Giải Chuyên đề KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 8: Một số quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, tiền lương và thưởng, bảo hiểm xã hội | Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11

1.3 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11 Bài 8: Một số quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, tiền lương và thưởng, bảo hiểm xã hội sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề học tập KTPL 11. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề KTPL 11 Bài 8: Một số quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, tiền lương và thưởng, bảo hiểm xã hội

Mở đầu trang 55 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:

Thông tin. Chị T làm nghề thợ may tại nhà. Sau khi có một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở gần nhà đi vào hoạt động, chị nộp hồ sơ đăng kí tuyển dụng làm thợ may trong doanh nghiệp đó và đã trúng tuyến. Chị và Giám đốc doanh nghiệp đã thỏa thuận kí kết hợp đồng lao động, trong đó quy định rõ mức lương mà chị được hưởng, công việc mà chị phải đảm nhiệm và một số quyền, nghĩa vụ khác của hai bên.

Em hãy cho biết những nội dung mà theo em là cần phải có trong hợp đồng lao động nói trên.

Lời giải:

- Những nội dung cần phải có trong hợp đồng lao động nói trên là:

+ Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động.

+ Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động.

+ Công việc và địa điểm làm việc.

+ Thời hạn của hợp đồng lao động.

+ Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

+ Chế độ nâng bậc, nâng lương.

+ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

+ Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

1. Một số quy định cơ bản của pháp luật về hợp đồng lao động

Câu hỏi trang 55 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, hợp đồng do chị M kí kết với Công ty S có phải là hợp đồng lao động không? Vì sao?

Theo em, hợp đồng do chị M kí kết với Công ty S có phải là hợp đồng lao động

Lời giải:

- Hợp đồng do chị M kí kết với Công ty S là hợp đồng lao động. Vì: nội dung của hợp đồng này thể hiện đầy đủ sự thỏa thuận giữa người lao động (là chị M) và người sử dụng lao động (là công ty S) về: việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Câu hỏi 1 trang 56 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, thỏa thuận làm giúp việc giữa chị H và bà C có phải là hợp đồng lao động hợp pháp không? Vì sao?

Thông tin 2. Chị H mời bà C (50 tuổi) là họ hàng xa ở quê ra làm giúp việc cho gia đình với mức lương 6.000.000 đồng/tháng nhưng hai bên chỉ thỏa thuận về mức lương, quyền và nghĩa vụ khác của mỗi bên bằng lời nói mà không bằng văn bản

Lời giải:

Thỏa thuận làm giúp việc giữa chị H và bà C không phải là hợp đồng lao động hợp pháp. Vì:

- Chị H và bà C chỉ thỏa thuận về mức lương, quyền và nghĩa vụ khác của mỗi bên bằng lời nói mà không bằng văn bản.

- Theo quy định tại điều 14 Bộ Luật Lao động năm 2019:

+ Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được chia làm 2 bản, người lao động giữ 1 bản và người sử dụng lao động giữ 1 bản;

+ Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói trong trường hợp thời hạn lao động dưới 1 tháng.

Câu hỏi 2 trang 56 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Thỏa thuận về công việc giữa ông P và Q có phải là hợp đồng lao động không? Vì sao?

Thông tin 3. Ông P là chủ xưởng sản xuất thủ công, nhận Q (17 tuổi) làm thợ phụ trong 10 ngày với tiền công là 2.000.000 đồng nhưng chỉ thỏa thuận về công việc và tiền công với nhau bằng lời nói mà không bằng văn bản.

Lời giải:

- Thỏa thuận về công việc giữa ông P và Q là hợp đồng lao động. Vì:

+ Theo quy định tại khoản 2 điều 14 Bộ Luật Lao động năm 2019: người sử dụng lao động và người lao động có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói đối với công việc có thời hạn dưới 1 tháng.

+ Áp dụng vào trường hợp này, ông P chỉ thuê Q 17 ngày, giữa ông P và Q đã thỏa thuận rõ về: công việc, địa điểm làm việc, mức lương, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Do đó, sự thỏa thuận giữa ông P và Q là hợp đồng lao động hợp pháp.

Câu hỏi trang 57 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, việc giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp trên có phù hợp với nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng của pháp luật? Vì sao?

Thông tin 2. Khi đọc được thông báo tuyển dụng lao động của Doanh nghiệp X, thấy minh có đủ điều kiện dự tuyển nên anh P đã nộp hồ sơ xin việc tại doanh nghiệp. Sau khi nhận được Giấy báo trúng tuyển, anh đã trực tiếp đến thỏa thuận và giao kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp.

