Giải Chuyên đề KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 7: Khái niệm, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động | Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11

3.2 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 7: Khái niệm, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề học tập KTPL 11. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề KTPL 11 Bài 7: Khái niệm, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động

Mở đầu trang 48 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Giả sử em được tuyển dụng làm nhân viên bán hàng ở một cửa hàng tạp hóa trong thời gian rảnh rỗi với mức lương 30.000 đồng/giờ.

Trong trường hợp trên, quan hệ giữa em và cửa hàng tạp hóa có phải là quan hệ lao động không? Vì sao?

Lời giải:

- Quan hệ giữa em và cửa hàng tạp hóa là quan hệ lao động. Vì: quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động.

- Trong trường hợp của em:

+ Chủ cửa hàng tạp hóa là người sử dụng lao động.

+ Bản thân em là người lao động.

+ Mức lương em được trả là: 30.000 đồng/ giờ làm việc.

1. Khái niệm pháp luật lao động

Câu hỏi 1 trang 49 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Giữa anh B và Công ty K phát sinh loại quan hệ xã hội nào?

Thông tin 2. Anh B (25 tuổi) kí kết hợp đồng lao động với Công ty K, mức lương khởi điểm là 5 triệu đồng/ tháng và anh phải thực hiện đầy đủ các quy định của công ty.

Khi làm việc ở công ty, với mong muốn có thể nhận được sự hỗ trợ tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình tại công ty, anh B xin gia nhập tổ chức Công đoàn cơ sở, là tổ chức đại diện của người lao động tại công ty.

Lời giải:

- Giữa anh B và công ty K phát sinh quan hệ lao động. Trong đó:

+ Công ty K là người sử dụng lao động.

+ Anh B là người lao động.

+ Công ty K thuê anh B làm việc với mức lương khởi điểm là 5 triệu đồng/ tháng.

Câu hỏi 2 trang 49 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Giữa chị H và Cửa hàng may đo X phát sinh loại quan hệ xã hội nào?

Thông tin 3.Chị H đến Cửa hàng may đo X đặt may một bộ áo dài với giá 800.000 đồng, thời gian may là 10 ngày. Sau 10 ngày, chị đến cửa hàng lấy quần áo và trả tiền cho người may.

Lời giải:

- Giữa chị H và Cửa hàng may đo X phát sinh loại quan hệ lao động. Trong đó:

+ Chị H là người sử dụng lao động.

+ Cửa hàng may đo X là người lao động.

+ Chị H thuê cửa hàng may đo X với chi phí (mức lương) là 800.000 đồng/ sản phẩm.

Câu hỏi 3 trang 49 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Quan hệ giữa anh B với Công ty K và giữa chị H với Cửa hàng X khác nhau ở điểm nào?

Lời giải:

- Điểm khác nhau:

 

Thông tin 2

Thông tin 3

Người sử dụng lao động

- Tập thể đại diện người sử dụng lao động (công ty K)

- 1 cá nhân (chị H)

Người lao động

- 1 cá nhân (anh B)

- 1 tập thể (cửa hàng may đo X)

Cách trả lương

- Trả lương theo tháng.

- Trả lương theo sản phẩm

Câu hỏi 4 trang 49 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Mối quan hệ giữa tổ chức Công đoàn mà anh A gia nhập và Công ty K là loại quan hệ gì?

Thông tin 4. Chị A là công nhân may của Công ty X. Trong một ca làm việc, do mệt mỏi và sơ ý nên chị đã cắt may hỏng 20 chiếc áo của công ty.

Lời giải:

- Mối quan hệ giữa giữa tổ chức Công đoàn mà anh A gia nhập và Công ty K là quan hệ lao động tập thể, giữa: đại diện người lao động (công đoàn) với đại diện người sử dụng lao động (công ty K).

Câu hỏi 5 trang 49 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Chị A có phải bồi thường thiệt hại cho Công ty X? Vì sao?

Lời giải:

- Chị A phải bồi thường thiệt hại cho công ty X. Vì:

+ Việc cắt may hỏng 20 chiếc áo là hoàn toàn do lỗi từ phía của chị A, và lỗi này đã gây nên thiệt hại cho công ty X.

