100 câu hỏi ôn tập Ngữ Văn 6 Bài 9: Truyện có đáp án | Cánh diều

144

Tailieumoi.vn biên soạn và giới thiệu bộ câu hỏi ôn tập Ngữ Văn 6 Bài 9: Truyện Cánh diều có lời giải chi tiết, bám sát chương trình học trên trường; giúp học sinh ôn tập và bổ sung kiến thức cũng như hoàn thành tốt các bài kiểm tra môn Ngữ Văn 6. Mời các bạn đón xem:

100 câu hỏi ôn tập Ngữ Văn 6 Bài 9: Truyện có đáp án

ĐỌC

Kiến thức Ngữ văn trang 65

Câu 1: Truyện ngắn là gì?

Trả lời:

- Truyện ngắn là tác phẩm văn xuôi cỡ nhỏ, ít nhân vật, ít sự việc phức tạp,... Chi tiết và lời văn trong truyện ngắn rất cô đọng.

Câu 2: Nhân vật là gì?

Trả lời:

- Nhân vật trong văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học.

Câu 3: Thế nào là lời người kể chuyện?

Trả lời:

- Lời của người kể chuyện là lời của người đã kể lại câu chuyện

Câu 4: Thế nào là lời nhân vật? 

Trả lời:

 - Lời nhân vật là lời của một nhân vật trong truyện

Câu 5: Nêu những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn. 

Trả lời: Những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn là:

- Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ, có khuôn khổ ngắn

- Truyện ngắn phản ánh hiện thực trong tính khách quan của nó

- Truyện ngắn thường ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp.

- Truyện ngắn miêu tả nhân vật ở những khía cạnh nổi bật nhất.

- Nhân vật được miêu tả chi tiết và sinh động trong mối quan hệ với hoàn cảnh, với môi trường xung quanh. 

- Truyện ngắn thường có kết cấu bất ngờ đột biến, hoặc tương phản, hoặc liên tưởng.

Câu 6: Trạng ngữ là gì? Nêu ví dụ. 

Trả lời:

- Trạng ngữ là thành phần phụ trong câu chỉ bối cảnh (thời gian, vị trí, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, tính chất, ) của sự việc nêu trong câu. 

- Ví dụ: 

+ Mùa xuân, chúng em trồng cây – Trạng ngữ là “Mùa xuân”

+  Cuối năm học, chúng em tổ chức liên hoan – Trạng ngữ là “Cuối năm học”

Câu 7: Tác dụng của trạng ngữ trong câu.

Trả lời:

- Tác dụng của trạng ngữ:

+ Trạng ngữ giúp giải thích rõ thời gian, địa điểm cụ thể trong một tình huống giao tiếp, giúp người dùng hiểu rõ hơn về nội dung câu chuyện đó.

+ Giúp giải thích nguyên nhân và kết quả trong câu.

+ Là thành phần phụ nòng cốt trong câu, giúp người viết, người đọc có thể truyền đạt đầy đủ nội dung.

Câu 8: Tả sinh sinh hoạt là gì? 

Trả lời:

- Tả cảnh sinh hoạt là miêu tả, tái hiện hoạt động của con người trong đời sống, lao động hoặc quả trình tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, lễ hội,...

 

VĂN BẢN ĐỌC 

Văn bản 1: Bức tranh của em gái tôi

Câu 1: Văn bản “Bức tranh của em gái tôi” thuộc thể loại nào?

Trả lời:

- Văn bản “Bức tranh của em gái tôi” thuộc thể loại truyện ngắn.

Câu 2: Từ nhan đề và hình minh họa SGK/67 cánh diều 6 em thử đoán nội dung chính của truyện “Bức tranh của em gái tôi” nói về việc gì? 

Trả lời:

Từ nhan đề và hình minh họa SGK/67 cánh diều 6 em đoán nội dung chính của truyện “Bức tranh của em gái tôi” nói về bức tranh của người em gái, một bức tranh đầy tình yêu thương và lòng nhân hậu.

Câu 3: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Bức tranh của em gái tôi” là? 

Trả lời:

- Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Bức tranh của em gái tôi” là tự sự.

Câu 4: Nhân vật chính trong văn bản “Bức tranh của em gái tôi” là ai? 

Trả lời:

- Nhân vật chính trong văn bản “Bức tranh của em gái tôi” là hai anh em Kiều Phương.

Câu 5: Người kể câu chuyện “Bức tranh của em gái tôi” ở ngôi nào? Kể với ai? 

Trả lời:

- Người kể câu chuyện “Bức tranh của em gái tôi” ở ngôi thứ nhất. Kể với mọi người.

Câu 6: Nêu bố cục của văn bản “Bức tranh của em gái tôi”. 

Trả lời:

- Bố cục:

+ Phần 1: Từ đầu đến “tài năng”: Kiều Phương được phát hiện có tài năng hội họa.

+ Phần 2: Tiếp đến “nhận giải” : Sự thay đổi thái độ của người anh với Kiều Phương. 

+ Phần 3: Đoạn còn lại: Người anh nhận ra sai lầm của mình và tình cảm của em gái. 

Câu 7: Nội dung chính của Văn bản “Bức tranh của em gái tôi” là?

Trả lời:

- Nội dung chính: Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng hội họa, truyện Bức tranh của em gái tôi cho thấy: Tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình.

Câu 8: Tại sao nhân vật tôi trong “Bức tranh của em gái tôi” lại bí mật theo dõi em gái? 

Trả lời:

Nhân vật tôi bí mật theo dõi em gái mình vì thấy em mình chế thuốc vẽ từ thứ bột đen sì đáng sợ.

Câu 9: Truyện “Bức tranh của em gái tôi” kể về việc gì? Hãy tóm tắt nội dung câu chuyện trong khoảng 8 - 10 dòng.

