Sách bài tập KTPL 11 Bài 1 (Cánh diều): Cạnh tranh trong kinh tế thị trường | SBT Kinh tế Pháp luật 11 Cánh diều

3.3 K

Với giải sách bài tập Kinh tế Pháp luật 11 Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Kinh tế Pháp luật 11. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Kinh tế Pháp luật 11 Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường

Bài 1 trang 5 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Nguyên nhân nào sau đây dẫn đến cạnh tranh?

A. Các chủ thể kinh tế có sự tương đồng về nhu cầu và thị hiếu nên phải cạnh tranh với nhau để thực hiện lợi ích của mình.

B. Các chủ thể kinh tế có sự khác biệt về hình thức sở hữu nguồn lực và tồn tại độc lập với nhau, mỗi chủ thể luôn hành động trước hết vì lợi ích của mình.

C. Do sự sẵn có của các nguồn lực kinh tế, các chủ thể cạnh tranh với nhau để khai thác các nguồn lực một cách tốt nhất.

D. Do sự hữu hạn của các nguồn lực kinh tế, sự khác biệt của điều kiện sản xuất, mua bán, tiêu dùng, các chủ thể phải cạnh tranh để thực hiện được lợi ích của mình.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Nguyên nhân nào sau đây dẫn đến cạnh tranh là do: các chủ thể kinh tế có sự khác biệt về hình thức sở hữu nguồn lực và tồn tại độc lập với nhau, mỗi chủ thể luôn hành động trước hết vì lợi ích của mình.

Bài 2 trang 5 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Nhận định nào dưới đây thể hiện đúng mục đích cuối cùng của cạnh tranh kinh tế?

A. Khai thác nguyên liệu và các nguồn lực sản xuất khác.

B. Giành ưu thế về khoa học và công nghệ.

C. Khai thác thị trường, nơi đầu tư, các hợp đồng.

D. Thu về lợi ích kinh tế cao nhất.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Cạnh tranh là sự ganh đua giữa các chủ thể tham gia thị trường nhằm giành điều kiện thuận lợi trong sản xuất, mua bán, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất.

Bài 3 trang 5 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Các chủ thể sản xuất trên thị trường cạnh tranh để giành về cho mình điều gì dưới đây?

A. Điều kiện thuận lợi trong sản xuất hàng hoá và dịch vụ.

B. Điều kiện thuận lợi trong tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ.

C. Điều kiện thuận lợi trong sử dụng hàng hoá và dịch vụ.

D. Điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Các chủ thể sản xuất luôn phải giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhằm thu được lợi nhuận cao nhất cho mình.

Bài 4 trang 5 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Người tiêu dùng trên thị trường ganh đua với nhau để giành về cho mình điều gì dưới đây?

A. Mua được hàng hoá rẻ hơn với chất lượng tốt hơn.

B. Mua được hàng hoá mà mình ưa thích.

C. Mua được hàng hoá đặc sắc hơn.

D. Mua được nhiều hàng hoá hơn.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Người tiêu dùng cũng luôn ganh đua với nhau để mua được hàng hóa rẻ hơn với chất lượng tốt hơn.

Bài 5 trang 6 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Nhận định nào dưới đây là đúng khi lí giải về cạnh tranh giữa người mua và người bán trên thị trường để hình thành giá cả thị trường?

A. Người mua luôn chấp nhận mức giá do người bán đề xuất.

B. Người bán luôn chấp nhận mức giá do người mua trả.

C. Người mua luôn muốn mua rẻ, người bán luôn muốn bán đắt.

D. Nhà nước ấn định mức giá phù hợp với người bán và người mua.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Người sản xuất và người tiêu dùng cũng thường xuyên cạnh tranh với nhau để đạt được lợi ích nhiều nhất cho mình từ hoạt động trao đổi trên thị trường: Người mua luôn muốn mua rẻ, người bán luôn muốn bán đắt.

Bài 6 trang 6 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy cho biết, trong trường hợp hàng hoá khan hiếm, cạnh tranh giữa những người mua với nhau làm cho giá cả hàng hoá biến động như thế nào.

A. Giá cả hàng hoá tăng lên.

B. Giá cả hàng hoá hạ xuống.

C. Giá cả hàng hoá không thay đổi.

D. Giá cả hàng hoá không xác định.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trong trường hợp hàng hoá khan hiếm, cạnh tranh giữa những người mua với nhau làm cho giá cả hàng hoá tăng lên.

