Soạn bài Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện | Cánh diều Ngữ văn lớp 12

1.5 K

Tài liệu soạn bài Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện Ngữ văn lớp 12 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện

*Định hướng

Câu hỏi trang 35 SGK Ngữ văn 12 Tập 1: a. Đọc và tìm hiểu văn bản sau rồi trả lời các câu hỏi bên dưới:

- Văn bản lựa chọn cấp độ nào để tiến hành so sánh? Việc so sánh dựa trên những tiêu chí nào

- Việc lập bảng có tác dụng gì trong thao tác so sánh? Xác định hai ý chính trong đoạn văn sau bảng. Hai ý này có quan hệ thế nào với những tiêu chí lập bảng ở trên

- Những khác biệt nào giữa hai tác phẩm được nêu ra ở văn bản ?

b. Văn bản trên có đáp ứng của một bài so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện không? Vì sao?

Lời giải:

a. Trả lời câu hỏi:

- Văn bản lựa chọn so sánh cấp độ mô típ truyện. Việc so sánh dựa trên các tiêu chí:

+ Điểm tương đồng: tiêu chí nhân vật, tình cảm giữa hai nhân vật chính, kết thúc tác phẩm

+ Điểm khác biệt: tiêu chí nhân vật, tình cảm giữa hai nhân vật chính, trở ngải của tình yêu, kết thúc

- Việc lập bảng có tác dụng: dễ dàng nhìn các sự khác biệt, giống nhau giữa các tác phẩm và từ đó, phân tích chúng một cách dễ dàng hơn.

Hai ý chính trong đoạn văn sau bảng:

+ Việc tiếp thu, sáng tạo mô típ cốt truyện Trương Chi của tác giả Vũ Trinh

+ Phân tích giá trị nội dung của hai tác phẩm

Mối quan hệ thế với những tiêu chí lập bảng ở trên: là sự phân tích, nhận xét được rút ra khi lập bảng so sánh của người viết về mô típ truyện của hai tác phẩm “ Câu chuyện tình ở Thanh Trì” và “ Trương Chí”

- Sự khác biệt được nêu ra của hai văn bản: nhân vật, tình cảm giữa hai nhân vật chính, trở ngại tình yêu và kết thúc

b. Văn bản trên đã đáp ứng của một bài so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện. Vì văn bản có đủ nội dung của một bài so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện: đưa ra đối tượng và phạm vi so sánh, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm và rút nhận xét, đánh giá của bản thân.

*Thực hành viết

Câu hỏi trang 38 SGK Ngữ văn 12 Tập 1: So sánh yếu tố kì ảo trong: “ Chuyện chức phán sự đền tản viên” của Nguyễn Dữ với yếu tố kì ảo trong truyện cổ tích “ Thạch Sanh”

Lời giải:

Việc sử dụng yếu tố kì ảo của hai tác phẩm có nhiều điểm tương đồng. Trước hết, trong cả hai tác phẩm Chuyện chức phán sự Đền Tản Viên và truyện cổ tích Thạch Sanh đều xuất hiện những nhân vật kì ảo, không có thật. Trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, hình ảnh các nhân vật kì ảo được miêu tả vô cùng chi tiết, ẩn giấu những ý nghĩa như hồn ma tướng giặc Bách hộ họ Thôi là tên tướng bại trận của Bắc Triều, cái hồn bơ vơ ở Nam Triều, tranh miếu chiếm đền Thổ Công. Đây là hiện thân của cái ác, lừa lọc, giả dối. Hay hình ảnh nhân vật Thổ Công giữ chức Ngực sự đại phu từ thời Lý Nam Đế, chết vì cần vương.. Diêm Vương là người đứng đầu Minh ti, trực tiếp phán xử vụ án giữa Tử Văn và hồn ma tướng giặc. Đây đều là những nhân vật kì ảo, không có thực, góp phần thể hiện cốt truyện. Còn trong truyện cổ tích Thạch Sanh, cũng có những nhân vật không có thực, chỉ tồn tại trong thế giới cổ tích như: Ngọc Hoàng, thái tử, chằn tinh.. , đồ vật thần kì như niêu cơm thần ăn mãi không hết, tiếng đàn giúp cho Thạch Sanh được giải oan. Tiếp đó, sự tương đồng còn được thể hiện trong mô típ của cả hai tác phẩm: vong hồn vẫn còn tồn tại sau khi chết, trong thế giới thần linh có sự phân chia Thiện- Ác… Đây là mô típ với những tình tiết khá quen thuộc xuất hiện trong nền văn học Việt Nam từ thể loại truyện cổ tích thần kì tới truyện truyền kì.