Trả lời:

Kiều Phương là cô bé hay lục lọi đồ vật và bôi bẩn mặt mình. Người anh trai đặt biệt hiệu cho cô bé là Mèo. Nhờ bé Quỳnh mà chú Tiến Lê - họa sĩ, phát hiện ra Kiều Phương có tài năng hội họa. Cả nhà đều vui mừng duy chỉ có người anh trai ghen tị, mặc cảm và luôn tìm cách xa lánh em gái. Trong một lần khi em gái đạt giải nhất trong kì thi vẽ tranh với bức tranh anh trai tôi, người anh mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của em và tự thấy xấu hổ, hối hận về mình.

Câu 10: Hãy nêu ra một số chi tiết trong văn bản “Bức tranh của em gái tôi” để thấy sự khác nhau giữa tính cách của nhân vật người anh và nhân vật người em (Kiều Phương).

Trả lời:

- Nhân vật người anh:

+ Hay gắt gỏng, nổi nóng bực mình với em gái

+ Khi thấy em gái có tài năng và được mọi người quan tâm thì đố kị

+ Không vui khi thấy em mình được giải Nhất cuộc thi vẽ

- Nhân vật người em:

+ Hay nghịch ngợm lục lọi nhưng lại rất vui vẻ

+ Luôn yêu thương, quý mến anh trai của mình.

+ Ôm lấy cổ anh và muốn anh đi nhận giải cùng với mình

=> Sự khác nhau: Người anh tự ti và hay đố kị với em, còn người em gái thì tốt bụng và giàu lòng nhân hậu, bao dung.

Câu 11: Nhân vật người em thường được tái hiện qua hành động, còn nhân vật người anh thường được tác giả chú ý miêu tả tâm trạng. Hãy chỉ ra các chi tiết cụ thể để làm sáng tỏ điều đó. Ngôi kể có liên quan gì đến cách miêu tả hai nhân vật đó?

Trả lời:

- Nhân vật người em thường được tái hiện qua hành động, còn nhân vật người anh thường được tác giả chú ý miêu tả tâm trạng:

+ Sau khi có vẻ đã hài lòng, nó lôi trong túi ra ba bốn lọ nhỏ, cái màu đỏ, cái màu vàng, cái màu xong lục,... đều do nó tự chế.

+ Nó đưa mắt canh chừng rồi lại nhét tất cả vào túi sau khi cho màu đen nhọ nồi vào trong một cái lọ còn bỏ không. 

+ Nó lao vào ôm cổ tôi, nhưng tôi viện cớ đang dở việc đẩy nhẹ nó ra. Tuy thế, nó vẫn kịp thì thầm vào tai tôi:" Em muốn cả anh cùng đi nhận giải"

- Ngôi kể: rất thích hợp với chủ đề, hơn nữa để cho sự hối hận được bày tỏ một cách chân thành hơn hơn.

Câu 12: Đọc phần (5) “Bức tranh của em gái tôi” và trả lời các câu hỏi:

a) Tại sao người anh “muốn khóc quá”?

b) Câu nói “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy!” cho em hiểu gì về người anh?

c) Điều gì đã tạo nên sự bất ngờ cho kết thúc truyện?

Trả lời:

a. Người anh muốn khóc vì cậu cảm thấy ân hận trước những hành động của mình khi nhìn thấy bức ảnh của em gái. 

b. Câu nói "Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy!" cho em hiểu rằng thực ra bản chất của người anh không xấu, người anh cảm nhận được tâm hồn và lòng nhân hậu của người em, nhận thấy tình cảm của em gái dành cho mình và từ đó thấy bản thân mình thật hẹp hòi, ích kỉ.

c. Điều bất ngờ chính là từ bức tranh của người em gái, về tình cảm của người em dành cho anh, và sự xấu hổ của người anh lúc này

Câu 13: Cuối truyện, tác giả viết: “Tôi nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi”. Vậy mà dưới mắt tôi thì...”. Em hiểu nội dung chưa được viết vào dấu ba chấm ấy là những gì? Điều đó thể hiện tâm trạng như thế nào của người anh? Em đã từng có tâm trạng ấy chưa?

Trả lời:

Cuối truyện, tác giả viết: “Tôi nhìn như thôi miễn vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi". Vậy mà dưới mắt tôi thì...".

- Nội dung của dấu ba chấm: Vậy mà dưới mắt tôi thì luôn đố kị với em gái của mình

- Dấu 3 chấm ở đây thể hiện sự xấu hổ và ân hận của người anh.

Câu 14: Theo em, truyện muốn đề cao, ca ngợi điều gì? Điều đó có liên quan đến cuộc sống hằng ngày của mỗi người như thế nào?

Trả lời:

Theo em, truyện muốn đề cao trái tim và lòng nhân hậu của cô bé Kiều Phương, đã làm thức tỉnh người anh.

- Điều này liên quan mật thiết đến cuộc sống của mỗi người. Mỗi chúng ta ai cũng cần gạt bỏ sự đố kị thấp hèn, thay vào đó nên mở lòng ra, yêu thương và dành những điều tốt đẹp nhất cho người người xung quanh ta để cuộc sống này thật hạnh phúc và ý nghĩa. 

Câu 15: Nêu nội dung, nghệ thuật văn bản “Bức tranh của em gái tôi”. 

Trả lời:

- Nội dung: Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng hội họa, truyện “Bức tranh của em gái tôi” cho thấy: Tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình.

- Nghệ thuật:

+ Ngôi kể thứ nhất tự nhiên, chân thật

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo

 

Văn bản 2: Điều ước không tính trước

Câu 1: Văn bản “Điều ước không tính trước” thuộc thể loại nào?