+ Việc bồi thường thiệt hại đã được quy định trong pháp luật lao động.

2. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động

Câu hỏi 1 trang 51 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Các thông tin, trường hợp trên thể hiện sự tự do việc làm và tuyển dụng lao động như thế nào?

Các thông tin, trường hợp trên thể hiện sự tự do việc làm và tuyển dụng lao động

Lời giải:

- Người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp.

- Người dử dụng lao động có quyền tự do tuyển dụng, bố trí, quản lí, điều hành và giám sát lao động.

Câu hỏi 2 trang 51 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Ở trường hợp 6, việc quy định thu tiền phí dự tuyển trong thông báo tuyển dụng của Siêu thị E có vi phạm pháp luật lao động không? Siêu thị E có thể phải chịu hậu quả gì vì quy định này? Vì sao?

Thông tin 6. Siêu thị E thông báo tuyển dụng nhân viên bán hàng. Trong thông báo tuyển dụng của Siêu thị ghi rõ: người tham gia dự tuyển phải nộp 1.000.000 đồng phí dự tuyển.

Lời giải:

- Việc quy định thu tiền phí dự tuyển trong thông báo tuyển dụng của Siêu thị E là vi phạm pháp luật lao động. Vì: theo quy định tại Khoản 2 điều 11 Bộ Luật Lao động năm 2019: người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.

- Siêu thị E có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng vì:

+ Việc thu phí tuyển dụng lao động là hành vi trái pháp luật;

+ Việc xử phạt hành vi này đã được quy định tại Điều 8 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng .

Câu hỏi 3 trang 51 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hiểu thế nào là nguyên tắc tự do việc làm và tuyển dụng lao động? Nêu ví dụ minh hoạ.

Lời giải:

- Tự do làm việc và tuyển dụng lao động là nguyên tắc được áp dụng đối với mọi công dân khi tham gia thị trường lao động.

+ Với tư cách là người lao động: công dân được đảm bảo quyền quyết định lựa chọn đối tác trong quan hệ lao động, tự do lựa chọn địa điểm làm việc, xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ lao động,... nếu không vi phạm những điều pháp luật cấm.

+ Với tư cách là người sử dụng lao động: công dân được đảm bảo quyền quyết định về thời điểm, cách thức tổ chức, số lượng, chất lượng tuyển dụng lao động, có quyền sắp xếp, bố trí, sử dụng lao động, chấm dứt quan hệ lao động.... theo nhu cầu của đơn vị và không trái quy định của pháp luật.

- Ví dụ minh họa:

+ Ví dụ 1: Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh C vào làm việc tại công ty X với vị trí nhân viên kinh doanh. Sau một thời gian, anh chuyển sang làm việc tại công ty Y vì nhận được mức đãi ngộ cao hơn và có nhiều cơ hội để phát triển bản thân hơn.

+ Ví dụ 2: Do nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nên doanh nghiệp may mặc T đã gửi thông báo tuyển dụng đến các địa phương trên toàn thành phố H để tuyển dụng thêm lao động.

Câu hỏi trang 51 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, vì sao pháp luật phải quy định quyền của người lao động? Việc chị M làm đơn xin phép doanh nghiệp cho nghỉ không hưởng lương trong ba tháng tiếp theo và được doanh nghiệp chấp thuận có phù hợp với nguyên tắc bảo vệ người lao động không? Vì sao?

Theo em, vì sao pháp luật phải quy định quyền của người lao động?

Lời giải:

- Pháp luật quy định quyền của người lao động nhằm: tạo cơ sở pháp lý để người lao động có thể đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia vào quan hệ lao động.

- Việc chị M làm đơn xin phép doanh nghiệp cho nghỉ không hưởng lương trong ba tháng tiếp theo và được doanh nghiệp chấp thuận là phù hợp với nguyên tắc bảo vệ người lao động. Vì: theo quy định tại khoản 3 điều 139 Bộ Luật Lao động năm 2019: hết thời gian nghỉ thai sản (6 tháng), nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Câu hỏi 1 trang 52 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, vì sao pháp luật quy định người lao động khi gây ra thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động thì phải bồi thường?

