Giải SGK Kinh tế Pháp luật 11 Bài 2 (Cánh diều): Cung, cầu trong kinh tế thị trường

19.9 K

Lời giải bài tập Giáo dục Kinh tế Pháp luật lớp 11 Bài 2: Cung, cầu trong kinh tế thị trường sách Cánh diều hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Kinh tế Pháp luật 11 Bài 2 từ đó học tốt môn KTPL 11.

Giải bài tập KTPL lớp 11 Bài 2: Cung, cầu trong kinh tế thị trường

Video bài giải KTPL 11 Bài 2: Cung, cầu trong kinh tế thị trường - Cánh diều

Mở đầu trang 12 KTPL 11: Em hãy nêu ví dụ về sự thay đổi của nhu cầu tiêu dùng một số loại hàng hóa, dịch vụ vào những dịp lễ, Tết ở Việt Nam. Theo em, các chủ thể sản xuất kinh doanh sẽ làm gì để đáp ứng sự thay đổi đó?

Lời giải:

- Vào các dịp lễ, tết ở Việt Nam, người tiêu dùng có xu hướng, tăng nhu cầu sử dụng đối với các mặt hàng, như: thực phẩm (ví dụ: thịt lợn, thịt gà, thịt bò,…); các loại bánh kẹo, mứt truyền thống; các mặt hàng thời trang,…

- Để đáp ứng sự thay đổi đó, các chủ thể sản xuất, kinh doanh sẽ:

+ Mở rộng quy mô sản xuất để cung ứng tới thị trường số lượng hàng hóa nhiều hơn.

+ Đa dạng hóa các sản phẩm với: mẫu mã, chủng loại, giá cả khác nhau,…

1. Khái niệm cầu và các nhân tố ảnh hưởng đến cầu

Câu hỏi trang 13 KTPL 11: a) Em hãy cho biết giá cả ảnh hưởng như thế nào đến lượng hàng hóa được mua.

Em hãy cho biết giá cả ảnh hưởng như thế nào đến lượng hàng hóa

Lời giải:

Đọc thông tin và quan sát đồ thị, có thể thấy, giá cả có ảnh hưởng lớn đến lượng hàng hóa được mua. Cụ thể:

+ Khi giá cả của mặt hàng X đạt đỉnh cao nhất là 50 triệu đồng/tấn; thì số lượng hàng hóa được mua thấp nhất, chỉ đạt 18 nghìn tấn/ tháng.

+ Ngược lại, khi giá cả của mặt hàng X giảm xuống ngưỡng thấp nhất là 10 triệu đồng/ tấn, thì số lượng hàng hóa được mua cao nhất, đạt 40 nghìn tấn/ tháng.

Câu hỏi trang 13 KTPL 11: b) Nếu người tiêu dùng có nhu cầu về mặt hàng X nhưng không có khả năng chi trả thì có tạo thành cầu về mặt hàng này được không?

Nếu người tiêu dùng có nhu cầu về mặt hàng X nhưng không có khả năng chi trả

Lời giải:

Nếu người tiêu dùng có nhu cầu về mặt hàng X nhưng không có khả năng chi trả thì không tạo thành cầu về mặt hàng này.

Câu hỏi trang 13 KTPL 11: c) Nếu người tiêu dùng có khả năng chi trả nhưng không có nhu cầu sử dụng hàng hóa X thì có được gọi là cầu về mặt hàng này không?

Nếu người tiêu dùng có khả năng chi trả nhưng không có nhu cầu sử dụng

Lời giải:

Nếu người tiêu dùng có khả năng chi trả nhưng không có nhu cầu sử dụng hàng hóa X thì không tạo thành cầu về mặt hàng này.

Câu hỏi trang 14 KTPL 11: a) Em hãy xác định các nhân tố ảnh hưởng đến cầu hàng hóa, dịch vụ trong mỗi trường hợp nêu trên.

Em hãy xác định các nhân tố ảnh hưởng đến cầu hàng hóa, dịch vụ

Lời giải:

- Trường hợp 1: Nhân tố ảnh hưởng đến cầu hàng hóa, dịch vụ là: thu nhập của người tiêu dùng. Cụ thể:

+ Khi thu nhập của người tiêu dùng tăng lên => cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thông thường của họ cũng tăng lên.

