Sách bài tập Ngữ Văn 7 Bài 1: Tiểu thuyết và truyện ngắn | Cánh diều

5.8 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài 1: Tiểu thuyết và truyện ngắn sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 7. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài 1: Tiểu thuyết và truyện ngắn

I. Bài tập đọc hiểu

Người đàn ông cô độc giữa rừng

Câu 1 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tóm tắt nội dung đoạn trích bằng một đoạn văn khoảng 6 – 8 dòng

Trả lời:

Vào một lần ông Hai bán rắn tía nuôi An đã dắt An đi thăm chú Võ Tòng trong căn lều ở giữa rừng U Minh. Tại đây An đã thấy được nếp sống sinh hoạt đơn sơ, phóng khoáng của chú Võ Tòng, và tính cách khoáng đạt, tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc toát ra từ con người chú, chú mang những phẩm chất cao đẹp của những con người miền sông nước phương Nam này.

Câu 2 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Nhân vật Võ Tòng không chỉ được khắc họa ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, suy nghĩ, … qua lời kể của nhân vật “tôi” (ngôi thứ nhất) mà còn được hiện lên qua lời người kể chuyện (ngôi thứ ba) và lời cấc nhân vật khác. Em hãy dẫn ra một số câu văn cụ thể trong văn bản tiêu biểu cho cách kể sau:

a. Lời người kể chuyện theo ngôi thứ nhất.

b. Lời người kể chuyện theo ngôi thứ ba

c. Lời các nhân vật khác

Trả lời:

a. Lời người kể chuyện theo ngôi thứ nhất (trực tiếp)

Chú cởi trần, mặc chiếc quần ka ki còn mới, nhưng coi bộ đã lâu không giặt (chiếc quần lính Pháp có những sáu túi). Bên hông, chú đeo lủng lẳng một lưỡi lê nằm gọn trong vỏ sắt, đúng như lời má nuôi tôi đã tả.

b. Lời người kể chuyện theo ngôi thứ ba (gián tiếp)

Không ai biết tên thật của gã là gì. Mười mấy năm về trước, gã một mình bơi một chiếc xuồng nát đến che lều ở giữa khu rừng đầy thú dữ này. Gã sống đơn độc một mình, đến con chó để làm bạn cũng không có.

c. Lời các nhân vật khác

Nhưng ai cũng mến gã ở cái tính tình chất phác, thật thà, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không hề nghĩ đến chuyện người ta có đền đáp lại mình không. Điều đó, má nuôi tôi quả quyết, nói một cách chắc chắn như vậy …

Câu 3 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 3, SGK) Nêu tác dụng của việc kết hợp giữa lời kể theo ngôi thứ nhất (xưng "tôi") với lời kể theo ngôi thứ ba trong việc khắc họa nhân vật Võ Tòng.

Trả lời:

Người kể chuyện trong văn bản này vừa ở ngôi thứ nhất (xưng “tôi”), vừa ở ngôi thứ ba, tức là “tuy hai mà một”. Việc thay đổi ngôi kể về nhân vật Võ Tòng như tỏng đoạn trích có tác dụng giúp việc kể chuyện linh hoạt hơn, khắc họa chân dung Võ Tòng ở nhiều góc nhìn khác nhau (cả trực tiếp và gián tiếp). Vì vậy mà nhân vật càng trở nên sinh động, chân thực trong cái nhìn vừa khách quan, vừa chủ quan.

Câu 4 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 4, SGK) Hãy nêu ra một số yếu tố (ngôn ngữ, phong cảnh, tính cách con người, nếp sinh hoạt,...) trong văn bản để thấy tiểu thuyết của Đoàn Giỏi mang đậm màu sắc Nam Bộ

Trả lời:

Một số yếu tố cho thấy truyện của Đoàn Giỏi mang đậm màu sắc Nam Bộ:

- Ngôn ngữ: sử dụng ngôn ngữ địa phương đậm sắc Nam Bộ (tía, nhà việc, khám, qua,...)

- Tính cách con người: phóng khoáng chất phác, thật thà, dễ mến.

- Nếp sinh hoạt: nếp sinh hoạt của con người nơi đây cũng rất tự do phóng khoáng, người với người đối đãi với nhau bằng tình cảm hào sảng, gần gũi.

Câu 5 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 5, SGK) Qua đoạn trích, em hiểu thêm được gì về con người và thiên nhiên của vùng đất phương Nam? Hãy nêu một chi tiết mà em thích nhất và lí giải vì sao.

Trả lời:

- Có thể thấy, đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng giúp ta hiểu thêm về con người Nam Bộ. Cụ thể là những người như ông Hai, bà Hai (tía và má nuôi của An), nhân vật “tôi” và đặc biệt là chú Võ Tòng, … Đó là những con người sống chan hòa với thiên nhiên, tính cách trung thực, thẳng thắn, trọng nghĩa khinh tài, anh dũng, luôn vì nghĩa lớn, …

- Chi tiết mà em thích nhất là: Chi tiết chú Võ Tòng đánh hổ vì nó toát lên khí chất dũng cảm, mạnh mẽ và không sợ nguy hiểm của con người Nam Bộ.

Câu 6 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Chi tiết con vượn bạc má xuất hiện mấy lần trong đoạn trích? Chi tiết này tạo cho em ấn tượng gì về nhân vật Võ Tòng và bối cảnh của truyện?

Trả lời:

- Chi tiết con vượn bạc má xuất hiện 4 lần trong đoạn trích.

- Chi tiết này tạo cho em ấn tượng gì về nhân vật Võ Tòng và bối cảnh của truyện là: Đây là lần đầu nhân vật “tôi” gặp chú Võ Tòng trực tiếp tại “nhà” của chú là chiếc lều giữa rừng (trước đó chỉ gặp qua ở bờ sông và chủ yếu là nghe qua lời kể của vợ chồng ông Hai); thời gian gặp lại vào ban đêm về sáng. Tiếng con vượn bạc má kêu “ché..ét, ché…ét”, “ngồi vắt vẻo trên một thanh xà ngang, nhe răng dọa tôi” làm cho bối cảnh của cuộc gặp gỡ mang màu sắc hoang sơ, li kì, … Chi tiết đó cũng làm người đọc có ấn tượng mạnh mẽ về nhân vật Võ Tòng: một người sống trần trụi như muông thú giữa thiên nhiên.

