Giải SGK Kinh tế Pháp luật 11 Bài 11 (Cánh diều): Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

7 K

Lời giải bài tập Giáo dục Kinh tế Pháp luật lớp 11 Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội sách Cánh diều hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Kinh tế Pháp luật 11 Bài 1 từ đó học tốt môn KTPL 11.

Giải bài tập KTPL lớp 11 Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

Mở đầu trang 73 KTPL 11: Hãy kể tên một số văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến bình đẳng giới mà em biết.

Lời giải:

- Một số văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến bình đẳng giới:

+ Luật bình đẳng giới năm 2006.

+ Bộ luật lao động năm 2019.

+ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

+ ….

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 74

1. Ý nghĩa của bình đẳng giới

Câu hỏi trang 74 KTPL 11: Theo em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong thông tin 1 mang lại điều gì cho con người và xã hội?

Lời giải:

Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới sẽ:

+ Tạo ra sự công bằng và bình đẳng khi đối xử giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình;

+ Tạo ra cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực;

+ Tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng về giới tính,...

Câu hỏi trang 74 KTPL 11: Tình trạng bất bình đẳng giới trong thông tin 1 nếu được giải quyết sẽ mang lại lợi ích gì cho các quốc gia trên thế giới và Việt Nam?

Lời giải:

Tình trạng bất bình đẳng giới nếu được giải quyết sẽ mang lại nhiều lợi ích: tăng cường sự phát triển kinh tế; tăng cường sức khoẻ cộng đồng; giảm từ lệ mắc các bệnh liên quan đến giới; mọi người đều có cơ hội và được đối xử công bằng, không phân biệt giới tính; tăng cường sự đoàn kết và thống nhất giữa các giới, tạo ra một môi trường hoà bình và ổn định hơn cho quốc gia; đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững,…

Câu hỏi trang 74 KTPL 11: Em hãy xác định biểu hiện và ý nghĩa của bình đẳng giới trong trường hợp trên.

Lời giải:

- Biểu hiện: Không có phân biệt giới tính; không có ai được xem là người mạnh hơn hay yếu hơn vì giới tính, mọi người đều quan trọng như nhau.

- Ý nghĩa: Tạo môi trường làm việc và cuộc sống hoà đồng, cân bằng giữa các thành viên trong gia đình, áp lực trong cuộc sống được san sẻ; giảm bớt căng thẳng và mâu thuẫn; tăng cường sự tự tin và độc lập của người phụ nữ, giúp họ có thể đóng góp vào sự phát triển của xã hội…

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 75

2. Pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực

a. Pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Câu hỏi trang 75 KTPL 11: Dựa vào quy định của pháp luật trong thông tin 1, em hãy xác định biểu hiện của bình đẳng giới trong thông tin 2 và trường hợp trên.

Lời giải:

Biểu hiện của bình đẳng giới trong thông tin 2 và trường hợp: sNam nữ bình đẳng trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội; bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí quản lí, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức; bình đẳng trong xây dựng quy chế, quy định của cơ quan; trong tự ứng cử và giới thiệu đại biểu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân,...

Câu hỏi trang 75 KTPL 11: Theo em, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thể hiện như thế nào trong thông tin 2?

Lời giải:

Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong thông tin 2: Nhà nước xây dựng và ban hành khung pháp lí để đảm bảo quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong tổ chức Quốc hội.

Câu hỏi trang 75 KTPL 11: Hãy nêu thêm những quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị mà em biết.

Lời giải:

Một số quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị:

- Quy định về đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 35% ứng cử viên là nữ (Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).

- Bảo đảm bình đẳng giới là là một trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong bảo đảm quyền bình đẳng nam, nữ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình (Luật tổ chức chính phủ).

- Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội (Luật tổ chức Quốc hội)…

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 77

b. Pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động

Câu hỏi trang 77 KTPL 11: Em hãy xác định nội dung của bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động ở thông tin 1.

Lời giải:

Pháp luật nước ta quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động bao gồm:

+ Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.

+ Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm; được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.

Câu hỏi trang 77 KTPL 11: Nếu là cán bộ thuế, em sẽ giải thích như thế nào để ông T hiểu về trường hợp chi nhánh của doanh nghiệp tư nhân B sử dụng nhiều lao động nữ sẽ được ưu đãi về thuế?

Lời giải:

Giải thích để ông T hiểu: Pháp luật quy định doanh nghiệp tư nhân sử dụng nhiều lao động nữ sẽ được ưu đãi về thuế, quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động giúp cho mọi người đều có cơ hội làm việc theo đúng năng lực và được hưởng lợi ích xứng đáng với công việc đã làm.