Lời giải:

Pháp luật quy định người lao động khi gây ra thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động thì phải bồi thường nhằm:

+ Tạo cơ sở pháp lý để người sử dụng lao động có thể đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia vào quan hệ lao động.

+ Quản lí lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm của người lao động khi tham gia vào quan hệ lao động.

Câu hỏi 2 trang 52 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Việc Công ty B sa thải anh H nhằm mục đích gì?

Thông tin 2. Anh H là lái xe của Công ty vận tải B. Trong một lần đi công tác, do chạy quá tốc độ cho phép nên anh đã bị Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính. Khi xử lí vụ vi phạm hành chính, Cảnh sát giao thông phát hiện ra anh H đã sử dụng ma tuý trong khi lái xe. Sau vụ việc này, Công ty B đã sa thải anh H.

Lời giải:

- Do anh H đã sử dụng ma túy trong quá trình làm việc nên công ty B đã áp dụng hình thức xử lí kỉ luật sa thải đối với anh H. => Như vậy, việc Công ty B sa thải anh H nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động (khoản 2 điều 125 Bộ Luật Lao động năm 2019).

Câu hỏi 3 trang 52 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, việc không trang bị đủ đồ bảo hộ cần thiết cho công nhân của Công ty M đã vi phạm nguyên tắc nào của pháp luật lao động? Công ty M có phải bồi thường thiệt hại cho anh N không? Vì sao?

Thông tin 3. Anh N là công nhân xây dựng của Công ty M. Do công ty không trang bị đủ đồ bảo hộ cần thiết cho công nhân nên trong một ca làm việc anh đã bị ngã từ trên giàn giáo xuống và bị thương nặng.

Lời giải:

- Việc không trang bị đủ đồ bảo hộ cần thiết cho công nhân của Công ty M đã vi phạm nguyên tắc bảo vệ người lao động của pháp luật lao động.

- Công ty M có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh N, vì:

+ Việc không trang bị đủ đồ bảo hộ cần thiết cho công nhân; không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động là lỗi của công ty M.

+ Việc người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động khi người sử dụng lao động vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động đã được quy định trong Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 53 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy cho biết các ý kiến sau đúng hay sai. Vì sao?

a. Người sử dụng lao động thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật lao động là có thể bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh lao động.

b. Việc tìm kiếm và bảo vệ việc làm cho người lao động hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của người lao động.

c. Pháp luật lao động Việt Nam hưởng tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

Lời giải:

- Ý kiến a) Sai. Vì: việc đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động cần phải có sự chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật lao động của cả người lao động và người sử dụng lao động.

- Ý kiến b) Sai. Vì: nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để đảm bảo quyền tự do và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

- Ý kiến c) Đúng. Vì: bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động là những nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động.

Luyện tập 2 trang 53 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, hành vi, việc làm của các chủ thể trong những tình huống dưới đây là tuân thủ hay vi phạm nguyên tắc của pháp luật lao động? Vì sao?

- Tình huống a. Công ty Q nợ lương hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường 4 tháng mặc dù các công nhân này đã nhiều lần cử đại diện và có đơn đề nghị công ty thanh toán nhưng đều không được đáp ứng. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao cho các cơ quan chức năng xử lí, buộc Công ty Q phải nhanh chóng thanh toán đầy đủ số tiền lương còn nợ cho công nhân.

- Tình huống b. Công ty X đã kí với ông V một hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Sau khi làm việc được 4 năm thi ông V nhận được một văn bản của Công ty X thông báo chấm dứt hợp đồng lao đồng với ông mà không nêu rõ lí do. Không đồng ý với quyết định trên, ông V nhiều lần khiếu nại yêu cầu công ty giải thích nhưng không nhận được phản hồi nên ông quyết định khởi kiện công ty ra Toà án yêu cầu bồi thường thiệt hại. Toà án có thẩm quyền đã xét xử vụ kiện và tuyên án: Do công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật nên phải bồi thường thiệt hại cho ông V 1,5 tỉ đồng.

