Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Cánh diều Tuần 28

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Cánh diều Tuần 28 có lời giải chi tiết. Tài liệu giống như đề kiểm tra cuối tuần, gồm có các bài tập từ cơ bản đến nâng cao, giúp các em ôn luyện củng cố kiến thức đã học trong tuần qua.

Chỉ 300k mua trọn bộ Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Cánh diều cả năm bản word có lời giải chi tiết 

B1: Gửi phí vào tài khoản 0711000255837 - NGUYEN THANH TUYEN - Ngân hàng Vietcombank (QR)

B2: Nhắn tin tới zalo Vietjack Official - nhấn vào đây.

Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Cánh diều Tuần 28

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 28 (Đề 1)

Thời gian: 45 phút

A- Kiểm tra đọc

I- Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi (5 điểm)

   Đọc một trong số các đoạn trích dưới đây trong bài Tập đọc đã học (SGK) và trả lời câu hỏi (TLCH); sau đó tự đánh giá, cho điểm theo hướng dẫn ở phần II (Giải đáp – Gợi ý)

(1) Trống đồng Đông Sơn (từ Niềm tự hào đến có gạc)

TLCH: Trống đồng Đông Sơn đa dạng như thế nào?

(2) Sầu riêng (từ Sầu riêng đến kì lạ)

TLCH: Hương vị của sầu riêng được miêu tả quyến rũ như thế nào?

(3) Hoa học trò (từ Nhưng hoa càng đỏ đến bất ngờ dữ vậy)

TLCH: Vẻ đẹp của hoa phượng có gì đặc biệt?

(4) Đoàn thuyền đánh cá (3 khổ thơ cuối)

TLCH: Em thích hình ảnh nào trong 3 khổ thơ trên? Vì sao?

(5) Con sẻ (từ Con chó chậm rãi đến khản đặc)

TLCH: Hình ảnh con sẻ mẹ dũng cảm lao xuống cứu con được miêu tả như thế nào?

II- Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm)

Cậu bé nạo ống khói

   Trước cổng trường, một cậu bé nạo ống khói đang đứng, tay tựa vào tường, đầu gục vào tay. Người cậu đen ngòm những bồ hóng và cậu khóc nức nở.

   Có hai, ba nữ sinh đi qua. Họ lại gần hỏi tại sao cậu khóc như vậy. Nhưng cậu bé nạo ống khói không trả lời và cứ khóc mãi. Các bạn nữ sinh lại hỏi;

- Kìa nói đi, bạn làm sao vậy? Tại sao lại khóc?

   Cậu bé bỏ tay xuống, để lộ khuôn mặt trông rất hiền hậu. Cậu bé kể lại việc cậu vừa đi nạo ống khói kiếm được ba hào nhưng chẳng may vô ý bỏ tiền vào cái túi quần bị thủng nên rơi mất. Bây giờ cậu không dám về nhà vì sợ chủ đánh. Nói rồi cậu càng khóc thảm thiết hơn, đầu gục vào cánh tay như một kẻ tuyệt vọng.

   Một nữ sinh đội cái mũ có cắm chiếc lông chim xanh lấy hai đồng xu trong túi ra và nói:

- Mình chỉ có hai xu, nhưng chúng ta góp nhau lại.

   Một bạn khác cũng nói: “Mình cũng có hai xu đây. Thế nào tất cả chúng ta cũng kiếm đủ ba hào !”. Một vài cô nữ sinh mang tiền đi mua vở và mua hoa liền vội vàng đem tiền đến….

   Số tiền ba hào đã đủ nhưng xu vẫn tiếp tục đổ ra như mưa. Những em bé không có tiền cũng đem cho những chùm hoa nhỏ, gọi là cũng góp phần mình.

   Bác gác cổng chạy tới, nói to: “Bà hiệu trưởng đến”. Tức thì các học sinh bỏ chạy tứ tung như một đàn chim sẻ. Cậu bé nạo ống khói còn lại một mình trên đường phố lau nước mắt. Không những hai tay cậu đầy cả xu mà trong túi áo và cả mũ của cậu có không biết bao nhiêu là chùm hoa nho nhỏ.

