100 câu hỏi ôn tập Ngữ Văn 6 Bài 5: Trò chuyện cùng thiên nhiên có đáp án | Chân trời sáng tạo

356

Tailieumoi.vn biên soạn và giới thiệu bộ câu hỏi ôn tập Ngữ Văn 6 Bài 5: Trò chuyện cùng thiên nhiên Chân trời sáng tạo có lời giải chi tiết, bám sát chương trình học trên trường; giúp học sinh ôn tập và bổ sung kiến thức cũng như hoàn thành tốt các bài kiểm tra môn Ngữ Văn 6. Mời các bạn đón xem:

100 câu hỏi ôn tập Ngữ Văn 6 Bài 5: Trò chuyện cùng thiên nhiên có đáp án

ĐỌC

Tri thức Ngữ văn trang 111

*Tri thức đọc hiểu 

Câu 1: Kí là gì?

Trả lời:

- Kí là thể loại văn học coi trọng sự thật và những trải nghiệm, chứng kiến của chính người viết.

Câu 2: Thể loại kí thường sử dụng ngôi kể nào?

Trả lời:

- Thể loại kí thường sử dụng ngôi kể thứ nhất.

Câu 3: Trình bày những đặc trưng cơ bản của kí. 

Trả lời:

- Những đặc trưng cơ bản của kí: 

+ Tính xác thực của kí trước hết là ở việc trình bày người thật việc thật. Đó là những sự kiện, những địa danh, những tên người, những con số có thật. Vì gắn chặt vào người thật việc thật, nên kí mang tính thời sự cao phục vụ kịp thời hơn cho những nhu cầu hiểu biết sự thật, những thông tin thực tế của người đọc.

+ Người kể trong kí thường kể theo ngôi thứ nhất. Nhân vật người trần thuật thường là tác giả, đóng vai trò người chứng kiến, để tăng cường tính xác thực của con người và sự việc trong tác phẩm kí.

Câu 4: Hồi kí là gì? 

Trả lời:

- Hồi kí là truyện kể bằng chính ngôi kể tác giả kể về những sự kiện có thật trong quá khứ mà tác giả đã chứng kiến hoặc trải qua.

Câu 5: Hồi kí là thể loại kí ghi chép lại điều gì? 

Trả lời:

- Hồi kí là thể loại kí ghi chép lại những sự kiện có thật trong quá khứ mà tác giả đã chứng kiến hoặc trải qua.

Câu 6: Người kể chuyện ngôi thứ nhất trong hồi kí như thế nào?

Trả lời:

- Người kể chuyện ngôi thứ nhất trong hồi kí là hình ảnh của tác giả, nhưng không hoàn toàn đồng nhất với tác giả.

Câu 7: Nêu hình thức ghi chép và cách kể sự việc trong hồi kí. 

Trả lời:

- Hình thức ghi chép và cách kể sự việc trong hồi kí là: “ghi chép” hiểu theo cách thông thường, là việc chuẩn bị nguồn tư liệu về những điều có thật, đã xảy ra để viết nên tác phẩm. Tư liệu ghi chép để viết hồi kí khác với tư liệu để viết truyện, phải hoàn toàn xác thực, tin cậy. Nhưng “ghi chép”, hiểu cách khác cũng chính là viết, kể, sáng tác. Theo nghĩa này, người viết hồi kí không thể bê nguyên cái có thật, từng xảy ra ngoài đời vào văn bản mà phải ghi sao cho thành chuyện và kể sao cho hấp dẫn, sâu sắc.

 

*Tri thức tiếng Việt

Câu 8: Ẩn dụ là gì? Nêu ví dụ.

Trả lời:

- Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Ví dụ:

 “Những mũi tên đen...” trong đoạn “Lần này nó chưa kịp ăn, những mũi tên đen, mang hình đuôi cá từ đầu bay tới tấp.

Câu 9: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ. 

Trả lời:

- Tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ: nhằm mục đích chính là tăng khả năng gợi hình, gợi cảm. 

Câu 10: Hoán dụ là gì? Nêu ví dụ. 

Trả lời:

- Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Ví dụ:

“Cả nhà ăn cơm trong hương lúa đầu mùa...”

Câu 11: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ hoán dụ.

Trả lời:

- Biện pháp hoán dụ có tác dụng tăng sức gọi hình, gợi cảm cho việc diễn tả sự vật, sự việc được nói đến trong thơ, văn

Câu 12: Phân biệt hai biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ. 

Trả lời:

a. Giống nhau:

- Bản chất cùng là sự chuyển đổi tên gọi: gọi sự vật hiện tượng bằng một tên gọi khác.

- Cùng dựa trên quy luật liên tưởng.

- Tác dụng của ẩn dụ và hoán dụ : Làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho lời văn, biểu đạt cảm xúc

b. Khác nhau:

- Cơ sở liên tưởng khác nhau:

+ Ẩn dụ dựa vào sự liên tưởng tương đồng, dù hai sự vật đó không liên quan đến nhau nhưng giữa A và B có điểm gì đó giống nhau, nên người ta dùng A để thay cho tên gọi B.  Do đó, trong trường hợp này sự vật chuyển đổi tên gọi và sự vật được chuyển đổi tên gọi thường khác phạm trù hoàn toàn.

+ Hoán dụ dựa vào sự liên tưởng tương cận (gần gũi ) giữa các đối tượng, tức là hình ảnh A và B có liên quan đến nhau. Mối quan hệ giữa tên mới (A) và tên cũ (B) là mối quan hệ gần kề

 

VĂN BẢN ĐỌC 

Lao xao ngày hè

Câu 1: Theo em, vì sao học sinh thường yêu thích và trông đợi mùa hè? Hãy nói về vẻ đẹp của thiên nhiên hoặc một trải nghiệm đáng nhớ từ một kì nghỉ hè đã qua.