+ Khi thu nhập của người tiêu dùng giảm xuống => người tiêu dùng phải cân nhắc hơn trước khi mua các sản phẩm => cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cũng giảm xuống.

- Trường hợp 2:

+ Có 3 nhân tố ảnh hưởng đến cầu hàng hóa, dịch vụ là: (1) giá cả của chính hàng hóa, dịch vụ đó; (2) thu nhập của người tiêu dùng và (3) giá cả của các loại hàng hóa, dịch vụ thay thế.

+ Phân tích cụ thể: giá xăng tăng; thu nhập của người tiêu dùng không đổi; giá cả khi sử dụng phương tiện công cộng rẻ hơn => người tiêu dùng có xu hướng: hạn chế sử dụng phương tiện ô tô, xe máy cá nhân hoặc taxi; chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt.

- Trường hợp 3: Nhân tố ảnh hưởng đến cầu hàng hóa, dịch vụ là: tâm lí, tập quán và thị hiếu của người tiêu dùng. Cụ thể: khi xu hướng “tiêu dùng Xanh” trở nên phổ biến, người tiêu dùng ngày càng chọn mua nhiều hơn các sản phẩm có yếu tố “xanh”, lựa chọn các phương thức tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường.

Câu hỏi trang 14 KTPL 11: b) Ngoài các nhân tố trên, theo em còn có những nhân tố nào khác ảnh hưởng đến cầu về hàng hóa, dịch vụ trên thị trường?

Ngoài các nhân tố trên, theo em còn có những nhân tố nào khác

Lời giải:

Ngoài các nhân tố trên, còn có một số nhân tố khác ảnh hưởng đến cầu về hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, như:

- Dự đoán của người tiêu dùng về thị trường. Ví dụ:

+ Mặc dù giá một hàng hóa nào đó tăng nhưng người mua vẫn tiếp tục tăng mua hàng hóa đó vì họ dự đoán giá sẽ còn tăng nữa;

+ Ngược lại, khi giá của một hàng hóa nào đó giảm, người tiêu dùng vẫn giảm mua hàng hóa đó, vì họ hi vọng, dự đoán giá sẽ tiếp tục giảm nữa.

- Quy mô dân số. Ví dụ:

+ Khi dân số tăng dẫn đến cầu về hàng hóa tăng;

+ Khi dân số giảm dẫn đến cầu về hàng hóa giảm.

2. Khái niệm cung và các nhân tố ảnh hưởng đến cung

Câu hỏi trang 15 KTPL 11: a) Em hãy cho biết giá cả ảnh hưởng như thế nào đến lượng hàng hóa bán ra.

Em hãy cho biết giá cả ảnh hưởng như thế nào đến lượng hàng hóa

Lời giải:

Đọc thông tin và quan sát đồ thị, có thể thấy, giá cả có ảnh hưởng lớn đến lượng hàng hóa bán ra. Cụ thể:

- Khi giá cả của mặt hàng X đạt đỉnh cao nhất là 50 triệu đồng/tấn; thì số lượng hàng hóa bán ra cao nhất, đạt 36 nghìn tấn/ tháng.

- Ngược lại, khi giá cả của mặt hàng X ở ngưỡng thấp nhất là 10 triệu đồng/ tấn, thì số lượng hàng hóa bán ra thấp nhất.

Câu hỏi trang 15 KTPL 11: b) Em có nhận xét gì về lượng hàng hóa X bán ra tại mức giá 10 triệu đồng/tấn? Tại mức giá đó có cung không? Vì sao?

Em có nhận xét gì về lượng hàng hóa X bán ra tại mức giá 10 triệu đồng/tấn

Lời giải:

- Tại mức giá 10 triệu đồng/ tấn, không có mặt hàng X nào được bán ra thị trường.

- Tại mức giá 10 triệu đồng/ tấn, thì không có lượng cung mặt hàng X, vì: mức giá thấp, chủ thể sản xuất kinh doanh không thu được lợi ích kinh tế, nên họ không muốn bán sản phẩm ra thị trường.

Câu hỏi trang 15 KTPL 11: c) Nếu người kinh doanh có hàng hóa X nhưng chưa muốn bán ra thị trường thì có tạo thành cung về mặt hàng này không?