Câu 7 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hình ảnh nhân vật Võ Tòng hiện lên qua lời kể của chú bé An là con người như thế nào? Em có suy nghĩ hoặc nhận xét gì về nhân vật này?

Trả lời:

- Qua lời kể của chú bé An, Võ Tòng là một con người có hình dáng bề ngoài rất kì lạ, như người rừng; như người từ thuở hoang sơ: “Dường như những cái bóng lặng lẽ ngồi bên bếp đây đang sống lùi lại từ cái thời kì loài người mới tìm ra lửa vậy.”, nhưng lại là một người rất gần gũi, ấm áp và kiên cường. Đây là ấn tượng của nhân vật An lúc mới vào lều của chú Võ Tòng: “Tôi không sợ chú Võ Tòng như cái đêm đã gặp chú lần đầu tiên ở bờ sông, mà lại còn có đôi chút cảm tình xen lẫn với ngạc nhiên hơi buồn cười thế nào ấy?

- Chú Võ Tòng là người giản dị, dũng cảm, mạnh mẽ và không sợ bất cứ khó khăn nguy hiểm nào.

Câu 8 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

   Không ai biết tên thật của gã là gì. Mười mấy năm về trước, gã một mình bơi một chiếc xuồng nát đến che lều ở giữa khu rừng đầy thú dữ này. Gã sống đơn độc một mình, đến con chó để làm bạn cũng không có. Hồi ấy, rừng này còn nhiều hổ lắm. […] Một buổi trưa, gã đang ngủ trong lều, có con hổ chúa mò vào, từ ngoài sân phóng một cái phủ lên người gã. Bất thần gã tỉnh dậy. Gã vớ luôn cái mác bên người, cũng không kịp ngồi dậy nữa, cứ nằm ngửa thế mà xóc mũi mác lên đâm thẳng một nhát vào hàm dưới con hổ chúa, hai chân gã đá thốc lên bụng nó, không cho con ác thú kịp chụp xuống người. Con hổ chúa lộn vòng, rơi xuống đất. Lưỡi mác đâm từ hàm dưới thấu lên tận óc, làm nó không há họng được, nhưng vẫn còn cố vớt cái tác cuối cùng, để lại trên mặt gã một hàng sẹo khủng khiếp chạy từ thái dương xuống cổ. Không biết có phải do đấy mà gã mang tên “Võ Tòng” hay không? Chứ theo như một vài ông lão đa sự, thì ngày xưa, gã là một chàng trai hiền lành, ở tận một vùng xa lắm. Gã cũng có gia đình đàng hoàng như sai. Vợ gã là một người đàn bà trông cũng xinh mắt. Chị ấy, lúc có chửa đứa đầu lòng, cứ kêu thèm ăn măng. Gã đàn ông hiền lành, quý vợ rất mực ấy bèn liều xách dao đến bụi tre đình làng xắn một mụt măng. Khi về qua ngang bờ tre nhà tên địa chủ, tên này bắt gã bỏ mụt măng xuống và vu cho gã lấy trộm măng tre của hắn. Gã một mực cãi lại, nhưng tên địa chủ quyền thế nhất xã ấy cứ vung ba toong đánh lên đầu gã. “Đánh đâu thì còn nhịn được, chứ đánh lên đầu là nơi thờ phụng ông bà … thì số mầy tới rồi!”. Lưỡi dao trên tay gã không cho phép tên địa chủ ngang ngược kia giơ tay đánh ba toong lên đầu gã đến cái thứ hai. Nhát dao chém trả vào mặt đã gí tên bóc lột và hống hách này nằm gục xuống vũng máu. Nhưng gã không trốn chạy. Gã đường hoàng xách dao đến ném trước nhà việc, bó tay chịu tội.

   Sau mười năm tù đày, gã trở về làng cũ thì nghe tin vợ đã làm lẽ tên địa chủ kia, và đứa con trai độc nhất mà gã chưa biết mặt thì đã chết từ khi gã còn ngồi trong khám lạnh. Người trong xã vốn gét tên địa chủ hống hách, khấp khởi chờ xem cuộc rửa thù bằng máu lần thứ hai. Nhưng họ đã thất vọng. Gã chỉ kêu trời một tiếng rồi cười nhạt bỏ làng ra đi. Những người đa sự quả quyết rằng chính gã đã mang tên “Võ Tòng” từ lúc xách dao đến nhà việc chịu tội. Còn như những chữ bùa xanh lè xăm rằn rực trên người gã, và gã trở nên một người giỏi võ từ lúc nào, thì có kẻ noí đó là dấu vết trong những năm gã ở tù, lại có người bảo đó là mới có từ lúc gã đi giang hồ. Hơn mười năm sống trơ trọi giữa rừng, mặc dầu, cũng có nhiều người đánh tiếng mối mai cho gã, nhưng tuyệt nhiên Võ Tòng không để mắt tới một người đàn bà nào nữa. Ở trong rừng lâu năm chầy tháng, gã ngày càng trở nên kì hình dị tướng. Nhưng ai cũng mến gã ở cái tính tình chất phác, thật thà, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không hề nghĩ đến chuyện người ta có đền đáp lại mình không. Điều đó, má nuôi tôi quả quyết, nói một cách chắc chắn như vậy …

a. Đoạn trích trên tập trung khắc họa nhân vật Võ Tòng từ các phương diện nào? Ai là người kể chuyện tỏng đoạn trích trên? Ngôi kể ở đoạn trích này có tác dụng gì?

b. Câu văn: “Nhưng ai cũng mến gã ở cái tính tình chất phác, thật thà, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không hề nghĩ đến chuyện người ta có đền đáp lại mình không.” là lời nhận xét của ai về Võ Tòng? Người nhận xét ấy có phải là người kể trong đoạn trích trên không?

c. Qua đoạn trích trên, nếu vẽ nhân vật Võ Tòng, em sẽ vẽ thế nào? Theo em, nét tính cách nào của nhân vật này tiêu biểu cho tính cách người Nam Bộ?