Trả lời: 

- Văn bản “Điều ước không tính trước” thuộc thể loại truyện ngắn.

Câu 2: Người kể câu chuyện ở ngôi thứ mấy?

Trả lời:

- Người kể câu chuyện ở ngôi thứ nhất

Câu 3: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Điều ước không tính trước” là? 

Trả lời:

- Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Điều ước không tính trước” là tự sự.

Câu 4: Nhân vật chính trong văn bản “Điều ước không tính trước” là ai? 

Trả lời:

- Nhân vật chính trong văn bản “Điều ước không tính trước” là nhân vật “tôi”.

Câu 5: Nêu bố cục của văn bản “Điều ước không tính trước”.

Trả lời:

- Phần 1: Từ đầu đến “hộp đồ nghề của anh Nghĩa”: nguyên nhân dẫn đến tâm trạng uất ức và muốn đánh nhau của nhân vật “tôi”

- Phần 2: tiếp theo đến “thế là nó lăn đùng ra đất”: sự chuẩn bị cho cuộc đánh nhau của nhân vật “tôi” cùng đồng bọn

- Phần 3: còn lại: hành động bất ngờ của Nghi và sự giảng hòa của ba đứa trẻ

Câu 6: Nội dung chính của văn bản “Điều ước không tính trước” là?

Trả lời:

- Nội dung chính: Văn bản kể về việc giải quyết một mâu thuẫn trong trận bóng giữa nhân vật tôi và Nghi. Mỗi người lại có những suy nghĩ và cách giải quyết khác nhau trước một vấn đề. Tuy nhiên, nếu như đoàn kết, giải quyết theo hướng tích cực thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn.

Câu 7: Câu chuyện được kể theo ngôi nào? Dẫn ra một ví dụ về lời người kể chuyện và lời nhân vật trong truyện Điều không tính trước.

Trả lời:

- Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất.

- Dẫn ra một ví dụ về lời người kể chuyện và lời nhân vật:

Đưa tao xem nào! (Lời của nhân vật)

Tôi nói và rút tay ra khỏi túi quần, vô tình lại lôi ra cả cái kềm 

Câu 8: “Điều không tính trước” trong câu chuyện là điều gì? Qua đó, em thấy nhân vật Nghi là người thế nào?

Trả lời:

- “Điều không tính trước” trong câu chuyện là ý định ban đầu là đi đánh nhau nhưng sau đó lại kết thúc bằng việc 3 đứa vui vẻ với nhau.

- Em thấy Nghi là người bộc trực, thẳng thắn nhưng rất tốt bụng và nhiệt tình với bạn bè. 

Câu 9:  Nhân vật “tôi” trong truyện là người như thế nào? Hãy chỉ ra một số chi tiết (hình dáng, lời nói, suy nghĩ, hành động,...) mà nhà văn đã dùng để khắc hoạ đặc điểm nhân vật “tôi”.

Trả lời:

Nhân vật tôi là kiểu người hiếu chiến, nóng tính nhưng biết nhìn ra vấn đề và thay đổi

+ Lời nói: “ Được rồi, nếu mày muốn gây sự, ông sẽ cho mày biết tay”

+ Hành động: Đi tìm vũ khí để đánh nhau

+ Suy nghĩ: Nhân vật “tôi” bàn tính kế hoạch rất cụ thể để đánh Nghi.

Câu 10: Điều gì tạo nên sự hấp dẫn trong phần kết thúc của câu chuyện (phần 4).

Trả lời:

Điều tạo nên sự hấp dẫn trong kết truyện ở phần (4) là nhân vật “tôi” không còn ý định đạnh nhau với Nghi nữa mà ba người bạn vui vẻ khoác vai nhau đi xem phim.

Câu 11:  Theo em, qua câu chuyện, tác giả muốn ca ngợi hay phê phán điều gì? Điều gì đối với em là thấm thía và sâu sắc nhất? Vì sao?

Trả lời:

Theo em, qua câu chuyện tác giả muốn ca ngợi tính cách thẳng thắn, giúp đỡ và yêu thương bạn bè đồng thời tác giả cũng phê phán tính hiếu chiến, nóng tính. 

- Điều em thấm thía nhất là: đừng bao giờ nóng vội, trước khi làm điều gì cần phải suy nghĩ thật thấu đáo nếu không sẽ đánh mất đi những thứ quan trọng trong cuộc đời. 

Câu 12: Em hiểu như thế nào về kết thúc truyện: “Nắng chiều hắt bóng ba đứa xuống mặt đường thành một khối, giống như người khổng lồ trong truyện cổ [...]”?

Trả lời:

Ở kết thúc này tác giả đã đề cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng. Sự đoàn kết sẽ giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ và to lớn hơn.

Câu 13: Nêu nội dung, nghệ thuật bài “Điều không tính trước” 

- Nội dung: Văn bản kể về việc giải quyết một mâu thuẫn trong trận bóng giữa nhân vật tôi và Nghi. Mỗi người lại có những suy nghĩ và cách giải quyết khác nhau trước một vấn đề. Tuy nhiên, nếu như đoàn kết, giải quyết theo hướng tích cực thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn.

- Nghệ thuật: 

+ Xây dựng tình huống truyện bất ngờ, gây hài hước, kịch tính

+ Kể chuyện theo ngôi thứ nhất cùng việc miêu tả tâm lý nhân vật vô cùng chân thực.

 

Thực hành tiếng Việt trang 75

Câu 1: Trạng ngữ là gì? Nêu ví dụ. 

Trả lời:

- Trạng ngữ là thành phần phụ trong câu chỉ bối cảnh (thời gian, vị trí, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, tính chất, ) của sự việc nêu trong câu. 

