Sách bài tập Ngữ Văn 11 Viết trang 17 | Kết nối tri thức

223

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Viết trang 17 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Ngữ Văn lớp 11 Viết trang 17

Bài tập 1 trang 17 SBT Ngữ văn 11 Tập 1:Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về ý kiến trích từ văn bản Tiếp xúc với tác phẩm (Thái Bá Vân): “Nội dung của tác phẩm được người xem mở rộng”.

Trả lời:

Mỗi một tác phẩm nghệ thuật được thực hiện đều đem đến những giá trị cảm quan nhất định đối với các độc giả, và như tác giả Thái Bá Vân đã viết trong văn bản Tiếp xúc với tác phẩm: “Nội dung của tác phẩm được người xem mở rộng”, điều cốt lõi của nghệ thuật chính là việc đem những tác phẩm nghệ thuật đến với người thưởng thức, và mở rộng ý nghĩa tác phẩm ấy ra nhiều tầng ý nghĩa khác nhau theo cảm nhận của mỗi người. Quả đúng như vậy, nghệ thuật vốn là nơi để sức sáng tạo được bay xa. Trước hết, ta phải nhận định nội dung của tác phẩm (ở đây sẽ đề cập cụ thể là tác phẩm hội họa) sẽ liên quan đến hai đối tượng là chủ thể sáng tạo (họa sĩ) và người xem. Khi sáng tạo, người họa sĩ cần tìm nguồn cảm hứng từ những tư liệu sống khác nhau (tùy vào những trải nghiệm khác nhau của mỗi cá nhân) để sáng tác tác phẩm của mình. Đối với người xem cũng vậy, mỗi người cũng sẽ có nhận thức, cách tiếp nhận khác nhau về một vấn đề dựa trên đời sống tinh thần độc lập của họ. Vì vậy, nội dung tác phẩm trong ý đồ người sáng tạo không bao giờ trùng khít với nội dung tác phẩm trong cảm nhận của người xem. Người xem có thể không biết hoạ sĩ muốn gửi gắm điều gì, nhưng tiếp xúc với tác phẩm cho phép họ lĩnh hội theo cách riêng những gì mà tác phẩm gợi ra. Điều này có thể giải thích cho việc cùng một bức tranh sẽ có người khen, người chê, người thấy ý nghĩa sâu sắc, người thấy bức tranh rối rắm, nhạt nhòa,... Vì thế, ý nghĩa của tác phẩm trong cảm nhận của người xem thường rất phong phú, vượt ra ngoài khuôn khổ ý tưởng của tác giả. Đó chính là cách một tác phẩm nghệ thuật mở rộng. Đây cũng chính là điều quý giá của nghệ thuật, khi không gian của nghệ thuật luôn khổng lồ và chứa đựng sự sáng tạo không ngừng nghỉ, quá trình tiếp nhận và mở rộng nghệ thuật của người thưởng thức sẽ là quá trình bất biến với thời gian.

Bài tập 2 trang 17 SBT Ngữ văn 11 Tập 1: Lập dàn ý cho một trong hai đề bài sau:

Đề 1. Việc khẳng định cá tính của bản thân có mâu thuẫn với sự hoà hợp trong một tập thể?

Đề 2. Phải chăng du học sẽ cho bạn cơ hội tiếp cận nền giáo dục tốt hơn?

Trả lời:

Đề 1

I. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề (trực tiếp hoặc gián tiếp – thông qua một câu chuyện, một tình huống của cuộc sống có liên quan đến cá nhân và tập thế).

II. Thân bài: Sử dụng hệ thống lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ một số ý.

– Cá tính của bản thân là gì? Sự hoà hợp trong một tập thể là gì?

– Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể có đặc điểm như thế nào?

– Trong một tập thể, mỗi cá nhân có cần thể hiện tính cách riêng không?

– Có hay không có sự mâu thuẫn giữa cá tính của bản thân và sự hoà hợp trong tập thể?

– Làm thế nào để phát huy tính tích cực của mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.

III. Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc bàn luận về vấn đề, bài học về nhận thức và hành động của cá nhân người viết khi tham gia vào các hoạt động tập thể.

Đề 2:

I. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề và nêu quan điểm cá nhân (đồng ý hay không đồng ý)

II. Thân bài

* Nếu đồng tình, cần làm rõ một số ý sau:

- Mục đích chính đáng của việc lựa chọn du học;

- Những cơ hội mở ra cho du HS khi được thụ hưởng một nền giáo dục mới;

- Những điều kiện cần có để làm cho việc du học đạt được mục đích;

- Định hướng cho cá nhân (nếu lựa chọn du học).

* Nếu không đồng tình, cần đưa ra các lí lẽ, bằng chứng để bác bỏ:

- Giáo dục trong nước cũng đã tiếp cận với giáo dục của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

- Có thể chọn lựa được các ngành học trong nước phù hợp với điều kiện và nhu cầu đa dạng của cá nhân;

- Việc du học sớm khi cá nhân chưa có đủ các điều kiện có thể “lợi bất cập hại (như “sốc” văn hoá, dễ mắc sai lầm khi không được sống cùng gia đình,..)

- Cơ hội là do mình lựa chọn, không phải chỉ du học mới có cơ hội giáo dục tốt.

III. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề.

Đánh giá

0

0 đánh giá