Trả lời:

- Học sinh thường yêu thích mùa hè và trông đợi mùa mùa vì đó là khoảng thời gian sẽ được nghỉ học, được đi du lịch cùng gia đình, …

- Kì nghỉ hè vừa qua em đã được bố mẹ cho đi tham quan tại bãi biển Đà Nẵng, khung cảnh thiên nhiên vùng biển vô cùng tuyệt vời, những bãi cát trải dài và sóng biển cùng làn nước biển trong xanh.

Câu 2: Văn bản “Lao xao ngày hè” thuộc thể loại nào? 

Trả lời:

- Văn bản “Lao xao ngày hè” thuộc thể loại hồi kí.

Câu 3: Phương thức biểu đạt chính mà tác giả sử dụng trong văn bản “Lao xao ngày hè” là? 

Trả lời:

- Phương thức biểu đạt chính mà tác giả sử dụng trong văn bản “Lao xao ngày hè” là tự sự.

Câu 4: Nêu bố cục của văn bản “Lao xao ngày hè” và nội dung chính của từng đoạn.

Trả lời:

- Phần 1 (Từ đầu đến …lặng lẽ bay đi): Phong cảnh làng quê vào lúc chớm hè.

- Phần 2 (Tiếp theo đến … tung cả bãi húng dũi): Thế giới các loài chim.

- Phần 3 (Còn lại): Bức tranh sinh hoạt

Câu 5: Văn bản “Lao xao ngày hè” được kể theo ngôi thứ mấy? Vì sao em biết? 

Trả lời:

- Văn bản “Lao xao ngày hè” được kể theo ngôi thứ nhất

- Em biết điều này vì người kể chuyện xưng “chúng tôi”

Câu 6: Các từ “chim ác”, “chim xấu” ở đây nhắc đến một từ ngữ đã xuất hiện trong đoạn trước của văn bản, đó là từ nào?

Trả lời:

- Các từ “chim ác”, “chim xấu” ở đây nhắc đến một từ ngữ đã xuất hiện trong đoạn trước của văn bản, đó là từ bồ các (cũng gọi là ác là)

Câu 7: Sự khác biệt trong thái độ của nhân vật “tôi” đối với chèo bẻo, quạ, diều hâu và chim cắt giúp em hiểu gì thêm về nhân vật này?

Trả lời:

- Sự khác biệt trong thái độ của nhân vật “tôi” đối với chèo bẻo, quạ, diều hâu và chim cắt cho thấy nhân vật tôi rất am hiểu về tập tính của các loài chim, có sự quan sát kĩ lưỡng với từng loài.

Câu 8: Những hiểu biết và cảm nhận của em về các loài chim có gì giống và khác với nhân vật “tôi”?

Trả lời:

- Giống nhau: cảm nhận của em cũng giống với nhân vật tôi, mỗi loài chim có đặc tính khác nhau

- Khác nhau: nhân vật tôi so với em có sự am hiểu sâu sắc hơn em vì có kinh nghiệm khi sống ở vùng quê.

Câu 9: Bức tranh cuộc sống trong Lao xao ngày hè được miêu tả qua cảm nhận của ai, theo ngôi kể nào?

Trả lời:

- Bức tranh cuộc sống trong Lao xao mùa hè được miêu tả qua cảm nhận của nhân vật “tôi”, ngôi thứ nhất.

Câu 10: Hãy liệt kê một số câu văn kể chuyện, miêu tả và biểu cảm được sử dụng trong văn bản. Theo em, việc kết hợp miêu tả, biểu cảm khi kể chuyện đã giúp ích gì cho việc thể hiện không khí ngày hè?

Trả lời:

- Một số câu văn kể chuyện, miêu tả và biểu cảm được sử dụng trong văn bản:

 “Người ta nói chèo bẻo là kẻ cắp. Kẻ cắp hôm nay gặp bà già! Nhưng từ đây tôi lại quý chèo bẻo/ Ngày mùa, chúng thức suốt đêm. Mới tờ mờ đất đã cất tiếng gọi người” “Chè cheo chét” Chèo bẻo trị kẻ ác. Thì ra, người có tội khi trở thành người tốt thì tốt lắm!.....”

- Theo em, việc kết hợp miêu tả, biểu cảm khi kể chuyện đã giúp cho việc thể hiện không khí ngày hè trở nên sôi động hơn.

Câu 11: Chỉ ra một số âm thanh, hình ảnh mà theo em, đã góp phần làm nên cái “lao xao ngày hè” trong văn bản này. Từ đó cho biết, người kể chuyện đã cảm nhận cái lao xao ấy bằng những giác quan nào?

Trả lời:

- Một số âm thanh: tiếng chim kêu “các… các”, “bịm bịp”, “chéc chéc”, tiếng con gà kêu “cực cực”, con vịt bầu “mặc mặc”.

- Hình ảnh:

  + Chèo bẻo lao vào đánh diều hâu túi bụi.

  + Con gà sống đứng ngơ ngác một lúc, rồi mổ mồi để dỗ gà mái.

- Từ đó cho biết, người kể chuyện đã cảm nhận cái lao xao ấy bằng nhiều giác quan: thính giác, thị giác đan xen nhau.

Câu 12: Xác định chủ đề của văn bản Lao xao ngày hè.

Trả lời:

- Chủ đề văn bản: thể hiện tình yêu với thiên nhiên và sự trân trọng, gìn giữ vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh sắc quê hương Việt Nam.

Câu 13: Đọc kĩ đoạn văn:

Cả nhà ngồi ăn cơm trong hương lúa đầu mùa từ đồng Chõ thoảng về, trong tiếng sáo diều cao vút của chú Chàng; trong dàn nhạc ve, trong tiếng chó thủng thẳng sủa giăng…

Chúng tôi no nê, rủ nhau giải chiếu ở hiên nhà ngủ cho mát.

Ôi cái mùa hè hiếm hoi. Ngày lao xao, đêm cũng lao xao. Cả làng xóm hình như không ai được ngủ, cùng thức với giời, với đất. Tôi khát khao thầm ước: Mùa hè nào cũng được như mùa hè này!