Bài 7 trang 6 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Trên thị trường điện máy mùa hè có rất nhiều nhà sản xuất và bán quạt điện. Để bán được hàng, mỗi nhà sản xuất luôn phải nỗ lực làm cho sản phẩm của mình có mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, có thêm nhiều tính năng phụ hấp dẫn so với đối thủ cạnh tranh để giành được khách hàng. Những nhà sản xuất đi tiên phong ứng dụng công nghệ mới để sản xuất quạt tiết kiệm điện, bổ sung thêm tính năng có ích như hẹn giờ, tự động điều chỉnh lượng gió,... đón nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng, sản phẩm tiêu thụ nhanh và có lãi. Trên cơ sở đó, họ có điều kiện để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất trong giai đoạn tiếp theo.

a) Trường hợp trên biểu hiện vai trò gì của cạnh tranh trong nền kinh tế?

b) Doanh nghiệp sản xuất quạt điện đã làm gì để giành thắng lợi trong cạnh tranh?

c) Cạnh tranh đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng trong trường hợp nêu trên?

Lời giải:

♦ Yêu cầu a) Vai trò của cạnh tranh trong trường hợp này là:

- Cạnh tranh là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

- Cạnh tranh tạo điều kiện để người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa dịch vụ chất lượng tốt, phong phú về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lý. Do đó, nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội được đáp ứng ngày càng tốt hơn.

♦ Yêu cầu b) Để giành thắng l;ợi trong cạnh tranh, doanh nghiệp sản xuất quạt điện đã: ứng dụng công nghệ mới để sản xuất quạt tiết kiệm điện, bổ sung thêm tính năng có ích như hẹn giờ, tự động điều chỉnh lượng gió,...

♦ Yêu cầu c) Trong trường hợp trên, cạnh tranh đã giúp cho người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa dịch vụ chất lượng tốt, phong phú về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lý.

Bài 8 trang 6 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo quy luật thị trường, trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã giảm dần diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng mang lại giá cao, giá thành sản xuất thấp, tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, chủ trang trại liên kết với các trường đại học, cao đẳng, ứng dụng khoa học và công nghệ hình thành trang trại giống cây trồng, vật nuôi cung cấp cho toàn tỉnh, góp phần sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, phát triển các sản phẩm chủ lực như hoa cảnh, cây ăn quả, thuỷ sản,...

a) Thông tin trên cho em biết điều gì về vai trò của cạnh tranh đối với việc sử dụng các nguồn lực kinh tế cho phát triển nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp?

b) Việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đem lại lợi ích gì cho kinh tế tinh Đồng Tháp?

c) Em hãy lấy thêm ví dụ về vai trò của cạnh tranh đối với sự phát triển kinh tế của địa phương nơi em sinh sống.

Lời giải:

♦ Yêu cầu a) Đoạn thông tin trên cho thấy: nhờ có cạnh tranh, các nguồn lực kinh tế được sử dụng linh hoạt và hiệu quả

♦ Yêu cầu b) Việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp đã đem lại nhiều lợi ích tích cực, như: giảm chi phí sản xuất; tăng năng suất cây trồng; tăng khả năng cạnh tranh và đem lại lợi ích kinh tế hiệu quả hơn so với trước đó.

♦ Yêu cầu c) Ví dụ: Theo dữ liệu về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), năm 2022, năng lực cạnh tranh của Hà Nội được xếp vào nhóm điều hành tốt, với PCI đạt 66,74 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành trong cả nước. Để đạt được kết quả đó, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành/ điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Bài 9 trang 7 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Đọc thông tin

Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã thành công khi chuyển từ doanh nghiệp gia công, lắp ráp sang doanh nghiệp tự động hoá cao, phát triển bằng cách ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bắt kịp xu hướng thị trường, công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã nhiều lần chuyển đổi công nghệ và sản phẩm, từ đèn dây tóc tới đèn phóng điện huỳnh quang vào đầu thế kỉ XXI là công nghệ chiếu sáng rắn - đèn led. Sự năng động, chuyển đổi để bắt kịp tiến bộ công nghệ là nguyên nhân giúp công ty vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp chiếu sáng ở Việt Nam.