Mặc dù vậy, yếu tố kì ảo được sử dụng có những điểm khác biệt nhất định. Đầu tiên, sự xuất hiện của nhân vật chính trong cả hai tác phẩm: Truyện Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên với nhân vật chính là Ngô Tử Văn, được tác giả giới thiệu vô cùng cụ thể: tên, nơi sinh gắn với những địa điểm có thật “huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang”. Truyện cổ tích Thạch Sanh, nhân vật chính Thạch Sanh có nguồn gốc xuất thân kì ảo: Là thái tử do Ngọc hoàng cử xuống đầu thai làm con của hai vợ chồng già nghèo khó nhưng tốt bụng luôn giúp đỡ mọi người…Tiếp đó, sự khác nhau được thể hiện trong kết thúc truyện: Nếu như trong Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên, Tử Văn trở về, nhận chức phán sự đền Tản Viên thì ở truyện cổ tích Thạch Sanh, Thạch Sanh được kết duyên với công chúa và được truyền lại ngôn vua. Hơn thế nữa, về giá trị của tác phẩm được thể hiện qua mô típ chuyện cũng có nhiều điểm riêng biệt: Truyện cổ tích Thạch Sanh đã đề cao triết lý sống: “ ở hiền gặp lành”, kẻ ác phải chịu báo ứng còn trong Chức phán sự đền Tản Viên đề cao sự cứng cỏi, can đảm của kẻ sĩ, đấu tranh tìm sự công bằng không phải cho mình mà cho người yếu thế.

Qua sự phân tích, đánh giá giữa những điểm tương đồng và khác biệt, ta có thể thấy yếu tố kì ảo trong thể loại truyền kì là sự kế tục của thể loại văn học dân gian: Sự xuất hiện của những nhân vật kì ảo không có thực hay là mô típ truyện có những chi tiết hoang đường, huyền ảo như: người chết sống lại, thế giới thần linh cũng phân chia thiện ác… Dòng truyện kì ảo trung đại, dù vẫn còn mang bóng dáng của văn học dân gian, nhưng đây là những sáng tác đậm dấu ấn cá nhân của tác giả, gắn liền với sự bừng ngộ, sự ý thức của con người đối với hiện thực. Cảm hứng của Nguyễn Dữ khi sáng tác Truyền kì mạn lục là lấy cái “ kì” để nói cái “ thực”.. Vì lẽ đó, yếu tố kì ảo được sử dụng như một phương thức kể chuyện khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn, sinh động. Ngoài ra, yếu tố kì ảo và yếu tố hiện thực đan xen vào nhau, cùng tồn tại để bộ lộ tư tưởng của tác giả. Điều này khác với truyền cổ tích Thạch Sanh khi mà yếu tố kì ảo có vai trò to lớn, không thể thiếu trong sự phát triển tình tiết, giải quyết xung đột: chiếc đàn thần, niêu cơm của Thạch Sanh….

*Rèn luyện kĩ năng viết

Câu hỏi 1 trang 40 SGK Ngữ văn 12 Tập 1: Đọc lại đoạn trích so sánh giữa “Câu chuyện tình ở Thanh Trì” và “Trương Chi” ( ý a trong mục 1.2) và phân tích làm sáng tỏ ba điểm cần lưu ý sau:

- Xác định rõ cấp độ so sánh: đề tài hay cốt truyện, nhân vật, hình ảnh...

- Các dẫn chứng phục vụ cho việc so sánh phải chính xác và cùng cấp độ ( cốt truyện với cốt truyện, hình ảnh với hình ảnh, nhân vật với nhân vật,...)