Câu hỏi trang 77 KTPL 11: Em hãy sử dụng quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lao động để nhận xét hành vi của Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu X.

Lời giải:

Hành vi của Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu X là sai: Pháp luật quy định nam và nữ đều bình đẳng về chuyên môn, công việc,...

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 78

c. Pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học công nghệ

Câu hỏi trang 78 KTPL 11: Căn cứ vào các quy định của pháp luật trong thông tin, em hãy xác định nội dung của bình đẳng giới trong các trường hợp trên.

Lời giải:

- Trường hợp 1: bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.

- Trường hợp 2: bình đẳng trong việc hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

- Trường hợp 3: bình đẳng trong tham gia các hoạt động thể thao.

- Trường hợp 3: bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hóa.

Câu hỏi trang 78 KTPL 11: Em hãy nêu thêm ví dụ về bình đẳng giới trong các những lĩnh vực của đời sống.

Lời giải:

Ví dụ: Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế; bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình

Câu hỏi trang 80 KTPL 11: Em hãy sử dụng các quy định của pháp luật trong thông tin để nhận xét suy nghĩ và hành động của các nhân vật trong trường hợp trên.

Lời giải:

- Nhận xét: Chị M đã thay đổi nhận thức về bình đẳng giới. Vợ chồng chị M bình đẳng trong tất cả các công việc của gia đình và xã hội.

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 81

3. Thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới

Câu hỏi trang 81 KTPL 11: Vận dụng thông tin 1 trong phần bình đẳng giới trong linh vực chính trị em hãy nhận xét về việc thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong thông tin trên? Theo em tại sao việc bảo đảm tỉ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khoá XV không bị coi là bất bình đẳng giới?

Lời giải:

Việc bảo đảm tỉ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khoá XV không bị coi là bất bình đẳng giới. Đây là một trong các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị (khoản 5 Điều 11 Luật Bình đăng giới năm 2006).

Câu hỏi trang 81 KTPL 11: Hãy sử dụng những quy định của pháp luật để nhận xét ý kiến của các nhân vật trong hai tình huống trên. Theo em, Giám đốc Công ty A và bạn Dương nên làm như thế nào để thực hiện đúng quy định của pháp luật về bình đẳng giới?

Lời giải:

- Nhận xét: Anh G và chị H đều có cơ hội được làm việc theo đúng năng lực của bản thân và được hưởng lợi ích xứng đáng với công việc bản thân đã làm. Giám đốc Công ty A nên tuyên truyền và giải thích cho mọi người hiểu rõ: Pháp luật quy định nam, nữ đều bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm.

- Bạn Dương nên tuyên truyền và giải thích cho mọi người hiểu rõ: Pháp luật quy định nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng; bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo,

Câu hỏi trang 81 KTPL 11: Hãy chia sẻ với các bạn về một việc em đã thực hiện tốt quy định của pháp luật về bình đẳng giới.

Lời giải:

Chia sẻ những việc đã làm: ví dụ: bầu ban cán sự lớp thi căn cứ vào thành tích học tập và khả năng tổ chức, quản lí để bình chọn mà không căn cứ vào người đó là nam hay nữ…

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 82

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 82 KTPL 11: Em đồng ý hay không đồng ý với nhận định nào dưới đây? Vì sao?

A. Bình đẳng giới được hiểu là mọi công dân không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật.

B. Vợ, chồng và các thành viên trong gia đình tôn trọng nhau, không phân biệt đối xử trong các mối quan hệ ở phạm vi gia đình.

C. Nam và nữ có cơ hội như nhau, làm mọi công việc không phân biệt điều kiện làm việc.

D. Phụ nữ là đồng bào dân tộc ít người khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ là bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế.

E. Bình đẳng giới là luôn ưu tiên cho phụ nữ để họ phát huy được hết năng lực của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Lời giải:

- Nhận định a. Đồng ý. Bình đẳng giới được hiểu là mọi công dân không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật.

- Nhận định b. Đồng ý, vì: Để thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, pháp luật nước ta quy định: Vợ, chồng và các thành viên trong gia đình tôn trọng nhau, không phân biệt đối xử trong các mối quan hệ ở phạm vi gia đình.

- Nhận định c. Không đồng ý, vì: do đặc điểm về thể chất, sức khỏe, sinh lý, nên pháp luật còn có một số quy định riêng đối với lao động nữ, ví dụ: Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại; lao động nữ được hưởng chế độ thai sản,,..