Theo em tác giả hồi kí đã thể hiện những cảm xúc gì khi kể về những ngày hè đã qua?

Trả lời:

 - Theo em, tác giả đã thể hiện cảm xúc hạnh phúc khi được trải qua những mùa hè êm đềm, bình yên ở quê hương.

Câu 14: Hãy chia sẻ với bạn về ấn tượng và cảm xúc của em khi đọc Lao xao ngày hè.
Trả lời:

- Chia sẻ ấn tượng và cảm xúc khi đọc “Lao xao ngày hè”:

Bài văn đã đem đến cho em những hiểu biết thú vị về đặc điểm, tập tính, hình dáng của một số loài chim. Qua đó, em cảm thấy yêu mến thế giới tự nhiên quanh mình.



Thương nhớ bầy ong

Câu 1: Đã bao giờ em phải chia tay mãi mãi với một con vật nuôi, một đồ chơi, một vật dụng… hết sức thân thiết đối với mình? Tâm trạng của em khi ấy thế nào?

Trả lời:

 - Em đã từng chia tay chú mèo nhỏ của mình vì chú bị bệnh và đã chết.

 - Tâm trạng của em lúc đó rất buồn và hụt hẫng 

Câu 2: Em hãy tìm hiểu về công việc nuôi ong và tình cảm của người nuôi ong với bầy ong của mình.

Trả lời:

- Tìm hiểu về công việc nuôi ong và tình cảm của người nuôi ong với bầy ong của mình.

* Kỹ thuật tạo chúa và chia đàn ong

- Tạo chúa:

   + Khi đàn ong xung mãn, Khi nguồn phấn, mật dồi dào hoặc ong chúa đã già thì đàn ong có khuynh hướng tạo những nụ để nuôi chúa mới để thay thế hoặc chia bay. Đây là đặc điểm sinh học nhằm bảo vệ nòi giống, luôn có ong chúa dự trữ trong đàn.

   + Phương pháp đàn có chúa: Chọn đàn ong có 8 hoặc 9 cầu quân thật đông (có thể quân bu cả trên nắp). Dùng một ván ngắn đặt vào giữa 4 cầu nhộng, như vậy 2 cầu nhộng và cầu mật sẽ ở bên ngoài và ở đây không có ong chúa, bên kia ong chúa vẫn đẻ bình thường. Đưa khung tạo chúa vào giữa hai cầu nhộng và làm công việc như ở phương pháp đàn không chúa.

- Chia đàn: Những đàn từ 7 cầu đông quân trở lên đều có thể chia đàn.

* Kỹ thuật khai thác phấn hoa

- Khai Thác Phấn Hoa: Vào mùa bông chè, cà phê, mắc cỡ ..vv.., nếu  nguồn phấn dồi dào ta có thể tổ chức khai thác phấn hoa:

Dùng một tấm lưới có các lỗ có đường kính 5,7mm chận trước cửa tổ, bên dưới dùng một máng để hứng phấn. Ong đi làm về mang hai hạt phấn ở hai chân sau khi chui vào lỗ của lưới thoái phấn sẽ đễ lại hai hạt phấn ở bên ngoài. Hai hạt phấn này sẽ rơi xuống màng hứng phấn. Trưa hoặc chiều người nuôi ong sẽ gom số phấn này lại.

Câu 3: Văn bản “Thương nhớ bầy ong” thuộc thể loại nào? 

Trả lời:

- Văn bản “Thương nhớ bầy ong” thuộc thể loại hồi kí.

Câu 4: Phương thức biểu đạt chính mà tác giả sử dụng trong văn bản “Thương nhớ bầy ong” là? 

Trả lời:

- Phương thức biểu đạt chính mà tác giả sử dụng trong văn bản “Thương nhớ bầy ong” là tự sự.

Câu 5: Nêu bố cục của văn bản “Thương nhớ bầy ong” và nội dung chính của từng đoạn.

Trả lời:

- Phần 1 (Từ đầu đến ...ra đồng cày tra): Gia đình nhân vật tôi nuôi ong

- Phần 2 (Còn lại): Nhân vật tôi chứng kiến đàn ong bay đi 

Câu 6: Văn bản “Thương nhớ bầy ong” được kể theo ngôi thứ mấy? Vì sao em biết?

Trả lời:

 - Văn bản “Thương nhớ bầy ong” được kể theo ngôi thứ nhất.

- Em biết điều này vì người kể chuyện xưng “tôi”

Câu 7: Dựa vào văn bản “Thương nhớ bầy ong” hãy giải thích thế nào là ong “trại”.

Trả lời:

- “Ong trại” có nghĩa là một phần đàn ong rời bỏ tổ nhà, mang theo một ong chúa.

Câu 8: Những dấu hiệu nào đã giúp em biết văn bản trên thuộc thể hồi kí?

Trả lời:

Những dấu hiệu đã giúp em biết văn bản trên thuộc thể hồi kí:

- Kể lại những sự việc mà người viết trực tiếp tham dự trong quá khứ. Trong văn bản, tác giả đã kể lại sự việc trong quá khứ khi gia đình nuôi ong và chứng kiến cảnh “ong trại” với tâm trạng buồn bã.

- Người kể chuyện: ngôi thứ nhất, xưng “tôi”.

- Hình thức ghi chép: tác giả ghi chép lại những sự việc có thật khi tác giả chứng kiến “ong trại” và truyện được kể hấp dẫn, sâu sắc, thể hiện những tâm sự, chiêm nghiệm của tác giả. 

Câu 9: Trong câu văn “Và ý thơ cuộc đời, ý thơ vũ trụ, cái xa xôi vắng vẻ sau này ám ảnh tôi, ngày thơ bé tôi đã nghe rồi, mỗi lần ong trại”, theo em, có thể bỏ bớt cụm từ “sau này” hoặc “ngày thơ bé” được không? Vì sao? Từ đó nêu tác dụng của việc sử dụng các cụm từ chỉ thời gian trong hồi kí.