Nếu người kinh doanh có hàng hóa X nhưng chưa muốn bán ra thị trường

Lời giải:

Nếu người kinh doanh có hàng hóa X nhưng chưa muốn bán ra thị trường thì không tạo thành cung về mặt hàng này.

Câu hỏi trang 16 KTPL 11: a) Em hãy xác định các nhân tố ảnh hưởng đến cung hàng hóa, dịch vụ trong mỗi trường hợp và thông tin trên.

Em hãy xác định các nhân tố ảnh hưởng đến cung hàng hóa, dịch vụ trong mỗi trường hợp

Lời giải:

- Trường hợp 1: Nhân tố ảnh hưởng đến lượng cung hàng hóa, dịch vụ là: giá cả của các yếu tố sản xuất đầu vào. Cụ thể: khi giá cả các yếu tố sản xuất tăng cao, thì một số doanh nghiệp đã thu hẹp quy mô, chấp nhận tình trạng sản xuất gián đoạn, từ đó dẫn đến lượng cung hàng hóa ra thị trường sụt giảm.

- Trường hợp 2: Có 3 nhân tố ảnh hưởng đến lượng cung hàng hóa, dịch vụ là:

+ Giá bán của sản phẩm trên thị trường có xu thế tăng;

+ Trình độ công nghệ sản xuất;

+ Số lượng người bán hàng hóa trên thị trường.

- Thông tin: Nhân tố ảnh hưởng đến lượng cung hàng hóa, dịch vụ là: chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Câu hỏi trang 16 KTPL 11: b) Theo em, còn những nhân tố nào khác có thể ảnh hưởng đến cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường?

Theo em, còn những nhân tố nào khác có thể ảnh hưởng đến cung hàng hóa

Lời giải:

Ngoài các nhân tố trên, lượng cung về hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, còn chịu ảnh hưởng bởi: dự đoán của người bán trên thị trường. Cụ thể:

+ Nếu dự báo giá tăng, người sản xuất hi vọng có lợi, họ sẽ tăng cung hàng hóa.

+ Nếu dự báo giá giảm, người sản xuất nhận thấy không có lợi hoặc lợi nhuận thấp, thì họ sẽ giảm lượng cung hàng hóa.

3. Mối quan hệ cung - cầu và vai trò của quan hệ cung - cầu trong nền kinh tế

Câu hỏi trang 17 KTPL 11: a) Em có nhận xét gì về lượng cung, lượng cầu mặt hàng X tại các mức giá trong bảng số liệu?

Em có nhận xét gì về lượng cung, lượng cầu mặt hàng X tại các mức giá trong bảng số liệu

Lời giải:

Quan sát mức bảng số liệu và đồ thị, có thể thấy: mức giá có ảnh hưởng rất lớn đến lượng cung và cầu hàng hóa. Cụ thể:

- Khi giá cả của mặt hàng X đạt đỉnh cao nhất là 50 triệu đồng/tấn, thì:

+ Lượng cầu hàng hóa ở mức thấp nhất (chỉ đạt 18 nghìn tấn/ tháng).

+ Lượng cung hàng hóa ở mức cao nhất (đạt 36 nghìn tấn/ tháng).

- Khi giá cả của mặt hàng X ở ngưỡng thấp nhất là 10 triệu đồng/ tấn:

+ Lượng cầu hàng hóa ở mức cao nhất nhất (đạt 40 nghìn tấn/ tháng).

+ Không có lượng cung hàng hóa.

Câu hỏi trang 17 KTPL 11: b) Thị trường đạt trạng thái như thế nào tại mức giá 30 triệu đồng/tấn? Tại mức giá đó, mối tương quan giữa lượng cung và lượng cầu như thế nào?

Thị trường đạt trạng thái như thế nào tại mức giá 30 triệu đồng/tấn

Lời giải:

Tại mức giá 30 triệu đồng/ tấn, thì lượng cung và cầu mặt hàng X ngang bằng nhau. Điều này khiến cho thị trường đạt trạng thái cân bằng.

Câu hỏi trang 17 KTPL 11: c) Theo em, khi thị trường có trạng thái cung lớn hơn cầu, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng sẽ đưa ra lựa chọn như thế nào?