- Ví dụ: 

+ Mùa xuân, chúng em trồng cây – Trạng ngữ là “Mùa xuân”

Câu 2: Nêu tác dụng của trạng ngữ trong câu. 

Trả lời:

- Trạng ngữ giúp giải thích rõ thời gian, địa điểm cụ thể trong một tình huống giao tiếp, giúp người dùng hiểu rõ hơn về nội dung câu chuyện đó.

- Giúp giải thích nguyên nhân và kết quả trong câu.

- Là thành phần phụ nòng cốt trong câu, giúp người viết, người đọc có thể truyền đạt đầy đủ nội dung.

Câu 3: Trong những câu dưới đây, cụm từ ngày hôm nay ở câu nào là trạng ngữ?

Vì sao?

a) Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. (Hồ Chí Minh)

b) Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp. (Hồ Chí Minh)

 Trả lời:

Cụm từ “ngày hôm nay” ở câu b, đóng vai trò làm trạng ngữ trong câu vì nó giúp giải thích rõ thời gian, giúp người dùng hiểu rõ hơn về nội dung trong câu.

Câu 4: Tìm 3 trạng ngữ chỉ thời gian trong truyện Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh). Nêu tác dụng liên kết câu của một trong các trạng ngữ đó.

Trả lời:

- 3 trạng ngữ chỉ thời gian trong truyện bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh): một hôm, kể từ hôm đó, trước khi đi thi.

- Tác dụng của trạng ngữ: "Kể từ hôm đó" nhằm liên kết nội dung với đoạn văn trước đó.

Câu 5: Thử lược bỏ các trạng ngữ (in đậm) trong những câu dưới đây và cho biết nghĩa của câu bị ảnh hưởng như thế nào. Từ đó, hãy rút ra nhận xét về vai trò của trạng ngữ đối với nghĩa của câu.

a) Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng... (Tô Hoài)

b) Bố, mẹ tôi kéo tôi chen qua đám đông để xem bức tranh của Kiều Phương đã được đóng khung, lồng kính. Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. (Tạ Duy Anh)

c) Con đường trải nhựa kẻ thẳng băng, sóng soài không bóng cây. Đã bao nhiêu năm tháng, mỗi ngày hai buổi, má đạp xe đi về trên con đường ấy

(Phong Thu)

Trả lời:

- Các trạng ngữ trong câu khi bị lược bỏ sẽ khiến nội dung câu bị thiếu, không rõ ràng thời gian, địa điểm, nơi chốn, mục đích, phương tiện, nguyên nhân,...

- Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, bổ sung cho nòng cốt câu, tức là bổ nghĩa cho cả cụm chủ vị trung tâm biểu thị các ý nghĩa tình huống: thời gian, địa điểm, nguyên nhân, mục đích, kết quả, phương tiện,...

Câu 6: So sánh vị trí của trạng ngữ trong những cặp câu dưới đây và cho biết vì sao tác giả lựa chọn cách diễn đạt ở câu a(1) và câu b(1).

a1. Nghe chuyện, vua lấy làm mừng lắm. Nhưng, để biết chính xác hơn nữa, vua cho thử lại. (Em bé thông mình)

a2. Nghe chuyện, vua lấy làm mừng lắm. Nhưng, vua cho thử lại để biết chính xác hơn nữa.

b1. Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xoè hoa. (Theo Đoàn Minh Tuấn)

b2. Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xoè hoa trước đền.

Trả lời:

- Tác giả sử dụng cách diễn đạt ở a1 và b1 là do ở 2 câu này đã sử dụng trạng ngữ đặt đầu câu bổ sung ý nghĩa cho các thành phần còn lại của câu, tạo điểm nhấn khiến câu văn hay hơn.

- Cách diễn đạt a2 và b2 đặt trạng ngữ sau câu và không phát huy tối đa hiệu quả của nó trong cách diễn đạt.

Câu 7: Chọn một trong hai đề sau:

a) Viết đoạn văn kể lại một đoạn truyện đã học hoặc đã đọc, trong đó có sử dụng một số trạng ngữ chỉ thời gian có chức năng liên kết các câu trong đoạn.

b) Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về một tác phẩm đã học hoặc đã đọc, trong đó có sử dụng một số trạng ngữ chỉ vị trí để liên kết các câu trong đoạn.

Chọn đề b:

Đoạn văn mẫu tham khảo

Bức tranh của em gái tôi là một câu chuyện cảm động về tình anh em cũng như sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Ban đầu người anh đã luôn nghi ngờ và không tin tưởng người em, luôn cho rằng những việc làm của em mình là sai. Nhưng sau khi biết bức tranh mà người em gái đã vẽ về mình thì mọi suy nghĩ, định kiến về em ban đầu mất hết. Kể từ khi đó, trong lòng người anh chỉ còn lại sự xúc động, nỗi ân hận, giằn vặt bản thân. Từ đây, người anh sẽ yêu và hiểu em mình hơn, tình cảm anh em họ sẽ trở nên gắn kết nhiều hơn nữa.

Chú thích: Trạng ngữ: Kể từ khi đó

 

THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU 

Chích bông ơi!

Câu 1: Văn bản “Chích bông ơi” thuộc thể loại nào?

Trả lời:

- Văn bản “Chích bông ơi” thuộc thể loại truyện ngắn.

Câu 2: Tác giả của văn bản “Chích bông ơi” là ai? Nêu khái quát về tác giả đó. 

Trả lời:

- Tác giả của văn bản “Chích bông ơi” là Cao Duy Sơn

Nêu khái quát tác giả:

- Cao Duy Sơn, tên thật là: Nguyễn Cao Sơn (1956)

- Quê quán: Cao Bằng

- Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật các dân tộc Thiểu số Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa các dân tộc.
- Tác phẩm chính:

  + Tiểu thuyết: Người lang thang, Cực lạc, Hoa mận đỏ, Đàn trời, Chòm ba nhà

  + Truyện ngắn: Những chuyện ở lũng Cô Sầu, Những đám mây hình người, Hoa bay cuối trời, Ngôi nhà xưa bên suối.