Trả lời:

- Theo em, không thể bỏ bớt cụm từ  “sau này” hoặc “ngày thơ bé” 

- Vì câu văn thể hiện những cảm xúc, suy tư trong quá khứ đã ảnh hưởng đến những cảm xúc trong thơ của tác giả sau này. 

- Tác dụng của việc sử dụng các cụm từ chỉ thời gian trong hồi kí: 

  + Nếu bỏ bớt cụm từ, người đọc sẽ không thể hiểu được ý nghĩa của câu văn.

  + Các sự việc trong hồi kí thường được kể theo trình tự thời gian. Vì vậy cần có các cụm từ chỉ thời gian để xác định được thời điểm xảy ra sự việc.

Câu 10: Tìm trong văn bản một số từ ngữ, câu văn diễn tả nỗi buồn của nhân vật “tôi” khi chứng kiến bày ong bỏ tổ bay đi. Em có nhận xét gì về tình cảm mà cậu bé dành cho bầy ong?

Trả lời:

- Một số từ ngữ, câu văn diễn tả nỗi buồn của nhân vật “tôi” khi chứng kiến bày ong bỏ tổ bay đi:

   + Tôi nhìn theo, buồn không nói được.

   + Nhìn ong trại đi, tưởng như một mảnh hồn của tôi đã san đi nơi khác.

- Nhận xét gì về tình cảm mà cậu bé dành cho bày ong: cậu bé có tình cảm yêu mến đặc biệt với bầy ong, khi chúng rời xa, cậu cảm thấy buồn bã, như mất đi một phần vốn rất thân quen với mình.

Câu 11: Để tái hiện lại quá khứ một cách chân thực, sinh động người viết hồi kí có thể tập trung kể lại sự việc, cũng có thể vừa kể lại sự việc vừa kể lại cảm xúc, suy tư của mình trước sự việc ấy. Theo em, Thương nhớ bầy ong thuộc trường hợp nào trong hai trường hợp trên? Dựa vào đâu có thể khẳng định như vậy?

Trả lời:

- Để tái hiện lại quá khứ một cách chân thực, sinh động người viết hồi kí có thể tập trung kể lại sự việc, cũng có thể vừa kể lại sự việc vừa kể lại cảm xúc, suy tư của mình trước sự việc ấy. Theo em, “Thương nhớ bầy ong” thuộc kiểu hồi kí vừa kể lại sự việc vừa kể lại cảm xúc, suy tư của mình trước sự việc ấy. 

- Có thể khẳng định được điều ấy vì nhân vật tôi đã kể về những lần ong trại và từ đó thể hiện những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình. Những cảm xúc ngày thơ bé đó cũng đã ảnh hưởng, ám ảnh đến tác giả về sau.

Câu 12: Em có nhận xét gì về cách quan sát, cảm nhận thiên nhiên, loài vật của nhân vật “tôi”?

Trả lời:

- Tác giả đã thể hiện nhân vật tôi có cách quan sát tỉ mỉ, thể hiện những hiểu biết về đặc điểm loài ong: mọi vật đều mang trong nó một linh hồn, gần gũi và thân thuộc với con người.

Câu 13: Đọc Thương nhớ bầy ong, có bạn khẳng định rằng nhân vật cậu bé xưng “tôi”, trong văn bản chính là tác giả Cù Huy Cận, một số bạn khác lại cho là không phải như vậy. Cho biết ý kiến của em về các nhận định trên.

Trả lời:

- Theo em, nhân vật cậu bé xưng “tôi”, trong văn bản chính là tác giả Cù Huy Cận – Điều này được thể hiện qua câu văn “Và ý thơ cuộc đời, ý thơ vũ trụ, cái xa xôi vắng vẻ sau này ám ảnh tôi, ngày thơ bé tôi đã nghe rồi, mỗi lần ong trại”. Ông là một nhà thơ nổi tiếng của nước ta, những bài thơ của ông thường thấm đẫm một nỗi buồn mênh mang khó tả.


ĐỌC KẾT NỐI CHỦ ĐIỂM 

Đánh thức trầu

Câu 1: Văn bản “Đánh thức trầu” thuộc thể loại gì? 

Trả lời:

- Văn bản “Đánh thức trầu” thuộc thể loại thơ 5 chữ.

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Đánh thức trầu” là?

Trả lời:

- Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Đánh thức trầu” là biểu cảm.

Câu 3: Nêu bố cục của văn bản “Đánh thức trầu” và ý nghĩa của từng đoạn. 

Trả lời:

- Phần 1 (Từ đầu đến ...thì tao hái đêm): Lời hát của bà

- Phần 2 (Còn lại): Lời gọi của em bé 

Câu 4: Khi “đánh thức trầu”, cậu bé dường như không tin rằng trầu có thể nghe được điều mình nói mà còn muốn trầu nhìn thấy mình nữa. Các chi tiết nào cho em biết như vậy?

Trả lời:

- Khi “đánh thức trầu”, cậu bé dường như không tin rằng trầu có thể nghe được điều mình nói mà còn muốn trầu nhìn thấy mình nữa. Các chi tiết cho em biết:

“Trầu ơi hãy tỉnh lại

Mở mắt xanh ra nào

Lá nào muốn cho tao

Thì mày chìa ra nhé.”

Câu 5: Cách xưng hô “mày”, “tao” và việc lặp lại các lời “đánh thức trầu” ở đầu mỗi đoạn thơ thể hiện tình cảm như thế nào giữa cậu bé với cây trầu?

Trả lời:

- Cách xưng hô gần gũi và lời đánh thức trầu nhẹ nhàng, ba lần gọi dậy vì sợ trầu đã ngủ say, thể hiện tình cảm của cậu bé với trầu giống như những người bạn đang nói chuyện cùng nhau.

Câu 6: Theo em, vì sao mỗi khi muốn hái trầu vào ban đêm, cậu bé cùng bà và mẹ mình, phải gọi cho trầu tỉnh ngủ rồi mới xin “hái vài lá”? Điều này cho thấy cách đối xử với cây cối trong vườn của người dân quê như thế nào?