Theo em, khi thị trường có trạng thái cung lớn hơn cầu, người sản xuất kinh doanh

Lời giải:

Khi thị trường có trạng thái cung lớn hơn cầu, khiến cho giá cả sản phẩm hạ xuống. Lúc này, người sản xuất và người tiêu dùng sẽ có những quyết định khác nhau. Cụ thể là:

+ Người sản xuất sẽ thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, khiến cho lượng cung hàng hóa dần sụt giảm.

+ Người tiêu dùng sẽ tăng mua sản phẩm, khiến cho lượng cầu về hàng hóa tăng dần.

Câu hỏi trang 17 KTPL 11: d) Em có nhận xét gì về vai trò của quan hệ cung - cầu trong nền kinh tế?

Em có nhận xét gì về vai trò của quan hệ cung - cầu trong nền kinh tế

Lời giải:

Nhận xét vai trò của quan hệ cung - cầu:

+ Điều tiết quan hệ giữa sản xuất và lưu thông hàng hóa;

+ Làm thay đổi cơ cấu và quy mô thị trường;

+ Ảnh hưởng tới giá cả của hàng hóa.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 18 KTPL 11: Em đồng tình hay không đồng tình với các nhận định dưới đây về cầu hàng hóa, dịch vụ? Vì sao?

A. Cầu là nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng muốn mua.

B. Khi người tiêu dùng có khả năng mua và sẵn sàng mua một loại hàng hóa, dịch vụ tại các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định thì tạo thành cầu về hàng hóa dịch vụ đó.

C. Cầu là nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng có khả năng mua.

D. Cầu là số lượng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng trong một thời gian nhất định.

Lời giải:

- Đồng tình với nhận định B

- Không đồng tình với nhận định A, C, D.

- Giải thích: để tạo thành cầu về một loại hàng hóa, dịch vụ nào đó, cần phải đồng thời đáp ứng được 2 tiêu chí:

+ Thứ nhất, người tiêu dùng có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đó.

+ Thứ hai, người tiêu dùng có khả năng và sẵn sàng mua ở các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định.

Luyện tập 2 trang 18 KTPL 11: Em hãy xác định nhân tố ảnh hưởng tới cầu về hàng hóa, dịch vụ trong những trường hợp sau đây:

A. Cứ vào dịp Tết, cầu về hoa đào, hoa mai và cây cảnh ở Việt Nam tăng cao.

B. Do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, cầu về hải sản trên thị trường tăng lên.

C. Do mức sống được cải thiện dần, cầu về hàng tiêu dùng như ti vi, tủ lạnh, máy giặt,.... đang tăng lên.

D. Mặc dù giá cả cổ phiếu có xu hướng tăng, nhiều nhà đầu tư vẫn quyết định mua thêm một số loại cổ phiếu.

Lời giải:

- Trường hợp A. Nhân tố ảnh hưởng đến cầu là: tâm lí, tập quán và thị hiếu của người tiêu dùng.

- Trường hợp B. Có 2 nhân tố ảnh hưởng đến cầu là: tâm lí của người tiêu dùng và giá cả hàng hóa. Cụ thể:

+ Khi dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, tâm lí người tiêu dùng sẽ lo sợ các sản phẩm (có nguồn gốc từ thịt gia súc) không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe => do đó, họ có xu hướng chuyển sang sử dụng sản phẩm khác.

+ Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc khiến cho lượng cung sụt giảm => giá cả tăng các loại thực phẩm từ gia súc tăng => nhu cầu tiêu dùng giảm => người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng loại thực phẩm có giá cả ổn định hơn.

- Trường hợp C. Nhân tố ảnh hưởng đến cầu là: thu nhập của người tiêu dùng.

- Trường hợp D. Nhân tố ảnh hưởng đến cầu là: dự đoán của người tiêu dùng về thị trường.

Luyện tập 3 trang 18 KTPL 11: Em hãy xác định hoạt động kinh tế nào dưới đây tạo thành cung hàng hóa trên thị trường. Vì sao?

A. Hằng tháng, xí nghiệp dệt ở thành phố N sản xuất được 2 triệu mét vải để đưa ra thị trường.

B. Quần áo của hãng thời trang X được bày bán ở các cửa hàng thời trang.

C. Các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ chuẩn bị thu hoạch quả thanh long để xuất khẩu sang châu Âu.

D. Vườn nhà bạn H trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau. Mùa nào thức ấy, nhà H có nhiều loại trái cây để ăn và biếu họ hàng, bạn bè.