- Nhận định d. Đồng ý, vì: Khoản 3 điều 17 luật bình đẳng giới năm 2006 quy định: Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

- Nhận định e. Không đồng ý, vì: Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó (khoản 3 điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006).

Luyện tập 2 trang 82 KTPL 11: Em hãy xác định trong các trường hợp dưới đây ai thực hiện đúng, ai thực hiện chưa đúng pháp luật về bình đẳng giới. Vì sao?

A. Hai vợ chồng anh T sống cùng với bố mẹ, anh T thường đưa ra các quyết định về mọi việc trong gia đình sau khi đã thống nhất với bố mẹ mình mà không quan tâm đến ý kiến của vợ mình.

B. Doanh nghiệp A đăng thông báo tuyển nhân viên, trong thông báo ghi rõ điều kiện để tuyển dụng nhân viên nam và điều kiện tuyển dụng nhân viên nữ.

C. Chị M được cơ quan cử đi học để nâng cao chuyên môn nhưng chị từ chối vì muốn ở nhà chăm sóc gia đình.

D. Bạn A không đồng ý người phụ trách Đội Xung kích của lớp là nữ vì cho rằng việc này con gái chân yếu tay mềm không làm được.

Lời giải:

- Người thực hiện đúng pháp luật là: cơ quan của chị M (trong trường hợp C), vì: Việc cơ quan cử chị M đi học để nâng cao chuyên môn là biểu hiện của việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và giáo dục.

- Người chưa thực hiện đúng pháp luật về bình đẳng giới là:

+ Anh T (trường hợp A), vì: anh T đã không tôn trọng, không cho vợ mình tham gia bàn bạc, thảo luận các công việc trong gia đình => vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình.

+ Doanh nghiệp A (trường hợp B), vì: doanh nghiệp này đã có hành vi phân biệt đối xử giữa lao động nam và lao động nữ trong quá trình tuyển dụng đình => vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lao động.

+ Bạn A (trường hợp D), vì A không đồng ý người phụ trách Đội Xung kích của lớp là nữ => vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.

Giải Kinh tế Pháp luật 11 trang 83

Luyện tập 3 trang 83 KTPL 11: Em hãy nêu những việc làm thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội (nêu rõ những việc nên làm, những việc không nên làm).

Lời giải:

♦ (*) Tham khảo: Một số việc làmthực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình:

- Việc nên làm:

+ Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

+ Vợ, chồng yêu thương, tôn trọng và cùng giúp đỡ nhau thực hiện các công việc trong gia đình.

+ Cha mẹ yêu thương, tôn trọng và không phân biệt đối xử giữa con trai - con gái.

- Việc không nên làm:

+ Phân biệt đối xử giữa con trai - con gái.

+ Vợ/ chồng tự ý quyết định các vấn đề/ công việc chung trong gia đình.

+ …

Luyện tập 4 trang 83 KTPL 11: Em hãy xử lí các tình huống sau:

a. Em hãy đóng vai đưa ra cách ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật trong những trường hợp sau:

- Biết tin chị gái của em ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã nhưng chồng của chị không đồng ý vì cho rằng phụ nữ không nên tham gia hoạt động chính trị.

- Cô giáo yêu cầu các bạn nam trong lớp hằng ngày phải đến trường sớm hơn các bạn nữ 15 phút để vệ sinh lớp học.

- Nghe thấy bạn thân của em nói với mọi người: Bình đẳng giới là yêu cầu nam giới làm những công việc của phụ nữ và ngược lại.

Lời giải:

- Trường hợp 1: Giải thích nói cho chồng hiểu về bình đẳng giới đồng thời khuyên anh nên tìm hiểu về vấn đề chính trị, bình đẳng giới trong đời sống xã hội.

- Trường hợp 2: Trao đổi riêng với cô giáo chủ nhiệm để chia sẻ ý kiến: cả lớp nên giúp đỡ, chia sẻ công việc với nhau thay vì để bạn nam làm công việc đó 1 mình

- Trường hợp 3: Giải thích với bạn thân:

+ Giữa nam và nữ có những điều kiện khác biệt nhất định về thể chất, sức khỏe, tâm sinh lí,… do đó, không nên hiểu khái niệm bình đẳng giới theo hướng: Bình đẳng giới là yêu cầu nam giới làm những công việc của phụ nữ và ngược lại.

+ Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó

Luyện tập 4 trang 83 KTPL 11: Em hãy xử lí các tình huống sau:

b. Bạn D rất thích nấu ăn nên thường xung phong nấu ăn cho gia đình. Điều thú vị là món ăn D nấu ai cũng đều khen ngon. D dự định sau này sẽ trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp mang đến nhiều món ăn hấp dẫn, độc đáo cho mọi người ngay trên chính quê hương mình. Biết dự định này của con, bố mẹ D kịch liệt phản đối vì cho rằng nghề bếp rất vất vả, hơn nữa không phù hợp với con trai.