Trả lời:

- Mỗi khi muốn hái trầu vào ban đêm, cậu bé cùng bà và mẹ mình, phải gọi cho trầu tỉnh ngủ rồi mới xin “hái vài lá” vì hái trầu đêm dễ làm trầu lụi nên phải đánh thức trầu, nói rõ lí do, phải hái rất nhẹ nhàng và chỉ hái vài lá đủ dùng. 

- Điều này đã cho thấy những người dân quê đối xử với cây cối bình đẳng, thân thiết như con người.

Câu 7: Từ câu hát của người bà “Trẩu trẩu trầu trầu/ Mày làm chúa tao/ Tao làm chúa mày”… cũng như lời “đánh thức trầu” của cậu bé trong bài thơ, em nghĩ thế nào về quan niệm “con người là chúa tể của muôn loài”?

Trả lời:

- Từ câu hát của người bà và của cậu bé, em nghĩ rằng con người không hẳn là “chúa tể muôn loài” mà con người và loài vật là những người bạn. 

- Em nghĩ về quan niệm “con người là chúa tể của muôn loài” là: Con người nên đối xử tôn trọng, bình đẳng, thân thiết và hoà mình cùng với muôn loài.

 

Thực hành tiếng Việt trang 121

Câu 1: Tìm một câu có sử dụng biện pháp so sánh và một câu sử dụng biện pháp ẩn dụ trong Lao xao ngày hè. Chỉ ra điểm giống nhau và khác nhau giữa hai biện pháp tu từ này.

Trả lời:

- Câu văn có phép so sánh: Con diều hâu lao như mũi tên xuống.

- Câu văn có phép ẩn dụ: Lần này nó chửa kịp ăn, những mũi tên đen, mang hình đuôi cá từ đâu bay tới. “Những mũi tên đen” là hình ảnh ẩn dụ.

- Biện pháp so sánh và ẩn dụ có đặc điểm:

Giống nhau:

+ Các sự việc, hiện tượng có nét tương đồng với nhau.

+ Đều có vế B (Sự vật dùng để so sánh, tăng sức gợi hình, gợi cảm)

Khác nhau:

+ Biện pháp So sánh có 2 vế A, B đầy đủ.

+ Ẩn dụ: Ẩn đi vế A, chỉ còn vế B. 

Câu 2: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi ở dưới:

Người ta nói chèo bẻo là kẻ cắp. Kẻ cắp hôm nay gặp bà già! Nhưng từ đây tôi lại quý chèo bẻo. Ngày mùa, chúng thức suốt đêm. Mới tờ mờ đất nó đã cất tiếng gọi người: “Chè cheo chét”… Chúng nó trị kẻ ác. Thì ra, người có tội khi trở thành người tốt thì tốt lắm!

a. Chỉ ra biện pháp ẩn dụ trong đoạn văn.

b. Nêu nét tương đồng giữa các sự vật, hiện tượng được so sánh ngầm với nhau và tác dụng của biện pháp này trong việc miêu tả loài vật.

Trả lời:

a. Biện pháp ẩn dụ trong đoạn văn:

+ bà già, kẻ ác – để chỉ lũ diều hâu.

+ Người có tội – để chỉ chèo bẻo

b. Nét tương đồng

+ Kẻ ác: để chỉ diều hâu bởi nó là con vật hung dữ, thường bắt gà con. (sự giống nhau dựa trên bản chất là xấu xa)

+ Bà già: để chỉ diều hâu, ý nói đây là đối thủ đáng gờm của chèo bẻo. (sự giống nhau dựa trên bản chất là xấu xa)

+ Người có tội để chỉ chèo bẻo, ý muốn nói chèo bẻo cũng là loài vật khá hung dữ, thích ăn thịt các loài côn trùng. (dựa trên bản chất).

- Tác dụng của phép ẩn dụ: làm tăng sức gợi hình , gợi cảm cho sự diễn đạt, khiến cho thế giới các loài chim hiện lên sinh động, bộc lộ được những đặc điểm giống như con người.

Câu 3: Hãy xác định biện pháp tu từ trong các câu văn dưới đây và cho biết dựa vào đâu để xác định như vậy:

a. Cả làng xóm hình như (…) cùng thức với giời, với đất.

b. Sau nhà có hai đõ ong “say” lắm.

c. Thời đó đường Bờ Sông chỉ trải đá, chưa tráng nhựa, chiều hè gió ngoài sông thổi vào, bụi mù, thành phố phải dùng những xe bò kéo chở nước đi tưới.

d. Mùa đông, tôi không ra đường chơi được thì ở nhà đọc truyện Tàu cho cả nhà trong (…), nhà ngoài (…) nghe, hết một cuốn thì cầm hai xu chạy vù lại hiệu Cát Thành đầu phố hàng Gai đổi cuốn khác.

Trả lời:

- Phép hoán dụ, dựa vào nội dung câu có thể xác định như sau

a. Cả làng xóm (lấy vật chứa để gợi vật được chứa )

b. Đõ ong (lấy vật chứa để gợi vật được chứa )

c. Thành phố (lấy vật chứa để gợi vật được chứa )

d. Nhà trong, nhà ngoài (lấy vật chứa để gợi vật được chứa )

Câu 4: Theo em, cụm từ “mắt xanh” trong câu thơ: “Trầu ơi, hãy tỉnh lại/ Mở mắt xanh ra nào” gợi cho ta liên tưởng đến hình ảnh quen thuộc nào? “mắt xanh” trong trường hợp này có phải là ẩn dụ không? Dựa vào đâu để nói như vậy?