Lời giải:

- Việc giao kết hợp đồng lao động giữa anh P và Doanh nghiệp X là phù hợp với nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng của pháp luật. Vì:

+ Anh P và doanh nghiệp X đã tiến hành thỏa thuận, giao kết hợp đồng lao động trên cơ sở của sự: tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.

+ Việc giao kết hợp đồng lao động giữa anh P và Doanh nghiệp X không trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

Câu hỏi trang 58 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, hợp đồng làm phụ việc giữa chị N và M có phù hợp với quy định của pháp luật về chủ thể tham gia kí kết hợp đồng lao động không? Vì sao?

Thông tin 2. Chị N là chủ xưởng may đã nhận M (14 tuổi) làm phụ việc với mức lương 2.000.000 đồng/tháng, nuôi ăn và cho ở ngay tại xưởng, hai bên giao kết hợp đồng lao động với nhau bằng văn bản.

Lời giải:

- Hợp đồng làm phụ việc giữa chị N và M chưa phù hợp với quy định của pháp luật về chủ thể tham gia kí kết hợp đồng lao động. Vì:

+ Chị N (người sử dụng lao động) mới chỉ kí kết hợp đồng với M (người lao động).

+ Theo quy định tại điểm a) khoản 1 điều 145 Bộ Luật Lao động năm 2019: khi sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động và người đại diện theo pháp luật của người đó.

Câu hỏi trang 59 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, hợp đồng lao động giữa anh T với chủ thầu xây dựng có phù hợp với quy định của pháp luật không? Vì sao?

Thông tin 2Anh T (22 tuổi) kí hợp đồng lao động với một người chủ thầu xây dựng. Trong hợp đồng này có ghi mức lương của anh là 5.000.000 đồng/tháng nhưng không có các điều khoản quy định về kì hạn, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Lời giải:

- Hợp đồng lao động giữa anh T với chủ thầu xây dựng không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì: theo quy định tại khoản 1 điều 21 Bộ Luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

+ Thông tin cơ bản của người sử dụng lao động.

+ Thông tin cơ bản của người lao động.

+ Công việc và địa điểm làm việc;

+ Thời hạn của hợp đồng lao động.

+ Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác

+ Chế độ nâng bậc, nâng lương,

+ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,

+ Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

+ Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kĩ năng nghề.

Câu hỏi 1 trang 62 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, vì sao ông A bị một số người lao động kiện ra Toà án?

Thông tin 2. Ông A (giám đốc một doanh nghiệp tư nhân) đã kí kết hợp đồng lao động với những người lao động của doanh nghiệp trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, mức lương của người lao động và thời hạn của hợp đồng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên ông A đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với một số người lao động trong doanh nghiệp mà không thông báo trước và không bồi thường thiệt hại cho họ theo quy định của pháp luật lao động. Vì thế, ông A đã bị những người này kiện ra Toà án.

Lời giải:

- Ông A bị một số người lao động kiện ra Toà án vì đã: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn mà không thông báo trước và không bồi thường thiệt hại cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 2 trang 62 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Khi đủ tuổi nghỉ hưu, bà M có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty K mà không báo trước không? Vì sao?

Thông tin 3. Bà M kí hợp đồng lao động với Công ty K loại không xác định thời hạn. Sau khi làm việc được 5 năm thì bà đủ tuổi nghỉ hưu.

Lời giải:

- Bà M có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty K mà không báo trước. Vì: theo quy định của điểm e) khoản 2 điều 35 Bộ Luật Lao động năm 2019: người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu.

2. Một số quy định cơ bản của pháp luật về tiền lương và thưởng

Câu hỏi 1 trang 63 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Đối với trường hợp 2, tiền lương của ông P là 7.000.000 đồng/tháng là đúng hay sai? Vì sao?

Thông tin 2. Ông P kí hợp đồng làm nhân viên bảo vệ cho Công ty M. Trong hợp đồng có ghi mức lương: 7.000.000 đồng/tháng, phụ cấp: theo quy định của Công ty.

Lời giải:

- Đối với trường hợp 2, tiền lương của ông P là 7.000.000 đồng/tháng là sai. Vì: theo quy định tại khoản 1 điều 90 Bộ Luật Lao động năm 2019: Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm: mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

- Áp dụng vào trường hợp 2:

+ Mức lương theo công việc của ông P là: 7.000.000 đồng.

+ Ngoài ra, ông P còn được hưởng phụ cấp (theo quy định của công ty).

=> Do đó, mức lương trên thực tế của ông P là: 7.000.000 đồng và phụ cấp.