Lời giải:

- Các hoạt động kinh tế trong trường hợp A, B, C sẽ tạo thành cung hàng hóa trên thị trường. Vì: các chủ thể sản xuất kinh doanh có khả năng bán và sẵn sàng bán sản phẩm ra thị trường ở các mức giá khác nhau.

- Hoạt động sản xuất ở trường hợp D không tạo thành nguồn cung hàng hóa, vì: mục đích trồng các loại cây ăn quả của gia đình bạn H là để đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình và biếu tặng họ hàng, bạn bè.

Luyện tập 4 trang 19 KTPL 11: Gia đình H có nguồn thu nhập chính từ kinh doanh mặt hàng may mặc. Hiện nay trên thị trường, cung về mặt hàng này lớn hơn cầu. Gia đình H dự định chuyển đổi sang kinh doanh mặt hàng mới chưa có nhiều người kinh doanh.

a) Theo em, trường hợp nêu trên đề cập đến vai trò gì của quan hệ cung - cầu trong nền kinh tế

b) Lựa chọn của gia đình H có hợp lí không? Vì sao?

c) Gia đình H còn có thể lựa chọn phương án nào dưới đây? Giải thích vì sao.

A. Tạm ngừng kinh doanh mặt hàng này và chờ đợi thị trường hồi phục.

B. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, mở rộng kinh doanh các sản phẩm may mặc.

C. Đẩy mạnh việc tuyên truyền và quảng bá sản phẩm may mặc của gia đình.

Lời giải:

♦ Yêu cầu a) Vai trò của quan hệ cung - cầu trong trường hợp trên là: điều tiết quan hệ giữa sản xuất và lưu thông hàng hóa.

♦ Yêu cầu b) Lựa chọn của gia đình bạn H là hợp lí, vì: trong trường hợp cung lớn hơn cầu => giá cả sản phẩm giảm => doanh thu và lợi nhuận của gia đình bạn H sẽ giảm, từ đó, gia đình H dự định chuyển hướng kinh doanh.

♦ Yêu cầu c) Trong trường hợp này, gia đình bạn H nên lựa chọn phương án A (tạm ngừng kinh doanh mặt hàng thời trang và chờ đợi thị trường hồi phục). Vì:

+ Trong trường hợp cung lớn hơn cầu => giá cả sản phẩm giảm => doanh thu và lợi nhuận của gia đình bạn H sẽ giảm => gia đình H nên thu hẹp quy mô sản xuất.

+ Nếu, gia đình H tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, mở rộng kinh doanh (phương án B), thì sẽ tiếp tục làm gia tăng lượng cung hàng hóa, mặt khác, dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình H thua lỗ.

+ Nếu gia đình H đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá sản phẩm của gia đình (phương án C), thì chi phí sản xuất mặt hàng sẽ gia tăng (do, chi phí marketing cũng là một yếu tố đầu vào của sản xuất). Khi giá sản phẩm tăng => người tiêu dùng có xu hướng hạn chế nhu cầu mua sản phẩm, chuyển sang sử dụng sản phẩm khác => hoạt động sản xuất của gia đình H vì thế cũng tiếp tục gặp khó khăn.

Luyện tập 5 trang 19 KTPL 11: Em hãy xác định nhân tố ảnh hưởng tới cung về hàng hóa, dịch vụ trong những trường hợp sau đây:

A. Đón đầu mùa du lịch hè, các doanh nghiệp lữ hành đã tung ra thị trường nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn.

B. Do giá xăng dầu tăng cao mà cước phí dịch vụ không tăng theo tương ứng, cung dịch vụ taxi của thành phố giảm sút.

C. Từ khi công nghệ mới được áp dụng trong nhà máy sản xuất đường mía thay thế các lò sản xuất đường thủ công, cung về đường trên thị trường tăng mạnh.

D. Do nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên chuyển đổi vườn cà phê sang trồng hồ tiêu, cung hồ tiêu Việt Nam những năm tiếp theo tăng mạnh.

E. Cung xe ô tô lắp ráp trong nước tăng lên khi Nhà nước ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng tỉ lệ nội địa hoá phụ tùng sản xuất ô tô.