Thành công của công ty đạt được là nhờ sự thay đổi chiến lược, thay đổi mô hình tăng trưởng và mô hình kinh doanh, trong đó có sự hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để giải quyết các bài toán về công nghệ cho doanh nghiệp. Công ty có ba trung tâm nghiên cứu và phát triển, gồm: Lighting R D Center, Digital R D Center và Trung tâm nghiên cứu phát triển thương mại hoá hệ sinh thái sản phẩm 4.0. Công ty đã thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm làm bệ phóng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Hiện tại, các sản phẩm Rạng Đông được sản xuất trên dây chuyền do chính người Việt Nam nghiên cứu thiết kế, mang lại nhiều giá trị cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường sống và bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường các nước G7 và G20.

a) Em hãy cho biết công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã giành ưu thế trong cạnh tranh nhờ vào những yếu tố nào. Theo em, cạnh tranh có vai trò gì trong quá trình phát triển của công ty?

b) Sản phẩm của công ty chinh phục được người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhờ những đặc điểm gì? Cạnh tranh đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng sản phẩm và cho nền kinh tế của Việt Nam?

Lời giải:

♦ Yêu cầu a)

- Những yếu tố giúp công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã giành ưu thế trong cạnh tranh:

+ Đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất.

+ Thay đổi chiến lược, thay đổi mô hình tăng trưởng và mô hình kinh doanh.

- Vai trò: cạnh tranh là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

♦ Yêu cầu b)

- Sản phẩm của công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông chinh phục được người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhờ những đặc điểm như: chất lượng tốt; mẫu mã đẹp, đa dạng,… đáp ứng được nhu cầu sử dụng của khách hàng.

- Vai trò của cạnh tranh:

+ Người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa dịch vụ chất lượng tốt, phong phú về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lý. Do đó, nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội được đáp ứng ngày càng tốt hơn.

+ Góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển.

Bài 10 trang 8 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Việc làm nào dưới đây thể hiện cạnh tranh lành mạnh?

A. Sử dụng hoá chất vượt quá mức quy định để bảo quản hàng hoá nhằm kéo dài thời hạn sử dụng sản phẩm.

B. Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để đưa thông tin sản phẩm đến với người tiêu dùng.

C. Tìm cách gây nhầm lẫn giữa sản phẩm của mình với sản phẩm cùng loại đang tiêu thụ tốt và có uy tín của nhà sản xuất khác.

D. Đầu cơ, tích trữ hàng hoá, tạo sự khan hiếm để nâng cao giá bán sản phẩm.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Việc làm thể hiện cạnh tranh lành mạnh là: Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để đưa thông tin sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Bài 11 trang 8 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Việc làm nào dưới đây được pháp luật cho phép trong cạnh tranh kinh tế?

A. Bỏ qua việc xử lí chất thải ra môi trường trong quá trình sản xuất.

B. Khai báo không đúng mặt hàng kinh doanh để thu lợi.

C. Đầu tư thêm vốn cải thiện công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

D. Quảng cáo gây hiểu nhầm về công dụng của sản phẩm.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Việc làm được pháp luật cho phép trong cạnh tranh kinh tế là: đầu tư thêm vốn cải thiện công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Bài 12 trang 8 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Hành vi nào dưới đây của chủ thể sản xuất kinh doanh biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh?

A. Thực hiện các hình thức khuyến mại khác nhau để thu hút khách hàng.

B. Tích cực đổi mới kĩ thuật sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.

C. Đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động.

D. Sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để hạ giá bán.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là: Sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để hạ giá bán.

Bài 13 trang 8 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Anh Q tích lũy đủ vốn để mở một cửa hàng kinh doanh thực phẩm chế biến tại thị xã, nơi đã có một số cửa hàng cùng kinh doanh mặt hàng này. Anh đang tìm nhiều cách để người tiêu dùng biết đến cửa hàng của mình nhằm tăng doanh số bán hàng.

Trong những cách làm được nêu sau đây, em đồng tình hay không đồng tình với cách làm nào? Vì sao?

A. Đăng bài quảng cáo cho cửa hàng mình trên các trang mạng xã hội.

B. Trà trộn một số sản phẩm không rõ nguồn gốc để có thể bán với giá thấp hơn.

C. Thực hiện một số cách khuyến mại hấp dẫn thu hút khách hàng.

D. Sắp xếp quầy hàng thuận tiện, đẹp mắt và phục vụ khách hàng chu đáo.

Lời giải:

- Đồng tình với các cách làm: A, C, D vì đây là hành vi cạnh tranh lành mạnh.

- Không đồng tình với cách làm B vì đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng; đồng thời làm mất uy tín của cửa hàng.

Bài 14 trang 9 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Xí nghiệp X và xí nghiệp Y cùng sản xuất một loại hàng hoá trên địa bàn huyện Z. Để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm trong cạnh tranh, xí nghiệp X đã xả trực tiếp một số loại chất thải chưa qua xử lí xuống con sông chảy qua huyện Z. Nếu là người phát hiện việc làm này, em sẽ lựa chọn cách ứng xử nào cho phù hợp? Hãy lí giải cho lựa chọn của em.