Theo em, bố mẹ của D có nhận thức đúng về bình đẳng giới không? Nếu là D, em sẽ thuyết phục bố mẹ như thế nào?

Lời giải:

Bố mẹ D chưa có nhận thức đúng về bình đẳng giới. Nếu là D em sẽ thuyết phục bố mẹ vì công việc giờ không phân biệt nam nữ mà chuyên môn, công việc đều ngang hàng với nhau, không vì nam nữ mà lựa chọn công việc.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 83 KTPL 11: Em hãy cùng bạn lập kế hoạch tổ chức cuộc thi vẽ tranh cổ động về thực hiện pháp luật bình đẳng giới trong trường học theo các gợi ý sau:

- Lập kế hoạch (xác định mục đích cuộc thi, đối tượng dự thi; thời gian, hình thức tổ chức, thể lệ cuộc thi; nội dung thông điệp chủ đề; tiêu chí đánh giá,...).

- Thuyết trình, giới thiệu kế hoạch trước lớp.

Lời giải:

(*) Sản phẩm tham khảo:

Em hãy cùng bạn lập kế hoạch tổ chức cuộc thi vẽ tranh cổ động

Vận dụng 2 trang 83 KTPL 11: Em hãy cùng bạn khảo sát và viết bài tuyên truyền việc thực hiện bình đẳng giới tại trường em đang học.

Lời giải:

(*) Bài viết tham khảo:

Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh yêu quý!

Thực hiện Kế hoạch số 65/KH-SGDĐT ngày 18/11/2022 của Sở GD&ĐT Ninh Bình và Kế hoạch số 43/KH-PGDĐT ngày 21/11/2022 của Phòng GD&ĐT Hoa Lư v/v triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022,

Hôm nay, trường THPT ……….. tổ chức Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, vận động toàn xã hội chủ động tích cực hành động nhằm thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn!

Thế nào là bình đẳng giới? Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và được thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các quyền lợi, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.

Bình đẳng giới là nam và nữ đều được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị,... Bình đẳng giới có nghĩa rằng không còn sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, phụ nữ và nam giới cùng có địa vị bình đẳng trong xã hội và gia đình. Bình đẳng không có nghĩa là nam giới và phụ nữ hoàn toàn như nhau mà là các điểm tương đồng và khác biệt giữa họ được thừa nhận và tôn trọng.

Tại sao phải thực hiện bình đẳng giới? Thực hiện bình đẳng giới là đảm bảo quyền con người. Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Thực hiện bình đẳng giới đem lại lợi ích cho phụ nữ và xã hội.

Bình đẳng giới phải được thực hiện trong mỗi gia đình. Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và xây dựng thể chế gia đình bền vững.

Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình,…mà trọng tâm là Luật bình đẳng giới và thông qua các Công ước quốc tế như công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻmm,… nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em đều được bảo vệ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ. Hoặc nhiều gia đình Việt Nam ngày nay vẫn còn tư tưởng thích có con trai hơn con gái, phân biệt đối xử giữa người con trai và con gái trong một gia đình,… Đặc biệt, hiện tượng bất bình đẳng vẫn phổ biến ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đó, phụ nữ là lao động chính song lại không có tiếng nói trong gia đình, họ phải làm việc suốt ngày và không được tiếp cận với việc học hành. Những người đàn ông thường dành thời gian cho việc làng, việc nước, việc họ hàng, rồi sa vào các tệ nạn xã hội,… nên gánh nặng gia đình cũng như cường độ lao động và sự vất vả đều dồn lên đôi vai người phụ nữ. Và hiện tượng xúc phạm, đánh đập, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong xã hội.

Đối với giáo dục: Khẳng định bình đẳng giới là vấn đề toàn cầu, giáo dục đã thực hiện vấn đề bình đẳng giới trong chương trình, SGK (kể cả trong chương trình tổng thể và chương trình môn họvà các hoạt động giáo dục. Trong các cơ sở giáo dục hiện nay, việc thực hiện bình đẳng giới được thể hiện hiệu quả và rõ nét nhất thông qua nhiều nội dung:

- Trong tổ chức lớp, các chức danh quản lý lớp, nhóm học tập;

- Trong các hoạt động học tập và giáo dục của trường, của lớp;

- Trong cách đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh;

- Trong công tác Thi đua - khen thưởng,...