Lời giải:

- Trường hợp A. Nhân tố ảnh hưởng đến cung hàng hóa, dịch vụ là: dự đoán của người bán trên thị trường.

- Trường hợp B. Nhân tố ảnh hưởng đến cung hàng hóa, dịch vụ là: giá cả các yếu tố sản xuất.

- Trường hợp C. Nhân tố ảnh hưởng đến cung hàng hóa, dịch vụ là: trình độ công nghệ sản xuất.

- Trường hợp D. Nhân tố ảnh hưởng đến cung hàng hóa, dịch vụ là: số lượng người bán trên thị trường.

- Trường hợp E. Nhân tố ảnh hưởng đến cung hàng hóa, dịch vụ là: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 19 KTPL 11: Em hãy sưu tầm thông tin về tình hình cung, cầu một hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên thị trường và chia sẻ với các bạn cùng lớp.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Tình hình cầu của một số loại thực phẩm trong tháng 1/2022

+ Sau khi có xu hướng giảm liên tiếp trong năm 2021, nhu cầu sử dụng mặt hàng thịt lợn đã có xu hướng tăng trở lại trong tháng 01 năm 2022, đặc biệt trong những ngày cận Tết, tuy nhiên mức tăng không cao so với Tết 02 năm trước. Giá các mặt hàng thịt lợn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 15-25%.

+ Giá các sản phẩm thịt bò ổn định trong suốt cả năm 2021 và bắt đầu tăng nhẹ vào cuối tháng 1 năm 2022 do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn và nhu cầu tăng.

+ Giá các sản phẩm gia cầm cũng ở mức thấp trong suốt năm 2021 (có thời điểm giá thịt gà lông trắng chỉ còn 7.000-9.000đ/kg), bắt đầu tăng trở lại vào tháng 12/2021 và tiếp tục tăng nhẹ vào ngày sát Tết do nhu cầu tăng.

(Nguồn: thông tin từ Bộ Công thương Việt Nam)

Vận dụng 2 trang 19 KTPL 11: Em viết bài phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến cung, cầu một hàng hóa, dịch vụ trên thị trường vào dịp Tết.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Một số nhân tố ảnh hưởng đến lượng cung thực phẩm trên thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần (2022)

- Tết Nguyên đán Nhâm Dần (2022) đang đến gần, trong khi các nguyên liệu sản xuất đầu vào có xu hướng tăng mạnh (giá thức ăn chăn nuôi, chi phí lưu thông, xét nghiệm, lao động...) thì thời tiết thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ổn định và tăng trưởng tốt đã tiếp tục hỗ trợ cho thị trường mặt hàng thực phẩm diễn biến thuận lợi, không có biến động bất thường. Nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán được bảo đảm, không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.

- Trong những ngày gần Tết (từ ngày 23 tháng Chạp) do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn giữ giá ổn định và một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống, thịt lợn đông lạnh, nên giá thịt gà, thịt bò chỉ tăng vào những ngày sát Tết tại các chợ truyền thống do sức mua tăng.

Lưu ý:

(1) Thông tin trong bài viết được tham khảo từ website của Bộ Công thương Việt Nam

(2) Học sinh viết bài theo quan điểm và sự hiểu biết của bản thân; bài làm trên chỉ mang tính tham khảo!

Lý thuyết KTPL 11 Bài 2: Cung, cầu trong kinh tế thị trường

1. Khái niệm cầu và các nhân tố ảnh hưởng đến cầu

a. Khái niệm cầu

- Cầu là số lượng hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng có khả năng mua và sẵn sàng mua ở các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 2: Cung, cầu trong kinh tế thị trường

Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dùng chính là cầu

b. Các nhân tố ảnh hưởng đến cầu

- Cầu về một loại hàng hóa và dịch vụ phụ thuộc trước hết vào giá cả của chính hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường tại một thời điểm xác định.

- Ngoài ra, còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến cầu hàng hóa, dịch vụ như:

+ Thu nhập của người tiêu dùng: Thu nhập trung bình của người tiêu dùng tăng thì cầu về hàng hóa, dịch vụ cũng tăng và ngược lại.

+ Giá cả hàng hóa khác, bao gồm những hàng hóa có khả năng thay thế, hoặc bổ sung cho việc tiêu dùng hàng hóa đó.