Câu hỏi 2 trang 63 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Đối với trường hợp 3, cách thức trả lương cho người lao động của Siêu thị B có phù hợp với nguyên tắc trả lương do pháp luật lao động quy định không? Vì sao?

Thông tin 3. Anh A là nhân viên bán hàng của Siêu thị B với mức lương 6.00.000 đồng/ 1 tháng. Tuy nhiên, siêu thị này chỉ trả cho anh 90% mức lương bằng tiền mặt, còn lại 10% thì trả bằng một số loại hàng của siêu thị mà không thỏa thuận trước với anh.

Lời giải:

- Đối với trường hợp 3, cách thức trả lương của Siêu thị B không phù hợp với nguyên tắc trả lương do pháp luật lao động quy định. Vì: theo quy định tại điều 94 Bộ Luật Lao động năm 2019:

+ Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.

+ Người sử dụng lao động không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động.

- Áp dụng đối với trường hợp 3:

+ Siêu thị B chỉ chi trả cho anh A 90% mức lương bằng tiền mặt => điều này đồng nghĩa với việc siêu thị B không trả đầy đủ lương cho anh A.

+ Siêu thị B trả 10% tiền lương còn lại của anh A bằng một số mặt hàng của siêu thị mà không thỏa thuận trước với anh => điều này đồng nghĩa với việc siêu thị đang ép buộc anh A phải mua sản phẩm của mình.

Câu hỏi trang 63 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, hình thức thưởng mà Doanh nghiệp C áp dụng đối với người lao động của doanh nghiệp có phù hợp với quy định của pháp luật không? Vì sao?

Thông tin 2. Nhân dịp Tết Nguyên đán, Doanh nghiệp C đã thưởng cho người lao động của Doanh nghiệp mỗi người một tháng lương cơ bản, 10 kg gạo tẻ, 5 kg gạo nếp và một bộ quần áo.

Lời giải:

- Hình thức thưởng mà Doanh nghiệp C áp dụng đối với người lao động của doanh nghiệp là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì: theo quy định tại điều 104 Bộ Luật Lao động năm 2019:

+ Người sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng cho người lao động mà có thể căn cứ vào: kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động

+ Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc.

3. Một số quy định cơ bản của pháp luật lao động về bảo hiểm xã hội

Câu hỏi 1 trang 64 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, theo quy định của pháp luật lao động thì hằng năm Công ty N và chị M phải nộp những loại bảo hiểm nào? Vì sao?

Thông tin 2. Chị M kí hợp đồng lao động với Công ty N, mức lương 10.000.000 đồng/tháng. Chị M đã làm việc tại Công ty N được 20 năm.

Lời giải:

- Hằng năm Công ty N và chị M phải nộp những loại bảo hiểm là: bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp.

- Vì: việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động đã được nêu rõ tại khoản 1 điều 168 Bộ Luật Lao động năm 2019.

Câu hỏi 2 trang 64 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Theo em, trong trường hợp chị M nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì Công ty N có phải nộp bảo hiểm xã hội cho chị M nữa không? Vì sao?

Thông tin 2. Chị M kí hợp đồng lao động với Công ty N, mức lương 10.000.000 đồng/tháng. Chị M đã làm việc tại Công ty N được 20 năm.

Lời giải:

- Trong trường hợp chị M nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì Công ty N không phải nộp bảo hiểm xã hội cho chị M nữa.

- Vì: theo quy định tại khoản 2 điều 168 Bộ Luật Lao động năm 2019: trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 65 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy cho biết các ý kiến sau đúng hay sai. Vì sao?

a. Khi kí kết hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động có thể tự do thỏa thuận về mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

b. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội là những nội dung không bắt buộc phải có trong một hợp đồng lao động cụ thể.

c. Người lao động chỉ có nghĩa vụ mà không có quyền trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Lời giải:

- Ý kiến a) Đúng. Vì:

+ Việc người lao động và người sử dụng lao động tự do thỏa thuận về mức lương theo công việc hoặc chức danh là biểu hiện của nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong giao kết hợp đồng lao động.

+ Theo khoản 2 điều 90 Bộ Luật Lao động: mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do chính phủ quy định.

- Ý kiến b) Sai. Vì: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội là những nội dung bắt buộc phải có trong một hợp đồng lao động cụ thể.

- Ý kiến c) Sai. Vì: tham gia bảo hiểm xã hội là quyền và nghĩa vụ của người lao động.