Trả lời:

a. Có thể thấy, đoạn trích tập trung khắc họa nhân vật Võ Tòng từ các phương diện: xuất thân (lai lịch); hành động, việc làm (giết hổ, đánh trả địa chủ, sẵn sàng nhận tội, đi tù, trở về và bỏ vào rừng sống một mình, ..) Người kể lại câu chuyện trong đoạn trích trên kể theo ngôi thứ ba. Đến phần cuối đoạn trích, tác giả lại chuyển về kể theo ngôi thứ nhất (xưng “tôi”). Ngôi kể ở đoạn trích này có tác dụng khắc họa chân dung Võ Tòng một cách khách quan, sinh động, sinh động hơn, giúp người đọc nhìn nhận từ nhiều phía khác nhau, …

b. Câu văn: “Nhưng ai cũng mến gã ở cái tính tình chất phác, thật thà, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không hề nghĩ đến chuyện người ta có đền đáp lại mình không.” là lời nhận xét của bà Hai – má nuôi của An – về Võ Tòng. Người nhận xét ấy không phải là người kể trong đoạn trích mà do người kể (nhân vật An) nhắc lại.

c.

- Hình ảnh minh họa về chú Võ Tòng.

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới

- Theo em, nét tính cách dũng cảm, hiên ngang của nhân vật này tiêu biểu cho tính cách người Nam Bộ

Buổi học cuối cùng

Câu 1 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Phương án nào nêu đúng cách hiểu nhan đề Buổi học cuối cùng?

A. Buổi học kết thúc năm học tại ngôi trường của chú bé Phrang ở vùng An-dát và Lo-ren

B. Buổi học cuối cùng dạy tiếng Pháp của thầy Ha-men, trước khi trường phải dạy bằng tiếng Đức

C. Buổi học cuối cùng của chú bé Phrang trước khi quân Đức vào chiếm đóng vùng An-dát và Lo-ren

D. Buổi học cuối cùng của chú bé Phrang trước khi chuyển đến trường mới

Trả lời:

Đáp án đúng là B.

Buổi học cuối cùng dạy tiếng Pháp của thầy Ha-men, trước khi trường phải dạy bằng tiếng Đức

Câu 2 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Nêu những biểu hiện khác thường mà chú bé Phrăng quan sát và cảm nhận được về “buổi học cuối cùng”.

Trả lời:

+ Quang cảnh trường mọi sự bình lặng như một buổi sáng chủ nhật.

+ Không khí lớp học có cái gì đó khác thường, trang trọng. Thành phần tham dự lớp học cũng khác: có cả những người dân làng, ai nấy đều có vẻ buồn rầu, thầy Ha – men ăn mặc trang trọng hơn mọi ngày: mặc chiếc áo ranh đơ gốt màu xanh, diềm lá sen, gấp nếp mịn và đội mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dung trong những hôm thanh tra hoặc phát phần thưởng.

+ Thái độ của thầy Ha – men cũng khác: Phrang đi trễ nhưng thầy vẫn nhẹ nhàng nhắc nhở cậu bé vào chỗ. Giọng nói của thầy vô cùng xúc động và trang nghiêm. Thầy bước lên bục giảng với giọng nói dịu dàng và trang nghiêm.

Câu 3 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 3, SGK) Phân tích một số chi tiết cụ thể (suy nghĩ, cách nhìn nhận về thầy Ha-men và thái độ đối với việc học tiếng Pháp) để làm rõ diễn biến tâm trạng của nhân vật "tôi" trong "buổi học cuối cùng"

Trả lời:

- Ban đầu, chú bé Phrăng rất sợ vì đi học muộn, khi nhìn thấy: “thầy Ha-men đi đi lại lại với cây thước sắt khủng khiếp kẹp dưới nách. Phải mở cửa đi vào giữa sự lặng ngắt đó, các bạn tưởng tượng xem tôi đỏ mặt tía tai sợ đến chừng nào!”. Sau đó, lại thấy: “Thế mà không. Thầy Ha-men nhìn tôi chẳng giận dữ và bảo tôi thật dịu dàng…”. Tiếp theo là liên tiếp những ngạc nhiên: ngạc nhiên “nhận ra thầy giáo chúng tôi mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt”; “Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả, là trông thấy ở phái cuối lớp, trên những hàng ghế thường bỏ trống, …”. Rồi sau đó, chú bé choáng váng sau khi “thầy Ha-men đã bước lên bục, rồi vẫn giọng dịu dàng và trang trọng như lúc tôi mới vào”, thầy thông báo về sự kiện theo lệnh “từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng An-dát và Lo-ren … Thầy giáo mới ngày mai sẽ đến. Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con”.

- Từ việc hiểu ra cái mệnh lệnh của “Quân khốn nạn … vừa niêm yết ở trụ sở xã.”, chú bé ngồi suy nghĩ và thấy ân hận vì chuyện học tiếng Pháp của mình, tự nhiên chú cảm thấy: “Những cuốn sách vừa nãy tôi còn thấy chán ngán đến thế, mang nặng đến thế, quyển ngữ pháp, quyển thánh sử của tôi giờ đây dường như những người bạn cố tri mà tôi sẽ rất đau lòng phải giã từ. Cũng giống như thầy Ha-men. Cứ nghĩ thầy sắp ra đi và tôi không còn được gặp thầy nữa, là tôi quên cả những lúc thầy phạt, thầy vụt thước kẻ.”.

- Rồi cứ thế, chú ngồi nghĩ mông lung, cho đến khi thầy Ha-men gọi tên chú đọc bài, nhưng chú đã lúng túng, đọc không to và dõng dạc, “cứ đứng đung đưa người trước chiếc ghế dài, lòng rầu rĩ, không dám ngẩng đầu lên”.

- Cuối cùng, chú như bừng tỉnh sau khi nghe lời thầy Ha-men nói về tiếng Pháp: “đó là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất: phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó”.

- Từ giờ phút ấy, Phrăng như thay đổi hoàn toàn về tinh thần và thái độ học tiếng Pháp: “Rồi thầy cầm một quyển ngữ pháp và đọc bài học cho chúng tôi. Tôi kinh ngạc thấy sao mình hiểu đến thế. Tất cả những điều thầy nói, tôi thấy thật dễ dàng, dễ dàng. Tôi cũng cho là chưa bao giờ mình chăm chú nghe đến thế, và cả thầy giáo nữa, chưa bao giờ thầy kiên nhẫn giảng giải đến thế.”.

- Thái độ và tình yêu tiếng Pháp hết mực của chú bé được thể hiện ở các chi tiết trong giờ tập viết, tất cả đều hết sức tập trung, “ngay cả những trò nhỏ nhất cũng vậy, chúng đang cặm cụi vạch những nét sổ với một tấm lòng, một ý thức, như thể cái đó cũng là tiếng Pháp”. Và đặc biệt, tình cảm, thái độ yêu tiếng Pháp thể hiện trong suy nghĩ rất ngây thơ mà đáng trân trọng của chú bé khi nghĩ đến tiếng chim bồ câu gù trên mái nhà trường: “… chim bồ câu gù thật khẽ, và tôi vừa nghe vừa tự nhủ: “Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ?””. Phrăng sợ rằng khi tất cả phải học và nói bằng tiếng Đức, thì đến tiếng chim gù cũng phải là tiếng Đức.

- Kết thúc phẩn (4), Phrăng nghĩ: “Ôi! Tôi sẽ nhớ mãi buổi học cuối cùng này!”. Đây chính là biểu hiện rõ nhất tâm trạng và tình cảm, thái độ của chú bé đối với tiếng Pháp.

Câu 4 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 4, SGK) Đọc phần (5) của văn bản Buổi học cuối cùng, liệt kê các chi tiết miêu tả thầy Ha-men (về hành động, ngôn ngữ, ngoại hình). Các chi tiết này đã giúp tác giả khắc họa được tâm trạng gì của thầy Ha-men?

Trả lời:

- Trong phần (5), phần cuối của truyện, có nhiều chi tiết miêu tả đặc sắc: thầy Ha-men “người tái nhợt”, “nghẹn ngào, không nói được hết câu”, “cầm một hòn phấn và dằn mạnh hết sức, thầy cố viết thật to: NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!” và “đầu dựa vào tường”, “chẳng nói”, chỉ “giơ tay ra hiệu”, … Các chi tiết này đã giúp tác giả khắc họa được tình yêu vô bờ của thầy Ha-men đối với tiếng Pháp. Đó cũng là tình yêu nước sâu đậm của thầy đối với nước Pháp.

- Lòng yêu nước của thầy Ha-men được thể hiện tỏng bối cảnh đặc biệt: “Nước Pháp ra đi” vì thất thủ trong cuộc chiến chống quân Phổ. Đó là nỗi đau mất nước, nỗi nhục nô lệ và nỗi xót xa vì không được quyền nói tiếng nói của dân tộc trên chính đất nước mình. Điều đó được thể hiện tập trung và cá biệt hơn trong bối cảnh là một thầy giáo dạy quốc văn ngày cuối cùng được dạy tiếng nói của dân tộc.

- Bối cảnh, tâm trạng đó là điều kiện để lòng yêu nước trong thầy được biểu hiện một cách đặc sắc. Những chi tiết miêu tả hình dáng, cử chỉ của thầy ở phần cuối buổi học đã diễn tả sâu sắc điều đó. Nỗi đau được thể hiện cụ thể bằng cảm giác cơ thể, như hiện hình trên da thịt. Sự xúc động đến tái mặt, run người, không nói nên lời của thầy Ha-men cho thấy Tổ quốc thiêng liêng và có ý nghĩa biết bao trong tâm hồn thầy, kết tinh trong tiếng nói dân tộc mà thầy hằng dạy.

Câu 5 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 5, SGK) Câu chuyện đã gợi lên trong em những suy nghĩ và tình cảm như thế nào? Em rút ra bài học gì cho bản thân sau khi học xong truyện?

Trả lời:

- Câu chuyện đã bồi đắp thêm cho em lòng yêu nước, yêu tiếng nói của dân tộc mình.

- Một lời nhắc nhở nhẹ nhàng hãy biết yêu quý tiếng nói dân tộc mình, yêu tiếng nói dân tộc cũng là yêu nước vì tiếng nói là tài sản quý báu của mỗi dân tộc, thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc. Đó là bài học em rút ra được sau khi học xong truyện.

Câu 6 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

   Xong bài giảng, chuyển sang viết tập. Thầy Ha-men đã chuẩn bị cho ngày hôm đó những tờ mẫu mới tinh, trên có viết bằng chữ rông thật đẹp: Pháp, An-dát, Pháp, An-dát. Những tờ mẫu treo trước bàn học trông như những lấ cờ nhỏ bay phấp phới khắp xung quanh lớp. Ai nấy đều chăm chú hết sức và cứ im phăng phắc! Chỉ nghe thấy tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy. Có lúc, những con bọ đừa bay vào nhưng chẳng ai để ý, ngay cả những trò nhỏ nhất cũng vậy, chúng đang cặm cụi vạch những nét sổ với một tấm lòng, một ý thức, như thể cái đó cũng là tiếng Pháp … Trên mái nhà trường, chim bồ câu gù thật khẽ, và tôi vừa nghe vừa tự nhủ:

- Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ?

a. Nội dung chính của đoạn trích là gì?

b. Tác giả muốn lầm nổi bật điều gì qua đoạn trích này?

c. Em thích chi tiết nào trong đoạn trích? Vì sao?

Trả lời:

a. Nội dung chính của đoạn trích là miêu tả lại không khí của giờ tập viết tiếng Pháp trong buổi học cuối cùng.

b. Với đoạn trích này, tác giả muốn làm nổi bật tình yêu tiếng mẹ đẻ của các em học sinh sau khi được thầy Ha-men truyền giảng. Với các em, tiếng Pháp là tất cả: “Ai nấy đều chăm chú hết sức và cứ im phăng phắc! Chỉ nghe thấy tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy. Có lúc, những con bọ dừa bay vào nhưng chẳng ai để ý, ngay cả những trò nhỏ nhất cũng vậy, chúng đang cặm cụi vạch những nét sổ với một tấm lòng, một ý thức, như thể cái đó cũng là tiếng Pháp …”.

Tác giả dùng cái động để nói về cái tĩnh (tiếng ngòi bút chạy trên giấy, tiếng côn trùng bay vào cửa sổ, tiếng bồ câu gũ khẽ, … làm nổi bật không khí trang nghiêm, yên lặng khác thường của lớp học); đến lượt cãi tĩnh ấy lại là nền cho những xao động cuộn sóng trong lòng người về buổi học cuối cùng, về tình cảnh mất chủ quyền đất nước, mất cả tiếng nói của cha ông, quyền dạy và học tiếng nói của dân tộc mình …

c. Trong đoạn trích em thích nhất chi tiết: “Thầy bèn quay về phía bảng, cầm một hòn phấn và dằn mạnh hết sức, thầy cố viết thật to “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!”.

Vì chi tiết này thể hiện sự đau đớn về mặt tinh thần của thầy giáo trước giây phút tiếng nói dân tộc sắp bị mất đi. Hành động khi viết lên bảng dòng chữ “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM” thầy đã thắp lên ngọn lửa yêu nước trong tim những người dân Pháp.