- Tình huống c. Chị H là lao động của Doanh nghiệp N đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định phạt 700 000 đồng do không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp trong quá trình lao động.

Lời giải:

* Tình huống a)

- Hành vi nợ lương công nhân của công ty Q là vi phạm nguyên tắc của pháp luật lao động. Vì:

+ Theo quy định tại Điều 94 Bộ Luật Lao động năm 2019: người sử dụng lao động phải trả lương đầy đủ, trực tiếp, đúng hạn cho người lao động hoặc trả lương cho người được người lao động ủy quyền trong trường hợp người lao động không thể nhận trực tiếp.

+ Theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ Luật Lao động năm 2019: trong trường hợp vì lý do bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm,… mà người sử dụng lao động không thể trả lương đúng hạn dù đã tìm mọi biện pháp để khắc phục thì được chậm trả lương cho người lao động không quá 30 ngày.

=> Như vậy, căn cứ theo quy định này, pháp luật cho phép người sử dụng lao động được chậm trả lương cho người lao động nếu vì lý do bất khả kháng nhưng tối đa không quá 30 ngày. Do đó, việc công ty Q nợ lương 4 tháng chưa thanh toán cho nhân viên là vi phạm pháp luật.

- Hành vi của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng nguyên tắc bảo vệ người lao động của pháp luật lao động.

* Tình huống b)

- Hành vi của công ty X đã vi phạm nguyên tắc của pháp luật lao động. Vì:

+ Theo quy định của pháp luật: người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số trường hợp nhất định; khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động cần đưa ra lý do và báo trước cho người lao động trong một khoảng thời gian nhất định (được nêu rõ trong Điều 36 Bộ Luật Lao động năm 2019).

+ Áp dụng vào trường hợp này: công ty X đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao đồng với ông V mà không nêu rõ lí do => hành vi này vi phạm quy định của pháp luật.

- Hành vi của ông X và Toà án đã thực hiện đúng đúng nguyên tắc bảo vệ người lao động của pháp luật lao động.

* Tình huống c)

- Hành vi của chị H (không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân) đã vi phạm nguyên tắc của pháp luật lao động. Vì: theo quy định tại điểm c) khoản 2 điều 5 Bộ Luật Lao động năm 2019: người lao động có nghĩa vụ thực hiện quy định của pháp luật về an toàn lao động.

- Hành vi của doanh nghiệp N (cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động) là đúng nguyên tắc của pháp luật lao động. vì: theo quy định tại điểm d) khoản 2 điều 6 Bộ Luật Lao động năm 2019: người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện quy định của pháp luật về an toàn lao động.

- Hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ra quyết định phạt chị H 700.000 đồng) là đúng nguyên tắc bảo vệ người sử dụng lao động của pháp luật lao động.

Luyện tập 3 trang 53 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy đọc các tình huống sau và trả lời câu hỏi:

- Tình huống a. Chị Y đã kí hợp đồng lao động với Doanh nghiệp tư nhân S. Theo hợp đồng này, mức lương chị Y được hưởng vừa bằng mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định ở thời điểm hợp đồng được kí kết. Sau khi chị làm việc được 1 năm thì Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu cho người lao động cao hơn mức lương chị Y đang được nhận nhưng doanh nghiệp lại không điều chỉnh lương cho chị.

1 Theo em, việc không điều chỉnh lương cho chị Y của Doanh nghiệp tư nhân S có vi phạm nguyên tắc bảo vệ người lao động không? Vì sao?

2 Em hãy tư vấn cho chị Y cách thức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình tại doanh nghiệp.

- Tình huống b. Chị K là người lao động của Công ty C. Do thực hiện không đúng quy định pháp luật về an toàn và vệ sinh lao động nên đã bị thương trong khi làm việc và làm hỏng thiết bị của công ty. Xác định lỗi trong vụ việc này thuộc về chị C nên công ty đã ra quyết định yêu cầu chị phải bồi thường thiệt hại. Chị C không đồng ý với quyết định này và còn yêu cầu công ty phải bồi thường cho thương tật của chị.

