Chuyên đề Địa Lí 12 Kết nối tri thức Những vấn đề chung về thiên tai

53

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề Địa lí lớp 12 Những vấn đề chung sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề học tập Địa lí 12. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Địa lí 12 Những vấn đề chung

Mở đầu trang 41 Chuyên đề Địa Lí 12: Làng nghề ở nước ta có lịch sử phát triển lâu đời và phân bố rộng khắp đất nước. Phát triển làng nghề là giải pháp kinh tế quan trọng góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Các làng nghề nước ta có đặc điểm và vai trò như thế nào? Hình thành và phát triển ra sao? Những tác động của làng nghề đối với kinh tế, xã hội và môi trường là gì?

Lời giải:

- Đặc điểm và vai trò của các làng nghề nước ta:

+ Đặc điểm: là một bộ phận của kinh tế nông thôn và gắn bó với sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng và nguồn nguyên liệu thường là tại chỗ, đặc biệt là các làng nghề truyền thống; có sự kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ mới trong sản xuất; hình thức tổ chức sản xuất ngày càng phong phú; thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng.

- Sự hình thành và phát triển làng nghề:

+ Sự hình thành: hộ nông nghiệp => hộ nông nghiệp + nghề phụ => hộ chuyên nghề => phường nghề = > làng nghề, xã nghề.

+ Sự phát triển: gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa và kinh tế, từ thời kì Phùng Nguyên đến thời Lý – Trần, thời nhà Lê, Mạc, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, thời Pháp Thuộc và từ 1945 đến nay.

- Những tác động của làng nghề đối với kinh tế, xã hội và môi trường:

+ Đối với kinh tế: tích cực: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nguồn thu ngoại tệ; tạo ra nhiều việc làm; thúc đẩy hiện đại hóa, đô thị hóa khu vực nông thôn; văn hóa – xã hội ở nông thôn được nâng cao, tình hình an ninh chính trị được đảm bảo; bảo tồn văn hóa dân tộc. Tiêu cực: sự cạnh tranh không lành mạnh; chênh lệch trong thu nhập giữ người thợ làm thuê và người chủ hoặc thương nhân; tạo ra áp lực xã hội đối với những người làm việc trong làng.

+ Đối với tài nguyên, môi trường: tích cực: tận dụng tài nguyên, giảm thiểu chi phí vận chuyển và nhập khẩu; giữ cho các nguồn tài nguyên tự nhiên của địa phương không bị khai thác quá mức, lãng phí; bảo tồn tài nguyên, giảm áp lực lên môi trường tự nhiên. Tiêu cực: gây cạn kiệt tài nguyên; ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng sức khỏe, đời sống cộng đồng, gây tổn thất kinh tế, mất an ninh, trật tự.

1. Khái niệm

Câu hỏi trang 42 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục I.1, hãy trình bày khái niệm làng nghề và tiêu chí xác định làng nghề.

Lời giải:

- Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân tư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn.

- Tiêu chí xác định làng nghề:

+ Có tối thiểu 20% số hộ trên địa bàn tham gia.

+ Có tối thiểu 2 năm liên tục sản xuất kinh doanh ổn định.

+ Đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định hiện hành.

2. Đặc điểm làng nghề

Câu hỏi trang 44 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục I.2, hãy trình bày các đặc điểm của làng nghề Việt Nam.

Lời giải:

- Là một bộ phận của kinh tế nông thôn và gắn bó với sản xuất nông nghiệp:

+ Nghề thủ công bắt đầu từ nông nghiệp gắn với phân công lao động ở nông thôn. Lao động trong các làng nghề chủ yếu là lao động trong gia đình. Các gia đình tự quản lí, phân công lao động, thời gian phù hợp giữa sản xuất nông nghiệp lúc mùa vụ với nghề thủ công lúc nhàn rỗi.

+ Hoạt động của làng nghề vừa mang tính chất ngành nghề vừa có tính lãnh thổ.

- Cơ sở hạ tầng và nguồn nguyên liệu thường là tại chỗ, đặc biệt là các làng nghề truyền thống:

+ Do quy mô sản xuất nhỏ, nguồn vốn hạn chế nên nơi ở của các hộ gia đình cũng thường là nơi sản xuất của làng nghề, không gian chung của làng cũng chính là nơi sản xuất, trưng bày và buôn bán sản phẩm làng nghề.

+ Hầu hết các làng nghề truyền thống được hình thành xuất phát từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Một số nguyên liệu phải nhập từ vùng khác nhưng không nhiều.

- Có sự kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ mới trong sản xuất:

+ Công nghệ truyền thống là những kĩ thuật sản xuất do chính người lao động trong làng nghề tạo ra. Đó là những bí quyết, kinh nghiệm của người thợ được tích lũy qua nhiều thế hệ. Sản phẩm của làng nghề thường mang những đặc trưng riêng biệt, được tạo ra bởi bàn tay khéo léo và kĩ thuật sản xuất tinh tế.

+ Sự kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ mới đang trở thành một xu hướng phát triển trong sản xuất của làng nghề Việt Nam. Các làng nghề đã tìm cách kết hợp những kĩ thuật sản xuất truyền thống với các công nghệ tiên tiến để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu thị trường.