Dọc đường xứ Nghệ

Câu 1 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1(Câu hỏi 1, SGK) Câu chuyện được kể theo ngôi kể nào? Nêu tác dụng của việc sử dụng ngôi kể ấy trong văn bản Dọc đường xứ Nghệ.

Trả lời:

- Câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba.

- Tác dụng: giúp câu chuyện được kể một cách linh hoạt, khách quan.

Câu 2 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Câu hỏi 2, SGK) Những câu hỏi và sự lí giải về sự kiện lịch sử cho thấy Côn là cậu bé có tâm hồn, suy nghĩ như thế nào? Em có nhận xét gì về tính cách của nhân vật này?

Trả lời:

- Những câu hỏi và sự lí giải về sự kiện lịch sử cho thấy cậu bé Côn là một người ham học hỏi, luôn muốn được tìm hiểu tường tận mọi việc. Cậu là một người yêu nước, biết lo xa, luôn suy nghĩ thấu đáo mọi việc.

Câu 3 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Qua việc đứa con đi thăm các di tích lịch sử, văn hóa và giảng giải cho con hiểu về các di tích đó, nhân vật quan Phó bảng đã hướng các con đến những giá trị nào trong việc tu dưỡng làm người?

Trả lời:

Qua việc đưa con đi thăm các di tích lịch sử, văn hóa và giảng giải cho con hiểu về các di tích đó, nhân vật quan Phó bảng đã hướng các con đến nhiều giá trị tỏng việc tu dưỡng làm người. Chẳng hạn, khi kể lại cho con nghe chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy, quan Phó bảng muốn con thấy được: sống cần biết tôn trọng chữ “tín”, phải biết cảnh giác, đừng nhẹ dạ tin người và cần có lòng tự trọng “chết vinh còn hơn sống nhục”. Đạo lí đó thể hiện trong lời nói của cậu bé Côn: “vua nhà Triệu nước Tàu nham hiểm ghê gớm … Còn vua nhà Thục nước ta lại trọng chữ tín, … không đề phòng sự gian giảo, bội ước của vua nhà Triệu. Nàng Mỵ Châu lại ruột để ngoài da. Cha vậy, con vậy thì giữ nước làm sao được? Nhưng câu chuyện lại cho thấy điều đáng trọng, không khinh được của vua Thục là: Người đã phải tự chém con gái mình và tự xử án mình bằng hành động nhảy xuống biển về tội để mất nước chứ không cam chịu nộp mình cho giặc.”.

Câu 4 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Qua văn bản Dọc đường xứ nghệ, em có nhận xét gì về đặc điểm tính cách của nhân vật quan Phó bảng và cậu bé Nguyễn Sinh Côn?

Trả lời:

Có thể thấy rất rõ đặc điểm tính cách của hai cha con quan Phó bảng trong văn bản Dọc đường xứ nghệ. Cả quan Phó bảng và cậu bé Côn đều ham thích các câu chuyện liên quan đến lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, đến các giá trị văn hóa – văn học của dân tộc.

+ Ông Phó bảng là người am hiểu sâu sắc lịch sử nước nhà, thể hiện lòng yêu nước một cách thẳng thắn, trung thực, rõ ràng; muốn con mình hiểu và sống theo các đạo lí tốt đẹp ấy.

+ Cậu bé Nguyễn Sinh Côn thể hiện tư chất thông minh, ham học hỏi, có cá tính và bản lĩnh ngay từ khi còn rất nhỏ.

Câu 5 trang 13 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Quan Phó bảng Sắc hơi sững sờ nhìn hai con, nhìn ngôi đền thờ Thục Phán:

- Con nói đúng. Nước có lúc thịnh, lúc suy. Đó là điều thường thấy trong trời đất. Nhưng con người ta lại phải biết giữ trọn khí tiết. Vua Thục Phán thuộc loại đó. Con hãy để ý về phong cảnh núi non, đền đài. Con vừa hỏi cha về hòn núi kia giống một người cụt đầu. Người ta thường gọi nó là hòn Hai Vai hoặc là núi “Tướng quân rơi đầu” đó con ạ. Còn phía xa xa kia là hòn Trống Thủng. Từ hòn Trống Thủng, một dãy núi dài dằng dặc sát chân trời, đó là núi Cờ Rách.

a. Tại sao đang nói chuyện Thục Phán – An Dương Vương, nhân vật quan Phó bảng lại chuyển sang nói về núi non quê hương với những hòn Hai Vai, Trống Thủng, núi Cờ Rách, …?

b. Bài học mà nhân vật quan Phó bảng muốn nhắn nhủ hai con ở đây là gì?

Trả lời:

a. Đang nói chuyện Thục Phán – An Dương Vương, quan Phó bảng lại chuyển sang nói về núi non quê hương với những hòn Hai Vai, Trống Thủng, núi Cờ Rách, … là có ý muốn con mình hướng tới câu chuyện quê hương, nhớ tới những sự tích oai hùng của nhân dân mình hiện vẫn để lại dấu tích ngay trên quê hương, đất nước.

b. Bài học mà quan Phó bảng muốn nhắn nhủ hai con ở đây là cha ông mình một thời đã anh dũng, bất khuất, không chịu sống quỳ, luôn giữ trọn khí tiết, thà chết trong chứ không sống đục nên “hòn núi kia giống một người cụt đầu … là núi “Tướng quân rơi đầu” … Còn phía xa xa kia là hòn Trống Thủng, … là núi Cờ Rách.”. Mỗi địa danh đều là sự tích về sự thất thủ, hi sinh nhưng luôn “giữ trọn khí tiết”.

II. Bài tập tiếng Việt

Bài tập tiếng Việt trang 14, 15

Câu 1 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Bài tập 1, SGK) Tìm và giải thích nghĩa của các từ địa phương trong những câu dưới đây (ở đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng của Đoàn Giỏi). Các từ đó được sử dụng ở vùng miền nào và chúng có tác dụng gì trong việc phản ánh con người, sự vật?

a) Tía thấy con ngủ say, tía không gọi.

b) Điều đó, má nuôi tôi quả quyết...

c) Chú em cầm hộ lọ muối chỗ vách kia đưa giùm qua chú!

d) Bả không thua anh em ta một bước nào đâu.

Trả lời:

- Các từ địa phương trong những câu đã cho là: tía, má, giùm, bả.