Trả lời:

- “Mắt xanh” gợi cho ta liên tưởng đến hình ảnh chiếc lá trầu

- Trong trường hợp này đây là phép ẩn dụ vì giữa mắt xanh và lá trầu có sự giống nhau về hình dáng, màu sắc.
Câu 5: Hãy dẫn ra một câu văn sử dụng biện pháp ẩn dụ hoặc hoán dụ trong Lao xao ngày hè hoặc Thương nhớ bầy ong mà em cho là thú vị và chia sẻ với mọi người.

Trả lời:

- Hình ảnh sử dụng phép ẩn dụ mà em thích là “Lần này nó chửa kịp ăn,những mũi tên đen, mang hình đuôi cá từ đâu bay tới.”

- Hình ảnh ẩn dụ là những mũi tên đen nhằm gợi ra cho người đọc hình dung về chú chim chèo bẻo lao nhanh xuống để kịp cứu gà con đang bị diều hâu tha đi.

Câu 6: Hãy chỉ ra biện pháp tu từ trong các dòng thơ dưới đây và cho biết những dấu hiệu nào giúp em nhận ra biện pháp nghệ thuật ấy

 Đã ngủ rồi hả trầu?

Tao đã đi ngủ đâu

Mà trầu mày đã ngủ

Trả lời:

- Biện pháp tu từ nhân hoá, được gợi qua các từ “đã ngủ rồi hả trầu?”. Tác giả đã xưng hô, trò chuyện thân mật với vật như với con người và từ miêu tả hành động cho vật như với con người (ngủ)

Câu 7: Lao xao ngày hè, Thương nhớ bầy ong, Đánh thức trầu đều viết về tuổi thơ tác giả gắn với cây cối, loài vật. Cả ba văn bản đều sử dụng biện pháp nhân hoá. Theo em, vì sao như vậy?

Trả lời:

- Cả ba văn bản đều sử dụng biện pháp nhân hoá

- Vì các tác giả đã gọi, tả các loài vật, cây cối bằng những từ gọi, tả người.

Câu 8: Viết đoạn văn nói về đặc điểm riêng của một cây hoa hoặc một con vật mà em yêu thích. Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất một trong số các biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ.

Trả lời:

Đoạn văn mẫu tham khảo

Nhà em có nuôi một chú mèo tên là Bông. Nó thuộc giống mèo tam thể. Bộ lông mềm mại với ba màu vàng, đen và trắng. Thân hình của Bông nhỏ bé, cân nặng khoảng hai ki-lô-gam. Chiếc đầu nhỏ cử động rất linh hoạt. Đôi tai có hình tam giác, lúc nào cũng vểnh lên cao. Đôi mắt của Bông tròn xoe như hai hòn bi ve. Chiếc mũi nhỏ xinh có màu hồng, lúc nào cũng ươn ướt. Bốn chiếc chân rất linh hoạt, ở bàn chân còn có những chiếc móng sắc nhọn. Cũng giống như những chú mèo khác, Bông rất thích bắt chuột. Những lúc rảnh, em thường chơi đùa với Bông. Cô mèo chính là người bạn thân thiết của em.

- Nhân hóa: Cô mèo chính là người bạn thân thiết của em.



ĐỌC MỞ RỘNG THEO THỂ LOẠI

Một năm ở tiểu học

Câu 1: Văn bản “Một năm ở tiểu học” thuộc thể loại gì? 

Trả lời:

- Văn bản “Một năm ở tiểu học” thuộc thể loại hồi kí.

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Một năm ở tiểu học” là?

Trả lời:

- Phương thức biểu đạt chính trong văn bản “Một năm ở tiểu học” là tự sự.

Câu 3: Văn bản “Một năm ở tiểu học” được kể theo ngôi thứ mấy? Vì sao em biết?

Trả lời:

- Văn bản “Một năm ở tiểu học” được kể theo ngôi thứ nhất.

- Em biết điều này vì người kể chuyện xưng “tôi”

Câu 4: Nêu bố cục của văn bản “Một năm ở tiểu học” và ý nghĩa của từng đoạn. 

Trả lời:

- Phần 1 (Từ đầu đến ...cho cả bọn nghe): Kí ức chơi đùa với bọn trẻ trong xóm

- Phần 2 (Còn lại): Kí ức với gia đình. 

Câu 5: Em hãy đối chiếu với đặc điểm của thể loại hồi kí trong mục Tri thức đọc hiểu và hoàn thành các câu sau: 

a. Một năm ở Tiểu học kể lại chuỗi sự việc mà tác giả là người như thế nào?
b. Đó là những sự việc có thật diễn ra tại… gắn với quãng đời… của…

c. Nhân vật xưng “tôi”, người kể chuyện ngôi…, là… trong tác phẩm và là hình bóng của tác giả Nguyễn Hiến Lê ngoài đời.

d. Văn bản có sự kết hợp giữa kể chuyện với… và…

Trả lời:

a. Một năm ở Tiểu học kể lại chuỗi sự việc mà tác giả là người kể.

b. Đó là những sự việc có thật diễn ra tại quá khứ gắn với quãng đời học sinh của nhân vật “tôi”.

c. Nhân vật xưng “tôi”, người kể chuyện ngôi thứ nhất, là hình ảnh của tác giả trong tác phẩm và là hình bóng của tác giả Nguyễn Hiến Lê ngoài đời.

d. Văn bản có sự kết hợp giữa kể chuyện với miêu tả và biểu cảm.

 


VIẾT 

Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt

Câu 1: Miêu tả là gì? 

Trả lời:

- Miêu tả là loại văn nhằm giúp cho người đọc, người nghe hình dung được những đặc điểm, tính chất nổi bật của sự vật, sự việc, con người hay phong cảnh,… làm cho những cái đó như đang hiển hiện lên trước mắt người đọc, người nghe

Câu 2: Tác dụng của biện pháp miêu tả? 

Trả lời:

- Tác dụng: làm cho sự vật hiện lên sinh động với những chi tiết về hình dáng, kích thước, khối lượng, màu sắc, âm thanh... như nó vốn có trong cuộc sống để người đọc (người nghe) như được nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy... đối tượng miêu tả một cách cụ thể, sinh động.