1 Theo em, việc chị K thực hiện không đúng quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và làm hỏng thiết bị của công ty có vi phạm nguyên tắc bảo vệ người sử dụng lao động không? Vì sao?

2 Em hãy tư vấn cho Giám đốc công ty cách xử lí đối với yêu cầu của chị K?

Lời giải:

* Trả lời câu hỏi tình huống a)

- Yêu cầu số 1: việc doanh nghiệp S không điều chỉnh lương cho chị Y là vi phạm nguyên tắc bảo vệ người lao động. Vì: theo khoản 2 điều 90 Bộ Luật Lao động: mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do chính phủ quy định.

- Yêu cầu số 2: Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chị Y cần:

+ Tiến hành khiếu nại (Khiếu nại lần đầu đến doanh nghiệp về việc tiền lương được trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; khiếu nại lần 2 tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính trong trường hợp: không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của doanh nghiệp; hoặc quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà không được giải quyết).

+ Chị Y cũng có thể tiến hành nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài lao động mà không cần tiến hành việc khiếu nại hoặc trong quá trình khiếu nại (bao gồm cả lần đầu và lần hai) nếu không đồng ý với quyết định giải quyết nại hoặc quá thời hạn giải quyết khiếu nại.

* Trả lời câu hỏi tình huống b)

- Yêu cầu số 1: việc chị K thực hiện không đúng quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và làm hỏng thiết bị của công ty đã vi phạm nguyên tắc bảo vệ người sử dụng lao động. Vì:

+ Theo quy định tại điểm c) khoản 2 điều 5 Bộ Luật Lao động năm 2019: người lao động có nghĩa vụ thực hiện quy định của pháp luật về an toàn và vệ sinh lao động.

+ Điều 129 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định: Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

- Yêu cầu số 2: Giám đốc công ty K nên:

+ Yêu cầu chị K tường trình lại vụ việc bằng văn bản.

+ Tiến hành họp với chị K để phân tích: nguyên nhân dẫn đến tai nạn; lỗi sai và trách nhiệm của chị K trong vụ việc và thống nhất với chị K về mức độ, chi phí bồi thường. Trong quá trình họp, cần làm rõ, trao đổi cụ thể các quy định của pháp luật để chị K nhận thức được rõ lỗi sai và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

+ Nếu sau quá trình họp, chị K vẫn kiên quyết không chấp nhận bồi thường cho công ty, công ty có thể tiến hành khởi kiện chị K.

Vận dụng

Vận dụng trang 54 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em cùng các bạn trong nhóm sưu tầm một câu chuyện liên quan đến việc bảo vệ người lao động hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và chia sẻ với cả lớp.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động

- Ông K là chủ cơ sở sản xuất đồ gia dụng. Để sản xuất đủ số lượng theo yêu cầu của thị trường, ông đã tuyển thêm 40 nhân công trong độ tuổi từ 30 - 35 để phục vụ sản xuất và kí kết hợp đồng bằng văn bản theo đúng quy định của pháp luật.

- Sau 17 tháng, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên doanh thu giảm sút, ông K đã quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 40 công nhân nói trên, ông K thanh toán đủ lương và trả đủ tiền phụ cấp thôi việc theo quy định nhưng đại diện của những công nhân này đã viết đơn kiện ông K.

- Sau khi cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan đến thỏa thuận giữa mình với 40 công nhân, cơ quan chức năng đã kết luận ông K tuân thủ đúng quy định của pháp luật lao động.

Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 5: Một số chế định của pháp luật dân sự về hôn nhân và gia đình, thừa kế di sản

Bài 6: Một số chế định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ

Bài 7: Khái niệm, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động

Bài 8: Một số quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, tiền lương và thưởng, bảo hiểm xã hội

Bài 9: Một số quy định của pháp luật lao động về tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động

Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Chuyên đề 1: Phát triển kinh tế và sự biến đổi môi trường tự nhiên

Chuyên đề 2: Một số vấn đề về pháp luật dân sự

Chuyên đề 3: Một số vấn đề về pháp luật lao động

Đánh giá

0

0 đánh giá