- Hình thức tổ chức sản xuất ngày càng phong phú:

+ Đa số cơ sở sản xuất kinh doanh ở làng nghề là hộ gia đình, sản xuất trên diện tích nhỏ. Ưu điểm là tự chủ, tận dụng được lao động, thời gian nhàn rỗi và cơ sở vật chất sẵn có tại gia đình. Tuy nhiên, bị hạn chế về năng lực quản lí, năng lực tài chính, khó khăn khi đổi mới công nghệ, khó tiếp nhận các đơn đặt hàng lớn.

+ Tại một số làng nghề lớn đã xuất hiện các mô hình sản xuất khác như tổ hợp tác, hợp tác xã,… Giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng nguồn vốn, tăng cường quản lí và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

+ Các công ty, các doanh nghiệp công nghiệp ở nông thôn được phát triển ở những làng nghề có khả năng đổi mới công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh trên thị trường.

+ Cụm công nghiệp làng nghề là một mô hình sản xuất mới tại các làng nghề ở nước ta. Không chỉ sản xuất những sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới mà còn sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao xuất khẩu ra nước ngoài.

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng:

+ Các làng nghề khi mới hình thành, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương. Khi đó, thị trường tiêu thụ có tính đặc thù, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ ở vùng nông thôn.

+ Khi nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, hội nhập nền kinh tế thế giới đã mở rộng thị trường tiêu thụ cho các làng nghề, bao gồm cả thị trường trong và ngoài nước.

+ Thị trường tiêu thụ các sản phẩm làng nghề đang được mở rộng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử.

+ Sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm các điểm du lịch Việt Nam có thể mua các sản phẩm làng nghề làm quà lưu niệm.

3. Quá trình hình thành và phát triển làng nghề Việt Nam

Câu hỏi trang 45 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục I.3, hãy trình bày quá trình hình thành và phát triển làng nghề ở nước ta

Lời giải:

- Quá trình hình thành: các làng nghề truyền thống nước ta đều ra đời ở nông thôn và tách dần từ nông nghiệp. Ban đầu, việc sản xuất các sản phẩm phi nông nghiệp là một bộ phận trong toàn bộ hoạt động của người nông dân. Sau đó, những ngành nghề phụ dần trở thành ngành sản xuất chính ở một số làng. Song, để đảm bảo cuộc sống ổn định, người dân làng nghề vẫn duy trì nghề nông và đi buôn bán hoặc làm thêm nghề khác. Sự hình thành: hộ nông nghiệp => hộ nông nghiệp + nghề phụ => hộ chuyên nghề => phường nghề = > làng nghề, xã nghề.

- Lịch sử phát triển:

+ Thời kì Phùng Nguyên (3000 TCN), người Việt đã sáng chế ra kĩ thuật chế tác đá và sản xuất gốm. Đến thời kì Đông Sơn, phát minh ra công thức hợp kim đồng thau, đồng thanh và phát triển 7 nhóm nghề thủ công lớn( luyện kim, chế tạo đồ gốm, chế tạo thủy tinh, mộc và sơn, dệt vải, đan lát, chế tác đá).

+ Thời Lý – Trần (thế kỉ XI – XIV): một trong những giai đoạn phát triển mạnh mẽ ngành nghề thủ công. Các ngành nghề phát triển mạnh là nghề gốm, kiến trúc xây dựng, chạm khắc gỗ và đá, sơn, giấy dó, dệt tơ lụa, đúc đồng, kim hòa, đóng thuyền,…

+ Thời nhà Lê, nhà Mạc (thế kỉ XV – XVII): làng nghề thủ công tiếp tục ra đời và phát triển. Hình thành 36 phố phường của Kinh thành Thăng Long với các phường nghề: làm giấy dó Yên Thái, dệt vải lụa Nghi Tàm, đúc đồng Ngũ Xá, phường Hàng Bạc, phường Hàng Trống,…

+ Thời kì Trịnh – Nguyễn phân tranh (thế kỉ XVI – XVII) thủ công nghiệp mang tính chất nghề phụ tiếp tục phát triển ở cả Đàng Trong, Đàng Ngoài. Chính sách mở cửa, khuyến khích và bảo trợ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã thu hút được một số lượng lớn lao động thủ công lành nghề miền Bắc vào sinh sống và lập nghiệp. Thời kì xuất hiện nhiều làng nghề thủ công có nguồn gốc từ miền Bắc như: đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, đá mĩ nghệ Non Nước, sơn mài Tân Bình Hiệp,…

+ Thời Pháp thuộc (1858 – 1945), chính quyền thực dân Pháp có một số hoạt động khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công. Một số trung tâm sản xuất thủ công mĩ nghệ đã hình thành ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quy Nhơn, Phan Thiết, Sài Gòn, Biên Hòa,…

+ Từ năm 1945 đến nay: làng nghề Việt Nam đã trải qua những giai đoạn phát triển thăng trầm khác nhau, gắn liền với sự biến động của thị trường trong và ngoài nước, sự chuyển đổi trong cơ chế quản lí cùng với chính sách phát triển các thành phần kinh tế của Nhà nước.

Xem thêm lời giải Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

I. Những vấn đề chung

II. Phát triển làng nghề và các tác động

III. Thực hành: Tìm hiểu làng nghề ở địa phương

Xem thêm lời giải Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá