Dựa vào nội dung mục III.3.a, hãy trình bày về các vùng nông nghiệp ở nước ta

187

Với giải Câu hỏi trang 34 Chuyên đề Địa Lí 12 Kết nối tri thức chi tiết trong Chuyên đề 12.2: Phát triển vùng giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề Địa Lí 12. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Địa lí 12 Chuyên đề 12.2: Phát triển vùng

Câu hỏi trang 34 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào nội dung mục III.3.a, hãy trình bày về các vùng nông nghiệp ở nước ta.

Lời giải:

- Vùng sinh thái nông nghiệp: gồm 7 vùng duy trì cho đến hiện nay.

+ Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: cây công nghiệp lâu năm cận nhiệt như chè, cây dược liệu như hồi, quế,… Trong vùng trồng một số cây công nghiệp hàng năm như đậu tương, thuốc lá, lạc,… và cây ăn quả. Là vùng phát triển chăn nuôi gia súc lớn, đặc biệt là trâu, bò, lợn.

+ Vùng Đồng bằng sông Hồng: sản xuất lúa gạo, trồng cây thực phẩm, cây công nghiệp hàng năm; chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi bò sữa.

+ Vùng Bắc Trung Bộ: trồng lúa ở dải đồng bằng Thanh – Nghệ - Tĩnh, một số loại cây ăn quả và cây công nghiệp hàng năm. Là địa bàn trọng điểm về chăn nuôi gia súc lớn, đàn bò đứng đầu cả nước, chăn nuôi trâu, lợn. Ngành thủy sản nghiêng về nuôi trồng nhưng vai trò không đáng kể.

+ Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: cây công nghiệp hàng năm, lúa, chăn nuôi lợn và bò thịt; thế mạnh trong khai thác hải sản.

+ Vùng Tây Nguyên: cây cà phê và một số sản phẩm cây công nghiệp lâu năm khác như cao su, hồ tiêu, chè,… là vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt lớn.

+ Vùng Đông Nam Bộ: cao su, điều, hồ tiêu,… một số cây công nghiệp hàng năm như mía, lạc,… Chăn nuôi bò sữa quanh khu vực TP Hồ Chí Minh, khai thác hải sản phát triển mạnh ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: sản xuất lúa, chiếm hơn 1 nửa diện tích, sản lượng lúa và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Là vùng trồng cây ăn quả nhiệt đới có giá trị hàng hóa, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chăn nuôi gia cầm phát triển, nhất là nuôi vịt. Là vùng sản xuất thủy sản trọng điểm số một cả nước, phát triển cả khai thác và nuôi trồng. Nuôi trồng chiếm hơn 70% về diện tích cũng như sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước.

- Vùng nông nghiệp chuyên canh:

+ Có quy mô rất linh hoạt, có thể là cả một vùng nông nghiệp. Trong trồng trọt có các vùng chuyên canh cây công nghiệp như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Trung Du và miền núi Bắc Bộ; chuyên canh cây lương thực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Các vùng chuyên canh không bao trùm hết toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Có thể là một lãnh thổ nhỏ hơn nằm trong một vùng nông nghiệp (vùng chuyên canh mía ở Đồng bằng sông Cửu Long), hoặc một địa phương cấp tỉnh, có mức độ chuyên môn hóa sâu về một sản phẩm (vùng chuyên canh vải ở Hải Dương, Bắc Giang,…).

+ Trong các lĩnh vực khác, có các vùng chuyên môn hóa hoặc gọi là vùng sản xuất trọng điểm như vùng chăn nuôi gia súc lớn (trâu, bò) ở Trung Du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; chăn nuôi lợn ở Đồng bằng sông Hồng; vùng sản xuất thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long,…

- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:

+ Về trồng trọt: phát triển các vùng sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao, tập trung như: cà phê tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; chè tại Thái Nguyên, Lâm Đồng; thanh long tại Bình Thuận; rau tại Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; hoa tại Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; cây ăn quả chủ lực xuất khẩu tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Về chăn nuôi: phát triển các vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tập trung như: bò sữa tại Sơn La, Hà Nội, Nghệ An, Lâm Đồng; lợn tại vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; gia cầm tại Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Về thủy sản: phát triển các vùng sản xuất tôm nước mặn, nước lợ ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

 
Đánh giá

0

0 đánh giá