-  Giải thích:

+ Tía – cha

+ Má – mẹ

+ Giùm – giúp

+ bả - bà ấy

-  Các từ địa phương đó thường được dùng ở vùng miền sau:

 

Từ địa phương

Vùng miền

a

Tía

Nam Bộ

b

Nam Bộ

c

Giùm

Nam Bộ

d

bả

Nam Bộ

 - Tác dụng:

+ Làm rõ hoàn cảnh, không gian diễn ra sự việc.

+ Tô đậm màu sắc địa phương, tầng lớp xã hội cũng như tính cách nhân vật.

Câu 2 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: (Bài tập 2, SGK) Những từ nào trong các câu dưới đây là từ địa phương? Chúng được sử dụng ở vùng miền nào? Giải thích nghĩa của các từ địa phương đó và nêu tác dụng của việc sử dụng chúng trong đoạn trích Dọc đường xứ Nghệ của Sơn Tùng.

a) Ai tưởng tượng ra đầu tiên hình dáng các hòn núi nớ hẳn là mắt tiên, cha nhể?

b) Đền ni thờ một ông quan đời nhà Lý đó, con ạ.

c) Việc đời đã dớ dận, mi lại "thông minh" dớ dận nốt.

Trả lời:

- Xác định từ ngữ địa phương:

 

Từ địa phương

Vùng miền

Nghĩa

a

nớ

Nghệ An

kia

nhể

Nghệ An

nhỉ

b

ni

Nghệ An

này

c

dớ dận

Nghệ An

vớ vẩn

mi

Nghệ An

mày

- Tác dụng:

+ Tăng giá trị biểu đạt cho nội dung văn bản.

+ Tô đậm màu sắc địa phương, tầng lớp xã hội cũng như tính cách nhân vật.

Câu 3 trang 14 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1Tìm các từ địa phương trong những dòng thơ dưới đây của Tố Hữu. Cho biết các từ đó được dùng ở vùng miền nào và chúng có tác dụng gì đối với việc phản ánh con người, sự vật, sự việc ở địa phương.

a.

Bầm ơi có rét không bầm?

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

b.

Anh ạ, từ hôm Tết tới nay

Giặc đi ruồng bố suốt đêm ngày

c.

Bây chừ sông nước về ta

Đi khơi đi lộng, thuyền ra thuyền vào. […]

Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:

Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo

Trả lời:

- Các từ ngữ địa phương: bầm, ruồng, răng

- Giải thích nghĩa của các từ địa phương.

+ bầm – mẹ

+ ruồng bố – khủng bố

+ Bây chừ: bây giờ

+ Cớ răng – làm chi

- Xác định vùng miền thường sử dụng các từ địa phương trên.

 

Từ ngữ địa phương

Vùng miền

a

Bầm

Bắc bộ

b

Ruồng bố

Nam bộ

c

Bây chừ

Trung bộ

Cớ răng

Trung bộ

- Tác dụng:

+ Làm rõ hoàn cảnh, không gian diễn ra sự việc.

+ Tô đậm màu sắc địa phương, tầng lớp xã hội cũng như tính cách nhân vật.

Câu 4 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Tìm biện pháp tu từ so sánh trong câu dưới đây. Chỉ ra nét tương đồng giữa các sự vật được so sánh với nhau.

Ba cha con Phó bảng lại thủng thẳng bước trên con đường mà sông núi mây trời đẹp như bức gấm thêu. (Sơn Tùng)

Trả lời:

- Hình ảnh so sánh: “sông núi mây trời đẹp” với “bức gấm thêu”

- Nét tương đồng về tính chất giữa các sự vật được so sánh với nhau: là những hình ảnh mang nét đẹp tươi tắn, thu hút.

III. Bài tập viết

Bài tập viết trang 15

Câu 1 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Thế nào là bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử? Để viết được bài văn theo yêu cầu này, cần chú ý những gì?

Trả lời:

- Bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử là: kể về sự việc đã xảy ra trong đời thực, không hư cấu, tưởng tượng; được nhiều người biết hoặc chứng kiến, có sử sách ghi lại…

- Bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử cần bảo đảm các yêu cầu sau:

+ Sự việc kể lại phải có thật, liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

+ Nhân vật và sự kiện lịch sử không chỉ là những nhân vật và sự kiện trong lĩnh vực đấu tranh dựng nước và giữ nước mà còn là những nhân vật và sự kiện trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học.

+ Các câu chuyện thường được kể lại bởi người chứng kiến hoặc được sưu tầm, nghiên cứu và thể hiện lại qua sách, báo, phim ảnh, …

- Để viết được bài văn theo yêu cầu này, các em cần chú ý đọc sách, báo, sưu tầm một số câu chuyện lịch sử, ví dụ:

+ Những anh hùng dân tộc từ xưa đến nay.

+ Những tấm gương về lòng yêu nước, dũng cảm trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

+ Chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng và sinh hoạt đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chiến sĩ cách mạng hoặc các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng.

+ Những hoạt động khoa học, sáng tạo trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.

Câu 2 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Viết bài văn kể về một câu chuyện có thật của người thân trong gia đình hoặc một người nổi tiếng ở địa phương em.

Trả lời:

Tham khảo bài viết sau:

“BỐ TÔI

    Nếu ai đó hỏi tôi rằng người tôi yêu quý nhất là ai thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời: Người đó là bố của tôi. Bố tôi là một người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn như bao người nông dân khác. Thế nhưng trong mắt tôi, bố luôn là người vĩ đại nhất. Năm tôi lên mười, mẹ tôi ra đi sau một cơn đau tim đột ngột. Kể từ đó, bố sống cảnh gà trống nuôi con lo cho hai chị em tôi từng bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành.

    Kể từ ngày mẹ mất, bố gầy rộc và già đi trông thấy. Nhiều đêm, tôi thấy bố đứng trước bàn thờ mẹ, bàn tay run run mân mê tấm di ảnh của mẹ, lẩm nhẩm những câu nói mà tôi nghe không rõ, những giọt nước mắt đục ngầu từ trong hố mắt bắt đầu tràn ra trên gương mặt hốc hác, khắc khổ. Rồi bố quỳ xuống trước bàn thờ mẹ, hai tay ôm chặt tấm di ảnh vào lòng và bắt đầu nấc lên từng tiếng một, ngắt quãng như có một cái gì đó nghẹn ứ nơi cổ họng. Tôi đứng nấp sau cánh tủ, cứ thế nước mắt cũng trào ra, nỗi nhớ mẹ ùa về quay quắt. Suốt đêm ấy, tôi thấy bố không ngủ. Ông ra ngoài sân, vớ chiếc điếu cày và rít từng hơi sòng sọc. Đây là điều mà khi mẹ tôi còn sống, bố chưa bao giờ làm. Từ ngày mẹ mất, chiếc điếu cày trở thành người bạn tâm giao mỗi đêm của bố. Và tôi hiểu, đó là lúc tâm hồn bố cô đơn, trống trải nhất. Mẹ ra đi không những là mất mát to lớn với hai chị em tôi mà còn để lại một khoảng trống vô hạn trong tâm hồn bố tôi.

