ngân (2022), Tự ti – vật cản lớn nhất trên con đường phát triển của Gen Z, báo Dân Trí.