A. Coi như không biết vì không liên quan đến mình.

B. Chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội.

C. Báo cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương biết.

D. Tập hợp dân địa phương đến xí nghiệp X đòi bồi thường.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

- Nếu là người phát hiện việc doanh nghiệp X xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường, em báo cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương biết, vì: chính quyền địa phương sẽ có lực lượng chức năng chuyên trách xuống địa bàn để kiểm tra, xác nhận mức độ vi phạm của doanh nghiệp, từ đó sẽ có biện pháp xử phạt hợp lí, đúng quy định của pháp luật.

Bài 15 trang 9 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Làng K có nghề truyền thống sản xuất đồ gốm mĩ nghệ. Cũng như nhiều gia đình khác trong làng, gia đình ông M có một xưởng sản xuất mặt hàng này. Thời gian gần đây, ông M nhận thấy sản phẩm xưởng mình làm ra thường hay bị lỗi, gây mất uy tín với khách hàng, doanh số bán hàng sụt giảm. Để có thể tiếp tục tồn tại lâu dài trong nghề và cạnh tranh được với các xưởng sản xuất khác, ông M nên chọn cách làm nào dưới đây?

A. Cắt giảm tiền công của thợ chịu trách nhiệm sản phẩm lỗi.

B. Tìm cách lôi kéo thợ giỏi của xưởng khác về làm cho mình.

C. Cho thợ nghỉ việc và tuyển thợ mới.

D. Đầu tư đào tạo tay nghề cho thợ và cải tiến khâu quản lí chất lượng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Để có thể tiếp tục tồn tại lâu dài trong nghề và cạnh tranh được với các xưởng sản xuất khác, ông M nên đầu tư đào tạo tay nghề cho thợ và cải tiến khâu quản lí chất lượng.

Xem thêm giải sách bài tập Kinh tế Pháp luật lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường

Bài 2: Cung, cầu trong kinh tế thị trường

Bài 3: Thị trường lao động

Bài 4: Việc làm

Bài 5: Thất nghiệp

Lý thuyết KTPL 11 Bài 1: Cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường

1. Khái niệm cạnh tranh

- Cạnh tranh là sự ganh đua giữa các chủ thể tham gia thị trường nhằm giành điều kiện thuận lợi trong sản xuất, mua bán, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ để có thể thu về lợi ích kinh tế cao nhất.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường

Sự ganh đua trong cạnh tranh

2. Nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh

- Cạnh tranh trên thị trường diễn ra là do:

+ Các chủ thể kinh tế có sự khác biệt về hình thức sở hữu nguồn lực;

+ Các chủ thể này lại tồn tại độc lập với nhau;

+ Chủ thể nào cũng hành động trước hết vì lợi ích của mình.

- Vì các nguồn lực có hạn, các điều kiện sản xuất, mua bán và tiêu dùng khác nhau nên để thực hiện được lợi ích của mình, các chủ thể kinh tế phải cạnh tranh với nhau.

+ Các chủ thể sản xuất luôn phải giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhằm thu được lợi nhuận cao nhất cho mình.

+ Người tiêu dùng cũng luôn ganh đua với nhau để mua được hàng hóa rẻ hơn với chất lượng tốt hơn.

+ Người sản xuất và người tiêu dùng cũng thường xuyên cạnh tranh với nhau để đạt được lợi ích nhiều nhất cho mình từ hoạt động trao đổi trên thị trường.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường

Những lợi ích về kinh tế dẫn đến cạnh tranh

3. Vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế

- Cạnh tranh có vai trò to lớn trong nền kinh tế thị trường:

+ Cạnh tranh là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Để giành được lợi nhuận tối đa, các chủ thể sản xuất kinh doanh luôn tìm cách tận dụng tốt nhất các nguồn lực và lợi thế, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.

+ Cạnh tranh tạo điều kiện để người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa dịch vụ chất lượng tốt, phong phú về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lý. Do đó, nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội được đáp ứng ngày càng tốt hơn.

+ Nhờ có cạnh tranh, các nguồn lực kinh tế được sử dụng linh hoạt và hiệu quả, cạnh tranh trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường

Cạnh tranh là yếu tố không thể thiếu trong kinh doanh

4. Cạnh tranh không lành mạnh

- Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.

- Ngăn ngừa, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, của toàn xã hội, đặc biệt là của nhà nước.

Lý thuyết KTPL 11 Cánh diều Bài 1: Cạnh tranh trong kinh tế thị trường

Cạnh tranh không lành mạnh

Đánh giá

0

0 đánh giá