Câu 3: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Chích bông ơi!” là? 

Trả lời:

- Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Chích bông ơi!” là tự sự.

Câu 4: Nêu bố cục của văn bản “Chích bông ơi!”.

Trả lời:

- Phần 1 (Từ đầu đến Dế Vần bối rối): Sự việc gặp chú chim nhỏ.

- Phần 2 (Tiếp đến run rẩy trong lòng): Dế Vần hồi tưởng lại chuyện trong quá khứ.

- Phần 3 (Còn lại): Dế Vần và Khìn cứu và thả chú chim lên trời.

Câu 5: Nội dung chính của văn bản “Chích bông ơi!” là?

Trả lời:

- Nội dung chính của văn bản “Chích bông ơi!”: Chích bông ơi! là câu chuyện nhắc nhở con người về lòng nhân hậu. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác, suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động để không phải ân hận sau này.

Câu 6: “Pa” ở phần 2 và “pa” ở đầu truyện có phải là một người không?

Trả lời:

-“Pa” ở phần 2 và “pa” ở đầu truyện không cùng một người 

- “Pa” ở phần đầu là Dế Vần bố của Ò Khìn

- “Pa” ở phần sau là bố của Dế Vần

Câu 7: Theo em, người cha định nói với con điều gì? 

Trả lời:

Theo em, người cha định nói với con hãy đem trả chú chim về tổ đi, nó còn nhỏ và tội nghiệp quá.

Câu 8: Hãy thử viết một kết thúc khác cho câu chuyện “Chích bông ơi!”. 

Trả lời:

- Hai mẹ con chim chích bông được gặp lại nhau rất vui mừng nên ngày nào cũng tới hót líu lo trên nương nhà Ò Khìn.

Câu 9: Truyện viết về ai, về việc gì? Theo em, Dế Vần là người thế nào?

Trả lời:

Truyện viết về Dế Vần

- Truyện viết về một lần cậu bé nhờ bố giúp đỡ một chú chim chích bông mắc kẹt khiến Dế Vần - người bố nhớ lại kỉ niệm xưa vô tình bắt chú chim chích bông con xa mẹ phải chết.

- Theo em, Dế Vần là người sống tình cảm, biết ăn năn hối hận với những việc làm sai lầm trước kia của mình

Câu 10: Chỉ ra điểm giống nhau giữa hai câu chuyện trong văn bản này:

a) Chuyện của người cha trong quá khứ

b) Chuyện hiện tại của hai cha con Ò Khìn

Từ đó, em hiểu cách viết “truyện trong truyện” ở đây là thế nào?

Trả lời:

Điểm giống nhau:

Chuyện của người cha trong quá khứ là bắt chú chim chích bông non và muốn giữ chúng là của riêng mình. Chuyện hiện tại của cậu con trai Dế Vần cũng vậy, cậu cũng muốn bắt chim và giữ nó làm của mình.

- Từ đó em hiểu cách viết “truyện trong truyện” ở đây là lồng ghép một câu chuyện nhỏ có liên quan tới câu chuyện chính.

Câu 11: Vì sao ở đầu truyện, Ò Khìn muốn pa bắt con chích bông để chơi nhưng đến cuối truyện lại thả để chim bay vút lên trời với lời thì thầm: “Bay đi, bay về với mé mày đi...”?

Trả lời:

- Ở đầu truyện, Ò Khìn muốn pa bắt con chích bông để chơi nhưng đến cuối truyện lại thả để chim bay vút lên trời với lời thì thầm: “Bay đi, bay về với mẹ mày đi…” vì Ò Khìn đã rút ra được bài học từ sai lầm của pa Dế Vần trong quá khứ. Nếu cậu đòi bắt giữ chích bông non thì mẹ của cậu ấy sẽ mất đi một người con như câu chuyện của pa Dế Vần vậy.

Câu 12: Truyện muốn nhắn gửi người đọc điều gì? Đối với em, điều gì gây ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?

Trả lời:

Câu chuyện muốn nhắn gửi rằng cần lòng nhân hậu, luôn giúp đỡ người khác, bảo vệ động vật và không nên chọc phá tổ chim, bắt chim non, cần suy nghĩ cẩn thận trước khi làm một điều gì đó.

- Đối với em, cách đối xử yêu thương động vật gây ấn tượng nhất vì trong cuộc sống hiện nay khi mà mọi người đang ngày càng tàn phá môi trường, hủy hoại cả nhân loại. 

Câu 13: Nêu nội dung, nghệ thuật bài “Chích bông ơi” 

Trả lời:

- Nội dung: Chích bông ơi! là câu chuyện nhắc nhở con người về lòng nhân hậu. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác, suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động để không phải ân hận sau này.

- Nghệ thuật:

+ Nghệ thuật "truyện lồng trong truyện" độc đáo, sinh động

+ Giọng văn gần gũi, dễ hiểu với trẻ nhỏ

+ Hình ảnh, ngôn từ nhẹ nhàng, sinh động

 

VIẾT 

Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt

Câu 1: Tả cảnh sinh hoạt là gì? 

Trả lời:

- Tả cảnh sinh hoạt là miêu tả hoạt động của một hay nhiều người trong quá trình lao động, học tập hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội,...

Câu 2: Để viết được một bài văn tả cảnh sinh hoạt, chúng ta cần lưu ý những gì?