    Để có thể trang trải cho cuộc sống, sau những ngày đồng áng, bố tranh thủ làm thêm nghề phụ. Nói là nghề phụ nhưng đó lại là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Bố tôi làm thợ nề. Sau một ngày lao động vất vả, quần áo bố lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi và lấm lem vôi vữa. Bàn tay bố ngày một thô ráp hơn, chai sạn hơn, làn da cũng trở nên cháy nắng. Những ngày đông, nhiều hôm hai bàn tay, bàn chân của bố ứa máu, nứt nẻ. Những hôm đó, tôi thương bố vô cùng! Tôi bảo bố nghỉ làm nhưng những lúc đó bố đều gạt đi, chỉ xoa đầu tôi rồi cười, nụ cười thật hiền: “Bố không sao đâu, con gái đừng lo!”. Rồi một hôm, khi bố xây nhà cho bác Hải trong xóm, tôi mới thật sự tận mắt chứng kiến sự vất vả, khó nhọc của bố. Dưới cái nắng bỏng rát khi người ta đang ngồi trong điều hòa máy lạnh thì bố tôi vắt vẻo treo mình trên cái giàn giáo chênh vênh. Cái giàn giáo được kê bằng những thân tre nhỏ bế, cong vênh và mấy tấm ván mỏng khập khiễng. Lo cho sự an toàn của bố, tôi đứng dưới mặt đất, cứ thế ngẩng đầu lên mà thét lớn: “Bố ơi, bố nhớ cẩn thận, bố nhé!”. Trả lời tôi là một nụ cười và cái gật đầu của bố: “Bố biết rồi, con gái yên tâm đi!”.

    Bẵng đi mấy năm sau ngày mẹ tôi mất, có đôi lúc tôi thấy các cô tôi khuyên bố đi bước nữa. Những lần như thế, bố thường không trả lời, chỉ lặng lẽ đưa mắt nhìn hai chị em tôi. Tôi biết bố đnag muốn dò xét thái độ của chúng tôi. Tôi rất ghét khi có ai đó nhắc đến việc bố tôi lấy vợ, vì thế, mỗi lần nghe đến đó, tôi thường chạy vụt đi. Có lúc tôi ra vườn ngồi dưới gốc cây mít ôm mặt khóc, có lúc tôi bỏ chạy một mạch ra rìa sông. Những lúc đó, tôi nhớ mẹ vô cùng. Tôi không cho phép bất cứ người phụ nữ nào bước vào nhà thay thế vị trí của mẹ tôi. Và lúc đó, không hiểu sao tôi lại ghét bố, sau những yêu thương, hi sinh của bố, tôi vẫn giữ khoảng cách với ông. Tôi trở nên trơ lì hơn, ít gần gũi với bố hơn, mặc cho ông hết sức quan tâm. Tôi nhớ có lần bố chạy đi tìm tôi, lúc thấy tôi, ông ôm lấy tôi vào lòng an ủi nhưng tôi ra sức khóc, đấm thùm thụp vào ngực ông, tôi thét lên: “Con ghét bố!” rồi vùng chạy, để lại một mình ông đứng tần ngần bên bến sông.

    Thời gian cứ thế trôi đi, chẳng mấy chốc, hai chị em tôi đều đã yên bề gia thất. Cuộc sống với bao bộn bề cuốn chúng tôi đi. Có khi dăm bữa, nửa tháng không về thăm bố. Mỗi lần về, thấy bố ngày một già đi, vẫn thui thủi một mình bên mâm cơm nguoij lạnh trong ngôi nhà lẻ bóng, chợt thấy lòng quặn thắt một nỗi đau. Chính sự ích kỉ, nhỏ nhen của bậc làm con đã để đấng sinh thành chịu quá nhiều thua thiệt. Tôi muốn chạy thật nhanh sà vào lòng bố nói lời xin lỗi nhưng không hiểu sao chân tôi cứ thế khựng lại, nước mắt trào ra. Phải đến lúc này, tôi mới thực sự hiểu hết những mất mát và hi sinh của bố. Tôi muốn thét lên thật to cho cả thế giới biết rằng tôi yêu bố - người đàn ông vĩ đại nhất cuộc đời tôi.”.

(Theo Nguyễn Thị Liên, vanhocnghethuathatinh.org.vn)

Câu 3 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hãy kể chuyện về một nhân vật lịch sử mà em yêu thích

Trả lời:

Tham khảo bài viết sau:

“TRẦN QUỐC TOẢN

    Mới 15 tuổi, tính theo “tuổi ta” là 16, nhưng chàng thiếu niên này đã hừng hực chí lớn muốn diệt giặc bạo tàn, bảo vệ sự toàn vẹn cho non sông nước Việt. Chàng thiếu niên dũng mãnh ấy đã từng bóp nát quả cam vua ban vì không được dự bàn việc nước, dốc lòng xông pha trận mạc với là cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”, nổi danh sử sách. Có lẽ, nói đến đây ai cũng biết, chàng thiếu niên ấy chính là Hoài Văn vương Trần Quốc Toản.

   Trần Quốc Toản sinh năm 1267, là con trai của Trung Thành vương (sử liệu không ghi rõ Trung Thành vương có tên thật là gì), nên được phong là Hoài Văn hầu.