Câu 3: Sinh hoạt là gì? 

Trả lời:

- Sinh hoạt là lời ăn tiếng nói hằng ngày dùng để trao đổi thông tin, ý nghĩ, tình cảm,… đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.

Câu 4: Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt là nhằm mục đích gì? 

Trả lời:

- Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt là nhằm mục đích giúp người đọc hình dung được rõ nét về không khí, đặc điểm nổi bật của cảnh đó. 

Câu 5: Khi viết bài văn tả cảnh sinh hoạt chúng ta cần thực hiện theo mấy bước? Là những bước nào? 

Trả lời:

- Khi viết bài văn tả cảnh sinh hoạt chúng ta cần thực hiện theo 4 bước:

+ Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

+ Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

+ Bước 3: Viết bài

+ Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm

Câu 6: Lập dàn ý cho bài văn tả cảnh sinh hoạt. 

Trả lời:

a. Mở bài: Giới thiệu về cảnh sinh hoạt em muốn miêu tả

- Cảnh sinh hoạt đó là gì?

- Cảnh sinh hoạt đó diễn ra ở đâu? Vào lúc nào?

b. Thân bài: Tả cảnh sinh hoạt:

- Tả bao quát về không gian, bối cảnh nơi diễn ra cảnh sinh hoạt em muốn miêu tả:

+ Thời tiết, bầu trời

+ Cây cối, hoa cỏ

+ Nhà cửa, đường phố, hàng quán

+ Con người

- Tả chi tiết một số hình ảnh nổi bật ở cự li gần:

+ Các sự vật khi quan sát gần có đặc điểm gì? (bàn ghế, bức tường, cây cối, nét mặt con người…)

+ Khi tiến lại gần, em có cảm giác như thế nào với các hoạt động đang diễn ra?

+ Em có muốn được tham gia vào khung cảnh sinh hoạt đó không?

- Tả sự thay đổi của sự vật trong cảnh sinh hoạt theo thời gian:

+ Thời tiết, cây cối, cảnh vật… có gì thay đổi từ khi em bắt đầu quan sát

+ Hành động, biểu cảm, câu chuyện… của con người trong lúc sinh hoạt có gì thay đổi?

c. Kết bài: Phát biểu cảm nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung của em về cảnh sinh hoạt.

Câu 7: Viết một bài văn tả cảnh sinh hoạt lớp. 

 Trả lời:

Bài văn mẫu tham khảo

Vào chiều thứ 6 hằng tuần, lớp em lại tổ chức sinh hoạt để tổng kết lại những gì đã qua và triển khai kế hoạch cho tuần tới. Cô giáo và bạn Hà lớp trưởng sẽ đứng ra chủ trì buổi sinh hoạt.

Khi ra chơi tiết 4, bạn Hà nhanh chóng xem lại lịch của buổi sinh hoạt, sắp xếp lại những gì chuẩn bị thông báo trước lớp. Các bạn trai chẳng ai bảo ai tự đi kê bàn ghế lại cho thật ngay ngắn. Khi tiếng trống vào tiết vang lên, cô giáo chủ nhiệm lớp em bước vào. Các bạn nhanh chóng ổn định vào chỗ, đứng nghiêm túc chào cô. Trong buổi sinh hoạt hôm nay, cô để bạn Hà chủ trì tất cả. Cô xuống bàn cuối lớp ngồi lắng nghe nội dung của buổi sinh hoạt.

Bạn Hà nhanh chóng đứng lên bục giảng, rõng rạc nhận xét nội dung của tuần qua. Kết quả học tập của lớp tuần này có tiến bộ hơn, các bạn cũng nghiêm túc học bài và làm bài đầy đủ, không có việc gì nổi trội xảy ra. Tuy nhiên, một số bạn vẫn chưa thực sự cố gắng, kết quả học tập chững lại so với các bạn. Một vài bạn còn đi học muộn. Khi nhận xét xong, Hà triển khai kế hoạch, nhiệm vụ tuần tới. Bạn thư ký nhanh tay ghi chép đầy đủ lời của lớp trưởng để hoàn thành biên bản cuộc họp.

Khi Hà báo cáo, các bạn chăm chú lắng nghe. Cô giáo cũng gật gù đồng ý. Sau đó, cô đi lên phía trên lớp, bắt đầu đưa ra ý kiến của mình. Vì là năm đầu cấp, nên mỗi buổi sinh hoạt, cô giáo rất chú trọng tới vấn đề học tập. Cô nhận xét tỉ mỉ tiến độ cố gắng của từng bạn. Khen thưởng những bạn có thành tích tốt đồng thời, phê bình, đưa ra hình phạt với những bạn chưa thực sự cố gắng.

Sau đó, cô thông báo, vì lớp em có tiến bộ nên cô đã bàn bạc với phụ huynh để chúng em được đi dã ngoại một hôm. Nghe xong, lớp chúng em sôi động hơn rất nhiều. Ai nấy đều hào hứng, cười híp mắt rồi bàn xem sẽ đi đâu, mặc gì, ăn gì... Cả lớp như một tổ ong vỡ tổ. Thế nên cô thường xuyên phải nhắc nhở lớp trật tự để không bị ảnh hưởng tới lớp khác. Cô cũng tham khảo một số ý kiến rồi ghi lên trên bảng. Sau khi các bạn thống nhất đồng ý, cô bắt đầu chốt danh sách, kế hoạch

Buổi sinh hoạt kết thúc thì trời cũng vừa xế chiều. Các bạn chào cô rồi nhanh chóng đi ra phía cửa lớp. Buổi sinh hoạt mỗi tuần là cách để chúng em nhìn lại mình và nỗ lực cố gắng hơn trong tuần tiếp theo.

 

NÓI VÀ NGHE

Trình bày về một cảnh sinh hoạt 

Câu 1: Mục đích khi trình bày về một cảnh sinh hoạt là gì?

Trả lời:

- Mục đích khi trình bày về một cảnh sinh hoạt là muốn giúp người đọc hình dung được rõ nét về không khí, đặc điểm nổi bật của cảnh đó. 