Trả lời:

- Để viết được một bài văn tả cảnh sinh hoạt, chúng ta cần lưu ý:

+ Tả những gì em đã quan sát

+ Tả cụ thể hình dáng, màu sắc, âm thanh, mùi vị, …

+ Sử dụng từ ngữ thể hiện chân thực tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ của em

Câu 3: Lập dàn ý cho bài văn miêu tả cảnh sinh hoạt. 

Trả lời:

Dàn ý tham khảo:

A. Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt.

B. Thân bài: Miêu tả cảnh sinh hoạt

- Khung cảnh và ấn tượng chung:

- Cảnh sinh hoạt theo trình tự thời gian:

- Hoạt động của những người tham gia:

- Cảm xúc của em:

C. Kết bài: Nêu cảm nhận, suy nghĩ của em về cảnh sinh hoạt

Câu 4: Viết bài văn tả cảnh ngày mùa ở quê hương em? 

Trả lời:

Bài văn mẫu tham khảo

Cuối tuần em cùng bố mẹ về quê thăm ông bà. Thật may mắn vì đúng lúc vào mùa gặt, em vô cùng thích thú với quang cảnh ấy nên đã thức dậy thật sớm để theo chân ông bà ra đồng.

Trời tờ mờ sáng, không khí se se lạnh, trên những con đê đã có rất nhiều bác nông dân hối hả ra đồng để bắt đầu một ngày làm việc. Những cánh đồng lúa vàng óng báo hiệu một mùa bội thu. Cả một không gian bao la thơm nồng mùi lúa chín. Mặt trời dần lên, những đôi tay thoăn thoắt đang gặt những bông lúa nặng trĩu, đó là thành quả sau bao tháng ngày vất vả của họ. Trên cao những chú chim bay lượn ríu rít hót càng góp phần làm cho không khí trở nên nhộn nhịp hơn. Dưới những cánh đồng lớn nhiều chiếc máy gặt, máy tuốt đang làm việc hết công suất. Từng bao thóc đầy ắp đã được cột chặt và chất thành hàng ngay ngắn. Tiếng nói, tiếng cười thật rôm rả. Khi cái nắng chói chang của ngày mùa dần dịu đi, các bác nông dân thay nhau chất những bao thóc nặng trĩu lên xe công nông để chở về nhà. Từng đoàn xe tấp nập nối đuôi nhau làm xôn xao cả con đường làng. Sau một ngày làm việc vất vả, chắc hẳn ai cũng rất mệt nhưng trên mặt họ lại rạng rỡ niềm vui của một ngày mùa bội thu.

Quê em là một nơi bình yên và rất đẹp, đặc biệt vào những ngày mùa. Và khi nhìn thấy sự lao động vất vả của các bác nông dân em càng thêm yêu quê hương và biết ơn mỗi khi cầm bát cơm dẻo thơm trên tay.

Câu 5: Lập dàn ý cho bài văn tả một trận bóng đá mà em đã chứng kiến. 

Trả lời:

1. Mở bài

- Giới thiệu chung về trận bóng đá mà em tham gia chứng kiến (Trận bóng đá của hai đội nào? Diễn ra ở đâu, khi nào?)

2. Thân bài

- Quang cảnh trận đấu: thời tiết, cảnh vật, sân cỏ, người xem…

- Diễn biến trận đấu:

+ Hoạt động của các cầu thủ ở các vị trí khác nhau.

+ Các cầu thủ nổi trội trong trận đấu.

+ Những tình huống nguy hiểm, bất ngờ của hai đội.

+ Thái độ, cảm xúc của người xem…

- Kết quả của trận đấu: Tỉ số là bao nhiêu? Đội nào thắng?

3. Kết bài

- Cảm xúc và suy nghĩ của em về trận bóng đã xem.

 

NÓI VÀ NGHE 

Thảo luận nhóm về một vấn đề

Câu 1: Để tổ chức một cuộc thảo luận về một vấn đề, chúng ta cần lưu ý những gì? 

Trả lời:

- Để tổ chức một cuộc thảo luận về một vấn đề, chúng ta cần lưu ý:

+ Xác định vấn đề chưa thống nhất có thể có nhiều ý kiến khác nhau

+ Biết đặt và trả lời cây hỏi trong quá trình thảo luận nhóm

+ Biết nêu một vài đề xuất dựa trên các ý tưởng được trình bày trong quá trình thảo luận

+ Biết nêu ý kiến của mình và tôn trọng, lắng nghe người trao đổi trong nhóm

Câu 2: Theo em, mục đích của một cuộc thảo luận là gì? 

Trả lời:

- Theo em, mục đích của một cuộc thảo luận là để làm rõ những quan điểm, chia sẻ ý kiến cá nhân, hay thể hiện sự không đồng tình với các ý tưởng được trình bày khác.

Câu 3: Nêu các bước để tiến hành một cuộc thảo luận. 

Trả lời:

Các bước để tiến hành một cuộc thảo luận:

Bước 1: Chuẩn bị 

Lựa chọn vấn đề cần thảo luận 

- Tìm hiểu thu thập thông tin về vấn đề

- Xem lại các yêu cầu nói và nghe khi thảo luận nhóm

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Bước 3: Nói và nghe

Câu 4: Lập dàn ý cho bài nói: Trao đổi về vấn đề “Chơi game chỉ có tác hại. Đúng hay sai?” 

Trả lời:

Dàn ý tham khảo

A. Mở bài

- Chào cô và các bạn rồi giới thiệu vấn đề

- Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận là: Chơi game chỉ có hại đúng hay sai?