   Trước khi Hoài Văn hầu chào đời 10 năm, quân, dân Đại Việt đã khiến giặc Nguyên Mông thua tan tác trong trận quyết chiến Đông Bộ Đầu, giành thắng lợi tưng bừng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Biết rằng giặc Nguyên Mông không bao giờ từ bỏ giấc mộng thôn tính Đại Việt, triều đình nhà Trần một mặt giảng hòa với nhà Nguyên, một mặt tích cực chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó. Suốt từ năm 1258 trở đi, trong khoảng 1/4 thế kỷ, nhà Trần áp dụng phương sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng không kém phần cương quyết, không ít lần vua Trần khéo léo từ chối những yêu sách quá quắt của Hốt Tất Liệt, hoàng đế Nguyên Mông. Điều này càng khiến Hốt Tất Liệt nung nấu quyết tâm thôn tính Đại Việt và càng ngày càng đưa ra những yêu sách quá quắt để “nắn gân” và “dọn đường” cho cuộc tấn công xuống Đại Việt. Đó là lý do vua Trần triệu tập hội nghị Bình Than vào tháng 10 năm 1282, khởi đầu cho câu chuyện “bóp nát quả cam” hy hữu trong lịch sử của Trần Quốc Toản.

   Trước nguy cơ giặc Nguyên Mông đánh chiếm Đại Việt hiện hữu, tháng 10 năm 1282, vua Trần Nhân Tông triệu tập Hội nghị Bình Than để bàn phương hướng kháng chiến, tiến cử và quyết định nhân sự cho cuộc kháng chiến khi Nguyên Mông xua quân đánh chiếm nước ta. Hội nghị này bao gồm quan lại, vương hầu và được đích thân vua Trần chủ trì. Do mới 16 tuổi (theo cách tính tuổi như bây giờ thì khi ấy, Trần Quốc Toản mới 15 tuổi), nên Hoài Vương hầu không được mời dự Hội nghị. Tuy vậy, Hoài Vương hầu vẫn tới bến Bình Than, đòi được vào dự Hội nghị. Bị lính canh chặn cửa, Hoài Văn hầu vặn hỏi:

– Ta là Hoài Văn hầu, quan gia truyền gọi tất cả vương, hầu tới họp. Ta là hầu, cớ sao không cho vào?

   Thấy chuyện ầm ĩ bên ngoài, Trần Nhân Tông hỏi ra mới biết chuyện, bèn cho người mang ban cho Hoài Văn hầu một quả cam và khuyên Hoài Văn hầu lui bước vì chưa đến tuổi bàn việc nước. Về chuyện này, Đại Việt sử ký toàn thư chép lại như sau: “Vua thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn kích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết.”

   Trở về từ Hội nghị Bình Than, Hoài Văn hầu vẫn quyết tâm tìm cách đánh giặc cứu nước. Chàng thiếu niên có vóc dáng vạm vỡ hơn người do sớm thao luyện võ nghệ bèn quy tập gia nhân, trai tráng trong vùng được hơn 1000 người, rèn luyện binh khí, tích trữ lương thảo, ngày đêm luyện võ, tập trận. Trần Quốc Toản còn cho thêu trên một lá cờ lớn 6 chữ vàng: “Phá cường địch, báo hoàng ân”.

   Cuối tháng 2 năm 1285, quân Nguyên Mông ồ ạt tấn công Đại Việt. Trong các trận chiến chống giặc ngoại xâm, Trần Quốc Toản thường dẫn quân xông lên trước lính triều đình, tả xung hữu đột đương đầu trực tiếp với thế giặc đang mạnh. Lá cờ thêu 6 chữ vàng của Trần Quốc Toản xuất hiện trên nhiều mặt trận, góp phần quan trọng làm chậm bước tiến của quân Nguyên. Về chuyện này, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “khi đối trận với giặc, (Hoài Văn hầu) tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch”.

   Cảm kích trước tấm lòng trung chinh và tinh thần dũng cảm của chàng thiếu niên Hoài Văn hầu, khi Trần Nhân Tông chuẩn y mưu kế lập vườn không nhà trống, rút toàn bộ khỏi thành Thăng Long, nhà vua đã cho Hoài Văn hầu đi theo hộ giá vào Thanh Hóa.

   Do không chiếm được lương thảo, chỉ sau đó vài tháng, quân Nguyên Mông bắt đầu rơi vào tình cảnh khốn cùng. Kế vườn không nhà trống của nhà Trần đã mang lại cơ hội không thể tốt hơn cho việc tổng phản công giặc. Trong khoảng từ đầu tháng 5 tới đầu tháng 6 năm 1285, Hoài Văn hầu cùng các tướng lĩnh theo Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đốc quân ngược ra Bắc để phản công giặc.

   Dọc theo phòng tuyến sông Hồng, quân triều đình chia làm 3 mũi tấn công, Hoài Văn hầu theo mũi tấn công do Chiêu Thành vương và tướng quân Nguyễn Khoái chỉ huy đánh thẳng vào bến Tây Kết (gần bãi Đà Mạc-Thiên Mạc, nay thuộc địa phận huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), khiến quân giặc thua chạy táo tác. Những chiến thắng liên tiếp có công sức không nhỏ của Trần Quốc Toản khiến quân giặc liên tục vỡ trận phải tháo chạy, trong đó có chiến thắng lịch sử ở Chương Dương Độ. Trần Quốc Toản cùng đội quân thiện chiến và lá cờ theo 6 chữ vàng hòa cùng đại quân triều đình vây khốn quân Nguyên ở thành Thăng Long, khiến Thoát Hoan phải mở đường máu qua sông Hồng để tháo chạy. Trần Quốc Toản lại dẫn quân truy đuổi, tới bờ sông Như Nguyệt thì đón đầu được quân Nguyên. Không địch nổi với Trần Quốc Toản, không vượt sông Như Nguyệt được, quân Nguyên phải tháo chạy lên Vạn Kiếp. Chàng thiếu niên dũng mãnh Trần Quốc Toản quyết truy đuổi tới cùng. Tuy nhiên, trong lúc truy đuổi, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản không may hy sinh. Tuy tử trận, nhưng Trần Quốc Toản đã góp công không nhỏ trong sự thành công của cuộc tổng phản công của quân đội triều đình, quét sạch bóng xâm lăng chỉ trong vòng khoảng 2 chục ngày đêm.

   Nhận được tin Hoài Văn hầu tử trận, Trần Nhân Tông rất đỗi thương tiếc. Khi đất nước sạch bóng giặc, nhà vua cử hành tang lễ rất trọng thể, đích thân làm văn tế và truy tặng Trần Quốc Toản tước Hoài Văn vương.

(Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội, hoangthanhthanglong.vn)

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài mở đầu

Bài 1: Tiểu thuyết và truyện ngắn

Bài 2: Thơ bốn chữ, năm chữ

Bài 3: Truyện khoa học viễn tưởng

Bài 4: Nghị luận văn học

Đánh giá

0

0 đánh giá