Luyện tập 2 trang 65 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy đọc các trường hợp sau và trả lời câu hỏi:

- Trường hợp a. Mặc dù còn gặp khó khăn về tài chính trong sản xuất kinh doanh, song Giám đốc Doanh nghiệp P vẫn ra quyết định thanh toán đầy đủ tiền lương hằng tháng cho người lao động trong doanh nghiệp theo đúng các điều khoản của hợp đồng lao động.

Hành vi của Giám đốc doanh nghiệp P có phải là thực hiện pháp luật lao động không? Vì sao?

- Trường hợp b. Giám đốc Công ty K ra quyết định thưởng cho người lao động trong Công ty mỗi người một tháng lương cơ bản và một bộ dụng cụ gia đình khi Công ty hoàn thành kế hoạch sản xuất của năm trước thời hạn.

Hành vi của Giám đốc Công ty K là thực hiện quy định của pháp luật lao động về vấn đề gì? Vì sao?

- Trường hợp c. Doanh nghiệp C không đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội mặc dù hằng tháng vẫn thu tiền bảo hiểm xã hội của người lao động trong Doanh nghiệp.

Hành vi của Doanh nghiệp C có vi phạm phạm pháp luật lao động không? Vì sao?

Lời giải:

- Trả lời câu hỏi trường hợp a) Hành vi của Giám đốc doanh nghiệp P là thực hiện đúng pháp luật lao động. Vì: theo quy định tại khoản 1 điều 94 Bộ Luật Lao động năm 2019: người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.

- Trả lời câu hỏi trường hợp b) Hành vi của Giám đốc Công ty K là thực hiện quy định của pháp luật lao động về vấn đề thưởng cho người lao động. Vì: theo quy định tại điều 104 Bộ Luật Lao động năm 2019:

+ Người sử dụng lao động có thể căn cứ vào: kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động để thưởng người lao động.

+ Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc.

- Trả lời câu hỏi trường hợp c) Hành vi của Doanh nghiệp C đã vi phạm phạm pháp luật lao động. Vì: theo quy định tại khoản 1 điều 168 Bộ Luật Lao động năm 2019: người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Luyện tập 3 trang 65 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy tư vấn cho chị N cách thức để có thể chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty X trong trường hợp sau:

Trường hợp. Chị N là người lao động trong Công ty X. Do được bạn giới thiệu cho một việc làm mới với mức lương hấp dẫn hơn so với mức lương nhận được ở Công ty X. Chị N muốn chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty X để nhận việc làm mới.

Lời giải:

- Để có thể chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty X, chị N nên:

+ Viết đơn xin nghỉ việc và gửi đơn tới người quản lí trực tiếp/ người sử dụng lao động.

+ Báo trước về thời gian nghỉ cho người sử dụng lao động: ít nhất 45 ngày (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn) hoặc 30 ngày (đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 đến 36 tháng).

+ Trước khi nghỉ việc, cần hoàn thành tốt công việc và bàn giao lại đầy đủ công việc, dụng cụ, đồ dùng/ thiết bị được công ty cung cấp nhằm phục vụ công việc.

Vận dụng

Vận dụng trang 65 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em và nhóm học tập sưu tầm hợp đồng lao động và cho biết những điều khoản cơ bản, bắt buộc cần phải có. Theo em, nếu thiếu một trong các điều khoản đó thì hợp đồng có hiệu lực không? Vì sao?

Lời giải:

- Sưu tầm hợp đồng lao động (mẫu)

Em và nhóm học tập sưu tầm hợp đồng lao động và cho biết những điều khoản

- Những điều khoản cơ bản, bắt buộc cần phải có trong hợp đồng lao động

+ Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động.

+ Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động.

+ Công việc và địa điểm làm việc.

+ Thời hạn của hợp đồng lao động.

+ Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

+ Chế độ nâng bậc, nâng lương.

+ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

+ Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

+ Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kĩ năng nghề.

- Nếu thiếu một trong các điều khoản đó thì hợp đồng không có hiệu lực. Vì: những điều khoản trên là những điều khoản cơ bản, được quy định tại Khoản 1 Điều 21 Bộ Luật Lao động năm 2019.

Xem thêm lời giải bài tập Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 5: Một số chế định của pháp luật dân sự về hôn nhân và gia đình, thừa kế di sản

Bài 6: Một số chế định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ

Bài 7: Khái niệm, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động

Bài 8: Một số quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, tiền lương và thưởng, bảo hiểm xã hội

Bài 9: Một số quy định của pháp luật lao động về tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động

Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Chuyên đề 1: Phát triển kinh tế và sự biến đổi môi trường tự nhiên

Chuyên đề 2: Một số vấn đề về pháp luật dân sự

Chuyên đề 3: Một số vấn đề về pháp luật lao động

Đánh giá

0

0 đánh giá