Tất cả học sinh đều được đối xử bình đẳng như nhau không phân biệt nam hay nữ. Việc quan tâm, chăm lo, giáo dục, không phân biệt đối xử giữa trẻ em trai và trẻ em gái, tạo cơ hội, điều kiện ngang nhau cho các em học tập và phát triển. Đặc biệt với các em bé gái ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện để các em được đến trường học, được tiếp cận thông tin và hưởng thụ các chính sách về văn hóa, xã hội một cách bình đẳng.

Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn!

Hưởng ứng: Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022”vớichủ đề: Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và đảm bảo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”

Tôi xin gửi tới các thầy cô giáo và các bạn học sinh những thông điệp tuyên truyền sau:

1. Thầy và trò trường THPT ……….. tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

2. Hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2022.

3. Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

4. Đảm bảo an sinh xã hội là nền tảng thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển bền vững của đất nước.

5. Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em!.

6. Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.

7. Xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.

8. Hãy tố cáo khi bị quấy rối tình dục.

9. Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, không bạo lực.

10. Bình đẳng giới góp phần đầu tư cho tương lai, công bằng xã hội và phát triển bền vững.

Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn!

Bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phụ nữ là một nửa thế giới, phải được tôn trọng, được công nhận giá trị và vai trò xã hội cũng như những cống hiến của họ. Bình đẳng giới tạo nên sự phát triển kinh tế và nâng cao nguồn nhân lực của đất nước.

Như vậy, việc xây dựng xã hội có bình đẳng giới, bảo đảm bình đẳng giới là lời kêu gọi không chỉ của riêng nữ giới, mà của mọi người, là mục tiêu cần sớm hoàn thành của các quốc gia, để từ đó góp phần xây dựng một thế giới phát triển bền vững.

Đối với nhà trường, việc thực hiện tốt bình đẳng giới sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh và hoàn thành mục tiêu giáo dục đã đặt ra.

Xin kính chúc các thầy cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc các bạn học sinh chăm ngoan, học giỏi và chúng ta cùng quyết tâm hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Trân trọng cảm ơn!

Lý thuyết KTPL 11 Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

1. Ý nghĩa của bình đẳng giới

- Bình đẳng giới là việc nam và nữ có vị trí, vai trò ngang nhau trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Mọi công dân không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật.

- Bình đẳng giới tạo điều kiện, cơ hội để nam và nữ phát huy năng lực của mình; thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau trong đời sống gia đình và xã hội.

- Bình đẳng giới góp phần phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững; là mục tiêu và thước đo sự tiến bộ của một xã hội.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

Xã hội bình đẳng giới là một xã hội hạnh phúc

2. Pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực

a. Pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

- Để thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, pháp luật nước ta quy định:

+ Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội, tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.

+ Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

+ Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lí, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

b. Pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động

- Pháp luật nước ta quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động bao gồm:

+ Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.

+ Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm; được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.

+ Quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động giúp cho tất cả mọi người đều có cơ hội được làm việc theo đúng năng lực của bản thân và được hưởng lợi ích xứng đáng với công việc bản thân đã làm.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

Bình đẳng giới trong lao động (minh họa)

c. Pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học công nghệ

- Pháp luật nước ta quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, khoa học và công nghệ, bao gồm:

+ Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng; bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo; trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

+ Nam, nữ bình đẳng trong tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ; tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát minh, sáng chế.

+ Nam, nữ được bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao; bình đẳng trong hưởng thụ văn hoá, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin.

+ Nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế; bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

d. Pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình

- Để thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, pháp luật nước ta quy định:

+ Trong gia đình, vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình. Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

+ Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

+ Các thành viên nam, nữ trong gia đình đều có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

Chia sẻ công việc gia đình giúp cuộc sống gia đình trở nên tốt đẹp hơn

3. Thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới

- Nhà nước ban hành chính sách để bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình, hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và hưởng thụ thành quả của sự phát triển. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

- Gia đình tạo điều kiện để các thành viên chia sẻ hợp lý công việc gia đình, đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.

- Công dân nam, nữ có trách nhiệm:

+ Học tập pháp luật về bình đẳng giới để nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới;

+ Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện hành vi đúng mực về bình đẳng giới.

+ Phê phán, đấu tranh với những định kiến giới, những hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới ở nhà trường, gia đình và cộng đồng;

+ Vận động, thuyết phục người khác thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

Xem thêm lời giải bài tập Kinh tế pháp luật lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác: 

Bài 10: Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật

Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

Bài 12: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo

Bài 13: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

Bài 14: Quyền và nghĩa vụ công dân về bầu cử và ứng cử

Đánh giá

0

0 đánh giá