B. Thân bài

- Tác hại của chơi game:

+ Mất rất nhiều thời gian, không tập trung vào việc học tập và làm việc giúp cha mẹ, gia đình

+ Thức khuya có hại cho sức khỏe

+ Gây nóng tính (khi chơi game bạo lực), …

- Lợi ích của chơi game: 

+ Rèn luyện kĩ năng, kĩ thuật nhanh tay nhanh mắt

+ Chơi trò chơi bằng tiếng Anh giúp người chơi luyện tập ngoại ngữ

- Đưa ra quan điểm: 

+ Cần lựa chọn cách chơi game phù hợp, chơi vào thời gian rảnh không làm ảnh hưởng tới thời gian học tập và làm việc.

- Kết luận

+ Đưa ra ý kiến đánh giá của bản thân về vấn đề nghị luận trên

+ Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

 

TỰ ĐÁNH GIÁ 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

NẮNG TRƯA BỒI HỒI

- Thuỷ ơi! Má đi nha!

Giá như mọi hôm, nghe má gọi thế, Thuỷ chỉ cần “dạ” rồi vẫn cắm cúi bên bàn học. Nhưng hôm nay thì không. Em vội vàng đứng lên. Ngoài kia trời nắng quá. Chiếc nón đã cũ chỉ che nổi một bên vai của má. Mấy cánh hoa đã nhạt trên nên vải áo — chiếc áo của chị Hạnh “cho” má — dấp mồ hôi như dán vào lưng má và thẫm hẳn lên.

- Má để con dắt xe ra...

Khoảng trời trước ngõ vút xanh thẳm. Nắng đổ chang chang. Con đường trải nhựa kẻ thẳng băng, sóng soài không bóng cây. Đã bao nhiêu năm tháng, mỗi ngày hai buổi má đạp xe đi về trên con đường ấy. Sao hôm nay em mới nhận ra?...

- Thôi để má. Con vào học đi, không có nắng.

Nói rồi, má lên xe. Nắng trưa đổ đầy lưng má. Má còn bảo em vào nhà đi kẻo nắng... Thuỷ thấy nghèn nghẹn ở cổ... Thế mà chiều hôm qua em đã “tức” má, đã cho là má “ghét” em nên cứ hơi một tí là mắng em. Lúc thì tại đưa cái này cho má chậm; lúc thì tìm thứ kia không thấy, cứ như khách ở đâu đến chơi.

Chiều hôm qua, nhà có khách. Cô gì ấy, em không hỏi tên, nói là ở Hội Phụ nữ đến hỏi má. Cô ngồi chờ một lúc rồi về. Việc tưởng thế là xong. Em sẽ nói lại cho má biết. Không ngờ...

Vừa bước vào nhà, má đã hỏi ngay:

- Lúc cô Hoa đến, con làm gì?

Em ngạc nhiên:

- Cô Hoa nào ạ?

- Là cô ở Hội Phụ nữ đến hỏi má ấy!

- Má gặp cô rồi ạ?

- Phải. Cô ấy chê con đấy. Con đang làm gì?

- Con học bài.

- Chứ không tiếp khách?

- Dạ. Có. Con có mời cô uống nước.

- Xong rồi, con lại học tiếp?

- Vâng ạ.

- Con cũng không hỏi cô đến có việc gì, có nhắn lại gì không?

- Dạ không. Cô bảo cô đợi má.

- Con cứ để cô ngồi một mình?

- Dạ. Con học bài

- Vậy là có con ở nhà cũng như không có ai. Bị chê là phải.

Thuỷ thấy má hôm nay “làm sao” ấy.

 Thế con phải làm gì ạ?

- Con có thể cùng ngồi tiếp chuyện, hỏi xem cô có việc gì nhắn hoặc là trả lời những câu cô hỏi. Ai lại khách đến nhà mà để khách ngồi trơ ra như thế bao giờ.

Thuỷ tấm tức, chảy nước mắt:

- Nhưng mà... có phải là khách của con đâu mà con biết nói chuyện ạ! Má cứ

la con...

-Lại còn cãi hả?

Má cũng bực và để mặc cho em ngồi khóc, ngồi “tức” má. May quá, tối hôm ấy, ba đi công tác về, má không nói gì em nữa và hình như ba, má có nhắc đến sau bữa cơm. Chắc là... chuyện ấy.

Đến tối, lúc chỉ có hai cha con, ba vui về:

- Ba con mình nói chuyện một lúc nào!

Thuỷ hơi lạ. Ánh mắt của ba cười cười:

- Chuyện người lớn. Không phải chuyện trẻ con đâu, con gái của ba ạ.

Thuỷ dụi đầu vào vai ba:

- Ba!

Ba xoa tóc em:

- Con có biết, bây giờ con là gì của má con không? Tất nhiên không phải là con trai rồi!

- Con... thì con vẫn là con của má ạ!

Thuỷ ngỡ ba sắp chê việc tiếp khách mà má đã kể cho ba biết. Em cảm thấy tủi thân. Nhưng mà không, ba lại nói:

- Không chỉ là con. Mà còn hơn thế nữa kia!

Em chưa hiểu và ngước mắt nhìn ba. Ba âu yếm nhìn em:

- Bây giờ, nhất là những hôm ba đi vắng, con là chỗ dựa, là trợ lí cho má con rồi đó. Con đã là cô Thuỷ chứ không còn là cô bé Thuỷ, cái bé Thuỷ nữa đâu! Má con...

Ánh mắt ba vừa dịu vừa đằm thắm:

- Má con vất vả quá. Được hai chị em con, chị Hạnh đã về nhà chồng. Lại vẫn một tay má con chăm lo tất cả. Con đã lớn, má không dựa vào con, con không là chỗ dựa của má, thì còn ai vào đây nữa? Cả với ba nữa ấy. Khi vắng mẹ, con là chỗ dựa của ba đấy!