+ Dự đoán của người tiêu dùng về thị trường: Mặc dù giá một hàng hoá nào đó tăng nhưng người mua vẫn tiếp tục tăng mua hàng hóa đó vì họ dự đoán giá sẽ còn tăng nữa.

+ Tâm lí, tập quán và thị hiếu của người tiêu dùng. Thị hiếu của người tiêu dùng trong những giai đoạn khác nhau có ảnh hưởng khác nhau tới cầu về một số loại hàng hóa.

+ Dân số: Khi dân số tăng dẫn đến cầu về hàng hóa tăng.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 2: Cung, cầu trong kinh tế thị trường

Một số yếu tố ảnh hưởng đến cầu

2. Khái niệm cung và các nhân tố ảnh hưởng đến cung

a. Khái niệm cung

- Cung là số lượng hàng hóa, dịch vụ mà người bán có khả năng bán và sẵn sàng bán ở các mức giá khác khau trong một thời gian nhất định.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 2: Cung, cầu trong kinh tế thị trường

Cung thể hiện khả năng đáp ứng nhu cầu của cho người tiêu dùng

b. Các nhân tố ảnh hưởng đến cung

- Cung về một loại hàng hóa và dịch vụ phụ thuộc trước hết vào giá cả của ngành hàng hóa đó trên thị trường tại một thời điểm xác định.

- Ngoài ra, còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến cung của hàng hóa, dịch vụ như:

+ Giá cả các yếu tố sản xuất: Nếu giá cả các yếu tố đầu vào của sản xuất như tiền công, giá nguyên vật liệu, tiền thuê đất,... giảm giá thì giá thành hàng hóa giảm nên sản xuất có lãi, dẫn đến tăng cung và ngược lại

+ Trình độ công nghệ sản xuất: Nếu công nghệ và kỹ thuật hiện đại thì năng suất lao động tăng và chi phí lao động sản xuất ra hàng hóa giảm. Như vậy sẽ có số lượng hàng hóa sản xuất và cung ứng nhiều hơn so với lao động thủ công.

+ Dự đoán của người bán về thị trường: Nếu dự báo giá tăng, người sản xuất hi vọng có lợi, họ sẽ tăng cung và ngược lại.

+ Số lượng người bán trên trị trường: Nếu số lượng người cùng sản xuất một loại hàng hóa càng nhiều thì cung về loại hàng hóa càng lớn và ngược lại.

+ Chính sách của nhà nước: nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ (ví dụ: giảm thuế mặt hàng nào đó), lợi nhuận sẽ tăng, làm mức cung hàng hóa đó tăng lên và ngược lại.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 2: Cung, cầu trong kinh tế thị trường

Những yếu tố ảnh hưởng đến cung

3. Mối quan hệ cung - cầu và vai trò của quan hệ cung - cầu trong nền kinh tế

- Trên thị trường, cung - cầu thường xuyên tác động lẫn nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả.

+ Khi lượng hàng hóa mà người mua muốn mua đúng bằng lượng hàng hóa mà người bán muốn bán thì mức giá cân bằng được hình thành.

+ Nếu cung nhỏ hơn cầu thì giá tăng cao hơn giá cân bằng.

+ Nếu cung lớn hơn cầu thì giá cả hạ xuống thấp hơn giá cân bằng.

- Cung - cầu có tác dụng điều tiết quan hệ giữa sản xuất và lưu thông hàng hóa; làm thay đổi cơ cấu và quy mô thị trường, ảnh hưởng tới giá cả của hàng hóa. Căn cứ vào quan hệ cung - cầu, có thể dự đoán xu thế biến động của giá cả. Ở đâu có thị trường thì ở đó quan hệ cung - cầu tồn tại và hoạt động một cách khách quan.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 2: Cung, cầu trong kinh tế thị trường

Các nhà điều hành đất nước dựa vào cán cân cung - cầu nhằm điều tiết thị trường và bình ổn giá cả

Xem thêm lời giải bài tập Kinh tế pháp luật lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác: 

Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường

Bài 2: Cung, cầu trong kinh tế thị trường

Bài 3: Thị trường lao động

Bài 4: Việc làm

Bài 5: Thất nghiệp

Đánh giá

0

0 đánh giá