Amoniac là chất khí không màu, có mùi khai và xốc, nhẹ hơn không khí. Khí amoniac tan rất nhiều trong nước: Ở điều kiện thường, 1 lít nước hòa tan được khoảng 800 lít khí amoniac. Dung dịch thu được gọi là dung dịch amoniac. Trong các bài toán nhận biết các khí, nhận biết NH3 bằng cách nào? Bài viết dưới đây, sẽ giúp các em nắm được cách nhận biết khí này.
Cách nhận biết khí NH3
I. Cách nhận biết khí NH3
- Cách nhận biết: Dùng quỳ tím ẩm
- Hiện tượng: Quỳ tím ẩm hóa xanh.
- Giải thích: Khi tan trong nước, NH3 kết hợp với ion của nước, tạo thành ion amoni và giải phóng ion hiđroxit OH-, làm cho dung dịch có tính bazơ và dẫn điện:
NH3 + H2O ⇄ NH4+ + OH-
Ngoài ra, có thể nhận biết khí NH3 bằng cách cho tác dụng với khí HCl, thấy có khói trắng xuất hiện.
NH3 (k) + HCl(k) → NH4Cl(r)
Lưu ý: Khí NH3 có mùi khai đặc trưng, kích thích mắt và hệ thống hô hấp rất mạnh. Lượng rất nhỏ khí này trong không khí cũng kiến chúng ta nhận ra ngay bằng mùi khai rất đặc trưng.
II. Mở rộng
Amoniac được sử dụng chủ yếu để sản xuất axit nitric, phân đạm như urê, amoni nitrat, amoni sunfat,…; điều chế hiđrazin N2H4 làm nhiên liệu cho tên lửa. Amoniac lỏng được dùng làm chất làm lạnh trong thiết bị lạnh.
III. Bài tập nhận biết khí NH3
Bài 1: Để nhận biết các khí: CO2, SO2, NH3 dùng các thuốc thử nào sau đây?
A. Dung dịch HCl, dung dịch NaOH.
B. Quỳ tím ẩm, nước Br2.
C. Quỳ tím ẩm, dung dịch HCl.
D. Quỳ tím ẩm, dung dịch NaOH.
Hướng dẫn giải:
- Dùng quỳ tím ẩm, hiện tượng:
+ Quỳ tím chuyển đỏ: CO2, SO2
+ Quỳ tím chuyển xanh: NH3
- Sục hai khí còn lại qua dung dịch nước brom, hiện tượng:
+ Dung dịch brom mất màu: SO2
SO2 + Br2 + 2H2O → 2HBr + H2SO4
+ Không hiện tượng: CO2
→ Đáp án B
Bài 2: Cho các khí sau: NH3, H2S, HCl, CO, SO2. Số chất khí làm quỳ tím ẩm đổi màu là:
A. 2
B. 3
C. 4
D. 5
Hướng dẫn giải:
Quỳ tím ẩm đổi sang màu xanh: NH3
Quỳ tím ẩm đổi sang màu đỏ: H2S, HCl, SO2
→ Có 4 chất làm quỳ tím ẩm đổi màu.
→ Đáp án C
Xem thêm cách nhận biết các chất hóa học nhanh, chi tiết khác:
Cách nhận biết khí hiđro clorua (HCl)
Cách nhận biết khí metylamin, etylamin, đimetylamin, trimetylamin