Thật lạ lùng. Em không nghĩ ba lại nói với em những điều như thế. Ba vẫn nhỏ nhẹ gần như thầm thì với riêng em:

- Đáng lẽ, ba phải cho con biết điều ấy sớm hơn để con không bị má mắng vì những chuyện lặt vặt. Mọi việc con làm đỡ má hôm nay, thực ra chỉ là sự chuẩn bị cho con mai đây mà thôi. Ở tuổi con như bây giờ, má con cũng bị ngoại con mắng như thế, và đó là việc ngoại dạy dỗ dần cho má con để má con là má của con hôm nay... Chẳng phải là ghét con mà má con mắng con đâu...

Ôi, ba! Thuỷ không ngờ. Ba thật là... tình cảm. Ba đã nói “hộ” cho má những điều mà má chưa nói với em...

Thì ra... Em không còn bé nữa. Đã có cô, bác là bạn của má nói vui là: “Trông hai má con cứ như hai chị em...”. Như thế là má chưa già. Như thế là em đã lớn.

Sáng hôm nay, em nhìn má tất tưởi lo việc nhà, lo cả bữa ăn sáng cho em ăn rồi đi học. Má hình như có gầy yếu, có già hơn dạo em còn bé. Sao điều ấy em không hiểu nhỉ?

Nắng trưa gay gắt.

Má đang đạp xe trên con đường không bóng cây. Thế mà sao má cứ lo con dắt xe ra cho má bị nắng. Có đứa con nào lại không hiểu được sự chịu đựng đến vô cùng của người mẹ như thế vì cuộc sống, vì gia đình và vì những đứa con?...

Thuỷ quay vào nhà. Em định chạy sang nhà Vi chơi một lúc. Em chợt nhìn và thấy vô khối công việc mà má chưa kịp làm...

Thuỷ không đi nữa.

Nắng trưa sao bồi hồi...

(PHONG THU - Những truyện ngắn hay viết cho thiếu nhi, NXB Giáo dục,2005)

Câu 1. Văn bản Nắng trưa bồi hồi thuộc thể loại truyện gì?

Trả lời:

- Văn bản Nắng trưa bồi hồi thuộc thể loại truyện ngắn

Câu 2. Văn bản Nắng trưa bồi hồi viết về đề tài gì?

Trả lời:

- Văn bản Nắng trưa bồi hồi viết về đề tài gia đình.

Câu 3. Văn bản Nắng trưa bồi hồi giống ba truyện đã học (Bức tranh của em gái tôi, Điều không tính trước và Chích bông ơi!) là đều tập trung ca ngợi điều gì?

Trả lời:

- Văn bản Nắng trưa bồi hồi giống ba truyện đã học (Bức tranh của em gái tôi, Điều không tính trước và Chích bông ơi!) là đều tập trung ca ngợi lòng nhân hậu.

Câu 4. Trong văn bản Nắng trưa bồi hồi, câu nào sau đây là lời nhân vật?

- Em định chạy sang nhà Vi chơi một lúc.

- Thuỷ quay vào nhà.

- Thế con phải làm gì ạ?

- Ánh mắt của ba cười cười.

Trả lời:

- Trong văn bản Nắng trưa bồi hồi, câu “Thế con phải làm gì ạ?” là lời nhân vật

Câu 5. Trong văn bản, câu nào sau đây là lời người kể chuyện?

- Má để con dắt xe ra...

- Thuỷ tấm tức, chảy nước mắt.

- Con... thì con vẫn là con của má ạ!

- Má con vất vả quá.

Trả lời:

- Trong văn bản, câu là lời người kể chuyện là: “Thuỷ tấm tức, chảy nước mắt.”

Câu 6. Ôi, ba! Thuỷ không ngờ. Ba thật là... tình cảm. Ba đã nói “hộ” cho má những điều mà má chưa nói với em... Thì ra... Em không còn bé nữa [...] Như thế là má chưa già. Như thế là em đã lớn. 

Các câu văn trên chủ yếu khắc hoạ nhân vật Thuỷ ở phương diện nào?

Trả lời:

- Các câu văn trên chủ yếu khắc hoạ nhân vật Thuỷ ở phương diện tâm trạng.

Câu 7. Trong văn bản Nắng trưa bồi hồi, người kể chuyện là ai?

Trả lời:

- Trong văn bản Nắng trưa bồi hồi, người kể chuyện không tham gia vào câu chuyện.

Câu 8. Câu nào sau đây có trạng ngữ?

- Chiều hôm qua, nhà có khách.                    

- Nắng trưa gay gắt.

- Thuỷ không đi nữa.                                      

- Nắng trưa sao bồi hồi...

Trả lời:

- Câu không có trạng ngữ là: Chiều hôm qua, nhà có khách.                    

Câu 9. Nhiệm vụ của trạng ngữ đã xác định được ở câu hỏi 8 là gì? 

Trả lời:

- Nhiệm vụ của trạng ngữ đã xác định được ở câu hỏi 8 là chỉ thời gian.

Câu 10. Viết đoạn văn (khoảng 4 - 6 dòng) tóm tắt nội dung truyện Nắng trưa bồi hồi.

Trả lời:

Đoạn văn mẫu tham khảo

Nắng trưa bồi hồi kể về bé Thủy. Một lần, nhà có khách. Thủy đang học bài, nên không tiếp khách chu đáo. Khi má trở về, Thủy bị mắng. Em cảm thấy mình không có lỗi, nên đã tỏ ra giận dỗi. Ban đầu còn tưởng má ghét mình, nhưng sau khi được ba giải thích, em đã hiểu được tình yêu thương của má. Thủy nhận ra mình đã lớn, cần phải có trách nhiệm hơn bởi theo lời bố nói em chính là chỗ dựa của bố mẹ.

Đánh giá

0

0 đánh giá