(Theo A-mi-xi)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng và làm bài tập (câu 8)

Câu 1. Dòng nào dưới đây gồm các chi tiết tả ngoại hình cậu bé nạo ống khói?

a- Người cậu đen ngòm những bồ hóng; khuôn mặt trông rất hiền hậu

b- Đang đứng, tay tựa vào tường, đầu gục vào tay; khóc nức nở mãi

c- Khuôn mặt trông rất hiền hậu; khóc thảm thiết, như kẻ tuyệt vọng

Câu 2. Chuyện gì xảy ra với cậu bé nạo ống khói?

a- Đi nạo ống khói và bị lạc, không tìm được đường về nhà

b- Đánh rơi mất tiền, sợ về nhà bị chủ đánh, khóc thảm thiết

c- Không kiếm được tiền vì không có ai thuê nạo ống khói

Câu 3. Các bạn nữ sinh đã làm những gì để giúp đỡ cậu bé?

a- Hỏi cậu vì sao lại đứng khóc; an ủi cậu, khuên cậu đừng sợ

b- Quyên góp tiền để giúp cậu; đem cho cậu những chùm hoa nhỏ

c- Hỏi cậu vì sao lại đứng khóc; cho cậu những chùm hoa nhỏ

Câu 4. Câu chuyện kết thúc như thế nào?

a- Các nữ sinh ném cho cậu bé một ít tiền rồi vội vàng chạy đi

b- Cậu bé mỉm cười vui sướng; hai tay đầy xu, túi áo và mũ có nhiều hoa

c- Cậu bé lau nước mắt, hai tay cậu đầy xu, túi áo và mũ có nhiều chùm hoa.

Câu 5. Câu thành ngữ, tục ngữ nào dưới đây nêu đúng ý nghĩa của câu chuyện?

a- Chung lưng đấu cật

b- Nhường cơm sẻ áo

c- Một miếng khi đói bằng một gói khi no

Câu 6. Câu “Bây giờ cậu không dám về nhà vì sợ chủ đánh.” thuộc kiểu câu nào em đã học?

a- Ai làm gì?

b- Ai thế nào?

c- Ai là gì?

Câu 7. Dòng nào dưới đây nêu đúng chủ ngữ của câu “Một nữ sinh đội cái mũ có cắm chiếc lông chim xanh lấy hai đồng xu trong túi ra và nói”?

a- Một nữ sinh

b- Một nữ sinh đội cái mũ

c- Một nữ sinh đội cái mũ có cắm chiếc lông chim xanh

Câu 8. Gạch dưới 3 tính từ trong dãy từ sau: khóc, hiền hậu, thảm thiết, tuyệt vọng, vội vàng, nho nhỏ, thổi, nhô

B- Kiểm tra viết

I- Chính tả nghe- viết (5 điểm)

Vườn cải

   Bốn luống cải chạy đều một hàng. Màu xanh tươi tắn giãi lên trên màu đất vàng sẫm. Có luống vừa bén chân, mới trổ được đôi ba tờ lá bé. Những mảnh lá xanh rờn có khía răng cưa chu vi, khum xuống sát đất. Cũng có luống những tàu lá cải đã vổng cao, khía lá rách mạnh vào chiều sâu. Ở giữa chòm lá xòe, vươn lên một cái thân dài mụ mẫm và phấn trắng. Đầu thân lơ thơ những chùm hoa nhỏ.

(Theo Tô Hoài)

II- Tập làm văn (5 điểm)

Tả một cây hoa mà em yêu thích

(Chú ý: HS viết bài tập làm văn vào giấy ô li)

Đáp án

A- Đọc  (10 điểm)

I- Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi  (5 điểm)

 - Đọc đúng tiếng, đúng từ: 1 điểm (đọc sai từ 2 đến 4 tiếng:0,5 điểm , đọc sai quá 5 tiếng: 0 điểm)

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu và các cụm từ cho rõ nghĩa: 1 điểm (ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 đến 3 chỗ: 0,5 điểm; ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên: 0 điểm)

- Bước đầu thể hiện cảm xúc trong giọng đọc: 1 điểm (giọng đọc chưa thể hiện rõ cảm xúc: 0,5 điểm; giọng đọc không thể hiện  đúng cảm xúc: 0 điểm)

- Tốc độ đọc đạt yêu cầu (khoảng 1 phút): 1 điểm (đọc khoảng 2 phút: 0,5 điểm; đọc trên 2,5 phút: 0 điểm)

- Trả lời đúng ý câu hỏi: 1 điểm (trả lời chưa đủ hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 điểm , trả lời sai hoặc không trả lời được: 0 điểm)

VD: (1) Trống đồng Đông Sơn rất đa dạng cả về hình dáng,kích thước lẫn phong  cách trang trí, sắp xếp hoa văn.

(2) Hương vị của sầu riêng được miêu tả rất quyến rũ: mùi thơm đậm, bay xa, lâu tan trong không khí; xa hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng đã ngửi thấy mùi hương ngào ngạt; thơm mùi thơm của mít chín quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà ngọt cái vị của mật ong già hạn, vị ngọt đến đam mê.

(3) Vẻ đẹp của hoa phượng rất đặc biệt: hoa phượng gợi cảm giác vừa buồn lại vừa vui; buồn vì báo hiệu sắp kết thúc năm học, sắp xa mái trường, vui vì báo hiệu được nghỉ hè. Hoa phượng nở nhanh đến bất ngờ, màu phượng mạnh mẽ làm khắp thành phố rực lên như nhà nhà dán câu đối đỏ.

(4) VD: Thích hình ảnh “Ta hát bài ca gọi cá vào / Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao” vì nó cho thấy cảnh đánh cá trong đêm trăng rất đẹp và vui

Thích hình ảnh “Câu hát căng buồm cùng gió khơi / Đoàn thuyền chạy đua với mặt trời” vì nó cho thấy con thuyền đi trên biển rất đẹp và mạnh mẽ.

(5) Con sẻ già lao xuống như một hòn đá rơi trước mõm con chó, lông dựng ngược, miệng rít lên tuyệt vọng và thảm thiết, nhảy hai ba bước về phía cái mõm há rộng đầy răng của con chó, lao xuống cứu con,lấy thân mình phủ kín sẻ con.

II- Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm)

1.a (0,5 điểm)

2.b (0,5 điểm)

3.b (0,5 điểm)

4.c (0,5 điểm)

5.b (0,5 điểm)

6.b (0,5 điểm)

7.c (0,5 điểm)

hiền hậu, thảm thiết, nho nhỏ (1,5 điểm – gạch đúng mỗi từ, được 0,5 điểm)

B- Viết (10 điểm)

I- Chính tả nghe – viết (5 phút – 16 phút)

- Em nhờ bạn (hoặc người thân) đọc để viết bài chính tả

- Cách đánh giá, cho điểm như đã hướng dẫn ở bài kiểm tra học kì I

II- Tập làm văn (5điểm, thời gian làm bài khoảng 35 phút)

Cách đánh giá, cho điểm như đã hướng dẫn ở bài kiểm tra học kì I

Tham khảo: Bạn thích nhất cây hoa nào? Nếu hỏi, chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau. Cây hoa cúc màu vàng tươi rực rỡ, cây hoa huệ trắng muốt tinh khiết, giò phong lan tim tím nhớ thương… Còn với em, cây hoa hồng nhung trồng trước hiên nhà là cây hoa em yêu thích nhất.

    Mới ngày nào, chỉ là những nụ hồng e ấp, nhỏ xíu, thế mà hôm nay thật là bất ngờ: những bông hồng đã nở ! Những bông hoa như những nàng công chúa xinh đẹp, kiểu diễm. Chúng quả không hổ danh là nữ hoàng của các loài hoa. Các cô nàng khoác lên mình những chiếc áo choàng màu đỏ thắm, một màu đò thật sang trọng, kiêu sa. Vào mỗi buổi sáng, chiếc áo của các cô còn được điểm xuyết bằng những hạt sương như những viên kim cương lấp lánh trong nắng sớm. Chiếc áo hô hồng được tạo nên bởi lớp lớp cánh hoa ôm ấp lấy nhau. Cánh hoa thật mịn màng, mượt mà như tơ lụa đỏ thắm, tạo nên bông hồng duyên dáng. Nhị hoa màu vàng làm nổi bật vẻ sang trọng của hồng nhung. Đầu nhị có đôi chút phấn trắng như hạt cát vàng nhấp nhánh.

   Mỗi khi đi học về, em thường đến bên hoa. Em nhắm mắt lại, thả mình theo những cánh hoa và có cảm giác thật là khoan khoái.

(Theo Nguyễn Minh Anh)

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 28 (Đề 2)

Thời gian: 45 phút

Đề bài:

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

- Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.

- Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Câu chuyện về mùa đông và chiếc áo khoác

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 28 (5 phiếu) | Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt 4 có đáp án

Mùa đông đã tới, những cơn gió rét buốt rít ngoài cửa sổ. Ngoài đường, ai cũng bước vội vàng để tránh cái lạnh đang làm cứng đờ đôi bàn tay. Những khuôn mặt vui tươi, hớn hở biến đi đâu mất, thay vào đó là tái đi vì lạnh. Mùa rét năm nay, mẹ mua cho An một chiếc áo khoác mới, vì áo cũ của cậu đa phần đã bị rách do sự hiếu động của An. Khi nhận chiếc áo từ mẹ, An vùng vằng vì kiểu dáng và màu sắc của chiếc áo không đúng ý thích của cậu. Về phòng, cậu ném chiếc áo xuống đất, cả ngày lầm lì không nói gì.

Chiều tối hôm đó, bố rủ An ra phố. Mặc dù trời đang rất lạnh nhưng An háo hức đi ngay. Sau khi mua đồ xong, bố chở An ra khu chợ, nơi các gian hàng bắt đầu thu dọn. Bố chỉ cho An thấy những cậu bé không có nhà cửa, không có người thân, trên người chỉ có một tấm áo mỏng manh đang co ro, tím tái. Trong khi mọi người đều về nhà quây quần bên bữa tối ngon lành, bên ánh đèn ấm áp thì các cậu vẫn phải lang thang ở ngõ chợ, nhặt nhạnh những thứ người ta đã bỏ đi.

Bất giác, An cảm thấy hối hận vô cùng. An nhớ lại ánh mắt buồn của mẹ khi cậu ném chiếc áo khoác xuống đất. Bố chỉ nhẹ nhàng: “Con có hiểu không? Cuộc đời này còn nhiều người thiệt thòi lắm. Hãy biết trân trọng thứ mà mình đang có.”

Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:

- Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời em chọn.

- Viết ý kiến của em vào chỗ trống.

Câu 1. Vì sao An không thích chiếc áo mới mà mẹ mua cho? (0,5 điểm)

a. Vì chiếc áo quá rộng so với cơ thể của cậu.

b. Vì mẹ tự đi mua áo mà không hỏi cậu trước.

c. Vì chiếc áo bị may lỗi ở phần cánh tay.

d. Vì cậu không thích kiểu dáng và màu sắc của chiếc áo.

Câu 2. An có thái độ và hành động như thế nào khi nhận chiếc áo mới? (0,5 điểm)

a. Cậu ném chiếc áo xuống đất, cả ngày lầm lì không nói.

b. Cậu bảo mẹ mang trả lại chiếc áo cho cửa hàng.

c. Cậu không nhận chiếc áo cũng không nói gì với mẹ.

d. Cậu không chịu mặc chiếc áo mới mẹ mua cho.

Câu 3. Vì sao bố muốn An cùng đi ra phố? (0,5 điểm)

a. Bố muốn An hiểu được giá trị của đồng tiền và việc lao động.

b. Bố muốn đưa An đi mua một chiếc áo khác đúng với sở thích của cậu.

c. Bố muốn An chứng kiến cảnh nhiều bạn nhỏ còn không có áo để mặc.

d. Bố muốn An quên đi chuyện chiếc áo để tập trung học tập.

Câu 4. Ba ý nào sau đây nêu đúng lí do An cảm thấy hối hận với hành động của mình? (0,5 điểm)

a. Vì An thấy mình hạnh phúc hơn nhiều bạn nhỏ khác.

b. Vì An cảm động trước câu nói của bố.

c. Vì An cảm thấy mình có lỗi với mẹ.

d. Vì An sợ bố mẹ sẽ giận và không mua áo mới cho mình nữa.

Câu 5. Câu chuyện có ý nghĩa gì? (1,0 điểm)

Câu 6. Nếu là An, em sẽ nói với bố mẹ điều gì? (1,0 điểm)

Câu 7. Dòng nào tách đúng bộ phận chủ ngữ và bộ phận vị ngữ của câu? (0,5 điểm)

a. Những cơn gió //rét buốt rít liên hồi ở ngoài cửa sổ.

b. Những cơn gió rét buốt// rít liên hồi ở ngoài cửa sổ.

c. Những cơn gió rét buốt rít //liên hồi ở ngoài cửa sổ.

d. Những cơn gió rét buốt rít liên hồi //ở ngoài cửa sổ.

Câu 8. Dấu gạch ngang trong câu văn dưới đây có tác dụng gì? (0,5 điểm)

Bố nói với An:

- Hãy biết trân trọng những thứ mà mình đang có, con nhé!

a. Đánh dấu phần chú thích.

b. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.

c. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.

d. Đánh dấu từ ngữ được dùng với nghĩa đặc biệt.

Câu 9. Em hãy chuyển câu hỏi “Con có biết rằng cuộc đời này còn nhiều người thiệt thòi lắm không?” thành một câu khiến. (1,0 điểm)

Câu 10. Đặt 1 câu tả cơn gió lạnh mùa đông có sử dụng so sánh hoặc nhân hóa. (1,0 điểm)

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)

Trong hiệu cắt tóc

Hiệu cắt tóc rất đông khách. Mọi người đều phải chờ theo thứ tự. Cửa phòng lại mở, một người nữa tiến vào. Tất cả mọi người đều đứng dậy chào: “Kính chào đồng chí Lê-nin”. Lê-nin chào mọi người và hỏi:“Tôi phải xếp sau đồng chí nào nhỉ?”. Không ai muốn vị đứng đầu chính phủ phải mất thời gian chờ đợi nên tất cả cùng nói: “Xin mời đồng chí cứ cắt tóc trước ạ!”. Song Lê-nin vui vẻ nói: “Cảm ơn các đồng chí, tôi cũng phải theo thứ tự chứ!”. Nói xong, ông kéo ghế ngồi và lấy tờ báo ra xem.

(Theo Hồ Lãng)

II. Tập làm văn (8 điểm) Chọn một trong hai đề sau:

Câu 1. Hãy tả lại một bộ phận (lá, hoa hoặc quả) của một loài cây mà em yêu thích.

Câu 2*. Hãy đóng vai một loại trái cây để tự giới thiệu về mình và những lợi ích mình đem lại cho mọi người.

Đáp án

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Câu 1. Chọn câu trả lời d: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác d: 0 điểm

Câu 2. Chọn câu trả lời a: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác a: 0 điểm

Câu 3. Chọn câu trả lời c: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác c: 0 điểm

Câu 4. Chọn cả 3 câu trả lời a, b, c: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác: 0 điểm

Câu 5. Gợi ý:

Chúng ta hãy trân trọng những gì mình đang có vì xung quanh còn nhiều người thiệt thòi hơn.

Câu 6. Gợi ý:

Con xin lỗi bố mẹ. Con đã có thái độ không đúng khiến bố mẹ buồn.

Câu 7. Chọn câu trả lời b: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác b: 0 điểm

Câu 8. Chọn câu trả lời b: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác b: 0 điểm

Câu 9.

- Chuyển được câu hỏi thành câu khiến: 1,0 điểm

Ví dụ: Con cần/nên biết rằng cuộc đời này còn nhiều người thiệt thòi lắm .

- Không viết được câu khiến: 0 điểm

Câu 10.

- Đặt được câu theo yêu cầu: 1,0 điểm

Ví dụ:

- Những cơn gió mùa đông đang gào lên giận dữ ngoài cửa sổ.

- Những con gió mùa đông như những chiếc roi quất vào da thịt.

- Đặt được câu có so sánh hoặc nhân hóa nhưng sử dụng từ ngữ chưa thích hợp: 0,5 điểm; không đặt được câu theo yêu cầu: 0 điểm.

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)

III. Tập làm văn (8 điểm)

Câu 1.

Tham khảo:

Có một loại cây mà khi nhắc đến nó người ta lại nhớ đến kỷ niệm đẹp của tuổi học trò, đó là cây phượng. Lá phượng giống lá me, mỏng, màu xanh thẫm mọc song song hai bên cuống trông xa như đuôi con chim phượng, chắc vì thế mà cây có tên là Phượng. Mùa xuân phượng ra lá, lá xanh um mát rợi như lá me non. Lá ban đầu khép lại sau lại xòe ra cho gió đu đưa. Mùa hè lá phượng bắt đầu già màu, lá chuyển màu xanh thẫm để rồi sau đó bắt đầu cho một thời kỳ mới – thời kỳ ra hoa. Ban đầu chỉ lấm tấm vài bông nhưng sau đó là cả một sân trường. Mùa đông phượng trút hết lá để lại những cành khẳng khiu, trơ trụi. Thật may mắn khi tạo hóa đã tạo ra cho chúng ta một loại cây có lá và hoa thật đẹp - loài hoa học trò.

(Châu Hoàng Thúc, lớp 4G, trường Tiểu học Ngô Mây)

Câu 2.

Tham khảo:

Mỗi loại trái cây đều có những đặc điểm về màu sắc, hình dáng, hương vị và mang lại lợi ích riêng cho mọi người. Họ bưởi nhà tôi cũng vậy. Cơ thể tôi tròn, căng mọng từ nhỏ và lớn dần cùng thời gian. Theo đó, tôi cũng thay những bộ trang phục cho phù hợp, từ xanh đậm, đến xanh nhạt, rồi vàng ươm. Tuổi thơ tôi chẳng xa lạ gì với các bạn nhỏ chơi chuyền, chơi bóng. Nhưng tôi không thích như thế. Tôi muốn đem những vị ngon ngọt, mát lành nhất đến cho mọi người. Tôi trở thành món quả bổ dưỡng, thức quà ngon sạch cho các vị khách. Và tôi không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết.

Xem thêm lời giải bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 27

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 28

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 29

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 30

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 31

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 32

Đánh giá

0

0 đánh giá