Câu 2: Theo em, việc trình bày về một cảnh sinh hoạt chúng ta cần chuẩn bị theo mấy bước? Kể tên. 

Trả lời:

Theo em, việc trình bày về một cảnh sinh hoạt chúng ta cần chuẩn bị theo 4 bước:

Bước 1: Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Bước 3: Luyện tập và trình bày

Bước 4: Trao đổi, đánh giá

Câu 3: Khi chia sẻ trải nghiệm của mình về một cảnh sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày có giúp cho mối quan hệ của chúng ta với mọi người xung quanh tốt lên không? Vì sao? 

Trả lời:

- Khi chia sẻ trải nghiệm của mình về một cảnh sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày có giúp cho mối quan hệ của chúng ta với mọi người xung quanh tốt lên.

- Vì khi chia sẻ, nói chuyện với mọi người xung quanh sẽ giúp chúng ta hiểu nhau hơn, thân thiết với nhau hơn.

 

Ôn tập trang 130

Câu 1: Văn bản nào trong các văn bản Lao xao ngày hè, Thương nhớ bầy ong, Đánh thức trầu, Một năm ở tiểu học thuộc thể loại hồi kí? Dựa vào đâu em khẳng định như vậy?

Trả lời:

- Các văn bản Lao xao ngày hè, Thương nhớ bầy ong, Một năm ở tiểu học là các văn bản hồi kí. 

- Dựa vào đặc điểm của thể loại em có thể khẳng định như vậy:

+ Văn bản kể lại chuỗi sự việc mà tác giả là người kể.

+ Truyện là những sự việc có thật diễn ra tại quá khứ gắn với quãng đường thơ ấu của tác giả.

+ Nhân vật xưng “tôi”, người kể chuyện ngôi thứ nhất, là hình ảnh của tác giả trong tác phẩm và là hình bóng của tác giả ngoài đời.

+ Văn bản có sự kết hợp giữa kể chuyện với miêu tả và biểu cảm.

Câu 2: Trong các văn bản hồi kí đã học, em thích nhất văn bản nào? Vì sao? Hãy tóm tắt nội dung văn bản ấy

Trả lời:

- Trong các văn bản đã học, em thích nhất là văn bản “Thương nhớ bầy ong”. 

- Vì: Truyện kể lại về những ngày xưa, khi gia đình nhân vật tôi còn nuôi ong. Nhân vật yêu thích việc xem ong họp đàn. 

- Những lần ong trại đã để lại trong nhân vật những nỗi buồn không nói thành lời, giống như một phần linh hồn của mình đã san đi nơi khác. Và cuối cùng, nhân vật đúc rút ra cho mình có những vật vô tri vô giác, nhỏ nhẻ, vụn vặt đều mang linh hồn vương vấn với hồn ta và khiến ta yêu mến.

Câu 3: Khi viết một bài văn tả cảnh sinh hoạt, em cần lưu ý đến những gì?

Trả lời:

Khi viết một bài văn tả cảnh sinh hoạt, em cần lưu ý những điều sau:

- Để tả cảnh sinh hoạt cần quan sát và dùng lời văn gợi tả, làm sống lại bức tranh sinh hoạt, giúp người đọc hình dung được rõ nét về không khí, đặc điểm nổi bật của cảnh.

- Cần giới thiệu được cảnh sinh hoạt, thời gian, địa điểm diễn ra cảnh sinh hoạt.

- Tả lại cảnh sinh hoạt theo trình tự hợp lí.

- Thể hiện được hoạt động của con người trong thời gian, không gian cụ thể.

- Gợi được quang cảnh, không khí chung, những hình ảnh tiêu biểu của bức tranh sinh hoạt.

- Sử dụng từ ngữ phù hợp, nêu được cảm nhận của người viết về cảnh được miêu tả.

- Đảm bảo cấu trúc bài văn ba phần.

Câu 4: Em rút ra được những lưu ý gì khi chuẩn bị và trình bày bài nói về cảnh sinh hoạt mà mình quan sát?

Trả lời:

Em rút ra được những lưu ý khi chuẩn bị và trình bày bài nói về cảnh sinh hoạt mà mình quan sát là:

- Để tả cảnh sinh hoạt cần quan sát và dùng lời văn gợi tả, làm sống lại bức tranh sinh hoạt, giúp người đọc hình dung được rõ nét về không khí, đặc điểm nổi bật của cảnh.

- Cần giới thiệu được cảnh sinh hoạt, thời gian, địa điểm diễn ra cảnh sinh hoạt.

- Thể hiện được hoạt động của con người trong thời gian, không gian cụ thể.

Câu 5: Hãy chia sẻ với bạn học cùng nhóm cảm nhận của em về vẻ đẹp thiên nhiên của một mùa trong năm. Trong khi nói, cố gắng sử dụng biện pháp tu từ phù hợp.

Trả lời:

Các bạn thân mến, mỗi năm khi những cơn gió mùa đông qua đi, thì đó cũng là lúc mùa xuân về. Mùa xuân đến, mọi vật như được khoác trên mình chiếc áo mới. Xung quanh em ngập tràn muôn vàn ánh nắng ban mai của mùa xuân, ánh nắng ấm áp ấy khiến trái tim em rộn ràng, phơi phới. Mọi vật như bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông dài, những bông hoa đua nhau khoe sắc, những cành cây non đâm chồi nảy lộc, những chú chim đậu trên cành cây hót líu lo, tiếng xe ngoài đường tấp nập... Mọi thứ như hòa vào một, thật giống như bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp.

Câu 6: Theo em, “thiên nhiên muốn trò chuyện cùng ta” điều gì?

Trả lời:

- Theo em, thiên nhiên muốn con người cùng lắng nghe, trò chuyện, tâm tình như những người bạn, cùng trân trọng và yêu mến cuộc sống.

 

Đánh giá

0

0 đánh giá