- Chỉ ra được ý nghĩa của sự tương đồng hoặc khác biệt giữa hai tác phẩm

Lời giải:

Mô típ là cách lặp lại một đề tài hoặc cốt truyện, đem lại sự đặc trưng cho tác phẩm. Để tạo ấn tượng với người đọc, mỗi tác giả cần tạo ra một mô típ cho câu chuyện của mình. Vì lẽ đó, thông qua việc so sánh mô típ cốt truyện giữa Câu chuyện tình ở Thanh Trì và truyện cổ tích Trương Chi, ta có thấy rõ dấu ấn sáng tạo của mỗi tác giả.

Việc sử dụng mô típ của hai tác phẩm trên có khá nhiều điểm tương đồng. Trước hết, cả hai câu truyện đều xây dựng nhân vật nam là chàng trai chèo thuyền, nhà nghèo nhưng có giọng hát quyến rũ còn nhân vật nữ xuất thân là “ lá ngọc cành vàng”. Cụ thể, trong truyện cố tích Trương Chi, nữ chính là Mỵ Nương, con gái của thừa tướng còn nam chính chỉ là chàng trai con nhà thuyền chài. Ở Câu chuyện tình ở Thanh Trì cũng lựa chọn hình tượng nhân vật nam nữ chính như vậy. Đó còn là sự tương đồng trong tình cảm giữa hai nhân vật chính khi mối tình đều xuất phát từ người con gái trong hoàn cảnh nghe được tiếng hát nên say mê và ôm tương tư và đều là tình yêu lỡ làng, dang dở. Cả hai tác phẩm đều được kết thúc với tình tiết là một người chết với trái tim hóa đá và mối oan tình chỉ được hóa giải bằng giọt nước mắt của người còn lại.

Mặc dù vậy, hai tác phẩm trên có những điểm khác biệt nhất định. Về hình tượng nhân vật nam chính: Trong khi ở Câu chuyện tình ở Thanh Trì là Nguyễn Sinh khôi ngô tuấn tú thì nhân vật Trương Chi trong Trương Chi là người có ngoại hình xấu xí. Tiếp đó, diễn biến tình cảm giữa hai nhân vật chính cũng có sự khác nhau. Chuyện tình trong Câu chuyện tình ở Thanh Trì diễn ra với tình tiết Nguyễn Sinh không gặp mặt trực tiếp cô gái; nhân vật nữ chủ động đính ước với chàng trai và tình yêu xuất phát từ hai phía. Ngược lại, trong Trương Chi, mối tình diễn ra khi Trương Chi gặp và say mê Mỵ Nương nhưng Mị Nương hết tương tư khi nhìn thấy diện mạo Trương Chi và đây chỉ là tình yêu đơn phương của Trương Chi. Vì lẽ đó, điểm khác nhau tiếp theo là trở ngại của tình yêu trong hai tác phẩm: Một bên là sự ngăn cản của người cha con gái (Câu chuyện tình ở Thanh Trì), bên còn lại là do sự vô tình của chính nhân vật trong cuộc- Mị Nương (Trương Chi). Kết thúc của mỗi tác phẩm cũng có sự khác nhau do trong Câu chuyện tình ở Thanh Trì, cô gái chết với trái tim hóa đá in bóng hình người tình thì Trương Chi chết với trái tim hóa đá và chỉ Mị Nương nhìn thấy bóng một chàng trai chèo thuyền đang hát trong khối đá ấy.

Qua việc so sánh điểm tương đồng và khác biệt, chúng ta có thể nhận thấy tác giả Vũ Trinh tiếp thu khá rõ cốt truyện cổ tích Trương Chi: cũng câu chuyện về tình yêu đầy bất hạnh khởi đầu bằng tiếng hát, kết thúc bằng cái chết và trái tim hóa đá trong nỗi oan tình. Tuy vậy, ông cũng đã thay đổi một số tình tiết để mang lại cho tác phẩm một diện mạo mới, một ý nghĩa mới. Trong Câu chuyện tình ở Thanh Trì còn hướng tới hiện thức xã hội bởi do chính luật lệ hà khắc của xã hội phong kiến đã dẫn đến nỗi oan khuất, bi kịch của tình yêu lứa đôi.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá