Hành vi, việc làm của chủ thể trong các tình huống dưới đây là thực hiện đúng hay vi phạm pháp luật lao động? Vì sao

230

Với giải Luyện tập 2 trang 69 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11 Kết nối tri thức chi tiết trong Bài 9: Một số quy định của pháp luật lao động về tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề KTPL 11. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề KTPL 11 Bài 9: Một số quy định của pháp luật lao động về tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động

Luyện tập 2 trang 69 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Hành vi, việc làm của chủ thể trong các tình huống dưới đây là thực hiện đúng hay vi phạm pháp luật lao động? Vì sao?

- Tình huống a. Do không đồng ý với mức lương, phụ cấp và thời gian lao động theo quy định của doanh nghiệp, hàng ngàn công nhân của Doanh nghiệp K đã đình công để yêu cầu doanh nghiệp tăng lương, tăng phụ cấp, giảm giờ làm cho người lao động. Sau một tuần đình công, hàng ngàn công nhân của Công ty K trở lại nhà máy làm việc sau khi công ty đồng ý tăng lương cơ bản, phụ cấp thâm niên và đáp ứng một số kiến nghị khác của người lao động.

- Tình huống b. Ông Q là nhân viên bảo vệ của Công ty B. Khi ông đủ tuổi nghỉ hưu thì công ty đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông vi lí do ông đã hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Ông Q cho rằng việc Công ty B chấm dứt hợp đồng lao động với ông là trái với pháp luật lao động vì ông chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, vi thế, ông đã gửi đơn khởi kiện tới cơ quan Toà án có thẩm quyền yêu cầu Công ty B phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trong thời gian ông không được làm việc vì ông đã đề nghị công ty cho tiếp tục làm việc. Khi giải quyết vụ tranh chấp này, Toà án đã tuyên bố việc chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty B là đúng pháp luật và công ty không phải trả những khoản tiền mà ông Q yêu cầu.

Lời giải:

* Tình huống a) Hành động đình công của công nhân doanh nghiệp K là vi phạm quy định của pháp luật lao động. Vì:

- Theo điều 198 Bộ Luật Lao động năm 2019: Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo.

- Điều 199 Bộ Luật Lao động năm 2019 cũng nêu rõ các trường hợp người lao động có quyền đình công là:

+ Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải.

+ Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

- Áp dụng vào tình huống a:

+ Các công nhân của doanh nghiệp K đã tự ý đình công để phản đối quyết định về mức lương, phụ cấp, thời gian lao động của doanh nghiệp (đây là hành động tự phát, không có sự lãnh đạo, tổ chức của Công đoàn cơ sở).

+ Công nhân của doanh nghiệp K tự tổ chức đình công khi chưa tiến hành hòa giải tranh chấp lao động.

* Tình huống b) Những yêu cầu của ông Q đối với công ty B là trái với quy định của pháp luật lao động. Vì:

- Theo khoản đ) Điều 36 Bộ Luật Lao động năm 2019: người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu.

- Theo quy định của pháp luật hiện hành, để được hưởng lương hưu, người lao động phải có ít nhất 20 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp ông Q chưa đủ thời gian 20 năm đóng bảo hiểm, ông Q có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ 20 năm. Công ty B không có nghĩa vụ phải trả tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông.

Đánh giá

0

0 đánh giá